Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL043 Đức Chúa Jesus Gọi Ma-thi-ơ, Sự Kiêng Ăn

343 views

YouTube: https://youtu.be/TPvR7ERmks0

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL043 Đức Chúa Jesus Gọi Ma-thi-ơ, Sự Kiêng Ăn
Ma-thi-ơ 9:9-17; Mác 2:13-22; Lu-ca 5:27-39

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 9:9-17

9 Khi Đức Chúa Jesus đã đi khỏi nơi đó, Ngài đã thấy một người tên là Ma-thi-ơ, đang ngồi tại trạm thu thuế. Ngài đã phán với người: Hãy theo Ta! Người đã đứng dậy, theo Ngài.

10 Đã xảy ra, Đức Chúa Jesus đang ngồi ăn trong nhà, kìa, có nhiều kẻ thu thuế và những kẻ có tội đã đến, ngồi ăn với Ngài và các môn đồ của Ngài.

11 Khi những người Pha-ri-si đã thấy vậy, họ đã nói với các môn đồ của Ngài: Sao thầy của các ngươi ăn với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?

12 Khi Đức Chúa Jesus đã nghe thì Ngài đã phán với họ: Những người khỏe mạnh thì chẳng cần thầy thuốc, nhưng những người có bệnh.

13 Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội vào sự ăn năn.

14 Khi ấy, các môn đồ của Giăng đã đến với Ngài, thưa rằng: Sao chúng tôi và những người Pha-ri-si thường kiêng ăn, còn các môn đồ của Ngài không kiêng ăn?

15 Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Có thể nào những bạn của chàng rể than khóc trong khi chàng rể ở với họ? Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn.

16 Không ai vá miếng vải mới vào cái áo cũ. Vì nó sẽ chằng rách áo và đường rách trở nên xấu hơn.

17 Cũng không ai đổ rượu mới vào những bầu da cũ, kẻo những bầu da vỡ và rượu chảy ra, những bầu da sẽ bị hỏng. Nhưng họ đổ rượu mới vào những bầu da mới thì cả hai được giữ lại.

Mác 2:13-22

13 Ngài lại đi ra, dọc theo biển. Hết thảy đám đông đã đến với Ngài, và Ngài đã dạy họ.

14 Ngài đã đi qua, thấy Lê-vi, con của A-phê, đang ngồi tại trạm thu thuế thì phán với người: Hãy theo Ta! Người đã đứng dậy, theo Ngài.

15 Đã xảy ra, trong khi Ngài ngồi ăn trong nhà của người, nhiều kẻ thu thuế và những kẻ có tội cũng chung bàn với Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài. Vì có nhiều người và họ đã theo Ngài.

16 Khi những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si đã thấy Ngài ăn với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội, họ đã nói với các môn đồ của Ngài: Sao mà Ngài ăn và uống với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?

17 Khi Đức Chúa Jesus đã nghe, Ngài phán với họ: Những người khỏe mạnh thì chẳng cần thầy thuốc nhưng những người có bệnh. Ta đã đến, chẳng phải để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội vào sự ăn năn.

18 Những môn đồ của Giăng và của những người Pha-ri-si thì kiêng ăn. Họ đến và thưa với Ngài: Sao những môn đồ của Giăng và của những người Pha-ri-si kiêng ăn mà những môn đồ của Ngài không kiêng ăn?

19 Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Có thể nào những bạn của chàng rể lại kiêng ăn, trong khi chàng rể ở với họ? Hễ họ có chàng rể với họ thì họ không thể kiêng ăn.

20 Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn trong những ngày ấy.

21 Không ai vá miếng vải mới vào cái áo cũ; kẻo miếng vải mới sẽ chằng rách áo cũ, mà đường rách càng xấu thêm.

22 Cũng không ai đổ rượu mới vào những bầu da cũ; kẻo rượu mới làm vỡ những bầu da, rượu bị đổ ra và những bầu da sẽ bị hỏng. Nhưng rượu mới phải được đổ vào những bầu da mới.

Lu-ca 5:27-39

27 Sau các sự ấy, Ngài đã đi ra và thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi tại trạm thu thuế. Ngài đã phán với người: Hãy theo Ta!

