Dạn Dĩ Trong Sự Thông Công

200 lượt xem

1/ Bài Chia Sẻ Từ Đại Diện Ban Cố Vấn

Dạn Dĩ Trong Sự Thông Công

Theo sự giảng dạy của người chăn Huỳnh Christian Timothy:

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ được dịch là “sự dạn dĩ” có nghĩa là sự tự do, tự tin, vui vẻ, không sợ hãi. [1]

Danh từ “sự thông công” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự giao kết, quan hệ thân thiết với nhau, cùng chia sẻ mọi sự với nhau, cùng nhau tham dự trong mọi sự. Cũng có thể dịch là “sự giao thông.” [2]

Như vậy, dạn dĩ với nhau trong sự thông công là tự tin, vui vẻ, không sợ hãi, nhút nhát, e thẹn trước đám đông. Cũng không ngần ngại khi phải nói ra sự sai trái, lỗi lầm của anh chị em hoặc khi nhận lỗi nhận tội của mình. [3]

Sự dạn dĩ của người thế gian chính là dựa vào khả năng của họ. Họ dạn dĩ trong lời nói khi có tài ăn nói. Họ dạn dĩ trong việc làm khi có tay nghề cao và sự hiểu biết. Họ dạn dĩ trong cuộc sống khi có tiền tài, địa vị. Nhưng sự dạn dĩ của con dân Chúa khác với người thế gian. Con dân Chúa không dựa vào sự khôn sáng theo xác thịt, sự quyền thế hay sang trọng nơi thế gian, mà dựa vào đức tin nơi Thiên Chúa và sự hiểu biết Lời Ngài, để tấn tới trong sự dạn dĩ thông công với nhau. Như vậy, cứ hễ chúng ta có cùng đức tin nơi Thiên Chúa, cùng sống theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh thì ắt sẽ có sự dạn dĩ thông công với nhau.

Sự thông công của người thế gian thường chỉ khi họ cùng một lý tưởng, hoặc cùng một sở thích, cùng một công việc, địa vị,… Nhưng sự thông công của họ vẫn có sự ngăn cách và giới hạn.

Sự thông công giữa con dân Chúa với nhau là không giới hạn. Họ không bị ngăn cách bởi địa lý xa hay gần, bởi vật chất giàu hay nghèo, bởi tuổi tác lớn hay nhỏ,…Con dân Chúa thông công với nhau được nhiều vấn đề từ thuộc thể đến thuộc linh.

Trong đó, điều nổi bật là họ thường xuyên tâm tình những vui buồn, những cám dỗ, thử thách,…trong cuộc sống; họ chia sẻ với nhau sự hiểu biết Lời Chúa; họ phục vụ lẫn nhau bằng sự cầu thay, tiếp trợ, cứu giúp; họ gây dựng lẫn nhau qua sự khích lệ, khuyên bảo, nhắc nhở, cáo trách. [4]

Sự con dân Chúa thông công với nhau là một ơn phước Chúa ban. Chính trong sự thông công chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự hiệp nhất của một thân thể, sự bổ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Sự thông công được các môn đồ đầu tiên luôn giữ lấy:

“Họ đã siêng suốt vâng giữ giáo lý của các sứ đồ, sự thông công, sự bẻ bánh, và sự cầu nguyện.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42).

Sự thông công là một trong những của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời:

“Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:16).

Chúa đã ban ơn phước đó cho con dân của Ngài. Sự thông công ẩn chứa rất nhiều phước hạnh hiện có trong đời này và còn cho đến đời đời. Vì vậy chúng ta cần dạn dĩ với nhau trong sự thông công, để đón nhận những ơn phước Chúa ban.

Những phước hạnh khi con dân Chúa dạn dĩ với nhau trong sự thông công, đó là:

  • Được khích lệ, an ủi, đồng cảm và thương xót.
  • Được tấn tới càng hơn trong sự hiểu biết Lời Chúa.
  • Được cùng nhau hầu việc Chúa qua các mục vụ trong Hội Thánh.
  • Được cùng nhau gây dựng Hội Thánh ngày càng vững mạnh.

