Chú Giải Hê-bơ-rơ 04:14-05:10 Chức Vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đấng Christ

2,929 views

Chú Giải Hê-bơ-rơ 4:14-5:10
Chức Vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzgxNTk5MDhf/58010_ChucVuThayTeLeThuongPhamCuaDangChrist_Heboro_04_14-5_10.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58010-chucvuthaytelethuongphamcuadangchrist-heboro-04-14-5-10
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/1rrbnlp9fc72gyl/58010_ChucVuThayTeLeThuongPhamCuaDangChrist_Heboro_04_14-5_10.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 4:14-16

14 Vậy, chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đã trải qua các tầng trời, là Jesus, Con Đức Chúa Trời; chúng ta hãy giữ vững sự xưng nhận đức tin.

15 Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng thể cảm thương những sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách như chúng ta mà không phạm tội.

16 Vậy, chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!

Hê-bơ-rơ 5:1-10

1 Vì mỗi thầy tế lễ thượng phẩm, từ trong nhiều người lấy ra, được lập nên cho nhiều người trước Đức Chúa Trời, để dâng các của lễ lẫn các sinh tế cho những tội lỗi,

2 có thể đồng cảm với những kẻ không hiểu biết và bị dẫn dắt sai lạc, khi chính mình người cũng bị sự yếu đuối bao vây.

3 Bởi đó mà người phải vì dân chúng cũng như vì chính mình dâng các sinh tế cho những tội lỗi.

4 Và không ai chiếm lấy sự vinh dự đó cho mình; nhưng phải được kêu gọi bởi Đức Chúa Trời cũng giống như A-rôn.

5 Cũng một thể ấy, Đấng Christ cũng đã không tự tôn mình trở thành thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng được gọi bởi Đấng đã phán với Ngài: Ngươi là Con của Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ra ngươi. [Thi Thiên 2:7]

6 Như Ngài cũng đã phán trong một nơi khác: Ngươi là thầy tế lễ cho đến mãi mãi, theo ban Mên-chi-xê-đéc. [Thi Thiên 110:4]

7 Đấng, trong những ngày của xác thịt Ngài, đã dâng những lời cầu nguyện lẫn những lời van xin với tiếng kêu lớn và những giọt nước mắt lên Đấng có năng lực cứu Ngài khỏi sự chết; và đã được nghe bởi lòng kính sợ của Ngài.

8 Dù Ngài là con, Ngài đã học tập sự vâng phục bởi những sự mà Ngài đã chịu khốn khổ.

9 Và đã được nên trọn vẹn, Ngài đã trở nên nguồn cứu rỗi bất tận cho hết thảy những ai vâng phục Ngài,

10 đã được xưng bởi Đức Chúa Trời là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc. [Thi Thiên 110:4]

Danh từ “thầy tế lễ” lần đầu tiên được dùng trong Thánh Kinh, xuất hiện trong Sáng Thế Ký 14:18, để gọi vua của Sa-lem, và được dùng chung với nhóm chữ: “của Thiên Chúa Chí Cao”.

Mên-chi-xê-đéc, vua của Sa-lem, đem bánh và rượu ra. Ông là thầy tế lễ của Thiên Chúa Chí Cao.” (Sáng Thế Ký 14:18).

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, danh từ “cô-hen” (H3548) /kohen/ vừa có nghĩa là thầy tế lễ, vừa có nghĩa là quan trưởng, hoặc người cầm quyền đứng đầu. Có lẽ, vì vào thời xưa, các tộc trưởng vừa giữ nhiệm vụ thay cho cả bộ tộc dâng tế lễ cho các thần linh, vừa là người cai trị bộ tộc, nên cùng một từ ngữ mà mang hai ý nghĩa như vậy. Danh từ thầy tế lễ có thể được dùng để gọi thầy tế lễ của Thiên Chúa hoặc thầy tế lễ của các tà thần.

Thánh Kinh xác nhận Mên-chi-xê-đéc là vua của Sa-lem mà cũng là thầy tế lễ của Thiên Chúa Chí Cao, nhưng Thánh Kinh không cho chúng ta biết gì nhiều về Mên-chi-xê-đéc. Chúng ta không có chi tiết về việc ông được lập làm thầy tế lễ. Khi chúng ta đọc Thi Thiên thì chúng ta thấy lời tiên tri về sự Đấng Christ sẽ giữ chức thầy tế lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc (Thi Thiên 110:4). Khi chúng ta đọc Hê-bơ-rơ thì chúng ta thấy Mên-chi-xê-đéc làm hình bóng về chức vụ thầy tế lễ đời đời của Đấng Christ.