28 Người đã bỏ hết mọi sự, đứng dậy, theo Ngài.

29 Lê-vi dọn cho Ngài một tiệc lớn, trong nhà mình. Đã có một đám đông những kẻ thu thuế và những kẻ khác đã cùng ngồi với họ.

30 Những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo của họ lằm bằm với các môn đồ của Ngài rằng: Sao các ngươi ăn và uống với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?

31 Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với họ: Những người khỏe mạnh thì chẳng cần thầy thuốc nhưng những người có bệnh.

32 Ta đã đến, chẳng phải để gọi những người công chính nhưng gọi những kẻ có tội vào sự ăn năn.

33 Họ đã thưa với Ngài: Những môn đồ của Giăng thường kiêng ăn và làm sự khẩn xin, những môn đồ của người Pha-ri-si cũng vậy. Nhưng các môn đồ của Ngài chỉ ăn và uống.

34 Ngài đã phán với họ: Có thể nào các ngươi khiến những bạn của chàng rể kiêng ăn, trong khi chàng rể ở với họ?

35 Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn trong những ngày ấy.

36 Ngài cũng đã nói một ngụ ngôn cho họ: Không ai vá một miếng của áo mới vào áo cũ, kẻo áo mới bị rách, và miếng vải được lấy ra từ áo mới không xứng với áo cũ.

37 Cũng không ai đổ rượu mới vào những bầu da cũ; kẻo rượu mới sẽ làm vỡ những bầu da, nó sẽ bị đổ ra và những bầu da sẽ bị hỏng.

38 Nhưng rượu mới phải được đổ vào những bầu da mới, và cả hai cùng được giữ lại.

39 Lại cũng không ai uống rượu cũ mà đòi ngay rượu mới. Vì người nói: Rượu cũ thì ngon hơn.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus gọi Lê-vi, tức Ma-thi-ơ, theo Ngài, lời phán của Ngài về sự kiêng ăn, và ngụ ngôn của Ngài về sự áp dụng nếp sống mới của những ai tin nhận Tin Lành.

Trước hết chúng ta học về sự Đức Chúa Jesus gọi Ma-thi-ơ. Tổng kết lời tường thuật từ các phân đoạn Thánh Kinh trên đây, chúng ta có các chi tiết về sự Đức Chúa Jesus gọi Ma-thi-ơ, như sau:

  • Sau khi Đức Chúa Jesus chữa lành người bị bệnh phong hủi, bên ngoài thành Ca-bê-na-um, và chữa lành người bệnh bại liệt, trong thành Ca-bê-na-um, thì Ngài đã ra khỏi thành, đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê. Đám dân đông vẫn đi theo Ngài và Ngài đã giảng dạy họ. Có lẽ Đức Chúa Jesus đã giảng dạy cho họ trên bờ biển.

  • Kế đó, Ngài đi ngang qua trạm thu thuế, nhìn thấy một người thu thuế tên là Lê-vi, tức là Ma-thi-ơ, đang ngồi trong trạm thu thuế. Ngài gọi ông: “Hãy theo Ta!” Ông đã lập tức đứng dậy, bỏ lại mọi sự mà đi theo Ngài.

  • Sau đó, Ma-thi-ơ đã mở tiệc tại nhà để khoản đãi Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài. Cùng dự tiệc là nhiều người thu thuế khác và nhiều người có tội.

  • Những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo thấy Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài ngồi ăn với những người thu thuế và những người có tội, thì nói với các môn đồ của Chúa: “Sao các ngươi ăn và uống với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?” (Lu-ca 5:30). Và họ cũng nói thêm: “Sao thầy của các ngươi ăn với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?” (Ma-thi-ơ 9:11). Khi Đức Chúa Jesus nghe họ hỏi như vậy thì Ngài đã trả lời: “Những người khỏe mạnh thì chẳng cần thầy thuốc, nhưng những người có bệnh. Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội vào sự ăn năn.” (Ma-thi-ơ 9:12-13).