Sự phước hạnh lớn lao là vậy, nhưng điều gì khiến chúng ta thiếu sự dạn dĩ với nhau trong sự thông công?

  • Chúng ta còn e ngại không dám tâm tình những vui buồn, hay chia sẻ những khó khăn, thử thách trong cuộc sống với nhau. Đó là vì chúng ta chưa xem anh chị em cùng Cha là cùng một thân, chưa xem mối quan hệ đó còn thân thiết hơn cả mối quan hệ ruột thịt.
  • Chúng ta còn ngần ngại trong sự chia sẻ Lời Chúa với anh chị em, vì nghĩ rằng mình ăn nói không giỏi, không biết diễn đạt sao cho dễ hiểu. Viết bài chia sẻ thì không hay, thiếu sự hiểu biết so với những các anh chị em khác. Đó là vì chúng ta còn có sự tự ti trong mình.
  • Chúng ta còn chậm trễ, ngần ngại trong sự cầu thay, tiếp trợ, cứu giúp, góp ý anh chị em cùng Cha. Có phải đó là vì chúng ta đã thiếu tình yêu thương với anh chị em cùng Cha? Nếu họ là anh chị em ruột thịt trong nhà, thì chúng ta sẽ đối với họ ra sao?

Vậy chúng ta phải làm thế nào có được dạn dĩ với nhau trong sự thông công?

  • Chúng ta hãy ăn năn với Chúa về những thiếu sót đó. Và tiếp đến chúng ta thay đổi để sửa sai.
  • Chúng ta cần coi anh chị em mình thật sự như những người thân ruột thịt để mạnh dạn tâm tình.
  • Nhận biết mình còn yếu kém, nhưng cậy nhờ ơn Chúa rèn luyện trong mỗi bài chia sẻ được tốt hơn. Cần có kế hoạch và càng chi tiết rõ ràng thì càng tốt.
  • Nhận biết mình còn thiếu tình yêu thương với anh chị em cùng Cha như Lời Chúa dạy. Yêu họ hơn chính bản thân mình mà chúng ta nhanh chóng dâng lời cầu thay, tiếp trợ, giúp đỡ, góp ý khi cần.

Nguyện tình yêu của Chúa đổ đầy trên anh chị em. Nguyện chúng ta luôn biết yêu thương nhau và dạn dĩ luôn trong sự thông công. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Vũ Triệu Hùng
Nguyễn Thị Thu Thủy

Ghi Chú: 

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-he-bo-ro-414-510-chuc-vu-thay-te-le-thuong-pham-cua-dang-christ/

[2] [4} https://timhieutinlanh.com/su-thong-cong-va-su-dut-thong-cong/

[3] Người chăn Huỳnh Christian Timothy giải thích.

2/ Bài Chia Sẻ Của Nhóm 1

Chủ Đề: Nhắm Mục Đích Mà Chạy

Phi-líp 3:12-17

12 Ấy không phải tôi đã đạt được, hay đã nên trọn vẹn rồi, nhưng tôi đang chạy để chiếm lấy cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ Jesus chiếm lấy rồi.

13 Hỡi các anh chị em cùng Cha, về phần tôi, tôi không cho rằng tôi đã chiếm lấy được; nhưng thật chỉ {làm} có một điều {là} quên đi những sự ở đàng sau mà vươn tới những sự ở đàng trước.

14 Tôi nhắm mục đích mà chạy, hướng về giải thưởng của sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus.

15 Vậy nên, những người trọn vẹn trong chúng ta, phải có cùng ý tưởng đó; và nếu các anh chị em nghĩ khác thì Đức Chúa Trời cũng sẽ mạc khải cho các anh chị em.

16 Dù chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta hãy bước đi cùng một tiêu chuẩn, suy tưởng cùng một ý.

17 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy trở nên những người bắt chước với tôi, và nhắm vào những người bước đi như vậy, như các anh chị em có chúng tôi làm gương.

