Grace Christian Nguyen
Câu gốc: “Vì con mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu soi xét khắp thế gian, để giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài.” (II Sử Ký 16:9a).
Câu hỏi gợi ý:
1/ Đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh trên các con hiểu ý Chúa muốn dạy các con điều gì?
2/ Bài học đó có ý nghĩa thuộc linh như thế nào, và các con áp dụng bài học đó vào đời sống theo Chúa của mình ra sao?
3/ Nếu luôn biết áp dụng và làm theo sự học hiểu Lời Chúa vào đời sống thì các con sẽ nhận được kết quả gì?
Bài chia sẻ:
Sáng Thế Ký 29:31-35
31 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thấy Lê-a bị ghét, cho nàng sinh sản; còn Ra-chên lại son sẻ.
32 Lê-a thụ thai, sinh một con trai, đặt tên Ru-bên; vì nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thấy sự cực khổ tôi; bây giờ chồng sẽ yêu mến tôi.
33 Nàng thụ thai nữa và sinh một con trai, đặt tên Si-mê-ôn; vì nói rằng. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có nghe biết tôi bị ghét, nên cho thêm đứa này.
34 Nàng thụ thai nữa và sinh một con trai; nàng rằng: Lần này chồng sẽ dính díu cùng tôi, vì tôi đã sinh cho người ba con trai; bởi cớ đó, đặt tên là Lê-vi.
35 Nàng thụ thai nữa, sinh một con trai, và nói rằng: Lần này tôi tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; vì cớ ấy, đặt tên là Giu-đa. Kế đó, nàng thôi thai nghén.
Các con thương mến,
Thánh Kinh cho chúng ta biết Lê-a không có được hình dung dáng vẻ bề ngoài xinh đẹp như nàng Ra-chên. Lời Chúa cũng không cho chúng ta biết nàng có đồng mưu cùng cha là La-ban trong sự lừa gạt Gia-cốp đánh tráo cô dâu trong đêm tân hôn hay không, hoặc có thể vì không thể cãi lại lời cha nên Lê-a phải vâng phục làm theo ý muốn của cha, hoặc có thể trước một chàng trai nhu mì, hiền lành, siêng năng, tốt bụng như Gia-cốp, mặc dù không được Gia-cốp chú ý đến nhưng Lê-a cũng đã đem lòng yêu mến và thầm khao khát có được một người chồng như vậy, hoặc cũng có thể Lê-a nhận biết mình không xinh đẹp nên theo sự khôn ngoan xác thịt Lê-a hiểu rằng kế hoạch của cha là điều tốt nhất cho mình nên đồng thuận làm theo sự sắp đặt của ông. Dù vì bất cứ lý do gì thì Lê-a cũng không phải là người Gia-cốp yêu. Nên khi bước vào cuộc hôn nhân bởi sự toan tính không ngay thẳng vì sự tư kỷ của chính mình và vì lợi ích vật chất của cha mình, bà Lê-a đã không thật sự có được vị trí trong trái tim của Gia-cốp như lẽ thường một người vợ sẽ nhận được nơi chồng khi cuộc hôn nhân được xây dựng trên tình yêu và sự đồng thuận giữa một người nam và một người nữ.
Thánh Kinh chép: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thấy Lê-a bị ghét, cho nàng sinh sản.” nói lên tình cảnh đau buồn của bà Lê-a khi bà không có được tình yêu thương và niềm hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc hôn nhân này.
Khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban cho Lê-a thụ thai, sinh một con trai, đặt tên Ru-bên; vì nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã thấy sự cực khổ tôi; bây giờ chồng sẽ yêu mến tôi. Kế tiếp Lê-a thụ thai nữa và sinh một con trai, đặt tên Si-mê-ôn; vì nói rằng. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có nghe biết tôi bị ghét, nên cho thêm đứa này. Rồi bà thụ thai nữa và sinh một con trai; nên bà nghĩ rằng: Lần này chồng sẽ dính díu cùng mình, vì bà đã sinh cho người ba con trai; bởi cớ đó, đặt tên là Lê-vi và lần thứ tư bà lại thụ thai và sinh một con trai, nên nói rằng: Lần này tôi tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; vì cớ ấy, đặt tên là Giu-đa. Kế đó, nàng thôi thai nghén.
Các con thương mến,
Diễn biến câu chuyện cho chúng ta thấy có một điều nổi bật đó chính là bà Lê-a có sự nhận biết chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng thấy, nghe và biết nỗi sầu khổ của bà, đồng thời Ngài cũng là Đấng ban cho bà những đứa con để bù đắp và an ủi bà.
