Các con thương mến,
Trong lần trước chúng ta đã cùng nhau học về sự vinh quang của Thiên Chúa. Và hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu rằng nếp sống của mỗi một chúng ta phải làm sao để chiếu ra sự vinh quang của Ngài như Lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus Christ với các môn đồ là ánh sáng của thế gian. Để rồi ánh sáng ấy “soi sáng trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành của chúng ta, và tôn vinh Cha của chúng ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:14-16). [1]
Câu gốc của bài học ngày hôm nay đó chính là:
“Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” ( I Cô-rinh-tô 10:31).
Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta có quyền tự do lựa chọn sống cho Chúa, vì sự vinh quang của Ngài, hay sống cho chính mình và tìm sự vinh quang cho chính bản thân mình. Nếu chúng ta là những con dân chân thật của Ngài, thì mỗi chi tiết nhỏ trong đời sống của chúng ta đều vì sự vinh quang của Thiên Chúa từ ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ và hành động.
Bây giờ các con hãy làm theo lời cô dặn nhé. Các con hãy lấy một cuốn vở ghi chú hay một tờ giấy cùng cây bút ra để chúng ta bắt đầu học. Nếu bạn nào đã chuẩn bị giấy bút hay tập bút xong rồi thì hãy gõ lên màn hình cho cô số một.
Có năm điều mà chúng ta cần ghi nhớ để có một nếp sống chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa giống như năm ngón tay trên một bàn tay vậy. Các con hãy đưa bàn tay trái của mình ra và nắm lại thành một nắm. Sở dĩ cô yêu cầu các con đưa bàn tay trái của mình ra bởi vì cô muốn các con dùng đến bàn tay phải để cầm viết và ghi chú những điều mà các con sẽ học được trên cuốn tập hoặc tờ giấy của các con. Một lát nữa, cô cũng sẽ có những câu hỏi cho các con nên các con hãy tập trung theo dõi bài học nhé). Bây giờ, chúng ta sẽ tập trung vào bàn tay trái mà các đã nắm lại khi nãy nhé. Các con hãy làm theo sự chỉ dẫn của cô nào.
1. Đầu tiên, các con hãy mở ngón tay cái ( của bàn tay trái) mình ra. Ngón tay cái tượng trưng cho “ý nghĩ đẹp lòng Chúa” của chúng ta trong đời sống mỗi ngày.
Vậy “ý nghĩ đẹp lòng Chúa” là gì? Ý nghĩ đẹp lòng Chúa tức là những suy nghĩ, ý tưởng của chúng ta phải làm sao để đúng với Lời Chúa, không chiều theo những tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc riêng của mà chống nghịch lại sự công bình, thánh khiết, yêu thương của Ngài.
Giả sử, các con chưa ôn bài kỹ trước khi đi thi, các con lo lắng, nên các con có suy nghĩ là mình sẽ chép phao để quay bài, hoặc sẽ copy bài bạn kế bên. Cô muốn hỏi các con hai câu nhé, nếu các con có suy nghĩ như vậy thì có đúng với Lời Chúa không nhỉ? Và suy nghĩ ấy làm vinh quang Thiên Chúa của chúng ta hay không các con?
Trả lời: Câu trả lời của cô đó là: suy nghĩ chép phao để quay bài hoặc copy bài bạn kế bên là nghịch lại Lời Chúa. Và suy nghĩ ấy cũng không làm vinh quang Thiên Chúa của chúng ta.
Trong thư Phi-líp, qua ngòi bút của sứ đồ Phao-lô, Thiên Chúa dạy chúng ta về cách suy nghĩ đẹp lòng Chúa:
“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.” (Phi- líp 4:8).
2. Tiếp theo, các con hãy mở đến ngón tay trỏ của mình ra nào. Nói tay trỏ tượng trưng cho “lời nói đẹp lòng Chúa”. Lời nói không chỉ là những lời mà chúng ta nói ra từ môi miệng mình, mà còn là những lời mà chúng ta viết ra nữa.
