Grace Christian Nguyen
Phạm Trịnh Minh Anh
Câu Gốc: “Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).
Câu hỏi gợi ý:
1. Vì sao Chúa cho phép cậu La-ban đối xử với Gia-cốp như vậy? Điều ấy đã thử thách và rèn tập cho ông đức tính tốt nào?
2. Các con nghĩ điều gì đã khiến Gia-cốp đồng ý ở với Lê-a một tuần theo ý của cậu La-ban, dù người ông yêu không phải nàng?
3. Theo các con điều gì khiến Gia-cốp vẫn đồng ý làm cho cậu La-ban thêm bảy năm nữa, tổng cộng là 14 năm, mà không trả giá, hay kêu than, giận ghét La-ban vì sự bất công của cậu làm cho mình? Các con học được từ Gia-cốp bài học gì?
4. Nếu các con gặp hoàn cảnh giống như Gia-cốp, bị người khác đối xử bất công thì các con sẽ nghĩ gì và sẽ làm gì?
5. Bài học thuộc linh các con rút ra cho mình là gì? Các con áp dụng những bài học đó vào đời sống của mình như thế nào? Hãy nêu ra những việc làm cụ thể.
Bài Chia Sẻ:
Các con thương mến,
Chúng ta đã cùng nhau suy ngẫm phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 29:21-30 đến nay là tuần thứ ba rồi. Cảm tạ Chúa vì mỗi Lời trong Thánh Kinh, mỗi câu chuyện lịch sử được Thánh Kinh ghi lại, đều dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá.
Hôm nay chúng ta sẽ học tiếp bài học thuộc linh thứ ba qua sự việc giữa La-ban và Gia-cốp với chủ đề: Sự rèn tập, thử luyện của Chúa trên con dân của Ngài.
Trong các bài trước đây, các con đã được học biết rằng: sau khi Gia-cốp phạm tội lừa cha mình là I-sác để giành lấy phước lành của anh mình là Ê-sau, thì ông đã phải rời xa gia đình. Trên đường chạy trốn để đi qua xứ Pha-đan-a-ram, khi Gia-cốp đang đi từ Bê-ê-se-ba đến Cha-ran, thì ông dừng lại nghỉ ngơi ở một nơi xa lạ. Đêm xuống ông lấy đá tại nơi đó làm gối đầu và nằm ngủ. Trong mơ, Gia-cốp thấy một cái thang bắc từ đất lên trời. Trên thang, có những thiên sứ của Chúa đi lên và xuống. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã hiện ra, đứng trên thang và phán với Gia-cốp rằng:
“Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ của ngươi, và Thiên Chúa của I-sác. Đất mà ngươi nằm trên đó, Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi của đất, tràn ra đến đông tây nam bắc. Trong ngươi và trong dòng dõi ngươi hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được phước. Này, Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó, và đem ngươi về xứ này; vì Ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi.” (Sáng Thế Ký 28:13-15).
Chúng ta thấy, từ khi Gia-cốp còn là một người đầy tội lỗi, và có nhiều lỡ lầm, Chúa đã đến với ông, chọn ông và làm ơn cho ông. Ngài hứa sẽ ban cho ông và dòng dõi của ông đất mà ông đang nằm đó. Ngài hứa sẽ ở cùng ông, và sẽ mang ông trở về xứ này. Trong giây phút cô đơn, lẻ loi, sợ hãi vì những lỗi lầm của mình đã phạm, ông đã được gặp Chúa. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thương xót ông, đến với ông và xác lập lại giao ước mà Ngài lập đối với tổ phụ của ông. Từ ngày ấy, cuộc đời của Gia-cốp đã được thay đổi, ông được Chúa thứ tha và ông đã không quên sự hiện diện của Chúa trên đời sống của mình.
