Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL051 Mười Hai Sứ Đồ Đầu Tiên của Đức Chúa Jesus Christ

343 views

YouTube: https://youtu.be/VbGfeNqWNAo

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL051 Mười Hai Sứ Đồ Đầu Tiên của Đức Chúa Jesus Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Trong bài học trước chúng ta đã học về danh sách mười hai sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ được liệt kê trong các sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca. Nhưng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:13, Lu-ca cũng có ghi lại một danh sách còn lại mười một người, sau khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã tự sát. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, Lu-ca đã ghi theo thứ tự sau: Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thô-lê-mi, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt, và Giu-đa con của Gia-cơ.

Trong sách Lu-ca, tên của mười hai sứ đồ dường như được liệt kê theo thứ tự Chúa gọi họ đi theo Ngài. Còn trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ thì tên của ba sứ đồ thân cận với Đức Chúa Jesus nhất được ghi trước.

Thánh Kinh chỉ ghi lại Đức Chúa Jesus gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ, Giăng, Phi-líp, và Ma-thi-ơ theo Ngài. Riêng Ba-thô-lê-mi, tức Na-tha-na-ên, do Phi-líp đưa đến với Chúa, và khi gặp Chúa thì ông đã quyết định đi theo Chúa. Các người còn lại: Thô-ma, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt, Giu-đa con của Gia-cơ, và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt thì Thánh Kinh không ghi lại sự Chúa gọi họ theo Ngài. Có lẽ họ đã tự ý tìm đến Ngài và theo Ngài.

Từ trong những môn đồ theo Chúa, Đức Chúa Jesus đã chọn ra mười hai người làm sứ đồ. Nhưng ngoài Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng, Thánh Kinh và ngay cả sử liệu của Hội Thánh cũng không nói gì nhiều về các sứ đồ còn lại. Trong bài này, chúng ta hãy tìm hiểu một số chi tiết về mười hai sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus. Khi chúng tôi dùng từ ngữ “sử liệu của Hội Thánh” là nói đến các ghi chép của các giám mục và các trưởng lão trong Hội Thánh. Khi chúng tôi dùng từ ngữ “truyền thuyết” thì chúng tôi nói đến một số ghi chép được lưu truyền trong Hội Thánh, nhưng không có sự xác nhận của các giám mục và các trưởng lão.

Sứ Đồ Phi-e-rơ

Phi-e-rơ và em của ông là Anh-rê, là hai sứ đồ đầu tiên được Đức Chúa Jesus gọi (Mác 1:16-18). Hai anh em Phi-e-rơ là người đánh cá xứ Ga-li-lê, quê ở thành Bết-sai-đa nhưng họ cư trú trong thành Ca-bê-na-um, một thành nằm bên bờ Biển Ga-li-lê. Tên trong tiếng Hê-bơ-rơ của Phi-e-rơ là Si-môn, có nghĩa là nghe. Đức Chúa Jesus đã đổi tên ông thành Sê-pha (G2786) trong tiếng A-ra-mai, có nghĩa là hòn đá hoặc giống như đá. Tên Sê-pha được dịch sang tiếng Hy-lạp là Phi-e-rơ.

Vì sự Đức Chúa Jesus đặt tên cho ông là Sê-pha, tức Phi-e-rơ, mà Giáo Hội Công Giáo cho rằng, lời phán của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Ma-thi-ơ 16:18, có nghĩa là Đức Chúa Jesus xây dựng Hội Thánh của Ngài trên Phi-e-rơ. Tuy nhiên, “vầng đá” (G4073 – petra) mà Đức Chúa Jesus sẽ xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó không phải là “hòn đá” (G4074 – petro).

Danh từ “vầng đá” (petra) là một danh từ chung, giống cái, được dùng để chỉ một khối đá lớn.

Danh từ “hòn đá” (petro), tên của Phi-e-rơ, là một danh từ riêng, giống đực, được dùng để chỉ hòn đá hoặc tính chất rắn như đá.

