Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL032 Bài Giảng Trên Núi: Các Phước Lành

392 views

YouTube: https://youtu.be/9imFiFZ69dU

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL032 Bài Giảng Trên Núi: Các Phước Lành
Ma-thi-ơ 5:1-12

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 5:1-12

1 Khi thấy đoàn dân đông, Ngài đã đi lên phía một ngọn núi. Khi Ngài đã ngồi, các môn đồ của Ngài đến gần Ngài.

2 Ngài đã mở miệng mình, dạy họ, phán rằng:

3 Phước cho những ai khó nghèo! Vì Vương Quốc Trời là của họ. [Một số bản chép tay tiếng Hy-lạp ghi là: khó nghèo tâm thần.]

4 Phước cho những ai than khóc! Vì họ sẽ được an ủi.

5 Phước cho những ai nhu mì! Vì họ sẽ thừa hưởng đất.

6 Phước cho những ai đói và khát sự công chính! Vì họ sẽ được no đủ.

7 Phước cho những ai thương xót! Vì họ sẽ được thương xót.

8 Phước cho những ai trong sạch trong lòng! Vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời.

9 Phước cho những ai tạo nên sự hòa thuận! Vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa.

10 Phước cho những ai bị bách hại vì sự công chính! Vì Vương Quốc Trời là của họ.

11 Phước cho các ngươi khi người ta sẽ mắng nhiếc các ngươi, bách hại, và sẽ nói mọi lời nói dữ, vu khống, nghịch lại các ngươi vì Ta.

12 Hãy vui vẻ và mừng rỡ! Vì phần thưởng của các ngươi là lớn trong các tầng trời. Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.

Trong bài này, chúng ta tạm ngưng học về các phép lạ Đức Chúa Jesus đã làm ra trong thành Ca-bê-na-um để học về nội dung bài giảng trên núi của Chúa. Vì các phép lạ ấy đã được làm ra sau khi bài giảng trên núi được giảng ra. Bài giảng trên núi của Đức Chúa Jesus đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ từ 5:1 đến 7:29, bao gồm nhiều đề tài khác nhau.

Chúng ta cần phân biệt bài giảng trên núi với bài giảng nơi đồng bằng được ghi lại trong Lu-ca 6:17-49. Mặc dù có nhiều chi tiết trong hai bài giảng trùng hợp nhau nhưng hai bài giảng này được giảng vào hai thời điểm khác nhau, tại hai địa điểm khác nhau. Bài giảng trên núi được giảng trên núi, trước khi Chúa lập 12 sứ đồ. Còn bài giảng nơi đồng bằng được giảng nơi đồng bằng và ngay sau khi Chúa lập 12 sứ đồ.

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu nội dung bài giảng trên núi của Đức Chúa Jesus với đề tài “Các Phước Lành”, như đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5:1-12.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp. Trong ngữ pháp tiếng Hy-lạp, khi tính từ có mạo từ xác định đứng trước thì trở thành danh từ. Thí dụ: Mạo từ xác định đứng trước tính từ “khó nghèo” để làm thành danh từ “người khó nghèo”.

Kế tiếp, chúng ta cần hiểu rằng, trong ngữ pháp tiếng Hy-lạp, thì nhóm chữ: “Phước cho những ai…” có nghĩa là “Những người… được phước”. Thí dụ: “Phước cho những ai khó nghèo” có nghĩa là: “Những người khó nghèo được phước”.

Tiếp theo đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của các phước lành qua từng câu Thánh Kinh.

