Chú Giải Sáng Thế Ký 01:20-25 Thiên Chúa Dựng Nên Các Loài Sinh Vật

4,235 views

900105 Chú Giải Sáng Thế Ký 1:20-25
Thiên Chúa Dựng Nên Các Loài Sinh Vật

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Sáng Thế Ký 1:20-25

20 Thiên Chúa lại phán rằng: Nước hãy có nhiều bầy vật có linh hồn sống và di động; và hãy có loài chim bay phía trên mặt đất, trong khoảng không trên trời!

21 Thiên Chúa sáng tạo những khủng long biển; mọi linh hồn sống và động mà nước sinh ra thật nhiều tùy theo loại; mọi loài chim tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

22 Thiên Chúa ban phước cho chúng mà phán rằng: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy nước trong biển; còn những loài chim hãy thêm nhiều trên đất!

23 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Năm.

24 Thiên Chúa lại phán: Đất phải sinh ra linh hồn sống tùy theo loại: súc vật, côn trùng, và vật sống của đất tùy theo loại! Thì có như vậy.

25 Thiên Chúa làm nên vật sống của đất tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và côn trùng trên đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

Bước qua ngày Thứ Năm của tuần lễ sáng tạo, Thiên Chúa phán ra lời phán thứ sáu để ra lệnh cho nước phải sinh ra nhiều bầy vật có linh hồn sống trong nước; và Ngài phán ra lời phán thứ bảy để ra lệnh cho đất phải sinh ra linh hồn sống tùy theo loại. Bảy lời phán truyền của Thiên Chúa đã hoàn thành công cuộc chuẩn bị chỗ ở cho loài người mà Ngài sẽ dựng nên, để làm con cái của Ngài.

20 Thiên Chúa lại phán rằng: Nước hãy có nhiều bầy vật có linh hồn sống và di động; và hãy có loài chim bay phía trên mặt đất, trong khoảng không trên trời!

Từ ngữ được dịch là “bầy vật” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, là một danh từ số nhiều, có nghĩa là: bầy côn trùng trên đất hoặc bầy sinh vật nhỏ bé trong nước. Khi áp dụng cho nhiều bầy sinh vật nhỏ bé trong nước thì từ ngữ này bao gồm tất cả những sinh vật sống thành bầy trong nước; bao gồm các phiêu sinh vật trôi bồng bềnh trên mặt biển, các loài ngao sò ốc hến tôm cua rùa cá, thậm chí các loài vi khuẩn trong nước. Cùng lúc nhiều bầy vật có linh hồn sống xuất hiện trong nước, thì trên khoảng không cũng xuất hiện các loài chim bay liệng. Chi tiết về sự Thiên Chúa dựng nên các loài chim được ghi lại trong Sáng Thế Ký 2:19 mà chúng ta sẽ tìm hiểu khi học đến Sáng Thế Ký 2.

Từ ngữ “linh hồn sống” được dùng trong Sáng Thế Ký 1:20-21 để chỉ sinh vật trong nước, được dùng trong Sáng Thế Ký 1:24, 30; 2:19 để chỉ sinh vật trên đất cũng chính là từ ngữ “linh hồn sống” được dùng để chỉ loài người trong Sáng Thế Ký 2:7. Vì thế, chúng ta biết mỗi một động vật trong nước hay trên đất đều là một linh hồn sống như mỗi một người chúng ta. Riêng loài người còn có thân thể thiêng liêng là tâm thần, nên loài người giống như Thiên Chúa và có thể tương giao với Thiên Chúa cùng các thần linh do Thiên Chúa dựng nên.

Một số nhà Thần học không công nhận trong thân xác loài thú có linh hồn như loài người. Nhưng Thánh Kinh đã rõ ràng nhiều lần dùng từ ngữ “linh hồn sống” [1], [2], để gọi loài thú lẫn loài người. Câu nói: “Các loài sinh linh bao gồm thú và người”, là một câu nói đúng với Thánh Kinh. Vì “sinh” = “sống”, “linh” = “linh hồn”.