Anh chị em kính mến,

Cuộc đời người đi theo Chúa không bao giờ là bằng phẳng, mỗi cá nhân đều có những cám dỗ, thử thách và những cuộc chiến thuộc linh riêng của mỗi người. Chúng ta có anh chị em cùng Cha bên cạnh, là đồng chí đồng đội của mình, nhưng việc vô cùng quan trọng đối với mỗi Cơ Đốc Nhân để chúng ta có thể kiên trì chiến đấu đến cùng là chúng ta luôn cần xác định rõ: Chúng ta đang chiến đấu vì điều gì? Điều gì mà mỗi ngày chúng ta hướng tới?

Nói là việc này vô cùng quan trọng bởi lẽ nếu chúng ta không xác định rõ ràng và quả quyết trong lòng, thì những sóng gió, những chông gai trên chặng đường theo Chúa sẽ khiến chúng ta nghiêng ngả, thậm chí là bỏ cuộc.

Lời Chúa ở đây là lời mà Phao-lô nói về chính mình với Hội Thánh tại Phi-líp, nhưng chúng ta cũng biết đây là lời mà Đức Thánh Linh tác động ông viết ra, sau này để lại cho Hội Thánh Ngài ở khắp mọi nơi, trong mọi thời đại và điều này trở thành một phương châm sống của con dân Chúa, đó là: Theo Chúa thì luôn cần quên đi những sự ở đàng sau, vươn tới những sự ở đàng trước, nhắm mục đích mà chạy.

Một đoạn trong bài viết của Tozer ở đây cũng là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm:

“…Học biết làm thế nào tôi có thể thoát khỏi tội lỗi tôi đã phạm trong những ngày qua, làm thế nào tôi có thể sống tự do khỏi tội lỗi và cuối cùng bước vào sự hiện diện phước hạnh của Đức Chúa Trời trong một ngày mai vui vẻ – Những điều đó đối với tôi quan trọng hơn bất cứ gì đã khám phá được từ những nhà nhân chủng học. Thật là một sở thích sai lầm kỳ dị khi tôi thấy loài người cứ chúi mũi vào bụi đất mà tìm kiếm quá khứ của họ trong khi họ được trang bị đề nhìn lên sự vinh hiển tột cùng của Đức Chúa Trời.”

(Trích từ bài “Không Có Gì Thay Thế Cho Thần Học” của A.W Tozer)

Một quá khứ đầy vinh quang, hay đầy đen tối chỉ nên là nơi để một người rút ra kinh nghiệm để tiếp tục tiến lên hơn là chăm chú nhìn vào nó để rồi tự mãn hoặc trở nên tự ti, mặc cảm, làm mất đi năng lực và sự tươi mới trong tâm thần để phấn đấu. Chúa không nhìn vào quá khứ của một người để đánh giá người ấy trong hiện tại, Ngài luôn nhìn vào chính hiện tại và những gì trong tương lai Ngài đã sắm sẵn cho những ai yêu kính Ngài. Nếu chúng ta hiểu thấu được điều này thì chúng ta mới có thể sống một cuộc đời đúng nghĩa như Chúa muốn.

Đoạn Thánh Kinh trên hai lần nhắc đến chữ “trọn vẹn”.

Lần thứ nhất là ở câu 12, Phao-lô nói, ông không phải là đã nên trọn vẹn rồi mà là ông đang chạy, ông đang quên đi những sự ở đàng sau, vươn tới những sự ở đàng trước, nhắm mục đích là sự trọn vẹn mà chạy để mong chiếm lấy cho được nó.

Thế nhưng đến lần thứ hai nhắc đến chữ “trọn vẹn” ở câu 15 thì Phao-lô lại nói rằng: Những người trọn vẹn trong chúng ta phải có cùng ý tưởng đó – ý tưởng đó ở đây là ý tưởng: Quên đi những sự ở đàng sau, vươn tới những sự ở đàng trước, nhắm mục đích là sự trọn vẹn mà chạy.

Như vậy thì chúng ta có thể theo lời Chúa ở đây mà hiểu rằng: Trở nên trọn vẹn là một quá trình không có hồi kết những lại luôn tiếp diễn khi con người còn ở trong thân xác này. Con người không thể đạt được sự trọn vẹn tuyệt đối khi còn sống trong xác thịt, nhưng những người đang bước đi trong quá trình trọn vẹn thì được Lời Chúa gọi là những người trọn vẹn. Nói các khác, người được gọi là người trọn vẹn không phải là người đã đạt được sự trọn vẹn rồi thì mới được gọi là người trọn vẹn, mà là người đang hướng tới, đang mong muốn mình trở nên trọn vẹn thì đã được Lời Chúa gọi là người trọn vẹn rồi.

