Grace Christian Nguyen
Câu gốc: “Này là những sự các ngươi phải làm: Ai nấy hãy lấy điều thật nói với kẻ lân cận mình” (Xa-cha-ri 8:16a).
Câu hỏi gợi ý:
1/ Lời Chúa phán dạy trong câu gốc nhắc các con nhớ lại nội dung Lời Chúa trong điều răn thứ mấy của Đức Chúa Trời? Điều răn đó dạy các con điều gì?
2/ Vì sao là con dân Chúa, các con cần phải luôn luôn nói điều chân thật với người lân cận của mình?
3/ Theo sự hiểu của mình. Các con hãy cho biết người phạm tội nói dối còn thể hiện điều gì đối với kẻ lân cận mình? (Ví dụ: Khi các con nói dối cha mẹ, thì đồng thời các con còn phạm tội gì đối cùng cha mẹ của mình?)
4/ Các con có phạm tội nói dối nhiều lần không? Các con hãy cho biết vì sao?
5/ Các con hãy đưa ra lời khuyên của mình dành cho một người anh chị em trong Chúa còn phạm tội nói dối.
Bài Chia Sẻ:
Sáng Thế Ký 27:14-29
14 Vậy, Gia-cốp đi bắt hai dê con, đem lại cho mẹ, làm món ngon, tùy theo ý thích cha.
15 Kế đó, Rê-bê-ca lấy quần áo tốt nhất của Ê-sau, con trưởng nam, sẵn để trong nhà, mà mặc vào cho Gia-cốp, con út mình;
16 rồi người lấy da dê con bao hai tay và cổ, vì tay và cổ Gia-cốp không có lông.
17 Rê-bê-ca để món ngon và bánh của mình đã dọn vào tay con út mình.
18 Gia-cốp bưng đến cha mình và nói rằng: Thưa cha! I-sác đáp: Có cha đây; con là đứa nào đó?
19 Gia-cốp thưa: Tôi là Ê-sau, con trưởng nam của cha; con đã làm theo lời cha dặn bảo; xin cha dậy, ngồi ăn lấy thịt săn của con, để linh hồn cha sẽ chúc phước cho con.
20 I-sác hỏi rằng: Sao con đi săn được mau thế? Thưa rằng: Ấy nhờ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của cha khiến cho tôi gặp mau vậy.
21 I-sác nói với Gia-cốp rằng: Hỡi con! Hãy lại gần để cha rờ thử xem có phải là Ê-sau, con của cha chăng?
22 Gia-cốp lại gần I-sác; người rờ và nói rằng: Tiếng nói thì của Gia-cốp, còn hai tay lại của Ê-sau.
23 Người chẳng nhận biết, vì hai tay cũng có lông như của anh, là Ê-sau. Vậy I-sác chúc phước cho.
24 Người lại hỏi rằng: Ấy con thật là Ê-sau, con trai ta, phải chăng? Gia-cốp thưa: Phải, con đây.
25 I-sác nói: Hãy dọn cho cha ăn lấy thịt săn của con, để linh hồn cha chúc phước cho con. Gia-cốp dọn cho người ăn, cũng có đem rượu cho người uống nữa.
26 Rồi I-sác cha người nói rằng: Hỡi con! Hãy lại gần và hôn cha.
27 Gia-cốp lại gần và hôn người. I-sác đánh mùi thơm của áo con, liền chúc phước cho, và nói rằng: Này, mùi hương của con ta, khác nào mùi hương của cánh đồng mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban phước cho.
28 Nguyện Đức Chúa Trời ban cho con sương móc từ các tầng trời và sự màu mỡ của đất; được dư dật lúa mì và rượu!
29 Nguyện muôn dân phục vụ con; các quốc gia sấp mình trước con! Hãy là chủ trên các anh em của con! Nguyện các con trai của mẹ con sấp mình trước con! Ai rủa sả con sẽ bị rủa sả! Ai chúc phước cho con, sẽ được ban phước!
Các con thương mến,
Dựa theo Lời phán dạy của Chúa trong câu gốc và qua câu chuyện được chép trong sách Sáng Thế Ký 27:14-29 chúng ta nhận thấy Gia-cốp đã phạm các điều sau:
– Đồng mưu cùng mẹ nói dối và lường gạt cha mình.
