Sự Khiêm Nhu & Lòng Yêu Thương Hòa Thuận Của Con Dân Chúa (1)

Grace Nguyễn
Priscilla Trần

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xNDI3NjU0MTJf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

“Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại.” (Cô-lô-se 3:12).

PHẦN I: THẾ NÀO LÀ KHIÊM NHU?

Các cháu yêu quý!

Là một con dân của Chúa, học tập và làm theo những lời Chúa dạy, luôn hết lòng muốn sống và thực hành theo nếp sống yêu thương khiêm nhu mà Đức Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta đã làm gương cho chúng ta noi theo khi Ngài còn ở trong hình thể con người trên đất, không chỉ là trách nhiệm của một con dân của Chúa, mà trên hết còn là vì lòng biết ơn và sự yêu kính của chúng ta đối với Chúa. Học tập và làm theo Lời Chúa còn là phước hạnh lớn lao của một con dân Chúa trên bước đường chúng ta đi theo Chúa. Bản thể của Đức Chúa Trời là tình yêu. Lòng yêu thương và sự khiêm nhu là một trong những thánh đức cao quý của Thiên Chúa, mà một con dân Chúa cần phải học tập và biết áp dụng vào trong nếp sống mỗi ngày của mình. Con dân của Chúa phải có tấm lòng yêu thương, mềm mại, khiêm nhu, nhường nhịn. Khiêm nhu có nghĩa là khiêm nhường và nhu mì. Thế nào là khiêm nhường và thế nào là nhu mì? Làm thế nào để có được sự khiêm nhường, nhu mì, nhường nhịn yêu thương bằng chính tình thương yêu giống như Chúa đã yêu thương chúng ta? Chúng ta hãy cùng nhau đi vào bài học hôm nay các cháu nhé!

Khiêm Nhu = Khiêm Nhường + Nhu Mì

  1. Thế nào là sự khiêm nhường? (Chúng ta sẽ cùng nhau đối chiếu những đặc tính giữa sự khiêm nhường và lòng kiêu ngạo để hiểu rõ hơn và dễ dàng ghi nhớ các cháu nhé!)

    Khiêm Nhường

    Kiêu Ngạo

    1A. Không khoác lác, không khoe khoang quá mức giá trị thật của mình..

    1B. Tự cho mình tài giỏi, chỉ mình mới có thể làm được.

    2A. Không đòi hỏi người khác tôn cao mình.

    2B. Làm mọi việc để lấy tiếng khen tặng của người khác nhằm tôn cao mình.

    3A. Dám công nhận công lao của mình và lời khen tặng của người khác nhưng luôn biết cám ơn và kính dâng mọi sự vinh hiển lên cho Thiên Chúa!

    3B. Giả bộ không công nhận công lao của mình và lời khen của người khác nhưng thật ra cứ muốn khơi chuyện để được khen và luôn muốn người khác khen sau lưng mình.

    Kết luận: Người khiêm nhường luôn thể hiện được các đặc tính trên.

    Kết luận: Người kiêu ngạo thường có những biểu hiện của các đặc tính nêu trên.

  2. Thế nào là sự nhu mì? (Chúng ta sẽ cùng nhau đối chiếu những đặc tính giữa sự nhu mì và lòng kiêu ngạo để hiểu rõ hơn và dễ dàng ghi nhớ các cháu nhé!)

    Nhu Mì

    Kiêu Ngạo

    1A. Luôn mềm mại, dịu dàng, nhẫn nại trong cách cư xử với mọi người xung quanh.

    1B. Hay nóng giận, to tiếng, vội vàng, nông nổi trong cách cư xử với mọi người xung quanh.

    2A. Không tranh cãi để giành phần thắng về mình cho dù mình đúng. Và lập tức biết hạ mình nhận lỗi khi nhận ra mình đã sai.

    2B. Tranh cãi, luôn muốn giành phần thắng về mình mà không cần biết đúng sai hoặc to tiếng, nạt nộ, chỉ trích người có lỗi làm cho họ mặc cảm, tổn thương.

    3A. Dùng Lời Chúa và nước mắt để nói lên lẽ phải trong tình yêu thương giúp người có lỗi nhận lỗi và sửa lỗi, cũng không im lặng vì sợ người có lỗi tự ái khi nghe mình góp ý lỗi sai của họ.

    3B. Dùng Lời Chúa để làm anh chị em có lỗi của mình đau đớn, tổn thương, và thấy hả hê vì mình không phạm tội đó.

    4A. Hết lòng tha thứ, chịu đựng những tổn thất, bất công do người có lỗi gây ra cho mình.

    4B. Không tha thứ cho người có lỗi, trả thù người có lỗi để hả giận bằng lời nói hay hành động.

    5A. Dám gọi tội là tội, dám dùng lời Chúa để quở trách anh chị em trong Chúa khi họ ngoan cố phạm tội, không sợ người có lỗi tự ái khi nghe mình góp ý lỗi sai của họ. Vì lòng yêu thương không muốn người anh chị em của mình phạm tội đối với Chúa. Và dám dứt phép thông công với những người có tội mà không chịu ăn năn.

