Nguyễn Văn Hào
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.opendrive.com/files/MV81OTg0MjU1Nl9VcmFMcV9kNTky/20140726_NVH_YeuThuongChaMe.pdf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các mp3 bài giảng :
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
Bài giảng
Chú Hào mến chào các cháu thiếu nhi trong tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ.
Hôm nay, chú rất là vui và cảm tạ Chúa đã cho Chú có cơ hội để chia sẻ Lời Chúa cho các cháu.
Trước khi bắt đầu chia sẻ Lời Chúa thì chú xin kể cho các cháu nghe một câu chuyện như sau:
“Chuyện kể rằng có một người con trai nọ. Từ bé mồ côi cha. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm. Bà cực nhọc, ròng rã nuôi con.
Nhưng suốt thời thơ ấu cả khi lớn lên, lúc nào Người Con cũng ghét Người Mẹ , không bao giờ giới thiệu cho ai gặp Mẹ mình cả, không cho Mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là… bà mẹ bị mù một mắt.
Ngày nọ Người Mẹ nhớ người Con quá, nên ghé qua trường thăm con. Người Con thấy mẹ đến liền ra nói: “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… tôi thực sự ghét bà” . Người Mẹ mù một mắt buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy ra một bên mắt kia. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về.
Ngày hôm sau Người Con đến lớp, tức thì các bạn cùng lớp la lên: “Ôi! Kinh quá. Nhìn mẹ mày xấu xí quá” cả lớp mỉa mai, chế giễu người con thậm tệ. Cậu ta khóc. Khóc vì tủi nhục. Khóc vì mẹ mình xấu xí đến kinh sợ.
Lúc về nhà Người Con nói với mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bạn bè tôi chế giễu tôi. Họ khinh thường tôi. Họ ghê tởm bà. Bà hiểu không?”. Thật là bội bạc. Đó là 2 từ để dành cho những lời lẽ vô lương tâm của cậu bé. Anh ta không hề để ý đến cảm xúc của mẹ. Không thể hiểu hết được cái giá trị của tình thương của mẹ mình.
Thế rồi, anh ta trưởng thành.. Và bắt đầu một cuộc sống mới.. Một cuộc sống khi không có mẹ kề bên và chăm chút nữa.. Và rồi sau những tháng ngày miệt mài và cần mẫn bên đèn sách. Anh ta đã dành được 1 suất học bổng du học nước ngoài. Anh ta vô cùng hạnh phúc. 5 năm sau, người con trai ấy học thành tài và lập gia đình. Anh ta có vợ và có 2 con đều giàu có, có một gia đình hạnh phúc và ấm cúng.
Còn người mẹ một mắt thì sống lủi thủi bên căn nhà tranh vách lá, một mình một bóng. Và rồi một ngày nọ. Khi nỗi nhớ thương con trong lòng bà mẹ cồn cào lên, bà không thể chịu đựng được nữa. Bà quyết định ra nước ngoài để được nhìn thấy đứa cháu nội lớn lên như thế nào. Để được một lần cuối trông thấy hình hài đứa con trai bây giờ ra sao. Chỉ một lần thôi… Và cũng là lần cuối.
Đứng trước cái cổng cao lớn và sang trọng nhà người con trai. Bà thầm vui, thầm mỉm cười vì con mình giờ đây thành đạt và yên ấm đến thế nào.
Người con trai từ trong bước ra. Ngạc nhiên và phần nào bực tức khi nhìn thấy mẹ mình. Anh ta quát mắng: “Bà còn sang đây làm gì nữa? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi sao? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao?”. Thế đấy… đó là những gì bà chờ đợi và mong mỏi thì giờ đây lại bị đối xử như vậy đấy! Bà ngoảnh lại… Chào con và nhìn đứa cháu ngây thơ bé dại rồi lặng lẽ đi về. Trong lòng không khỏi những nỗi buồn đau xót.