Từ đó cũng có thể hiểu rộng ra thêm là: Hễ những ai tự mình bước ra khỏi quá trình trọn vẹn, có nghĩa là người ấy không còn hướng tới sự trọn vẹn nữa, thì đương nhiên họ sẽ được gọi là những người không trọn vẹn.

Điều Chúa mong muốn ở chúng ta là:

“Vậy, các ngươi sẽ nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).

Nhưng, làm sao một con người yếu đuối còn sống trong xác thịt mà có thể trở nên trọn vẹn được, vì loài người vốn là bất toàn?!

Đúng, loài người vốn là bất toàn khi còn sống trong xác thịt yếu đuối này, một người được gọi là trọn vẹn có thể bị cám dỗ rồi yếu đuối nhất thời mà phạm tội, hoặc phạm tội mà không biết đó là tội. Nhưng, người trọn vẹn là người không chọn sống trong tội, không đắm chìm và xem tội lỗi là điều ưa thích. Miễn là một người luôn có lòng hướng về sự trọn vẹn, mỗi ngày nhờ sức Chúa để quên đi những sự ở đàng sau là những gì trong quá khứ của mình, mà vươn đến những sự ở đàng trước, nhắm mục đích của sự nên trọn vẹn mà chạy thì ấy là người được Chúa gọi là người trọn vẹn.

Thời gian vẫn đang trôi qua để đưa chúng ta dần dần từ một năm cũ bước sang một năm mới. Thật ra chúng ta biết, thời gian vẫn trôi như vậy, nhưng sự đánh dấu từ một năm cũ bước sang năm mới là dịp để mỗi con dân Chúa nhìn lại chính mình và tiếp tục điều chỉnh hướng đi tới cho bản thân của tương lai được chính xác hơn.

Qua lời Chúa, một lần nữa, chúng tôi xin cậy ơn Ngài đề nhắc nhớ lại cho mỗi chúng ta rằng: Thành công của một người đi theo Chúa không phải là người đó đã giảng được bao nhiêu bài giảng, đưa dắt được bao nhiêu linh hồn về với Chúa và càng không phải là người đó làm ra được bao nhiêu của cải, vật chất, bao nhiêu việc lành để dâng lên trong nhà Chúa, mà chính là ở sự: Hiện tại, người ấy có còn được ở trong số “những người trọn vẹn trong chúng ta” không? Tận sâu thẳm trong linh hồn, người ấy có còn giữ cho tâm thần mình luôn hướng về sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời để mà chạy không?

Nếu là có thì những gì trong quá khứ, chúng ta hãy xin Chúa giúp mình quên hết đi, chỉ tập trung để vươn đến sự ở đàng trước mà chạy trong những ngày còn lại trên đất này.

Dẫu cho quá khứ ngày hôm qua anh chị em có phạm bao nhiêu tội, nhưng ngày hôm nay anh chị em thật lòng muốn từ bỏ, không muốn dính dấp gì đến nó nữa thì huyết Chúa Jesus luôn luôn có năng quyền để gội sạch mọi tội lỗi và khiến chúng ta được nên mới qua lời Ngài. Chỉ cần chúng ta không ngừng tin cậy Ngài và làm theo Ngài.

Còn nếu lòng chúng ta hướng về tội lỗi, quay lưng khỏi mục đích được nên trọn vẹn giống Chúa, chọn con đường không còn tin vào Ngài nữa thì dù có bao nhiêu tài năng, bao nhiêu việc lành và công khó hầu việc Chúa mà người ta nhìn thấy, đó chẳng qua chỉ là áo nhớp trước mặt Chúa và chúng ta vẫn là người không trọn vẹn trước Chúa.

