Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:01-04
1 Hỡi các tầng trời, hãy lắng tai nghe và tôi sẽ nói! Và hãy nghe biết, hỡi đất, lời của tôi, của miệng tôi!
2 Giáo lý của tôi sẽ rơi xuống như mưa. Bài diễn thuyết của tôi sẽ bốc hơi như sương móc, như mưa rào trên chồi non rau cỏ và như mưa tầm tã trên rau cỏ xanh.
3 Vì tôi sẽ tung hô danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Hãy tôn cao sự uy nghiêm cho Thiên Chúa của chúng ta!
4 Hỡi Vầng Đá! Công việc của Ngài {là} trọn vẹn. Vì mọi đường lối của Ngài {là} công chính. {Ngài là} Thiên Chúa thành tín và không bất công. Ngài {là} công bình và chính trực.
“Hỡi các tầng trời” (H8064) là một danh từ số nhiều, chỉ chung không gian trong thế giới vật chất và nơi ngự của Thiên Chúa trong thế giới thuộc linh, bao gồm: bầu khí quyển bao chung quanh trái đất (tầng trời thứ nhất); khoảng không trong vũ trụ (tầng trời thứ nhì); và thiên đàng (tầng trời thứ ba).
“Hãy lắng tai nghe” (H238) là một động từ với mệnh lệnh cách, có nghĩa: Hãy lắng tai nghe; hãy nghe.
“Và tôi sẽ nói” (H1696) là một động từ thời tương lai, dùng với ngôi thứ nhất số ít, có liên từ “và” đứng trước, có nghĩa: Và tôi sẽ nói; và tôi sẽ truyền lệnh; và tôi sẽ công bố; và tôi sẽ cảnh báo.
“Và hãy nghe biết” (H8085) là một động từ với mệnh lệnh cách, có liên từ “và” đứng trước, có nghĩa: Và hãy nghe biết; và hãy nghe theo; và hãy nghe mà đồng ý; và hãy nghe mà làm theo.
“Hỡi đất” (H776) là một danh từ, có nghĩa: Mặt đất; trái đất; đất liền; một vùng đất; xứ sở.
“Lời của tôi” (H561) là một sở hữu danh từ, có nghĩa: Lời của tôi; câu nói của tôi; mệnh lệnh của tôi.
“Của miệng tôi” (H6310) là một sở hữu danh từ, có nghĩa: Của miệng tôi.
“Giáo lý của tôi” (H3948) là một sở hữu danh từ, có nghĩa: Giáo lý của tôi; sự giảng dạy của tôi; giáo huấn của tôi; sự dạy dỗ của tôi.
“Sẽ rơi xuống” (H6201) là một động từ thời tương lai, có nghĩa: Sẽ rơi xuống; sẽ nhểu giọt xuống.
“Như mưa” (H4306) là một danh từ, có giới từ “như” đứng trước, có nghĩa: Như mưa; giống mưa; tương tự mưa.
“Bài diễn thuyết của tôi” (H565) là một sở hữu danh từ, có nghĩa: Bài diễn thuyết của tôi; diễn văn của tôi; bài thuyết giảng của tôi.
“Sẽ bốc hơi” (H5140) là một động từ thời tương lai, có nghĩa: Sẽ bốc hơi.
“Như sương móc” (H2919) là một danh từ, có giới từ “như” đứng trước, có nghĩa: Như sương móc; như sương đêm. Sương là hơi nước trong không gian. Móc là hơi nước đọng thành giọt.
“Như mưa rào” (H8164) là một danh từ, có giới từ “như” đứng trước, có nghĩa: Như mưa rào; như cơn mưa nhẹ; như cơn mưa nhỏ.
“Trên” (H5921) là một giới từ, có nghĩa: Gần; bên cạnh; kế bên, trên; tại; đối ngang; đối diện; bằng; bởi; theo như; bởi cớ ấy; vì; bởi vì; bởi sự ấy; về; liên quan đến.
“Chồi non rau cỏ” (H1877) là một danh từ, có nghĩa: Chồi non rau cỏ; mầm non rau cỏ; lá non rau cỏ.
“Và như mưa tầm tã” (H7241) là một danh từ có liên từ “và”, giới từ “như” đứng trước, có nghĩa: Và như mưa tầm tã; và như cơn mưa lớn; và như cơn mưa dai dẳng.
“Rau cỏ xanh” (H6212) là một danh từ, có nghĩa: Rau cỏ xanh.
