Nguyễn Văn Hào
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xMjQ4OTg1Mjhf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA
Hỡi các anh em của tôi, nếu ai nói mình có đức tin, nhưng không có các việc làm, thì có ích lợi gì chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? (Gia-cơ 2:14).
Bài Giảng
Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đấng Christ.
Buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục học hỏi Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 1:18-25 nói về sự giáng sinh của Chúa Jesus Christ và chúng ta sẽ bắt đầu học về câu thứ 18:
18 Sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus Christ đã xảy ra như thế này: Ấy là Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép. Trước khi họ ở với nhau, thì nàng đã chịu thai bởi thánh linh.
Theo phong tục của người Do Thái và một số quốc gia thuộc khu vực Trung Đông thì cách kết hôn của họ hoàn toàn khác với phong tục của đất nước, xã hội mà chúng ta đang sống.
Đôi khi bên trai và bên gái không biết mặt nhau và họ cưới được nhau đôi khi là do bố mẹ hai bên sắp đặt và thống nhất sẵn. Thường thì người cha của chàng trai đi kiếm vợ cho con của mình, rồi khi tìm được nàng dâu ưng ý thì người cha sẽ kết ước với gia đình bên nàng dâu. Sau đó, người cha cho chàng trai đến gặp mặt nàng dâu, nói chuyện với nhau rồi sau đó họ đính kết hôn ước.
Khi họ đã thực hiện xong đính ước thì chàng trai sẽ về lại nhà mình để bắt đầu công việc gầy dựng sự nghiệp của mình, gầy dựng nhà cửa của mình,… để đón tiếp người vợ của mình về chung sống. Thường thì chàng trai mất khoảng một năm hoặc hơn một năm để thực hiện việc này. Và, đến khi người cha cảm thấy chàng trai đã hoàn thành xong sự nghiệp, xây dựng xong nhà cửa để ra riêng và đảm bảo cho đời sống vợ chồng sau này, thì người cha sẽ báo với chàng trai là đã đến lúc tổ chức đám cưới, lúc đó chàng trai mới được phép tổ chức đám cưới, rước nàng dâu về. Như vậy, chúng ta thấy phong tục cưới hỏi của người Do Thái xưa phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm quyền của người cha.
Và, trong khoảng thời gian một năm hoặc hơn một chút thì chàng trai và nàng dâu họ hầu như không có cơ hội gặp mặt nhau vì chàng trai rất bận bịu để gầy dựng sự nghiệp cho gia đình mình, trong thời gian đó họ cũng đã là vợ chồng với nhau rồi, dầu họ chưa được phép ăn ở với nhau. Ông Giô-sép và bà Ma-ri cũng như thế, họ cũng tuân thủ đúng theo phong tục cưới hỏi của người Do Thái, Thánh Kinh ghi rõ bà Ma-ri đã hứa gả cho Giô-sép nghĩa là cả hai đã có hôn ước với nhau từ trước sau đó mới về chung sống cùng nhau.
Trước khi về chung sống thì bà Ma-ri đã chịu thai nghĩa là đã mang thai trong lòng. Thánh Kinh ghi rõ bà Ma-ri chịu thai là bởi thánh linh tức là bởi quyền năng của Thiên Chúa Ngôi Ba – Đức Thánh Linh chứ không phải bởi bà Ma-ri và ông Giô-sép ăn ở với nhau để có thai trước khi chính thức về chung sống cùng nhau. Chúng ta cũng cần để ý khi nói đến việc bà Ma-ri chịu thai bởi thánh linh thì phải hiểu là Đức Chúa Jesus vốn là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, Ngài là con Đức Chúa Trời về phần xác thịt và Ngài là Thiên Chúa về phần tâm thần. Đức Chúa Jesus vì yêu thương loài người tội lỗi nên Ngài đã từ bỏ đi thẩm quyền Thiên Chúa mà trở nên con người như chúng ta, có nghĩa là khi Ngài nhập thế làm người qua sự chịu thai bởi quyền năng của Đức Thánh Linh thì Ngài mang lấy xác thịt loài người giống như chúng ta – nghĩa là một phần máu huyết, xác thịt của bà Ma-ri đã trở thành cái thai và Chúa Jesus đã hiện diện trong cái thai đó để khi thai đó được sinh ra và lớn lên thì Ngài trở thành con người như chúng ta, nhưng bản chất của Ngài là bản chất của Thiên Chúa. Do đó, Chúa Jesus cũng là Thiên Chúa nhưng Ngài cũng là một con người hoàn toàn.