Một vầng đá hay một khối đá có thể dùng làm nền trong việc xây dựng nhưng một hòn đá thì không thể dùng làm nền.

Nhưng Ta cũng phán với ngươi rằng, ngươi là Phi-e-rơ (G4074 – petro), và trên vầng đá (G4073 – petra) này Ta sẽ lập Hội Thánh của Ta. Các cửa của âm phủ sẽ chẳng thắng được nó.” (Ma-thi-ơ 16:18).

Vầng đá” trong lời phán của Đức Chúa Jesus tiêu biểu cho đức tin của Phi-e-rơ, qua lời tuyên xưng của ông: “Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống!” Đức Chúa Jesus xây dựng Hội Thánh của Ngài trên lẽ thật mà Phi-e-rơ công bố và trên đức tin của những ai công nhận lẽ thật ấy. Nếu danh từ “vầng đá” đó chỉ về người thì chỉ có thể chỉ về Đức Chúa Jesus, không thể chỉ về Phi-e-rơ. Vì Đức Chúa Jesus là người trọn vẹn duy nhất để làm nền tảng cho Hội Thánh; và vì Ngài phải đổ máu để cứu chuộc Hội Thánh. Thánh Kinh cũng không bao giờ nói Phi-e-rơ là nền của Hội Thánh mà chỉ nói Đấng Christ là nền của Hội Thánh. Lời Chúa ghi rõ:

Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập. Nền ấy là Đức Chúa Jesus Christ.” (I Cô-rinh-tô 3:11).

Phi-e-rơ là người có tính nóng nảy và bốc đồng, nhưng cũng gan dạ. Khi quân lính của Đền Thờ vào vườn Ghết-sê-ma-nê bắt Chúa, ông đã rút gươm ra, chém đứt lỗ tai một người tôi tớ của thầy tế lễ thượng phẩm. Chỉ sau khi ông thấy Chúa xuôi tay, chịu bị bắt thì ông mới hoang mang và chối, không nhận là biết Ngài. Nhưng ông vẫn đi theo đám lính bắt Chúa. Về mặt kỹ thuật, sự Phi-e-rơ chối Chúa ba lần đúng là ông nói lời chối Chúa [1]. Nhưng xét về tinh thần thì đó không phải là ông cố ý chối Chúa. Ông chỉ dùng lời nói dối với loài người để tránh thiệt hại bản thân, để có thể tiếp tục theo dõi sự việc xảy ra cho Chúa. Nhưng dù là chối Chúa hay nói dối thì Phi-e-rơ cũng đều phạm tội, và ông đã rất đau lòng về sự phạm tội của mình.

Phi-e-rơ là một trong ba môn đồ thân cận nhất của Đức Chúa Jesus, hai người kia là Gia-cơ và Giăng.

Phi-e-rơ là người đầu tiên được Đức Chúa Jesus giao cho nhiệm vụ chăn dắt Hội Thánh của Chúa, sau khi Ngài phục sinh. Khi Hội Thánh được thành lập tại Giê-ru-sa-lem thì Phi-e-rơ là người lãnh đạo Hội thánh sơ khai. Ông cũng lãnh đạo các sứ đồ khác trong việc rao giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương trong xứ Giu-đê. Ông cũng là người viết hai sách trong Thánh Kinh, là I Phi-e-rơ và II Phi-e-rơ.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Phi-e-rơ bị đóng đinh tại thành Rô-ma vào năm 64 hoặc năm 68, trong cơn Hoàng Đế Nê-rô của La-mã bách hại Hội Thánh. Theo chúng tôi nhận định thì năm 68 hợp lý hơn, vì đó là lúc sự bách hại lên đến cực điểm. Có lẽ Phi-e-rơ tử Đạo trước Phao-lô không bao lâu. Phi-e-rơ đã xin được đóng đinh ngược đầu vì ông thấy mình không xứng đáng bị đóng đinh như Chúa.

