Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:17-31 Gương Đức Tin – Phần 2

2,241 views

Nguồn: https://youtu.be/xmUz15aBuFQ

Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:17-31
Gương Đức Tin – Phần 2

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 11:17-31

17 Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã dâng I-sác khi bị thử thách. Ông là người đã nhận lời hứa, lại dâng con một của mình,

18 là về con đó có phán rằng: Trong I-sác, ngươi sẽ có một dòng dõi được gọi theo tên ngươi.

19 Ông tự nghĩ rằng, Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến con mình sống lại từ những kẻ chết. Và như vậy, ông đã nhận lại con ấy một cách hình bóng.

20 Bởi đức tin, I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự sẽ đến.

21 Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, đã chúc phước cho hai con của Giô-sép, và nương trên đầu gậy của mình mà thờ phượng.

22 Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời nói về việc con cháu I-sơ-ra-ên sẽ đi ra, và truyền lệnh về hài cốt của mình. [Đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.]

23 Bởi đức tin, khi Môi-se mới được sinh ra, cha mẹ của ông đem giấu đi ba tháng, vì họ thấy đứa bé xinh đẹp. Họ đã không sợ mệnh lệnh của vua.

24 Bởi đức tin, Môi-se lúc đã trưởng thành, chối bỏ được gọi là con trai của con gái Pha-ra-ôn,

25 chọn thà bị hà hiếp cùng dân của Đức Chúa Trời hơn là có sự vui sướng tạm của tội lỗi.

26 Ông xem sự sỉ nhục của Đấng Christ là sự giàu có lớn hơn kho tàng trong xứ Ê-díp-tô. Vì ông hướng trông về sự ban thưởng.

27 Bởi đức tin, ông lìa xứ Ê-díp-tô không sợ sự thịnh nộ của vua; vì ông kiên định như nhìn thấy Đấng không thấy được.

28 Bởi đức tin, ông làm Lễ Vượt Qua và sự rảy máu, kẻo Đấng hủy diệt những con đầu lòng chạm đến họ.

29 Bởi đức tin, họ vượt ngang biển Đỏ như ngang qua chỗ cạn, nơi mà dân Ê-díp-tô thử vượt ngang thì bị nuốt mất.

30 Bởi đức tin, các tường thành của Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi họ đi vòng quanh bảy ngày.

31 Bởi đức tin, người gái điếm Ra-háp không bị giết với những kẻ chẳng tin, vì nàng đã tiếp đón các người do thám với sự bình an.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục học tập gương đức tin của Áp-ra-ham. Sau đó, là gương đức tin của I-sác và Gia-cốp, rồi đến gương đức tin của dân I-sơ-ra-ên. Chúng ta cũng sẽ học tập gương đức tin của một người gái điếm thành Giê-ri-cô.

17 Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã dâng I-sác khi bị thử thách. Ông là người đã nhận lời hứa, lại dâng con một của mình,

18 là về con đó có phán rằng: Trong I-sác, ngươi sẽ có một dòng dõi được gọi theo tên ngươi.

Áp-ra ham không phải chỉ có đức tin nơi Đức Chúa Trời trong sự vâng theo tiếng gọi của Ngài, khi Ngài phán bảo ông dắt cả gia đình ra đi về một vùng đất mới. Ông còn tin nơi lời hứa của Ngài về sự Ngài sẽ ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bãi biển. Đức tin của Áp-ra-ham chứng minh một cách thực tế: Đức tin luôn luôn dẫn đến đức tin (Rô-ma 1:17). Áp-ra-ham thật sự có đức tin lớn nơi Đức Chúa Trời. Nhưng khi thời điểm đến thì Đức Chúa Trời đã thử thách đức tin của ông.

Lời Chúa dạy chúng ta rằng, khi cần thì Chúa sẽ thử thách đức tin của chúng ta:

“Trong sự đó, các anh chị em vui mừng, dù hiện nay, nếu cần thì các anh chị em phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau, khiến cho phải buồn bã ít lâu; để cho sự thử thách đức tin của các anh chị em quý hơn vàng hay hư nát, dù đã bị thử lửa, sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ.” (I Phi-e-rơ 1:6-7).

“Trong sự đó” là trong sự được cứu rỗi hoàn toàn, được nhận lãnh cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa vui mừng trong ân điển của Chúa nhưng khi cần thì phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau để đức tin trở nên tinh tuyền, quý hơn vàng ròng là vàng đã được thử bởi lửa. Vàng ròng là vàng tinh chất, không lẫn lộn các chất liệu khác. Để tinh luyện vàng, người thợ bạc phải dùng lửa nóng, đốt cho vàng chảy ra như nước, tách biệt vàng với các tạp chất. Vàng đã được thử lửa trở nên tinh tuyền và quý nhưng đức tin đã được thử thách bởi nghịch cảnh của con dân Chúa càng quý hơn. Vì đức tin đã được thử thách sinh ra sự con dân Chúa được Chúa khen thưởng, được các thiên sứ lẫn ma quỷ tôn trọng, và đem lại sự vinh quang cho họ trong ngày thân thể xác thịt của họ được phục sinh hoặc được biến hóa, khi Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Lời Chúa cũng dạy chúng ta rằng, Chúa viếng thăm loài người mỗi buổi sáng sớm và thử thách họ từng khoảnh khắc (Gióp 7:18). Vì thế, Chúa khuyên chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy mình bị thử thách:

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh là một chi thể của thân thể Đấng Christ. Vì thế, sự chịu khổ của con dân Chúa cũng chính là sự chịu khổ của Đấng Christ. Chúng ta chịu khổ trong danh Đấng Christ, chịu khổ vì danh Đấng Christ, để tôn vinh danh Đấng Christ. Vì thế, mỗi khi chúng ta ở trong sự thử thách về đức tin thì chúng ta cũng được dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ.

Chắc chắn Đức Chúa Trời biết rõ về đức tin của Áp-ra-ham. Ngài không cần phải thử thách Áp-ra-ham để biết đức tin của ông lớn như thế nào. Sự thử thách đức tin của ông là để:

  • Các thiên sứ và ma quỷ nhìn thấy đức tin lớn của Áp-ra-ham.
  • Áp-ra-ham có cơ hội thể hiện đức tin của mình thành hành động, làm tôn vinh Thiên Chúa, được Đức Chúa Trời ban thưởng; và cũng để chính ông nhìn thấy đức tin của mình được thể hiện thành hành động.
  • Làm bài học cho con dân Chúa các đời sau.

