Sự Khiêm Nhu & Lòng Yêu Thương Hòa Thuận Của Con Dân Chúa (2)

Grace Nguyễn
Priscilla Trần

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các mp3 bài giảng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/bai-giang-danh-cho-thieu-nhi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/f/MV8xNDI3NjU0MTRf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://od.lk/fl/MV8xMDQ4Njg5Ml9qbWhPSA

Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” Ma-thi-ơ 5:9

Bài giảng:

Các con yêu quý,

Cảm tạ Cha chúng ta ở trên trời, Ngài lại ban cho chúng ta thêm một ngày Sa-bát phước hạnh, nhóm lại trong phòng nhóm này cùng học Lời Ngài. Hôm trước, chúng ta có một bài tập về nhà rất thú vị là 7 tình huống vận dụng tính khiêm nhu mới học, bây giờ các con cùng cô thảo luận nhé!

Giả thiết: Bạn Đa-vít là một học sinh tiểu học, bạn Đa-vít tin Chúa và luôn muốn hết lòng sống theo Lời Chúa dạy. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì trong những tình huống sau?

Tình huống 1: Sắp đến giờ vào lớp, bạn học cùng lớp với Đa-vít chưa làm bài tập về nhà nên mượn vở Đa-vít chép nộp cho cô giáo. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Phản ứng kiêu ngạo: chế giễu, cười cợt, nặng lời với bạn của mình vì bạn chưa làm bài tập về nhà, cho rằng mình giỏi nên mới làm được bài tập đó.

Phản ứng khiêm nhu: dịu dàng nói với bạn của mình là mình không thể cho bạn chép bài vì đây không phải kết quả của bạn, nhưng mình có thể giảng cho bạn hiểu bài này bây giờ nếu kịp thời gian, hoặc lúc ra chơi, hay một dịp nào đó.

Tình huống 2: Đa-vít được 10 điểm trong bài kiểm tra. Còn một bạn khác học cùng lớp cũng tên Đa-vít chỉ được 8 điểm thôi. Cô giáo vào nhầm điểm của 2 bạn Đa-vít với nhau. Nếu là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Phản ứng kiêu ngạo: Cười cợt cô giáo vì cho rằng cô là người lớn lại chỉ việc nhỏ vậy thôi mà cũng làm sai. Khó chịu, lớn tiếng với cô vì cô sai khiyêu cầu cô sửa lại.

Phản ứng khiêm nhu: nhẹ nhàng nói nhỏ với cô là cô sơ ý nên nhầm, đây là việc nhỏ, chỉ cần sửa lại là được. Các con có thể giơ tay lên khi cô giáo hỏi “Có bạn nào thắc mắc về điểm số của mình không?” hoặc gặp riêng cô trong giờ ra chơi, cuối giờ học, …

Tình huống 3: Khi xếp hàng vào lớp, bạn nào ra trước sẽ đứng trước, bạn nào ra sau sẽ đứng sau, vì Đa-vít ra trước nên được đứng trước, trong khi đó bạn của Đa-vít ra sau lại chen lấn Đa-vít, đòi đứng trước. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Phản ứng kiêu ngạo: To tiếng, la mắng bạn của mình vì đã dành chỗ đứng trước.

Phản ứng khiêm nhu: Nhẹ nhàng nói với bạn là bạn hãy ra sau theo thứ tự của mình chứ không được ăn gian là xấu, cũng có thể nhường chỗ đứng trước cho bạn ấy nếu khi chỉ có bạn ấy và mình. Nhưng nếu khi các bạn trong lớp đã xếp thành hàng dài thì mình không nên cho bạn ấy đứng trước vì như vậy không công bằng cho các bạn đứng sau bạn ấy. Mình cũng không im lặng cho qua vì như vậy là thiếu công bình, và có thể làm cho bạn ấy lại lặp lại tội đó.

Tình huống 4: Đa-vít là một học sinh giỏi nhất trường, Đa-vít được một người quen hỏi về học lực của mình. Nếu các con là Đa-vít, các con sẽ nói sao?

Phản ứng kiêu ngạo: Đa-vít nói con là một học sinh giỏi nhất trường cùng với thái độ nghênh mặt cho rằng mình hay, mình giỏi.