Vậy “lời nói đẹp lòng Chúa” là gì? Ấy không phải là những lời nói lớn tiếng, khó nghe, mắng nhiếc, tục tũi, giễu cợt, giả bộ tầm phào,… mà ấy là những lời nói dịu dàng, ân cần, mềm mại, có tính gây dựng và khích lệ.
“Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” ( Ê-phê-sô 4:29).
“Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:4).
“Lời nói đẹp lòng Chúa” còn là những lời chân thật từ tận đáy lòng của mỗi một chúng ta, khi cần thì cũng lên tiếng quở trách anh em mình nếu họ sai với Lời Chúa, không phải là nói dối để lấy lòng người khác. Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người, đi lại giữa thế gian này và để lại cho chúng ta một gương để chúng ta noi dấu chân Ngài. Ngay cả một lời nói dối cũng không được tìm thấy trong miệng Ngài:
“Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công chính.” (I Phi-e-rơ 2:22-23).
Các con thương mến, cô Ánh muốn nói đôi lời với các bé tại thiếu nhi Cao Lãnh. Đã hơn một năm rồi từ khi cô gặp gỡ các con, có một điều mà cô muốn các con thay đổi trong lời nói. Trước hết là để làm đẹp lòng Thiên Chúa chúng ta, sau là các con chiếu sáng danh Ngài ra giữa thế gian này. Ấy là, cô mong muốn các con hãy bỏ đi những từ xưng hô “ mày, tao” mà đổi lại bằng những cách xưng hô khác. Các con có thể gọi nhau theo cách gọi anh chị em và có thứ tự rõ ràng. Ví dụ như bé Mai Trinh hiện tại 15 tuổi, các con hãy gọi Mai Trinh là chị Mai Trinh. Hay bé Thành Long hiện tại 10 tuổi thì các con hãy gọi Thành Long là em Thành Long đối với ai lớn hơn Thành Long hoặc gọi là anh Thành Long đối với ai nhỏ tuổi hơn Thành Long. Không những riêng với các bé thiếu nhi tại Cao Lãnh, cô mong muốn rằng, bất kỳ ai trong các con, khi đi học cũng nên gọi bạn trong lớp của mình bằng tên của bạn ấy, chứ đừng gọi bạn là “mày” và xưng mình là “tao”.
Các con hãy suy nghĩ đến lời cô khuyên các con và cô mong rằng mỗi các con có sự thay đổi trong cách xưng hô với anh em trong Hội Thánh và bạn bè của mình. Riêng các bé tại Cao Lãnh, cô mong rằng trong lần tiếp theo, cô đến thăm các con thì cô sẽ được nghe các con xưng hô với nhau một cách có thứ tự, có vai vế các con nhé.
3. Tiếp theo, các con hãy mở ngón tay giữa của mình ra. Ngón tay giữa tượng trưng cho “thái độ đẹp lòng Chúa”.Thái độ là cách để biểu lộ ý nghĩ và tình cảm trước một sự việc, trong một hoàn cảnh, bằng nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động. [2] Khi chúng ta không hài lòng về một việc gì đó, chúng ta thường bày tỏ cảm xúc của mình qua nét mặt như nhăn mặt, chau mày,… Những thái độ trên sẽ khiến cho những người xung quanh chúng ta thấy rằng chúng ta thật khó gần gũi. Các con thương mến, là con dân Chúa, chúng ta phải cậy sức toàn năng của Ngài để quăng bỏ hết những thái độ cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc,…nhưng hãy đối xử với nhau cách dịu dàng, mềm mại, nhân từ, thương xót, sẵn lòng tha thứ cho anh chị em của mình khi họ có điều gì khiến mình buồn lòng.
“Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự: cay đắng, giận, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:31) [3]
4. Bây giờ, các con hãy mở ngón tay áp út của mình ra. Ngón tay áp út tượng trưng cho “cử chỉ đẹp lòng Chúa”. Cử chỉ là dáng điệu biểu lộ một thái độ nào đó. Ví dụ như khi chúng ta bày tỏ thái độ rằng mình không hiểu việc gì đó thì chúng ta có thể lắc đầu.