Khi chúng ta đọc sách Gióp, chúng ta thấy Đức Chúa Trời làm chứng tốt về đức tin của Gióp trước các thiên sứ và Sa-tan. Nhưng Sa-tan đã không tin lời chứng của Đức Chúa Trời và nói rằng, chỉ cần Chúa làm hại Gióp thì Gióp sẽ phỉ báng Chúa. Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan làm hại Gióp, tìm cách cám dỗ Gióp phạm tội. Tuy nhiên, Gióp đã hoàn toàn giữ vững đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước gấp đôi. Gióp đã lưu lại hai câu nói đáng cho mọi người học theo:

“…Tôi đã trần truồng ra khỏi lòng mẹ của tôi, thì tôi cũng sẽ trần truồng mà quay về. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cất đi! Đáng tôn vinh danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!” (Gióp 1:21).

“Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài…” (Gióp 13:15).

Câu chuyện Đức Chúa Trời thử thách đức tin của Áp-ra-ham được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 22. Một ngày kia, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Áp-ra-ham, bảo ông đem I-sác lên một hòn núi tại xứ Mô-ri-a, dâng I-sác làm của lễ thiêu lên Ngài. Ngày hôm sau, Áp-ra-ham dậy sớm, đem I-sác cùng với hai người đầy tớ lên đường. Áp-ra-ham không một lời thắc mắc về mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Ông nghe Chúa phán. Ông tiếp nhận và vâng theo.

Theo lẽ thường, Áp-ra-ham có thể van xin Đức Chúa Trời hãy thương xót ông, đừng khiến ông phải dâng đứa con yêu dấu của mình làm của lễ thiêu lên Chúa. Trước đó nhiều chục năm, Áp-ra-ham đã từng đứng ra van xin Đức Chúa Trời thay cho dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, khi Ngài tỏ cho ông biết là Ngài sẽ hủy diệt họ vì sự phạm tội của họ (Sáng Thế Ký 18). Áp-ra-ham cũng có thể lý luận với Đức Chúa Trời rằng, Ngài đã hứa ban cho ông một dòng dõi qua I-sác mà sao bây giờ Ngài lại bảo ông phải dâng I-sác làm của lễ thiêu. Nhưng Áp-ra-ham đã im lặng và vâng phục Đức Chúa Trời.

Trên chặng đường dài phải đi hơn hai ngày từ nơi ở của Áp-ra-ham đến ngọn núi trong xứ Mô-ri-a, Áp-ra-ham cũng không hề thổ lộ cho I-sác và hai người tôi tớ tâm trạng của ông hoặc việc ông sắp làm. I-sác và hai người tôi tớ chỉ biết là họ cùng Áp-ra-ham đi dâng của lễ thiêu lên Đức Chúa Trời. Thậm chí, I-sác còn hỏi Áp-ra-ham: “Hỡi Cha! Củi và lửa đây, nhưng chiên con làm của lễ thiêu ở đâu?” Áp-ra-ham đã đáp lời I-sác: “Con ơi! Chính Thiên Chúa sẽ lo về chiên con làm của lễ thiêu” (Sáng Thế Ký 22:7-8).

Hãy tự đặt chúng ta vào hoàn cảnh của Áp-ra-ham. Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào trước mệnh lệnh của Đức Chúa Trời?

Khi chúng ta đọc thấy mệnh lệnh chung của Chúa dành cho loài người: “Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:28; 9:1); thì chúng ta có lý luận rằng, mình không có điều kiện nuôi con hoặc chưa thuận tiện để có con nên mình tự tìm cách ngừa thai?

Khi chúng ta đọc thấy mệnh lệnh của Chúa về việc tôn thánh ngày Thứ Bảy làm ngày nghỉ thì chúng ta có lý luận rằng, nếu chúng ta không đi làm kiếm sống vào ngày Thứ Bảy thì chúng ta sẽ bị thất nghiệp, sẽ bị nghèo khổ, sẽ không có tiền để nuôi con hoặc trả nợ? Chúng ta có thể nào dùng lý luận Thần học của loài người để cho rằng, con dân Chúa ngày nay không cần phải tôn thánh ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát, trong khi Thánh Kinh hoàn toàn không có một câu nào dạy như vậy? Nếu điều răn thứ tư không còn hiệu lực thì tại sao chính Đức Chúa Jesus Christ đã dạy cho dân I-sơ-ra-ên sống vào Kỳ Tận Thế rằng, hãy cầu xin Đức Chúa Trời để ngày AntiChrist đem quân tấn công Giê-ru-sa-lem sẽ không xảy ra vào một ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 24:20)? Và tại sao trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm muôn dân trên đất vẫn thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát (Ê-xê-chi-ên 46:3)?

Khi chúng ta đọc thấy mệnh lệnh của Chúa truyền cho chúng ta phải tránh sự tà dâm thì chúng ta có lý luận rằng, vì mình độc thân nên có thể tự tìm cách để giải quyết nhu cầu tình dục?

Thật là đáng buồn khi phần lớn những người mang danh là con dân Thiên Chúa, có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của họ, chống trả tội ác chưa đến nỗi phải mất mạng, mà đã dễ dàng buông mình phạm tội, chống nghịch Lời Chúa, vì đam mê thú vui tội lỗi, vì thiếu đức tin về sự quan phòng của Chúa, hoặc vì không sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa.

19 Ông tự nghĩ rằng, Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến con mình sống lại từ những kẻ chết. Và như vậy, ông đã nhận lại con ấy một cách hình bóng.

Khi chúng ta đọc câu chuyện Đức Chúa Trời thử thách đức tin của Áp-ra-ham được ghi lại trong Sáng Thế Ký, chúng ta thấy ông im lặng, vâng phục Đức Chúa Trời, chúng ta tự hỏi, không biết trong lòng Áp-ra-ham đã cảm nhận như thế nào. Hê-bơ-rơ 11:19 giúp cho chúng ta biết, Áp-ra-ham có đức tin rất lớn nơi Đức Chúa Trời, lớn đến nỗi, ông tin rằng, Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến cho con của mình sống lại từ những kẻ chết. Với đức tin lớn đó, sự cảm nhận của Áp-ra-ham là sự bình an và thỏa lòng trong mọi sự Đức Chúa Trời cho phép xảy đến với ông hoặc truyền cho ông thi hành.

