Vượt Qua Cám Dỗ & Thử Thách

Vượt Qua Cám Dỗ & Thử Thách

 

“Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi,
thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống
mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.”
(Gia-cơ 1:12)

Các con thương mến,

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta luôn phải đối diện với những cám dỗ thử thách. Là con dân của Chúa chúng ta cũng không được miễn trừ mà trái lại chúng ta còn phải chịu cám dỗ thử thách nhiều hơn, bởi vì ngoài những điều mà chúng ta phải đối diện giống như mọi người trong thế gian, con dân Chúa còn bị thế gian ghét bỏ, bắt bớ đức tin và bị khích bác vì nếp sống giữ mình thánh sạch trong các điều răn pháp luật của Thiên Chúa. Để giúp nhau cùng vượt thắng mọi cám dỗ thử thách trên bước đường theo Chúa, mời các con cùng học hỏi lời Chúa hôm nay với chủ đề VƯỢT QUA CÁM DỖ, THỬ THÁCH. 

Bài học có các phần chính như sau: 

1/ PHÂN BIỆT SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁM DỖ VÀ THỬ THÁCH. 

Thánh Kinh dùng chung một từ để chỉ sự cám dỗ và thử thách nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau tuỳ văn mạch hoặc ý nghĩa của câu hay của phân đoạn Thánh Kinh mà chúng ta hiểu đó là sự cám dỗ hay là sự thử thách. Thông thường thì trong sự cám dỗ có sự thử thách và ngược lại. Tuy nhiên giữa cám dỗ và thử thách có sự khác nhau như sau:

Sự cám dỗ là điều luôn đến từ Ma Quỷ và các thế lực đen tối trong thế gian. 

Sự cám dỗ thường được thể hiện dưới hình thức bề ngoài hào nhoáng, đẹp đẽ, ngọt ngào, êm dịu, dễ chịu … nhưng ẩn dấu nọc độc của sự chết, của sự giả dối, ô uế, mau tàn chóng qua, không có giá trị thật. Giống như một viên kẹo tẩm độc. 

Ví dụ như: sự hứa hẹn đem đến một đời sống tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp, công việc dễ dàng lương cao, được thăng tiến, được đề cao khen ngợi, được vui chơi thoải mái, được những người thân quen không tin kính Chúa hài lòng, vui vẻ, trọng vọng… 

Ở lứa tuổi của các con thì các thế lực đen tối có thể lợi dụng bạn bè, lợi dụng những người thân không tin Chúa rủ rê, mời gọi các con tham dự những cuộc vui chơi theo thế gian để bỏ buổi học Thánh Kinh, bỏ buổi nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bat, hay là lợi dụng sự lười biếng, ham chơi của chính các con để cám dỗ các con lơ là trong học tập, trong việc giữ gìn vệ sinh thân thể, trong việc ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của các con cũng chính là đền thờ của Thiên Chúa, hoặc một hình thức khác là lợi dụng sự tự hào về bản thân của các con trước những lời khen tặng về sự xinh đẹp, thông minh, giỏi giang để cám dỗ các con lên mình kiêu ngạo, tự cho mình là tốt, là giỏi nhất hoặc giỏi hơn người khác dẫn đến sự xem thường khinh dễ không coi người khác là tôn trọng hơn mình như Lời Chúa phán dạy.

-Riêng sự thử thách có thể đến từ Chúa hoặc Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của con dân Ngài. Những sự thử thách thoạt đầu xem dường như là sự hoạn nạn, khó khăn, đau buồn như: tai nạn, bệnh tật, nghèo khó, bị mất việc, bị vu oan nói xấu, bị ức hiếp bắt bớ, bị cướp mất tài sản, bị gia đình và người thân ghét bỏ dèm chê … nhưng về sau kết quả lại là những ơn phước lớn lao và sự sống đời đời Chúa ban cho những ai vượt thắng và tỏ mình xứng đáng. 

