Chú Giải I Phi-e-rơ 05:07-14 Ba Lời Khuyên Quan Trọng

5,786 views


YouTube: https://youtu.be/MlQM6MlY5FY

906019 Chú Giải I Phi-e-rơ 5:7-14
Ba Lời Khuyên Quan Trọng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Phi-e-rơ 5:7-14

7 Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.

8 Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.

9 Những người đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, biết rằng các anh chị em mình ở rải khắp thế gian, cũng cùng chịu hoạn nạn như mình.

10 Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.

11 Nguyện vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho tới đời đời! A-men!

12 Tôi nhờ Si-la, là người tôi xem là một anh em cùng Cha, trung tín đối với các anh chị em, viết mấy lời khuyên các anh chị em và làm chứng với các anh chị em rằng, ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, các anh chị em phải đứng vững trong đó.

13 Hội Thánh tại Ba-bi-lôn, được chọn với các anh chị em, chào các anh chị em, con tôi là Mác cũng vậy.

14 Các anh chị em hãy lấy cái hôn yêu thương mà chào nhau. Nguyện sự bình an ở cùng hết thảy các anh chị em là những người ở trong Đấng Christ Jesus! A-men!

Trong những câu trên đây là ba lời khuyên quan trọng từ Sứ Đồ Phi-e-rơ dành cho mỗi con dân Chúa và những lời chào thăm kết thúc thư I Phi-e-rơ. Ba lời khuyên quan trọng là:

  • Con dân Chúa hãy trao mọi điều lo lắng của mình lên Chúa.
  • Con dân Chúa hãy tỉnh thức.
  • Con dân Chúa hãy cảnh giác.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của ba lời khuyên ấy và những lời chào thăm trong những câu cuối cùng của thư I Phi-e-rơ.

7 Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.

Từ khi có trí khôn là người ta bắt đầu biết lo lắng. Ít nhất là lo lắng vì mình không được người khác chấp nhận, lo lắng vì những nhu cầu trong cuộc sống không được thỏa mãn, và lo lắng vì những thiếu sót hoặc lầm lỗi của mình. Con dân Chúa vẫn có những nỗi lo lắng chung như người thế gian, vì chúng ta cũng vẫn có những nhu cầu thực tế trong cuộc sống như mọi người, vẫn có thể phạm lỗi, thêm vào đó, chúng ta lại bị người thế gian ghét, khiến cho chúng ta có thêm mối lo lắng về sự bị người thế gian bách hại.

Khác với người thế gian phải tự dựa vào sức riêng rất là giới hạn hoặc cúng kiếng hối lộ tà thần, nhiều khi phải tán gia bại sản, để giải quyết các mối lo trong cuộc sống nhưng không bao giờ được thỏa mãn; con dân Chúa có Thiên Chúa Toàn Năng và Yêu Thương chăm sóc họ, để giải quyết mọi điều lo lắng của họ. Họ không cần phải vận dụng sức riêng, họ không cần phải hối lộ Thiên Chúa, họ chỉ cần ném xa mọi sự lo lắng của họ lên trên Ngài. Chính Ngài sẽ giải quyết từng nỗi lo lắng của họ qua người khác, hoặc hướng dẫn họ cách giải quyết và ban năng lực, phương tiện cho họ để họ tự giải quyết, hoặc Ngài làm ra phép lạ để giải quyết.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, câu: “Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài” là: “Hãy quăng, hãy ném tất cả những sự lo lắng của các anh chị em lên trên Ngài!” Động từ “quăng, ném” gợi cho chúng ta hình ảnh một người ném ra xa khỏi mình một vật gì. Chúa muốn chúng ta quăng, ném tất cả những sự lo lắng của chúng ta ra khỏi chúng ta; nhưng không phải ném bỏ để không được giải quyết, mà là quăng, ném chúng lên trên Ngài, khiến mọi gánh nặng về sự lo lắng của chúng ta trở thành gánh nặng của chính Ngài, để Ngài giải quyết chúng bằng sức toàn năng của Ngài, theo cách thức của Ngài, trong thời điểm của Ngài.

