Grace Christian Nguyen
Sáng Thế Ký 26:12-33
Câu gốc: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi. Ngài giữ gìn phần đã định cho tôi.” (Thi Thiên 16:5).
Câu hỏi gợi ý:
1/ Người biết đặt Chúa và ý muốn của Chúa làm điều quan trọng nhất trong đời sống của mình. Có phải là vì họ nhận biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chính phần cơ nghiệp của họ không? các con hãy giải thích vì sao đúng hoặc vì sao không.
2/ “Cái chén” mà Thánh Kinh nói đến trong câu gốc khiến các con nghĩ đến điều gì? (Các con hãy giải thích về điều đó.).
3/ Qua phân đoạn Thánh Kinh sách Sáng Thế Ký 26:12-33 các con hãy nhận xét xem I-sác có thực hành Lời Chúa và nhận được phước hạnh từ Chúa như Lời Chúa trong câu gốc không? Các con hãy dẫn chứng những điều I-sác làm cho thấy ông đã sống đúng theo Lời Chúa và cũng đã lãnh nhận ơn phước Chúa ban như câu gốc.
4/ Các con cần phải có nếp sống như thế nào để noi theo tấm gương của I-sác để Lời Chúa trong câu gốc ứng nghiệm trên các con?
Chia Sẻ:
Sáng Thế Ký 26:12-33
I-sác Thịnh Vượng Trong Xứ Ghê-ra
12 I-sác gieo hạt giống trong xứ đó; năm ấy gặt được bội trăm phần; vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban phước cho.
13 Người nên thịnh vượng, của cải càng ngày càng thêm cho đến nỗi người trở nên rất lớn.
14 Người có nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi tớ rất đông; bởi cớ ấy, dân Phi-li-tin đem lòng ganh ghét.
15 Mấy cái giếng lúc trước đầy tớ của Áp-ra-ham, cha người, đã đào, bây giờ đều bị dân Phi-li-tin lấp đất lại hết.
16 A-bi-mê-léc nói với I-sác rằng: Hãy ra khỏi nơi ta, vì ngươi thịnh vượng hơn chúng ta bội phần.
17 Vậy, I-sác bỏ chốn này đi đến đóng trại tại trũng Ghê-ra và ở đó.
18 I-sác đào lại mấy cái giếng người ta đã đào trong đời Áp-ra-ham, cha mình, mà bị dân Phi-li-tin lấp đất lại khi Áp-ra-ham qua đời, và đặt tên mấy giếng đó như tên của cha mình đã đặt.
19 Các đầy tớ của I-sác còn đào thêm giếng nơi trũng, gặp được một giếng nước mạch.
20 Nhưng bọn chăn chiên Ghê-ra tranh giành cùng bọn chăn chiên của I-sác, mà rằng: Nước đó của chúng ta; nên người đặt tên giếng này là Ê-sết. Vì bọn chăn chiên đó có tranh giành cùng mình.
21 Kế ấy, các đầy tớ đào một giếng khác, thì bị tranh giành nhau nữa; người đặt tên giếng này là Sít-na.
22 Kế đó, người bỏ chỗ đó đi đào một giếng khác; về giếng này, họ không tranh giành nhau, nên người đặt tên là Rê-hô-bốt, mà rằng: Bây giờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã để cho chúng ta được rộng rãi, và ta sẽ được thịnh vượng trong xứ.
Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Hứa với I-sác
23 I-sác ở đó đi, dời lên Bê-e-sê-ba.
24 Đêm đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với người và phán rằng: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, cha ngươi; chớ sợ gì, Ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ Ta.
25 I-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và đóng trại tại đó. Kế đó, các đầy tớ người đào một cái giếng tại nơi ấy.
I-sác và Vua A-bi-mê-léc Kết Ước với Nhau
26 Vua A-bi-mê-léc ở Ghê-ra đi đến viếng I-sác, có A-hu-sát, bạn mình, và Phi-côn, quan tổng binh mình, đi theo.
27 I-sác hỏi rằng: Các người ghét tôi, đã đuổi tôi ra khỏi nơi mình, sao còn đi đến tôi làm gì?
28 Chúng đáp rằng: Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người.
29 Hãy thề rằng: Người chẳng bao giờ làm hại chúng tôi, như chúng tôi đã không động đến người, chỉ hậu đãi người và cho đi bình an. Bây giờ người được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho.