Theo một truyền thuyết, khi cơn bách hại xảy ra đến hồi khốc liệt, Phi-e-rơ đang trên đường rời thành Rô-ma thì nhìn thấy Đức Chúa Jesus đang đi vào thành. Ông đã ngạc nhiên hỏi Chúa: “Lạy Chúa! Ngài đi đâu vậy?” Chúa đã đáp lời ông: “Ta đi trở lại thành Rô-ma để chịu bị đóng đinh lần nữa.” Vì thế, Phi-e-rơ đã quay trở lại thành Rô-ma, chịu bị bắt, và chịu bị đóng đinh. Ngày nay, có một nhà nguyện nhỏ được xây dựng ở địa điểm mà người ta tin rằng, Phi-e-rơ đã nhìn thấy Đức Chúa Jesus đi vào thành Rô-ma. Tên của nhà nguyện ấy là “Nhà Nguyện Lạy Chúa! Ngài đi đâu vậy?” [2].

Sứ Đồ Anh-rê

Anh-rê là em của Phi-e-rơ và ông cũng là một người đánh cá xứ Ga-li-lê. Tên Anh-rê có nghĩa là nam tính hoặc dũng cảm, trong tiếng Hy-lạp. Ông là người đầu tiên xưng nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ.

Anh-rê là một người theo Đức Chúa Jesus một cách nhiệt thành. Ông vốn là một môn đồ của Giăng Báp-tít. Ông và một môn đồ khác của Giăng Báp-tít nghe theo lời giới thiệu của Giăng Báp-tít, đến gặp Đức Chúa Jesus và ở lại trò chuyện với Ngài. Sau đó, Anh-rê đã đem Phi-e-rơ đến giới thiệu với Đức Chúa Jesus, và cả hai anh em đều đi theo Ngài. Vì thế, Anh-rê được xem là môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus.

Theo sử liệu của Hội Thánh tại Ukraine thì Sứ Đồ Anh-rê là người rao giảng Tin Lành dọc theo bờ Địa Trung Hải và Hắc Hải. Ông từng rao giảng trên các vùng đất thuộc lãnh thổ Nga và Ukraine ngày nay. Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Chính Thống Ukraine xem Anh-rê là sứ đồ đem Tin Lành đến cho người Nga và người Ukraine.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Anh-rê bị đóng đinh vào năm 60 tại thành Ba-trác (Patras), xứ A-chai. Theo một truyền thuyết, Anh-rê nói rằng, ông không xứng đáng bị đóng đinh theo cách Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh nên ông đã xin được đóng đinh trên một giá gỗ hình chữ X. Cũng theo truyền thuyết, phải qua nhiều ngày Anh-rê mới chết. Trong khi bị đóng đinh trên cây gỗ, ông vẫn cứ rao giảng Tin Lành.

Sứ Đồ Gia-cơ

Gia-cơ và Giăng là hai anh em, con của Xê-bê-đê. Họ cũng là người đánh cá xứ Ga-li-lê, là bạn thân của Phi-e-rơ và Anh-rê. Tên Gia-cơ trong tiếng Hy-lạp là phiên âm của tên Gia-cốp trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là người nắm gót, vì Gia-cốp là anh em song sinh với Ê-sau, khi được sinh ra thì tay của ông nắm lấy gót chân của anh mình. Gia-cơ còn được gọi là “Gia-cơ lớn” để phân biệt với Gia-cơ con của A-phê. Chữ “lớn” có thể chỉ về sự lớn tuổi hơn hoặc có vóc dáng to lớn hơn.

Mẹ của Gia-cơ và Giăng là Sa-lô-mê, cũng là chị của Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus. Và như vậy, Gia-cơ và Giăng là anh em bạn dì với Đức Chúa Jesus. Có lẽ vì mối quan hệ ấy mà mẹ của hai ông cùng hai ông đã xin Chúa cho hai ông được ở bên phải và bên trái Chúa, trong vương quốc của Ngài. Sự kiện này khiến cho mười sứ đồ khác giận họ (Ma-thi-ơ 20:20-28).