Sự chúng ta “quăng, ném” mọi điều lo lắng của mình “lên trên Chúa” không hàm ý là chúng ta bất kính đối với Chúa, mà là nói lên thái độ dứt khoát cần phải có của chúng ta đối với mọi điều lo lắng, cùng lúc, nói lên lẽ thật: Thiên Chúa chính là nơi đón nhận tất cả những sự ô uế, tội lỗi, đau đớn, tủi nhục… từ nơi chúng ta để đem chúng xa khỏi chúng ta, ném chúng vào hỏa ngục, và ban lại cho chúng ta sự vui mừng, bình an, hạnh phúc! Trong thực tế, thà là chúng ta ném mọi điều lo lắng của mình lên Chúa hơn là chúng ta lại một lần nữa phạm tội, ném tội lỗi của mình lên Chúa! Một lời nói dối, một lời nói xấu, một ý tưởng vui thú tà dâm, một ý tưởng giận ghét anh chị em trong Chúa… của chúng ta đều là hành động ném sự ô uế tội lỗi lên trên Chúa, vì chính Ngài phải gánh thay cho chúng ta hình phạt sự phạm tội của chúng ta, để có thể tha thứ cho chúng ta khi chúng ta ăn năn, xưng tội với Ngài.

Chúng ta cần chú ý đến động từ “quăng, ném”. Nên nhớ, một khi chúng ta đã dâng trình lên Chúa mọi điều lo lắng của mình thì chúng ta không cần phải suy nghĩ đến chúng nữa, mà chỉ yên tâm, chờ đợi sự giải quyết của Chúa. Thực ra, Chúa đã biết những điều chúng ta lo lắng từ trước khi Ngài dựng nên chúng ta, và Ngài đã có sẵn chương trình để giải quyết những sự lo lắng của chúng ta. Khi chúng ta có điều lo lắng, chúng ta chỉ cần bởi đức tin, “ném điều lo lắng ấy lên Ngài!” Chúng ta cũng cần chú ý đến tính từ “mọi” hay “tất cả”. Không phải chỉ một số lo lắng nào đó chúng ta mới dâng trình lên Chúa, mà là “mọi” điều chúng ta lo lắng, “tất cả” những gì chúng ta lo lắng. Nếu có điều gì đó khiến cho chúng ta lo lắng, thì đó không phải là việc nhỏ; và cũng không có sự lo lắng nào của chúng ta là quá lớn đối với Chúa. Sứ Đồ Phao-lô cũng viết cho con dân Chúa tại thành Phi-líp như sau:

“Đức Chúa Trời của tôi sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của các anh chị em y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:19).

Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ đổ đầy mọi sự cần dùng cho chúng ta tương xứng với sự giàu có của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ làm như vậy trong sự vinh quang của Ngài, tức là trong tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính; và Ngài chỉ làm như vậy trong Đấng Christ Jesus, nghĩa là Ngài chỉ làm cho những ai ở trong Đức Chúa Jesus Christ.

8 Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.

Từ ngữ “tỉnh thức” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có nghĩa là không buồn ngủ, không bị ảnh hưởng của rượu hay của bất cứ sự gì. Khi chúng ta say mê bất cứ một sự gì ngoài Chúa và Lời của Ngài, thì chúng ta thiếu sự tỉnh thức. Chúng ta cần tỉnh thức từng giây phút trong cuộc sống, không để cho lòng say mê thế gian và những sự thuộc về thế gian khiến cho tâm trí của chúng ta bị mê muội. Chúng ta cũng không để cho nghịch cảnh làm cho chúng ta bối rối, lo sợ, hoang mang. Càng đối diện nghịch cảnh nhiều chừng nào, chúng ta càng phải tỉnh thức nhiều chừng nấy, để sáng suốt mà phản ứng một cách kịp thời, đúng theo Lời Chúa.

Từ ngữ “cảnh giác” là một động từ được dùng để nói đến sự canh gác của một người lính. Bổn phận của người lính trong khi canh gác là phải hết sức chú ý, quan sát, canh chừng sự xuất hiện và tấn công của kẻ thù. Mỗi con dân Chúa là một lính chiến trong cuộc chiến thuộc linh do Sa-tan gây ra, để chống nghịch Thiên Chúa. Sa-tan đã kéo theo ít nhất là một phần ba các thiên sứ cùng phạm tội với nó, đã dối gạt loài người khiến cho loài người phạm tội và bị hư mất. Khi Sa-tan thấy Thiên Chúa tiến hành công cuộc cứu rỗi loài người thì nó tận hết sức, tấn công trực tiếp vào loài người, mong phá đi chương trình của Thiên Chúa, để Thiên Chúa không thể hình phạt nó một cách công chính. Vì thế, mỗi ngày, mỗi con dân Chúa phải tỉnh thức và cảnh giác, để chiến đấu chống lại Sa-tan. Mỗi con dân Chúa phải chịu khổ như một người lính giỏi trong cuộc chiến chống lại Sa-tan và vô số tà linh dưới quyền Sa-tan. Thánh Kinh chép:

“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.” (Ê-phê-sô 6:12).

