Sáng Thế Ký 27:42-46; 28:1-5 Hai Tính Cách, Hai Lựa Chọn, Hai Con Đường của Sự Sống và Sự Chết

Grace Christian Nguyen

Câu gốc: “Hỡi con, hãy giữ lời răn bảo của cha, chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con.” (Châm Ngôn 6:20).

Câu hỏi gợi ý:

1/ Lời Chúa phán dạy trong câu gốc nhắc các con nhớ lại nội dung Lời Chúa trong điều răn thứ mấy của Đức Chúa Trời? Điều răn đó dạy các con điều gì?

2/ Vì sao là con dân của Chúa, các con cần phải luôn luôn vâng lời và làm theo sự dạy bảo của cha mẹ trong Chúa của mình?

3/ Theo sự hiểu của mình. Các con hãy cho biết con đường của người phạm tội bất kính đối với Chúa, bất hiếu đối với cha mẹ của mình sẽ ra sao?

4/ Các con hãy nêu lên nhận định của các con về Ê-sau và Gia-cốp qua phân đoạn Thánh Kinh được chép trong sách Sáng Thế Ký 27:42-46 và 28:1-5 dựa theo Lời dạy của Chúa trong câu gốc.

5/ Hãy chia sẻ sự hiểu của các con về kết quả của người tin kính Chúa và luôn hết lòng làm theo Lời Chúa.

Bài Chia Sẻ:

Các con thương mến,

Trước khi bước vào thì giờ suy ngẫm và tìm hiểu bài học hôm nay với chủ đề: “Hai tính cách, hai lựa chọn, hai con đường của sự sống và sự chết“, chúng ta cùng ôn lại những gì chúng ta đã học trong tuần trước vì sự tôn kính Chúa hoặc xem thường Chúa chính là khởi đầu hình thành nên tính cách và số phận của một con người trong đời này lẫn cõi đời đời. Ngoài ra còn một lý do cô được biết đó là ngay trong khi chúng ta học hỏi, đang được nhắc nhở hướng dẫn dạy dỗ về sự tôn kính sự hiện diện của Chúa thì có bạn vẫn không để tâm và không ngay lập tức thay đổi thói xấu mà mình đã phạm trước đây trong sự không tôn kính sự có mặt của Chúa trong thì giờ chúng ta nhóm lại trong danh của Ngài để thờ phượng, tôn vinh và học hỏi Lời Ngài. Lời Chúa có chép:

Vì nơi nào hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, nơi đó, Ta ở giữa họ.” (Ma-thi-ơ 18:20).

Nhóm hiệp trong danh Chúa nghĩa là ở nơi đó người ta yêu mến Ngài, tôn kính Ngài, ngưỡng vọng lên Ngài, nức lòng chờ đón sự hiện diện của Ngài bằng trọn cả tấm lòng, linh hồn và thể xác.
Tuần rồi hầu hết tất cả các con đều nhận biết sự hiện diện của Chúa trong giờ nhóm là quan trọng hơn hết mọi cuộc viếng thăm của bất cứ ai trên đất. Học biết rằng Thiên Chúa Công Chính Thánh Khiết không hiện diện ở những nơi mà người ta xem thường Ngài đúng không nào?

Vậy, câu hỏi ôn tập cô dành cho các con hôm nay như sau:

1/ Bởi đâu mà một người hèn mọn không xứng đáng chi như chúng ta lại được ra mắt, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa Toàn Năng Vĩ Đại? Đấng toàn quyền tể trị trên muôn loài vạn vật?

Đáp án: Không phải bởi chúng ta tốt lành, đáng yêu mà chỉ bởi lòng nhân từ thương xót vô lượng vô biên Đức Chúa Cha ban cho chúng ta trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Bởi Đấng Christ đã yêu thương hy sinh cứu chuộc chúng ta bằng chính máu thánh khiết vô tội của Ngài. Bởi tình yêu vô bờ trong sự hành động của Đức Thánh Linh trên đời sống của mỗi một chúng ta.

2/ Vì sao mỗi một chúng ta cần phải tôn kính sự hiện diện của Chúa, đặc biệt là trong thì giờ chúng ta nhóm lại trong danh của Ngài?