30 I-sác bày một bữa tiệc, các người cùng ăn uống.
31 Qua ngày sau, chúng dậy sớm, lập lời thề với nhau. Rồi, I-sác đưa các người ấy đi về bình an.
32 Cùng trong ngày đó, các đầy tớ của I-sác đến đem tin cho người hay về giếng họ đã đào, rằng: Chúng tôi đã thấy có nước.
33 Người đặt tên cái giếng đó là Si-ba. Vì cớ đó nên tên thành ấy là Bê-e-sê-ba cho đến ngày nay.
Các con thương mến,
Trong phân đoạn Thánh Kinh trên chúng ta sẽ tìm hiểu ba ý chính nổi bật như sau:
1/ Thiên Chúa ban ơn xuống phước trên những người tin kính và làm theo Lời Chúa
I-sác vâng lời Thiên Chúa ở lại Ghê-ra và nuôi mình bởi sự thành tín của Chúa, được Chúa ở cùng, chăm sóc, đoái xem, ban ơn xuống phước trên công việc tay I-sác làm, khiến ông trở nên thịnh vượng, có nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi tớ rất đông, của cải càng ngày càng thêm cho đến nỗi trở nên rất lớn.
“I-sác gieo hạt giống trong xứ đó; năm ấy gặt được bội trăm phần; vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban phước cho.” (Sáng Thế Ký 26:12).
“Đêm đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với người và phán rằng: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, cha ngươi; chớ sợ gì, Ta ở cùng ngươi, sẽ ban phước cho và thêm dòng dõi ngươi, vì cớ Áp-ra-ham là tôi tớ Ta.” (Sáng Thế Ký 26:24).
Ngày nay, nếu chúng ta đồng một tâm tình, một tấm lòng yêu mến, tôn kính, hoàn toàn vâng phục và làm theo ý Chúa như tấm gương của tổ phụ Áp-ra-ham và I-sác, thì lời phán hứa trên của Chúa cũng ứng nghiệm và được Chúa thành toàn trên đời sống của chúng ta. Sự hiện diện và phước lành của Chúa sẽ luôn tuôn đổ trên đời sống của chúng ta một cách dư dật không sao tả xiết từ thuộc thể đến thuộc linh.
Như vậy bài học áp dụng chính là các con hãy trung tín giữ lòng tôn kính, tin cậy và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa trong mọi sự, để đời sống của các con luôn được có Chúa đồng hành ban ơn xuống phước và gìn giữ các con trong cánh tay toàn năng yêu thương của Ngài.
“Ai hành động thông sáng theo Lời thì sẽ tìm được sự tốt lành. Và ai trông cậy nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì được hạnh phúc.” (Châm-ngôn 16:20).
2/ Dân ngoại luôn đem lòng ganh ghét và tìm cách hủy phá công việc tay con dân Chúa làm ra
Sa-tan, ma quỷ và các thế lực của chúng ra sức phá hủy công trình sáng tạo đẹp đẽ tốt lành trọn vẹn của Chúa ngay từ buổi sáng thế. Và hàng ngàn năm qua sự đánh phá của chúng ngày càng khốc liệt, ngày càng tinh vi và độc ác càng hơn. Bằng cách xúi giục gài bẫy khiến cho loài người đánh mất dần những sự tốt đẹp theo hình và tượng của Thiên Chúa trong họ, khiến cho loài người ngày suy đồi băng hoại về đạo đức, luôn sống trong sự sợ hãi, ganh tỵ, thù ghét, áp bức, lấn lướt, gian dối… Mục đích của Sa-tan và các thế lực của chúng là làm cho loài người ngày càng ngỗ ngược chống nghịch lại Thiên Chúa và con dân của Chúa, khiến cho loài người phải bị xa cách sự vinh quang và sức mạnh của Chúa.
Lời người chăn giảng dạy: Chỉ có hai loại người trong thế gian, một là tin kính Chúa và thuộc về Chúa, hai là không tin kính Chúa và thuộc về thế gian, đang ở dưới quyền thống trị dẫn dắt từ các thế lực đen tối. Đó là lý do vì sao những người không tin kính Chúa luôn đem lòng ganh ghét và tìm cách hủy phá công việc tay con dân Chúa làm ra từ thuộc thể cho đến thuộc linh. Khi không đầu phục Chúa thì tự nhiên dù muốn dù không bằng cách này hay cách khác người trong thế gian sẽ bị Sa-tan và các thế lực của chúng tác động, điều khiển, ban cho sức mạnh và quyền lực khiến họ trở thành công cụ tấn công, vu khống, hủy phá các công việc của con dân Chúa, thậm chí làm tổn hại và đe dọa đến mạng sống của con dân Chúa, như cách chúng đã làm ra trên chính Đức Chúa Jesus khi Ngài mặc lấy xác thịt loài người đi lại giữa thế gian vì sự thù ghét Thiên Chúa, thù ghét những ai thuộc về Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không sợ hãi vì Đấng ở với chúng ta mạnh hơn chúng, Đấng đã chiến thắng và bẻ gãy mọi quyền lực của chúng trên chúng ta.