Và cũng chính vì chúng ta đánh trận cùng các thần linh gian ác, xấu xa, mà chúng ta cần phải mặc lấy toàn bộ giáp trụ và khí giới của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta, như được liệt kê trong Ê-phê-sô 6:13-18.

Lời Chúa ví Sa-tan như là sư tử rống, đi rình mò chung quanh con dân Chúa, để tìm kiếm người mà nó có thể nuốt được. Sư tử rống là sư tử đói mồi và hung hãn, thấy mồi trước mặt nhưng không dám lao vào tấn công, vì biết rằng nó không thể nào cự lại sức mạnh tập thể của những con mồi. Vì thế, nó kiên trì đi chung quanh, rình xem có con mồi nào tách ra xa bầy, thì lúc đó nó mới xông vào cắn xé.

Bất cứ một người nào là con dân Chúa phạm tội mà không chịu ăn năn, bị Hội Thánh dứt thông công, thì người ấy trở thành mồi ngon cho Sa-tan và cho tội lỗi. Có nhiều người xem thường sự bị Hội Thánh dứt thông công, vì họ không hiểu rằng, chính Đức Chúa Jesus Christ đã trao quyền cầm tội và tha tội vào trong tay của Hội Thánh:

“Những tội lỗi nào của bất cứ những ai được các ngươi tha cho, chúng được tha cho họ. Những tội lỗi nào của bất cứ những ai bị các ngươi cầm giữ, chúng đã bị cầm giữ.” (Giăng 20:23).

Nói cách khác, một người đã bị Hội Thánh dứt thông công vì phạm tội mà không chịu ăn năn, thì chỉ khi nào người ấy ăn năn tội trước Hội Thánh, để được Hội Thánh tuyên bố tha thứ cho và tiếp nhận người ấy trở lại vào trong Hội Thánh, người ấy mới thoát khỏi sự hư mất. Ngoại trừ người ấy ăn năn vào giây phút cuối cùng trước khi chết, không kịp xưng nhận trước Hội Thánh, nhưng kịp xưng nhận với Chúa. Nhưng không có điều gì bảo đảm rằng, một người đã cứng lòng, không ăn năn tội, bị Hội Thánh dứt thông công mà không bị Chúa làm cho cứng lòng càng thêm! Khi một người cứng lòng không ăn năn tội trước những lời kêu gọi của Hội Thánh, thì không phải người ấy cứng lòng đối với Hội Thánh là thân thể của Chúa mà thôi; người ấy đã cứng lòng luôn đối với Đức Thánh Linh là Thiên Chúa hiện diện trong thân thể người ấy, cáo trách người ấy, kêu gọi người ấy. Lời Chúa chép:

“Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.” (Ê-phê-sô 4:30).

Lời ấy có nghĩa là: Nếu các anh chị em làm buồn Đức Thánh Linh bằng cách không nghe theo sự dạy dỗ, dẫn dắt, cáo trách, kêu gọi của Đức Thánh Linh, thì Ngài sẽ ra khỏi các anh chị em và các anh chị em sẽ không còn sự ấn chứng rằng, các anh chị em là con dân chân thật của Chúa; các anh chị em sẽ bị loại bỏ trong ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra để đem Hội Thánh vào thiên đàng!

9 Những người đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, biết rằng các anh chị em mình ở rải khắp thế gian, cũng cùng chịu hoạn nạn như mình.

Để có thể chống trả và chiến thắng Sa-tan cùng các tôi tớ của nó, chúng ta phải đứng vững trong đức tin của mình là đức tin vào trong sự cứu rỗi Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta và đức tin vào trong tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa đã ghi lại trong Thánh Kinh. Muốn đứng vững trong đức tin thì chúng ta phải đọc Lời Chúa, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo. Ngày xưa, Đại Tướng Giô-suê vâng lời Chúa, thống lĩnh hàng triệu người I-sơ-ra-ên tiến công vào bờ cõi Ca-na-an, đánh đuổi bảy dân tộc to lớn và mạnh sức, nhưng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chỉ ban cho ông mấy lời sau đây:

Giô-suê 1:6-9

6 Ngươi hãy mạnh mẽ và can đảm, vì ngươi sẽ dẫn dân này đi nhận lấy đất mà Ta đã thề cùng tổ phụ chúng nó là sẽ ban cho chúng nó.