1 Khi thấy đoàn dân đông, Ngài đã đi lên phía một ngọn núi. Khi Ngài đã ngồi, các môn đồ của Ngài đến gần Ngài.

2 Ngài đã mở miệng mình, dạy họ, phán rằng:

Sau đêm Đức Chúa Jesus đã chữa lành bệnh và đuổi quỷ cho nhiều người tại cổng thành Ca-bê-na-um, buổi sáng, đoàn dân đông đã đến nhà Phi-e-rơ tìm Ngài. Khi đó, Đức Chúa Jesus vừa từ đồng vắng trở về, sau buổi cầu nguyện sớm. Ngài và các môn đồ rời khỏi nhà của Phi-e-rơ để đi đến các làng, các thành trong xứ Ga-li-lê, tiếp tục việc rao giảng Tin Lành. Đám dân đông vẫn đi theo Ngài. Vì thế, Đức Chúa Jesus đã đi lên phía của một ngọn núi. Thánh Kinh không nói rõ tên của ngọn núi, nhưng theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì đó là một ngọn núi nhỏ, ở phía bắc thành Ca-bê-na-um, cách khoảng 6 km. Ngày nay, núi ấy được gọi là “Núi Các Phước Hạnh” (Mount of Beatitudes).

https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/05/NuiCacPhuocHanh.png

Sau khi lên núi, Đức Chúa Jesus đã ngồi xuống để giảng dạy cho các môn đồ của Ngài. Các môn đồ của Ngài đã đến gần để nghe Ngài giảng dạy. Rất có thể lúc này đây, các môn đồ chỉ mới bao gồm: Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, Giăng, Phi-líp, và Na-tha-na-ên.

Mặc dù là Đức Chúa Jesus dành riêng buổi sáng hôm đó để giảng dạy cho các môn đồ của Ngài, nhưng đám dân đông đi theo Ngài cũng được nghe. Vì cuối bài giảng, họ đã bị ngạc nhiên về sự giảng dạy của Ngài (Ma-thi-ơ 7:28).

3 Phước cho những ai khó nghèo! Vì Vương Quốc Trời là của họ. [Một số bản chép tay tiếng Hy-lạp ghi là: khó nghèo tâm thần.]

Như chúng ta đã biết, các bản chép tay gốc của Thánh Kinh trong tiếng Hê-bơ-rơ hay trong tiếng Hy-lạp đã hoàn toàn biến mất. Có lẽ lý do Đức Chúa Trời cho phép các bản gốc bị biến mất là để tránh cho loài người thờ phượng chúng. Ngày nay, các bản dịch Thánh Kinh dựa vào các bản chép tay phần lớn được sao chép từ các bản sao chép. Tuy nhiên, sự thống nhất và chính xác của Thánh Kinh là điều được Đức Chúa Trời bảo tồn. Dĩ nhiên cũng có một số lỗi chép nhầm, hoặc chép thêm hay bớt một từ ngữ trong khi sao chép. Nhưng các lỗi ấy không làm sai lạc ý nghĩa của Thánh Kinh. Chúng ta cũng có thể đối chiếu các chỗ có vấn đề với văn mạch của toàn bộ Thánh Kinh để nhận ra đó là lỗi sao chép. Ma-thi-ơ 5:3 là một trong các trường hợp như vậy.

Một số ít bản chép tay chép rằng:

Phước cho những ai khó nghèo! Vì Vương Quốc Trời là của họ.

Nhiều bản chép tay chép rằng:

Phước cho những ai khó nghèo tâm thần! Vì Vương Quốc Trời là của họ.

Trong khi đó, Lu-ca 6:20 được tất cả các bản chép tay chép rằng:

Ngài đã ngước mắt của Ngài nhìn đến các môn đồ của Ngài, phán rằng: Phước cho các ngươi là những người khó nghèo! Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời là của các ngươi.

Tính từ “khó nghèo” (G4434) được dùng để chỉ tình trạng rất nghèo về vật chất. Tính từ này cũng được dùng để nói đến người ăn xin.

Nhiều nhà giải kinh chấp nhận các bản chép tay chép “những ai khó nghèo tâm thần” và giải thích rằng, người khó nghèo tâm thần là người trong tâm thần hoàn toàn không có một sự ban cho nào từ Thiên Chúa, không có một sở hữu thuộc linh phước hạnh nào. Vì vậy, người ấy dễ dàng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, người không có sự ban cho thuộc linh nào từ Thiên Chúa không thể là một người được kể là có phước. Khải Huyền 3:17 cho thấy, tình trạng khó nghèo về thuộc linh là tình trạng bất hạnh, không phải là tình trạng phước hạnh. Vì thế, chúng tôi cho rằng, nhóm chữ “khó nghèo tâm thần” thuộc về lỗi thêm chữ trong khi sao chép Thánh Kinh.