Chúng ta chỉ có thể thật sự bình an trong mọi cảnh ngộ khi chúng ta có đức tin lớn nơi Đức Chúa Trời. Dù là chiến tranh, đói kém, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, bị bách hại đức tin, bị đau đớn trong thể xác vì tật bệnh… hoặc ngay khi chúng ta đối diện sự chết, nếu chúng ta vững tin nơi tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, vững tin nơi sự thành tín của Ngài, thì chúng ta luôn bình an và vui mừng, đầy lòng biết ơn Chúa, vì Ngài đã cho phép những điều tốt nhất xảy đến với chúng ta.

So sánh đức tin của Gióp với đức tin của Áp-ra-ham chúng ta thấy, cùng trong một ngày, Gióp bị mất hết tài sản và mười đứa con đều bị chết, nhưng Gióp không bị đặt trước sự chọn lựa phải tự tay giết con của mình. Còn Áp-ra-ham thì phải hy sinh mạng sống của con mình và phải tự tay giết đứa con một rất yêu dấu của mình. Hai sự thử thách khác nhau nhưng mức độ nghiêm trọng không khác nhau.

Ngày nay, Đức Chúa Trời chưa truyền cho nhiều người trong chúng ta phải hy sinh mạng sống của chính mình hay của con cái mình. Ngài chỉ truyền cho chúng ta hãy để cho con người xác thịt tội lỗi chết đi, nhưng biết bao nhiêu người mang danh là con dân Chúa vẫn để cho bản ngã xác thịt tội lỗi tiếp tục sống. Họ vẫn sống trong sự kiêu ngạo, lòng tự ái không đúng, tham lam, tà dâm, dối trá, ganh tỵ, giận ghét anh chị em cùng Cha của mình…

Khi Áp-ra-ham cầm dao để giết I-sác thì thiên sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã từ trời gọi ông, bảo ông dừng tay. Sau đó, Áp-ra-ham nhìn thấy sau lưng ông có một con chiên đực bị mắc kẹt trong một bụi cây. Áp-ra-ham đã bắt con chiên đực ấy làm của lễ thiêu thay cho I-sác. Khi Áp-ra-ham đáp lời I-sác: “Con ơi! Chính Thiên Chúa sẽ lo về chiên con làm của lễ thiêu” (Sáng Thế Ký 22:8), có lẽ trong tâm trí ông, ông đã nghĩ rằng, I-sác là sinh tế Chúa đã sắm sẵn làm của lễ thiêu. Rồi sau đó, Chúa sẽ làm cho I-sác được sống lại. Tuy nhiên, câu trả lời của Áp-ra-ham đã trở thành lời tiên tri được ứng nghiệm, khi Đức Chúa Trời thật sự đã sắm sẵn một con chiên đực để làm của lễ thiêu. Áp-ra-ham đã đặt tên cho ngọn núi là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Sắm Sẵn” (Bản Dịch Truyền Thống: Giê-hô-va Di-rê). Và danh xưng đó đã trở thành một trong các danh xưng của Thiên Chúa. Ngọn núi ấy về sau trở thành nơi Vua Sa-lô-môn xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa. Theo truyền thuyết của dân I-sơ-ra-ên thì vị trí của bàn thờ mà Áp-ra-ham đặt I-sác trên đó cũng chính là vị trí của nơi đặt Rương Giao Ước trong Nơi Rất Thánh của Đền Thờ.

Dù I-sác không bị giết để làm của lễ thiêu dâng lên Đức Chúa Trời nhưng trong tâm trí của Áp-ra-ham thì I-sác đã chết trước đó ba ngày, từ khi ông nghe Đức Chúa Trời phán truyền và ông quyết định vâng phục. Vì thế, đối với Áp-ra-ham, ông đã có lại được I-sác từ trong sự chết.

Rất có thể, trong lúc ấy, Áp-ra-ham đã nhìn thấy “Ngày của Đấng Christ” (Giăng 8:56). Ông nhìn thấy Đấng Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian, chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho toàn thể loài người. Lòng ông vui mừng rộn rã về sự nhìn thấy ấy.

Chúng ta thấy, qua câu chuyện Đức Chúa Trời thử thách đức tin của Áp-ra-ham:

  • Áp-ra-ham vui lòng hy sinh con một của mình vì ông yêu kính và tin cậy Đức Chúa Trời.
  • I-sác vui lòng chịu chết để làm sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời vì I-sác cũng yêu kính và tin cậy Đức Chúa Trời, yêu kính và tin cậy cha của mình.

Nếu I-sác không có đức tin nơi Đức Chúa Trời và không tin cha mình, thì không dễ gì Áp-ra-ham khi đó đã trên trăm tuổi có thể bắt trói I-sác là một thanh niên, đặt nằm trên bàn thờ.

Áp-ra-ham và I-sác làm hình bóng cho Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Trời vì yêu loài người mà hy sinh Con Một của Ngài. Đức Chúa Jesus Christ vì yêu loài người mà chịu dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Nhưng Áp-ra-ham và I-sác cũng làm hình bóng cho sự con dân Chúa thể hiện tình yêu tuyệt đối của mình dành cho Đức Chúa Trời và đức tin tuyệt đối của mình nơi Đức Chúa Trời.

20 Bởi đức tin, I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự sẽ đến.

Câu chuyện I-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau, hai người con trai của ông, được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 27. I-sác vì đã lớn tuổi, mắt bị làng nên đã nhầm lẫn Gia-cốp với Ê-sau, khi Gia-cốp nghe theo lời của mẹ, giả làm Ê-sau để nhận phước từ I-sác. Nhưng lời chúc phước của I-sác là đến từ đức tin của ông về những sự sẽ xảy đến cho dòng dõi của ông, mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho ông.

Sau khi I-sác biết được Gia-cốp đã gạt ông để được chúc phước và Ê-sau khóc lóc nài xin ông chúc phước cho Ê-sau thì I-sác cũng đã không thay đổi về sự chúc phước. Những lời chúc ông dành cho Ê-sau chỉ là tiên tri về đời sống gian nan phải dùng vũ khí để kiếm sống của dòng dõi Ê-sau, và dòng dõi của Ê-sau phải phục vụ cho dòng dõi của Gia-cốp trong một thời gian.

Lời chúc phước của I-sác trên Gia-cốp được ghi lại trong Thánh Kinh, như sau:

“Nguyện Đức Chúa Trời ban cho con sương móc từ các tầng trời và sự màu mỡ của đất; được dư dật lúa mì và rượu! Nguyện muôn dân phục vụ con; các quốc gia sấp mình trước con! Hãy là chủ trên các anh em của con! Nguyện các con trai của mẹ con sấp mình trước con! Ai rủa sả con sẽ bị rủa sả! Ai chúc phước cho con, sẽ được ban phước!” (Sáng Thế Ký 27:28-29).