7 Ngươi chỉ hãy mạnh mẽ và nhiều can đảm. Ngươi hãy giữ và làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ Ta, đã truyền cho ngươi. Chớ xoay qua bên phải hoặc bên trái, để ngươi đi đâu cũng đều được thịnh vượng.

8 Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.

9 Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.

Ngày nay, những lời ấy cũng áp dụng cho mỗi chúng ta, những lính chiến của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta phải mạnh mẽ và can đảm. Lời Chúa ba lần kêu gọi Giô-suê phải mạnh mẽ và can đảm. Sự mạnh mẽ và can đảm đến từ đức tin. Đức tin đến từ Lời Chúa. Đức tin của chúng ta phải tiếp tục được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Và đức tin của chúng ta phải thể hiện thành hành động. Lời Chúa là gươm của Đấng Thần Linh, không phải là cuốn Thánh Kinh nắm trong tay của những linh mục Công Giáo hay những mục sư Tin Lành khi họ làm trò đuổi quỷ, mà là lẽ thật của Lời Chúa thấm nhuần trong chúng ta, thể hiện qua nếp sống của chúng ta, làm cho ma quỷ phải bỏ chạy trước những lời nói, cử chỉ, hành động đầy trọn sự yêu thương, thánh khiết, và công chính trong danh Chúa.

Chỉ khi chúng ta đứng vững trong đức tin, chịu khổ mà đánh trận chống lại ma quỷ, thì chúng ta mới cảm nhận được sự chịu khổ của các anh chị em trong Chúa của chúng ta, là những người đang cùng với chúng ta trong cuộc chiến chống lại Sa-tan và mọi thế lực của nó ở khắp nơi trên thế giới.

10 Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.

11 Nguyện vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho tới đời đời! A-men!

Đức Chúa Trời còn được Đức Thánh Linh gọi là “Đức Chúa Trời của mọi ơn”. Đây là một lẽ thật rất quan trọng. Nếu Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của mọi ơn thì chúng ta sẽ không nhận được một ơn nào cả. II Cô-rinh-tô 9:8 chép:

“Nhưng Đức Chúa Trời có quyền ban đầy dẫy mọi thứ ơn cho các anh chị em, để các anh chị em luôn có sự đầy đủ mọi điều trong mọi sự, dư dật cho mọi việc lành.”

Chính Đức Chúa Trời của mọi ơn đã ban cho chúng ta đủ các thứ ơn cần có, để chúng ta có thể đạt đến sự vinh quang mà Ngài đã mời gọi chúng ta bước vào, qua Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, sau khi chúng ta tạm thời vì danh Chúa mà chịu khổ trong thân thể xác thịt này như Đức Chúa Jesus Christ đã chịu khổ vì chúng ta, thì Ngài làm cho chúng ta nên “trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập”. Lửa nóng của người thợ bạc tinh luyện vàng và bạc như thế nào thì lửa thử thách Đức Chúa Trời cho phép xảy đến cho chúng ta cũng sẽ tinh luyện chúng ta như thế ấy, khiến chúng ta nên trọn vẹn cho vương quốc của Ngài.

Tất cả, chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất: Tôn cao Thiên Chúa, chiếu sáng vinh quang và quyền phép của Ngài trên và trong muôn loài thọ tạo cho đến đời đời.

12 Tôi nhờ Si-la, là người tôi xem là một anh em cùng Cha, trung tín đối với các anh chị em, viết mấy lời khuyên các anh chị em và làm chứng với các anh chị em rằng, ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, các anh chị em phải đứng vững trong đó.

13 Hội Thánh tại Ba-bi-lôn, được chọn với các anh chị em, chào các anh chị em, con tôi là Mác cũng vậy.

Si-la là một trưởng lão trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem và là người đồng công với Sứ Đồ Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô. Ông cũng là người được Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem sai đi với Giu-đe, cùng Phao-lô và Ba-na-ba, mang điều răn Hãy Nên Thánh của Đức Thánh Linh được chép trong thư của các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem đến các Hội Thánh giữa vòng dân ngoại.