5. Cuối cùng, các con hãy mở ngón tay út của mình ra. Ngón tay út tượng trưng cho “hành động đẹp lòng Chúa.” Hành động chính là những việc chúng ta làm ra trong đời sống hằng ngày.
Hành động có liên quan mật thiết với suy nghĩ, lời nói, thái độ và cử chỉ. Nếu suy nghĩ của chúng ta đúng thì sẽ có lời nói, thái độ, cử chỉ và hành động sẽ đúng đắn và hành động đúng đắn thì sẽ kết quả phước hạnh. Lời nói, thái độ, cử chỉ và hành động thông sáng phát xuất từ những suy nghĩ đẹp lòng Chúa. Suy nghĩ đẹp lòng Chúa xuất phát từ đức tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời. Muốn có đức tin vững chắc thì chúng ta phải sốt sắng đọc và suy ngẫm lời Chúa mỗi ngày.
“Nhưng Ngài trả lời, phán: Có chép rằng, loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng Thiên Chúa.” (Ma-thi-ơ 4:4).
“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi mới hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8). [4]
Như vậy là các con đã xòe hết năm ngón của bàn tay trái của mình ra rồi. Cô mong rằng mỗi một chúng ta, mỗi khi hoặc ăn, hoặc uống hay là làm bất cứ một việc gì, thì chúng ta hãy nhớ vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Các con cũng hãy nhớ đến năm điều đó là từng suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ và hành động đều phải đẹp lòng Chúa.
Các con hãy giành thời gian ra mỗi ngày để đọc Thánh Kinh và suy ngẫm lời Chúa, có như vậy Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng để các con có đời sống chiếu sáng ra sự vinh quang của Thiên Chúa. Và trong mọi sự khôn sáng, các con hãy dùng những thi thiên, thánh ca, và bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau; hát cho Chúa với lòng biết ơn. (Cô-lô-se 3:16) để đẹp lòng Thiên Chúa kính yêu của chúng ta các con nhé.
Các con thương mến, bài học Thánh Kinh của chúng ta đã hết rồi. Nguyện rằng nếp sống của chúng ta mỗi ngày đều vì sự vinh quang của Thiên Chúa qua từng ý nghĩ, lời nói, thái độ, cử chỉ và hành động. Nguyện rằng mỗi các con lớn lên đều có sự hiểu biết Thiên Chúa ngày càng hơn và có nếp sống đẹp lòng Chúa hơn nữa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Cô, Nguyệt Ánh.
Ghi chú:
[1] http://www.thieunhi.timhieuthanhkinh.net/vi-su-vinh-quang-cua-thien-chua/
[2] https://vi.wiktionary.org/wiki/th%C3%A1i_%C4%91%E1%BB%99#Ti.E1.BA.BFng_Vi.E1.BB.87t
[3],[4] http://www.timhieutinlanh.net/ch%E1%BB%9B-lo-phi%E1%BB%81n-chi-h%E1%BA%BFt/
Cùng với sự trợ giúp của chú Bùi Quốc Huy.
Câu hỏi:
Câu 1: Điền vào chỗ trống sau:
Nếu chúng ta là những con dân chân thật của Ngài, thì mỗi chi tiết nhỏ trong đời sống của chúng ta đều vì sự ……….. của Thiên Chúa từ ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, thái độ và hành động.
Câu 2: Có 5 điều mà chúng ta cần ghi nhớ để có một nếp sống chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa giống như 5 ngón tay trên một bàn tay vậy. Qua bài học ngày hôm nay, các con hãy liệt kê 5 điều ấy.
Câu 3: Lời nói, thái độ, cử chỉ và hành động thông sáng phát xuất từ những suy nghĩ đẹp lòng Chúa. Muốn được như vậy thì chúng ta phải làm thế nào?