Ví dụ như Chúa cho phép sự ngăn cấm, cản trở, gây khó khăn từ những người thân trong gia đình không tin Chúa bắt bớ đức tin của chúng ta để thử nghiệm tấm lòng chúng ta chọn theo Chúa hay chọn làm vừa lòng người than, hoặc Chúa dùng sự khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống để thử thách xem lòng chúng ta có biết kính sợ Chúa, biết nương cậy Chúa, quyết tâm giữ gìn điều răn luật pháp của Chúa, không sinh lòng tham lam, trộm cắp, phàn nàn, ghen ghét, đố kỵ hay không. 

2/ TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ MỤC ĐÍCH CỦA SỰ CÁM DỖ THỬ THÁCH. 

– Sa-tan và những kẻ thuộc về chúng luôn sáng tạo ra những cái bẫy cám dỗ tinh vi với âm mưu quyến rũ xui giục loài người phạm tội đối với Thiên Chúa, để cùng chúng chịu chung số phận bị chết đời đời xa cách khỏi sự vinh quang và quyền phép của Chúa. 

Cám dỗ sẽ như một cái bẫy làm cho những người có tấm lòng ham mê thế gian và những sự thuộc về nó nhanh chóng thất bại trước sự thử thách và ngã vào nhiều đường thiệt hại. Những bản tính mà một người thuộc về thế gian, không biết kính sợ Chúa thường thể hiện là: luôn lằm bằm, oán trách, ca thán, ghen ghét, tranh cạnh, mắng nhiếc, rủa sả, buồn đau, lo lắng, bất an, thoái lui, bỏ cuộc…khi gặp hoạn nạn thử thách cũng như luôn chọn những điều mà thế gian đem đến và rồi nhanh chóng đầu hàng trước những cạm bẫy của sự cám dỗ. 

Như Lời Chúa có chép:

“Mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:14-15). 

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian.17 Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:15-17).

Kết lại: sự cám dỗ luôn đến từ Sa-tan và những kẻ thuộc về chúng, với âm mưu quyến dụ xui giục loài người phạm tội chống nghịch Thiên Chúa để cùng chúng chịu chung hình phạt sự chết đời đời xa cách sự vinh quang và phước hạnh của Chúa.

Trái lại,

– Thiên Chúa là Đấng nhân từ yêu thương, Ngài tạo dựng nên muôn loài vạn vật với ý muốn ban sự phước hạnh tràn đầy dư dật trong quyền năng tể trị của Ngài, đặc biệt là trên loài người chúng ta. Nên Ngài đã dùng thử thách hoặc cho phép sự thử thách xảy ra trên đời sống của chúng ta với những mục đích tốt lành phước hạnh như sau: 

  1. Cáo trách, sửa phạt con dân Chúa khi họ lầm lạc.
  2. Giúp con dân Chúa nhận ra những yếu đuối bất toàn thiếu sót của mình và những điều bất khiết không đẹp lòng Chúa còn ẩn giấu.
  3. Rèn tập, tôi luyện và thánh hoá để dân sự của Ngài trở nên vững vàng, mạnh mẽ, thánh sạch. 
  4. Là điều kiện và cơ hội để con dân Chúa thể hiện lòng yêu kính, biết ơn, vâng phục Chúa trong mọi sự.  
  5. Làm tôn cao danh vinh hiển và quyền năng tể trị của Chúa trên muôn loài vạn vật.
  6. Để Chúa sử dụng chúng ta như công cụ công bình trong tay Ngài. 
  7. Để Chúa ban thưởng bội phần hơn cho những người hết lòng yêu kính Ngài. 

Tóm lại: sự thử thách là nguồn phước cho con dân Chúa khi họ vượt thắng và thể hiện sự trung tín trọn vẹn trong đức tin của mình.

 3/ BÍ QUYẾT VƯỢT THẮNG KHI ĐỐI DIỆN CÁM DỖ THỬ THÁCH. 