Lời chúc phước của I-sác trên Ê-sau được Thánh Kinh ghi lại, như sau:

“I-sác cha người, đáp lời, nói với người: Này, nơi con ở sẽ thiếu màu mỡ của đất và sương móc từ các tầng trời, từ trên cao. Con sẽ sống nhờ gươm của con và sẽ phục vụ cho em của con. Sẽ xảy ra khi con vẫy vùng đây đó, con sẽ bẻ cái ách của nó khỏi cổ của con.” (Sáng Thế Ký 27:39-40).

Khi I-sác chúc phước cho Gia-cốp, ông đã bởi đức tin, dựa vào lời hứa của Chúa mà chúc cho dòng dõi của ông được hưởng lời hứa của Chúa. Sau khi biết rằng, Gia-cốp đã gạt ông để nhận lời chúc phước mà ông định chúc cho con trưởng là Ê-sau thì I-sác cũng không thay đổi lời chúc phước. Vì ông tin rằng, lời ông đã chúc đó sẽ ứng nghiệm cho dù là qua dòng dõi ra từ đứa con thứ. I-sác tiếp tục thể hiện đức tin của ông khi ông chúc cho Ê-sau phải phục vụ cho Gia-cốp, y theo lời tiên tri mà Chúa đã phán khi Rê-bê-ca, vợ ông mang thai:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với nàng: Hai nước trong bụng của ngươi và hai dân sẽ được phân chia từ trong lòng ngươi. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, và đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ.” (Sáng Thế Ký 25:23).

Lời I-sác tiên tri về việc con cháu của Ê-sau sẽ bẻ cái ách của con cháu Gia-cốp đã ứng nghiệm trong đời Vua Giô-ram, như đã chép trong II Các Vua 8:20-22.

Nhân dịp nhắc lại chuyện Gia-cốp nghe theo lời mẹ, gạt cha của mình để được chúc phước, chúng ta cần ghi nhớ mấy điều sau đây.

Đức Chúa Trời đã định sẵn cho Gia-cốp làm tổ phụ của 12 chi phái I-sơ-ra-ên và con cháu của Ê-sau phải phục vụ con cháu của Gia-cốp trong một thời gian. Vì thế, cho dù Gia-cốp không nghe theo mưu kế của Rê-bê-ca thì chắc chắn Đức Chúa Trời vẫn có phương cách khiến cho I-sác chúc phước cho Gia-cốp.

Sự Rê-bê-ca bày mưu và Gia-cốp nghe theo không phải là việc làm chính đáng, nhưng vì Đức Chúa Trời đã định sẵn cho Gia-cốp được chúc phước nên Gia-cốp vẫn được chúc phước. Nhưng về sau, chính Gia-cốp lại bị các con của mình dối gạt, khi các con lớn vì ganh ghét nên đem bán Giô-sép làm nô lệ rồi về báo với Gia-cốp là Giô-sép đã bị thú dữ sát hại. Sự việc đó khiến cho Gia-cốp đau lòng trong suốt nhiều năm. Vì Gia-cốp rất là yêu Giô-sép.

Sự phước hay họa trong đời sống của loài người nằm trong sự định sẵn của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ cần hoàn toàn tin cậy và vâng phục Chúa, hết lòng sống theo Lời Ngài, thì những sự tốt đẹp nhất sẽ xảy đến cho chúng ta theo kỳ hạn mà Chúa đã định sẵn. Chúng ta không cần phải nghĩ mưu, lập kế để thu đạt bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi chúng ta đã nhận biết ý muốn của Chúa, mệnh lệnh của Chúa thì chúng ta phải có sắp xếp và kế hoạch theo sự dẫn dắt của Chúa để làm việc.

21 Bởi đức tin, Gia-cốp lúc gần chết, đã chúc phước cho hai con của Giô-sép, và nương trên đầu gậy của mình mà thờ phượng.

Câu chuyện Gia-cốp chúc phước cho hai con trai của Giô-sép được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 48. Con trưởng nam của Giô-sép là Ma-na-se và con thứ là Ép-ra-im. Khi Gia-cốp muốn chúc phước cho hai cháu thì Giô-sép dắt Ma-na-se đến đứng dối diện với tay phải của Gia-cốp còn Ép-ra-im thì đứng đối diện với tay trái của Gia-cốp. Nhưng khi Gia-cốp đưa tay ra đặt trên đầu hai cháu để chúc phước thì ông lại đặt tay phải trên đầu của Ép-ra-im, còn tay trái thì đặt trên đầu của Ma-na-se. Giô-sép thấy vậy thì không vui, nên kéo tay phải của Gia-cốp đặt trên đầu của Ma-na-se và thưa với Gia-cốp rằng: “Chẳng phải vậy, thưa cha. Vì đứa này là con đầu lòng; xin hãy để tay phải của cha trên đầu nó” (Sáng Thế Ký 48:18). Nhưng Gia-cốp đã cãi lại, nói rằng, ông biết vậy, nhưng đứa em sẽ trở thành một dân lớn hơn đứa anh.

Điều ấy chứng tỏ rằng, Gia-cốp đã được Thần cảm về tương lai của Ma-na-se và Ép-ra-im. Ông đã vững tin nơi sự Thần cảm mà chúc phước cho hai cháu của mình và đặt Ép-ra-im trước Ma-na-se. Về sau, Giô-suê, người dẫn dân I-sơ-ra-ên tiến vào đất hứa và làm quan xét đầu tiên của dân I-sơ-ra-ên là người thuộc về chi phái Ép-ra-im. Vua Giê-rô-bô-am lãnh đạo 10 chi phái I-sơ-ra-ên, thành lập vương quốc phía bắc, khi quốc gia I-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời phân chia thành hai vương quốc, cũng là người ra từ chi phái Ép-ra-im.

Mệnh đề “nương trên đầu gậy của mình mà thờ phượng” trong Hê-bơ-rơ 11:21 không nói rằng, Gia-cốp đã thờ phượng Đức Chúa Trời sau khi chúc phước cho hai cháu, mà là nói đến thời điểm Gia-cốp thờ phượng Đức Chúa Trời trước đó, khi ông nói lời trăn trối với Giô-sép, như đã được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 47. Mệnh đề này tạo ra một sự tranh luận cho các nhà phiên dịch Thánh Kinh trong việc xác định ý nghĩa của Sáng Thế Ký 47:31.