Một số nhà Thần học cho rằng có hai loại linh hồn, gọi là giác hồn và thức hồn. Theo họ, giác hồn là linh hồn của những loài vật biết cảm giác còn thức hồn là linh hồn biết suy nghĩ, nhận thức, chỉ dành riêng cho loài người. Nói như vậy thì sẽ dẫn đến kết luận: Trong loài người vừa có giác hồn vừa có linh hồn, vì loài người biết cảm giác và biết ý thức. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, không phải chỉ riêng loài người mới cùng lúc biết cảm giác và có ý thức. Loài thú cũng vừa có cảm giác vừa biết ý thức. Nếu không, làm sao chúng biết ai là người lạ, ai là chủ? Làm sao chúng biết vâng theo ý chủ? Làm sao chúng biết cứu chủ khi chủ gặp nạn? Trên hết, Thánh Kinh không hề chia linh hồn thành hai loại. Linh hồn chính là cái bản ngã của mọi sinh vật. Mỗi thú vật là một linh hồn sống trong một thân thể xác thịt.

Riêng về loài người, là loài được dựng nên giống như Thiên Chúa, thì mỗi người là một linh hồn sống, ở trong một thân thể thiêng liêng, là tâm thần, còn gọi là người bề trong, nhờ đó, linh hồn nhận biết thế giới thiêng liêng thuộc linh. Linh hồn loài người cùng với tâm thần ở trong thân thể xác thịt, nhờ đó, linh hồn nhận biết thế giới vật chất thuộc thể. Cái biết của tâm thần được gọi là tri thức, là cái biết tự nhiên do Thiên Chúa ban cho. Cái biết của thuộc thể được gọi là kiến thức, là cái biết do kinh nghiệm, do học tập. Linh hồn tổng hợp tri thức và kiến thức để suy luận, phân tích, và quyết định. Cái biết của linh hồn là trí thức.

Chúng ta hãy bác bỏ tất cả những ý tưởng Thần học nào không có hoặc không đúng với Thánh Kinh. Chúng ta phải công nhận mỗi sinh vật là một linh hồn sống như mỗi người là một linh hồn sống, y theo sự bày tỏ của Thánh Kinh.

21 Thiên Chúa sáng tạo những khủng long biển; mọi linh hồn sống và động mà nước sinh ra thật nhiều tùy theo loại; mọi loài chim tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

Từ ngữ “khủng long biển” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là một danh từ chỉ về các loại rồng biển hay rắn biển to lớn với hình thù đáng sợ, trong tiếng Việt còn gọi là “thuồng luồng”. Trong Gióp 40:10-28 có ghi lại lời phán của Thiên Chúa, mô tả hai loài vật, một trên đất liền, gọi là Bê-hê-mốt; và một dưới nước, gọi là Lê-vi-a-than, mà qua lời mô tả của Chúa, chúng ta thấy đó chính là hai loài khủng long:

10 Này, con Bê-hê-mốt mà Ta đã dựng nên chung với ngươi; nó ăn cỏ như con bò.

11 Hãy xem: Sức nó ở nơi lưng, mãnh lực nó ở trong gân hông nó.

12 Nó cong đuôi nó như cây hương nam; gân đùi nó đan bện vào nhau.

13 Các xương nó như ống đồng, tứ chi nó như cây sắt.

14 Nó là công việc khéo nhất của Thiên Chúa; Đấng dựng nên nó giao cho nó cây gươm của nó.

15 Các núi non sinh đồng cỏ cho nó ăn, là nơi các thú đồng chơi giỡn.

16 Nó nằm ngủ dưới những cây sen, trong bụi sậy và nơi các đầm nước.

17 Những cây sen che bóng cho nó, và những cây liễu của rạch vây quanh nó.

18 Kìa, sông tràn lên dữ tợn, nhưng nó không ngại gì; dù sông Giô-đanh bủa lên miệng nó, nó vẫn vững vàng.

19 Ai bắt được nó ở trước mặt? Ai hãm nó trong lưới, rồi xoi mũi nó?

20 Ngươi có thể câu Lê-vi-a-than với lưỡi câu, và dùng dây mà xỏ lưỡi nó chăng?

21 Có thể xỏ một sợi mây qua mũi nó, và xoi hàm nó bằng một cái móc ư?

22 Nó sẽ nhiều lời kêu cầu ngươi sao? Và nó sẽ nói với ngươi những lời êm ái sao?

23 Nó sẽ lập giao ước với ngươi, để ngươi bắt nó làm tôi mọi đời đời sao?

24 Ngươi sẽ chơi giỡn với nó như với một con chim, cột nó cho các con gái nhỏ mình chơi hay sao?

25 Bọn thợ câu sẽ bán nó sao? Chúng sẽ phân phát nó cho các lái buôn sao?

26 Ngươi có thể lấy sắt nhọn đâm đầy da nó, dùng lao phóng cá mà găm đầy đầu nó chăng?

27 Hãy tra tay ngươi trên mình nó, rồi sau này nhớ đến cuộc đấu mà không tái diễn.

28 Kìa, sự trông đợi bắt được nó tan biến; chỉ nhìn thấy nó người ta đã chẳng dám nghĩ đến.

Nguyên đoạn 41 của sách Gióp được dùng để mô tả tiếp Lê-vi-a-than:

1 Chẳng ai đủ gan dám trêu chọc nó. Vậy, ai sẽ đứng nổi ở trước mặt Ta?

2 Ai ban cho Ta trước, mà Ta phải trả lại cho? Bất cứ vật gì ở dưới trời đều thuộc về Ta.

3 Ta hẳn sẽ nói về các chi thể nó, về sức lực nó, và sự tốt đẹp của hình dạng nó.

4 Có ai lột được áo choàng của nó không? Có ai vào được trong hàm đôi của nó không?

5 Ai sẽ mở cửa họng nó ra? Sự khiếp sợ vây chung quanh răng nó.

6 Nó oai hùng vì cớ các hàng khiên của nó, bằng thẳng dính khằn nhau như được niêm phong;

7 Cái này đụng với cái khác, đến đỗi gió chẳng lọt qua được.

8 Cái này kết lại với cái kia, dính với nhau, không thể bị tách biệt.

9 Sự hắt hơi của nó chiếu ra ánh sáng. Hai con mắt nó khác nào mí mắt của rạng đông.

10 Những ngọn lửa ra từ miệng nó, và các đốm lửa văng ra.

11 Từ lỗ mũi nó khói bay ra, như của một nồi sôi, có chụm sậy ở dưới.

12 Hơi thở nó làm hừng cháy than. Một ngọn lửa ra từ miệng nó.

13 Trong cổ nó có sức mạnh, và sự kinh khiếp nhảy múa trước mặt nó.

14 Các yếm thịt nó dính kết nhau, chúng như đúc liền trên thân nó, không hề chuyển động.

15 Trái tim nó cứng như đá, cứng khác nào thớt cối dưới.

16 Khi nó trỗi dậy, các kẻ anh hùng đều run sợ; họ kinh hãi nên chạy trốn.

17 Khi người ta lấy gươm đâm nó, gươm chẳng công hiệu gì, ngay cả giáo, sắt nhọn, hay là lao phóng cũng vậy.

18 Nó coi sắt khác nào rơm cỏ, và đồng như thể cây mục.

19 Mũi tên không làm cho nó chạy trốn; đá trành với nó khác nào cây rạ,

20 Nó cũng xem gậy như rạ, cười nhạo tiếng vo vo của cây giáo.

21 Dưới bụng nó có những vảy nhọn, nó để lại những dấu cắt nhọn trên bùn.

22 Nó làm cho vực sâu sôi như một cái nồi; nó khiến biển giống như hũ dầu xức,

23 Nó làm ra sau nó một đường chiếu sáng; người ta tưởng rằng vực sâu có màu tóc bạc.

24 Trên đất, chẳng có vật gì giống như nó; nó được dựng nên để không sợ gì hết.

25 Nó nhìn xem các vật cao lớn. Nó làm vua mọi con cái của sự kiêu ngạo.

Từ những khủng long biển cho đến mỗi vật sống động khác trong nước, đều là sự sáng tạo của Thiên Chúa, tùy theo loại, không phải là sự tiến hóa ngẫu nhiên từ loài này sang loài khác như giải thích từ thuyết tiến hóa của khoa học. Thiên Chúa cũng sáng tạo mỗi loài chim tùy theo loại.

22 Thiên Chúa ban phước cho chúng mà phán rằng: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy nước trong biển; còn những loài chim hãy thêm nhiều trên đất!

