Thiên Chúa Lập Giao Ước Với Tổ Phụ Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 17:1-27)

Nguyễn Văn Hào

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://timhieuthanhkinh.opendrive.com/files/MV85NjEyNjc4Nl9qUkxQYl83NDYw/20150530_NVH_ThienChuaLapGiaoUocVoiAp-ra-ham.pdf

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bài Giảng

Đôi nét về tổ phụ Áp-ra-ham:

Áp-ram thuộc về dòng dõi của Sem, con trai út trong ba người con trai của Nô-ê. Áp-ram được sinh ra vào năm 2166 TCN tại xứ U-rơ. Xứ U-rơ (Ur) thuộc phía nam của I-rắc ngày nay. Cha của Áp-ram là Tha-rê dẫn Áp-ram với vợ của Áp-ram là Sa-rai, cùng với Lót là cháu nội của ông, rời khỏi U-rơ ngược lên hướng bắc để đi qua xứ Ca-na-an. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, khi đến Cha-ran (Haran), thì Tha-rê đã dừng lại và định cư tại đó.

Sau khi Tha-rê qua đời thì Áp-ram được Thiên Chúa kêu gọi hãy rời khỏi quê hương, bà con, và nhà cha để đi đến một nơi mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Rồi Ngài sẽ làm cho Áp-ram thành một dân lớn, làm ông được nổi tiếng, và làm cho ông trở thành nguồn phước cho các chi tộc nơi thế gian. Áp-ram vâng theo lời gọi của Chúa, ra đi, và mang Lót cùng đi.

Sau khi đến xứ Ca-na-an thì Áp-ram định cư ở miền nam. Tại đó, Thiên Chúa hứa ban vùng đất Ca-na-an cho ông và con cháu ông làm sản nghiệp.

Hỏi đáp Lời Chúa:

Hỏi: Áp-ra-ham còn có tên gọi là gì trước khi Thiên Chúa hiện đến và lập giao ước?

Đáp: Tên là Áp-ram. Áp-ram có nghĩa là “cha cao quý”, Áp-ra-ham có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”.

Hỏi: Thiên Chúa lập giao ước với Áp-ra-ham lúc ông được bao nhiêu tuổi?

Đáp: 99 tuổi.

Hỏi: Dấu hiệu của sự giao ước giữa Thiên Chúa và tổ phụ Áp-ra-ham là gì?

Đáp: Chịu phép cắt bì.

 “Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi”. (Sáng Thế Ký 17:11).

Hỏi: Thiên Chúa đặt Áp-ra-ham lên làm gì?

Đáp: Làm tổ phụ của nhiều dân tộc.

Hỏi: Trong giao ước này, Thiên Chúa sẽ ban điều gì cho ông Áp-ra-ham?

Đáp: Thiên Chúa sẽ ban đất đai và dòng dõi con cháu cho Áp-ra-ham.

Ta sẽ làm cho ngươi sinh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra”. (Sáng Thế Ký 17:6).

“Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đang kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời. Vậy, ta sẽ làm Thiên Chúa của họ”. (Sáng Thế Ký 17:8).

Hỏi: Vậy ai phải chịu phép cắt bì?

Đáp: Tất cả người nam.

Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sinh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, khi lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì”. (Sáng Thế Ký 17:12).

Hỏi: Nếu người nam không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, thì sẽ bị thế nào?

Đáp: Bị truất ra khỏi dân sự và được xem là kẻ bội lời giao ước.

 Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta”. (Sáng Thế Ký 17:14).

Hỏi: Bà sa-rai, vợ của Áp–ra–ham được đổi tên là gì?

Đáp: Tên là Sa-ra. Sa-rai có nghĩa là “công chúa” và ra Sa-ra có nghĩa là “người phụ nữ cao quý”.

Hỏi: Thiên Chúa ban cho Sa-ra những điều gì?

Đáp: Sinh con trai (I-sác), làm mẹ các dân tộc.

Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai, Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra”. (Sáng Thế Ký 17:16 ).

Hỏi: Áp-ra-ham có vâng phục Lời Thiên Chúa không?

Đáp: Hoàn toàn vâng phục Chúa và ông đã thực hiện phép cắt bì cho ông, cho con và những người nam trong nhà y theo lời Thiên Chúa phán.

“Trong ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên, con trai mình, và hết thảy các người nam trong nhà, hoặc sinh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Thiên Chúa đã phán dặn”. (Sáng Thế Ký 17:23).

Giao ước mà Thiên Chúa đã lập với Áp-ra-ham là một giao ước có điều kiện. Áp-ra-ham và các người nam trong dòng họ ông phải chịu cắt bì, còn gọi là “cắt bao quy đầu,” tức là cắt bỏ lớp da bao bọc phần đầu của bộ phận sinh dục. Giao ước Áp-ra-ham: Về mặt thuộc thể bao gồm dân I-sơ-ra-ên và bất cứ ai chịu cắt bì như dân I-sơ-ra-ên; về mặt thuộc linh, tiêu biểu cho sự Đức Chúa Trời tiếp nhận và ban phước cho bất cứ dân tộc nào chịu từ bỏ nếp sống tội lỗi và cùng đức tin vào Đức Chúa Trời như dân I-sơ-ra-ên:

“Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình.” (Rô-ma 4:11).

“Thánh Kinh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Ga-la-ti 3:8).

Về mặt thuộc thể, sự cắt bì giúp tránh được các chứng nhiễm trùng đường tiểu và bộ phận sinh dục, do các chất bẩn và vi trùng tích tụ giữa lớp da bọc và bộ phận sinh dục gây nên. Về mặt thuộc linh, sự cắt bì tiêu biểu cho sự cắt bỏ bản chất tội lỗi bẩm sinh.

Giao ước Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham cũng chính là giao ước Ngài lập với dòng dõi của ông qua I-sác và Gia-cốp. Áp-ra-ham có hai con trai, I-sác và Ích-ma-ên, nhưng giao ước của Đức Chúa Trời được thiết lập với I-sác. I-sác cũng có hai con trai, Ê-sau và Gia-cốp (sau này được Chúa đổi tên thành I-sơ-ra-ên), nhưng giao ước của Đức Chúa Trời được thiết lập với Gia-cốp và mười hai con trai của Gia-cốp, gọi chung là dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng: Giao Ước I-sác và Giao Ước Gia-cốp chính là Giao Ước Áp-ra-ham được nối dài.

Nguyễn Văn Hào
30/05/2015