Đáp án: Để có thể ghi nhớ và thuộc nằm lòng các con chỉ cần ghi nhớ ngắn gọn như sau: Vì Chúa là Thiên Chúa, vì chúng ta mang ơn Ngài, và tôn kính Chúa chính là bổn phận của chúng ta, nhất là đối với những ai xưng nhận mình là con dân của Chúa, là người mang danh Chúa.
Sau đó dựa vào ba điều căn bản trên các con có thể mở rộng hơn sự hiểu của mình về Thiên Chúa khi có ai hỏi các con vì sao phải tôn kính Chúa, hoặc khi các con làm chứng kêu gọi ai đó tin nhận Chúa.

Ví dụ như vì Ngài là Thiên Chúa Cực Đại, Đáng Tôn, Đáng Kính Sợ, vì lòng biết ơn của chúng ta đối với tình yêu bao la vô bờ bến mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã làm ra, đã ban xuống trên đời sống của chúng ta trong ơn tha thứ tội lỗi, ơn cứu chuộc ra khỏi quyền lực của tội lỗi, ra khỏi án phạt của tội lỗi….và cuối cùng vì đó là bổn phận của loài người đối cùng Đấng Tạo Hóa mình khi Ngài dựng nên loài người theo hình và tượng của Ngài để tôn vinh sự vinh quang của Ngài.

Đây chính là ba nguyên tắc mà các con phải hiểu, phải ghi nhớ. Vì người không biết kính sợ Chúa, không biết ơn Chúa, không nhận biết bổn phận của mình đối với Chúa thì người đó cũng sẽ không có năng lực và sự hiểu biết được ban cho từ Chúa để có thể trở thành người con luôn biết hiếu thảo vâng giữ lời răn bảo của cha, lòng không lìa bỏ các phép tắc của mẹ như Lời Chúa phán dạy trong câu gốc mà các con đã cùng nhau học và suy ngẫm suốt tuần lễ vừa qua, khi một người không tôn kính Chúa, sẽ không yêu cha mẹ là người sinh thành dưỡng dục mình, nên càng không thể yêu thương anh chị em và người lân cận theo tiêu chuẩn công chính thánh khiết yêu thương của Chúa được.

Cảm tạ ơn Chúa, cám ơn các con đã nhớ và trả lời đúng các câu hỏi ôn tập mà ban chăm sóc vừa đưa ra. Nghĩa là các con điều có sự hiểu và có ý thức được thái độ, hành vi, cử chỉ nào đúng và đẹp lòng Chúa, những thái độ việc làm nào tỏ ra sự xem thường và khinh dễ Chúa đúng không nào? Vậy sự lựa chọn và quyết định còn lại là hoàn toàn tùy thuộc vào tấm lòng của chính mỗi một các con đối cùng Thiên Chúa mình và mỗi người sẽ nhận lãnh hoặc phần thưởng, hoặc sự đoán phạt từ Chúa tùy vào mỗi đường người ấy đi, tùy vào mỗi việc người ấy làm. Vì Chúa là Đấng dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng. Như có chép:

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết! Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi. Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi” (Thi Thiên 139: 1-3).

Nào, giờ cô mời các con cùng cô suy ngẫm bài học hôm nay với chủ đề: Hai tính cách, hai lựa chọn, hai con đường của sự sống và sự chết.

1/ Hậu quả của người không tin kính Thiên Chúa dẫn đến con đường của sự hư mất.
2/ Kết quả cho người tin kính và làm theo Lời Chúa cùng phần thưởng của người ấy chính là sẽ được ở trong nơi vinh quang phước hạnh đời đời bên Chúa.