Trong Bản Dịch King James và một số các bản dịch Anh ngữ đã dịch là “I-sơ-ra-ên cúi lạy trên đầu giường”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống thì dịch là: “I-sơ-ra-ên quỳ lạy nơi đầu giường mình”. Riêng Bản Dịch Bảy Mươi [1] là bản dịch đầu tiên dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ sang một ngôn ngữ khác là tiếng Hy-lạp, được chính Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ dùng, thì dịch là: “I-sơ-ra-ên tự cúi lạy trên đầu gậy của mình.”

Lý do của sự khác biệt trong các bản dịch là vì cùng một cách viết nhưng một từ ngữ Hê-bơ-rơ có thể mang các nghĩa khác nhau, tùy theo cách phát âm. Chữ מטּה có thể là “giường” (H4296), khi phát âm là mi-ta hoặc “gậy” (H4294), khi phát âm là ma-the, tùy theo ký hiệu phát âm. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh Cựu Ước thì không có ghi dấu phát âm cho chữ מטּה và Bản Dịch Bảy Mươi đã chọn dịch là “gậy”. Chúng ta nên nhớ, 72 người phụ trách phiên dịch Thánh Kinh Cựu Ước sang tiếng Hy-lạp đều là người I-sơ-ra-ên nên chắc chắn là họ biết từ ngữ מטּה được dùng trong Sáng Thế Ký 47:31 có nghĩa là “giường” hay có nghĩa là “gậy”. Sứ Đồ Phao-lô đã dựa theo Bản Dịch Bảy Mươi để dùng danh từ “gậy” trong Hê-bơ-rơ 11:21.

Chúng tôi tin rằng, bản dịch Thánh Kinh đầu tiên từ tiếng Hê-bơ-rơ sang một ngôn ngữ khác đã được Đức Chúa Trời chọn dùng tiếng Hy-lạp và tiếng Hy-lạp cũng được Đức Chúa Trời chọn dùng để chép Thánh Kinh Tân Ước. Vì thế, chúng tôi tin rằng 72 học giả người I-sơ-ra-ên làm công việc phiên dịch Thánh Kinh Cựu Ước thành Bản Dịch Bảy Mươi đã được Đức Chúa Trời dùng để dịch đúng nghĩa của Sáng Thế Ký 47:31, là Gia-cốp đã dựa trên đầu gậy của mình mà thờ phượng Đức Chúa Trời.

Hình thức thờ phượng của dân I-sơ-ra-ên cũng như một số các dân tộc khác ở vùng Trung Đông là quỳ và sấp mình trên đất. Có thể là sấp mình trong tư thế quỳ như hình minh họa dưới đây; mà cũng có thể là nằm dài ra trên đất.

Minh họa: Môi-se sấp mình trước Đức Chúa Trời
(Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:25)
Nguồn: https://oneyearbibleimages.com/deut9.jpg

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, động từ שׁחה (H7812), sa-kha được dùng để chỉ hành động cúi đầu, nghiêng mình; hoặc cúi đầu, quỳ xuống; hoặc quỳ xuống, sấp mình trên đất; hoặc nằm dài trên đất để tỏ lòng tôn kính bậc trưởng thượng, để thờ lạy tà thần, hoặc để thờ phượng Thiên Chúa.

Gia-cốp tuổi đã cao, sức yếu, nên ông không thể sấp mình trên đất để thờ phượng, tôn vinh Đức Chúa Trời như bình thường. Ông chỉ có thể nương trên đầu gậy của mình để cúi đầu, nghiêng mình, thờ phượng Đức Chúa Trời. Có lẽ, Gia-cốp đã ngồi trên giường của mình, tay cầm gậy để có thể ngồi vững, nói lời trăn trối với Giô-sép. Khi được Giô-sép thề hứa sẽ mang hài cốt của ông ra khỏi xứ Ê-díp-tô để chôn cất trong xứ Ca-na-an thì Gia-cốp đã nương trên đầu gậy, cúi đầu, nghiêng mình tạ ơn Đức Chúa Trời về lời hứa mà Ngài sẽ làm tròn trên dòng dõi của ông. Và đó là hành động thờ phượng Đức Chúa Trời bởi đức tin, khi Gia-cốp vẫn chưa nhìn thấy điều Đức Chúa Trời đã hứa với mình và tổ phụ của mình (Áp-ra-ham, I-sác).

22 Bởi đức tin, Giô-sép lúc gần qua đời nói về việc con cháu I-sơ-ra-ên sẽ đi ra, và truyền lệnh về hài cốt của mình. [Đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.]

Sáng Thế Ký 50:24-26 ghi lại sự kiện khi Giô-sép gần qua đời ông đã yêu cầu các anh em của ông thề rằng, ngày mà Đức Chúa Trời đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô thì họ sẽ đem hài cốt của ông ra khỏi đó. Sau khi Giô-sép qua đời, các anh em của ông đã đặt thân xác của ông trong một quan tài mà không an táng. Vào ngày Đức Chúa Trời rút dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Môi-se đã cho mang theo hài cốt của Giô-sép (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:19).

Lời trăn trối của Giô-sép với các anh em của ông chứng tỏ, ông vững tin vào lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham về việc Ngài sẽ đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Sáng Thế Ký 15:13-14).

23 Bởi đức tin, khi Môi-se mới được sinh ra, cha mẹ của ông đem giấu đi ba tháng, vì họ thấy đứa bé xinh đẹp. Họ đã không sợ mệnh lệnh của vua.

Câu chuyện về cuộc đời của Môi-se bắt đầu với Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 2 và được Chấp Sự Ê-tiên tường thuật cách chi tiết trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 7. Vào thời điểm Môi-se được sinh ra thì Pha-ra-ôn của xứ Ê-díp-tô kỳ thị dân I-sơ-ra-ên, ra lệnh cho các bà mụ phải giết các trẻ trai mới được sinh ra của dân I-sơ-ra-ên. Nhưng các bà mụ đã không vâng lệnh của Pha-ra-ôn. Cha mẹ của Môi-se đã giấu kín ông trong nhà suốt ba tháng (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:20). Sau đó, mẹ của Môi-se đã đặt ông vào một cái rương mây, có trét chai và nhựa thông để không bị thấm nước, rồi thả vào giữa một đám sậy bên bờ sông. Chị của Môi-se được giao cho nhiệm vụ đứng đàng xa canh chừng, xem điều gì sẽ xảy ra cho Môi-se.