Rất có thể ngay sau khi chữa lành người bị bại liệt thì Đức Chúa Jesus đã ra khỏi nhà, đi ra phía biển. Biển Ga-li-lê cách thành Ca-bê-na-um vào khoảng 3 km. Dọc bờ biển có các trạm thu mua cá, các hàng quán phục vụ dân đánh cá, và có trạm thu thuế của nhà cầm quyền La-mã. Đoàn dân đông vẫn đi theo Đức Chúa Jesus. Ngài đã dừng lại bên bờ biển để tiếp tục giảng dạy họ. Lúc này đây, những người có bệnh trong đám dân đông đều đã được chữa lành. Dân chúng đi theo Ngài chỉ để được nghe giảng. Rất có thể những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo cũng đi theo Ngài trong đám dân đông. Mục đích của họ khi tìm đến Ngài là để được nghe Ngài giảng nhưng không ngờ, họ lại còn được chứng kiến Ngài chữa lành bệnh tật bằng phép lạ. Vì thế, họ vẫn đi theo Ngài.

Sau khi dừng lại giảng dạy dân chúng, Đức Chúa Jesus lại tiếp tục đi dọc theo bờ biển. Khi đi ngang trạm thu thuế, Ngài nhìn thấy Ma-thi-ơ đang ngồi trong trạm thu thuế thì Ngài gọi ông. Ma-thi-ơ tự gọi mình là Ma-thi-ơ. Nhưng Mác và Lu-ca đều gọi ông là Lê-vi. Tên Lê-vi là tên trong tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “kết hiệp”. Tên Ma-thi-ơ là tên trong tiếng Hy-lạp và có nghĩa là “sự ban cho của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Có thể Ma-thi-ơ vốn có hai tên như trường hợp của Sứ Đồ Phao-lô. Nhưng cũng có thể sau khi theo Chúa, Ngài đã đặt tên mới cho ông là Ma-thi-ơ.

Đức Chúa Jesus đã không nói gì nhiều. Ngài chỉ nhìn và gọi Ma-thi-ơ: “Hãy theo Ta!” Ngài cũng không nói theo Ngài để làm gì. Nhưng Ma-thi-ơ đã đứng dậy, theo Ngài. Cho tới thời điểm Đức Chúa Jesus gọi Ma-thi-ơ thì đã có ít nhất sáu người sẽ là sứ đồ của Ngài đi bên cạnh Ngài. Đó là hai anh em dân đánh cá Phi-e-rơ và Anh-rê; hai anh em dân đánh cá Gia-cơ và Giăng; hai người bạn là Phi-líp và Na-tha-na-ên.

Chúng ta có thể hiểu rằng, nội dung của sách Ma-thi-ơ từ 1:1 đến 9:8 là Ma-thi-ơ đã hoàn toàn ghi chép lại theo lời tường thuật của các chứng nhân. Các chứng nhân ấy là các sứ đồ đã được Chúa gọi trước ông, và Ma-ri, mẹ của Chúa. Còn từ 9:9 trở đi thì phần lớn Ma-thi-ơ đã ghi lại theo kinh nghiệm trực tiếp của mình.

Ma-thi-ơ và Mác chỉ ghi lại vắn tắt phản ứng của Ma-thi-ơ đối với lời kêu gọi của Chúa: “Người đã đứng dậy, theo Ngài”. Nhưng Lu-ca thì ghi thêm một chi tiết: “Người đã bỏ hết mọi sự, đứng dậy, theo Ngài”. Chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Thánh Linh đã dùng Lu-ca ghi ra chi tiết ấy để con dân Chúa để ý đến cái giá mà Ma-thi-ơ đã trả, khi ông quyết định theo Chúa. “Bỏ hết mọi sự” trong trường hợp này của Ma-thi-ơ là bỏ nghề thu thuế, một việc làm kiếm sống vững chắc và khá giả vào thời ấy.

Đế quốc La-mã đã chinh phục nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, trong đó có dân I-sơ-ra-ên. Để duy trì hệ thống chính quyền và quân đội đế quốc La-mã đã cho thu thuế trên toàn lãnh thổ. Cách thu thuế của La-mã rất là đặc biệt. Họ cho phép các công dân La-mã giàu có đấu thầu để mua quyền thu thuế trong mỗi tỉnh suốt năm năm. Các nhà thầu sau khi trúng thầu sẽ thuê mướn người địa phương giỏi việc sổ sách phụ trách thu thuế. Trong các khu vực có dân Do-thái sinh sống thì nhà thầu sẽ thuê những người Do-thái. Những người thu thuế sẽ đánh thuế xuất khẩu, nhập khẩu; thu phí cầu đường, phí đường bộ, phí thị trấn… Điều chắc chắn là họ sẽ thu trội hơn số thuế phải đóng để làm giàu cho bản thân.