Một hôm Người Con nhận được thư mời về họp lớp cũ tại Việt Nam. Anh ta phải nói dối vợ là đi công tác xa nhà . Người Mẹ biết tin Con về họp lớp tại quê nhà. Bà vui lắm… Nhưng không dám gặp con. Bà sợ bị con hắt hủi. Trong suốt buổi họp lớp đó, những người bạn thân hỏi han anh ta về gia đình, và… về “mẹ”… Mẹ anh giờ ra sao? Mẹ anh như thế nào? Bà sống tốt hay bệnh tật gì không?… Hàng tá những câu hỏi, những thắc mắc khiến anh không khỏi suy nghĩ… Và… Anh nhớ về mẹ mình… Anh vội vã về thăm mẹ. Anh muốn được nhìn thấy mẹ.
Nhưng nào ngờ. Khi chưa kịp nói ra những nỗi lòng thổn thức. Chưa kịp ôm hôn mẹ lần cuối.. Mẹ anh đã qua đời.. Đã vĩnh viễn ra đi…
Cầm trên tay lá thư những người hàng xóm còn giữ lại.. Họ cũng nghẹn ngào.. Họ nói . Mẹ anh khi chết. Tay vẫn nắm chặt tờ giấy. và ghi rõ rành mạch. Phải gửi cho con trai tôi.. Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của người mẹ dành cho anh, nội dung thư như sau:
Con trai yêu quý của mẹ!
Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé…. Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ. Khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn lắm. Muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác. Để cho con khỏi lo phiền. Khỏi bực tức và giờ mẹ đã được toại nguyện..
Con biết không? Mẹ yêu con… Nhiều lắm! Mẹ có thể đánh đổi. Có thể hi sinh đôi mắt của mình dành cho con… Hi sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời… Con đã bị hỏng một bên mắt là do một vụ tai nạn hồi bé… Mẹ thật sự khóc rất nhiều… Khóc vì đứa con của mẹ không mang hình hài nguyên vẹn như những đứa trẻ cùng lứa. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, làm mọi cách để bác sĩ thay mắt cho con. Mẹ chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Chưa bao giờ biết đau. Mẹ yêu con không thể nào kể xiết. Và mẹ muốn đem lại cho con những gì tuyệt vời nhất mà mẹ có thể… Hi vọng khi mẹ rời xa con rồi. Đừng xa lánh. Đừng ruồng rẫy ghét bỏ mẹ nữa con nhé!. Con hãy sống tốt và chăm lo những đứa cháu nội của mẹ nhé..
Yêu con!…
Cầm trên tay lá thư… Anh khóc!… Đó là những giọt nước mắt thật sự. Nó không chứa đựng tủi nhục. Không phải là vì lòng tự tôn như trước nữa, mà bằng cả con tim, bằng cả nỗi đau đớn… nỗi oán hận bản thân khi đã đối xử tệ bạc với mẹ… Và chắc gì… Người mẹ của anh đã ra đi trong sự thanh thản mà bà hằng mong ước… Ra đi, nhưng chưa được nghe thấy tiếng con gọi… Ra đi, mà trong lòng nặng trĩu những uất ức… Đôi mắt của anh… cũng là đôi mắt của mẹ. Ánh sáng của anh… Cũng là bóng tối của mẹ. Trong khi anh được nhìn thấy cuộc sống mới thì cũng là lúc anh mất đi tất cả.”
Các cháu thân mến, các cháu vừa nghe qua câu chuyện người mẹ một mắt và những hành động bất hiếu, không yêu thương, tôn trọng người mẹ của cậu con trai. Chẳng những không yêu thương mà còn căm ghét mẹ mình, không cho phép mẹ mình xuất hiện trước mặt mình nữa.
Ai trong các cháu đã từng có hành động này đối với bố, mẹ mình rồi? Chú tin chắc là các cháu sẽ không làm như thế giống như người con trai trong câu chuyện. Tuy nhiên, hằng ngày các cháu vẫn còn không vâng lời bố mẹ, lớn tiếng với bố mẹ, ham chơi hơn ham học, không đọc Thánh Kinh, … đó cũng là những hành động thể hiện sự không yêu mến bố mẹ rồi.
