SỰ VÂNG LỜI TỐT HƠN CỦA TẾ LỄ (Phần II tiếp theo)

I/ Ý NGHĨA LỜI CHÚA trong câu chuyện VUA SAU-LƠ PHẠM TỘI LẦN THỨ NHÌ được chép trong sách I Sa-mu-ên 15:1-23 như sau:

1 Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã sai ta xức dầu cho ngươi, lập làm vua dân I-sơ-ra-ên của Ngài. Vậy bây giờ, hãy nghe lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Chúng ta nhận thấy trước nhất Đức Chúa Trời thần cảm Tiên Tri Sa-mu-ên nhắc cho vua Sau-lơ nhớ lại ông là ai, nhớ lại những sự vinh quang, cao trọng, địa vị, quyền thế mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho ông. Để vua Sau-lơ không quên và hiểu rằng ông hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng ban ơn, tể trị và có toàn quyền trên đời sống của ông. Ngài là vị Vua Thiên Thượng của chính ông và của dân tộc I-sơ-ra-ên. Chúa đã chọn ông để ban quyền dẫn dắt dân sự của Ngài. Chúa là vị chỉ huy tối cao, còn ông như một người lính có bổn phận phải chấp hành và làm y theo mọi mệnh lệnh của Chúa một cách tuyệt đối.

Ngày nay chúng ta cũng được Chúa dùng lời Ngài là Thánh Kinh, hay qua sự thần cảm của Đức Thánh Linh đang ngự trong lòng của người khao khát sống đẹp ý Chúa, và qua những lời giảng dạy nhắc nhở từ người chăn mà Chúa đã thương ban là bác Tim, để dẫn dắt, dạy dỗ, nhắc nhở và giúp chúng ta nhớ mình đã được Chúa cứu chuộc như thế nào, đã được ban cho địa vị cao trọng trở thành con cái vinh hiển, trở thành vua và thầy tế lễ của Ngài ra sao để mỗi một chúng ta luôn ghi nhớ và sống xứng đáng với những ơn phước lớn lao Chúa dành cho chúng ta. 

2 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: Ta nhớ lại điều A-ma-léc làm cho I-sơ-ra-ên, ngăn cản đường lúc nó ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

3 Vậy, hãy đi đánh dân A-ma-léc và diệt hết mọi vật thuộc về chúng nó. Ngươi sẽ không thương xót chúng nó, phải giết người nam và nữ, con trẻ và con bú, bò và chiên, lạc đà và lừa.

Một lần nữa Chúa muốn vua Sau-lơ hãy chú ý lắng nghe mệnh lệnh của Chúa một cách rõ ràng để đi ra thực hiện. Khi Chúa nhấn mạnh Ngài là Đấng tối cao, là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, có nghĩa rằng: chính Ngài phán truyền mệnh lệnh nầy, đây là ý muốn của Ngài và Ngài ban cho vua Sau-lơ quyền hạn, năng lực để làm thành.
Dân A-ma-léc thù ghét dân tộc I-sơ-ra-ên. Ngày Đức Chúa Trời giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, trên hành trình đến đất hứa vô cùng khó khăn, mỏi mệt, nhọc nhằn trong đồng vắng, thì dân A-ma-léc đã ra khiêu chiến, chận đường tấn công, đánh giết dân I-sơ-ra-ên tại Phi-đim. Trong trận chiến đó Môi-se đã cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay, được A-rôn và Hu-rơ ở hai bên đỡ tay cho Môi-se giơ cao lên cho đến khi mặt trời lặn để dân I-sơ-ra-ên đánh thắng dân A-ma-léc, vì khi tay Môi-se mỏi xụi xuống thì dân A-ma-léc lại thắng. Dù rằng lúc ấy dân I-sơ-ra-ên đã đánh bại dân A-ma-léc. Nhưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Hãy chép điều này trong sách làm kỷ niệm, và hãy nói cho Giô-suê biết rằng Ta sẽ xóa sạch kỷ niệm về A-ma-léc trong thiên hạ. . . Bởi vì A-ma-léc có giơ tay lên nghịch lại ngôi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chinh chiến với A-ma-léc từ đời này qua đời kia.” Sách Xuất-ê-díp-tô-ký 17:14 và 16 cho chúng ta biết như vậy, và trong sách Phục-truyền-luật-lệ-ký Môi-se nhắc lại cho dân Y-sơ-ra-ên hãy nhớ mệnh lệnh Đức Chúa Trời đã phán truyền về điều mà dân A-ma-léc đã làm cho họ dọc đường khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô rằng: “Vậy, khi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã ban sự bình an cho, và giải cứu ngươi khỏi mọi kẻ thù nghịch vây phủ ngươi trong xứ mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi ban cho ngươi nhận lấy làm sản nghiệp, thì phải xóa bỏ sự ghi nhớ về A-ma-léc khỏi dưới trời. Chớ hề quên!”

