Sự Kiện Con Cái Loài Người Được Gặp Chúa và Thiên Sứ

Grace Christian Nguyen

Các con thương mến,

Cảm tạ ơn Chúa cho chúng ta tuần vừa rồi được cùng nhau ôn tập và thực hành cách học, suy ngẫm và áp dụng Lời Chúa vào đời sống phần sơ lược tổng quát giúp các con ôn tập và lập nền tảng cơ bản khi học Lời Chúa. Hôm nay cậy nhờ ơn Chúa giúp chúng ta tiếp tục học ý nghĩa Lời Chúa, học và tìm ra ý muốn của Chúa trên chúng ta qua Lời Ngài trong phân đoạn Thánh Kinh là gì và đồng thời học cách áp dụng những bài học mà Chúa đã dạy dỗ chúng ta trong đời sống thực tế ra sao?

Trước khi vào bài học cô mời các con cùng nghe lại Lời Chúa chép trong sách:

Sáng Thế Ký 32:1-2
1 Gia-cốp cứ đi đường, có thiên sứ Thiên Chúa gặp người.
2 Khi Gia-cốp thấy các vị này, nói rằng: Ấy là trại quân của Thiên Chúa! Nên người đặt tên chỗ đó là Ma-ha-na-im.

Giờ cô mời các con cùng cô lần lượt chậm rãi suy ngẫm hai câu Thánh Kinh mà chúng ta đã đi qua cách sơ lược trong bài học trước.

1/ Các sự kiện lần lượt xảy ra trong câu chuyện Gia-cốp được gặp mặt các thiên sứ của Thiên Chúa: Gia-cốp cứ đi đường, Gia-cốp được gặp các thiên sứ Thiên Chúa, Gia-cốp nói ấy là trại quân của Thiên Chúa, nên người đặt tên chỗ đó là Ma-ha-na-im.
2/ Ý nghĩa và mục đích Chúa cho Gia-cốp được gặp thiên sứ của Thiên Chúa?
3/ Bài học áp dụng qua sự kiện Chúa cho Gia-cốp được gặp thiên sứ Thiên Chúa.

Nào giờ thì chúng ta sẽ cùng suy ngẫm ý chính thứ nhất:

1/ Các sự kiện lần lượt xảy ra trong câu chuyện Gia-cốp được gặp mặt các thiên sứ của Thiên Chúa: Gia-cốp cứ đi đường, Gia-cốp được gặp các thiên sứ Thiên Chúa, Gia-cốp nói ấy là trại quân của Thiên Chúa, nên người đặt tên chỗ đó là Ma-ha-na-im.

Các con thương mến,

Sáng Thế Ký 31:3 cho chúng ta biết: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Gia-cốp rằng: Hãy trở về xứ của tổ phụ ngươi, nơi các người thân của ngươi, Ta sẽ phù hộ ngươi.” và Lời Chúa trong Sáng Thế Ký 32:11 cho chúng ta biết được lòng Gia-cốp rất băn khoăn lo lắng và sợ hãi trước cuộc gặp mặt với anh Ê-sau khi trở lại quê nhà, vì Gia-cốp không biết anh Ê-sau sẽ đối xử với mình như thế nào? Vậy nên khi suy ngẫm về phân đoạn sách Sáng Thế Ký chương 32 được mở đầu bằng nhóm từ “Gia-cốp cứ đi đường” cho chúng ta ý nghĩa bài học thuộc linh rất đáng được ghi nhớ và thực hành trong đời sống theo Chúa.

Sự Gia-cốp vâng theo Lời phán bảo của Chúa trở lại quê hương, mặc dù lòng đầy sợ hãi giúp chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn sự cứ đi đường của Gia-cốp mà Thánh Kinh nói đến ở đây. Bởi vì từ “cứ” ở đây không đơn thuần là hành động tiếp diễn mà là biểu hiện của sự kiên định và lòng tin cậy Thiên Chúa, là sự trung tín làm theo Lời Chúa mặc dù cảm xúc xác thịt khiến Gia-cốp không tránh khỏi lo lắng sợ hãi, nhưng bằng một đức tin bền bỉ, mạnh mẽ và không lay chuyển đối cùng Chúa “Gia-cốp cứ đi đường”.