Hãy yêu thương bố mẹ mình, vì bố và mẹ là người đã sinh ra ta; nuôi nấng và bảo vệ cho ta lớn khôn thành người; cho các cháu được có cơ hội ăn học, vui chơi thỏa thích cùng bạn bè nè.
Hãy bắt chước gương Chúa Jesus các cháu nhé.
Chúa Jesus đã sống trọn vẹn tình con đối với Cha trên trời. Người đã hết lòng yêu mến Chúa Cha, vâng phục Chúa Cha trong hết mọi sự. Người nói, hành động và sống theo Thánh Ý Chúa Cha, Người chịu đau khổ và chịu chết nhục nhã trên thập tự giá để Danh Cha được vinh hiển.
Đối với gia đình, Chúa Jesus là một người con gương mẫu. Người luôn kính yêu Ông Giô-sép và Bà Mari. Chúa Jesus làm nghề thợ mộc và cùng Ông Giô-sép chia sẻ gánh nặng mưu sinh cho gia đình. Mọi người trong làng đều biết nghề của Người, nên khi đi rao giảng, người ta vẫn gọi Chúa Jesus là chú thợ mộc, con của bác thợ mộc Giô-sép (Ma-thi-ơ 13:15). Người cũng kính yêu Bà Mari một cách tha thiết, vì nhận được nơi Bà sự thánh thiện cũng như sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Trong Lu-ca 2:51 “Kế đó, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng”. Chịu lụy ở đây có nghĩa là vâng lời cha mẹ của mình đó các cháu à.
Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12, Đức Chúa Trời cũng đã dạy ta phải yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ mình: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, để những ngày của ngươi được dài ra trên vùng đất mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi ban cho.”
Và “Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn này: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều này: Ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết.” (Ma-thi-ơ 15:4).
Vậy phải làm gì và làm như thế nào để thể hiện sự yêu thương của mình đối với bố mẹ? Đây là câu hỏi mà các cháu phải tự trả lời.
Các cháu đừng nghĩ phải làm một việc gì thật to tác, lớn lao; hay phải kiếm thật nhiều tiền để đem về cho bố mẹ gọi là yêu thương bố mẹ đâu. Rất đơn giản, vì các cháu còn nhỏ nên các cháu sẽ làm những việc nhỏ phù hợp với khả năng của các cháu như sau: hãy cầu nguyện cho bố mẹ các cháu để xin Chúa ban cho bố mẹ các cháu sức khỏe, bình an, hãy vâng lời bố mẹ hằng ngày, hãy giúp đỡ bố mẹ mình quét nhà, trông em, phấn đấu học tập tốt nè, … Đó là những việc mà chú nghĩ Chúa và bố mẹ các cháu sẽ rất vui và hài lòng về các cháu đấy.
Vậy, chúng ta sẽ thực hiện những việc này như thế nào vậy các cháu? Có phải chúng ta sẽ thực hiện chỉ một ngày thôi? Đương nhiên là không rồi, mà chúng ta phải làm những việc ấy hằng ngày để bày tỏ sự yêu thương, hiếu kính của mình đối với bố mẹ.
Tình yêu của bố mẹ thật như biển cả, vô biên vô tận đấy các cháu. Nên, hãy yêu thương bố mẹ mình các cháu nhé. Yêu thương bố mẹ chính là cách thể hiện sự vâng lời dạy bảo của Thiên Chúa, vì Ngài đã dạy chúng ta phải hiếu kính bố mẹ mình.
Chúa Jesus đã nói trong Mác 10:19“Ngươi biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ.”
Nếu ai trong các cháu mà trước giờ chưa thể hiện được sự yêu thương của mình đối với bố mẹ thì ngay sau khi kết thúc bài học hôm nay, các cháu hãy đến bên bố mẹ mình, hãy ôm bố mẹ mình thật chặt và nói rằng: bố ơi, mẹ ơi, con yêu bố mẹ lắm và con cám ơn bố mẹ rất nhiều vì đã yêu thương và lo lắng cho con.
Chúc các cháu luôn biết vâng lời Chúa dạy và hiếu thảo, yêu thương bố mẹ mình ngày càng hơn trong Chúa. Amen.
Nguyễn Văn Hào
26.07.2014