Ngoài việc tấn công dân I-sơ-ra-ên trong ngày họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Dân A-ma-léc còn tiếp tục tranh chiến với họ nhiều lần trong đồng vắng, trước khi vào xứ Ca-na-an và trong thời Các Quan Xét. (câu chuyện dân A-ma-léc hiệp với người Am-môn và Éc-lôn vua dân Mô-áp vây đánh dân Y-sơ-ra-ên được chép trong Các Quan Xét 3:13 và 6:33 ; 7:12 cũng có chép rằng: Dân Ma-đi-an, dân A-ma-léc và hết thảy người phương đông hiệp lại, bủa ra như cào cào vây đánh dân I-sơ-ra-ên tại trũng Gít-rê-ên. Sách Dân Số Ký 14:45 chép: Dân A-ma-léc hiệp với dân Ca-na-an đánh giết dân I-sơ-ra-ên tại Họt-ma..).

Dân A-ma-léc là kẻ nghịch thù của Đức Chúa Trời. Họ đại diện cho tất cả những ai tranh chiến cùng dân I-sơ-ra-ên. Vì bất cứ ai giơ tay nghịch cùng dân sự Chúa nghĩa là họ đang nghịch thù chính Đức Chúa Trời. Do dân A-ma-léc đã nhiều lần đứng lên nghịch cùng dân sự của Chúa nên Ngài đã ra lệnh phải tận diệt họ. Đây chính là ý muốn công bình trong sự phán xét của Đức Chúa Trời và giờ đây Ngài ra lệnh cho vua Sau-lơ thực thi mạng lệnh của Ngài.

Lời Chúa có chép:

“Đây này, Ta sai một thiên sứ đi trước mặt ngươi, để phù hộ trong lúc đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dự bị.Trước mặt người, ngươi hãy giữ mình, phải nghe theo lời, chớ nên phản nghịch; người sẽ chẳng tha tội ngươi đâu, vì danh Ta ngự trong mình người. Nhưng nếu ngươi chăm chỉ nghe lời người, cùng làm theo mọi lời Ta sẽ phán, Ta sẽ thù nghịch lại kẻ thù nghịch ngươi, và đối địch với kẻ đối địch ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:20-22).

“Phước cho kẻ nào chúc phước ngươi, Rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.” (Dân Số Ký 24:9b).

Học đến điều nầy chúng ta hãy nhớ thường xuyên dâng lời cầu thay và chúc phước cho dân tộc I-sơ-ra-ên theo như lời Chúa dạy trong khi cầu nguyện các con nhé! Vì Chúa sẽ ban phước cho những ai yêu mến dân sự Ngài, hơn thế nữa ngày nay chúng ta thuộc về dòng dõi Áp-ra-ham trong thuộc linh. Vậy nên, Chúng ta và dân tộc I-sơ-ra-ên cùng đồng là dân sự của Chúa.

4 Vậy, Sau-lơ nhóm hiệp dân sự và đếm số họ tại Tê-la-im: có hai trăm ngàn lính bộ, và mười ngàn người Giu-đa.

5 Sau-lơ đi tới thành A-ma-léc và đặt binh phục trong trũng.

Chúng ta nhận thấy Chúa ban cho vua Sau-lơ đầy đủ năng lực và điều kiện để thực thi mệnh lệnh của Chúa. Giống như những trận chiến trước đó cùng người Mô-áp, Am-môn, Ê-đôm, các vua Xô-ba, và cùng dân Phi-li-tin; bất cứ khi nào vua Sau-lơ cử binh đến đâu, thì Chúa đều ban ơn cho ông chiến thắng được đến đó.
Khi chúng ta hầu việc Chúa theo thánh ý và sự kêu gọi của Ngài thì Chúa luôn ở cùng và  ban cho chúng ta đầy đủ thẩm quyền, sự khôn ngoan, năng lực để làm thành mọi điều theo ý muốn của Ngài.