Phản ứng khiêm nhu: Dám công nhận học lực giỏi của mình, nhưng cũng không cần phải nói mình là học sinh giỏi nhất trường mà chỉ cần nói mình là học sinh giỏi là được. Nhưng nếu trường hợp người khác hỏi mình có phải là học sinh giỏi nhất trường hay không thì mình trả lời là có và dâng vinh hiển lên cho Chúa, vì đó là ơn Chúa ban chứ không phải tự mình có được.

Tình huống 5: Đa-vít có một người em trai mới 3 tuổi. Mẹ mua đồ chơi cho cả 2 anh em, mỗi anh em một phần, nhưng em của Đa-vít chơi chán đồ chơi của mình, lại dành cả đồ chơi của Đa-vít nữa? Nếu các con là Đa-vít các con sẽ cảm thấy như thế nào, và các con sẽ làm gì?

Phản ứng kiêu ngạo: Đánh em, la mắng, to tiếng, cười nhạo vì em sai, đã dành đồ chơi của mình. Lại đi kể với hết người này người khác như bố mẹ, cô dì chú bác, các bạn về lỗi đó của em mình.

Phản ứng khiêm nhu: Có thể nhường em vì mình lớn hơn, mình sẽ đi chơi đồ chơi khác ở nhà nếu còn, hay là làm việc gì đó khác như quét nhà, lau nhà, phụ giúp bố mẹ, hay đọc truyện tranh, … Nhưng không phải lúc nào nhường em cũng là đúng như trường hợp em chơi với ổ điện, vật sắc nhọn như dao, kéo, mà mình cũng im lặng thì không đúng mà phải nghiêm khắc với em vì em còn rất nhỏ, để em hiểu mà không làm sai nữa.

Tình huống 6: Sau giờ ra chơi, Đa-vít vào lớp học thì thấy mất cây thước kẻ rất đẹp mẹ mới mua cho, nhìn sang bàn bên cạnh Đa-vít thấy có một cây thước kẻ giống y như cây thước kẻ mà mình bị mất. Nếu các con là Đa-vít các con sẽ làm gì?

Phản ứng kiêu ngạo: Cho rằng chỉ có bạn ấy lấy cây thước kẻ của mình vì mình đã bị mất và cây thước đó rất giống cây thước mà mình mất. To tiếng, la mắng, cười nhạo bạn ấy vì cho rằng bạn ấy đã phạm tội ăn cắp.

Phản ứng khiêm nhu: Nhẹ nhàng hỏi bạn ấy là có phải đó là cây thước của bạn ấy không? Nếu bạn ấy trả lời là phải thì mình tin như vậy, vì rất có thể mẹ ấy đã mua cho bạn ấy. Và mình cũng có thể nói mình mới bị mất cây thước kẻ giống vậy, nếu bạn nhìn thấy nó rơi ở chỗ nào thì bảo mình nhé! Cũng có thể rằng lúc ra chơi, thước kẻ của mình đã bị rơi xuống đất, có một bạn nào đó trong lớp đã nhặt cây thước kẻ đó để lên bàn nhưng không biết của ai nên để nhầm sang bàn bạn bên cạnh. Cũng có thể mình đã cất cây thước kẻ trong cặp, bị kẹp vào sách mà không nhìn thấy.

Tình huống 7: Trong giờ kiểm tra , cô giáo ra ngoài có việc. Ngồi cạnh Đa-vít, là người bạn thân vì không học bài nên muốn mượn bài Đa-vít để chép. Hơn nữa, mẹ của người bạn thân đó rất quý mến Đa-vít, muốn nhờ Đa-vít giúp đỡ cho con mình học mau tiến bộ? Nếu các con là Đa-vít, các con sẽ làm gì?

Phản ứng kiêu ngạo: Lợi dụng cơ hội để chỉ bài cho bạn vì nghĩ rằng như vậy bạn sẽ được điểm cao, và mẹ của bạn ấy sẽ vui, sẽ cho mình quà trong khi bạn ấy chẳng hiểu gì về bài kiểm tra đó. Hay là to tiếng, nạt nộ, nhất quyết không cho bạn chép bài để các bạn khác trong lớp nghe thấy điều đó để cười nhạo bạn kia, và cho rằng mình giỏi nên được bạn khác hỏi bài.