Vào lúc Phi-e-rơ viết thư I và II Phi-e-rơ (khoảng năm 66) thì cơn bách hại Hội Thánh do Hoàng Đế Nê-rô cầm đầu đã lan tràn khắp đế quốc La-mã. Có lẽ vào lúc đó Sứ Đồ Phao-lô vừa bị bắt giam, còn Phi-e-rơ, Si-la, và Mác đã phải rời bỏ Giê-ru-sa-lem để lánh sang Ba-bi-lôn, là vùng đất nằm ngoài lãnh thổ của đế quốc La-mã. Theo sử liệu của Hội Thánh thì vào lúc bấy giờ, có nhiều con dân Chúa sinh sống tại Ba-bi-lôn.

Một số nhà giải kinh cho rằng, vào lúc Phi-e-rơ viết hai lá thư mang tên ông thì ông đang ở tại La-mã, và ông dùng danh xưng Ba-bi-lôn thay cho danh xưng La-mã để che giấu nơi cư trú của ông. Chúng ta không nên chấp nhận giả thuyết này, vì nó đưa sự dối trá vào trong Lời Chúa. Chắc chắn là Sứ Đồ Phi-e-rơ không vì sự an nguy của bản thân mà viết một lời không thật trong thư gửi cho con dân Chúa khắp nơi. Nếu ông không thật sự cư trú tại Ba-bi-lôn và chuyển lời chào thăm của Hội Thánh tại Ba-bi-lôn đến con dân Chúa khắp nơi mà ông viết như vậy, thì ông vừa phạm tội dối trá, vừa gây vấp phạm cho Hội Thánh tại Ba-bi-lôn.

Hai lá thư của Phi-e-rơ được viết bằng một thể văn trau chuốt trong tiếng Hy-lạp. Một số nhà giải kinh viện cớ đó mà cho rằng Sứ Đồ Phi-e-rơ không phải là tác giả của hai thư mang tên ông. Họ lý luận rằng, Phi-e-rơ là một người đánh cá thất học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13) thì không thể nào thông thạo tiếng Hy-lạp như vậy. Tuy nhiên, sau khi Phi-e-rơ trở thành sứ đồ của Chúa ông đã có dịp giao tiếp với nhiều con dân Chúa nói tiếng Hy-lạp, và ông có khoảng 40 năm để học tiếng Hy-lạp. Ngoài ra, qua I Phi-e-rơ 5:12 mà chúng ta biết, ông nhờ Si-la viết thư giùm ông, mà Si-la là một người có quốc tịch La-mã như Phao-lô, chứng tỏ ông xuất thân từ một gia tộc khá giả, có ăn học. Vì thế, không có gì lạ khi hai thư Phi-e-rơ được viết bằng một thể văn Hy-lạp trau chuốt.

Nhân dịp đề cập đến các nhà giải kinh thì xin quý con dân Chúa hiểu cho rằng, từ ngữ “các nhà giải kinh” bao gồm tất cả những ai làm công việc giải nghĩa Thánh Kinh. Có những nhà giải kinh được ơn Chúa nhưng cũng có những nhà giải kinh chỉ dựa trên trí thức của loài người, dựa trên tài lý luận của xác thịt. Lại có những nhà giải kinh chỉ dựa trên các quan điểm Thần học thường khi sai nghịch Thánh Kinh của các giáo hội mà họ phục vụ. Chúng ta phải thật cẩn thận khi đọc các sách giải kinh.

Vì Si-la từng theo chân Sứ Đồ Phao-lô trong cuộc truyền giáo của Phao-lô, quen biết với con dân Chúa trong vòng các Hội Thánh giữa dân ngoại, nên Phi-e-rơ gọi Si-la là một anh em trung tín với con dân Chúa. Nội dung trong thư I Phi-e-rơ được ông gọi chung là “lời khuyên và lời chứng”. Ông khuyên con dân Chúa chịu khổ vì danh Chúa và ông làm chứng rằng, sự chịu khổ vì danh Chúa là một ơn thật, đến từ Đức Chúa Trời. Vì thế, con dân Chúa hãy đứng vững trong sự chịu khổ vì danh Chúa.

Hội Thánh tại Ba-bi-lôn, nơi Phi-e-rơ đang cư trú, biết ông viết thư gửi cho con dân Chúa khắp nơi nên cũng nhờ ông gửi kèm trong thư lời chào thăm của họ. Tất cả con dân Chúa, dù đang sinh hoạt trong một Hội Thánh địa phương nào, thì cũng cùng được chọn với nhau và hiệp một với nhau trong Đức Chúa Jesus Christ. Chính vì thế mà sự kiện một người bị Hội Thánh địa phương dứt thông công, thì cũng bị dứt thông công khỏi Hội Thánh chung, bị dứt thông công khỏi Đấng Christ, vì Đấng Christ là đầu của Hội Thánh.