6 Người có nói với dân Kê-nít rằng: Các ngươi hãy rút đi, hãy phân rẽ khỏi dân A-ma-léc, kẻo ta diệt các ngươi luôn với chúng nó. Vì khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, các ngươi có làm ơn cho hết thảy dân ấy. Vậy, dân Kê-nít phân rẽ khỏi dân A-ma-léc.

Dân Kê-nít là anh em bên vợ của Môi-se và là bộ tộc của Ca-lép (Ca-lép cùng Giô-suê là hai người hết lòng tin kính Đức Chúa Trời, không phạm tội chống lại lệnh tiến đánh xứ Ca-na-an mà Chúa đã truyền bảo họ được chép trong sách Dân Số Ký 13 và 14.) Thánh Kinh không nói nhưng chúng ta có thể hiểu rằng vua Sau-lơ được Chúa thần cảm ông báo tin cho dân Kê-nít lánh nạn. Thiên Chúa thành tín, Ngài không quên những điều tổ phụ của họ đã làm và Ngài luôn thực hiện những lời giao ước của Ngài là ban phước cho đến ngàn đời những ai biết kính sợ và vâng lời Ngài.

7 Sau-lơ đánh A-ma-léc từ Ha-vi-la cho đến Su-rơ, đối ngang xứ Ê-díp-tô.

8 Người bắt sống A-ga, vua của dân A-ma-léc, rồi lấy gươm diệt hết thảy dân sự.

9 Nhưng Sau-lơ và dân chúng tha thứ A-ga, chẳng giết những con tốt hơn hết trong bầy bò và chiên, các thú về lứa đẻ thứ nhì, chiên con, và mọi vật tốt nhất. Chúng chẳng muốn diệt những vật đó, chỉ diệt hết những vật gì xấu và không giá trị.

Vua Sau-lơ vâng lệnh Đức Chúa Trời chiến đấu cùng dân A-ma-léc. Vì đây là chương trình và ý định của Đức Chúa Trời và Ngài ban ơn trên vua Sau-lơ nên đoàn quân của ông chiến thắng một cách dễ dàng. Nhưng vua Sau-lơ không có tấm lòng hướng lên Chúa cách trọn vẹn, một lần nữa ông tiếp tục phạm tội xem thường, khinh dễ mệnh lệnh của Chúa, khi không vâng phục và làm y theo mọi điều Đức Chúa Trời phán bảo ông. Lòng kiêu căng, ngạo mạn đã khiến cho vua Sau-lơ tự đề cao mình trên cả thẩm quyền của Chúa, ông thản nhiên thay đổi mệnh lệnh của Chúa, và làm theo ý mình khi quyết định dung thứ cho vua A-ga là người lãnh đạo dân A-ma-léc, là người đáng chịu sự đoán xét của Đức Chúa Trời hơn tất cả những người còn lại trong dân A-ma-léc. Vua Sau-lơ còn trái nghịch mạng lệnh Đức Chúa Trời, chỉ giết những súc vật bệnh tật ốm yếu không có giá trị và quyết định để dành lại những con tốt nhất.

Thay vì tiến hành cuộc chiến theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, vua Sau-lơ đã thực hiện mệnh lệnh của Chúa một cách chọn lọc sao cho phù hợp với ý tưởng và tiêu chuẩn của chính mình. Lời Chúa có phán rằng:

“Các ngươi hãy cẩn thận làm theo mọi điều ta dặn bảo các ngươi: chớ thêm hay là bớt gì hết.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:32).