Sau khi ông đến sống với La-ban, là cậu của mình, ông đã yêu mến Ra-chên. Ông đồng ý giúp việc cho cậu trong 7 năm để được cưới nàng. Thế nhưng sau 7 năm vất vả, La-ban đã lừa Gia-cốp, đưa Lê-a thay vì Ra-chên cho ông. Khi phát hiện ra mình đã bị lừa, chắc hẳn Gia-cốp đã trải qua nhiều cảm xúc phức tạp, mà chúng ta khó có thể cảm nhận hết được. Sự bội ước của La-ban chắc chắn làm Gia-cốp bị tổn thương, vì ông đã làm việc hết lòng cho cậu trong suốt bảy năm chỉ mong chờ đến ngày được đến với Ra-chên. Thế mà, Gia-cốp vẫn quản trị tốt cảm xúc của mình, ông đã không để cơn giận hay nỗi thất vọng chiếm lấy ông. Ông chỉ đến hỏi La-ban cách thẳng thắn: “Cậu đã đãi tôi cách gì vậy? Có phải vì Ra-chên mà tôi mới giúp việc cho nhà cậu chăng? Sao cậu lừa gạt tôi?” (Sáng Thế Ký 29:15b).
Có lẽ trong thời khắc biết mình bị nhầm người do bị lừa, Gia-cốp đã nhận ra đây chính là điều ông đã từng làm với cha của mình, và giờ đây đã đến lúc ông phải “gặt” những gì ông đã “gieo” ra. Chúa đã cho phép việc này xảy ra, để nhắc nhở và rèn tập Gia-cốp. Ngài muốn Gia-cốp kinh nghiệm sự bất công để có thể thấu hiểu nỗi thất vọng đau buồn ra sao khi bị người khác lường gạt. Sự cậu La-ban đã không yêu thương chân thật đối với Gia-cốp, sự phải xa cha mẹ và người thân, phải làm việc cực nhọc chính là môi trường Chúa dùng để luyện tập rèn giũa Gia-cốp. Nhờ đó Gia-cốp chiến thắng bản ngã con người cũ trước đây của chính mình, được Chúa thánh hóa và biến đổi để trở nên người có tính nhẫn nại, chịu đựng, yêu thương, hy sinh cho người khác, biết hoàn toàn tin cậy và thuận theo ý Chúa trong mọi sự chứ không làm theo ý riêng, theo sự khôn ngoan xác thịt để đạt được những điều mà mình mong muốn như xưa kia nữa.
“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng. Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại. Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.” (Gia-cơ 1:2-4).
Thật, Chúa muốn chúng ta kiên trì, nhẫn nại, trung tín, và biết ơn Ngài dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
La-ban biết Gia-cốp yêu Ra-chên, nên đã đề nghị ông làm việc thêm 7 năm nữa. Vậy nếu đồng ý thì Gia-cốp phải mất đến 14 năm giúp việc không công, vất vả cho nhà cậu mình. Nhưng Gia-cốp đã không kèo nài trả giá, mà đồng ý với La-ban giúp công thêm bảy năm nữa để nhận lấy Lê-a lẫn Ra-chên. Dù ông không yêu Lê-a như Ra-chên, nhưng ông vẫn đối xử công bằng và tử tế với nàng, vì nàng cũng đã là vợ của ông rồi. Điều ấy cho thấy Gia-cốp giờ đây đã trở nên một người đàn ông có trách nhiệm, có tình có nghĩa, và biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Thánh Kinh chép rằng:
“Gia-cốp theo lời, ở cùng Lê-a trọn một tuần, rồi La-ban gả Ra-chên con gái mình, cho chàng.” (Sáng Thế Ký 29:28).
Chúng ta cần lưu ý rằng, không phải Gia-cốp phải làm việc thêm 7 năm nữa thì La-ban mới gả Ra-chên cho, mà La-ban hứa một tuần sau sẽ gả Ra-chên cho ông, với điều kiện ông phải làm việc cho La-ban thêm bảy năm nữa. Điều đó có nghĩa là La-ban sẽ gả Ra-chên cho Gia-cốp trước, và tin rằng Gia-cốp sẽ giữ lời hứa.