Phản ứng khiêm nhu: Chúng ta không thể cho bạn chép bài hay chỉ bài cho bạn trong giờ kiểm tra vì như vậy là mình đã gian lận trong thì cử. Nhưng cũng không phải vì vậy mà mình có quyền to tiếng, cười nhạo, bêu rếu điều xấu đó của bạn mình.

PHẦN II: THẾ NÀO LÀ LÒNG YÊU THƯƠNG HÒA THUẬN CỦA CON DÂN CHÚA?

Các con yêu quý!

Trong bài học về sự kiêu ngạo và lòng tự trọng của con dân Chúa, chúng ta đã biết sự kiêu ngạo, lời dối trá, cùng những sự tranh cạnh trong vòng con dân Chúa là điều mà Chúa gớm ghét nhất, thì sự khiêm nhường, nhu mì, mềm mại, yêu thương, nhường nhịn, và hòa thuận của con dân Chúa luôn làm Ngài đẹp lòng.

Khi chúng ta yêu nhau, chính là lúc chúng ta phản chiếu được sự ngọt ngào, vinh quang rực rỡ, và sự cao đẹp của Thiên Chúa. Vậy nếu chúng ta thật yêu kính Chúa, thì chúng ta cũng phải biết học theo Chúa và sống sao cho đẹp lòng Chúa phải không các con?

1. Thiên Chúa là tình yêu!

  • Vì tình yêu, nên Ngài đã sáng tạo thế gian và muôn loài vạn vật, trong đó có chúng ta để cùng Ngài vui hưởng những sự tốt lành đó.
  • Vì tình yêu, nên Ngài đã mặc lấy xác thịt loài người để đến cùng chúng ta, dạy cho chúng ta hiểu biết về một Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Toàn Năng, Yêu Thương,  Thánh Khiết và Công Chính.
  • Vì tình yêu, nên Ngài đã hy sinh chịu chết khổ hình trên cây thập tự để cứu chuộc chúng ta ra khỏi án phạt của tội lỗi, mở cho chúng ta một con đường đi đến sự sống đời đời và để giãi bày cho chúng ta hiểu về tình yêu thiêng liêng cao đẹp lạ lùng của Thiên Chúa.

2. Sự chết chuộc tội của Chúa và tội lỗi của con người:

Chúng ta xuất thân là những tội nhân vì mẹ chúng ta hoài thai chúng ta trong tội lỗi, và tội lỗi đã làm băng hoại loài người nên tình yêu của chúng ta không còn trọn vẹn, đo đó chúng ta không còn có thể yêu thương như đáng lẽ chúng ta phải yêu nhau theo hình và ảnh của Thiên Chúa như Ngài đã yêu. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ đã đến thế gian, ban cho chúng ta cơ hội được trở lại trọn vẹn như Cha của chúng ta trên trời là trọn vẹn vậy.

Sự chết chuộc tội của Chúa trên thập tự giá Tội lỗi của chúng ta
Những đòn roi Chúa chịu Vì những hành động tội lỗi của chúng ta
Những lời sỉ nhục Chúa chịu Vì những lời nói tội lỗi của chúng ta
Sự chết Chúa chịu Vì con người cũ của chúng ta
Kết luận: Chúa gánh sự chết cho toàn thể nhân loại. Kết luận: Khi tin nhận Chúa, chúng ta được tha tội và được tái sinh thành con người mới

3. Lòng yêu thương, hòa thuận của con dân Chúa:

Thiên Chúa là tình yêu, vậy nên nếu chúng ta thật yêu kính Chúa và là một con dân chân thật của Chúa, thì chúng ta cũng phải hết lòng biết yêu thương hoà thuận lẫn nhau giữa vòng anh chị em trong Chúa và với người lân cận. Tình yêu của Chúa đã bày tỏ bằng hành động. Nếu chúng ta nói rằng mình yêu kính Chúa thì chúng ta cũng phải thể hiện qua việc làm y như Chúa vậy. Giống như đức tin, tình yêu cũng phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể, vì đức tin và tình yêu không có việc làm thì tự mình nó sẽ chết. Như khi chúng ta trồng cây thì chúng ta phải thường xuyên bón phân, tưới nước, dọn cỏ. Nếu không, thì cỏ dại sẽ mọc lấn ép làm cho cây nghẹt ngòi, không kết quả được; cây sẽ chết khô đi vì thiếu nước; và cây sẽ không sai quả được do thiếu phân bón. Trong Chúa chúng ta cũng phải thể hiện được tình yêu bằng các việc làm cụ thể qua hình thức sau:

  • Yêu kính Chúa bằng cách hoàn toàn tin cậy và vâng lời Chúa.
  • Yêu thương anh chị em trong Chúa hơn chính mình vì mỗi một chúng ta là chi thể của nhau và là chi thể của Đức Chúa Jesus Christ như lời Chúa dạy: “Bởi đó, chúng ta nhận biết tình yêu của Chúa, ấy là Chúa đã vì chúng ta mà bỏ sự sống của Ngài. Vậy, chúng ta cũng nên vì các anh chị em cùng Cha mà bỏ sự sống mình.” I Giăng 3:16
  • Yêu thương trân trọng chính bản thân mình vì thân thể chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa.
  • Yêu thương người thân, gia đình không tin Chúa: Chúng ta yêu kính cha mẹ hoặc những người thân không tin nhận Chúa vì tình yêu Chúa đã đặt để trong trái tim của chúng ta và còn là điều răn pháp luật của Thiên Chúa.
  • Yêu thương người lân cận như chính mình vì đó là mệnh lệnh và tình yêu của Chúa đối với thế gian, vì hình và ảnh của Thiên Chúa trong mỗi một con người, và còn vì chúng ta chính là con cái của tình yêu.
  • Yêu kẻ thù nghịch theo lời Chúa phán dạy chúng ta trong sách Lu-ca 6: 27-28 đã chép rằng: “Nhưng ta phán cùng các ngươi, là người nghe ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.” Thật khó để yêu kẻ thù của chúng ta phải không các con? Nhưng đó là mệnh lệnh của Chúa mà chúng ta phải tuân theo, và chính Chúa là Đấng ban thêm sức và năng lực để cho chúng ta làm được mọi sự, chỉ cần có Chúa chúng ta sẽ biết thương xót, cầu thay và tha thứ cho chính kẻ thù của mình.

4. Thế nào là sự yêu thương, hòa thuận của con dân Chúa?
Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” Ma-thi-ơ 5:9

Sự yêu thương, hòa thuận mà Chúa đặt để nơi chúng ta không chỉ dừng lại ở sự yêu thương, hòa thuận đối với các anh chị em trong Chúa, còn là trong tất cả các mối quan hệ xã hội mà chúng ta có.

Ví dụ: Bạn Đa-vít là một học sinh tiểu học, bạn Đa-vít tin Chúa và luôn muốn hết lòng sống theo Lời Chúa dạy. Đa-vít có các anh chị em trong Hội Thánh, người thân tin Chúa và người thân không tin Chúa, các bạn học cùng lớp, cùng trường, các bạn hàng xóm …

(Chúng ta cùng đối chiếu cách cư xử của bạn Đa-vít khi Đa-vít yêu thương hòa thuận với mọi người ở cột bên trái, và bạn Đa-vít không yêu thương, không hòa thuận với mọi người ở cột bên phải để thấy rõ được thế nào hành động tin cậy, vâng lời Chúa các con nhé!)

Khi Đa-vít yêu thương, hòa thuận, Đa-vít sẽ nhường nhịn, phục hòa, hoà nhã, dịu dàng, tôn trọng người khác hơn mình. Khi Đa-vít không yêu thương, không hòa thuận, Đa-vít sẽ nói xấu, gây chia rẽ, gây bất hoà, thiên vị không đúng, nông nổi, kiêu ngạo
Nhường nhịn: vui vẻ chịu thua thiệt để đem lại lợi ích cho người khác.

Ví dụ: Đa-vít vui vẻ chia đồ chơi nhiều hơn cho em trai 3 tuổi của mình trước khi em mình đòi.