Danh từ “thầy tế lễ thượng phẩm” lần đầu tiên được dùng trong Lê-vi Ký 21:10 bằng cách kèm thêm danh từ “ga-đô” (H1419) /gadowl/ vào danh từ “cô-hen” /kohen/. Danh từ “ga-đô” có nghĩa là: sự to lớn, sự vĩ đại, sự quan trọng; khi dùng cho chức vụ thì có nghĩa là: thượng phẩm, tức là phẩm trật cao nhất. Nhiệm vụ đặc biệt và quan trọng của thầy tế lễ thượng phẩm theo dòng A-rôn thuộc chi phái Lê-vi là mỗi năm một lần, vào ngày Lễ Chuộc Tội, đi vào trong nơi Chí Thánh của đền thờ để dâng của lễ chuộc tội cho toàn dân I-sơ-ra-ên (Lê-vi Ký 16).

Chúng ta đã biết, Đức Chúa Jesus chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để cứu chuộc loài người ra khỏi án phạt của sự phạm tội. Ngài mang chức vụ tiên tri để rao giảng về Đức Chúa Trời. Ngài mang chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm để dâng tế lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Ngài mang chức vụ vua để cai trị toàn bộ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Qua Hê-bơ-rơ 4:14-5:10 chúng ta sẽ cùng nhau học biết về chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Ngài.

Hê-bơ-rơ 4:14-16

14 Vậy, chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đã trải qua các tầng trời, là Jesus, Con Đức Chúa Trời; chúng ta hãy giữ vững sự xưng nhận đức tin.

Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã gọi Đức Chúa Jesus là thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại; và xác nhận Ngài đã trải qua các tầng trời. Đức Chúa Jesus Christ đã trải qua tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu và tầng trời thứ nhì là không gian bao la của vũ trụ vật chất, để vào trong tầng trời thứ ba là thiên đàng (II Cô-rinh-tô 12:2). Tức là từ thế giới thuộc thể, Ngài đã đi vào thế giới thuộc linh để dâng sinh tế chuộc tội cho loài người lên Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus là thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại vì Ngài không như các thầy tế lễ thượng phẩm trong dân I-sơ-ra-ên. Họ là những người mỗi năm dâng tế lễ trong đền thờ trên đất bằng máu của thú vật, chỉ để tạm thời chuộc tội cho dân I-sơ-ra-ên. Còn Đức Chúa Jesus vượt qua các tầng trời, vào tận trong thiên đàng, để dâng tế lễ chuộc tội cho toàn thể loài người, bằng chính máu của mình, tức bằng chính mạng sống của Ngài, một lần đủ cả (Hê-bơ-rơ 9:12). Chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của họ chỉ là trọn đời sống của họ trên đất. Còn của Đức Chúa Jesus là chức vụ đời đời (Hê-bơ-rơ 5:6). Họ do các người cha xác thịt sinh ra trong lòng mẹ. Còn Đức Chúa Jesus do Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng mẹ.

Vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại như vậy, nên chúng ta hãy giữ vững sự xưng nhận đức tin của mình. Đó là:

  • Chúng ta tin và xưng nhận rằng, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và ban sự cứu rỗi cho chúng ta.

  • Chúng ta tin và xưng nhận rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, thân thể xác thịt của Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri.

  • Chúng ta tin và xưng nhận rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết trên thập tự giá, dùng mạng sống của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho toàn thể loài người.

  • Chúng ta tin và xưng nhận rằng, bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh ngự vào trong thân thể của người ấy, ban cho thánh linh của Thiên Chúa, để người ấy sống thánh khiết theo Lời Chúa, là Thánh Kinh.

  • Chúng ta tin và xưng nhận rằng, chỉ cần chúng ta giữ vững đức tin trong Thiên Chúa, không quay về sống trong tội, tức là không thản nhiên trở lại vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ được sống lại và sống đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, bởi ân điển và đức tin, chúng ta được ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta phải “giữ vững sự xưng nhận đức tin” của mình, mà Đức Chúa Jesus còn gọi là trung tín cho đến chết, thì chúng ta mới được vào trong sự sống đời đời (Khải Huyền 2:10).