Con gái của Pha-ra-ôn, tức công chúa của xứ Ê-díp-tô, xuống sông tắm và nhìn thấy cái rương mây, sai tôi tớ vớt lên, mở rương ra, thấy Môi-se đang khóc. Công Chúa biết đứa trẻ là con trai của một người Hê-bơ-rơ và động lòng thương xót. Chị của Môi-se đến gần, đề nghị đi gọi một người đàn bà Hê-bơ-rơ cho đứa trẻ bú. Công Chúa đồng ý. Chị của Môi-se chạy về gọi mẹ đến. Công Chúa thuê mẹ của Môi-se làm vú nuôi cho Môi-se. Khi Môi-se lớn lên thì được đưa vào cung điện làm con nuôi của công chúa.

Đức Thánh Linh, qua Hê-bơ-rơ 11:23 cho chúng ta biết, cha mẹ của Môi-se làm trái lại mệnh lệnh của vua là vì họ có đức tin. Đức tin của họ là họ tin rằng, bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời sẽ cứu sống Môi-se và bằng cách nào đó Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ họ khỏi sự khám phá của Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã đáp ứng đức tin của họ cách lạ lùng khi Ngài dùng chính con gái của Pha-ra-ôn để cứu Môi-se, và tiếp trợ cho gia đình của Môi-se qua việc thuê mẹ của Môi-se làm vú nuôi.

Chúng ta thấy rõ ràng: Chỉ cần chúng ta có đức tin nơi Đức Chúa Trời, vâng phục Ngài, giữ các điều răn của Ngài, thì Ngài sẽ làm ra những sự lạ lùng trong đời sống của chúng ta để giải cứu chúng ta và chăm sóc chúng ta. Ngài có thể dùng chính kẻ thù của chúng ta để giải cứu chúng ta và chăm sóc chúng ta.

24 Bởi đức tin, Môi-se lúc đã trưởng thành, chối bỏ được gọi là con trai của con gái Pha-ra-ôn,

25 chọn thà bị hà hiếp cùng dân của Đức Chúa Trời hơn là có sự vui sướng tạm của tội lỗi.

Chúng ta có thể hiểu rằng, cha mẹ của Môi-se đã dạy cho Môi-se về những lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho dân tộc I-sơ-ra-ên. Chúng ta có thể hiểu rằng, Môi-se nhận biết thời điểm Đức Chúa Trời giải cứu dân I-sơ-ra-ên sẽ xảy ra trong đời của ông, vì thời hạn 400 năm dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ cho dân Ê-díp-tô sắp kết thúc (Sáng Thế Ký 15:13). Môi-se tin vào những lời dạy dỗ của cha mẹ và chính ông có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Năm Môi-se được 40 tuổi thì trong lòng thương nhớ đến dân tộc của mình nên ông đã ra ngoài cung điện, đi thăm dân I-sơ-ra-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:23). Ông nhìn thấy một người Ê-díp-tô hà hiếp một người I-sơ-ra-ên thì ông bênh vực người I-sơ-ra-ên, và giết chết người Ê-díp-tô. Ngày hôm sau, ông lại đi thăm dân I-sơ-ra-ên và thấy người mà ông bênh vực hôm qua lại hà hiếp một người I-sơ-ra-ên khác. Môi-se lên tiếng can ngăn thì bị người ấy tố giác việc ông giết người Ê-díp-tô. Vì thế, Môi-se phải bỏ cung điện xứ Ê-díp-tô, trốn đi. Ông đến xứ Ma-đi-an, cưới vợ, sinh được hai con trai, làm công việc chăn chiên cho cha vợ suốt 40 năm; cho đến khi Đức Chúa Trời gọi ông làm người lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

Qua Hê-bơ-rơ 11:24-25 chúng ta hiểu rằng, sự Môi-se bênh vực người I-sơ-ra-ên và giết chết người Ê-díp-tô là ông hành động bởi đức tin. Bởi đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời đối với dân I-sơ-ra-ên mà Môi-se chọn đứng về phía dân I-sơ-ra-ên thay vì đứng về phía dân Ê-díp-tô, mặc dù ông đang ở trong địa vị được ưu đãi trong triều đình Ê-díp-tô.

Ngày nay, lãnh tụ nào, dân tộc nào trên thế giới vững tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời đối với dân I-sơ-ra-ên, chọn đứng về phía dân I-sơ-ra-ên cho dù phải trả giá đắt cho sự lựa chọn của mình, thì lãnh tụ ấy, dân tộc ấy sẽ được Đức Chúa Trời ban phước. Lời này của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ thay đổi:

“Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi. Trong ngươi, hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được ban phước.” (Sáng Thế Ký 12:3).

Chúng ta học bài học thứ nhất từ Môi-se: Sẵn sàng làm theo đức tin cho dù phải trả giá như thế nào.

26 Ông xem sự sỉ nhục của Đấng Christ là sự giàu có lớn hơn kho tàng trong xứ Ê-díp-tô. Vì ông hướng trông về sự ban thưởng.

Danh từ “Đấng Christ” trong câu này chính là danh từ Đấng Christ được dùng để gọi Đức Chúa Jesus Christ trong Tân Ước. Danh từ này tương đương với danh từ “Đấng Mê-si-a” trong Thánh Kinh Cựu Ước. Danh từ “Đấng Christ” hay “Đấng Mê-si-a” còn có nghĩa là “Đấng Giải Cứu của I-sơ-ra-ên”. Tuy nhiên, danh từ “Đấng Christ” hay “Đấng Mê-si-a” với nghĩa đen là “người được xức dầu” cũng có thể được dùng để gọi bất cứ một người nào được Đức Chúa Trời kêu gọi và chọn vào trong một chức vụ như: tiên tri, thầy tế lễ, vua… Ngoài ra, hai danh từ này cũng có thể được dùng để gọi dân I-sơ-ra-ên hoặc Hội Thánh.

Có lẽ ý nghĩa trước hết của danh từ “Đấng Christ” được dùng trong Hê-bơ-rơ 11:26 là nói về chính Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của I-sơ-ra-ên. Ý nghĩa thứ nhì là nói về chính chức vụ mà Đức Chúa Trời giao vào trong tay của Môi-se, chức vụ dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Sau cùng, có thể danh từ “Đấng Christ” được dùng để chỉ về dân tộc I-sơ-ra-ên, một dân tộc được Đức Chúa Trời kêu gọi và chọn làm một dân tộc thánh, một nước thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6).