Nguyện lời Chúa về sự nhắm mục đích mà chạy này thêm lên trên anh chị em năng lực trong cuộc chạy đua về nước Chúa, để mỗi chúng ta đều đi được đến đích cuối cùng là được về với Chúa trong nước Ngài. Tình yêu thương, ân điển và sự thương xót của Chúa luôn dư dật cho những ai biết thật lòng ăn năn, những ai không còn hướng đến tội lỗi nữa mà hướng lên chính Ngài – Đấng trọn vẹn.

Cuối cùng, kính xin Lời Chúa sau đây nhắc chừng chúng ta trong nếp sống mới mỗi ngày:

I Cô-rinh-tô 9:24-27

24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.

25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.

26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;

27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Thành công trong Chúa không phải là đã đạt được một điều gì đó, mà thành công chính là không bỏ cuộc trên con đường thánh hóa, để được nên thánh trọn vẹn trong ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời.

Nguyện tình yêu, ân điển của sự thương xót của Chúa cứ bao phủ chúng con! Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Trần Thị Tâm
Nguyễn Thị Thùy Linh
Jenny Nguyễn
Mai Hoàng Nam
Nguyễn Thị Trinh
Hoàng Văn Sơn

3/ Bài Chia Sẻ Của Nhóm 2

Vua Đa-vít khi gần qua đời, đã truyền lệnh cho con trai mình như sau:

“Ta gần đi con đường chung của thế gian, hãy mạnh dạn và nên người trượng phu!” (I Các Vua 2:2).

Vốn là một người mạnh dạn và trượng phu, hết lòng yêu kính Chúa. Chắc rằng Đa-vít đã tự mình kinh nghiệm được những phước hạnh và hiểu được tầm quan trọng của sự mạnh dạn và nên người trượng phu, hiểu được sự nguy hại nếu một người không đạt được điều đó. Vì vậy, ông không chỉ khuyên mà là truyền cho con trai mình mệnh lệnh ấy. Và đây chắc chắn cũng chính là điều Chúa muốn đối với con dân của Ngài.

Sự mạnh dạn ở đây là sự mạnh mẽ trong ý chí, không chịu khuất phục trước cường quyền, trước cái ác; mạnh mẽ sống theo lẽ phải dù phải trả bằng bất cứ giá nào, kể cả mạng sống. Mạnh mẽ bước đi theo Lời Chúa dù phía trước chỉ thấy khó khăn, không sợ gian khổ; dám đối diện với những sự khinh chê của thế gian khi con đường đi theo Chúa của chúng ta khác biệt.

Mạnh dạn là khi chúng ta sai thì thẳng thắn nhận lỗi, xin lỗi người mình có lỗi với; là trong những lúc lâm vấp, yếu đuối, chúng ta không mặc cảm, sợ hãi nhưng dạn dĩ đến với Chúa để cầu xin sự thương xót, thêm sức và cứu giúp từ nơi Ngài.

“Vậy, chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!” (Hê-bơ-rơ 4:16).

Mặc dù từ “nên người trượng phu” là để nói về một người nam đúng nghĩa nhưng ở một khía cạnh nào đó, từ ngữ ấy cũng có thể dùng cho người nữ và điều chắc chắn là Chúa cũng muốn mỗi người nữ trong Chúa cũng là những người nữ đúng nghĩa.

Trong Thánh Kinh cho chúng ta những tấm gương về những người nam trượng phu như: Áp-ra-ham, Đa-vít, Giô-sép chồng bà Ma-ri… Những người nữ có: Ru-tơ, Ê-xơ-tê, Ma-ri vợ Giô-sép… Họ là những người rất mạnh dạn, sẵn sàng đương đầu với những thách thức. Người thì bước đi khi không biết mình đi đâu, sẵn sàng giết đứa con một yêu dấu của mình khi biết đó là ý Chúa; người thì sẵn sàng đối đầu với kẻ địch hung hãn, và to lớn hơn mình rất nhiều lần, và vẫn đem lòng trung thành với chủ mình dù bị chủ thù ghét tìm cách tiêu diệt; người thì có lòng âm thầm hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt và khi biết ý muốn của Chúa thì lập tức làm theo dù phải chịu nhiều mất mát gian khó. Người thì đẹp đẽ trọn vẹn cả nhan sắc và vóc dáng, ở địa vị cao trọng là hoàng hậu của một đế quốc lớn, được chồng hết sức yêu thương tôn trọng, nhưng vẫn giữ cho mình sự nhu mì, đơn sơ, vẫn hết lòng kính trọng chồng và vâng phục người dắt dẫn mình. Người thì là một nữ đồng trinh đã hứa gả, nhưng không chút e ngại sự dị nghị của thế gian, sự hiểu lầm của chồng sắp cưới, không sợ bị ném đá chết khi mình bỗng nhiên có thai. Người thì dù không còn chồng, cũng chẳng có con, mẹ chồng để cho tự do ra đi, không bị ràng buộc gì với nhà chồng, nhưng vẫn một lòng yêu thương kính trọng và chọn ở bên chăm sóc phụng dưỡng an ủi mẹ chồng.

