Thí Dụ về Các Ta-lâng_phần 1

Thí Dụ về Các Ta-lâng_phần 1

Nguyễn Thị Trinh

Link tải mp3: Bấm vào đây

Các con thân mến,

Tuần này chúng ta sẽ cùng nhau học Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh Ma-thi-ơ 25:14-30 với chủ đề: Thí Dụ về Các Ta-lâng_phần 1.

Trong phần 1 này, chúng ta sẽ cùng học để hiểu được các chi tiết trong thí dụ này và học để hiểu rõ, nhận biết được mình được Chúa giao cho những ta-lâng gì. Đầu tiên, cô sẽ giải thích cho các con hiểu một chi tiết trong câu gốc tuần này các con đã học. Câu gốc đó là:

“Chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.” (Ma-thi-ơ 25:23).

Nếu các bạn để ý sẽ thấy trong câu gốc chữ “chúa” ở đây không viết hoa. Tuần qua có bạn Đức Hiếu đã thắc mắc với cô là chữ “chúa” này có viết hoa hay không? Cô đã trả lời là chữ này không viết hoa. Lý do thì bây giờ cô mới đưa ra để các con cùng hiểu: lý do chữ “chúa” không viết hoa là vì trong câu chuyện thì đây là từ dùng theo thói quen của người Do-thái khi gọi chủ của mình. Hàm ý là người chủ này có toàn quyền trên đời sống của mình thì họ quen gọi là chúa, nên chữ “chúa” này không viết hoa.

Trong thí dụ, dù Chúa kể về việc giữa người chủ và đầy tớ như vậy nhưng qua đó, Đức Chúa Jesus muốn dùng thí dụ này để nói về nước thiên đàng, tiếp liền sau câu chuyện thí dụ về Mười Người Nữ Đồng Trinh.

Vậy:

1/ Chủ trong câu chuyện này là đang chỉ về ai? Đầy tớ là đang chỉ về ai?

Đáp án: 1/ Chủ trong câu chuyện này là đang chỉ về Đức Chúa Jesus. Các đầy tớ là đang chỉ về mỗi một con dân Chúa là chúng ta.

Ngày chủ trở về để tính sổ là đang chỉ về ngày nào Chúa đến để phán xét thế gian để chuẩn bị thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm.

Ta-lâng ở trong câu chuyện theo nghĩa đen thì đây là đơn vị để đo lường, để cân của thời xưa.

Ví dụ như ngày nay chúng ta có đơn vị đo lường là ki-lô-gam (hay gọi là ký: một ký, hai ký…) là đơn vị đo lường của mình, thì thời xưa người ta dùng đơn vị đo lường là ta-lâng.

Còn một nghĩa đen của ta-lâng nữa là để chỉ về đơn vị tiền tệ. Ví dụ như người Việt mình thời nay dùng cách gọi một nghìn, hai nghìn, năm nghìn, mười nghìn… để gọi số tiền mình có. Còn thời xưa thì họ gọi là một ta-lâng, hai ta-lâng, năm ta-lâng, mười ta-lâng…

Nhưng trong câu chuyện này, ta-lâng được hiểu là một tài sản rất lớn mà người chủ lúc chuẩn bị đi xa thì đã giao lại cho các đầy tớ. Chủ tùy theo khả năng của mỗi đầy tớ mà giao cho nhiều hoặc ít khác nhau, để các đầy tớ có thể dùng tài sản đó mà làm lợi ra cho chủ.

Ta-lâng theo nghĩa bóng để áp dụng cho mỗi con dân Chúa ngày nay có thể hiểu đây là những điều Chúa ban cho mình khi còn ở trên đất này tùy theo khả năng của mỗi người để hầu việc Chúa, giúp ích cho mọi người.

Đặc biệt, ta-lâng tiêu biểu mà mỗi người đều được Chúa ban cho trong đời này là: thời gian. Đây là ta-lâng mà ai cũng có để dùng đó mà hầu việc Chúa là chủ của mình. Dù không làm được việc gì khác thì sự hầu việc Chúa qua sự cầu thay cũng là đang làm lợi ra cho chủ là Chúa của chúng ta.