“Ta đã bảo các ngươi những điều đó để trong Ta các ngươi có sự bình an. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy can đảm! Ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33).
Đa-vít đã để lại tấm gương cho các con noi theo khi xưa dù chỉ là chàng thiếu niên trẻ nhưng Đa-vít trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã hiên ngang đối đầu với kẻ thù mạnh sức hơn chính mình rất nhiều lần, là gã khổng lồ Gô-li-át. Thiên Chúa là Chúa của chiến trận. Chính Ngài sẽ phó các kẻ thù nghịch trong tay các con, chính Ngài sẽ ban ơn, ban năng lực, ban sức mạnh và sự khôn ngoan thông sáng giúp các con chiến thắng mọi kẻ thù quân nghịch.
“Trong Thiên Chúa tôi tin cậy. Tôi sẽ chẳng sợ điều gì loài người làm.”(Thi Thiên 56:11).
Các con thương mến,
Ở lứa tuổi của các con hiện nay, điều mà các con phải chiến cự hằng ngày chính là bản tính xác thịt trong con người cũ. Là sự mệt mỏi, lười biếng, kiêu ngạo, ương bướng, không vâng lời, ham chơi, nói dối, thích làm theo ý riêng, không có niềm vui thích và sự ham mến trong khi học hỏi Lời Chúa, không hết lòng sống trong Lời Chúa…
Vì vậy, bài học áp dụng cho các con chính là sự tập rèn tính vâng lời và kỷ luật trong nếp sống mỗi ngày qua từng việc làm nhỏ nhất. Vì bất cứ khi nào các con vâng phục và hết lòng làm y theo mọi lời giảng dạy của Chúa thì trong ơn của Chúa, trong năng lực Chúa ban các con sẽ chiến thắng các thế lực đen tối và con người xác thịt cũ trong mỗi chúng ta.
3/ Sự kiên trì bền đỗ của con dân Chúa trong mọi việc làm theo ý Chúa, làm chiếu sáng danh Chúa khiến cho người ngoại nhận biết quyền năng của Chúa
Qua sự việc Chúa hứa ở cùng I-sác và ban phước cho ông. Nhưng I-sác vẫn bị người ngoại tranh giành lấn lướt, đối xử bất công nhắc nhở chúng ta bài học: Dẫu là người thật lòng tin kính Chúa, sống trong Lời Chúa, có Chúa luôn ở cùng vẫn phải đối diện với những khó khăn, cám dỗ thử thách, với sự chống đối bách hại, tấn công lấn lướt vô lý từ những người không tin kính cùng các thế lực đen tối. Thiên Chúa cho phép những khó khăn hoạn nạn xảy ra và dùng chúng để rèn luyện những người mà Ngài muốn dùng họ cho công việc nhà Ngài như có chép: “Mọi việc hiệp lại có ích cho những ai yêu kính Đức Chúa Trời”. Điều quan trọng là khi đứng trước những khó khăn thử thách trở ngại Chúa cho phép xảy ra trên đời sống, chúng ta luôn bền lòng, kiên định, không nản lòng, không mệt mỏi, không bỏ cuộc, không nghi ngờ Chúa, không lui đi trong đức tin, không trở lại bản tính và cách hành xử theo con người xác thịt. Trái lại càng khó khăn hoạn nạn càng tin cậy Chúa càng hơn, càng vững tin phó thác hoàn toàn đời sống mình trong bàn tay quan phòng tể trị của Chúa, càng bền lòng cậy nhờ sức Chúa mà trung tín hoàn thành mọi điều Chúa muốn mình làm để khi chịu đựng được và vượt qua những sự thử thách cám dỗ, thì nhận được mọi phần phước hạnh Chúa đã định sẵn và gìn giữ cho mình.
“Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.” (Gia-cơ 1:12).
I-sác đã để lại tấm gương về nếp sống của một người biết đặt Chúa và ý muốn Chúa làm điều quan trọng nhất trong đời sống mình. Nghĩa là I-sác đã xem Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của ông. Khi ông vâng phục Chúa, bền lòng nhẫn nại ở trong xứ mà Chúa muốn, khiêm tốn, kiên trì, trung tín, nhẫn nại làm việc để xây dựng cuộc sống, hết lòng noi theo nếp sống tin kính và ra sức gìn giữ những thành quả của ông cha mình. Hành động I-sác kiên trì lần lượt đào và đặt tên những giếng nước mà Áp-ra-ham, cha của ông đã đào trước đây đã bị dân Phi-li-tin lấp bỏ cho chúng ta học biết về điều đó.