Vậy điều gì đã khiến La-ban tin rằng Gia-cốp sẽ không thay lòng sau khi cưới được Ra-chên? Trong khi ông vừa mới lừa gạt Gia-cốp xong, nếu Gia-cốp cũng giống như những người khác trong thế gian, thì có lẽ Gia-cốp cũng sẽ đối xử với La-ban theo cách La-ban đã đối xử với mình, để đòi lại lẽ công bình cho mình, ông có thể cũng sẽ không giữ lời hứa với La-ban.
Lời Chúa chép:
“Nếu các ngươi làm lành cho những ai làm lành cho các ngươi, các ngươi có sự tốt lành gì? Những kẻ có tội cũng làm như vậy.” (Lu-ca 6:33).
Trong bảy năm tiếp theo, Gia-cốp đã không làm việc một cách qua loa, làm cho có. Trái lại ông đã tiếp tục kiên trì, nhẫn nại, làm việc chăm chỉ cách hết lòng cho cậu La-ban như cho chính mình, như đang làm cho Chúa. Ông đã thật sự bày tỏ tình yêu, lòng tôn kính và biết ơn Chúa trong mọi sự dù trong sự chịu bất công, ông biết phó dâng và đặt để cuộc đời của mình trong bàn tay tể trị dẫn dắt của Chúa, biết nhường sự đoán xét lẽ công bình lên cho Chúa.
Các con thương mến,
Thật dễ để chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa khi Ngài ban cho những điều tốt lành như được thuận lợi, có sức khỏe, và có nhiều niềm vui. Nhưng khi gặp sự bất công, khốn khó thì các con có bao giờ nghĩ rằng chúng ta cũng cần cảm tạ Chúa không? Vì Chúa đã cho phép những sự khó khăn không quá sức của chúng ta xảy ra, để rèn tập và giúp chúng ta được mạnh mẽ, và trưởng thành, khiến chúng ta trở nên khôn sáng, nhu mì, khiêm nhường, và có tình yêu thương giống Ngài càng hơn. Vì nếu cuộc đời chỉ toàn thuận lợi, dễ dàng thì chúng ta sẽ không biết gắng sức, kiên trì, nhẫn nại để theo đuổi điều chúng ta thật sự muốn, và cũng sẽ không có sự khiêm nhường, và biết nương cậy Chúa.
Mỗi một ngày trôi qua, chúng ta cũng đang trong quá trình rèn tập thử luyện của Chúa. Chúng ta hãy noi theo tấm gương của Gia-cốp, biết dứt khoát thay đổi và từ bỏ những gì chưa đẹp lòng Chúa, để đối đãi tử tế với mọi người, trung tín trong từng việc nhỏ và làm việc gì cũng hết lòng mà làm như là đang làm cho Chúa vậy. Khi chúng ta sống đẹp lòng Chúa, thì Ngài sẽ thành toàn mọi ý định tốt lành của Ngài trên chúng ta và chúng ta được trở nên một công cụ công bình trong tay của Ngài.
Đời sống đẹp lòng Chúa là một đời sống thể hiện tình yêu thương, lòng nhân từ, và sự chân thành, thật thà, ngay thẳng. Biết quan tâm chú ý đến lợi ích của người khác, biết trân trọng, quý mến và gìn giữ mọi sự do tay Thiên Chúa sáng tạo nên, từ con người, loài vật, cây cối cho đến môi trường xung quanh y như cách chúng ta yêu thương quan tâm đến chính bản thân mình vậy.
Những hành vi dường như rất nhỏ trong đời sống thường ngày như: Lời ăn tiếng nói và cách cư xử lễ độ tôn trọng người khác, không xem thường khinh dễ người thấp kém hay yếu thế hơn mình, giữ lòng khiêm nhường trong mọi việc, biết chăm chỉ làm việc, giữ lời mình nói, giúp đỡ người yếu đuối, biết yêu thương nhường nhịn và tha thứ những lỗi lầm của người khác, biết mang đến niềm vui cho người khác, biết ơn Chúa trong mọi sự… đều tỏ ra bản chất thật sự của con người chúng ta. Để chúng ta biết rằng, chúng ta đã thật sự xứng đáng là người được Đức Chúa Trời chọn chưa!
“Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự từ ái, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại! Nếu một người nào có sự gì phàn nàn với người khác thì hãy chịu đựng nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ các anh chị em thì các anh chị em cũng phải làm như vậy.” (Cô-lô-se 3:12-13).
Câu chuyện giữa La-ban và Gia-cốp là một bài học sống động về cách Chúa sử dụng các tình huống của cuộc sống để rèn luyện và biến đổi chúng ta, khiến chúng ta ngày càng trở nên giống Ngài.
Các con thương mến,
Chúng ta hãy ghi nhớ rằng Chúa yêu thương chúng ta, và mọi điều Ngài cho phép xảy đến với chúng ta đều vì lợi ích lâu dài của chúng ta. Chúng ta hãy học theo Gia-cốp, kiên nhẫn và vâng lời Chúa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không quên Lời Chúa dạy:
“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).
“Các anh chị em đã nhận Đấng Christ Jesus là Chúa như thế nào, thì hãy bước đi trong Ngài thế ấy. Hãy châm rễ và xây dựng nên trong Ngài! Hãy vững vàng trong đức tin như các anh chị em đã được dạy dỗ! Hãy dư dật trong sự cảm tạ!” (Cô-lô-se 2:6-7).
Giống như cây trồng được châm rễ sâu rộng trong đất để hút chất dinh dưỡng từ đất, lớn lên đơm hoa kết trái và vững vàng trước những cơn giông bão thế nào, thì con dân Chúa cũng phải nuôi mình bằng Lời Chúa thể ấy. Chúng ta cần ăn nuốt Lời Chúa mỗi ngày, vì là thức ăn thuộc linh nuôi dưỡng con người bên trong của chúng ta. Để khi đối diện với thử thách, cám dỗ, chúng ta mới có đủ đức tin, sự hiểu biết, và lòng trung tín để kiên nhẫn, vững vàng trong sự trông cậy nơi Chúa, cảm tạ Chúa không thôi. Biết rằng Chúa yêu thương, và thành tín luôn đồng hành với chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc. Khi có những việc xảy ra không đúng ý muốn của chúng ta, thì bởi tình yêu với Chúa, lòng biết ơn Chúa vì những ân huệ Ngài đã và vẫn ban cho chúng ta, sẽ lớn hơn cảm xúc thất vọng, buồn rầu, nên chúng ta có thể dâng lời tạ ơn Chúa. Đó chính là ý muốn tốt lành của Chúa trong đời sống mỗi người chúng ta. Ngài luôn có chương trình tốt lành dành cho chúng ta khi chúng ta tin cậy và vâng lời Ngài.
“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).
Câu hỏi kiểm tra sự hiểu bài:
1. Khi bị cậu của mình là La-ban lừa, Gia-cốp đã bày tỏ ra đức tính tốt nào của một người được Chúa chọn?
Trả lời: Khi bị cậu La-ban lừa, Gia-cốp đã bày tỏ các đức tính tốt sau:
– Khiêm nhường, chậm nóng giận: khi biết mình bị lừa, Gia-cốp nổi giận, không chống lại La-ban, có lẽ vì ông nhận biết đây là cách Chúa rèn tập ông. Ông chấp nhận quy luật “gieo gì gặt nấy” của Chúa, ông hạ mình xuống, trông cậy Chúa, nhường sự đoán xét lẽ công bình cho Ngài, và để Chúa tể trị cuộc đời của mình, chờ đợi Chúa bênh vực mình. Điều ấy giúp ông không làm ra những việc thiếu khôn sáng. Nếu ông nổi nóng với La-ban lúc ấy thì có lẽ ông lại phải chạy trốn, lang thang không nhà, không vợ không con, vì chắc chắn rằng ông sẽ chẳng có được Ra-chên lẫn Lê-a.
