Chú Giải Ê-phê-sô 06:01-09

5,639 views

Chú Giải Ê-phê-sô 6:1-9
Bổn Phận Con Cái, Cha, Tôi Tớ, và Chủ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là phải.

2 Hãy tôn kính cha và mẹ của ngươi! Đó là điều răn thứ nhất với một lời hứa,

3 để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.

4 Hỡi những người làm cha! Chớ chọc giận con cái của mình; nhưng hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy chúng nó.

5 Hỡi những người làm tôi tớ! Hãy kính sợ mà vâng phục những người chủ của mình theo phần xác, trong sự thật thà của lòng mình, như đối với Đấng Christ.

6 Không phải làm cho thấy trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng như những tôi tớ của Đấng Christ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, từ trong lòng

7 lấy ý tốt mà phục vụ như cho Chúa chứ không phải cho loài người.

8 Hãy biết rằng, bất cứ điều lành nào một người làm, thì người ấy sẽ nhận được từ nơi Chúa, bất kể là người tự do hay nô lệ.

9 Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/65sp9qsynn0r8m1/9049060_Epheso_6_1-9.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDUyNzQzNjhf/9049060_Epheso_6_1-9.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049060-e-phe-so-6_1-9

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Tiếp theo lời dạy về bổn phận vợ chồng trong Ê-phê-sô 5:22-33, Đức Thánh Linh đã qua Sứ Đồ Phao-lô, tiếp tục dạy cho Hội Thánh về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, bổn phận của cha đối với con cái, bổn phận của tôi tớ đối với chủ, và bổn phận của chủ đối với tôi tớ. Qua những lời dạy dỗ này mà con dân Chúa biết rõ bổn phận của mình, tùy theo vị trí của mình, trong gia đình và xã hội.

1 Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là phải.

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời như đã ghi chép trong Cựu Ước và được Đức Chúa Jesus Christ nhắc lại trong Tân Ước, có thể chia làm ba phần:

  • Phần thứ nhất là bổn phận của một người đối với Thiên Chúa, bao gồm điều răn thứ nhất cho đến điều răn thứ ba.

  • Phần thứ nhì là bổn phận của một người cùng một lúc đối Thiên Chúa, bản thân của mình, những người khác, và các gia súc. Đó là điều răn thứ tư.

  • Phần thứ ba là bổn phận của một người đối với những người khác, bao gồm điều răn thứ năm cho đến điều răn thứ mười.

Điều răn đứng đầu trong phần thứ ba là điều răn về bổn phận của con cái đối với cha mẹ:

Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, để những ngày của ngươi được dài ra trên vùng đất mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi ban cho.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).

Mối quan hệ đầu tiên giữa loài người là mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ thứ nhì giữa loài người là mối quan hệ cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, kể từ sau A-đam và Ê-va, mối quan hệ cha mẹ và con cái là mối quan hệ đầu tiên một người được kinh nghiệm, và nó bắt đầu ngay từ khi một người được hình thành trong lòng mẹ.

Con cái là cơ nghiệp của Thiên Chúa ban cho cha mẹ:

Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà ra. Bông trái của tử cung là phần thưởng.” (Thi Thiên 127:3).

Cha mẹ được vui hưởng và có bổn phận quản lý cơ nghiệp do Thiên Chúa ban cho. Khi cơ nghiệp là con cái, thì cha mẹ có bổn phận nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái thành người biết tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Về phần con cái thì phải luôn vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì cha mẹ là thẩm quyền Chúa đặt để trên con cái để nuôi dạy con cái. Sự vâng phục được nói đến ở đây là vâng phục trong Chúa. Có nghĩa là: vâng phục những ý muốn nào của cha mẹ mà không nghịch lại Lời Chúa. Khi ý muốn của cha mẹ nghịch lại Lời Chúa thì: “thà vâng phục Thiên Chúa hơn là loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Sự vâng phục cha mẹ không phân biệt cha mẹ có tin Chúa hay không. Cho dù cha mẹ không tin Chúa nhưng nếu ý muốn của cha mẹ không nghịch lại Lời Chúa, thì con cái có bổn phận vâng phục. Chính sự vâng phục của con cái tin Chúa khiến cho cha mẹ không tin Chúa nhìn thấy sự tốt lành của người thuộc về Chúa.