Cả Gia-cơ và Giăng đều có tính nóng nảy và được Đức Chúa Jesus đặt cho biệt danh là “Bô-a-nẹt” có nghĩa là các con trai của sấm sét. Có một lần dân trong một làng Sa-ma-ri không tiếp đón Chúa, hai ông đã hỏi Chúa có muốn hai ông khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng (Lu-ca 9:54). Sự kiện này nói lên tính nóng nảy của hai ông nhưng cũng nói lên đức tin của hai ông về thẩm quyền mà hai ông có thể có trong Chúa.

Cùng với Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng là ba sứ đồ thân cận với Đức Chúa Jesus nhất và được có mặt trong ba trường hợp đặc biệt mà các sứ đồ khác không có mặt. Đó là có mặt trong lúc Đức Chúa Jesus gọi con gái của Giai-ru sống lại; có mặt trong sự Chúa hóa hình trong vinh quang, khi Ê-li cùng Môi-se hiện ra, trò chuyện với Ngài; và có mặt trong khi Đức Chúa Jesus cầu nguyện khẩn thiết trong vườn Ghết-sê-ma-nê.

Gia-cơ là người đầu tiên trong số mười hai sứ đồ bị giết chết. Ông bị Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất giết vào năm 44 (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1-2).

Sứ Đồ Giăng

Tên Giăng được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, có nghĩa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng ban cho cách rời rộng. Ông là sứ đồ trẻ tuổi nhất trong mười hai sứ đồ ban đầu của Đức Chúa Jesus và là môn đồ được Đức Chúa Jesus yêu nhất trong các môn đồ của Ngài.

Theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì Giăng chính là một môn đồ khác của Giăng Báp-tít, cùng Anh-rê đến gặp Đức Chúa Jesus và ở lại trò chuyện với Ngài. Giăng là sứ đồ sống lâu nhất trong các sứ đồ và không tử Đạo, dù ông có thời gian bị tù vì đức tin, trên đảo Bát-mô. Đó là nơi ông được Đức Chúa Jesus ban cho khải tượng để viết sách Khải Huyền. Ông cũng là người viết sách Tin Lành Giăng và ba thư I Giăng, II Giăng, III Giăng.

Sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, Giăng thường đi chung với Phi-e-rơ. Ông có mặt bên Phi-e-rơ khi người què được chữa lành tại Cửa Đẹp của Đền Thờ. Ông bị lính Đền Thờ bắt nhốt tù cùng với Phi-e-rơ. Ông cùng với Phi-e-rơ đi thăm con dân Chúa tại Sa-ma-ri. Sứ Đồ Phao-lô nhắc đến Phi-e-rơ, Gia-cơ em Chúa, và Giăng là cột trụ trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Đó là ba người công nhận chức vụ sứ đồ của Phao-lô và Ba-na-ba (Ga-la-ti 2:9).

Trong sách Tin Lành Giăng, có năm lần nhắc đến Sứ Đồ Giăng là người được Chúa yêu.

  • Giăng 13:23 “người mà Đức Chúa Jesus yêu”.

  • Giăng 19:26 “môn đồ Ngài yêu”. Nhờ câu này mà chúng ta biết, người Chúa yêu chính là Sứ Đồ Giăng.

  • Giăng 20:2 “người Đức Chúa Jesus yêu”.

  • Giăng 21:7 “môn đồ mà Đức Chúa Jesus yêu”.

  • Giăng 21:20 “môn đồ mà Đức Chúa Jesus yêu”.

Chúng ta không biết vì lý do gì Chúa yêu Giăng hơn những môn đồ khác. Có thể vì ông là người nhỏ tuổi nhất. Có thể vì ông thể hiện tình yêu của ông dành cho Chúa nhiều hơn những người khác. Có thể là ông thường xuyên chuyện trò với Chúa hơn những môn đồ khác. Điều chắc chắn là ông rất quấn quít, thân mật với Chúa, đến nỗi trong bữa ăn cuối cùng với Chúa, ông đã dựa người vào ngực Chúa. Khi Chúa bị bắt, ông đã theo Chúa vào tận trong sân nhà của thầy tế lễ thượng phẩm. Khi Chúa bị đóng đinh, ông đã dìu mẹ Chúa đến bên chân thập tự giá. Khi hay tin Chúa sống lại, ông đã cùng Phi-e-rơ chạy đến nơi mộ phần của Chúa.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Giăng đã đưa bà Ma-ri, mẹ Chúa, về Ê-phê-sô sống, trong cơn bách hại Đạo Chúa do Vua Hê-rốt dấy lên tại Giê-ru-sa-lem vào năm 41 đến 44. Đó cũng là cơn bách hại khiến cho các sứ đồ của Chúa phải ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, phân tán đi khắp nơi trên lãnh thổ của đế quốc La-mã thời bấy giờ.