– Kiên nhẫn: Gia-cốp đã kiên trì, chịu đựng bất công tiếp tục làm việc thêm bảy năm nữa vì người ông yêu.
– Trung tín: dù La-ban thất hứa với ông, nhưng ông vẫn sống trung thực, giữ đúng lời hứa của mình.
– Yêu thương chân thành: Gia-cốp yêu Ra-chên, không ngại khó, ngại khổ vì nàng. Tình yêu của ông với Ra-chên không thay đổi sau bảy năm chờ đợi, và chăm chỉ làm việc. Tình yêu của ông vượt qua lòng thù ghét hay oán hận cha của nàng là La-ban.
– Sự thỏa lòng: dù không yêu Lê-a, nhưng ông vẫn nhận lấy nàng, thỏa lòng với sự Chúa ban cho ông. Sau này qua Lê-a, Chúa đã làm cho dòng dõi của ông thêm nhiều, nhiều chi phái lớn trong I-sơ-ra-ên đã ra từ tử cung của Lê-a. Trong đó có hai chi phái rất đặc biệt là Lê-vi và Giu-đa mà các con sẽ được học trong các bài học tiếp theo.
Câu hỏi tình huống:
2. Tình huống: Bạn A rất buồn vì bài kiểm tra vừa qua chỉ được 7 điểm, dù bạn đã chăm chỉ học tập. A cảm thấy buồn và thất vọng, nghĩ: “Tại sao mình đã cố gắng mà vẫn không được điểm cao như mong muốn?”
Câu hỏi: Nếu con là A, con có dâng lời tạ ơn Chúa trong hoàn cảnh này không? Nếu có, con sẽ tạ ơn Chúa vì điều gì?
Gợi ý:
– Con hãy tạ ơn Chúa vì con vẫn được đi học, và con vẫn còn cơ hội cho đợt kiểm tra sau.
– Con hãy tạ ơn Chúa vì qua điểm số giúp con đánh giá được sự hiểu bài của mình, nhận ra mình đã hiểu sai ở đâu, để rút kinh nghiệm cho lần sau. Vì điểm số không phải để so sánh hơn thua với người khác.
– Con hãy tạ ơn Chúa vì Ngài vẫn ở bên con, giúp con học tính kiên nhẫn, khiêm nhường và bền lòng dù không được như ý.
Điểm số không phải là tất cả, nhưng chính thái độ tốt và sự biết cố gắng của con sẽ làm đẹp lòng Chúa.
Câu hỏi tra xét:
3. Khi con thấy bạn khác có được điều gì đó mà con không có, con có tạ ơn Chúa không? Vì sao?
Gợi ý:
– Con hãy nhớ lại những ơn phước khác mà Chúa đã ban cho con, chứ đừng so sánh và cảm thấy ghen tị vì những điều con không có.
– Con hãy tạ ơn Chúa vì bạn đã được Chúa ban ơn cho bạn, và vui mừng với điều mà bạn mình có được. Vì Chúa ban phước cho mỗi người theo cách khác nhau.
– Con hãy nhớ rằng Chúa yêu thương con, và luôn ban cho con điều tốt nhất vào đúng thời điểm của Ngài. Vậy nên con hãy tạ ơn Chúa và tin cậy Ngài nhé.
Nguyện xin Lời Chúa khắc sâu vào tâm trí và lòng của các con, thánh hóa các con, ban cho các con sự thông sáng trong các hành động của mình khi biết áp dụng Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Nguyện các con luôn nhận được thật nhiều ơn phước từ nơi Chúa.
Nguyện mọi sự vinh quang, tôn quý, quyền thế đều thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của chúng ta từ nay cho đến đời đời. A-men.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Grace Christian Nguyen
Phạm Trịnh Minh Anh
One Reply to “Sáng Thế Ký 29:21-30 – Phần 3”