    5B. Không dám nói tội là tội, che dậy, dung túng cho tội lỗi. Không dám dứt thông công với những người có tội mà không chịu ăn năn. Vì sợ mất lòng, vì muốn bảo vệ quyền lợi hoặc những điều có ích cho bản thân mình.

    Kết luận: Người nhu mì luôn thể hiện được những đặc tính vừa nêu trên.

    Kết luận: Người kiêu ngạo thì thường hay có những biểu hiện trên.

  3. Chúng ta đã có tấm lòng khiêm nhu chưa? (Chúng ta hãy cùng tìm cho mình lời giải đáp qua những tình huống giả định sau đây nhé!)

Giả thiết: Bạn Đa-vít là một học sinh tiểu học, bạn Đa-vít tin Chúa và luôn muốn hết lòng sống theo Lời Chúa dạy. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì trong những tình huống sau?

Tình huống 1: Sắp đến giờ vào lớp, bạn học cùng lớp với Đa-vít chưa làm bài tập về nhà nên mượn vở Đa-vít chép nộp cho cô giáo. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Tình huống 2: Đa-vít được 10 điểm trong bài kiểm tra. Còn một bạn khác học cùng lớp cũng tên Đa-vít chỉ được 8 điểm thôi. Cô giáo vào nhầm điểm của 2 bạn Đa-vít với nhau. Nếu là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Tình huống 3: Khi xếp hàng vào lớp, bạn nào ra trước sẽ đứng trước, bạn nào ra sau sẽ đứng sau, vì Đa-vít ra trước nên được đứng trước, trong khi đó bạn của Đa-vít ra sau lại chen lấn Đa-vít, đòi đứng trước. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Tình huống 4: Đa-vít là một học sinh giỏi nhất trường, Đa-vít được một người quen hỏi về học lực của mình. Nếu các con là Đa-vít, các con sẽ nói sao?

Tình huống 5: Đa-vít có một người em trai mới 3 tuổi. Mẹ mua đồ chơi cho cả 2 anh em, mỗi anh em một phần, nhưng em của Đa-vít chơi chán đồ chơi của mình, lại dành cả đồ chơi của Đa-vít nữa? Nếu các con là Đa-vít các con sẽ cảm thấy như thế nào, và các con sẽ làm gì?

Tình huống 6: Sau giờ ra chơi, Đa-vít vào lớp học thì thấy mất cây thước kẻ rất đẹp mẹ mới mua cho, nhìn sang bàn bên cạnh Đa-vít thấy có một cây thước kẻ giống y như cây thước kẻ mà mình bị mất. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Tình huống 7: Trong giờ kiểm tra , cô giáo ra ngoài có việc. Ngồi cạnh Đa-vít, là người bạn thân vì không học bài nên muốn mượn bài Đa-vít để chép. Hơn nữa, mẹ của người bạn thân đó rất quý mến Đa-vít, muốn nhờ Đa-vít giúp đỡ cho con mình học mau tiến bộ? Nếu các con là Đa-vít, các con sẽ làm gì?

*Các con thân mến, các con hãy áp dụng đức tính khiêm nhu để giúp cho bạn Đa-vít ứng xử các tình huống nêu trên nhé! Đây cũng chính là bài tập về nhà, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận trong buổi học sau, trong phần 2 của bài học “Sự Khiêm Nhu & Lòng Yêu Thương Hòa Thuận Của Con Dân Chúa “

Kết luận: Là những chiên thơ ngoan ngoãn, chân thật và rất yêu dấu của Thiên Chúa, chúng ta phải có sự khiêm nhu. Vậy làm như thế nào để chúng ta có được tấm lòng khiêm nhu? Chúng ta hãy:

  • Chuyên tâm học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện kính xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có được thiên tính ấy.

  • Mỗi khi chúng ta nhận ra mình có lỗi, dù là lỗi lớn hay nhỏ, chúng ta cũng phải biết ngay lập tức xưng tội với Chúa và xin lỗi người mà chúng ta đã phạm lỗi đối với họ, để ma quỷ không có cớ kiện cáo và dẫn dụ chúng ta sa vào tội kiêu ngạo, là nguồn gốc của mọi sự bại hoại và là điều Chúa gớm ghét nhất.

  • Mỗi khi bị hiểu lầm, chúng ta hết lòng giải thích cho người hiểu lầm mình được giải tỏa sự ấy.