Nhưng chúng ta thấy vua Sau-lơ tự quyền quyết định chỉ làm những gì theo ý ông cho là phải mà không quan tâm đến việc vâng phục và làm theo mạng lệnh của Chúa. Xuyên suốt câu chuyện chúng ta thấy rất rõ vấn đề ở đây là tấm lòng của vua Sau-lơ không có Đức Chúa Trời, ông không kính sợ Chúa, ông không quan tâm đến sự vinh quang và quyền năng của Đức Chúa Trời nhưng lại luôn đặt sự vinh hiển nơi mình.
Chính chúng ta cũng dễ dàng vấp phạm tội giống như vua Sau-lơ. Mỗi khi biết điều gì không đẹp lòng Chúa, nghịch lại với điều răn pháp luật của Chúa mà chúng ta vẫn cố chấp tìm lý do để biện hộ và cho phép mình vi phạm lời Chúa hoặc tự chọn lọc những điều răn pháp luật nào hợp với sở thích và ý định của mình thì nghe và làm theo, còn điều nào không vừa ý hay không hợp với hoàn cảnh, thì tự ý thêm hoặc bớt lời Chúa, thậm chí bẻ cong lời Chúa để biện minh cho những sai phạm của mình.

10 Bấy giờ có lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Sa-mu-ên như vầy: 

11 Ta đau buồn vì đã lập Sau-lơ làm vua; bởi người đã lìa bỏ Ta, không làm theo lời Ta. Sa-mu-ên buồn rầu, kêu cầu cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trọn đêm.

Trong ngôn ngữ Thánh Kinh khi chúng ta gặp nhóm từ “đau buồn” “ăn năn” “tự trách” miêu tả cảm xúc của Thiên Chúa trước hành động bội nghịch, phạm tội của loài người, thì chúng ta phải hiểu ý nói là Chúa rất đau buồn khi phải đổi ý, thay gì ban phước cho loài người nhưng Ngài lại phải giáng họa trên họ, là điều mà vì bản thể yêu thương, nhân từ Ngài không muốn làm. Sự đổi ý nầy của Chúa dựa trên tấm lòng và hành động của chính con người. Cùng một động từ nhưng khi được dùng để miêu tả cảm xúc của Chúa thì chúng ta không hiểu theo nghĩa ăn năn hay hối hận.
Ví dụ: Loài người khi nhận biết mình làm điều sai trái hoặc phạm tội thì chúng ta bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi về những việc mình đã làm.
Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Tại và Toàn Ái. Trong Ngài đầy dẫy sự tri thức nên những gì Ngài làm ra là không hề sai lầm. Lời Chúa cho chúng ta biết:

“Vả lại, Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối và không ăn năn; vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn.” (I Sa-mu-ên 15:29).

Từ buổi đầu sáng thế Đức Chúa Trời dựng nên loài người là tốt lành trọn vẹn, nhưng vì loài người đã không vâng lời Chúa, đã phạm tội. Từ đó tội lỗi cứ tiếp tục di truyền cho tất cả các thế hệ sau, loài người trở nên gian ác đến nỗi Đức Chúa Trời đau buồn và quyết định tiêu diệt họ bằng cơn nước lụt trong đời Nô-ê. Quyết định nầy phát xuất từ bản tính Thánh Khiết của Ngài. Ngài là Đấng Thánh nên Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Thiên Chúa phải tiêu diệt tội lỗi khi nó đã lên quá mức cho phép của Ngài. Lời Chúa có chép:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thấy sự gian ác của loài người rất nhiều trên đất, tất cả những ý tưởng của lòng họ chỉ là gian ác luôn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đau buồn vì đã dựng nên loài người trên mặt đất, và Ngài buồn rầu trong lòng.” (Sáng Thế Ký 6:5-6).

Trở lại trường hợp của vua Sau-lơ. Lời Chúa phán:

“Ta hối hận vì đã lập Sau-lơ làm vua; bởi người đã xây bỏ Ta, không làm theo lời Ta”  (I Sa-mu-ên 15:11).

Sau-lơ được Đức Chúa Trời chọn làm vị vua đầu tiên của dân tộc Y-sơ-ra-ên, ông đã liên tục hai lần phạm lỗi lầm nghiêm trọng: Trong trận chiến với dân Phi-li-tin, thay vì chờ đợi tiên tri Sa-mu-ên đến để dâng của lễ thiêu theo lệnh Chúa, ông đã tự ý dâng của lễ (I Sa-mu-ên 13:8-13). Và trong bài học nầy, khi chiến đấu với dân A-ma-léc, Chúa truyền phải tiêu diệt hết tất cả những gì thuộc về dân A-ma-léc, ông lại không tuân theo mà chỉ tiêu diệt những gì không có giá trị và giữ lại những gì có giá trị (I Sa-mu-ên 15:9).