“Nói xấu người khác” là nói những lời không tốt về người khác dù có đúng với sự thật hay không. [1]

Ví dụ: Bạn học ngồi bàn bên cạnh của Đa-vít ở trên trường lười học nên bị điểm kém, Đa-vít kể việc đó cho các bạn hàng xóm biết để các bạn hàng xóm xem thường, cười nhạo bạn đó.

Phục hòa: giúp cho mọi người yêu thương trở lại với nhau khi có hiểu lầm, phạm lỗi.

Ví dụ: Khi Đa-vít có hiểu lầm với bất cứ ai hay Đa-vít thấy sự hiểu lầm nào giữa các bạn của mình thì Đa-vít hết lòng giải thích để mọi người yêu thương trở lại với nhau.

Gây chia rẽ, gây bất hòa: gây ra hiểu lầm giữa mọi người với nhau để họ giận ghét nhau

Ví dụ: Đa-vít thấy 2 bạn học cùng lớp yêu thương nhau thì ghen tị nên gây ra hiểu lầm giữa 2 bạn đó để họ buồn giận nhau

Hòa nhã: nhẹ nhàng, từ tốn trong mọi việc, từ ăn uống, nói chuyện, hay làm bất cứ việc gì

Ví dụ: Mẹ mua thức ăn ngon, món mà Đa-vít yêu thích, Đa-vít cũng phải ăn từ tốn chứ không được ăn vội vã, ăn nhanh quá không kịp nhai sẽ không tốt cho sức khỏe và làm người người khác cười nhạo Đa-vít

Thiên vị không đúng: không công bằng với người khác

Ví dụ: Đa-vít có hai cái bánh, chia cho 2 người em, vì thương em Út hơn nên Đa-vít cho cả 2 bánh, còn em kia thì không được cái nào nên thèm thuồng thì nhìn em Út ăn.

Dịu dàng: nhỏ nhẹ, cẩn thận giúp người nghe luôn dễ tiếp nhận.

Ví dụ: Ngay cả khi thấy cô giáo chấm nhầm điểm cho mình, Đa-vít không vì vậy mà cười nhạo cô giáo, hay lớn tiếng với cô giáo mà nhỏ nhẹ nói với cô là cô đã nhầm điểm của mình.

Nông nổi: sốt sắng trong sự thiếu hiểu biết gây ra hậu quả liên lụy đến mọi người.

Ví dụ: Đa-vít chẳng hiểu biết gì về điện trong nhà mà cũng tự ý sửa điện, làm ổ điện bị cháy. Chính vì thế, sau này người lớn bảo Đa-vít không được làm gì làm bạn vâng lời ngay khi mình còn chưa hiểu về việc đó.

Tôn trọng người khác hơn chính mình: luôn lắng nghe mọi người, biết góp ý xây dựng khi thấy khuyết điểm của ai trong tình yêu thương hòa thuận. Kiêu ngạo: Xem bản thân mình là trên hết, không quan tâm đến người khác.

5. Khi chúng ta có được tình yêu thương, hòa thuận nhau trong Chúa thì:

  • Thiên Chúa của chúng ta sẽ đẹp lòng, Ngài vui và luôn ban ơn, bảo vệ, giữ gìn chúng ta.
  • Ma quỷ rất khiếp sợ trước tình yêu thương, sự công bình, thánh khiết của Chúa được thể hiện nơi chúng ta vì như vậy chúng không thể xâm nhập, quyến dụ, hay đánh phá bất cứ thành viên nào trong một Hội Thánh luôn biết yêu thương hiệp nhất trong Chúa.
  • Thiên sứ trên thiên đàng cũng sẽ reo vui, tôn vinh danh Thiên Chúa vì chúng ta tỏ rạng được sự vinh hiển, công bình, thánh khiết, yêu thương của Thiên Chúa qua nếp sống yêu thương lẫn nhau giữa chúng ta.
  • Thế gian kính sợ Chúa và  nơi chúng ta. nhận biết được tình yêu Thiên Chúa