Khi chúng ta nhận diện, phân biệt và hiểu biết rõ ràng nguyên nhân, mục đích sự khác nhau giữa cám dỗ và thử thách thì chúng ta sẽ học biết cách vượt thắng mọi cám dỗ thử thách là điều mà Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của mỗi một chúng ta.

Tình yêu, lòng biết ơn, sự kính sợ và tấm lòng vâng phục Chúa trong mọi sự, chính là bí quyết nền tảng giúp chúng ta khôn ngoan đương đầu, bẽ gãy mọi mưu kế của kẻ dữ và vượt thắng mọi cám dỗ thử thách. 

Những ai có tấm lòng kính sợ Chúa, ra sức tìm cầu Chúa, biết nương cậy vào Chúa thì cám dỗ thử thách chính là điều kiện cần thiết để mọi nguồn phước hạnh của Chúa càng thêm tuôn đổ dư dật trên đời sống của mình và là cơ hội để rèn luyện đức tin của mình ngày càng trưởng thành và vững vàng hơn trong Chúa. Vì vậy, là con dân của Chúa khi khó khăn cám dỗ thử thách đến chúng ta: Hãy vui mừng mãi mãi! Hãy cầu nguyện không thôi! Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18).

Vì “Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích {của Ngài}.” (Rô-ma 8:28).

Các con biết không, khi hoạn nạn khó khăn bắt bớ đến mà chúng ta vẫn vui mừng, bình an, dâng trình lên Chúa mọi sự, và vững vàng bước đi trong Chúa chính là chúng ta thể hiện đức tin về tình yêu, sự quan phòng chăm sóc và quyền năng tể trị của Chúa trên đời sống của mình một cách tuyệt đối, làm tôn cao danh Chúa, đẹp lòng Chúa.

Khó khăn, thử thách là điều không mong muốn nhưng Chúa cho phép xảy ra trên chúng ta vì qua đó rèn tập, tôi luyện chúng ta ngày càng trở nên thánh sạch xứng đáng với địa vị và những phần thưởng cao quý mà Chúa đã sắm sẵn. Chính qua cám dỗ thử thách mà đức tin, tình yêu và tấm lòng của chúng ta đối với Thiên Chúa càng thêm hiển lộ. Như câu chuyện Chúa cho phép ma quỷ đem hoạn nạn mất mát bệnh tật thử thách đến để lòng yêu kính Chúa của ông Gióp được bày tỏ cho cả thiên đàng và làm tấm gương cho chúng ta và cho ngàn đời sau noi theo.

Ngày xưa Chúa cũng đã dùng những nghịch cảnh để thử thách dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng trước khi Ngài đưa họ vào vùng đất hứa. Chúa đã hạ họ xuống, thử thách họ, rèn luyện họ để họ trở thành một dân hùng mạnh và biết kính sợ Chúa trước khi Ngài ban cho họ toàn xứ Ca-na-an tức là một xứ tốt tươi đượm sữa và mật. Lời Chúa có chép:

“Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm này, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, để biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:2).

“Ta sẽ dùng các dân tộc đó thử thách I-sơ-ra-ên, để xem thử chúng nó có giữ và đi theo đường của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như tổ phụ chúng nó chăng.” (Các Quan Xét 2:22).

Các con thương mến,

Thời giờ càng gần thì Ma Quỷ và các thế lực của chúng càng ra sức tấn công đánh phá hòng hủy diệt chúng ta, phá vỡ chương trình kế hoạch ý định của Thiên Chúa, làm cho chúng ta xa cách Chúa và làm cho Chúa đau buồn. Đứng trước những sự cám dỗ ngọt ngào hay những khó khăn hoạn nạn trong cơn thử thách, là con dân của Chúa chúng ta phải khôn ngoan tỉnh thức, kêu cầu Chúa, dùng danh Chúa và lời của Ngài như tấm gương của Đức Chúa Jesus Christ đã dùng chính quyền năng lời hằng sống của Thiên Chúa để vượt thắng mọi sự cám dỗ thử thách mà Ma Quỷ và các thế lực đen tối đem đến. Và chúng ta cũng hãy luôn nhớ rằng: 

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào quá sức loài người đến cho các anh chị em. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài không bao giờ để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách quá sức của các anh chị em; nhưng trong sự cám dỗ hoặc thử thách, Ngài cũng mở đường cho ra khỏi, để các anh chị em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

“Vậy, hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỷ, thì nó sẽ lánh xa các anh chị em.” (Gia-cơ 4:7). 