– Dùng danh Chúa che đậy sự phạm tội của mình và để phục vụ cho mục đích của mình.
Nào, giờ cô mời các con cùng cô đến với Lời Chúa để học biết về những nguyên nhân có thể đã khiến cho Gia-cốp phạm những tội mà Lời Chúa dạy cho chúng ta nhận biết ở trên để rút ra cho chính chúng ta những bài học áp dụng trên bước đường theo Chúa.
Thứ nhất: Có thể vì quá ham muốn được phước từ Thiên Chúa qua lời chúc phước của cha nên Gia-cốp nghe theo lời mẹ đồng mưu nói dối và lường gạt I-sác.
Sự ham mến mọi thứ phước thiêng liêng từ trời là điều Thánh Kinh khuyên dạy con dân Chúa nên có. Như vậy sự ham mến của Gia-cốp là chính đáng và đẹp lòng Chúa. Nhưng cách thực hiện để có nó trong sự phạm tội là sai nghịch Lời Chúa và ý muốn của Chúa. Ví dụ một người đói bụng, thèm được ăn và mong muốn được ăn những món ngon là chính đáng. Nhưng nếu người đó ăn cắp, hay lường gạt người khác để có miếng ăn cho mình đó là hành vi sai trái.
Thứ hai: Bởi thân thể xác thịt loài người rất yếu đuối, nên có thể Gia-cốp vì quá tập chú vào những điều lợi cho chính mình, nên muốn đoạt lấy những điều lòng mình ham mến mà quên mệnh lệnh điều răn luật pháp của Chúa mà phạm tội.
Thứ ba: Có thể trong lúc bất ngờ Gia-cốp quên sự hiện diện, tể trị, quan phòng của Chúa nên người dùng sức riêng theo sự khôn ngoan của xác thịt để đạt được điều lòng mình khao khát.
Thứ tư: Có thể vì trong lòng Gia-cốp thiếu tình yêu thương đối với anh mình là Ê-sau nên ma quỷ lợi dụng khiến cho người sập bẫy của chúng mà vi phạm vào những điều răn dạy của Thiên Chúa.
“Mỗi người chớ chăm về những sự của riêng mình, nhưng mỗi người cũng chăm về những sự của những người khác nữa.” (Phi-líp 2:4).
Ở đây chúng ta nhận thấy Gia-cốp tuy rất ham mến những sự thiêng liêng thuộc về trời, ham mến những phước lành được ban cho từ Chúa trong giao ước mà Đấng Tự hữu Hằng Hữu đã lập và kết ước cùng tổ phụ Áp-ra-ham và I-sác cha mình. Nhưng do không biết hoàn toàn phó thác, tin cậy Chúa, do thiếu sự tỉnh thức, đặc biệt là thiếu tình yêu thương đối với Ê-sau anh trai mình. Nên Gia-cốp đã đồng tình cùng mẹ phạm tội nói dối và lường gạt cha để giành lấy được lời chúc phước từ cha. Điều đáng chú ý là Gia-cốp tin rằng những lời chúc phước của cha mình, nếu nhận được cũng có nghĩa là nhận được mọi ơn phước được ban cho từ Thiên Chúa trong giao ước của Ngài đối cùng tổ phụ Áp-ra-ham truyền lại cho dòng dõi mình. Thánh Kinh không cho chúng ta biết vì sao Gia-cốp tin kính Chúa, tin những Lời của Chúa, tin sự phước hạnh là điều được ban cho từ Chúa nhưng lại không hết lòng kêu cầu, dâng trình, phó thác và chờ đợi sự hành động của Chúa. Lời giải thích hợp lý nhất giúp chúng ta phần nào hiểu được sự quyết định và hành động của Gia-cốp có lẽ vì các nguyên nhân sau đây:
– Có thể Gia-cốp vì sự bất ngờ cộng với lòng khao khát được phước từ Chúa qua lời chúc của cha mình, nên theo phản ứng tự nhiên trong lúc không tỉnh thức Gia-cốp đã phạm tội.