Những người thu thuế quấy rối mọi người ở bất cứ nơi nào họ có thể và họ đánh thuế ngay tại chỗ. Họ cũng thổi phồng lên giá trị tài sản hoặc sự thu nhập để có được tỉ lệ phần trăm thuế cao hơn. Họ sẽ cho những người không có khả năng nộp thuế vay tiền để đóng thuế với lãi suất cao. Những người thu thuế được chính quyền La-mã hậu thuẫn, được binh lính La-mã tháp tùng. Nếu người bị thu thuế khiếu nại lên thẩm phán về việc thu thuế bất công, thì điều này cũng vô ích, bởi vì các thẩm phán nhận hối lộ từ những người thu thuế.

Người Do-thái rất ghét những người Do-thái làm nghề thu thuế. Họ xếp những người thu thuế ngang hàng với những kẻ giết người và những kẻ cướp. Những người thu thuế bị cộng đồng Do-thái dứt thông công. Ngay cả gia đình của người thu thuế cũng có thể từ bỏ họ. Trong các tòa án của người Do-thái, những người thu thuế không có tư cách làm chứng nhân. Họ không được phép vào các nhà hội. Họ không được phép đổi tiền tại kho bạc của Đền Thờ. Thậm chí, người Do-thái xem việc nói dối bằng mọi cách để tránh phải trả tiền cho người thu thuế là hợp pháp [1].

Chúng ta không biết, trước khi Chúa gọi Ma-thi-ơ thì ông đã có bao giờ gặp Chúa, đã có bao giờ nghe Chúa giảng. Rất có thể là có, vì tiếng đồn về Chúa lan tràn khắp nơi, đến nỗi người trong khắp xứ Ga-li-lê và từ các nơi xa như xứ Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem cũng kéo về Ca-bê-na-um để gặp Chúa. Rất có thể trước đó, Ma-thi-ơ đã có cơ hội nghe Chúa giảng nhưng ông không dám tiếp xúc Chúa. Vì ông ý thức thân phận hèn hạ của mình trong cộng đồng Do-thái. Giờ đây, được chính Chúa kêu gọi hãy theo Ngài, Ma-thi-ơ đã lập tức từ bỏ mọi sự để theo Chúa. Quý ông bà anh chị em hãy dành thời gian suy ngẫm về tâm trạng của Ma-thi-ơ, khi được Chúa gọi. Hãy nhớ lại, chính quý ông bà anh chị em đã được Chúa gọi như thế nào, trong trường hợp nào. Giờ đây, quý ông bà anh chị em có vẫn còn bỏ hết mọi sự mà theo Chúa? Giờ đây, có điều gì đang níu kéo quý ông bà anh chị em, khiến quý ông bà anh chị em trì trệ trên hành trình theo Chúa? Sẽ thật là đáng buồn nếu quý ông bà anh chị em bị níu kéo vì một sự ham muốn tội lỗi nào đó. Và sẽ là đáng buồn hơn nếu là vì những sự Chúa ban cho quý ông bà anh chị em. Những sự Chúa ban cho quý ông bà anh chị em là để dùng vào việc phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh, không phải để quý ông bà anh chị em giữ làm của riêng. Mọi sự Chúa giao vào trong tay của con dân Chúa là để họ quản lý:

Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).

Ân tứ là sự Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài để họ dùng đó mà phục vụ lẫn nhau. Mỗi con dân Chúa là một quản gia trong nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Mỗi người có bổn phận quản lý mọi ơn Thiên Chúa ban cho mình và sẽ chịu trách nhiệm trước Chúa.