Chúng tôi chọn dịch Ma-thi-ơ 5:3 là: “Phước cho những ai khó nghèo! Vì Vương Quốc Trời là của họ” cho đúng với Lu-ca 6:20 và cũng đúng với văn mạch của toàn Thánh Kinh. Những người khó nghèo về vật chất là những người được ưu tiên nghe giảng Tin Lành và cũng dễ dàng tin nhận Tin Lành, nên họ là những người có phước. Ma-thi-ơ 11:5; Lu-ca 4:18; 7:22, trích dẫn Ê-sai 61:1, nói về sự những người khó nghèo về vật chất được nghe giảng Tin Lành. Danh từ “những người khó nghèo” trong các câu Thánh Kinh này phải được hiểu theo nghĩa đen, như các danh từ khác trong cùng một câu: những người mù, những người què, những người phong hủi, những người điếc, những người chết.

Gia-cơ nói về sự Đức Chúa Trời chọn những người khó nghèo về vật chất để họ kế thừa vương quốc của Ngài:

Hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, hãy nghe đây: Chẳng phải Đức Chúa Trời đã chọn những người khó nghèo trong đời này để làm cho trở nên giàu có trong đức tin, và kế thừa vương quốc của Ngài, mà Ngài đã hứa cho những người yêu Ngài hay sao? Mà các anh chị em lại khinh dể người khó nghèo! Chẳng phải những người giàu đã hà hiếp các anh chị em và kéo các anh chị em đến trước các tòa án sao?” (Gia-cơ 2:5-6).

Rõ ràng là Gia-cơ nói đến những người khó nghèo và những người giàu có về vật chất.

Nhóm chữ “Vương Quốc Trời” còn có thể dịch thật sát nghĩa, chữ sang chữ, là: “vương quyền cai trị các tầng trời”. Cũng tức là quyền cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

4 Phước cho những ai than khóc! Vì họ sẽ được an ủi.

Sự than khóc có thể là than khóc vì cớ những sự đau buồn trong đời sống, vì rơi vào hoàn cảnh bất hạnh. Phần lớn những người khó nghèo thì rất dễ than khóc. Đời sống của họ bị khó khăn, thiếu thốn về vật chất, bị xã hội khinh bỉ, bỏ rơi nên họ than khóc. Nhưng sự than khóc cũng có thể là than khóc vì cớ tội lỗi của mình; than khóc vì nhận biết mình không có sự sống của Chúa; than khóc vì biết mình không thể nào thắng được tội lỗi; than khóc vì muốn làm điều lành mà không có năng lực để làm. Chính những người than khóc đó dễ dàng tiếp nhận sự cứu rỗi và ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Còn một phương diện khác nữa là ngay những người thuộc về Chúa rồi, mà vẫn than khóc. Phao-lô nói, đã bao lần ông khóc, và ông lại tiếp tục khóc và nói nữa về sự kiện có nhiều con dân Chúa sống như là kẻ thù nghịch thập tự giá. Cũng như Phao-lô, không có người chăn hoặc trưởng lão chân thật nào mà không nhiều lần phải rơi nước mắt, vì những con chiên ngỗ nghịch trong Hội Thánh.

Nhưng những người than khóc chính đáng sẽ được an ủi. Người than khóc vì khó khăn, nghịch cảnh sẽ được an ủi bởi sự giải cứu và quan phòng của Đức Chúa Trời. Người than khóc vì sự phạm tội sẽ được an ủi bởi ơn tha thứ và phục hồi của Đức Chúa Trời. Người than khóc vì nếp sống thù nghịch thập tự giá của một số người trong Hội Thánh sẽ được an ủi, khi Đức Chúa Trời dứt bỏ kẻ không ăn năn ra khỏi Hội Thánh và đem thêm nhiều người mới vào trong Hội Thánh. Hoặc khi Đức Chúa Trời đánh phạt những kẻ có tội, khiến họ ăn năn.

