Chú Giải Ê-phê-sô 03:01-12 Sự Mầu Nhiệm của Đấng Christ Được Mạc Khải Trong Hội Thánh và Qua Hội Thánh

1,793 views

Chú Giải Ê-phê-sô 3:1-12
Sự Mầu Nhiệm của Đấng Christ
Được Mạc Khải Trong Hội Thánh và Qua Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Ê-phê-sô 3:1-12

1 Vì thế mà tôi, Phao-lô, làm người tù của Đấng Christ Jesus vì các anh chị em, những người dân ngoại.

2 Như các anh chị em đã nghe về sự quản lý ân điển của Đức Chúa Trời, sự ấy đã ban cho tôi, hướng về các anh chị em,

3 bởi sự mạc khải mà Ngài đã làm cho tôi biết sự mầu nhiệm như tôi đã viết trong mấy lời trước đó,

4 là điều mà khi các anh chị em đọc đến thì có thể hiểu được sự thông hiểu của tôi trong sự mầu nhiệm của Đấng Christ.

5 Điều ấy trong các thời đại khác, chưa từng công bố cho con cái của loài người biết, như bây giờ đã được tỏ ra cho các sứ đồ và các tiên tri thánh của Ngài trong thần trí.

6 Ấy là các dân ngoại là những người đồng kế tự, thuộc về cùng một thân thể, là những người bởi Tin Lành được dự phần về lời hứa của Ngài trong Đấng Christ.

7 Còn tôi đã trở nên người chấp sự theo sự ban cho của ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, theo sự tác động của năng lực của Ngài.

8 Ân điển ấy đã ban cho tôi, người thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ, để rao giảng trong các dân ngoại sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ,

9 và chiếu sáng cho tất cả sự thông công của lẽ mầu nhiệm, từ trước vô cùng đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên muôn loài qua Đức Chúa Jesus Christ.

10 Vậy nên, hiện nay những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời bởi Hội Thánh mà được biết sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời,

11 theo mục đích vĩnh cửu của Ngài đã định trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

12 Trong Đấng ấy, chúng ta có sự dạn dĩ và đến gần với lòng tin cậy, bởi sự thành tín của Ngài.

Chúng ta đã học những lẽ thật quan trọng sau đây về Hội Thánh, qua Ê-phê-sô 1 và 2:

  • Thiên Chúa lựa chọn, tiền định, và ấn chứng Hội Thánh.

  • Vinh quang và quyền thế của Thiên Chúa thể hiện trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.

  • Thiên Chúa ban cho Hội Thánh thần trí, tức là sự hiểu biết về Thiên Chúa, về ý muốn, chương trình, mục đích, và việc làm của Thiên Chúa.

  • Thiên Chúa ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh một địa vị đặc biệt và cao trọng, Hội Thánh được làm con cái của Đức Chúa Trời và hưởng cơ nghiệp của Ngài.

  • Thiên Chúa hiệp dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác làm một trong Hội Thánh và hiệp một Hội Thánh với Đấng Christ.

Tất cả những sự ấy được gọi chung là sự mầu nhiệm của Đấng Christ và được Phao-lô tiếp tục giãi bày trong Ê-phê-sô 3:1-12.

1 Vì thế mà tôi, Phao-lô, làm người tù của Đấng Christ Jesus vì các anh chị em, những người dân ngoại.

Vì thế” là vì tất cả những điều đã được trình bày về Hội Thánh trong đoạn 1 và 2 mà Phao-lô trở thành người tù của Đấng Christ để rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại. Danh từ người tù trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh dùng để gọi một người bị trói buộc hoặc bị xiềng xích, mất tự do. Người tù của Đấng Christ là người không còn sống tự do theo ý mình nhưng sống cho Đấng Christ và chết cho Đấng Christ. Phao-lô đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của người tù trong Đấng Christ qua các câu sau đây:

“Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:8).