Ma-thi-ơ đã mời Chúa và các môn đồ của Ngài về nhà để đãi tiệc. Nhưng Ma-thi-ơ không ghi lại là ông đãi ăn Chúa tại nhà của ông. Chúng ta biết là Ma-thi-ơ đãi tiệc tại nhà của ông là nhờ Mác và Lu-ca ghi rõ như vậy. Lu-ca còn ghi là một tiệc lớn. Có lẽ đây là bữa ăn chiều. Trong bữa tiệc có những người thu thuế khác, bạn cùng nghề với Ma-thi-ơ và những người có tội cùng ngồi ăn. Danh từ “người có tội” được dùng để gọi những người thường công khai làm ra các hành động tội lỗi. Rất có thể những người có tội được nói đến trong câu chuyện này là những côn đồ giúp cho những người thu thuế trấn áp dân chúng, trong việc thu thuế. Chính Ma-thi-ơ cũng gọi họ là những kẻ có tội. Câu “Vì có nhiều người và họ đã theo Ngài” trong Mác 2:15 có lẽ nói đến những người có mặt trong trạm thu thuế lúc ấy đã theo Chúa về nhà Ma-thi-ơ và cùng dự tiệc.

Những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo nhìn thấy Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài ngồi ăn giữa những người thu thuế và những người có tội, thì rất là khó chịu. Có lẽ trước hết, họ lằm bằm với nhau. Sau đó, họ lằm bằm với các môn đồ của Chúa. Có lẽ họ đã nói cả hai câu: “Sao các ngươi ăn và uống với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?” (Lu-ca 5:30). Và: “Sao thầy của các ngươi ăn với những kẻ thu thuế và những kẻ có tội?” (Ma-thi-ơ 9:11). Ma-thi-ơ chỉ viết là những người Pha-ri-si. Mác viết là những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si. Còn Lu-ca thì viết rõ: Những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo của họ, có nghĩa là những thầy thông giáo trong giới những người Pha-ri-si. Chúng ta có thể hiểu rằng, đây cũng chính là những người đã chứng kiến việc Đức Chúa Jesus chữa lành người bị bại liệt; và cũng đã thắc mắc về việc Ngài tuyên bố tội lỗi của người ấy đã được tha.

Chúng ta không biết các môn đồ của Chúa nghĩ gì, khi họ cùng ngồi ăn với Chúa giữa những người thuộc hai thành phần bị dân Do-thái ghét bỏ, khinh dể. Nhưng có lẽ những người trong đám dân đông, nếu vẫn còn đi theo Đức Chúa Jesus đến nhà của Ma-thi-ơ, thì cũng có cùng sự khó chịu trong lòng như những người Pha-ri-si. Riêng Ma-thi-ơ thì nhận biết rõ, Chúa đã không khinh chê ông, đã gọi ông theo Ngài thì Chúa cũng sẽ không khinh chê các bạn của ông, các đồng nghiệp của ông. Có lẽ Ma-thi-ơ đã mời gọi thêm những người không có mặt tại trạm thuế đến để họ được nghe Chúa giảng. Ông muốn họ được biết Chúa như ông được biết.

Câu Đức Chúa Jesus đã trả lời những người Pha-ri-si được Ma-thi-ơ, người trong cuộc, ghi lại đầy đủ nhất: “Những người khỏe mạnh thì chẳng cần thầy thuốc, nhưng những người có bệnh. Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội vào sự ăn năn.” (Ma-thi-ơ 9:12-13). Lời phán của Chúa mở ra một sự suy nghĩ mới cho tất cả những ai nghe. Dân Do-thái xem những người thu thuế và những kẻ côn đồ là tội nhân, là hèn hạ, là đáng khinh, và khước từ họ. Do-thái Giáo khước từ họ càng hơn. Nhưng Đức Chúa Jesus xem họ là những người bệnh cần được chữa lành. Ngài tiếp nhận họ, ban cho họ sự cảm thông, sự thương xót, sự tha thứ, và lẽ thật dẫn họ đến sự sống đời đời. Ngài trích dẫn lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán trong Ô-sê 6:6: “Vì Ta ưa sự thương xót hơn là của lễ”. Ngài bảo những người Pha-ri-si hãy đi và học cho biết ý nghĩa của lời phán ấy. Trong số họ có những người chuyên dạy luật nhưng vẫn chưa hiểu biết lời phán ấy. Ngài khẳng định, công việc của Ngài không phải đến thế gian để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội đến với sự ăn năn. Vì thế, chẳng có gì lạ, khi Ngài ngồi ăn giữa những kẻ có tội.