Sách Tin Lành Giăng và sách Khải Huyền do Giăng viết là hai sách quan trọng trong Tân Ước. Sách Tin Lành Giăng công bố thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và sách Khải Huyền công bố về Kỳ Tận Thế, Vương Quốc Ngàn Năm, trời mới đất mới và Vương Quốc Đời Đời. Sách Tin Lành Giăng giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị. Sách Khải Huyền giúp cho chúng ta biết mục đích cuối cùng của Thiên Chúa dành cho muôn loài, đặc biệt là cho loài người.

Theo sử liệu của Hội Thánh, Giăng qua đời tại Ê-phê-sô vì tuổi già, vào năm 100.

Sứ Đồ Phi-líp

Phi-líp là người đồng hương với Phi-e-rơ và Anh-rê. Ông được Đức Chúa Jesus gọi ông theo Ngài (Giăng 1:43). Ông là người đã giới thiệu Na-tha-na-ên, tức Ba-thô-lê-mi cho Đức Chúa Jesus (Giăng 1:45-46). Tên Phi-líp trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là người yêu thích ngựa. Phi-líp sứ đồ khác với Phi-líp chấp sự, người rao giảng Tin Lành tại Sa-ma-ri.

Phi-líp quen biết nhiều người Hy-lạp và một số người Hy-lạp đã nhờ ông giới thiệu họ với Đức Chúa Jesus. Phi-líp đã nói với Anh-rê và hai ông cùng đưa những người Hy-lạp ấy đến gặp Chúa (Giăng 12:20-22). Phi-líp cũng là người được Đức Chúa Jesus hỏi, làm thế nào để mua bánh cho hơn 5.000 người ăn (Giăng 6:5). Trong đêm Đức Chúa Jesus bị bắt, Phi-líp là người xin Ngài chỉ Đức Chúa Trời cho các môn đồ của Chúa (Giăng 14:8), bởi đó, Đức Chúa Jesus đã dạy cho các môn đồ về sự hiệp một giữa Ngài và Đức Chúa Trời.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì sau khi ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem để tránh cơn bách hại, Sứ Đồ Phi-líp đã cùng Ba-thô-lê-mi rao giảng Tin Lành trong các xứ Hy-lạp, Phi-ri-gi, và Si-ri.

Cũng theo sử liệu của Hội Thánh, Phi-líp và Ba-thô-lê-mi cùng bị đóng đinh ngược đầu tại thành Hi-ê-ra-bô-li, xứ Tiểu Á, vào năm 80. Vì hai ông đã giảng Tin Lành cho vợ của thống đốc xứ Tiểu Á, và bà đã tin Chúa nên thống đốc ra lệnh đóng đinh hai ông. Trong khi bị đóng đinh, Phi-líp vẫn rao giảng, khiến dân chúng động lòng, thả hai ông ra. Nhưng Phi-líp yêu cầu họ chỉ thả Ba-thô-lê-mi. Còn Phi-líp thì chịu chết trên thập tự giá.

Sứ Đồ Ba-thô-lê-mi

Ba-thô-lê-mi còn được gọi là Na-tha-na-ên và do Phi-líp giới thiệu ông với Đức Chúa Jesus (Giăng 1:45). Tên Ba-thô-lê-mi là tên được phiên âm từ tiếng A-ra-mai sang tiếng Hy-lạp, có nghĩa là con trai của những luống cày. Tên Na-tha-na-ên được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, có nghĩa là sự ban cho của Thiên Chúa.