Phi-e-rơ gọi Mác là con, không phải vì ông là cha ruột của Mác, mà vì ông đã xem Mác như con ruột của ông. Mác là người ghi chép sách Tin Lành Mác, từng tham dự truyền giáo với Phao-lô và Ba-na-ba. Mác cũng gửi lời chào thăm con dân Chúa khắp nơi.

14 Các anh chị em hãy lấy cái hôn yêu thương mà chào nhau. Nguyện sự bình an ở cùng hết thảy các anh chị em là những người ở trong Đấng Christ Jesus! A-men!

Cái hôn yêu thương dùng để chào nhau mà Phi-e-rơ nói đến trong câu cuối cùng này là cái hôn được dùng để bày tỏ sự yêu thương quý mến của người hôn đối với người được hôn, theo phong tục của các dân miền Trung Đông. Phong tục ấy được lan truyền trong khắp đế quốc La-mã và vẫn còn cho đến ngày nay tại các quốc gia Trung Đông và Âu Châu. Chính cái hôn này đã bị Giu-đa Ích-ca-ri-ốt lạm dụng để ra dấu cho quân lính bắt Chúa. Trong Rô-ma 16:16, Phao-lô gọi cái hôn tỏ lòng yêu thương giữa con dân Chúa với nhau là “nụ hôn thánh”. Hình thức của nụ hôn này là người hôn vịn hai vai của người được hôn và lần lượt hôn nhẹ lên hai bên má của người được hôn. Đàn ông chỉ hôn đàn ông và đàn bà chỉ hôn đàn bà, không có sự nam nữ hôn lẫn nhau như những người ngoài Chúa.

Câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là: Ngày nay, con dân Chúa có nên chào nhau bằng cái hôn yêu thương, nụ hôn thánh hay không? Nếu không, thì có phải chúng ta không làm theo Lời Chúa dạy?

Chúng ta cần phải hiểu rằng, Chúa không ra lệnh cho chúng ta hôn nhau, mà là ra lệnh cho chúng ta thể hiện tình chúng ta yêu lẫn nhau trong Chúa bằng một hành động cụ thể. Hành động ấy, tùy theo phong tục của mỗi thời đại, mỗi dân tộc, và cá tính của mỗi người.

Trước đây, hành động thể hiện lòng ăn năn tội và đức tin trong sự tha tội của Đức Chúa Trời là sự dâng một sinh tế; ngày nay, là hình thức chịu báp-tem.

Trước đây, hành động thể hiện sự quyết tâm từ bỏ tội là phép cắt bì; ngày nay là sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Trước đây, hành động thể hiện tình yêu trong Chúa là nụ hôn thánh; ngày nay có thể là sự nắm lấy tay nhau và nói với nhau rằng: Chúa yêu anh! Hoặc: Chúa yêu chị! Hoặc: Ân điển Chúa ở cùng anh! Hoặc: Ân điển Chúa ở cùng chị!

Ngày nay, con dân Chúa giữa vòng dân Việt vẫn có thể dùng nụ hôn thánh để chào nhau; nhưng nếu không quen vì không phải là phong tục Việt Nam, thì hãy dùng hình thức nắm tay nhau đã quen thuộc. Hình thức nắm tay nhau có thể là bắt tay phải với nhau hoặc là người chào đưa hai bàn tay ra trước, người được chào đặt hai bàn tay của mình trên hai bàn tay của người chào; hai bên cùng nắm lấy tay nhau và nói lời chúc phước.

Dĩ nhiên, dù là thể hiện tình yêu lẫn nhau trong Chúa bằng bất cứ hình thức nào, thì sự thể hiện ấy cũng phải xuất phát từ tấm lòng chân thật yêu thương. Nếu không, thì chỉ là một sự giả dối, gớm ghiếc trước mặt Chúa!

Chúng ta hãy cùng nhắc nhau trao mọi điều lo lắng trong cuộc sống lên Chúa; tỉnh thức và cảnh giác trước sự rình mò, tấn công của Sa-tan; và luôn thể hiện tình yêu trong Chúa với nhau; khích lệ nhau cùng chịu khổ vì danh Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/12/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.