19 Giô-sép chồng nàng, là người có nghĩa, chẳng muốn cho nàng mang xấu, nên định ly dị nàng cách kín đáo.
Trong xã hội lúc bấy giờ của người Do Thái, nếu một người phụ nữ không có chồng mà lại có thai thì sẽ bị xã hội lên án và người phụ nữ phải chịu án phạt, đó là bị ném đá cho đến chết vì phạm tội ngoại tình, phạm tội tà dâm.
Ông Giô-sép biết bà Ma-ri có thai và cái thai đó không bởi do ông ăn ở với bà Ma-ri mà ra, ông cảm thấy rất buồn và rất có thể ông nghĩ bà Ma-ri không trinh tiết, không trong sạch trước khi đến với ông. Chắc hẳn ông Giô-sép sẽ rất bất ngờ về điều này vì ông nghĩ rằng bà Ma-ri là người đoan trang, hiền thục và không thể có những việc làm tội lỗi được. Nhưng ông Giô-sép là người có nghĩa, ông không muốn vì chuyện này mà đưa bà Ma-ri tới chỗ chết nên ông không tố cáo bà, có lẽ ông muốn xử lý một cách nhẹ nhàng và không muốn bà Ma-ri mang xấu nên ông định ly dị bà một cách kín đáo. Trong xã hội thời đó, nếu như người chồng không muốn sống chung với vợ mình nữa thì vẫn có thể ly dị vợ mình, nhưng nếu ly dị vợ mình theo cách này thì người chồng sẽ bị mang tiếng trong xã hội vì người vợ không hề có lỗi. Ông Giô-sép đã chọn theo cách thức này, ông chấp nhận bị mang tiếng trong xã hội. Qua đó, chúng ta thấy được ông Giô-sép yêu bà Ma-ri đến mức độ nào, ông không hề tố cáo bà khi biết chuyện bà mang thai và sẵn sàng chịu mang tiếng xấu trong xã hội để ly dị bà, ông không muốn bà bị xã hội lên án, bị giết chết. Tấm lòng đạo đức, hào hiệp và khoan dung của ông Giô-sép thật là cao thượng biết bao nhất là trong xã hội rất khắc khe về phong tục, tập quán lúc bấy giờ.
20 Nhưng đang khi ông ngẫm nghĩ về việc ấy, thì kìa, thiên sứ của Chúa hiện đến với ông trong một giấc chiêm bao, phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại mà tiếp nhận Ma-ri, vợ của ngươi; vì thai ở trong nàng là bởi thánh linh.
21 Nàng sẽ sinh một trai, ngươi hãy gọi tên Ngài là JESUS; vì Ngài sẽ cứu dân của Ngài ra khỏi những tội lỗi của họ.
Phân đoạn Thánh Kinh này cho chúng ta thấy, Thiên Chúa biết được tấm lòng của ông Giô-sép nên Ngài đã sai thiên sứ xuống báo tin cho ông trong giấc chiêm bao. Điều này cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng biết hết mọi sự, Ngài thấu hiểu mọi điều trong suy nghĩ, trong tư tưởng của chúng ta và chính vì Chúa biết mọi nhu cầu của chúng ta nên Ngài luôn ban cho chúng ta những ơn ích của Ngài miễn là chúng ta vâng phục Ngài. Ở đây, Thiên Chúa biết mọi suy nghĩ, trăn trở, khó khăn của ông Giô-sép nên Ngài đã sai thiên sứ đến với ông và báo cho ông biết rằng bà Ma-ri mang thai là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh chứ không phải vì ngoại tình hay ăn ở với một người nào khác mà có. Thiên sứ còn cho ông biết rằng bà sẽ sinh một con trai và sai ông phải đặt tên là Jesus vì chính Ngài sẽ cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Chữ Jesus ở đây có nghĩa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu – là Đấng Cứu Rỗi.