Ba-thô-lê-mi là người nói câu: “Có thể nào có vật gì tốt là từ Na-xa-rét”, khi ông được nghe Phi-líp nói, Đức Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a và là người Na-xa-rét. Ba-thô-lê-mi là một người có đức tin mạnh mẽ. Ông đã tin Đức Chúa Jesus ngay lập tức, khi Ngài nói về ông rằng: “Kìa, một người I-sơ-ra-ên thật, trong người không có sự gian trá” (Giăng 1:47).

Theo sử liệu của Hội Thánh, Ba-thô-lê-mi cùng Phi-líp rao giảng Tin Lành trong vùng Tiểu Á. Sau đó, ông một mình đến Bạt-thê, Li-cao-ni, Ê-thi-ô-bi, và Mê-sô-bô-ta-mi rao giảng Tin Lành. Sau cùng, ông đã đến giảng Tin Lành tại Ấn-độ và các vùng Đông Âu.

Theo một truyền thuyết, Ba-thô-lê-mi đã bị lóc thịt và chặt đầu tại Ấn-độ.

Sứ Đồ Ma-thi-ơ

Ma-thi-ơ, còn gọi là Lê-vi, là một người thu thuế, trước khi được Đức Chúa Jesus kêu gọi theo Ngài. Tên Ma-thi-ơ trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là sự ban cho của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ông là người viết sách Tin Lành Ma-thi-ơ. Ông tự thuật lại sự Đức Chúa Jesus gọi ông theo Ngài và ông đã đãi tiệc Ngài, trong Ma-thi-ơ 9:9-13.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Ma-thi-ơ rao giảng Tin Lành trong xứ Giu-đê, trước khi đến rao giảng Tin Lành tại Ê-thi-ô-bi. Ông bị đâm bằng giáo, tử Đạo tại Ê-thi-ô-bi, vào năm 60.

Sứ Đồ Thô-ma

Thánh Kinh không cho biết Thô-ma theo Chúa vào lúc nào. Tên Thô-ma được phiên âm từ tiếng A-ra-mai sang tiếng Hy-lạp, có nghĩa là sinh đôi. Thô-ma được cho là người cứng cỏi và hoài nghi, qua câu nói nổi tiếng: “Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin” (Giăng 20:25). Câu nói với ba chữ “nếu” này đã khiến cho những đời sau dùng tên Thô-ma để gọi những người có tính hoài nghi.

Tám ngày, sau khi Thô-ma nói câu nói đó, một lần nữa Đức Chúa Jesus lại hiện ra với các môn đồ, và phán với Thô-ma rằng: “Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay Ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn Ta, chớ cứng lòng, nhưng hãy tin.” Thô-ma đã vội thưa với Chúa: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” (Giăng 20:27-28). Thô-ma là môn đồ và cũng là sứ đồ đầu tiên gọi Đức Chúa Jesus bằng danh xưng “Đức Chúa Trời”, là danh Đức Chúa Trời đã ban cho Đức Chúa Jesus (Giăng 17:11-12; Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Theo sử liệu của Hội Thánh, vào năm 52, Thô-ma đã đến tận miền nam Ấn-độ và cả Sri Lanka để rao giảng Tin Lành. Theo sử liệu của Hội Thánh tại Si-ri, Thô-ma đã bị đâm chết bằng giáo vào ngày 3 tháng 7 năm 72, tại thủ đô Chennai của bang Tamil Nadu, xứ Ấn-độ.

Sứ Đồ Gia-cơ, con của A-phê

Gia-cơ con của A-phê không được đề cập nhiều trong Thánh Kinh. Vì có nhiều người cùng mang tên Gia-cơ trong các môn đồ của Chúa nên ông được gọi là “Gia-cơ con của A-phê” để dễ phân biệt. Ông còn được gọi là “Gia-cơ nhỏ” (Mác 15:40) để phân biệt với Gia-cơ con của Xê-bê-đê có biệt danh “Gia-cơ lớn”.