15 Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng thể cảm thương những sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách như chúng ta mà không phạm tội.

Đức Chúa Jesus dù cũng chịu mọi sự cám dỗ, thử thách như mọi người nhưng Ngài không hề phạm tội. Vì Ngài đã trải qua mọi sự cám dỗ, thử thách nên Ngài đồng cảm với những sự yếu đuối của chúng ta, mỗi khi chúng ta không muốn phạm tội mà vẫn phạm tội.

Để có thể đứng vững trước mọi sự cám dỗ và thử thách như Đức Chúa Jesus thì chúng ta cũng phải được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, tức là được dựng nên thành một tạo vật mới. Để được sinh ra bởi Đức Chúa Trời thì chúng ta phải thật lòng muốn từ bỏ sự phạm tội và hết lòng tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Như Ê-va được Đức Chúa Trời làm ra từ A-đam, mỗi một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ đều được Đức Chúa Trời tái sinh thành một người mới, qua Đức Chúa Jesus Christ.

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này, mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Người mới là người không còn sống theo nếp sống cũ tội lỗi mà sống một nếp sống mới thánh khiết theo Lời Chúa. Vì người ấy đã được Đức Chúa Trời dựng nên thành một người mới giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật, và ban cho thánh linh của Ngài, tức là thẩm quyền và năng lực từ Thiên Chúa.

Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:9-10).

Ai xưng nhận mình là người tin Chúa, xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ mà vẫn sống trong tội, tức là vẫn vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì đó là người nói dối.

Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:3-6).

Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã dạy cho các môn đồ của Ngài là hãy nhìn trái để biết cây.

Các ngươi sẽ nhận biết chúng bởi những trái của chúng. Có bao giờ người ta hái những trái nho từ những bụi gai, hay là những trái vả từ những bụi tật lê? Vậy, mỗi cây tốt sinh trái tốt nhưng cây xấu sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây xấu cũng không thể sinh trái tốt.” (Ma-thi-ơ 7:16-18).

Hê-bơ-rơ 4:15 là một lời an ủi chúng ta rất nhiều; bởi vì trong thực tế, có những khi chúng ta phải đối diện với sự cám dỗ, thử thách mà ngay cả những người thân yêu nhất của chúng ta cũng không thể đồng cảm với chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ không phải chỉ trải qua nhiều sự cám dỗ, thử thách mà Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách. Nghĩa là không có một sự cám dỗ, thử thách nào xảy đến cho loài người mà Ngài không từng trải qua một cách hoàn toàn. Chính vì thế mà Ngài đồng cảm với mỗi một chúng ta trong mỗi một cảnh ngộ mà chúng ta phải đối diện. Và chính sức mạnh của Ngài sẽ nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta. Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta vượt qua tất cả (II Cô-rinh-tô 12:9). Qua Đấng Christ là Đấng thêm sức cho chúng ta, chúng ta sẽ luôn luôn làm được mọi sự (Phi-líp 4:13).

16 Vậy, chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ được dịch là “sự dạn dĩ” có nghĩa là sự tự do, tự tin, vui vẻ, không sợ hãi.

Ngai Ân Điển chỉ chỗ ngự của Đức Chúa Trời, trong Cựu Ước được tiêu biểu bằng Ngai Thương Xót (Xuất Ê-díp-tô Ký 25). Ân điển là ơn ban cho từ Thiên Chúa cho những ai không xứng đáng để nhận ơn của Ngài. Chúng ta đều là những tội nhân đáng chết nhưng được Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi. Ơn cứu rỗi ấy là ân điển và cũng chính là sự thương xót Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Ngai Ân Điển hay Ngai Thương Xót có cùng một nghĩa như nhau. Đến gần Ngai Ân Điển có nghĩa là đến trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời để tìm kiếm ơn thương xót của Ngài.

Nhờ Đức Chúa Jesus Christ đã chết thay cho chúng ta để mọi tội lỗi của chúng ta được tha mà chúng ta có thể dạn dĩ, tức là tự do, tự tin, không sợ hãi, mà vui vẻ đến gần Ngai Ân Điển.

Vì bởi Ngài mà chúng ta cả hai [dân I-sơ-ra-ên cũng như các dân ngoại] đều được cùng trong một thần trí đến gần Đức Cha.” (Ê-phê-sô 2:18).