“Vì” (H3588) là một liên từ, có nghĩa: Bởi; vậy; thế; vì; nếu; phải; ngoại trừ; chắc chắn; mặc dù; tuy nhiên; nhưng; hơn là; khi (dùng với thời gian).
“Tôi sẽ tung hô” (H7121) là một động từ thời tương lai, dùng với ngôi thứ nhất, số ít, có nghĩa: Tôi sẽ tung hô; tôi sẽ tán dương; tôi sẽ tuyên xưng.
“Danh” (H8034) là một danh từ, có nghĩa: Danh; tên; tên gọi.
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (H3068) là một danh từ riêng, là tên gọi của Thiên Chúa do chính Ngài xưng nhận, có nghĩa là: Đấng Thực Hữu; Đấng Có Thật; Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Đấng Tự Có và Có Mãi. Được phiên âm thành Giê-hô-va; Gia-vê.
“Hãy tôn” (H3051) là một động từ với mệnh lệnh cách, có nghĩa: Hãy tôn; hãy dâng lên; hãy trao ra; hãy đặt để.
“Sự uy nghiêm” (H1433) là một danh từ, có nghĩa: Sự uy nghiêm; sự vĩ đại; sự hùng vĩ; sự tráng lệ.
“Cho Thiên Chúa của chúng ta” (H430) là một sở hữu danh từ, dùng với ngôi thứ nhất số nhiều, có giới từ “cho” đứng trước, có nghĩa: Cho Thiên Chúa của chúng ta; cho Thiên Chúa của chúng tôi. Xem thêm “Thiên Chúa (H430)”.
“Thiên Chúa” (H430) là danh từ số nhiều chỉ một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, tức Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi chỉ về các thần linh thì có nghĩa là: Những thần linh. Khi chỉ về quyền cai trị thì có nghĩa là: Những nhà cai trị; những bậc cầm quyền.
“Hỡi Vầng Đá” (H6697) là một danh từ trong tiếng A-ra-mai, có nghĩa: Hỡi Vầng Đá. Danh từ “Vầng Đá” được dùng làm một danh hiệu của Thiên Chúa.
“Công việc của Ngài” (H6467) là một sở hữu danh từ, có nghĩa: Công việc của Ngài; việc làm của Ngài; hành động của Ngài (của ông ấy).
“Trọn vẹn” (H8549) là một tính từ, có nghĩa: trọn vẹn; hoàn toàn; toàn bộ; tốt lành.
“Mọi” (H3605) là một danh từ, có nghĩa: Cả; hết thảy; toàn thể; mọi; mọi sự; tất cả sự việc; toàn bộ sự việc.
“Đường lối của Ngài” (H1870) là một sở hữu danh từ, có nghĩa: Đường lối của Ngài (của ông ấy).
“Công Chính” (H4941) là một danh từ. Nghĩa hẹp: Sự công chính; hành động đúng theo luật pháp. Nghĩa rộng: Sự phán xét; sự xét xử trước tòa án.
“Thiên Chúa” (H410) là một danh từ chỉ về Thiên Chúa hoặc các thần linh do Thiên Chúa dựng nên, thường được ghép chung với các danh từ hoặc tính từ khác, để tạo thành các danh hiệu của Thiên Chúa, như: “Thiên Chúa Chí Cao” trong Sáng Thế Ký 14:18-20; “Thiên Chúa Toàn Năng” trong Sáng Thế Ký 17:1; “Thiên Chúa Hằng Hữu” trong Sáng Thế Ký 21:33; “Thiên Chúa của Bê-tên” trong Sáng Thế Ký 31:13…
“Thành tín” (H530) là một danh từ, có nghĩa: Sự thành tín; sự vững vàng, không thay đổi; sự chung thủy.
“Và không có” (H369) là một danh từ, có liên từ “và” đứng trước, có nghĩa: Và sự chẳng có; và sự không có.
“Bất công” (H5766) là một danh từ, có nghĩa: Sự bất công; sự không công chính.
“Ngài” (H1931) là một nhân xưng đại danh từ, ngôi thứ ba, số ít: Ngài; ông; nó.
“Công bình” (H6662) là một danh từ, có nghĩa: Sự công bình; sự hợp pháp.
“Và chính trực” ( H3477) là một tính từ, có giới từ “và” đứng trước, có nghĩa: Và có tính chính trực; và có tính ngay thẳng; và có tính thẳng thắn; và có tính ngay lành; và có tính công chính.
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/11/2018