Vì Ma-thi-ơ cũng là con của A-phê nên rất có thể Ma-thi-ơ và Gia-cơ nhỏ là anh em ruột. Nhưng cũng có thể cha của hai người có trùng tên A-phê.

Theo Sử Gia Giô-se-phớt (Josephus), ông bị ném đá chết vào năm 62, tại Giê-ru-sa-lem.

Sứ Đồ Tha-đê

Tha-đê còn được gọi là Lép-bê, hoặc Giu-đa con của Gia-cơ. Thánh Kinh cũng không nói gì nhiều về ông. Tên Tha-đê trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là có lòng đại lượng hoặc can đảm. Tên Lép-bê trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là người có lòng tốt. Giu-đa được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, có nghĩa là lễ mừng.

Sử liệu của Hội Thánh cho biết, ông giảng Tin Lành trong các xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, I-đu-mê, Si-ri, Mê-sô-bô-ta-mi, và Li-băng (Lebanon). Ông bị chém chết bằng búa tại Bê-rút, xứ Li-băng vào năm 65, cùng với Sứ Đồ Si-môn Xê-lốt.

Sứ Đồ Si-môn Xê-lốt

Si-môn Xê-lốt là người theo đảng Xê-lốt, một đảng kháng chiến của người I-sơ-ra-ên chống lại đế quốc La-mã. Xê-lốt (G2208) có nghĩa là nhiệt tình.

Theo một số truyền thuyết thì có lẽ Si-môn Xê-lốt đã tử Đạo khi bị cưa hai tại Sa-ma-ri hoặc tại Phe-rơ-sơ. Nhưng theo sử liệu thì ông đã bị giết cùng lúc với Sứ Đồ Tha-đê vào năm 65, tại Li-băng.

Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt

Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là sứ đồ cuối cùng trong số mười hai sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus. Ích-ca-ri-ốt có nghĩa là người thuộc xứ Kê-ri-giốt (Kerioth). Ông cũng là người đã nhận 30 miếng bạc từ các thầy tế lễ và người Pha-ri-si để dẫn quân lính của Đền Thờ đến bắt Đức Chúa Jesus. Sự kiện đó đã dẫn đến sự Đức Chúa Jesus bị đóng đinh và chết trên cây thập tự. Sau khi Chúa chết, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã hối hận, đem 30 miếng bạc ném trả cho Tòa Công Luận và đi ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem, thắt cổ tự tử. Số tiền ấy đã được các thầy tế lễ dùng để mua một miếng đất làm nghĩa trang, chôn cất những xác chết không có người nhận.

Theo Sứ Đồ Giăng, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là người giữ túi tiền và đánh cắp tiền trong đó (Giăng 12:6; 13:29). Ma-thi-ơ cho biết, ông tự ý đến gặp và thỏa thuận với các thầy tế lễ để bán Chúa với giá 30 miếng bạc (Ma-thi-ơ 26:14-16). Như vậy, dù là môn đồ của Đức Chúa Jesus và được gọi làm sứ đồ, nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt vẫn sống trong tội.

Trong mười hai sứ đồ ban đầu của Đức Chúa Jesus, chỉ một mình Giu-đa Ích-ca-ri-ốt trở thành “đứa con của sự hư mất” (Giăng 17:12). Vì ông đã không hết lòng theo Chúa và sống cho Chúa.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/11/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] “Về mặt kỹ thuật” là một cách nói thường được sử dụng để mô tả một điều gì đó một cách chính xác. Nó cũng có thể được sử dụng để chỉ ra rằng, một tuyên bố là đúng theo một cách hiểu nghiêm ngặt về sự thật hoặc quy tắc, ngay cả khi điều đó có thể không phải là cách nhìn phổ biến hoặc thực tế nhất đối với tình huống.

[2] https://aprillovefordham.com/portfolio/saint-peters-vision-of-jesus-on-the-appian-way/

Karaoke Thánh Ca: “Con Mong Chờ Chúa Đến”
https://karaokethanhca.net/con-mong-cho-chua-den/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.