“Gia-cốp cứ đi đường” là hình ảnh của một người phó thác đường lối mình trong tay Chúa và không ngừng tiến bước theo ý muốn của Chúa dù con đường đó phải trải qua nhiều gian nan, thử thách, đôi khi không biết Chúa sẽ đưa mình đến đâu và điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

Nhờ đó mỗi chúng ta rút ra được cho mình bài học áp dụng qua các tấm gương của người xưa là cứ kiên định trong đức tin dù bị bắt bớ ngăn cấm. Như Đa-ni-ên cứ cầu nguyện ba lần mỗi ngày dù biết có thể sẽ phải đối diện với cái chết. Vẫn giữ lòng trung tín khi chưa thấy những lời cầu xin của mình được Chúa nhậm như An-na và Si-mê-ôn cứ chờ đợi Đấng Mê-si dù tuổi tác đã già nua. Cứ bước đi trong đức tin dù chưa thấy Chúa tái lâm, cứ giữ nếp sống thánh khiết, yêu thương, vâng phục và làm lợi ra những ta-lâng Chúa ban cho công việc nhà Chúa như thể ngày ấy sẽ đến ngay hôm nay.

Vì con mắt của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu soi xét khắp thế gian, để giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài.” (II Sử Ký 16:9).

Câu hỏi tra xét dành cho các con là: Các con hãy tra xét xem mình có trung tín trong việc sống và làm y theo những lời Chúa dạy: Cứ hiếu kính vâng lời và hết lòng giúp đỡ cha mẹ mặc dù đôi khi thân thể mệt nhọc, các con có cứ nhường nhịn anh chị em của mình dù phải chịu nhiều thiệt thòi, các con có cứ siêng năng, trung tín trong việc học, đọc và viết bài chia sẻ mặc dù chưa thấy phần thưởng cụ thể từ nơi Thiên Chúa.

Như Lời Chúa dạy:

Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt.” (Ga-la-ti 6:9).

Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống!” (Khải Huyền 2:10b).

Sau hai mươi năm trải qua thử thách, khó khăn, hoạn nạn, Gia-cốp vẫn một lòng tôn kính, tin cậy và vâng lời Thiên Chúa. Kết quả Chúa cho Gia-cốp bảy lần được gặp chính Chúa và được nhìn thấy trại quân của các thiên sứ Thiên Chúa.

Các con thương mến,
Sự kiện Thiên Chúa oai nghiêm cao siêu tuyệt đối trên các tầng trời ban cho con người được gặp mặt Ngài hoặc gặp các thiên sứ không chỉ là những sự kiện kỳ diệu trong Kinh Thánh, mà còn mang ý nghĩa thuộc linh vô cùng sâu sắc cho đời sống đức tin của con dân Chúa. Vì sự bày tỏ chính mình Ngài cho con cái loài người trước nhất nói lên tình yêu thương bao la vô bờ bến của Thiên Chúa trên đời sống của con cái loài người là loài thọ tạo đã bị xa cách sự vinh quang và sức mạnh của Chúa khi loài người phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Nói lên sự chậm giận giàu ơn và đầy dẫy ân huệ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, từ trong cõi đời đời, từ khi loài người còn sống trong sự gian ác tội lỗi của mình và không nhận biết Ngài, thì Ngài đã dùng dây nhân tình dùng xích yêu thương mà kéo chúng ta trở lại cùng Ngài, Ngài đã ban ơn cứu rỗi và con đường cứu chuộc loài người trong chương trình và ý định trọn lành của Ngài trên toàn thể nhân loại. Tình yêu, sự nhân từ, thương xót, vô lượng, vô biên của Thiên Chúa chính là lý do vì sao loài người thấp hèn làm từ bụi đất lại được Chúa cho có cơ hội được gặp chính Ngài mặt đối mặt hoặc được gặp các thiên sứ của Ngài trong suốt chiều dài lịch sử.