5 Phước cho những ai nhu mì! Vì họ sẽ thừa hưởng đất.

Chữ “nhu mì” (G4239) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “mềm mại, dịu dàng”. Một người nhu mì là một người chậm nóng giận, dù bị đối xử bất công, sẵn sàng để tha thứ, tôn trọng mọi người, không ganh tị, vui mừng tiếp nhận sự khuyên bảo. Nhu mì và khiêm nhường là đức tính của Đấng Christ và Ngài kêu gọi những ai theo Ngài, hãy học theo Ngài:

Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ. Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách của Ta là dễ chịu và gánh của Ta là nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28-30).

Người nhu mì không tranh cạnh với đời, cũng không nghĩ đến sự báo thù. Khi bị bức hiếp thì nhẫn nhịn, phó thác lên Chúa, vì biết và tin rằng, sự trả thù thuộc về Chúa. Người nhu mì tạo cơ hội cho người khác ăn năn, quay lại với lẽ phải. Nhưng nhu mì không phải là hèn nhát, không dám nói lên những sự sai trái, bất công.

Đất mà người nhu mì được thừa hưởng chính là phần đất trong trời mới đất mới của Vương Quốc Đời Đời. Không phải chỉ là thừa hưởng một vùng đất mà còn là thừa hưởng quyền cai trị trên vùng đất ấy.

6 Phước cho những ai đói và khát sự công chính! Vì họ sẽ được no đủ.

Đói và khát là nhu cầu phải được thỏa mãn mỗi ngày của thân thể xác thịt chúng ta. Khi đói và khát thì chúng ta phải ăn và uống. Sự đói khát của thân thể xác thịt phải được giải quyết bằng thức ăn và thức uống thuộc thể. Sự đói khát của thân thể xác thịt không thể được giải quyết bằng thức ăn và thức uống thuộc linh. Chúa dựng nên thân thể vật chất của chúng ta và Chúa dùng vật chất để nuôi dưỡng chúng. Một người tin Chúa hết lòng, có đức tin mạnh mẽ vẫn phải ăn và uống thức ăn, thức uống thuộc thể. Nếu không thì thân thể xác thịt sẽ chết, vì nghịch lại với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời.

Tương tự như vậy, những gì thuộc về vật chất cũng không thể bảo dưỡng được thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần. Có được đầy đủ cơm ăn, nước uống, quần áo mặc, nhà ở không giải quyết được phần đói khát thuộc linh của chúng ta. Sự đói khát thuộc linh là nhu cầu được kể là công chính và được sống trong sự công chính.

Nhu cầu được kể là công chính là sự cần được tha tội và được làm cho sạch tội, không còn bị Đức Chúa Trời kể là tội nhân. Nhu cầu được sống trong sự công chính là sự cần được sống trong các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, như tác giả Thi Thiên 119.

Người đói khát sự công chính sẽ được no đủ bởi Lời Hằng Sống và thánh linh của Thiên Chúa. Nhờ tin vào Lời Hằng Sống của Thiên Chúa mà một người được Đức Chúa Trời kể là công chính bởi sự tha thứ mọi tội lỗi; được Đức Chúa Jesus Christ làm cho trở nên công chính bởi sự cất đi bản tính tội lỗi; và được Đức Thánh Linh giúp cho sống trong sự công chính bởi sự ban cho đầy dẫy thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa.

7 Phước cho những ai thương xót! Vì họ sẽ được thương xót.

Thương xót” (G1655, G1653) có nghĩa là đồng cảm và tích cực hành động để cứu giúp những người khốn khổ.

Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời hay thương xót. Chỗ ngự của Ngài được gọi là Ngai Thương Xót, vì Đấng ngự trên ngai đó là Đấng Thương Xót. Nếu không có sự thương xót của Đức Chúa Trời thì toàn thể nhân loại sẽ không có cơ hội để được phục hồi với Thiên Chúa, mỗi người phải đi vào trong sự hư mất đời đời.