Sáng Thế Ký 27:42-46
42 Họ đem lời Ê-sau, con lớn, thuật lại cùng Rê-bê-ca, thì người sai gọi Gia-cốp, con út mình, mà nói rằng: Này, Ê-sau, anh con, định giết con để báo thù.
43 Vậy, bây giờ, hỡi con, hãy nghe lời mẹ, đứng dậy, chạy trốn qua nhà La-ban, cậu con, tại Cha-ran,
44 và hãy ở cùng người ít lâu, cho đến lúc nào cơn giận của anh con qua hết.
45 Khi cơn giận anh con bỏ qua rồi, và nó quên việc con đã gây nên với nó, thì mẹ sẽ bảo con về. Có lẽ đâu mẹ phải chịu mất cả hai đứa trong một ngày ư?
46 Rê-bê-ca nói với I-sác rằng: Tôi đã chán, không muốn sống nữa, vì cớ mấy con gái họ Hếch. Nếu Gia-cốp cưới một trong mấy con gái họ Hếch mà làm vợ, tức một người con gái trong xứ như các dân đó; thôi, tôi còn sống làm gì?

Sáng Thế Ký 28:1-5
1 I-sác gọi Gia-cốp, chúc phước cho và dặn rằng: Con chớ chọn một người vợ nào hết trong nhóm con gái Ca-na-an.
2 Hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan-a-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban, là cậu con.
3 Cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phước cho con, làm con sinh sản, thêm nhiều và trở nên một đám dân đông.
4 Cầu xin Ngài ban cho con và dòng dõi con phước lành của Áp-ra-ham, để cho xứ con đã kiều ngụ sẽ làm sản nghiệp cho con, tức xứ Ngài đã ban cho Áp-ra-ham!
5 Rồi I-sác sai Gia-cốp đi qua xứ Pha-đan-a-ram, đến nhà La-ban, con trai Bê-tu-ên, vốn người A-ra-mai, lại là anh của Rê-bê-ca, mẹ của Gia-cốp và Ê-sau.

Các con thương mến,
Học về nếp sống, tính cách và sự chọn lựa của Ê-sau và Gia-cốp cho chúng ta thấy rõ hai hình ảnh trái ngược và hoàn toàn đối lập giữa bản ngã xác thịt và bản tính thuộc linh. Ê-sau đại diện cho người chọn nếp sống xác thịt, chọn làm theo ý riêng, cố chấp trong sự phạm tội khiến sự phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả là bị Chúa ghét bỏ và rủa sả cho đến đời đời.

Như có chép:

Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu.” (Ga-la-ti 6:8).

Vì nếu các anh chị em sống theo xác thịt thì các anh chị em sẽ chết! Nhưng nếu các anh chị em bởi thần trí, làm cho chết các việc của thân thể, thì các anh chị em sẽ sống.” (Rô-ma 8:13).

Lời Chúa dạy những người có tính kiêu ngạo, thích làm theo ý mình, cậy sự khôn ngoan theo tính xác thịt sẽ dễ dàng phạm tội, làm gương xấu và thường gây cớ vấp phạm cho người khác. Đường lối người rồi sẽ bị diệt vong như một cái thành hư nát không vách ngăn. Như có chép:

Người mà chẳng cai trị tâm thần mình thì giống như một cái thành bị đánh hạ, không có vách.” (Châm-ngôn 25:28).

Thánh Kinh cho chúng ta biết Gia-cốp là người nhu mì vâng phục cha mẹ, luôn làm theo ý muốn của cha mẹ, luôn hướng lòng tìm kiếm những phước hạnh thiêng liêng từ Chúa, nên dù yếu đuối vấp phạm vẫn nhận được lời chúc phước từ cha lần thứ hai còn lớn hơn lần trước y theo chương trình và ý định của Chúa, và được chính Đức Chúa Trời xưng Ngài là Đức Chúa Trời của ông và phán rằng:

Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của I-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Đức Chúa Trời không phải Thiên Chúa của những kẻ chết, nhưng của những người sống.” (Ma-thi-ơ 22:32).

Vì bất cứ những ai được thần trí của Thiên Chúa dắt dẫn, thì họ là con cái của Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:14).

Thiên Chúa đẹp lòng người có tính nhu mì, hạ mình, vâng phục. Vì người nhu mì luôn tin cậy và biết phó dâng đời sống mình trong tay Chúa. Luôn nhận biết đời sống mình thuộc về Chúa, ơn phước mình nhận lãnh được ban cho từ Chúa, nhận biết mục đích đời sống mình là để tôn vinh thờ phượng Chúa. Ngoài ra người có tính nhu mì sẽ dễ dàng nhận biết sự dạy dỗ và ý muốn của Chúa trên đời sống mình, sẽ kinh nghiệm được sự bảo vệ quan phòng của Chúa trên mình bởi người luôn đặt mình dưới sự chăm gìn, dẫn dắt và dạy dỗ của Chúa. Đức Chúa Jesus Christ phán dạy trong sách Ma-thi-ơ 5:5 rằng: “Phước cho những ai nhu mì! Vì họ sẽ thừa hưởng đất.