  • Mỗi khi chúng ta bị xúc phạm, vì lòng yêu thương, sự hòa thuận trong Chúa, chúng ta cầu nguyện kính xin Chúa giúp cho chúng ta biết hết lòng tha thứ, chịu đựng những tổn thất mà người có lỗi gây ra cho chúng ta. Ví dụ: Khi chúng ta bị một người bạn lấy trộm cây viết của chúng ta mà bạn ấy lại nói dối là không lấy. Như vậy bạn ấy đã xúc phạm chúng ta. Trước tiên chúng ta cầu nguyện dâng trình lên Chúa, kính xin Chúa an ủi lòng chúng ta, và nguyện kính xin Chúa làm phép lạ trong tấm lòng bạn ấy, để bạn ấy cũng nhận biết Chúa và thờ phượng Chúa như chúng ta, cũng như nhận ra sự sai trái của mình để không phạm tội đó nữa. Chúng ta sẵn sàng tha thứ, không giận ghét và bỏ qua mọi chuyện, chấp nhận bị mất viết mà không cần bạn ấy phải trả lại cây viết cho chúng ta hay nhận lỗi với chúng ta.

  • Mỗi khi chúng ta nhìn thấy lỗi hoặc sự sai trái của người khác thì chúng ta mềm mại, khiêm nhường, nhẫn nại giải thích cho người có lỗi hiểu ra lỗi sai để nhận lỗi và giúp cho người ấy nhận lỗi giống như chúng ta đang dịu dàng chăm sóc một vết thương vậy. Khi người có lỗi đã sửa lỗi thì chúng ta không được nhắc lại lỗi ấy nữa, trừ khi người ấy cứ tái lại lỗi cũ.

Lời Chúa phán dạy chúng ta trong sách Cô-lô-se 3:12-14Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại. Nếu một người nào có sự gì phàn nàn với người khác thì hãy chịu đựng nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ các anh chị em thì các anh chị em cũng phải làm như vậy Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.

  1. Phần thưởng cho con dân Chúa có sự khiêm nhu.

    Chúng ta học tập và làm theo sự nhu mì và khiêm nhường của chính Đức Chúa Jesus Christ vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Ngài là Thiên Chúa toàn năng mà còn hạ mình đoái xem các tạo vật Ngài đã tạo ra thì chúng ta là ai mà chúng ta chẳng hạ mình xuống được?

    “Ai giống như Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chúng tôi? Ngôi Ngài ở trên cao;

    Ngài hạ mình xuống Để xem xét trời và đất.” (Thi Thiên 113: 5–6)

    Ngài vốn ở trong hình thể Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên ở trong hình dạng loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. (Phi-líp 2: 6-8)

    Vì biết ơn và yêu kính Chúa nên chúng ta học tập và làm theo Ngài. Mặc dù đó là trách nhiệm của chúng ta nhưng Thiên Chúa là Đấng yêu thương và công chính. Chúa luôn ban thưởng cho con dân của Chúa một cách rời rộng khi Ngài nhìn thấy con dân của Ngài biết hết lòng học tập, sống và làm theo gương khiêm nhu, mềm mại, yêu thương của Ngài. Những phần thưởng Chúa hứa ban thưởng cho chúng ta đã được chép trong Thánh Kinh đó là:

    • (Ma-thi-ơ 11: 29) Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

    • (Ma-thi-ơ 5:5) Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất!

    • (Châm ngôn 15:33) Và sự khiêm nhượng đi trước sự tôn trọng.

    • (Thi Thiên 18: 35b) Và sự hiền từ Chúa đã làm tôi nên sang trọng.

    • (Ma-thi-ơ 23: 12) Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.

Cội rễ của mọi sự là tình yêu thương: Các cháu yêu quý, vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên cội rễ của mọi sự trọn lành đều xuất phát từ tình yêu thương. Khi chúng ta được ở trong Chúa, ở trong nhà của Ngài, chúng ta sẽ yêu thương nhau một cách tự nhiên nếu chúng ta thật sự có tấm lòng kính sợ, biết ơn Chúa và luôn muốn làm theo Lời Chúa! Mỗi một anh chị em trong Chúa là một chi thể trong thân thể của Ngài, các chi thể ấy yêu thương và hòa thuận với nhau như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài học tuần sau các cháu nhé! Cô chào các cháu trong tình yêu thương của Thiên Chúa!

Nguyện kính xin Chúa ở cùng ban ơn cho các cháu luôn luôn!

Nguyện Chúa bồng ẵm, dạy dỗ các cháu trong từng tình huống mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ trong phần tìm đáp án cho các tình huống của bài học hôm nay, để bài học sau chúng ta sẽ được lắng nghe lời Chúa dạy dỗ qua từng đáp án của riêng mỗi một các cháu trong phòng nhóm thiếu nhi. Các cháu nhớ vào lại trang Thiếu Nhi Tìm Hiểu Thánh Kinh, xem lại 7 tình huống trong bài học hôm nay và tìm cho mình lời giải đáp nhé!

09/07/2016
Grace Nguyễn
Priscilla Trần


[1] Bài giảng có tham khảo từ bài Trang Sức Thánh của cô Huỳnh Christian Priscilla (Mỹ Linh) tại link: http://phunu.timhieutinlanh.net/?p=410 Cảm tạ Chúa! Cám ơn cô Mỹ Linh.