Người có lòng thương xót được phước, vì người ấy sẽ được thương xót, đúng như câu tục ngữ: “Gieo gì gặt nấy” (Ga-la-ti 6:7). Trái lại, người không có lòng thương xót thì sẽ không được thương xót, như Đức Chúa Jesus đã dạy, trong ngụ ngôn về một người không có lòng thương xót, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 18:21-35. Người ấy là một đầy tớ của vua, bị thiếu nợ vua. Người ấy không có tiền trả nợ nên được vua thương xót, tha nợ cho. Khi người ấy ra về, gặp một người khác cũng cùng là đầy tớ như mình, là người đang thiếu nợ mình và thiếu một số tiền ít hơn, thì nắm lấy cổ người bạn của mình và bắt phải trả nợ. Người bạn không có khả năng trả nợ nên bị người ấy bắt bỏ tù, cho tới khi trả hết nợ. Khi vua nghe được chuyện đó thì đã kêu người ấy trở lại, và vua cũng bắt người ấy bỏ tù, cho tới khi người ấy trả hết nợ cho vua.

Lòng thương xót phải được thể hiện cho tất cả mọi người, ngay cả cho những kẻ thù và những kẻ vô ơn. Đức Chúa Jesus đã phán dạy rằng:

Nhưng hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy làm ơn! Hãy cho mượn, không mong đợi gì! Thì phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ là con cái của Đấng Rất Cao, vì Ngài là từ ái đối với những kẻ vô ơn và xấu. Vậy, các ngươi hãy có lòng thương xót như Cha của các ngươi cũng có lòng thương xót.” (Lu-ca 6:35-36).

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, cũng đã khuyên con dân Chúa như sau:

Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự từ ái, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại! Nếu một người nào có sự gì phàn nàn với người khác thì hãy chịu đựng nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ các anh chị em thì các anh chị em cũng phải làm như vậy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.” (Cô-lô-se 3:12-14).

Sự thể hiện lớn nhất của lòng thương xót là sự tha thứ cho những kẻ thù nghịch, tạo cơ hội cho họ ăn năn và đến với ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

8 Phước cho những ai trong sạch trong lòng! Vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời.

Từ ngữ “lòng” (G2588) có nghĩa đen là trái tim, nghĩa bóng là trung tâm điểm của đời sống thuộc thể lẫn thuộc linh. Ngoài ra, chữ “lòng” còn tiêu biểu cho toàn bộ tình cảm của một người. Trong sạch trong lòng có nghĩa là mọi cảm xúc của một người phải được đối chiếu với Lời Chúa. Cảm xúc nào đúng với Lời Chúa thì giữ lại và nuôi dưỡng, cảm xúc nào không đúng với Lời Chúa thì lập tức bỏ đi.

Có nhiều điều khiến cho một người không có lòng trong sạch nhưng có lẽ ba điều thường gặp là: kiêu ngạo, tham lam, và tà dâm.

Sự kiêu ngạo rất là tinh vi, khó nhận biết. Rất nhiều người kiêu ngạo mà không biết là mình kiêu ngạo. Lòng vui thỏa khi được người khác đánh giá đúng thành tích, khả năng thì không sai. Nhưng làm việc với mục đích tìm kiếm sự khen ngợi là sai. Mục đích của sự làm việc phải là giúp ích mọi người và tôn vinh danh Chúa, không phải để tìm kiếm sự khen ngợi cho bản thân. Sự tự ái không đúng, như không vui khi được người khác góp ý, sửa sai cũng là một hình thức kiêu ngạo.

Ham muốn những sự tốt đẹp, ích lợi, tiện nghi, đem lại niềm vui là không sai. Nhưng ham muốn những gì thuộc về người khác hoặc không đúng Lời Chúa là sai, là trở thành tham muốn.

Tà dâm là sự thỏa mãn thú vui tình dục ngoài quan hệ vợ chồng, dù là bất cứ hình thức nào, kể cả tà dâm trong tư tưởng. Nam nữ không phải là vợ chồng cần giữ khoảng cách, không đụng chạm xác thịt để tránh bị cám dỗ phạm tà dâm.