Thực tế, trong thế gian không có một người công chính nào (Thi Thiên 14:3; Rô-ma 3:10, 23). Mỗi người trong thế gian đều là một tội nhân. Mỗi người trong thế gian cần được Đức Chúa Jesus cứu ra khỏi hình phạt của tội lỗi và sự nô lệ cho tội lỗi. Mỗi người cần đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Jesus, ăn năn tội và đến với Ngài, nhận ơn cứu rỗi từ Ngài.

Ma-thi-ơ ghi rằng, trong lúc Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài vẫn còn đang ăn tiệc trong nhà của Ma-thi-ơ, thì các môn đồ của Giăng Báp-tít đã đến, hỏi Ngài: “…Sao chúng tôi và những người Pha-ri-si thường kiêng ăn, còn các môn đồ của Ngài không kiêng ăn?” (Ma-thi-ơ 9:14).

Mác ghi: “Những môn đồ của Giăng và của những người Pha-ri-si thì kiêng ăn. Họ đến và thưa với Ngài: Sao những môn đồ của Giăng và của những người Pha-ri-si kiêng ăn mà những môn đồ của Ngài không kiêng ăn?” (Mác 2:18).

Lu-ca thì ghi: “Họ đã thưa với Ngài: Những môn đồ của Giăng thường kiêng ăn và làm sự khẩn xin, những môn đồ của người Pha-ri-si cũng vậy. Nhưng các môn đồ của Ngài chỉ ăn và uống.” (Lu-ca 5:33).

Chúng ta có thể hiểu, chữ “họ” được Mác dùng để chỉ các môn đồ của Giăng lẫn những người Pha-ri-si. Chữ “họ” được Lu-ca dùng để chỉ những người Pha-ri-si vừa mới lằm bằm về sự Chúa và các môn đồ của Ngài ăn uống với những người thu thuế và những người có tội.

Chúng ta có thể hình tưởng ra sự việc diễn tiến như sau:

Sau khi Đức Chúa Jesus trả lời sự lằm bằm của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo về sự Ngài và các môn đồ của Ngài ngồi ăn với những người thu thuế và những người có tội, thì mấy môn đồ của Giăng Báp-tít có mặt trong đám đông đã đặt câu hỏi cho Ngài. Có lẽ họ đã đứng ở vòng ngoài, phía sau những người Pha-ri-si và đã hỏi vọng vào nhà: “Sao chúng tôi và những người Pha-ri-si thường kiêng ăn, còn các môn đồ của Ngài không kiêng ăn?”

Đức Chúa Jesus chưa kịp trả lời họ thì những người Pha-ri-si đã lặp lại câu hỏi ấy. Người thì nói: “Sao những môn đồ của Giăng và của những người Pha-ri-si kiêng ăn mà những môn đồ của Ngài không kiêng ăn?” Người thì thêm vào “sự khẩn xin”: “Những môn đồ của Giăng thường kiêng ăn và làm sự khẩn xin, những môn đồ của người Pha-ri-si cũng vậy. Nhưng các môn đồ của Ngài chỉ ăn và uống.” Lúc nãy họ đã không thể phản bác lời nói của Đức Chúa Jesus nên giờ đây, nhân cơ hội do các môn đồ của Giăng Báp-tít mang tới, họ đã chụp lấy để bắt bẻ Chúa.

Như vậy, sự tường thuật của Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca đều trung thực.

Ma-thi-ơ đã ghi lại câu trả lời của Chúa, như sau: “…Có thể nào những bạn của chàng rể than khóc trong khi chàng rể ở với họ? Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn.” (Ma-thi-ơ 9:15).

Mác đã ghi như sau: “…Có thể nào những bạn của chàng rể lại kiêng ăn, trong khi chàng rể ở với họ? Hễ họ có chàng rể với họ thì họ không thể kiêng ăn. Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn trong những ngày ấy.” (Mác 2:19-20).

Còn Lu-ca thì đã ghi như sau: “…Có thể nào các ngươi khiến những bạn của chàng rể kiêng ăn, trong khi chàng rể ở với họ? Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn trong những ngày ấy.” (Lu-ca 5:34-35).