Đức Chúa Trời phán với Sa-mu-ên là Ngài hối hận đã lập Sau-lơ làm vua, điều nầy nói đến sự đổi ý định của Đức Chúa Trời so với lúc ban đầu Ngài dự định, lý do bởi vua Sau-lơ đã hết lần nầy đến lần khác bất tuân mạng lệnh, không làm theo lời Chúa, lòng ông đã thật sự lìa bỏ Chúa. Để hiểu rõ hơn chúng ta đến với lời Chúa phán trong sách Giê-rê-mi:

“Trong lúc nào Ta sẽ nói về một dân một nước kia để nhổ đi, hủy đi, diệt đi; nếu nước mà Ta nói đó lìa bỏ điều ác mình, thì Ta sẽ đổi ý Ta đã định giáng tai họa cho nó. Cũng có lúc nào Ta sẽ nói về một dân một nước kia để dựng nó, trồng nó; nếu nước ấy làm điều ác trước mắt Ta và không nghe tiếng Ta, thì Ta sẽ đổi ý Ta đã định xuống phước cho nó.” (Giê-rê-mi 18:7-10).

Thiên Chúa không vui khi con dân Ngài phạm tội, trái lại Ngài rất là đau buồn khi phải đổi ý giáng sự trừng phạt trên họ thay vì ban phước theo như ý định ban đầu của Ngài. Vì bản thể của Ngài là công bình, thánh khiết, và yêu thương.

Qua bài học nầy mong rằng mỗi một chúng ta cần phải biết hết lòng kính sợ Chúa, giữ mình thánh sạch trọn vẹn và luôn tỉnh thức tra xét trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình mỗi ngày. Vì chúng ta không biết lúc nào Chúa sẽ xây bỏ chúng ta, không biết lúc nào thì Chúa thôi không còn ban cho chúng ta cơ hội ăn năn, không biết lúc nào Chúa quyết định trừng phạt tội lỗi. Trong câu chuyện trên Chúa vẫn ban cho vua Sau-lơ cơ hội để ăn năn sửa mình, tuy trong lần phạm tội thứ nhất Chúa đã quyết định không cho Sau-lơ làm vua trên dân I-sơ-ra-ên nữa, nhưng Chúa vẫn nhân từ thương xót ban cơ hội cho vua Sau-lơ và dùng ông để làm thành ý định của Ngài. Chúng ta thấy trước khi giao nhiệm vụ Chúa đã hai lần nhắc đi nhắc lại cho vua Sau-lơ biết chính Ngài đang phán truyền mệnh lệnh cho ông và nhắc ông nhớ những gì Ngài đã ban cho ông. Ngài muốn ông chú ý giữ mình và chứng tỏ tấm lòng của ông đối với Chúa.

Thông thường theo thói quen khi muốn nhấn mạnh điều gì chúng ta sẽ dùng cách tô đậm hoặc gạch đích câu nói đó, còn trong văn hoá của người Do Thái thì sẽ lập lại hai lần. Ví dụ trong sách Lu-ca:

“Đức Chúa Jesus phán: “Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo lời Ta phán?” (Lu-ca 6:46).

Nhưng tiếc thay chỉ vì lòng kiêu ngạo, vua Sau-lơ đã không còn khả năng nhận biết phước ơn và cơ hội Chúa dành cho ông để bày tỏ tấm lòng ăn năn thống hối và sửa chữa sai lầm.

“Sa-mu-ên buồn rầu, kêu cầu cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trọn đêm.” (I Sa-mu-ên 15:11b).