Chúa luôn dùng tình yêu, phép lạ và lời hằng sống để khuyên dạy, nhắc nhở, dẫn dắt chúng ta đi trên con đường công bình phước hạnh. Nhưng nếu trong chúng ta ai đó có lòng cứng cỏi và bội nghịch vẫn đi theo đường riêng, làm theo ý riêng và tìm kiếm sự vinh hiển riêng cho mình theo thế gian đời nầy, thì có đôi lúc vì lòng nhân từ thương xót lớn lao Chúa lại dùng những hoạn nạn thử thách để cảnh tỉnh, sửa phạt, thánh hoá làm cho chúng ta trở lại và sinh bông trái tốt lành như một người Cha yêu thương sửa phạt con trai mình. 

“Vậy, hãy nhận biết trong lòng rằng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi sửa phạt ngươi như một người sửa phạt con mình vậy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:5).

“Cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Ngài vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. Thật, những sự sửa phạt lúc đầu dường như một cớ buồn bã, chứ không phải sự vui mừng; nhưng về sau, sinh ra bông trái công bình và bình an cho những ai đã chịu luyện tập như vậy.”  (Hê-bơ-rơ 12:10-11). 

Tuy nhiên chúng ta không được xem thường dễ ngươi và nghĩ rằng mình có thể lợi dụng lòng nhân từ thương xót của Chúa hay khinh dễ sự sửa phạt của Chúa. Vì lời Chúa có phán:

“Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.”  (Giê-rê-mi 17:10).

“Người nào bị quở trách thường, lại cứng cổ mình, Sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa.” (Châm Ngôn 29:1).

Từ trong sự cám dỗ thử thách chúng ta mới tự nhận biết những yếu đuối bất toàn những điều không thánh sạch còn ẩn giấu trong tâm thần của chúng ta như tính tham lam ích kỷ, ghen ghét đố kỵ, nóng giận, khoa khoang, kiêu ngạo, phàn nàn … để biết hạ mình ăn năn, kêu cầu và biết cậy nhờ ơn Chúa giúp đem nó ra xa khỏi chúng ta như phương đông xa cách phương tây.

Đức Chúa Jesus Christ đã để lại gương cho chúng ta noi theo dấu chân Ngài về một đời sống yêu kính và vâng phục Đức Chúa Cha một cách trọn vẹn khi Ngài còn trên đất. Nếu chúng ta xưng nhận Ngài là Chúa, là Chủ cuộc đời mình thì chúng ta cũng phải bước đi như Ngài đã bước đi, chúng ta phải sống như Ngài đã sống. Lời Ngài phán: 

“Còn như các ngươi đã bền lòng theo Ta trong mọi sự thử thách Ta, nên Ta ban nước cho các ngươi như Cha đã ban cho Ta vậy. Để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước Ta, và được ngồi ngai để phán xét chi phái Y-sơ-ra-ên.” (Lu-ca 22:28-30).

Vậy:

” Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với {Ngài}. Nếu chúng ta chối bỏ {Ngài} thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Phần thưởng vinh quang phước hạnh luôn được thử nghiệm để trao cho người xứng đáng. Không phải vì Thiên Chúa không biết tấm lòng sâu kín của chúng ta như thế nào, mà là để cho thiên đàng, ma quỷ và cả loài người phải quy phục, phải suy tôn sự công bình, thánh khiết của Thiên Chúa trong việc Ngài ban thưởng cho loài người chúng ta. 

KẾT LUẬN: CÁC BƯỚC THỰC HÀNH KHI ĐỐI DIỆN CÁM DỖ, THỬ THÁCH. 