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Người tù trong Đấng Christ còn có nghĩa là người chịu bị thế gian bách hại, bỏ tù vì danh Chúa, vì đức tin nơi sự cứu rỗi của Ngài, vì rao giảng Tin Lành. Khi Phao-lô viết thư Ê-phê-sô thì ông đang bị tù tại thành Rô-ma vì đức tin của ông. Chúa kêu gọi Phao-lô làm sứ đồ rao giảng Tin Lành cho muôn dân, nhưng cũng kêu gọi ông vào sự chịu khổ vì danh Ngài:

“Nhưng Chúa phán với ông: Hãy đi, vì người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên. Ta lại sẽ tỏ ra cho người biết, người phải chịu biết bao đau đớn vì danh Ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15-16).

Phao-lô là một người Do-thái nhưng ông đã vì sự giảng Tin Lành cho các dân ngoại mà trở thành người tù của Đấng Christ. Điều đó nhấn mạnh lẽ thật mà ông đang giảng dạy về sự Thiên Chúa hiệp dân I-sơ-ra-ên và các dân ngoại làm một trong Hội Thánh.

Trong thực tế, Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi tất cả những ai theo Ngài phải đặt Ngài lên trên hết mọi người, trên hết mọi sự, ngay cả người nhà hoặc mạng sống, và sẵn sàng chịu khổ vì danh Ngài (Ma-thi-ơ 10:16-39; 16:24-25; Mác 8:34-35; Lu-ca 9:23-24; 14:26-33).

2 Như các anh chị em đã nghe về sự quản lý ân điển của Đức Chúa Trời, sự ấy đã ban cho tôi, hướng về các anh chị em,

Sự quản lý ân điển của Đức Chúa Trời là sự Đức Chúa Trời ban ân điển của Ngài theo ý muốn, chương trình, và cách thức của Ngài. Danh từ “sự quản lý” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ được dùng để gọi sự quản lý trong gia đình, sự quản lý cơ nghiệp, sự quản lý kinh tế… bao gồm sự chăm sóc, điều hành, lên kế hoạch, phát triển để đạt lợi ích cao nhất.

Phao-lô nhấn mạnh đến sự kiện ông được Đức Chúa Trời ban ân điển nhưng không phải là sự ban cho riêng bản thân ông, mà là sự ban cho hướng về con dân Chúa thuộc các dân ngoại. Nghĩa là Đức Chúa Trời ban ân điển cho con dân Chúa thuộc các dân ngoại qua Phao-lô. Ân điển ấy chính là sự thấu hiểu sự mầu nhiệm của Đấng Christ.

Tương tự như vậy, những con dân Chúa được Chúa giao cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, chính là ân điển Chúa ban cho Hội Thánh. Sự hiểu biết những điều sâu nhiệm trong Lời Chúa là sự Đức Chúa Trời mạc khải Lời Hằng Sống của Ngài cho Hội Thánh, qua họ.

Lời Chúa là lẽ thật và Đức Thánh Linh dẫn dắt mỗi con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật. Tuy nhiên những sự mầu nhiệm của lẽ thật sẽ được Đức Chúa Trời mạc khải qua những người do chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa. Chúng ta nên nhớ: Các chức vụ trong Hội Thánh là do Đức Chúa Trời thiết lập (I Cô-rinh-tô 12:28) và do Đức Chúa Jesus Christ ban cho (Ê-phê-sô 4:11). Sự kiện các giáo hội lập ra các chức vụ và phong chức cho người này, người kia hoàn toàn không thuộc về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ.

3 bởi sự mạc khải mà Ngài đã làm cho tôi biết sự mầu nhiệm như tôi đã viết trong mấy lời trước đó,

4 là điều mà khi các anh chị em đọc đến thì có thể hiểu được sự thông hiểu của tôi trong sự mầu nhiệm của Đấng Christ.

Mạc khải là vén màn lên, mở màn ra để phơi bày những gì được tấm màn che kín trước đó (mạc = tấm màn; khải = mở ra, vén lên). Ân điển Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa thuộc các dân ngoại, qua Phao-lô, chính là sự mạc khải về sự mầu nhiệm của Đấng Christ. Sự mầu nhiệm ấy được Đức Chúa Trời phơi bày cho Phao-lô thấy biết cách rõ ràng, để ông giảng dạy cho con dân Chúa thuộc các dân ngoại. Đó chính là điều mà Phao-lô đã viết trong đoạn 1 và 2.