Lời Chúa dạy:

Cũng hãy tránh khỏi những tham muốn của tuổi trẻ, mà theo đuổi những điều công chính, đức tin, yêu thương, hòa thuận với những người bởi lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.” (II Ti-mô-thê 2:22).

Các anh chị em đã làm sạch linh hồn mình trong sự vâng phục lẽ thật bởi tâm thần, trong tình yêu thương anh chị em cách chân thật. Hãy yêu lẫn nhau với tấm lòng tinh sạch, sốt sắng đã được tái sinh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, bởi Lời Hằng Sống và còn lại cho đến vĩnh cửu của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 1:22-23).

Thấy Đức Chúa Trời” là thấy theo nghĩa đen. Thấy bằng con mắt của thân thể xác thịt đã được phục sinh hoặc đã được biến hóa. Những người được thấy Đức Chúa Trời là những người được ở trong Vương Quốc Trời, được Ngài lau ráo mọi nước mắt, tên của Ngài được ghi trên trán của họ, như đã được tiên tri trong Khải Huyền.

9 Phước cho những ai tạo nên sự hòa thuận! Vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa.

Người “tạo nên sự hòa thuận” (G1518) là người yêu hòa bình và đem lại sự bình an cho những người ở chung quanh mình. Sự bình an trước tiên phải được tạo ra trong Hội Thánh, bao gồm gia đình của mình. Tiếp đến là trong xã hội, bao gồm khu vực mình sinh sống, học tập, làm việc.

Người tạo ra sự hòa thuận là người không tranh cạnh, luôn nhường nhịn người khác, sẵn sàng tha thứ những ai có lỗi với mình, giúp giải hòa các cuộc tranh chấp. Và trên hết là giúp nhiều người biết và tin nhận Tin Lành để họ được phục hòa với Đức Chúa Trời. Lời Chúa dạy:

Hãy theo đuổi sự bình an với mọi người, cùng theo đuổi sự thánh khiết. Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.” (Hê-bơ-rơ 12:14).

Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi, với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.” (Ê-phê-sô 4:1-3).

Được gọi là con cái của Thiên Chúa” cùng nghĩa với được gọi là con cái của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là Thiên Chúa. Nhưng cách nói “con cái của Thiên Chúa” nhấn mạnh đến sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong sự khiến cho loài người được làm con của Thiên Chúa. Đức Chúa Trời ban quyền làm con cho loài người. Ngôi Lời, trong thân vị Đức Chúa Jesus Christ, thực hiện sự cứu chuộc để loài người có thể nhận quyền làm con. Đấng Thần Linh ban thánh linh và dẫn dắt để loài người có thể hoàn thành bổn phận làm con.

10 Phước cho những ai bị bách hại vì sự công chính! Vì Vương Quốc Trời là của họ.

Chúng ta cần chú ý đến chi tiết sau đây. Bị bách hại vì sự công chính không nhất thiết là bị bách hại vì Đấng Christ. Nhưng sự bị bách hại vì Đấng Christ luôn luôn là sự bị bách hại vì sự công chính.

Sự công chính là tất cả những gì đúng với các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Nếu một người bị bách hại vì làm ra những sự đúng với các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, dù người ấy biết hay không biết Chúa, biết hay không biết các sự dạy dỗ của Thánh Kinh, thì người ấy bị bách hại vì sự công chính. Có rất nhiều người không biết Chúa, không biết Thánh Kinh, nhưng sống theo lương tâm Thiên Chúa đã ban cho loài người. Họ tự nhiên biết làm ra những điều đúng với các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Một thí dụ điển hình: Một người không biết Chúa, nhưng bênh vực, cứu giúp con dân Chúa bị bách hại đức tin nên cũng bị bách hại lây, là một người bị bách hại vì sự công chính.

Điển hình về sự bị bách hại vì Đấng Christ cũng là bị bách hại vì sự công chính được Phao-lô ghi lại như sau:

I Cô-rinh-tô 4:9-13

9 Vì tôi nghĩ rằng, sau hết, Đức Chúa Trời đã phô bày chúng tôi là các sứ đồ ra, như những người bị định cho sự chết. Vì chúng tôi bị làm trò cho thế gian, cho các thiên sứ, và cho nhiều người.