Câu trả lời của Chúa có thể là như sau: “Có thể nào những bạn của chàng rể than khóc hoặc có thể nào các ngươi khiến những bạn của chàng rể kiêng ăn, trong khi chàng rể ở với họ? Hễ họ có chàng rể với họ thì họ không thể kiêng ăn. Nhưng những ngày sẽ tới, khi chàng rể sẽ được đem đi khỏi họ. Lúc đó, họ sẽ kiêng ăn trong những ngày ấy.”

Ma-thi-ơ đã chọn ghi lại cách vắn tắt. Mác và Lu-ca đã ghi lại theo lời tường thuật có lẽ của các sứ đồ có mặt tại đó. Các sứ đồ đã tường thuật theo trí nhớ của họ, dù không gồm đủ các chi tiết nhưng không làm sai lạc ý nghĩa câu trả lời của Chúa.

Danh từ “bạn của chàng rể” (G3567) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để gọi những người bạn thân của chàng rể, đến giúp trưng bày phòng kết hôn và phòng ngủ của đôi vợ chồng mới.

Đức Chúa Jesus tự ví Ngài là chàng rể, như Giăng Báp-tít đã gọi Ngài như vậy, trong Giăng 3:29. Hội Thánh được gọi là vợ của Chiên Con, tức Đấng Christ (Khải Huyền 19:7). Phao-lô cũng nói ông đã đính hôn Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cho Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 11:2). Các sứ đồ của Chúa được ví như những người bạn của Chúa, giúp Chúa sửa soạn cho sự kết hiệp giữa Chúa và Hội Thánh. Ngày nào Chúa còn ở bên họ thì họ ăn uống, vui vẻ với Ngài. Khi Ngài được đem đi khỏi họ thì họ có thể buồn khóc và kiêng ăn vì nhớ Ngài.

Tiếp theo đó, Đức Chúa Jesus đã dùng ngụ ngôn vá áo và ngụ ngôn rượu mới để nói về sự ân điển của Đức Chúa Trời trong Giao Ước Mới không thích hợp, không giúp ích cho những người khư khư sống theo khuôn khổ của Giao Ước Cũ.

Giao Ước Mới giúp cho loài người thoát khỏi những ràng buộc của Giao Ước Cũ một cách hợp pháp. Trong Giao Ước Cũ kẻ phạm giao ước bị hình phạt, bị chết. Trong Giao Ước Mới kẻ phạm Giao Ước Cũ được cứu chuộc, được thoát chết, được thoát khỏi những nghi thức hình bóng rườm rà nhằm giới thiệu về sự sẽ đến trong Giao Ước Mới, được tự do sống một nếp sống mới giữ trọn các điều răn của Thiên Chúa mà không bị ràng buộc, không bị lên án bởi luật pháp của Giao Ước Cũ. Điều đó không có nghĩa là trong Giao Ước Mới loài người có thể tự do vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Nhưng có nghĩa là, nếu loài người lỡ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời thì Đấng Christ vẫn gánh thay án phạt cho họ, nếu họ thật lòng ăn năn và vẫn tin vào sự chết chuộc tội của Ngài.

Những người đã quen làm theo luật pháp để được Đức Chúa Trời xưng là công chính sẽ khó chấp nhận ơn tha thứ ban cho nhưng không, trong Giao Ước Mới. Họ thà ở lại trong truyền thống, miệt mài làm lành để được cứu, hãnh diện về những sự làm lành của họ. Họ không thể chấp nhận Tin Lành. Tin Lành giảng cho họ chỉ khiến cho họ trở nên hung hãn, bách hại Tin Lành, và Tin Lành trở thành vô ích đối với họ. Sự giảng Tin Lành cho họ trở thành lãng phí thời gian và công sức. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus truyền cho các sứ đồ, nếu có nhà nào, thành nào từ chối nghe Tin Lành thì hãy phủi bụi nơi chân mà rời khỏi đó. Hành động phủi bụi nơi chân nói lên thái độ dứt khoát, hết bổn phận, không còn trách nhiệm.

Đức Chúa Jesus đã đưa ra hai ngụ ngôn: Không ai xé hay cắt ra một mảnh vải từ chiếc áo mới để vá vào chiếc áo cũ. Vì áo mới sẽ bị hư, và vải mới sẽ chằng rách áo cũ càng hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bình da cũ. Vì sức lên men của rượu mới có thể phá vỡ bình da cũ khi bình da cũ đã mất độ bền. Như vậy, vừa hư bình da, vừa mất cả rượu. Rượu mới thì có độ say cao và nồng hơn rượu cũ nên người đang uống rượu cũ thì chỉ thích hương vị của rượu cũ. Vấn đề không phải là rượu nào ngon hơn rượu nào mà là tác dụng khác nhau của rượu cũ và rượu mới trên vật chứa và trên người uống.