Trong Đấng ấy, chúng ta có sự dạn dĩ và đến gần với lòng tin cậy, bởi sự thành tín của Ngài.” (Ê-phê-sô 3:12).

Chúng ta đến trước Đức Chúa Trời để chúng ta nhận được sự thương xót của Ngài và tìm được các ơn phước từ nơi Ngài. Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, khi chúng ta vô tình hay yếu đuối mà vấp ngã, phạm tội thì chúng ta vẫn được Ngài tha thứ. Bởi các ơn ban cho của Đức Chúa Trời, chúng ta được vui sống trong mọi cảnh ngộ và có thể làm trọn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta (Phi-líp 4:6; Ê-phê-sô 2:10).

Hê-bơ-rơ 5:1-10

1 Vì mỗi thầy tế lễ thượng phẩm, từ trong nhiều người lấy ra, được lập nên cho nhiều người trước Đức Chúa Trời, để dâng các của lễ lẫn các sinh tế cho những tội lỗi,

2 có thể đồng cảm với những kẻ không hiểu biết và bị dẫn dắt sai lạc, khi chính mình người cũng bị sự yếu đuối bao vây.

Những thầy tế lễ thượng phẩm trong dân I-sơ-ra-ên được chọn ra từ chi phái Lê-vi. Họ thay cho toàn dân I-sơ-ra-ên dâng các của lễ lên Đức Chúa Trời và đặc biệt là dâng các sinh tế chuộc tội. Bản thân họ cũng chịu những sự cám dỗ, thử thách và cũng vấp ngã, phạm tội vì thiếu hiểu biết hoặc vì yếu đuối. Chính vì thế mà họ cảm thông với những người có tội.

Một người có thể phạm tội vì thiếu sự hiểu biết về Lời Chúa, hoặc vì sự dẫn dắt sai lạc của những người thiếu hiểu biết Lời Chúa. Nhưng một người cũng có thể phạm tội vì những sự ham muốn bất chính trong lòng mình. Nghĩa là phạm tội một cách có ý thức, vì muốn phạm tội và vui thú trong sự phạm tội.

Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:14-15).

Kể từ khi một người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời rồi mà còn cố ý quay về sống trong tội, thì người ấy sẽ không còn cơ hội được cứu rỗi trở lại, như Lời Chúa đã khẳng định trong Hê-bơ-rơ 6:4-8 và 10:26-29.

3 Bởi đó mà người phải vì dân chúng cũng như vì chính mình dâng các sinh tế cho những tội lỗi.

4 Và không ai chiếm lấy sự vinh dự đó cho mình; nhưng phải được kêu gọi bởi Đức Chúa Trời cũng giống như A-rôn.

Vì các thầy tế lễ thượng phẩm trong dân I-sơ-ra-ên cũng phạm tội nên họ phải dâng sinh tế chuộc tội cho chính họ. Đây là điều khác biệt lớn giữa họ và Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Jesus Christ không hề phạm tội nên mạng sống của Ngài được dùng làm sinh tế chuộc tội cho toàn thể loài người.

Chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm là một vinh dự, vì là chức vụ đứng ra thay cho những tội nhân để dâng của lễ chuộc tội lên Đức Chúa Trời. Mỗi một thầy tế lễ thượng phẩm trong dân I-sơ-ra-ên, kể từ A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên, đều phải do Đức Chúa Trời kêu gọi vào trong chức vụ, chứ không tự mình nhận lấy chức vụ.

5 Cũng một thể ấy, Đấng Christ cũng đã không tự tôn mình trở thành thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng được gọi bởi Đấng đã phán với Ngài: Ngươi là Con của Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ra ngươi. [Thi Thiên 2:7]

6 Như Ngài cũng đã phán trong một nơi khác: Ngươi là thầy tế lễ cho đến mãi mãi, theo ban Mên-chi-xê-đéc. [Thi Thiên 110:4]

Đức Chúa Jesus Christ dù là con của Đức Chúa Trời nhưng cũng không tự mình nhận lấy chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, mà do chính Đức Chúa Trời ban chức vụ ấy cho Ngài. Qua Vua Đa-vít, Đức Chúa Trời đã phán trước về sự Đức Chúa Jesus sẽ là thầy tế lễ cho đến mãi mãi, theo ban Mên-chi-xê-đéc. Chúng ta sẽ học thêm chi tiết về việc Đức Chúa Jesus Christ làm thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc, khi chúng ta học đến Hê-bơ-rơ đoạn 7.

Bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh cho Phao-lô mà qua Hê-bơ-rơ 5:5-6 chúng ta biết, Thi Thiên 2 và Thi Thiên 110 là những lời tiên tri về sự Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, và được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời.

7 Đấng, trong những ngày của xác thịt Ngài, đã dâng những lời cầu nguyện lẫn những lời van xin với tiếng kêu lớn và những giọt nước mắt lên Đấng có năng lực cứu Ngài khỏi sự chết; và đã được nghe bởi lòng kính sợ của Ngài.

Câu này nhắc lại sự kiện Đức Chúa Jesus cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong vườn Ghết-sê-ma-nê, trước giờ Ngài bị bắt. Lu-ca đã mô tả rằng, Ngài cầu nguyện tha thiết, mồ hôi tuôn ra như giọt máu lớn, rơi xuống đất (Lu-ca 22:44). Đây là một lời mô tả rất chính xác về phương diện y học. Ngày nay, y khoa biết rằng, người ta có thể tuôn mồ hôi pha với máu khi tâm trí bị căng thẳng quá mức. Chung quanh các tuyến mồ hôi là những vi ti huyết quản, tức là những mạch máu cực nhỏ. Khi tâm trí bị căng thẳng quá mức thì các mạch máu nhỏ này có thể bị vỡ ra, và máu theo mồ hôi mà tuôn ra ngoài da [1].

Sự chết mà Đức Chúa Jesus cầu xin Đức Chúa Trời cứu ngài thoát khỏi không phải chỉ là sự chết của thân thể xác thịt, mà còn là sự chết thuộc linh. Sự chết thuộc linh là sự bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người thì Ngài vừa chịu chết thuộc thể vừa chịu chết thuộc linh. Chính vì thế mà Ngài đã lớn tiếng kêu lên: Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi? (Ma-thi-ơ 27:46; Mác 15:34).

Dù Đức Chúa Jesus Christ đã phải trải qua sự chết thuộc thể lẫn sự chết thuộc linh, nhưng Đức Chúa Trời đã phục sinh thân thể xác thịt của Ngài và phục hồi mối thông công với Ngài, vì Ngài vốn là một người vô tội. Chẳng những vậy, Đức Chúa Trời còn ban cho Ngài quyền cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Quyền ấy, được Đức Chúa Jesus Christ ban lại cho Hội Thánh để Hội Thánh cùng đồng trị với Ngài.

8 Dù Ngài là con, Ngài đã học tập sự vâng phục bởi những sự mà Ngài đã chịu khốn khổ.

Nhóm chữ “dù Ngài là con” hàm ý, dù Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Động từ “học tập” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh còn có nghĩa là: Đặt mình vào trong thói quen.

Trong địa vị Con của Đức Chúa Trời và là một người hoàn toàn vô tội, Đức Chúa Jesus Christ không cần phải chịu bất cứ một sự khốn khổ nào. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ đã đặt mình vào trong thói quen vâng phục Đức Chúa Trời bằng cách cam chịu mọi sự khốn khổ mà Đức Chúa Trời đã cho phép xảy ra trên Ngài. Đức Chúa Jesus Christ luôn luôn vâng phục Đức Chúa Trời, cho dù phải gánh chịu những sự khốn khổ và bất công. Đó là tấm gương để chúng ta noi theo.

Phi-líp 2:5-11

5 Hãy có cùng một tâm tình này trong các anh chị em như cũng đã có trong Đấng Christ Jesus.

6 Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.

7 Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người;

8 được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]

9 Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,

10 để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống,

11 và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ là Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.

Chẳng những chúng ta học tập gương của Đức Chúa Jesus Christ, vâng phục Đức Chúa Trời trong mọi sự mà chúng ta cũng phải học tập kính sợ Thiên Chúa, vâng phục lẫn nhau. Nếu bất cứ một người nào là anh chị em cùng Cha với chúng ta nói ra những lời đúng với Lời Chúa thì chúng ta phải vâng phục người ấy (Ê-phê-sô 5:21; I Phi-e-rơ 5:5). Sự vâng phục ấy trong thực tế chính là sự vâng phục Lời Chúa.