1- Cảm tạ ơn Chúa và cầu nguyện trình dâng lên Chúa mọi khó khăn thử thách cám dỗ mà mình đang gặp phải vì biết rằng mọi việc hiệp lại có ích cho những người yêu kính Chúa.

2- Tiếp theo, trước nhất chúng ta hãy tra xét bản thân và tìm cầu ý Chúa để biết cám dỗ thử thách hoạn nạn đến là do mình đã phạm tội hay là cơ hội Chúa ban để chúng ta chứng minh tấm lòng của mình đối với Thiên Chúa.

3- Không được xem thường sự cáo trách sửa phạt của Chúa mà phải ngay lập tức ăn năn khi nhận biết mình đã phạm tội.

4- Nếu những hoạn nạn, khó khan, cám dỗ, thử thách đến không phải do chúng ta phạm tội thì chúng ta kêu cầu Chúa, dùng danh Chúa và lời của Ngài để làm gươm thuộc linh đánh trả mọi cám dỗ thử thách.

5- Chúng ta phải kiên quyết tránh xa mọi môi trường và điều kiện cám dỗ.

6- Hết lòng tin cậy, bền đỗ, vững vàng và yên tâm chờ đợi sự giải cứu của Chúa.

7- Cuối cùng là chúng ta phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện không thôi như lời Chúa phán: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi không rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Ma-thi-ơ 26:41).

Nguyện kính xin Chúa ban năng lực và giúp chúng ta luôn giữ vững đức tin và bước đi vững vàng trung tín theo Chúa qua mọi cám dỗ thử thách. 

Để giúp các con ghi nhớ, biết cách áp dụng lời Chúa phán dạy vào cuộc sống, hầu cho các con trở thành người được phước như trong câu Thánh Kinh nền tảng của bài học hôm nay:“Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.” (Gia-cơ 1:12) 

Chúng ta hãy đến với phần trả lời các câu hỏi:

CÂU HỎI:

1/ Cám dỗ luôn đến từ đâu? 

2/ Âm mưu của ma quỷ và các thế lực đen tối là gì, khi tạo ra những cái bẫy cám dỗ tinh vi đối với loài người? 

3/ Các con hãy kể những bản tính mà người theo thế gian không tin kính Chúa thường thể hiện khi gặp cám dỗ, khó khăn, thử thách.

4/ Vì sao chúng ta phải vui mừng, bình an và dâng lời cầu nguyện trước mọi khó khăn, cám dỗ, thử thách? 

5/ Các con hãy kể ra những mục đích tốt lành khi Thiên Chúa cho phép khó khăn hoạn nạn thử thách xảy ra trên đời sống của con dân Ngài mà các con biết.

6/ Bí quyết nền tảng nào giúp chúng ta có được sự khôn ngoan để đương đầu trước mọi mưu kế của kẻ dữ và vượt thắng mọi cám dỗ thử thách? 

7/ Khi Thiên Chúa dùng hoạn nạn hoạn nạn thử thách để sửa phạt chúng ta, chúng ta phải ngay lập tức làm gì? 

8/ Từ nay đứng trước mọi sự cám dỗ thử thách các con sẽ làm gì? 

9/ Các con hiểu như thế nào về câu Thánh Kinh: “Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.” (Gia-cơ 1:12).

Nguyện sự kính mến Chúa đầy dẫy trong lòng các con giúp các con bền đỗ trong đức tin và khôn ngoan vững vàng vượt qua mọi cám dỗ thử thách để một ngày không xa các con sẽ nhận được mão vinh hiển của sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai yêu kính Ngài.

Nguyện mọi vinh quang, vinh hiển, quyền phép, sự cao quý và mọi lời chúc tôn duy thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đời đời cho đến vô cùng.

 Cảm tạ ơn Chúa. Cám ơn các con đã cùng cô học hỏi lời Chúa hôm nay.

Trong ân điển yêu thương đời đời của Đấng Christ Jesus! Amen!
GraceNguyen

12/05/2018