Bình da hay bầu da là bình làm bằng da thú để chứa nước hoặc chứa rượu với nhiều kích thước khác nhau, tùy theo da của con thú nào. Bình da thích hợp để vận chuyển nước hoặc rượu bằng lạc đà. Bình lớn có thể chứa đến 180 lít. Bình da cũ dần dần mất tính đàn hồi, mất độ bền, dễ vỡ nên chỉ được dùng để chứa nước hoặc rượu cũ. Rượu mới luôn được chứa trong bình da mới. Vì sức lên men của rượu mới có thể phá vỡ bình da cũ.

Ma-thi-ơ và Mác đều viết là: “Không ai vá miếng vải mới vào cái áo cũ”. Còn Lu-ca thì viết là: “Không ai vá một miếng của áo mới vào áo cũ”. Chúng ta hiểu rằng, lời phán đầy đủ của Đức Chúa Jesus có thể là: Không ai vá miếng vải mới vào cái áo cũ, kẻo miếng vải mới sẽ chằng rách áo cũ, mà đường rách càng xấu thêm. Cũng không ai vá một miếng của áo mới vào áo cũ, kẻo áo mới bị rách, và miếng vải được lấy ra từ áo mới không xứng với áo cũ.

Trong ngụ ngôn về rượu mới, Lu-ca thêm một chi tiết mà Ma-thi-ơ và Mác đều không ghi lại. Đó là người đang uống rượu cũ không đòi uống rượu mới. Vì người ấy thích hương vị của rượu cũ hơn. Chúng ta hiểu rằng, lời phán đầy đủ của Đức Chúa Jesus có thể là: “Cũng không ai đổ rượu mới vào những bầu da cũ, kẻo những bầu da vỡ và rượu chảy ra, những bầu da sẽ bị hỏng. Nhưng họ đổ rượu mới vào những bầu da mới thì cả hai được giữ lại. Lại cũng không ai uống rượu cũ mà đòi ngay rượu mới. Vì người nói: Rượu cũ thì ngon hơn.”

Ma-thi-ơ và Mác đã chọn ghi lại ý chính của ngụ ngôn. Lu-ca chọn ghi lại cách chi tiết những gì ông đã được nghe chứng nhân thuật lại. Chúng ta cũng có thể thấy, Ma-thi-ơ là sứ đồ trực tiếp đi bên cạnh Chúa và ghi lại những sự tai nghe mắt thấy. Mác và Lu-ca chỉ ghi lại theo lời tường thuật của các chứng nhân. Vì họ không đi bên cạnh Chúa. Nhiều lúc, Lu-ca ghi lại sự việc chi tiết hơn Ma-thi-ơ và Mác. Vì thế, không thể nào Ma-thi-ơ và Lu-ca dựa vào sách Mác để viết sách của mình, như một số người suy tưởng. Dù có thể sách Mác đã được viết trước sách Ma-thi-ơ nhưng sẽ thật là vô lý, khi cho rằng, Ma-thi-ơ, một sứ đồ thường xuyên có mặt bên cạnh Chúa mà lại viết sách Tin Lành Ma-thi-ơ dựa vào sách Tin Lành Mác, do một người không ở bên cạnh Chúa viết theo lời kể của các chứng nhân. Cũng thật là vô lý khi cho rằng Lu-ca dựa vào sách Tin Lành Mác để viết sách Tin Lành Lu-ca. Vì sách Tin Lành Lu-ca có nhiều chi tiết hơn sách Tin Lành Mác. Chúng tôi tin rằng, mỗi người được Chúa dùng trong việc ghi chép Thánh Kinh đã được sự soi dẫn của Đức Thánh Linh mà viết một cách độc lập.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/09/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.evidenceunseen.com/theology/historical-theology/tax-collectors/

Karaoke Thánh Ca: “Trong Tôi Không Quên”
https://karaokethanhca.net/trong-toi-khong-quen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.