Như có chép:

… Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu Ta, sẽ đi và cầu nguyện Ta, và Ta sẽ nhận lời. Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:11-13).

2/ Ý Nghĩa và mục đích Chúa cho Gia-cốp được gặp Chúa và thiên sứ của Thiên Chúa

Thiên Chúa chủ động chứng tỏ sự hiện diện của Ngài, là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời đoái xem, nhìn biết, thấu hiểu và quan tâm đến con cái loài người, Ngài không xoay mặt khỏi, không xa cách nhưng Ngài chủ động bước vào lịch sử và đời sống con người, Ngài bày tỏ chính mình Ngài cùng tình yêu và ý muốn của Ngài trên những người Ngài yêu.

Như trong câu chuyện Chúa hiện ra với Áp-ra-ham để bày tỏ ý muốn của Ngài trên ông và dòng dõi ông (Sáng Thế Ký 12:1-3). Thiên sứ hiện ra với Ma-ri (Lu-ca 1:26-38) để báo tin về sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Hoặc khi Chúa muốn kêu gọi, giao phó sứ mạng hoặc lập giao ước với một người nào đó như Chúa hiện ra với Môi-se trong bụi gai cháy, kêu gọi và giao sứ mệnh dẫn dắt dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô Ký 3). Cũng có khi Chúa cho những người không tin kính Chúa gặp Chúa hoặc thiên sứ của Chúa để ngăn cản họ không thực hiện một việc ác mà lòng họ đang toan tính như trường hợp được chép:

Nhưng Thiên Chúa đến với La-ban, người A-ra-mai, trong một giấc mơ lúc ban đêm, phán với ông: Hãy coi chừng! Ngươi chớ nói một lời lành hay dữ với Gia-cốp!” (Sáng Thế Ký 31:24).

Như trường hợp Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ba lần hiện ra trên đường để ngăn cản không cho Ba-la-am đi rủa sả dân I-sơ-ra-ên. (Dân Số Ký 22). Và sự hiện ra của các thiên sứ của Chúa mà chúng ta đang học ở đây là để xác nhận kế hoạch của Chúa trên Gia-cốp, khích lệ Gia-cốp vượt qua nỗi sợ hãi, đứng vững trong đức tin và cứ bước đi trên con đường mà Chúa muốn ông đi.

Tóm tắt mục đích và ý nghĩa của việc Chúa cho con cái loài người được gặp chính Chúa hoặc các thiên sứ của Chúa:

– Giúp chúng ta hiểu rằng Chúa không chọn một người theo mắt người, nhưng theo ý muốn của Chúa vì Ngài là Đấng nhìn biết trong tấm lòng của loài người.

– Giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô đơn. Bởi Chúa là Đấng luôn biết, nghe, thấy, đoái xem và hiện diện cùng con dân của Ngài trong mọi nơi, khi họ có nếp sống tôn kính, vâng phục và hết lòng tìm kiếm Ngài.

– Cho chúng ta sự ấn chứng về năng quyền biến đổi của Chúa mà ngày nay chúng ta thường nghe nhóm từ “Quyền năng biến đổi của Tin Lành Đấng Christ”. Bởi bất cứ ai khi được gặp Chúa sẽ thật sự sống một cuộc đời khác, sẽ không còn sống cho chính mình mà là sống cho mục đích và ý muốn của Thiên Chúa.

Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta biết phản ứng chung của con người khi gặp Chúa hoặc thiên sứ của Chúa đều kinh hãi, sấp mặt xuống đất thậm chí là té xỉu. Nhất là khi gặp được chính Chúa, vì khi đó con người ý thức rõ sự vinh quang thánh khiết tuyệt đối của Thiên Chúa khiến những ai đã được gặp Chúa đều biết nhìn lại chính con người xác thịt tầm thường ô uế của mình mà ăn năn, hạ mình, và được biến đổi. Như tiên tri Ê-sai khi thấy vinh quang của Thiên Chúa liền kêu lên: “Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!” (Ê-sai 6:1-5). Như sứ đồ Giăng trên đảo Bát-mô thấy Chúa phục sinh đã ngã xuống tại chân của Ngài, như chết (Khải 1:17). Như Gióp đã thảng thốt kêu lên rằng:

Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:5-6).