22 Mọi việc được xảy ra như vậy, để làm ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng:
23 Này, một gái đồng trinh sẽ chịu thai và sẽ sinh một con trai. Người ta sẽ gọi tên Ngài là Em-ma-nu-ên, nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
Hai câu Thánh Kinh này cho thấy, đây rõ ràng là sự nhận định của sứ đồ Ma-thi-ơ – tác giả Tin Lành, ông được Đức Thánh Linh thần cảm để viết những điều này: Mọi việc xảy ra như vậy, có nghĩa là những việc đang diễn ra trong thời Tân Ước về sự bà Ma-ri mang thai và sinh ra một con trai thật ứng nghiệm đúng với những gì mà các tiên tri của Chúa đã phán trong thời Cựu Uớc đó là: Một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sinh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên. (Ê-sai:7-14). Những điều Thiên Chúa tiên tri, cho biết trước trong thời Cựu Ước thì đã được ứng nghiệm trong thời Tân Ước rồi.
24 Khi Giô-sép thức dậy rồi thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã truyền, mà đem vợ về với mình,
25 nhưng không hề ăn ở với nàng; cho đến khi nàng sinh con trai đầu lòng của nàng, thì ông gọi tên Ngài là JESUS.
Chúng ta thấy rằng, ông Giô-sép là người biết vâng phục Thiên Chúa. Dầu rằng, thật khó để ông tin điều này vì chỉ nghe qua sự báo mộng của thiên sứ trong giấc chiêm bao của mình thôi và không biết sẽ như thế nào. Có thể, trong ông còn rất nhiều thắc mắc là tại sao cái thai trong bụng bà Ma-ri là do thánh linh của Chúa, rồi cái thai trong bụng sau này sinh ra sẽ là Đấng cứu thế,… rất có thể trong tâm trí ông sẽ xuất hiện những sự khó hiểu như thế này vì nó vượt quá sự hiểu biết của loài người. Tuy nhiên, ông là người biết kính sợ Chúa, người tin Chúa, sau khi thức dậy, ông vâng phục và làm ngay những điều thiên sứ đã truyền.
Qua phân đoạn Thánh Kinh này, chúng ta thấy ông Giô-sép rất tin tưởng nơi Chúa và niềm tin của ông được thể hiện bằng hành động là thực hiện ngay những gì Chúa phán thông qua thiên sứ của Ngài một cách không chần chừ. Nếu giả sử bây giờ các cháu đang rất là đói bụng vì đã hai ngày qua không có chút thức ăn gì trong bụng cả, mà chú bảo các cháu đây là chén cơm ngon lắm, rất dinh dưỡng và sẽ phục hồi sức khỏe cho các cháu ngay, các cháu có tin điều đó không, các cháu có muốn ăn chén cơm này không? Trước mặt chú, các cháu thưa có nhưng sau đó lại hành động khác đó là không dám ăn chén cơm đó vì không tin. Như vậy, các cháu vẫn tiếp tục bị đói.
Chúa dạy chúng ta rất rõ trong Lời Ngài qua sứ đồ Gia-cơ: Hỡi các anh em của tôi, nếu ai nói mình có đức tin, nhưng không có các việc làm, thì có ích lợi gì chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? (Gia-cơ 2:4).
Chúng ta là con cái của Ngài, chúng ta biết các điều răn của Ngài, chúng ta có đức tin nơi Ngài. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống, không hành động đúng theo những gì Chúa dạy thì chúng ta sẽ mất ơn phước từ nơi Ngài.
Cảm tạ Chúa, trong buổi tối ngày hôm nay chúng ta học về sự giáng sinh của Chúa, Chúa dạy cho chúng ta biết được việc Chúa Jesus xuống thế làm người trong lòng của bà Ma-ri bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, Ngài còn cho chúng ta biết được tấm lòng khoan dung, tha thứ, độ lượng của ông Giô-sép khi biết bà Ma-ri có thai khi chưa về chung sống với ông. Và, Chúa còn dạy chúng ta phải biết kính sợ Chúa và thực hiện những điều Ngài dạy trong đời sống của mình. Có như vậy, đời sống đức tin của chúng ta mới sinh hoa kết trái và mới đón nhận được nhiều ơn phước từ Thiên Chúa.
Nguyện xin tình yêu của Thiên Chúa luôn ở cùng, nhắc nhở và ban ơn cho các cháu trong việc vâng giữ và thực hiện lời Ngài. Amen.
Nguyễn Văn Hào
12/12/2015