5 Điều ấy trong các thời đại khác, chưa từng công bố cho con cái của loài người biết, như bây giờ đã được tỏ ra cho các sứ đồ và các tiên tri thánh của Ngài trong thần trí.

Trong các thời đại khác” tức là trong các thời đại trước thời đại của Hội Thánh. Sự mầu nhiệm của Đấng Christ là điều trước kia chưa hề được công bố cho bất cứ ai như trong thời đại của Hội Thánh. Trong thời đại của Hội Thánh, sự mầu nhiệm của Đấng Christ đã được tỏ ra trong thần trí cho các sứ đồ và các tiên tri thánh của Ngài, để họ giảng dạy cho con dân Chúa.

Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, thì chúng ta thấy, ngoài Phao-lô, không có ai xưng nhận về sự mình được Đức Chúa Trời mạc khải sự mầu nhiệm của Đấng Christ cho. Tuy nhiên, chúng ta không thấy có sứ đồ nào hay trưởng lão nào lên tiếng phản đối những sự giảng dạy của Phao-lô. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng: Đức Chúa Trời đã chọn mạc khải sự mầu nhiệm của Đấng Christ cho Phao-lô. Phao-lô công bố và giảng dạy sự mầu nhiệm ấy cho Hội Thánh. Đức Thánh Linh soi sáng trong thần trí của các sứ đồ và các tiên tri trong Hội Thánh, giúp họ hiểu rõ điều Phao-lô công bố và rao giảng, để họ giảng dạy cho các Hội Thánh địa phương. Chúng ta chú ý đến cách dùng chữ đặc biệt tại đây. Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã gọi các sứ đồ và các tiên tri là “thánh” để phân biệt họ là các sứ đồ và các tiên tri trong Hội Thánh nhận lãnh chức vụ từ Đấng Christ; không phải là các sứ đồ và các tiên tri trong các giáo hội mang danh Chúa nhưng giảng dạy nghịch lại Lời Chúa.

Sự mầu nhiệm của Đấng Christ chỉ có thể tiếp nhận và hiểu được trong thần trí. Thần trí là sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa. Vì thế, chỉ những ai thật sự là con cái của Đức Chúa Trời, đã thật sự ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, đã được dựng nên mới, thì mới có thể nhận và hiểu được. Sự kiện hàng tỉ người trong Giáo Hội Công Giáo và hàng ngàn giáo phái Tin Lành tin theo Thần Học Thay Thế là bằng chứng cho thấy, hầu hết những tín đồ của các tổ chức tôn giáo này, không có thần trí!

6 Ấy là các dân ngoại là những người đồng kế tự, thuộc về cùng một thân thể, là những người bởi Tin Lành được dự phần về lời hứa của Ngài trong Đấng Christ.

Điểm cốt yếu trong sự mầu nhiệm của Đấng Christ được tóm gọn trong Ê-phê-sô 3:6. Đó là, mặc dù Đức Chúa Trời đã chọn dân I-sơ-ra-ên làm một dân tộc biệt riêng cho Ngài và kết các giao ước với họ, nhưng người thuộc các dân tộc khác, bởi đức tin trong Đấng Christ, cũng được cùng dân I-sơ-ra-ên kế tự các giao ước lời hứa của Đức Chúa Trời và được hiệp một với người I-sơ-ra-ên, trở thành thân thể của Đấng Christ.

Chính vì thế mà Tin Lành được gọi là “Tin Lành của một sự vui mừng lớn cho muôn dân” (Lu-ca 2:10). Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để cứu chuộc không chỉ riêng dân I-sơ-ra-ên mà là toàn thể loài người, không phân biệt chủng tộc.

Đức Chúa Trời không bỏ qua dân I-sơ-ra-ên nhưng Đức Chúa Trời hiệp các dân tộc khác làm một với dân I-sơ-ra-ên. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán:

Và những chiên khác mà Ta có nhưng không thuộc về chuồng này, Ta cũng phải dẫn chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Ta và sẽ thành một bầy, một người chăn.” (Giăng 10:16).

Phao-lô, trong Rô-ma 11:1 đã khẳng định:

“Vậy, tôi nói: Có phải Đức Chúa Trời đã từ bỏ dân của Ngài? Chẳng hề như vậy! Vì tôi cũng là một người I-sơ-ra-ên, ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham, chi phái Bên-gia-min.”