Còn những ta-lâng khác mà nhiều người cũng có như sức khỏe, tiền bạc, quyền thế, tài năng.

Còn để áp dụng thí dụ này vào trong Hội Thánh thì các con có thể hiểu rằng, đây là câu chuyện về việc Đức Chúa Jesus đã nhận mỗi chúng ta là đầy tớ của Ngài. Ngài giao vào tay chúng ta những công việc và những tài năng để thi hành công việc đó trước khi Ngài thăng thiên về thiên đàng. Đến một ngày Chúa sẽ trở lại, để tính sổ với mỗi người về phần việc Chúa đã giao cho mình, về những tài năng mà Chúa đã ban cho mình. Lúc đó sẽ có những người được thưởng và sẽ có những người bị hình phạt.

Các con số: năm ta-lâng, hai ta-lâng và một ta-lâng là chỉ về số lượng nhiều hoặc ít khác nhau mà Chúa giao cho mỗi một chúng ta, tùy vào năng lực của mình.

Ví dụ, có bạn được Chúa ban cho giọng hát hay thì đó là một ta-lâng. Có bạn chẳng những có giọng hát hay mà còn có khả năng đàn piano giỏi nữa, thì đó là bạn có hai ta-lâng.

Việc làm lợi ra cho chủ hoặc là chôn giấu ta-lâng là đang muốn nói đến việc chúng ta có biết dùng những gì Chúa ban cho để hầu việc Chúa cách kết quả hay không. Ví dụ, bạn có giọng hát hay thì luôn biết sốt sắng trong sự tập hát tôn vinh Chúa mỗi tuần. Đó chính là biết làm lợi ra cho nhà Chúa. Ngược lại, nếu bạn lười biếng, không có lòng muốn tôn vinh Chúa thì đó là bạn đang chôn giấu ta-lâng mà Chúa giao.

Qua thí dụ và qua câu gốc thì các con đã biết: ai trung tín trong việc nhỏ thì sẽ được lập coi sóc nhiều. Vậy:

2/ Như thế nào là trung tín trong việc nhỏ? Như thế nào là được lập coi sóc nhiều?

Đáp án: 2/ Trung tín trong việc nhỏ là có biết lo sốt sắng làm trọn những bổn phận, những việc mà Chúa giao cho khi còn ở trong thế gian này không. Được lập coi sóc nhiều là đang nói đến những công việc lớn hơn mà Chúa sẽ giao cho mỗi người trong cõi đời đời.

Vậy, qua thí dụ này, chúng ta hiểu được rằng, qua sự phục vụ Chúa, hầu việc Chúa của chúng ta ngày nay dưới thế gian này, sẽ quyết định đến tương lai của chúng ta trong cõi đời đời.

Chúng ta tạm thời kết thúc phần một của bài học này tại đây. Qua phần bài học này, cô muốn các con ghi nhớ các điều sau:

– Mỗi người trong các con đều được Chúa giao cho những ta-lâng khác nhau. Các con hãy tự biết tra xét xem, đó là những ta-lâng gì để nhận biết và hết lòng sử dụng ta-lâng đó để làm lợi ra cho nhà Chúa.

– Những việc mà các con đang làm để hầu việc Chúa ngày nay trên thế gian này sẽ quyết định tương lai của các con trong cõi đời đời. Nên hãy lo sốt sắng, hết lòng mà làm cho trọn những công việc Chúa giao cho các con để cùng phục vụ lẫn nhau trong Hội Thánh của Ngài.

Đó là hai điều cô muốn các con ghi nhớ, tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục bài học để học kĩ hơn về như thế nào là người đầy tớ ngay lành trung tín và như thế nào là người đầy tớ dữ và biếng nhác. Qua đó, sẽ giúp các con biết cách làm sao để sử dụng tốt những ta-lâng để làm lợi ra cho nhà Chúa.

Nguyện xin Chúa giúp các con ghi nhớ bài học để sốt sắng suy ngẫm mỗi ngày và làm theo.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Trinh.