Qua câu chuyện này nhắc nhở chúng ta lẽ thật: Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, Đấng mà chúng ta yêu kính tôn thờ là Đấng luôn thấy, nghe và biết mọi nan đề, mọi nỗi buồn đau, khốn khó mà chúng ta đang gánh chịu. Thật phước hạnh vô biên khi chúng ta được nương náu mình trong tình yêu thương, sự quan phòng và gìn giữ của Thiên Chúa Toàn Tri, Toàn Năng, Công Chính, Thánh Khiết và Từ Ái như vậy.
“Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).
“Vì con mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu soi xét khắp thế gian, để giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài.” (II Sử-ký 16:9a).
Các con thương mến,
Lời Chúa cho biết Lê-a có nhận biết sự Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng thấy, nghe và biết những điều đang xảy ra trong cuộc đời của bà. Tuy nhiên lúc này đây sự nhận biết Chúa, nhận biết sự làm ơn của Chúa của bà Lê-a giống như nhiều người chỉ xem Chúa như Đấng làm ơn và ban phước, nhưng lòng thì lại tập trung hướng về sự lợi cho chính mình. Lời Chúa ở đây cho chúng ta thấy bà Lê-a mong sự thấu hiểu và làm ơn của Chúa trên bà sẽ giúp bà dành được sự quan tâm chú ý và yêu thương từ Gia-cốp. Khao khát được yêu thương là điều phải lẽ, nhưng nếu bà Lê-a chỉ chú tâm tìm kiếm hạnh phúc của mình, dựa vào tấm lòng loài người thì đó không phải là phương cách đúng đắn nhất và cũng không phải là con đường đưa bà đến với sự phước hạnh thật.
Như Lời Chúa phán dạy:
“Hãy ngưng trông cậy nơi loài người, là loài có hơi thở trong lỗ mũi; vì nó có gì đáng kể?” (Ê-sai 2:22).
“Thà nương náu mình nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu còn hơn tin cậy loài người.” (Thi Thiên 118:8).
Bởi vì sự thật bất cứ ai có Chúa, tìm kiếm mặt Chúa, bước đi trong đường lối Chúa, biết đặt sự cậy trông, niềm phước hạnh và sự thỏa lòng của mình trong Chúa, thì người đó mới có hạnh phúc thật, mới có sự bình an thỏa lòng thật dù đang phải đối diện bất cứ cảnh ngộ nào trong đời sống. Bởi vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Ái là Đấng thấu hiểu mọi sự và có đủ thẩm quyền cùng năng lực làm nên mọi sự trong mọi loài, chỉ một mình Ngài mới có thể bảo vệ, che chở, giải cứu và ban phước cho người nào biết đặt lòng trông cậy nơi Ngài.
Lời Chúa phán:
“Vì người nào yêu Ta, Ta sẽ giải cứu người; Ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh Ta.” (Thi Thiên 91:14).
“Kìa, mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên những người kính sợ Ngài, ở trên những người trông cậy sự từ ái của Ngài.” (Thi Thiên 33:18).
Cảm tạ ơn Chúa, đến lần Chúa cho thụ thai thứ tư thì bà Lê-a đã nhận biết điều này, bà thôi không còn tìm kiếm và chỉ trông chờ niềm vui, sự hạnh phúc từ nơi người chồng của mình nữa. Trái lại bà Lê-a đã biết thỏa lòng trong Chúa, biết ca ngợi tôn vinh ơn Chúa và dâng lời cảm tạ lên Chúa. Thánh Kinh cho chúng ta biết vì cớ ấy bà đã đặt tên cho con là Giu-đa. Giu-đa có nghĩa là ngợi ca tôn vinh Chúa.
Bài học áp dụng đầu tiên chúng ta rút ra cho chính mình qua phân đoạn Thánh Kinh trên là:
Trong mọi giây phút của đời sống, dù vui hay buồn, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta hãy luôn hết lòng ngưỡng trông, tin cậy, phó thác đời sống mình lên sự từ ái của Thiên Chúa, hãy tìm kiếm niềm vui, sự phước hạnh và sự thỏa lòng của mình trong Chúa, là suối nguồn của sự sống và mọi ơn phước thật.
Các con thương mến,
Là con dân của Chúa chúng ta hãy luôn hướng lòng tìm kiếm những sự thiêng liêng thuộc về trời và chỉ trông cậy một mình Chúa thôi, vì Ngài là Thiên Chúa của chúng ta, ngoài Ngài chúng ta không có phước gì khác, sự thỏa lòng của chúng ta chỉ có thể có ở trong Ngài là những sự có giá trị thật và còn lại vĩnh hằng.