Rồi ông viết tiếp trong câu 25 và 26:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến. Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp.”

Hội Thánh là tập hợp tất cả những người I-sơ-ra-ên tin nhận Chúa cùng tất cả những người thuộc các dân tộc khác tin nhận Chúa. Hội Thánh là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, tức là dòng dõi thuộc linh của Áp-ra-ham, nhưng Hội Thánh không thay thế dân tộc và quốc gia I-sơ-ra-ên thuộc thể.

7 Còn tôi đã trở nên người chấp sự theo sự ban cho của ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, theo sự tác động của năng lực của Ngài.

Danh từ “chấp sự” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là người phục vụ, người hầu việc, như một người hầu bàn, bưng dọn thức ăn cho khách. Phao-lô nhận mình là một người được Đức Chúa Trời ban ơn cho và Ngài hành động qua ông, để phục vụ con dân Chúa thuộc các dân tộc khác. Ông phục vụ họ trong công tác cho họ ăn nuốt lẽ thật của Lời Chúa về Đấng Christ.

8 Ân điển ấy đã ban cho tôi, người thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ, để rao giảng trong các dân ngoại sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ,

9 và chiếu sáng cho tất cả sự thông công của lẽ mầu nhiệm, từ trước vô cùng đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên muôn loài qua Đức Chúa Jesus Christ.

Phao-lô nhận ông là người thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ, là vì, trước khi tin nhận Tin Lành, ông là người bách hại Hội Thánh của Chúa. Tuy nhiên, ông lại chính là người được ơn lớn của Đức Chúa Trời “để rao giảng trong các dân ngoại sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ, và chiếu sáng cho tất cả sự thông công của lẽ mầu nhiệm, từ trước vô cùng đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên muôn loài qua Đức Chúa Jesus Christ.”

Mỗi thánh đồ của Chúa đều có quá khứ tội lỗi. Sự phạm tội của mỗi người có thể nhiều ít khác nhau, mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng một khi đã thuộc về Hội Thánh của Chúa thì quá khứ tội lỗi ấy hoàn toàn được rửa sạch bởi chính máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ. Mỗi người trong Hội Thánh của Chúa là một tạo vật mới, “là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24):

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Tạo vật mới ấy được đổ đầy ơn và thánh linh của Thiên Chúa để trở thành người phục vụ Thiên Chúa trong Hội Thánh của Ngài.

Sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ là sự đầy trọn bản tính của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt phục sinh của Ngài (Cô-lô-se 2:9). Trong thân thể xác thịt phục sinh Đấng Christ hành động với thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa.

Sự thông công của lẽ mầu nhiệm là sự con dân Chúa trong Hội Thánh cùng đón nhận, cùng hiểu biết, cùng vui hưởng sự mầu nhiệm của Đấng Christ. Sự thông công ấy chiếu sáng cho tất cả thiên sứ, loài người, và ma quỷ cùng thấy. Các thiên sứ, ma quỷ, và người thế gian có thể nhìn thấy sự thông công của con dân Chúa trong sự mầu nhiệm của Đấng Christ, nhưng chỉ có con dân chân thật của Chúa trong Hội Thánh mới thấu hiểu và cảm nhận được sự mầu nhiệm ấy. Vì sự mầu nhiệm ấy dành riêng cho Hội Thánh. Điều ấy tương tự như dân chúng đứng hai bên đường cùng nhìn thấy xe hoa chở cô dâu và chú rể; nhưng chỉ có cô dâu và chú rể mới thấu hiểu và cảm nhận sự kết hiệp làm vợ làm chồng của họ.

10 Vậy nên, hiện nay những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời bởi Hội Thánh mà được biết sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời,

11 theo mục đích vĩnh cửu của Ngài đã định trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời bao gồm các thiên sứ trong tầng trời thứ ba và ma quỷ trong tầng trời thứ nhì và thứ nhất. Tầng trời thứ ba là thiên đàng. Tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la của vũ trụ vật chất. Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển bao quanh địa cầu. Họ là những thần linh do Thiên Chúa dựng nên được gọi là thiên sứ, khi phạm tội thì biến thành ma quỷ. Chính trong thời đại của Hội Thánh mà các thần linh do Thiên Chúa dựng nên mới được chứng kiến sự mầu nhiệm của Đấng Christ thể hiện trong Hội Thánh và qua Hội Thánh. Nhờ đó mà họ thấy được sự khôn sáng nhiều bề của Đức Chúa Trời.