Giữa vòng dân ngoại, I-sác đã chiếu ra bản tính tốt lành của người thuộc về Chúa. Khiến cho ban đầu vua A-bi-mê-léc và dân trong xứ đối xử bất công, lấn lướt, ganh ghét đố kỵ đuổi I-sác ra khỏi xứ họ, nhưng lại bị bắt phục khi nhìn thấy quyền năng, sự quan phòng bảo vệ của Chúa trên I-sác, cuối cùng họ đã cất tiếng ngợi ca tôn vinh danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và xin được kết giao ước với I-sác.
“I-sác hỏi rằng: Các người ghét tôi, đã đuổi tôi ra khỏi nơi mình, sao còn đi đến tôi làm gì? Chúng đáp rằng: Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người.” (Sáng Thế Ký 26:27-28).
Và I-sác đã lấy lòng hiền lành mềm mại hòa nhã bày một bữa tiệc đãi họ, lập giao ước chẳng bao giờ làm hại lẫn nhau và đưa họ về bình an.
Chúng ta thấy I-sác đã sống đẹp lòng Chúa khiến cho Lời Chúa trong câu gốc: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi. Ngài giữ gìn phần đã định cho tôi.” (Thi Thiên 16:5) đã hoàn toàn ứng nghiệm trên ông.
Thánh Kinh không nói về những việc làm lớn lao nổi bật của I-sác, nhưng bằng nếp sống, I-sác cho chúng ta thấy nơi ông một tấm lòng hoàn toàn đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi còn là đứa trẻ, ông bằng lòng để cha dâng chính mình ông lên làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời. Khi lập thân ông vâng lời cha mẹ cưới người vợ mà cha mẹ đã chọn cho ông. Sau khi Áp-ra-ham cha ông qua đời, I-sác tiếp tục noi theo nếp sống tin kính của cha vâng lời Đức Chúa Trời bất chấp nạn đói và sự tấn công của những kẻ thù nghịch, ở lại trong xứ mà Chúa muốn. Lúc về già ông đã chúc phước trên hai con trai mình theo ý muốn của Đức Chúa Trời mặc dù lòng ông yêu Ê-sau. Như có chép: “Bởi đức tin, I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự sẽ đến.” (Hê-bơ-rơ 11:20). Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời phán rằng Ngài không hổ thẹn mà xưng là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sác và là Thiên Chúa của Gia-cốp.
Không nổi bật, không phô trương ồn ào nhưng I-sác đã minh chứng cho chúng ta thấy tấm gương sáng của một người âm thầm làm chứng về Chúa, chiếu sáng danh Chúa, rao truyền sự vinh quang vinh hiển của Chúa một cách sống động qua chính nếp sống tin kính Chúa của mình.
“Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, các công việc Ngài sẽ tôn vinh Ngài; những người thánh Ngài cũng sẽ tôn kính Ngài. Họ sẽ nói về sự vinh quang nước Chúa, thuật lại quyền năng của Chúa. Để tỏ ra cho con loài người biết việc quyền năng của Chúa, và sự vinh quang oai nghi của nước Ngài.” (Thi Thiên 145:10-12).
“Nguyện Đức Chúa Trời thương xót chúng tôi, và ban phước cho chúng tôi, Soi sáng mặt Ngài trên chúng tôi. Để đường lối Chúa được biết đến đất, Và sự cứu rỗi của Chúa được biết giữa các nước. Hỡi Đức Chúa Trời, nguyện các dân ngợi khen Chúa! Nguyện muôn dân ca tụng Chúa!” (Thi Thiên 67:1-3).
Nguyện Lời Chúa qua bài học hôm nay thêm lên cho các con tri thức về Thiên Chúa, thêm lên cho các con đức tin càng hơn trong đức tin, lòng yêu kính thêm lên lòng yêu kính giúp các con luôn sống đẹp lòng Chúa, chiếu sáng sự vinh quang của Chúa, trở thành nguồn phước cho nhiều người và nhận được phần phước hạnh mà Chúa đã định và gìn giữ trên các con.
Nguyện vinh quang quyền phép sự cao quý cùng hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng.
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Grace Christian Nguyen
One Reply to “Sáng Thế Ký 26:12-33”