10 Chúng tôi ngu dại vì cớ Đấng Christ nhưng các anh chị em khôn sáng trong Đấng Christ. Chúng tôi yếu đuối nhưng các anh chị em mạnh mẽ. Các anh chị em cao quý nhưng chúng tôi thấp hèn.

11 Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đói, vẫn khát, vẫn trần truồng, vẫn bị đánh, vẫn lang thang không nhà.

12 Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; bị bách hại, chúng tôi chịu đựng;

13 bị mắng chửi, chúng tôi van nài; chúng tôi trở nên như rác rến của thế gian, cặn bã của mọi sự, cho đến ngày nay.

Chúng tôi tin rằng, những người không biết Chúa, không biết Thánh Kinh nhưng vì sống theo lương tâm Thiên Chúa đã ban cho họ mà bị bách hại, thì họ sẽ có cơ hội tin nhận Tin Lành, được hưởng Vương Quốc Trời.

Riêng những con dân Chúa bị bách hại vì sống công chính theo Lời Chúa thì sẽ được Đức Chúa Trời giữ cho họ đứng vững trong đức tin, để họ được vui hưởng Vương Quốc Trời.

11 Phước cho các ngươi khi người ta sẽ mắng nhiếc các ngươi, bách hại, và sẽ nói mọi lời nói dữ, vu khống, nghịch lại các ngươi vì Ta.

Con dân Chúa xưa nay vẫn bị mắng nhiếc, bị bách hại, bị vu khống bằng những lời nói dữ. Con dân Chúa vẫn luôn bị cả thế gian chống nghịch. Càng gần đến Kỳ Tận Thế bao nhiêu thì con dân Chúa càng bị bách hại nhiều bấy nhiêu. Sự bách hại sẽ lên đến tột đỉnh trong Kỳ Tận Thế, như đã được Đức Chúa Jesus tiên tri trong Ma-thi-ơ 24 và trong sách Khải Huyền. Vì thế, con dân Chúa chỉ cần trung tín, chịu khổ vì danh Chúa thì sẽ được phước. Trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì con dân Chúa sẽ có sự vui mừng lớn:

Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn. Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.” (I Phi-e-rơ 4:13-14).

Vì đức tin và lòng hy vọng nơi Lời Chúa mà con dân Chúa có thể vui mừng ngay trong khi đang bị bách hại vì danh Chúa, vì sống theo Lời Chúa. Chắc chắn, Đấng Christ sẽ ban thưởng cách xứng đáng cho sự chịu khổ của mỗi người.

12 Hãy vui vẻ và mừng rỡ! Vì phần thưởng của các ngươi là lớn trong các tầng trời. Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.

Đây là lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus dành cho tất cả con dân Chúa; vì không ai là con dân Chúa mà không bị bách hại. Thái độ cần có và đúng của chúng ta là hãy vui vẻ và mừng rỡ; vì chính các sự bách hại đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, chúng ta được kể là xứng đáng để dự phần thương khó với Đấng Christ. Chính các sự bách hại đó khiến cho chúng ta được Đấng Christ ban cho các phần thưởng lớn ở trong các tầng trời.

Có sự tranh luận trong các nhà giải kinh về việc có tám hay là chín phước lành được nói đến trong Ma-thi-ơ 5:1-12.

Thực tế thì chỉ có bảy phước lành được nêu ra. Đó là:

  • Phước lành được hưởng Vương Quốc Trời.

  • Phước lành được an ủi.

  • Phước lành được thừa hưởng đất.

  • Phước lành được no đủ sự công chính.

  • Phước lành được thương xót.

  • Phước lành được gọi là con cái của Thiên Chúa.

  • Phước lành được thấy Đức Chúa Trời.

Nhưng có chín loại người được hưởng các phước lành ấy. Nguyện rằng, mỗi một chúng ta đều có cơ hội được hưởng đủ cả bảy phước lành.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/05/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Vì Ngài Hằng Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/vi-ngai-hang-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.