Như vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Chúng ta có ý thức được sự bé nhỏ, thấp hèn không ra chi của chúng ta để biết hạ mình, lấy lòng kinh hãi, tôn kính, biết ơn Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân mà sống một nếp sống thuận phục Chúa trong mọi sự, làm đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa mà chúng ta đang mang. Chúng ta có biết quý trọng địa vị làm con vinh hiển của Thiên Chúa khi Ngài vì tình yêu và lòng nhân từ thương xót đã đem chúng ta từ nơi tối tăm hư mất đến nơi sáng láng lạ lùng của con Một Ngài không?

Như Lời Chúa dạy rằng:

Cô-lô-se 1:10-13
10 để các anh chị em bước đi cách xứng đáng với Chúa, hướng về mọi sự đẹp lòng Ngài, kết quả trong mỗi việc lành, càng thêm lên trong tri thức về Đức Chúa Trời,

11 được nên mạnh mẽ với mọi năng lực theo quyền thế vinh quang của Ngài, vào trong mọi sự nhẫn nại và chịu đựng với sự vui mừng.
12 Hãy tạ ơn Đức Cha! Ngài đã khiến chúng ta dự phần hưởng cơ nghiệp của các thánh đồ trong sự sáng láng:
13 Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự tối tăm và dời chuyển chúng ta vào trong vương quốc của Con yêu dấu của Ngài.

Và sau đây là các dấu hiệu giúp chúng ta phân biệt và nhận biết khi nào là chính Chúa hiện ra với loài người và khi nào là các thiên sứ hiện ra với họ.

1/ Khi chính Thiên Chúa hiện ra với loài người:
-Hình thức: Thiên Chúa xuất hiện trong sự vinh quang, hoặc qua hình ảnh như người, đôi khi qua hình ảnh đặc biệt.
-Cách xưng hô: Phán như chính Thiên Chúa “Ta” “Chúng Ta” “Ta là Đấng Hằng Sống” “Ta đã chết và nay sống đời đời”…
-Lời phán: Như một Đấng Chủ Tể có quyền tối thượng, làm phép lạ, tha tội, ban phước.
-Thái độ của người tiếp nhận sự hiện diện của Chúa: Phủ phục thờ phượng, sợ hãi.
-Mục đích: Chúa bày tỏ chính mình Ngài, lập giao ước, ban mặc khải…

2/ Khi thiên sứ của Chúa hiện ra với loài người:
-Hình thức: Như một sứ giả do Ngài sai đi.
-Cách xưng hô: Nói nhân danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
-Truyền đạt ý chỉ, mệnh lệnh từ Thiên Chúa.
-Thái độ của người tiếp nhận là: Kính sợ, nhưng được thiên sứ ngăn không cho thờ phượng.
-Mục đích là rao truyền sứ điệp, báo tin, hướng dẫn, bảo vệ, giúp đỡ, thi hành mệnh lệnh.

Như vậy qua phần tóm tắt giúp chúng ta phân biệt được lúc nào Thánh Kinh đang nói đến sự chính Chúa hiện ra và lúc nào là thiên sứ của Chúa được sai đến với loài người, đồng thời cũng giúp cho chúng ta hiểu lý do, mục đích vì sao Chúa cho con cái loài người được gặp chính Chúa hoặc thiên sứ của Ngài.

3/ Bài học áp dụng:

Qua câu chuyện Chúa cho Gia-cốp được gặp thiên sứ của Thiên Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh Sáng Thế Ký 32:1-2. Bài học quan trọng mà chúng ta rút ra cho mình được chính Chúa dạy dỗ bằng Lời Hằng Sống của Ngài đã được ghi chép tỏ tường trong các câu Thánh Kinh điển hình sau đây:

Ai là người kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu? Ngài sẽ chỉ dạy cho người ấy con đường mình phải chọn. Linh hồn người sẽ được ở nơi bình an. Và con cháu người sẽ được đất làm sản nghiệp. Sự kín nhiệm của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở với những ai kính sợ Ngài. Ngài sẽ tỏ cho họ biết giao ước của Ngài.” (Thi Thiên 25:12-14):

Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ chúng, ấy là người yêu Ta. Người nào yêu Ta sẽ được yêu bởi Cha Ta và Ta sẽ yêu người, và tỏ chính mình Ta cho người.” (Giăng 14:21)

Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đóng trại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, và giải cứu họ.” (Thi Thiên 34:7)

Vậy, phần còn lại là chúng ta cần phải tra xét xem đời sống của chúng ta có thật sự theo ý muốn của Chúa và Lời của Chúa không? Tấm lòng của chúng ta đối cùng Chúa như thế nào? Sự thực hành Lời Chúa qua nếp sống và cách hành xử của chúng ta đối với người lân cận ra làm sao?

Nên cô có các câu hỏi dành cho các con giúp các con biết tự tra xét đời sống mình hầu cho các con cũng có tấm lòng khao khát được gặp Chúa, được Chúa ở cùng ban ơn xuống phước, gìn giữ và dẫn dắt như Gia-cốp mà chúng ta đang học trong bài học hôm nay như sau:

1/ Các con thấy mình có thật yêu mến Chúa không? Cụ thể qua việc thường xuyên tâm tình tương giao với Chúa trong sự cầu nguyện. Ham mến, vui thỏa và hết lòng tìm kiếm Lời Chúa qua việc nghe, học và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày.

2/ Các con có lòng khao khát sống đẹp lòng Chúa ngày càng hơn và có thường xuyên cầu xin Chúa giúp mình biết yêu kính Chúa ngày càng hơn không?

3/ Mỗi ngày các con có trung tín dành thời gian cho Chúa như đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, hát tôn vinh Chúa, dâng trình phó thác đời sống mình trong tay Chúa và tin cậy Chúa trong mọi sự với tấm lòng vui thích không?

4/ Các con có vì sự kính sợ Chúa mà làm điều đúng y theo mọi Lời phán dạy của Chúa ngay cả khi không có ai thấy không? Ví dụ như luôn vâng lời, luôn trung thực, luôn nhường nhịn và yêu thương người thân, bạn bè và nhất là các em nhỏ của mình không?

5/ Khi các con làm sai các con có sẵn lòng nhận lỗi và ăn năn với Chúa không? Các con có từng nói dối, cãi lời ba mẹ hay làm điều gì không đẹp lòng Chúa không? Khi phạm tội các con có đau buồn, có gớm ghét tội lỗi, có ngay lập tức cầu xin Chúa tha thứ và quyết tâm không tái phạm không?

6/ Các con có giữ gìn thân thể mình sạch sẽ, tâm thần mình trong sáng trước mặt Chúa không? Ví dụ như không nói, không nghe, không xem, không dự phần vào những điều nghịch lại những điều răn luật pháp của Chúa, không đến những nơi ô uế, không ăn của cúng thần tượng, không nói những lời dối trá, xấc xược, kiêu ngạo…nhưng lại luôn giữ cho thân thể áo quần sạch sẽ tươm tất, luôn nói những lời dịu dàng, ngay thẳng và yêu thương với người khác.

7/ Các con có muốn nghe được tiếng Chúa, muốn được thiên sứ của Chúa gìn giữ mỗi ngày như Gia-cốp không? Nếu có, các con cần phải tra xét và thực hành ít nhất là tất cả các điều trên trong nếp sống mỗi ngày của mình.

Nguyện kính xin Đức Thánh Linh ban ơn và thánh hóa các con mỗi ngày khiến cho các con ngày càng trở nên trọn vẹn không tì, không vít, không chỗ trách được sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta.

Nguyện danh Cha được tôn thánh, ý Cha được nên ở đất như trời! Nguyện vinh quang, quyền phép, sự cao quý và hết thảy mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đời đời cho đến vô cùng!

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ! A-men!

Ban Chăm Sóc Thiếu Nhi
Grace Christian Nguyen

One Reply to “Sự Kiện Con Cái Loài Người Được Gặp Chúa và Thiên Sứ”

Để lại một bình luận