Kế tiếp chúng ta nhận thấy bà Lê-a ngoài lòng tha thiết mong được chồng yêu thương bà còn là người con biết vâng lời cha mẹ. Chúng ta học biết Lời Chúa dạy bổn phận làm con phải biết vâng lời cha mẹ trong Chúa của mình. Nghĩa là chúng ta sẽ hoàn toàn vâng phục và làm theo mọi ý muốn của cha mẹ, hết lòng yêu thương, hiếu kính, thuận thảo đối với cha mẹ và gắng sức làm cho cha mẹ được đẹp lòng.
Tuy nhiên có một điều chúng ta cần ghi nhớ đó là: Nếu những ý muốn của cha mẹ nghịch lại điều răn luật pháp của Chúa, thì chúng ta không thể nghe và làm theo hoặc đồng thuận hay là làm ngơ trong những việc sai trật của cha mẹ. Trái lại chúng ta phải biết dùng Lời Chúa nhỏ nhẹ giải thích và chỉ ra giúp cha mẹ nhận biết những sai phạm của mình và cần có thái độ kiên định quyết không làm theo những ý muốn sai trật đó vì bất kỳ lý do gì, giống như bà Lê-a đã dự phần vào việc gian dối lừa gạt của cha mình đối với Gia-cốp. Khi rơi vào trường hợp giống như bà Lê-a, chúng ta cần áp dụng Lời Chúa phán dạy:
“Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29b).
Các con biết không? Nếu sự Lê-a trở thành một trong những người vợ của Gia-cốp là thánh ý Chúa, thì Thiên Chúa sẽ làm thành điều đó bằng cách của Ngài. Chúng ta tin rằng khi đó bà Lê-a cũng sẽ nhận được tình yêu thương trọn vẹn từ Gia-cốp, và bà sẽ có được một đời sống hạnh phúc thỏa lòng chứ không phải một đời sống buồn tủi, tranh đua và ghen ghét với em mình như đã xảy ra. Vì vậy, các con cần ghi nhớ dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào hay trong sự cám dỗ hấp dẫn ra sao, chúng ta cũng không vì mục đích dành lấy lợi ích cho chính mình hoặc nhằm đáp ứng những tham muốn bất chính và sai trật của mình mà vi phạm và làm nghịch lại những điều răn dạy của Chúa. Trái lại, là con dân của Chúa, chúng ta phải trở nên giống Chúa, phải biết yêu thương, nhân từ, tử tế, thành thật, ngay thẳng đối đãi với mọi người y như những gì chúng ta muốn được người đối đãi với chúng ta vậy.
Lời Chúa dạy:
“Hãy chăm chú người trọn vẹn, và nhìn xem người ngay thẳng; vì cuối cùng người hòa bình có phước.” (Thi Thiên 37:37).
“Ôi Thiên Chúa tôi! Tôi biết rằng Chúa dò xét lòng người ta, và Chúa vui vẻ về sự ngay thẳng.” (I Sử Ký 29:17 a).
Như các con đã học biết, Thiên Chúa cho phép sự bất công, thiệt thòi, đau buồn xảy ra trên đời sống của chúng ta là để rèn tập thử luyện và khiến cho chúng ta ngày càng giống Chúa càng hơn trong sự công chính, thánh khiết và yêu thương. Vậy chúng ta hãy hết lòng phó thác, trông cậy vào sự hành động và quan phòng của Chúa, đừng để lòng trông cậy vào bất cứ ai, ngay cả chính bản thân chúng ta, đừng để lòng trông đợi vào những điều không chắc chắn, không chân thật khiến chúng ta thất vọng, bối rối, nghiêng ngả, nghi ngờ, vấp phạm hoặc lui đi trong đức tin, cũng đừng chiều theo bản ngã xác thịt mà toan tính và làm ra những điều bất công đối với người khác.
Vì Lời Chúa có phán:
Giê-rê-mi 17:5-8
5 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
6 Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở.
7 Phước thay cho người tin cậy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và là người mà nơi nương náu của người ấy là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
8 Nó cũng như cây trồng nơi bờ khe, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt.
Nguyện Lời Chúa thánh hóa và nuôi dưỡng các con ngày càng lớn lên trong sự tin kính Thiên Chúa, biết hoàn toàn tin cậy và phó thác đời sống mình trong cánh tay toàn năng yêu thương của Chúa trong mọi đường.
Nguyện vinh quang, quyền phép, sự cao quý cùng hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đời đời cho đến vô cùng!
Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!
Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Cô, Grace Christian Nguyen
One Reply to “Sáng Thế Ký 29:31-35”