6. Làm thế nào để chúng ta có được tình yêu thương, hòa thuận của con dân Chúa?

  • Trước nhất, chúng ta phải luôn luôn tin cậy, vâng lời và làm theo y như những gì Chúa đã bày tỏ, đã dạy dỗ chúng ta trong Thánh Kinh. Các con hãy dùng sự tin cậy và vâng lời để đo mức độ mình thật yêu kính Chúa của mình bao nhiêu, qua nếp sống mỗi ngày các con nhé!
  • Khi chúng ta hết lòng yêu kính Chúa, vâng giữ những điều răn pháp luật của Chúa qua 10 điều răn của Đức Chúa Trời, điều răn của Đức Chúa Jesus Christ, và điều răn của Đức Thánh Linh thì chúng ta sẽ tự nhiên ngày càng yêu kính Chúa, gần gũi Chúa hơn và yêu thương mọi người một cách lạ lùng.
  • Khi chúng ta thật sự biết yêu thương thì chúng ta sẽ có được năng lực mạnh mẽ đến từ Chúa để giúp nhau xa rời mọi tội lỗi.
  • Khi chúng ta có tấm lòng đến với Chúa, học hỏi lời Chúa, tìm kiếm Chúa hết lòng thì theo thời gian chúng ta sẽ càng kinh nghiệm được tình yêu mầu nhiệm của Chúa tuôn đổ trên chúng ta qua Hội Thánh, và chúng ta sẽ càng biết yêu thương nhau hơn.
  • Khi chúng ta yêu thương nhau bằng tình yêu thương của Chúa chúng ta sẽ sẵn lòng làm được những điều sau:

-Hy sinh lợi ích của riêng mình, sẵn sàng yêu thương, san sẻ, trao tặng những gì chúng ta có cho người khác.

– Kiên nhẫn, nhu mì, hoà thuận, tha thứ cho những người đã làm tổn hại chúng ta ngay trước khi người đó biết lỗi hoặc nói lời xin lỗi với chúng ta.

– Làm mọi điều cho người khác trong tình yêu thương giống y như Chúa đã yêu thương chúng ta, đã làm ra và ban mọi sự trên đời sống của mỗi một chúng ta vậy. Đặc biệt là rao truyền tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa đến với mọi người vì lòng chúng ta luôn khao khát muốn cho họ cũng nhận được những phước hạnh đến từ Chúa giống như chúng ta vậy.

Kết luận:

  • Tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho chúng ta: Thiên Chúa yêu kính của chúng ta đã vô cùng nhân từ thương xót. Ngài đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến. Ngài vì yêu chúng ta đã hy sinh tất cả những gì cao quý nhất của Ngài cho chúng ta, bằng một tình yêu khoan dung, nhẫn nại, hạ mình và đầy lòng thương xót mà ngôn ngữ loài người không làm sao diễn đạt cho thấu tỏ. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là người có tội, đang khi chúng ta còn chống nghịch Ngài.
  • Chúng ta đã được dựng nên theo hình và ảnh của Thiên Chúa, để làm con cái của Thiên Chúa, để tôn vinh sự cao trọng và vinh hiển của Thiên Chúa. Chúng ta phải chiếu rạng được sự vinh quang của Chúa qua nếp sống yêu thương, thánh khiết và công chính giống y như Chúa vậy.
  • Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn của mọi sự sống cho nên: Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống. Và ở đâu có sự sống, ở đó chắc chắn có sự hiện diện của tình yêu.

Nguyện kính xin tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn chảy trong trái tim của mỗi một chúng ta, để chúng ta luôn học tập và làm theo mọi điều Chúa đã làm cho chúng ta vì tình yêu trên đất nầy.

Nguyện kính xin tình yêu và ân điển của Thiên Chúa luôn bao phủ các con trong dòng sông yêu thương của Ngài, để các con luôn chiếu rạng được tình yêu, sự công bình thánh khiết của Chúa như những viên ngọc quý của nước Thiên Đàng ngay trong đời nầy.

Chúng con xin kính dâng lên Thiên Chúa yêu kính của chúng con tình yêu và lòng biết ơn vô hạn của chúng con trong danh Cứu Chúa Jesus Christ yêu dấu của chúng con! Amen!

16/07/2016
Grace Nguyễn
Priscilla Trần


[1] Trích Bài Giảng “Tật Nói Xấu Người Khác Trong Hội Thánh” của Người Chăn Huỳnh Christian Timothy tại link: http://timhieuthanhkinh.net/tat-noi-xau-nguoi-khac-trong-hoi-thanh/