9 Và đã được nên trọn vẹn, Ngài đã trở nên nguồn cứu rỗi bất tận cho hết thảy những ai vâng phục Ngài,

10 đã được xưng bởi Đức Chúa Trời là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc. [Thi Thiên 110:4]

Đã được nên trọn vẹn” có nghĩa là đã vâng phục cho đến chết. Sự vâng phục cho đến chết khiến cho một người là trọn vẹn trước Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus Christ đã tỏ ra Ngài là một người trọn vẹn, qua sự Ngài đã vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết. Đó cũng chính là tiêu chuẩn cho tất cả muôn loài thọ tạo. Loài thọ tạo phải hoàn toàn vâng phục Đấng tạo dựng ra mình. Đó cũng là sự thể hiện thẩm quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Bất cứ sự không vâng phục nào cũng sẽ bị hình phạt bằng án phạt đời đời, vì là tội xúc phạm đến Đấng đời đời.

Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà cãi lại Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với người thợ làm bình: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? Chẳng phải người thợ gốm có quyền trên đất sét, cùng một đống đất mà làm ra cái bình cho việc sang trọng và cái khác cho việc hèn hạ sao?” (Rô-ma 9:20-21).

Con người Jesus trọn vẹn đã chịu chết để gánh thay án phạt của tội lỗi cho tất cả những người không trọn vẹn. Vì thế, Ngài trở thành “nguồn cứu rỗi bất tận” cho tất cả những ai vâng phục Ngài. Vâng phục Đức Chúa Jesus Christ tức là tin nhận mọi lời phán dạy của Ngài và thể hiện sự tin nhận bằng hành động làm theo mọi lời phán dạy của Ngài.

Nhóm chữ: “nguồn cứu rỗi bất tận” vừa có ý nghĩa sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ, sự cứu rỗi ra từ Ngài; vừa có ý nghĩa sự cứu rỗi ra từ Đức Chúa Jesus Christ cứ còn mãi cho những ai thật lòng tin nhận Ngài. Chính vì thế mà Ngài được gọi là thầy tế lễ cho đến mãi mãi.

Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Sự cứu rỗi ra từ Đức Chúa Jesus Christ cứ còn mãi không có nghĩa là trong cõi đời đời chúng ta cứ phạm tội và cứ được tha thứ bởi sự chết chuộc tội của Ngài. Hiện tại, chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt đang chết vì hậu quả của tội lỗi thì dù chúng ta không muốn phạm tội, chúng ta vẫn có thể vô ý phạm tội; như người đã tắm sạch, khi đi đường, chân vẫn nhuốm bụi đường, cần được rửa chân. Nhưng khi thân thể xác thịt hiện tại đã chết và phục sinh, hoặc đang sống mà được biến hóa trong ngày Đấng Christ đến, thì chúng ta sẽ không còn bao giờ phạm tội nữa. Vì khi ấy, với tấm lòng chán ghét tội lỗi và một thân thể vinh quang, chúng ta không thể nào phạm tội.

Sự cứu rỗi ra từ Đấng Christ không phải chỉ là sự cứu chúng ta ra khỏi hình phạt của tội lỗi mà còn là cứu chúng ta ra khỏi sự ưa thích phạm tội. Vì thế, sự cứu rỗi của Đấng Christ cứ còn mãi có nghĩa là trong sự cứu rỗi của Đấng Christ, chúng ta sẽ không còn bao giờ bị lên án trở lại về những tội chúng ta đã phạm và cũng không bao giờ chúng ta ưa thích phạm tội nữa.

Đức Chúa Jesus Christ được xưng bởi Đức Chúa Trời là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc. Điều ấy nói lên sự kiện Ngài không phải chỉ là thầy tế lễ cho dân I-sơ-ra-ên mà còn là thầy tế lễ cho mọi dân tộc.

Cảm tạ Đức Chúa Trời về ân điển lớn vô cùng đã ban cho loài người chúng ta, khiến chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm đời đời là nguồn cứu rỗi bất tận. Cảm tạ Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người để đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến với chúng ta, và làm tấm gương sáng cho chúng ta trong sự hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời. Cảm tạ Đức Thánh Linh đã giúp cho chúng ta hiểu biết tình yêu và ân điển của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta. Nguyện mọi vinh quang và quyền thế đời đời thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/03/2019

Ghi Chú

[1] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3827523/

Karaoke Thánh Ca: “Tình Cha Vẫn Đậm Sâu”
https://karaokethanhca.net/tinh-cha-van-dam-sau/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.