Họ đã chứng kiến sự kiện Thiên Chúa sáng tạo nên thế giới vật chất và cùng ca hát vui mừng trước quyền năng và sự khôn sáng của Thiên Chúa (Gióp 38:4-7). Nhưng mãi đến khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của loài người, sống lại, lên trời, ngự bên phải Đức Chúa Trời, và thành lập Hội Thánh, thì họ mới biết rằng, sự khôn sáng của Đức Chúa Trời là đa diện (nhiều mặt, nhiều lớp). Từ ngữ “khôn sáng mọi đường” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự khôn sáng đa diện.

Sự khôn sáng đa diện của Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành trọn vẹn mục đích vĩnh cửu của Ngài là mục đích Ngài đã định trong Đấng Christ Jesus.

Mục đích vĩnh cửu là điều phải xảy ra và còn lại đời đời. Mục đích ấy chính là: Loài người được Thiên Chúa dựng nên như hình Thiên Chúa, theo tượng Thiên Chúa, để làm con của Thiên Chúa, kết hiệp với Thiên Chúa qua bản thể xác thịt của Đấng Christ, sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời và cai trị toàn cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Mặc dù loài người phạm tội chống nghịch Thiên Chúa và ma quỷ cám dỗ loài người tiếp tục phản nghịch Thiên Chúa, nhưng sự khôn sáng đa diện của Đức Chúa Trời đã bảo vệ mục đích đời đời của Đức Chúa Trời bằng cách ban cho loài người sự cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Mục đích đời đời của Đức Chúa Trời đã định trong Đấng Christ Jesus có nghĩa là tất cả những gì cần thiết để hoàn thành mục đích ấy đều ở trong Đấng Christ Jesus và bởi việc làm của Đấng Christ Jesus. Chúng ta chú ý đến cách dùng danh xưng Christ trước tên Jesus [1]. Đó là cách dùng để nhấn mạnh đến việc làm và kết quả việc làm của Đức Chúa Jesus trong chức vụ được xức dầu: Tiên tri, thầy tế lễ, và vua.

Tiên Tri Jesus đã rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời và kêu gọi loài người ăn năn tội. Thầy Tế Lễ Jesus đã dâng của lễ chuộc tội một lần đủ cả cho tất cả tội lỗi của loài người bằng chính mạng sống vô tội của Ngài. Vua Jesus hiện cai trị trong Hội Thánh của Ngài và sẽ cai trị Vương Quốc Ngàn Năm, cùng Vương Quốc Đời Đời.

Đấng Christ Jesus chính là CHÚA của chúng ta, tức là CHỦ của chúng ta, Đấng toàn quyền trên chúng ta mà sự sống, sự chết của chúng ta đều thuộc về Ngài, vì Ngài, và ở trong Ngài.

12 Trong Đấng ấy, chúng ta có sự dạn dĩ và đến gần với lòng tin cậy, bởi sự thành tín của Ngài.

Trong Đấng Christ Jesus, chúng ta, những con dân chân thật của Thiên Chúa trong Hội Thánh chân thật của Ngài, có sự dạn dĩ để đến gần Ngai Ân Điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta đến gần để thờ phượng, để cảm tạ, để cầu xin, và để thông công. Chúng ta đến gần Đức Chúa Trời bởi lòng tin cậy của chúng ta vào trong những điều Đấng Christ đã và đang làm ra cho chúng ta (Ngài vẫn đang tiếp tục cầu thay cho chúng ta). Chúng ta đến gần Đức Chúa Trời bởi sự thành tín của Đấng Christ, vì Ngài đã hứa:

“Nếu các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời của Ta vẫn ở trong các ngươi; nếu các ngươi cầu xin điều các ngươi muốn thì điều ấy sẽ xảy ra cho các ngươi.” (Giăng 15:7).

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta, dầm thấm chúng ta trong sự mầu nhiệm của Đấng Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/08/2016

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/ 

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.