Họ là những người sống có Chúa, có tình, có nghĩa. Bởi đó họ đã nhận thêm biết bao điều phước hạnh và cũng qua họ mà ơn phước được đem đến cho nhiều người.

Trong chương trình của Chúa, việc chúng ta là người nam hay người nữ thì đều nằm trong thánh ý tốt đẹp của Ngài. Vậy, chúng ta hãy cố gắng phát huy những gì Chúa đã ban và làm cho đạt được đến giá trị cao nhất mà Chúa mong muốn, để qua đó chính chúng ta được nhận thêm ơn phước và qua chúng ta mà đem phước đến cho mọi người.

Hành trình đi theo Chúa của chúng ta, ở bất kỳ thời điểm nào thì đều có những khó khăn riêng. Càng về những ngày sau cùng lại càng phải đối diện với những sự thử thách khó khăn lớn hơn. Để vượt qua được những điều này, đòi hỏi chúng ta cần cố gắng mỗi ngày. Chúng ta cũng cần rèn luyện để trở nên mạnh dạn và nên người trượng phu trong Chúa. Giống như người dũng sĩ muốn thắng trận thì mỗi ngày cần phải tập luyện với mồ hôi, nước mắt thậm chí là đổ máu.

Chúng ta có Lời Chúa và những tấm gương tốt trong Thánh Kinh. Vậy, chúng ta hãy tra xét xem mình đã làm theo Lời Chúa, đã làm theo những tấm gương trong Thánh Kinh chưa? Khi Chúa gọi, chúng ta có bước theo tiếng Ngài hay vẫn sợ khó khăn, vẫn luyến tiếc những tài sản, những tình cảm gia đình phải bỏ lại, mà không dám bước? Khi Chúa dạy chúng ta làm gì mà không giống theo cách của thế gian thì chúng ta cứ hiên ngang vâng theo Lời Ngài mà bước hay chúng ta sợ người ta chê cười, khinh dể mà không dám làm? Hoặc làm nhưng lại xấu hổ với người khác như thể chúng ta đang làm việc đáng hổ thẹn? Những người chồng đã hết lòng yêu thương, bao dung, hy sinh để che chở bảo vệ vợ mình chưa? Những người vợ đã thể hiện sự kính trọng vâng phục chồng trong từng lời nói và hành động chưa? Những con cái đã biết yêu thương kính trọng cha mẹ kể cả khi cha mẹ chưa tốt hay chưa?

Hãy tự nhìn vào bông trái của chính mình, hãy soi xét với Lời Chúa chứ đừng tưởng hay tự nghĩ rằng mình đã ổn rồi thỏa mãn với mình. Có thể chúng ta thấy hổ thẹn khi nhìn ra điều mình chưa tốt, nhưng khi Chúa cho chúng ta nhìn ra những điều ấy là khi Chúa đang dạy dỗ chúng ta, điều Ngài mong muốn ở chúng ta chính là thay đổi để tốt hơn, vậy chúng ta hãy bỏ qua sự hổ thẹn đó, hãy mạnh mẽ đứng dậy, nhờ cậy ơn Chúa để thay đổi mỗi ngày bằng những hành động cụ thể.

“Hãy đau thương và than khóc! Hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhấc các anh chị em lên.” (Gia-cơ 4:9-10).

“Nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Hãy sốt sắng trong sự vâng phục, hãy hạ mình khiêm nhường học hỏi anh chị em cùng Cha mà mình thấy họ tốt, hãy siêng năng học Lời Chúa, hãy sốt sắng trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh.

Hãy sống là người có bổn phận trách nhiệm với Chúa, với gia đình riêng của mình, với anh chị em cùng Cha và những người lân cận. Hãy vượt qua những khó khăn thử thách của chính mình rồi sau đó còn là chỗ dựa vững chắc cho Hội Thánh của Chúa.

Nguyện trong năm mới này tất cả chúng ta đều được mạnh dạn và nên người trượng phu. Amen!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Huỳnh Thị Anh
Đăng Thiên Tứ
Đồng Thị Nghĩa
Annie Lê
Lâm Việt Thành
Đào Duy Kha

4/ Bài Chia Sẻ Của Nhóm 3

Chủ đề: Vứt Bỏ Và Chạy

“Thế thì, chúng ta cũng được những chứng nhân bao quanh chúng ta như một đám mây rất lớn. Chúng ta hãy bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi bao vây chúng ta. Với sự nhẫn nại, chúng ta hãy chạy cuộc đua được bày ra trước chúng ta.” (Hê-bơ-rơ 12:1).

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là buổi nhóm cuối năm của Ban Thanh Niên, chúng tôi xin chọn chủ đề “Vứt Bỏ và Chạy” để chia sẻ đến anh chị em. Chúng tôi mong rằng bài chia sẻ này sẽ giúp ích được nhiều anh chị em, và nhóm Thanh Niên của chúng ta cùng vứt bỏ những điều cản bước chúng ta đến gần Chúa và cùng chạy thật nhanh để về đích.

Câu Thánh Kinh mà chúng tôi chọn là trong Hê-bơ-rơ 12:1:

“Thế thì, chúng ta cũng được những chứng nhân bao quanh chúng ta {như} một đám mây rất lớn. Chúng ta hãy bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi bao vây chúng ta. Với sự nhẫn nại, chúng ta hãy chạy cuộc đua được bày ra trước chúng ta.” (Hê-bơ-rơ 12:1).

Chúng ta sắp khép lại năm 2021, và chuẩn bị bước sang năm mới 2022, đồng nghĩa với đó là ngày của Chúa trở lại càng gần. Nhìn lại cuộc hành trình đã qua, chúng ta đã làm được gì cho Chúa? Mỗi chúng ta từ khi thật lòng ăn năn tội, đồng nghĩa với đó là chúng ta bước vào cuộc sống mới, bước vào một cuộc đua mà Chúa đã bày ra trước chúng ta. Dù ý thức hay không ý thức thì chúng ta vẫn trên cuộc đua. Có người chạy giữa chừng bỏ cuộc, có người chạy mà cứ như đi, lại có người chạy mà ngồi nghỉ mệt…

Để hoàn thành cuộc đua đã bày ra, mỗi người chúng ta phải bỏ đi những gánh nặng và tội lỗi. Và để bỏ đi những gánh nặng và tội lỗi chúng ta cần có thái độ dứt khoát, nên với chủ đề ngày hôm nay, chúng tôi đã chọn hai từ là “vứt bỏ”, để nhấn mạnh đến điều mà câu Thánh Kinh này nói đến. Vứt bỏ thể hiện hành động dứt khoát, xem vật vứt đi là không cần thiết. Hình ảnh vứt rác cho ta thấy được rõ điều đó.

Muốn đi thật nhanh thì đi một mình [I], chúng tôi không có ý nói đến việc đi theo Chúa mà đi một mình, nhưng muốn nói đến việc đi theo Chúa cần gạt đi mọi cản trở trong đó có gánh nặng. Và trên bước đường đi theo Chúa, chúng ta phải chạy thật nhanh để về đích, bằng cách vứt đi những gánh nặng. Gánh nặng của một người đi theo Chúa giống như một vận động viên vừa bế con vừa chạy, chúng tôi ví nó như là gánh nặng về con cái, hay có vận động viên khác mang bao gạo theo, tiêu biểu cho gánh nặng về nhu cầu ăn uống. Một vận động viên chạy như vậy có thể kiệt sức mà không tới đích. Vì thế, để tới được đích nhanh chóng chúng ta cần trao mọi gánh nặng lên cho Chúa.

“Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28).

Một người chạy mà biết dâng gánh nặng lên cho Chúa sẽ vừa vui vừa không mất thời gian để ngồi nghỉ mệt, và người đó sẽ đến đích thật nhanh.

Tội lỗi chúng tôi ví nó như một vận động viên vi phạm luật đường đua. Mỗi lần phạm luật thì bị loại ra khỏi đường đua. Nhưng trên đường đua của Chúa bày ra, vì sự thương xót của Ngài mà Ngài cho một người dù vi phạm rất nhiều lần vẫn có thể quay lại đường đua. Mỗi lần vi phạm luật, người chạy phải dừng cuộc đua, muốn trở lại cuộc đua thì phải làm mới mình, tức là ăn năn tội tỗi mới có thể trở lại cuộc đua. Có khi vì vi phạm nhiều lần quá mà một vận động viên có thể bỏ cuộc, vì cảm thấy chán nản, mệt mỏi.

Để hoàn thành cuộc đua, người đua cần xác định mục tiêu rõ ràng cho bản thân mình. Tôi muốn về đích thứ mấy? Tôi muốn giựt giải gì? Có như vậy, người chạy có động lực phấn đấu mà không bỏ cuộc giữa chừng. Thánh Kinh dùng từ chạy để nói đến cuộc đua. Điều đó nói lên mọi việc làm trong Chúa phải làm một cách nhanh chóng, tập trung, khẩn trương, không lề mề. Đi theo Chúa là phải sốt sắng, nóng cháy, hết lòng trong mọi công việc. Đi theo Chúa mà năm này qua năm khác không có gì thay đổi thì chúng ta chưa có chạy, mà chúng ta đang đi, có khi là nằm xuống.

Anh chị em có đang chạy hay không? Nếu câu trả lời là không thì đều gì ngăn chúng ta không chạy? Lời Chúa dạy chúng ta:

“Chúng ta hãy bỏ đi mọi gánh nặng và tội lỗi bao vây chúng ta.”

Bước vào cuộc đua, mọi hành động phải dứt khoát, tập trung cao độ, và chúng ta cần phải dứt khoát với mọi gánh nặng và tội lội, nếu chúng ta làm được như vậy là chúng ta đang chạy.

Chúng ta được những chứng nhân bao quanh như một đám mây rất lớn. Hãy cùng tưởng tượng, chúng ta đang đứng trong một cuộc đua chạy Ma-ra-tông, và xung quanh chúng ta, trên những khán đài đầy ắp những cổ động viên, do không đủ chỗ phải trèo lên cây, đó là những thánh đồ đứng xung quanh để cổ vũ chúng ta, cầu thay cho chúng ta để giúp chúng ta hoàn thành cuộc đua; không những thế, chúng ta sẽ luôn có cả Ba Ngôi Thiên Chúa đồng đi cùng, lại có Hội Thánh, những anh chị em chân thật, cùng đức tin, cùng chạy, cùng nâng đỡ nếu có nhỡ vấp ngã. Những tội lỗi, những gánh nặng bao vây chúng ta so với những chứng nhân bao vây chúng ta như một đám mây rất lớn, tình yêu của Thiên Chúa và Hội Thánh dành cho mỗi chúng ta, thì khi những khó khăn, hoạn nạn, hay cám dỗ đến, hãy nhớ đến những điều đó mà vượt qua. Vậy thì chúng ta hãy nhẫn nại mà chạy thật nhanh để giành được giải thưởng mà Chúa sẽ ban cho chúng ta.

Và trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi xin gửi hai câu Thánh Kinh đến anh chị em:

“Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ,” (Phi-líp 3:8).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.” (I Cô-rinh-tô 9:24).

Nguyện Chúa ban cho chúng ta trong năm mới luôn biết bỏ đi mọi gánh nặng, tội lỗi, với sự nhẫn nại mà gắng sức mà chạy.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
Lê Minh Dương
Nguyễn Thị Như Huỳnh
Đinh Văn Đạo
Ghi chú
[I] – Sưu tầm

 

Để lại một bình luận