– Có thể vì Gia-cốp không cai trị được bản ngã xác thịt yếu đuối của mình nên dễ dàng bị vấp phạm khi có cơ hội thuận lợi, khi ở trong môi trường cám dỗ, khi có tác nhân thúc đẩy cho sự phạm tội. Điển hình ở đây là sự bày mưu tính kế và xúi giục của mẹ cũng như sự cha mình không còn nhìn thấy rõ nữa.
– Có thể vì Gia-cốp đã thiếu tình yêu thương đối với anh trai mình là Ê-sau, nên đã giành những gì tốt nhất về cho mình.
Nhưng gồm tóm hết tất cả các nguyên nhân thì lý do lớn nhất chính là vì Gia-cốp chưa thật biết tin cậy, phó thác và nhẫn nại chờ đợi sự hành động của Chúa trên đời sống mình một cách hoàn toàn.
Thánh Kinh câu 20, 21 và câu 24 cho chúng ta thấy hai lần I-sác hỏi Gia-cốp để xác nhận ông có thật là Ê-sau không, thì cả hai lần Gia-cốp đều nói dối cha mình và khẳng định chắc rằng mình thật chính là Ê-sau.
Điều cần chú ý trong câu 20 là sau khi phạm tội nói dối, Gia-cốp đã dùng danh Chúa che đậy cho sự nói dối để đạt được mục đích của mình. Qua đó chúng ta học được rằng bất cứ khi nào chúng ta nhận biết hành vi, lời nói, cử chỉ, việc làm của mình là sai trật nhưng vẫn cố tình phạm tội vì bất cứ lý do gì, thì từ tội nhỏ ban đầu sẽ ngay lập tức dẫn đến sự phạm tội ngày càng nặng hơn.
Ví dụ một tên trộm lẻn vào nhà người khác với ý định ban đầu là trộm cắp tài sản, nhưng do tình cờ bị chủ nhà phát hiện, vì sợ sự sai phạm của mình bị bại lộ, tên trộm có thể làm tổn hại đến mạng sống của chủ nhà. Như vậy từ tội trộm cắp ban đầu có thể dẫn đến tội trầm trọng mà tên trộm không ngờ đến là giết người, khiến hậu quả cuối cùng phải nhận lãnh hình phạt tử hình. Các con thấy không? Sự sai phạm về thuộc thể mà hậu quả còn kinh khủng như thế thì về thuộc linh hậu quả còn nặng nề không thể đo lường được. Đây chính là lý do Đức Chúa Jesus Christ có phán dạy rằng:
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo các ngươi rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Mác 14:38).
Các con thương mến,
Là con dân của Chúa, nếu chúng ta cố tình phạm tội nghịch lại điều răn luật pháp của Chúa thì hậu quả thật khó lường khi bị Chúa giáng phạt hoặc bị Chúa từ bỏ khiến cho phải bị xa cách mặt Chúa, xa cách sự vinh quang và phước hạnh của Chúa. Nghĩa là phải chịu sự chết đời đời trong nơi tối tăm, khóc lóc, nghiến răng và đau đớn. Đây là điều quan trọng mỗi một người trong chúng ta cần chú ý rút ra cho chính mình bài học thuộc linh trên linh trình theo Chúa. Như đã nói trong các bài học trước: Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng để lại hậu quả rất nặng nề, thậm chí là ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu dòng dõi nối theo sau và chính người phạm tội phải nhận lãnh hậu quả, phải trả giá rất đắt cho sự phạm tội của mình.
Vì vậy, chúng ta cũng cần ghi nhớ Lời Chúa phán được chép trong sách (Xa-cha-ri 8:17) và (Ê-phê-sô 4:25) như sau:
“Chớ định sự dữ trong lòng nghịch lại kẻ lân cận; và chớ ưa sự thề dối, vì ấy đó là những điều mà Ta ghét, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy.” (Xa-cha-ri 8:17).
“Như vậy, mỗi người trong các anh chị em hãy chừa sự nói dối. Hãy nói thật với người lân cận mình, vì chúng ta là các chi thể của lẫn nhau.” (Ê-phê-sô 4:25).
Thánh Kinh không cho chúng ta biết lý do Thiên Chúa không trách phạt hay đoán định tội Gia-cốp qua những việc làm sai trật của ông. Bởi ý tưởng của Thiên Chúa chẳng phải ý tưởng của chúng ta, đường lối của loài người chúng ta chẳng phải đường lối của Thiên Chúa. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng cao hơn đường lối của chúng ta, ý tưởng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng cao hơn ý tưởng của chúng ta bấy nhiêu.