Tiên tri Sa-mu-ên rất đau buồn trước sự phạm tội và cứng lòng của vua Sau-lơ. Ông dâng lời xưng tội, cầu thay, và kêu cầu lên Chúa suốt đêm vì những tội lỗi của vua Sau-lơ cùng dân sự. Điều nầy thể hiện sự kính sợ Chúa và tấm lòng đau đớn xót xa của tiên tri Sa-mu-ên trước sự phạm tội của người khác. Ngày nay trong địa vị là vua, là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, mỗi một chúng ta phải có đồng một tâm tình như tiên tri Sa-mu-ên, biết đau thương vì những tội lỗi của thế gian và trong Hội Thánh. Chúng ta hãy luôn tỉnh thức trong sự cầu nguyện ít nhất mỗi ngày hai lần, kính xin Chúa giúp chỉ ra những gì chưa đẹp lòng Chúa mà chúng ta hoặc anh chị em trong Hội Thánh phạm phải để kịp ăn năn xưng tội trước Chúa, ngoài ra chúng ta cần phải biết cầu thay cho người chăn, cầu thay cho anh chị em cùng đức tin ở khắp mọi nơi, cầu thay cho dân tộc Y-sơ-ra-ên và cho những người thân chưa biết Chúa. Nguyện xin Chúa mở mắt thuộc linh và xoay chuyển tấm lòng của những ai còn cứng cỏi chưa biết hạ mình sống đẹp lòng Chúa, dâng vinh hiển về cho Chúa, tìm cầu và thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật.

12 Sáng ngày sau, người đi mời Sau-lơ. Có kẻ đến nói với Sa-mu-ên rằng: Sau-lơ đã đến Cạt-mên, dựng cho mình một cái bia tại đó; rồi thì, đổi đường đi xuống Ghinh-ganh.

Khi không có lòng ăn năn và kính sợ Chúa, sẽ dẫn đến sự ngạo mạn ngày càng hơn, đó cũng chính là nguyên nhân khiến vua Sau-lơ ngày càng lún sâu hơn trong sự phạm tội của mình. Ông không chỉ xúc phạm thẩm quyền của Đức Chúa Trời bằng cách thay đổi mạng lệnh của Chúa. Giờ đây ông còn cao ngạo dựng cho mình một cái bia với ý muốn nhắc cho mọi người nhớ đến địa vị làm vua của ông. Thời bấy giờ dân I-sơ-ra-ên lập bia kỷ niệm hoặc dựng bàn thờ trong xứ nhằm mục đích nhắc nhở dân sự về ân huệ và ơn phước của Đức Chúa Trời đối cùng họ. Thế nhưng vua Sau-lơ đã không dựng bia kỷ niệm cho Đức Chúa Trời mà ở đây ông lại dựng một tấm bia để vinh danh cho chính mình. Điều nầy cho thấy rõ lòng ông không có Đức Chúa Trời, ông không hề biết tôn vinh sự vinh quang của Chúa, nhưng lại luôn tìm mọi cách để tôn vinh hiển cho bản thân mình. Ngày nay con dân Chúa không còn dựng bia tưởng nhớ danh Chúa hay tưởng nhớ những ơn phước Chúa ban nữa vì thân thể con dân Chúa chính là đền thờ của Ngài. Chúng ta tưởng nhớ ơn phước Chúa ban và vinh danh danh Chúa bằng chính nếp sống tin kính thánh sạch và yêu thương mỗi ngày.

Tuy nhiên nếu chúng ta không có tấm lòng hướng lên Chúa, dâng vinh hiển cho Chúa, nhưng lại hướng về chính mình, tìm vinh hiển cho mình hoặc tìm cách thỏa mãn những điều ham muốn của xác thịt là những điều trái nghịch lại tiêu chuẩn công bình thánh khiết yêu thương của Chúa là chúng ta đang xây bức tường ngăn cách với Chúa, trở thành kẻ nghịch thù của Chúa và đang dựng bia trong ngai lòng của mình để tôn thờ chính mình, tôn thờ những điều thuộc về thế gian, nghĩa là chúng ta đang tôn thờ một thần khác. Chúng ta luôn cần phải tra xem ai hay điều gì đang thật sự chiếm ngự nơi lòng mình. Vì lời Chúa có chép:

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy.” (I Giăng 2:15).

“Ai sẵn lòng làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời vậy.” (Gia-cơ 4:4b.)

Sabat ngày 23/09/2017

GraceNguyen