Ngài sẽ dẫn dắt người khiêm nhường trong sự phán xét. Ngài sẽ dạy người khiêm nhường đường lối của Ngài.” (Thi-thiên 25:9).

Đây là phần thưởng Chúa ban cho người tin kính Thiên Chúa, luôn luôn hạ mình vâng phục làm y theo mọi thánh ý Chúa.

Như vậy con đường của sự sống và sự chết đã được Lời Chúa chỉ dạy và bày tỏ tỏ tường cho tất cả mọi con dân Chúa, phần còn lại là do chính mỗi người chọn sự sống phước hạnh trong Chúa hay chọn sự chết đời đời trong nơi tối tăm đau đớn.

Các con thương mến,
Qua phân đoạn Thánh Kinh sách Sáng Thế Ký 27:42-46 và 28:1-5 chúng ta có thể tóm tắt các sự kiện như sau:

– Vì muốn bảo vệ Gia-cốp khỏi sự giận dữ của Ê-sau, I-sác và Rê-bê-ca đã bảo Gia-cốp: “Hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan-a-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban, là cậu con” “Khi cơn giận anh con bỏ qua rồi, và nó quên việc con đã gây nên với nó, thì mẹ sẽ bảo con về. Có lẽ đâu mẹ phải chịu mất cả hai đứa trong một ngày ư?” và Gia-cốp hoàn toàn vâng lời làm y theo sự dạy bảo của cha mẹ.

– Về phần Ê-sau, ông tiếp tục vấp phạm khi sống theo ý riêng, chìu theo cảm xúc xác thịt, giận dữ nuôi ý định giết em mình mà không tra xét mình trước Chúa, không nhớ đến điều răn luật pháp của Chúa, không nghĩ đến nỗi đau buồn của cha mẹ, không có tình thương và sự nhân từ đối với em mình.

– Riêng I-sác có lẽ trong lúc này đây sau khi Chúa cho phép xảy ra mọi sự, ông nhận biết ý muốn riêng cũng như tình cảm thiên vị ông dành cho Ê-sau không đúng và không đẹp ý Chúa, không thuận theo chương trình và ý định của Đức Chúa Trời nên I-sác đã hoàn toàn thuận phục ý Chúa. Ông chúc phước lần thứ hai cho Gia-cốp và sai bảo Gia-cốp hãy đứng dậy, đi qua xứ Pha-đan-a-ram, tại nhà Bê-tu-ên, ông ngoại con, và cưới ở đó một người vợ trong các con gái của La-ban, là cậu con. Cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng ban phước cho con, làm con sinh sản, thêm nhiều và trở nên một đám dân đông. Cầu xin Ngài ban cho con và dòng dõi con phước lành của Áp-ra-ham, để cho xứ con đã kiều ngụ sẽ làm sản nghiệp cho con, tức xứ Ngài đã ban cho Áp-ra-ham! (Sáng Thế Ký 28:2-4). Thánh Kinh cho chúng ta biết I-sác bởi đức tin vào trong Thiên Chúa đã không thay đổi lời chúc trên hai con. Như có chép: “Bởi đức tin, I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự sẽ đến.” (Hê-bơ-rơ 11:20).

– Còn về bà Rê-bê-ca qua câu nói: “Có lẽ đâu mẹ phải chịu mất cả hai đứa trong một ngày ư?” Vì nếu Ê-sau thực hiện được ý định giết chết Gia-cốp thì có lẽ Ê-sau sẽ phải gánh hình phạt rất nặng, có thể Ê-sau lại phải chạy trốn và lưu lạc đây đó như Ca-in, cũng có thể Ê-sau sẽ bị xử tử theo luật của Thiên Chúa về tội sát nhân được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12 “Người nào đánh chết một người, sẽ bị xử tử”.