Nhưng qua điều răn luật pháp và những lời phán dạy của Chúa, chúng ta biết Thiên Chúa không tán đồng phương cách đạt được mục đích của Gia-cốp qua việc Gia-cốp phải nhận lãnh hậu quả việc làm sai trật của mình trong suốt hơn hai mươi năm liền ngay sau đó. Chúng ta cũng học được bài học về sự toàn năng, toàn tri, sự thành tín và tình yêu thương bao la của Chúa cùng những việc làm cao siêu nhiệm màu của Ngài, là những sự vượt khỏi tầm hiểu biết và suy luận của chúng ta. Dù cho loài người yếu đuối, phạm lỗi, phạm tội, bất khiết hay không sống theo ý Ngài, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vẫn thành tín trong mọi chương trình ý định của Ngài. Ngài vẫn làm thành thánh ý của Ngài trên Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp và dòng dõi con cháu của họ bởi tình yêu và quyền năng vô đối của Ngài.
Câu hỏi:
Theo sự hiểu của các con. Đặt trường hợp nếu Gia-cốp không đồng tình và không tham gia cùng mẹ trong việc lừa dối cha mình. Thì Gia-cốp có nhận được mọi ơn phước được ban cho từ Thiên Chúa như chúng ta biết ngày nay không? Vì sao?
Đáp án: Câu trả lời chắc chắn là có thậm chí là nhiều và đầy dẫy hơn bội phần trong sự giàu có vô lượng vô biên của Thiên Chúa. Nếu Ê-sau nhận được lời chúc phước từ cha mình thì Gia-cốp cũng có đủ phần phước dư dật được ban cho từ Thiên Chúa y như ý định và lời phán của Ngài trên Ê-sau và Gia-cốp khi hai người chưa được sinh ra. Bởi sự ban cho của Thiên Chúa không giới hạn và vượt quá mọi suy tưởng của loài người như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài. Sách I Cô-rinh-tô 2:9, Ê-sai 64:4 cho chúng ta biết như vậy. Cũng có thể bằng quyền năng vô đối của Chúa, Ngài ngăn trở lời chúc phước của I-sác hoặc Ngài sẽ làm thành mọi ý muốn của Ngài đã định trên Ê-sau và Gia-cốp một cách siêu nhiên. Như có chép:
“Mọi sự ban cho tốt lành cùng mọi sự giao phó trọn vẹn đều từ nơi cao và bởi Cha của Sự Sáng mà xuống. Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự xoay chuyển nào.” (Gia-cơ 1:17).
Điều quan trọng ở đây là Gia-cốp không phải nhận lãnh những hậu quả nặng nề cho việc làm sai phạm của mình.
Như vậy bài học chúng ta cần rút ra cho chính mình trên linh trình theo Chúa chính là học, đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để có thể hiểu đúng ý muốn Chúa, để có thể biết nuôi mình bằng sự thành tín của Chúa, biết đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, biết hết lòng yêu mến tin cậy Chúa, biết giữ mình trong giềng mối, điều răn, luật pháp, mệnh lệnh của Chúa và luôn sống y theo mọi lời phán dạy của Chúa. Nền tảng quan trọng giúp chúng ta tránh xa sự phạm tội và thực hành mọi Lời phán dạy của Chúa đó chính là lòng kính sợ Chúa, yêu mến Chúa trên hết mọi sự, lòng yêu thương người lân cận như mình, không chỉ chăm về lợi riêng của mình mà còn phải biết nghĩ đến lợi ích cho người khác nữa.
Nguyện Lời Chúa qua bài học hôm nay giúp các con biết giữ mình trong nếp sống đẹp lòng Chúa trong từng hành động nhỏ nhất mỗi ngày.
Nguyện Đức Thánh Linh ban cho các con sự khôn ngoan thông sáng và năng lực biết tự làm nên thánh trong mọi cách ăn ở của mình, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyện vinh quang, quyền phép, sự tôn quý duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen
One Reply to “Sáng Thế Ký 27:14-29”