Chịu sỉ nhục vì Thiên Chúa, hay chịu sỉ nhục vì mang lấy chức vụ Chúa giao phó, hay chịu sỉ nhục vì con dân Chúa đều là sự giàu có lớn hơn bất cứ kho tàng nào trong thế gian này. Thậm chí, giàu có hơn tất cả các kho tàng trong thế gian này. Vì cả thế gian cũng không quý bằng một linh hồn (Ma-thi-ơ 16:26) thì tất cả sự giàu có trong thế gian làm sao có thể sánh bằng sự vinh quang sẽ có được bởi sự chịu sỉ nhục vì Thiên Chúa, vì chức vụ chăn dắt con dân Chúa, và vì con dân Chúa; và nhờ đó, linh hồn của một người được mãi mãi ở trong vương quốc của Chúa?

Bởi đức tin, Môi-se biết chắc Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cách xứng đáng cho những ai chịu sỉ nhục theo ý Ngài. Động từ “hướng trông” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là xoay mắt khỏi những sự khác để chăm nhìn vào một sự mà thôi.

Bài học thứ nhì chúng ta học từ Môi-se: Bởi đức tin vào Lời Chúa, từ bỏ mọi sự thuộc về thế gian để hướng trông về những sự thuộc về Nước Trời; sẵn sàng chịu nhục, chịu khổ vì danh Chúa, vì chức vụ Chúa giao phó, và vì con dân Chúa.

27 Bởi đức tin, ông lìa xứ Ê-díp-tô không sợ sự thịnh nộ của vua; vì ông kiên định như nhìn thấy Đấng không thấy được.

Đây là nói đến sự kiện Môi-se lìa Ê-díp-tô lần thứ nhì. Bốn mươi năm trước đó, ông đã bởi đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho dân I-sơ-ra-ên mà bênh vực người thuộc dân tộc của ông. Ông đã phải trốn khỏi Pha-ra-ôn, vì sợ cơn giận của Pha-ra-ôn. Sau bốn mươi năm chăn chiên trong đồng vắng, bởi đức tin, Môi-se đã quay lại Ê-díp-tô để dẫn toàn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi đó. Việc làm lần này của ông còn nghiêm trọng hơn là việc giết chết một người Ê-díp-tô, vì lấy đi khoảng 600 ngàn nam nô lệ (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37) đang phục vụ các công trình xây dựng của Pha-ra-ôn. Nhưng ông không sợ cơn giận của Pha-ra-ôn.

Động từ “kiên định” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là nhẫn nại chịu đựng mọi áp lực.

Nhóm chữ “Đấng không thể thấy được” chỉ về Đức Chúa Trời. Đấng đã phán gọi Môi-se qua một bụi gai bị cháy mà không tàn (Xuất Ê-díp-tô Ký 3). Dù Môi-se không nhìn thấy Đức Chúa Trời nhưng ông vững tin vào sự phán dạy của Ngài. Ông đã nhẫn nại chịu đựng mọi áp lực như là ông trực tiếp nhìn thấy mặt Ngài. Về sau, Môi-se có cầu xin Đức Chúa Trời cho ông được nhìn thấy sự vinh quang của Ngài, và đã được Ngài chấp nhận (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:17-23).

Bài học thứ ba chúng ta học từ Môi-se: Bởi đức tin vào Lời Chúa mà nhẫn nại chịu đựng mọi áp lực trong nếp sống vâng phục Chúa, như chúng ta đang đối diện với Chúa.

28 Bởi đức tin, ông làm Lễ Vượt Qua và sự rảy máu, kẻo Đấng hủy diệt những con đầu lòng chạm đến họ.

Môi-se đã vâng theo lời phán dạy của Chúa để làm Lễ Vượt Qua, cho rảy máu trên thanh ngang của cửa và hai bên cột cửa mỗi nhà của dân I-sơ-ra-ên để tránh tai họa con đầu lòng bị giết (Xuất Ê-díp-tô Ký 12). Môi-se truyền cho dân I-sơ-ra-ên thực hiện Lễ Vượt Qua và rẩy máu trên cửa, vì ông tin chắc, nếu không vâng theo lời phán truyền của Chúa thì dân I-sơ-ra-ên sẽ bị tai họa, con đầu lòng của người và súc vật đều sẽ bị giết.

Bài học thứ tư chúng ta học từ Môi-se: Hãy tin cậy hoàn toàn vào mọi lời cảnh báo của Chúa và làm theo lệnh truyền của Chúa để tránh bị tai họa.

29 Bởi đức tin, họ vượt ngang biển Đỏ như ngang qua chỗ cạn, nơi mà dân Ê-díp-tô thử vượt ngang thì bị nuốt mất.

Mặc dù bởi đức tin, Môi-se đã cầm gậy đưa ra trên biển Đỏ để nước biển dồn sang hai bên, làm thành đường cho hàng triệu người I-sơ-ra-ên băng ngang, nhưng chính dân I-sơ-ra-ên phải có đức tin để bước chân xuống lòng biển Đỏ với vách tường nước cao ngất hai bên.

Quân đội của xứ Ê-díp-tô thấy dân I-sơ-ra-ên bình an băng ngang qua đáy biển thì liều mình đuổi theo. Nhưng khi Môi-se vâng lời Chúa, đưa tay trở lại trên biển, thì nước biển phủ lấp đáy biển, toàn bộ quân lực của Pha-ra-ôn bị chết chìm trong biển (Xuất Ê-díp-tô Ký 14).

Chúng ta học được từ dân I-sơ-ra-ên: Mỗi người phải thể hiện đức tin của mình vào trong Thiên Chúa để có thể được Ngài chăm sóc và bảo vệ. Nhất là chúng ta phải vững tin vào phép lạ Chúa làm ra trong đời sống của chúng ta, khi chúng ta đối diện với nghịch cảnh.

30 Bởi đức tin, các tường thành của Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi họ đi vòng quanh bảy ngày.

Trận chiến đầu tiên của dân I-sơ-ra-ên khi tiến vào Đất Hứa Ca-na-an là đánh hạ thành Giê-ri-cô. Tuy nhiên, dân I-sơ-ra-ên đã không cần phải tiến công để phá thành, mà chỉ cần đi vòng quanh thành Giê-ri-cô trong bảy ngày, theo lời phán truyền của Thiên Chúa. Chính Chúa đã khiến cho các tường thành kiên cố của Giê-ri-cô bị sụp đổ và dân I-sơ-ra-ên đã tràn vào tàn sát dân Giê-ri-cô (Giô-suê 6).