Và lần này chúng ta thấy bà Rê-bê-ca đã thẳng thắn nói với chồng sự sai quấy của Ê-sau về việc đã cưới mấy con gái họ Hếch và bà không muốn Gia-cốp bắt chước hoặc lập lại sai lầm của Ê-sau. Sau khi nhận biết rõ ràng ý Chúa, và vì yêu thương vợ, I-sác đã hiểu và đồng thuận với vợ trong việc sắp xếp tương lai cho Gia-cốp.

Nhìn vào tấm gương, cách ứng xử, sự chọn lựa của I-sác, Rê-bê-ca, Ê-sau và Gia-cốp, chúng ta rút ra được cho chính mình các bài học thuộc linh như sau:

1/ Đời sống của một người theo Chúa là phải tập rèn sự kỷ luật thân thể bắt nó phải phục, phải chiến thắng cảm xúc và ý muốn theo tính xác thịt là những điều nghịch lại với ý muốn của Thiên Chúa. Như Lời Chúa phán:

Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu.” (Ga-la-ti 6:7-8).

2/ Ngoài việc hạ mình ăn năn xưng tội và cầu xin sự tha thứ từ Chúa mỗi khi phạm lỗi, phạm tội. Phải ngay lập tức thay đổi và sửa lại đường lối của mình khi nhận ra lỗi lầm, sai trật. Như có chép:

Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời! Hãy tránh khỏi những sự đó mà theo đuổi sự công chính, lòng tin kính, đức tin, tình yêu, sự nhẫn nại, và sự nhu mì.” (I Ti-mô-thê 6:11).

3/ Hết lòng tìm kiếm Chúa, tìm kiếm Lời của Chúa và thánh ý Chúa, nghĩa là tìm kiếm học hỏi để biết điều gì Chúa muốn chúng ta làm, điều gì không, điều gì thánh khiết cao trọng, thiêng liêng thuộc về trời là những sự đem đến sự sống vĩnh cửu, điều gì khiến chúng ta xa cách mặt Chúa dẫn đến ngăn trở mọi phước hạnh mà Chúa đã định sẵn trên mình và hết lòng cậy nhờ ơn Chúa mà bước đi trong đường lối của Chúa, gìn giữ mọi điều răn dạy của Chúa trong sự tôn kính, biết ơn Chúa. Như Lời Chúa phán:

Hỡi các ngươi là mọi kẻ nhu mì của đất, làm theo mệnh lệnh của Chúa, hãy tìm kiếm Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, tìm kiếm sự công chính, tìm kiếm sự nhu mì, hoặc giả các ngươi sẽ được giấu kín trong ngày thịnh nộ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Sô-phô-ni 2:3).

Để không trật mất phần ân điển, không đánh mất địa vị làm “Con của Đấng Rất Cao”, là “Công dân của Nước Trời. Sau bài học Hai tính cách, hai lựa chọn, hai con đường của sự sống và sự chết hôm nay, học về hậu quả của người không tin kính Thiên Chúa, học về kết quả cho người tin kính và làm theo Lời Chúa cùng những phần thưởng mà người ấy sẽ nhận lãnh.

Này các con hãy dành thời gian tra xét xem đời sống mình cần phải ngay lập tức thay đổi điều gì, cần phải tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa những điều gì. Các con hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Đời sống của mình đang giống ai? Ê-sau hay Gia-cốp? Mình muốn trở thành người như thế nào? Vâng phục và làm theo mọi lời dạy bảo của Chúa hay theo ý riêng? Đức tin của mình có bằng việc làm qua nếp sống mỗi ngày hay chỉ trên môi miệng?

Nguyện Chúa ban cho các con có sự khôn ngoan hiểu biết về Thiên Chúa càng hơn, có năng lực từ bỏ những sự thuộc về tính xác thịt để hết lòng sống theo ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa, sống để tôn vinh sự vinh quang của Chúa từ nay cho đến vĩnh cửu.

Nguyện vinh quang quyền phép sự cao quý duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen

One Reply to “Sáng Thế Ký 27:42-46; 28:1-5 Hai Tính Cách, Hai Lựa Chọn, Hai Con Đường của Sự Sống và Sự Chết”

Để lại một bình luận