Sau khi các loài sinh vật bơi lội trong nước và các loài chim bay trên trời xuất hiện, thì Thiên Chúa ban phước cho chúng. Lời ban phước của Thiên Chúa cũng chính là một mệnh lệnh. Chúng ta cần chú ý đến chi tiết này: Mỗi một sự ban phước và mỗi một mệnh lệnh của Thiên Chúa trong tuần lễ sáng tạo vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay và cho đến khi trời cũ đất cũ qua đi. Có như vậy, chúng ta mới ý thức tầm quan trọng của sự Thiên Chúa sáng tạo ra ngày Thứ Bảy Sa-bát và ban phước cho ngày đó; mới ý thức rằng, chúng ta phải tôn thánh ngày Sa-bát của Thiên Chúa, biết ơn Thiên Chúa, và vui hưởng ngày Sa-bát, vì đó là món quà tặng của Thiên Chúa ban cho loài người. Trong ngày đó, loài người được ra mắt Thiên Chúa, được thờ phượng Thiên Chúa cách tập thể, và được nhận phước của Thiên Chúa. Khi chúng ta đọc được mệnh lệnh của Chúa trong Hê-bơ-rơ 10:25:

“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]”

Thì chúng ta phải mở Thánh Kinh ra, tìm xem, ngày nào là ngày Chúa truyền cho con dân Chúa phải nhóm lại. Chắc chắn đó không phải là ngày Thứ Nhất trong tuần lễ còn gọi là Chủ Nhật. Đồng thời, chúng ta cũng tìm xem ai là những kẻ quen bỏ qua sự nhóm lại mà Thiên Chúa đã rao truyền, để giúp họ nhận biết sự phạm tội của họ và kêu gọi họ ăn năn.

Chúng ta lại thấy, Thiên Chúa truyền cho các loài chim phải xuất hiện và bay trong khoảng không nhưng lại ban phước và truyền lệnh cho chúng hãy thêm nhiều trên đất. Thiên Chúa không phán: Hãy thêm nhiều trong khoảng không; nhưng Ngài phán: Hãy thêm nhiều trên đất, vì sự thêm nhiều liên quan đến sự sinh sản, và sự sinh sản phải xảy ra trên đất, không thể xảy ra trong khoảng không.

23 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Năm.

Như vậy, các loài sinh vật trong nước và các loài chim đã có trước các loài súc vật, côn trùng trên đất, và loài người một ngày.

24 Thiên Chúa lại phán: Đất phải sinh ra linh hồn sống tùy theo loại: súc vật, côn trùng, và vật sống của đất tùy theo loại! Thì có như vậy.

25 Thiên Chúa làm nên vật sống của đất tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và côn trùng trên đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

Từ ngữ “linh hồn sống” trong câu: “Đất phải sinh ra linh hồn sống tùy theo loại”, là bao gồm tất cả các sinh vật trên đất, trừ ra loài người.

Từ ngữ “vật sống của đất” trong cả hai câu 24 và 25 được hầu hết các bản Thánh Kinh Anh ngữ dịch là “loài thú” (beast) và trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống thì dịch là “thú rừng”. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ thì từ ngữ חיה phiên âm là /khai-da/ có nghĩa là vật sống, hàm ý là các loài có sự sống [1]. Như vậy, nếu dịch là “vật sống của đất” thì là dịch sát nghĩa, còn chọn dịch là “loài thú” hoặc “thú rừng” là dịch diễn ý. Chúng tôi chọn cách dịch sát nghĩa.

Câu 24 ghi lại mệnh lệnh của Thiên Chúa, là đất phải sinh ra linh hồn sống tùy theo loại. Mỗi loại linh hồn sống bao gồm các loài súc vật, các loài côn trùng, và bất cứ loài vật sống nào trên đất.

Câu 25 ghi lại sự ứng nghiệm lời phán của Thiên Chúa trong câu 24 và Thiên Chúa thấy sự sáng tạo của Ngài là tốt lành.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
31/01/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Chữ חי, H2416, là một tính từ, phiên âm là /khai/, có nghĩa là “sống”. Khi ở dạng danh từ חיה, phiên âm là /khai-da/, thì có nghĩa là “vật sống”, “sinh vật”; hàm ý là loài thú.

https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=H2416

[2] Chữ נפשׁ, H5315, là một danh từ, phiên âm là /ne-phết/, có nghĩa là linh hồn.

https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=H5315

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.