Trước khi Giô-suê đưa quân đánh hạ thành Giê-ri-cô thì ông nhìn thấy một người cầm gươm, đứng đối diện với ông, gần thành Giê-ri-cô. Ông hỏi người ấy thuộc về phía của ông hay thuộc về kẻ thù. Người ấy đáp rằng, “Không! Vì Ta là chủ tướng của quân đội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, bây giờ Ta đến.” (Giô-suê 5:14). Điều ấy giúp cho chúng ta biết, chính Thiên Chúa là chủ tướng của mọi cuộc chiến mà con dân Chúa phải đối diện.

Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy trở nên như người lính giỏi của Đấng Christ (II Ti-mô-thê 2:3). Lời Chúa dạy cho chúng ta biết, sự chiến trận thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (I Sa-mu-ên 17:47). Lời Chúa cũng dạy cho chúng ta biết, Đấng Christ là “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16). Và Lời Chúa cũng ghi rõ lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ: “Này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20). Vì thế, chúng ta hãy bởi đức tin nơi Thiên Chúa, nơi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa mà kiên định trong mọi khó khăn, thử thách. Dù là chúng ta đối diện với sự bách hại đức tin, dù là chúng ta đối diện với những đau đớn trong thân thể xác thịt vì tật bệnh, dù là chúng ta đối diện với những mất mát lớn nhất trong cuộc đời… Chúng ta sẽ là những người chiến thắng, vì Đấng Christ là chủ tướng của chúng ta.

Trong thực tế của đời sống, có những khó khăn, thử thách chúng ta không thể vượt qua bởi sức người. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa và hết lòng vâng phục Ngài thì phép lạ sẽ xảy ra trong đời sống của chúng ta. Có biết bao nhiêu người đã không thể nào chiến thắng được các thói hư, tật xấu, những đam mê tội lỗi. Nhưng khi họ hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa và hết lòng vâng phục Lời Chúa thì chính Chúa phá tan mọi sức mạnh trói buộc của tội lỗi và khiến họ trở thành những người chiến thắng.

31 Bởi đức tin, người gái điếm Ra-háp không bị giết với những kẻ chẳng tin, vì nàng đã tiếp đón các người do thám với sự bình an.

Câu chuyện về người gái điếm Ra-háp được chép lại trong Giô-suê đoạn 2. Trước khi tấn công thành Giê-ri-cô thì Giô-suê đã sai hai người lính đi do thám tình hình trong thành. Hai người do thám đến trọ trong nhà của người gái điếm Ra-háp và bị dân Giê-ri-cô nhìn thấy, khai báo với vua của Giê-ri-cô. Vua sai người truyền lệnh cho Ra-háp đuổi hai người do thám ra khỏi nhà, nhưng Ra-háp đã đem giấu hai người do thám và nói rằng, họ đã rời khỏi thành. Trong đêm đó, trước khi dùng dây giúp cho hai người do thám vượt tường thành ra ngoài, Ra-háp đã yêu cầu họ, hứa sẽ bảo toàn mạng sống của gia đình nàng, khi dân I-sơ-ra-ên tấn công thành Giê-ri-cô. Hai người do thám đã thề hứa với Ra-háp, và Giô-suê đã giữ đúng lời thề hứa của hai người do thám. Nhờ đó, cả gia đình của Ra-háp được sống trong khi toàn thể dân thành Giê-ri-cô bị diệt. Về sau, Ra-háp kết hôn với một người I-sơ-ra-ên và trở thành một trong các tổ mẫu của Đức Chúa Jesus.

Ra-háp không phải là dân I-sơ-ra-ên, lại thuộc thành phần thường bị xã hội trong mọi thời đại xem khinh, vì là gái điếm, nhưng khi bà được nghe biết những câu chuyện về Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên thì bà đã có đức tin. Bà tin rằng, Thiên Chúa là trên tất cả các thần và sẽ giúp cho dân I-sơ-ra-ên chiến thắng thành Giê-ri-cô. Bà cũng tin rằng, nếu bà bảo vệ mạng sống của hai người do thám thì mạng sống của gia đình bà sẽ được bảo tồn. Đức tin của bà đã giữ gìn mạng sống của cả gia đình bà. Bởi đức tin thể hiện thành hành động mà Ra-háp được xưng là công bình (Gia-cơ 2:25).

Câu chuyện của Ra-háp cho chúng ta thấy, Đức Chúa Trời đối xử với mọi người như nhau. Trước Đức Chúa Trời, mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Thiên Chúa, và đang ở trong sự hư mất vì hậu quả của tội lỗi. Bất kể xuất thân, hoàn cảnh sống, năng lực, hay tình trạng tội lỗi của một người như thế nào, chỉ cần người ấy thật lòng tin nhận Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban sự cứu rỗi cho người ấy. Ngài sẽ ban cho người ấy cơ hội được trở nên con cái của Ngài, làm con trai hoặc con gái của Ngài, và ban cho người ấy năng lực để sống thánh khiết, đẹp ý Ngài. Ngài sẽ ban cho người ấy đời đời sống phước hạnh trong tình yêu của Ngài.

Dân Giê-ri-cô bị gọi là “những kẻ chẳng tin” vì với bao nhiêu phép lạ Thiên Chúa làm ra cho dân I-sơ-ra-ên, giải cứu dân ấy khỏi một đế quốc hùng mạnh vào bậc nhất thời bấy giờ, mà họ được nghe biết, họ vẫn chẳng tin. Họ chẳng tin rằng, Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên là trên tất cả các thần, trên khả năng phòng thủ của họ. Sự kết thúc của những kẻ chẳng tin luôn luôn là sự bị Thiên Chúa hủy diệt. Kể cả những kẻ đã từng là con dân của Thiên Chúa, như thế hệ trưởng thành của dân I-sơ-ra-ên trong ngày Thiên Chúa đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Hàng triệu người đã ngã chết trong đồng vắng vì chẳng tin, chỉ sót lại Giô-suê và Ca-lép là hai người có đức tin.

Qua bài học này, mong rằng mỗi chúng ta được khích lệ và được thêm lên trong đức tin bởi sự noi gương đức tin của các bậc tiền nhân.

Nguyện mọi lẽ thật của Lời Chúa khiến cho chúng ta được bền vững trong đức tin. Nguyện sự trông cậy của chúng ta hoàn toàn đặt trên lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/08/2019

Ghi Chú

[1] https://threesixteenfamily.com/vietviet/ban-dich-70/

Karaoke Thánh Ca: “Theo Ngài Vững Bước”
https://karaokethanhca.net/theo-ngai-vung-buoc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.