Sự vâng phục cha mẹ kéo dài cho đến khi con cái lập gia đình. Khi đó, con trai trở thành người đứng đầu một gia đình mới, kết hiệp làm một với vợ mình; con gái kết hiệp với chồng mình và vâng phục chồng mình. Khi đó, người đàn ông có thể không vâng phục cha mẹ nếu ý muốn của cha mẹ không nghịch lại Lời Chúa nhưng không đem lại ích lợi cho vợ con của mình. Khi đó, người đàn bà phải đặt sự vâng phục chồng trước sự vâng phục cả cha mẹ ruột lẫn cha mẹ chồng, vì chồng là đầu của mình, và mình phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa.

2 Hãy tôn kính cha và mẹ của ngươi! Đó là điều răn thứ nhất với một lời hứa,

3 để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.

Sự vâng phục cha mẹ thể hiện lòng hiếu kính cha mẹ, tôn trọng thẩm quyền Chúa đặt để trên mình trong gia đình. Điều răn “hãy hiếu kính cha mẹ” là điều răn đứng đầu trong các điều răn về bổn phận của một người đối với những người khác và có kèm theo lời hứa được Thiên Chúa ban phước và cho sống lâu.

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12 chép:

Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, để những ngày của ngươi được dài ra trên vùng đất mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi ban cho.”

Nhưng Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:16 chép:

Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã truyền lệnh cho ngươi, để ngươi được sống lâu và được phước trên vùng đất mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi ban cho.”

Điều ấy giúp cho chúng ta hiểu: “những ngày của ngươi được dài ra trên vùng đất mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi ban cho” có nghĩa là được sống lâu và được phước trên vùng đất ấy.

Xưa nay biết bao nhiêu người mơ ước được sống lâu và thịnh vượng trong cuộc sống, nhưng lẽ thật là, chỉ cần một người thật lòng hiếu kính cha mẹ thì người ấy sẽ được Thiên Chúa ban phước trong cuộc sống và được sống lâu trong ơn phước của Ngài. Một người trong Chúa càng sống lâu thì càng có cơ hội hầu việc Chúa và tích trữ cho mình phần thưởng trên thiên đàng.

Có một số người nói rằng: Tôi không vâng phục Chúa để được ban thưởng! Tôi không tìm kiếm phần thưởng!

Người nào xem thường phần thưởng của Thiên Chúa thì ấy là người thiếu hiểu biết, không hiểu rõ ý nghĩa của sự được Chúa ban thưởng, dẫn đến sự xem thường sự ban thưởng của Chúa, lên mình kiêu ngạo. Phần thưởng của Chúa tiêu biểu cho sự Chúa hài lòng về nếp sống và tấm lòng của mình, và cũng là biểu hiện sự công bình và giàu có của Chúa. Phần thưởng của Chúa còn tiêu biểu cho giá trị sự hầu việc Chúa của mình. Muốn biết được giá trị sự hầu việc Chúa của mình trong đời này thì phải nhìn vào phần thưởng dành cho sự hầu việc ấy ở trên thiên đàng.

Một người cấy lúa thuê cho chủ ruộng thì nhận tiền công về sự lao động của mình, nhưng khi nhìn thấy đồng ruộng chín vàng những bông lúa mập mạnh và hiểu rằng số lúa ấy giúp cứu đói cho biết bao nhiêu người, thì sự nhận thức đó chính là phần thưởng cho sự lao động của người ấy.

Một ý nghĩa sâu nhiệm khác của điều răn thứ năm khi áp dụng vào mối quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và loài người là: Bởi sự hiếu kính Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời của chúng ta, thể hiện qua sự vâng phục các điều răn của Ngài, mà chúng ta sẽ nhận được đất trong trời mới đất mới cùng với sự sống đời đời trong hạnh phúc.

Người công bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời.” (Thi Thiên 37:29).

Nhận được đất và ở tại đó đời đời tức là sống đời đời trên vùng đất do Đức Chúa Trời ban cho người hiếu kính, vâng phục Ngài.

4 Hỡi những người làm cha! Chớ chọc giận con cái của mình; nhưng hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy chúng nó.

Mặc dù lời dạy trong câu này chỉ đề cập đến những người cha, nhưng sự dạy dỗ cũng áp dụng cho những người mẹ. Nếu người chồng là đầu của vợ không được chọc giận con cái thì vợ làm sao có thể chọc giận con cái? Động từ “chọc giận” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: khiêu khích khiến cho tức giận. Và như vậy, hàm ý cố tình làm cho tức giận. Có nhiều cách để chọc giận một người: thách thức, vu khống, sỉ nhục, thất hứa, dối trá, cư xử bất công… Làm cha mẹ mà chọc giận con cái là khiến cho con cái vấp phạm. Sự tổn thương đối với đứa trẻ sẽ rất lớn và để lại hậu quả lâu dài. Những người làm cha làm mẹ cần ghi nhớ hai câu Thánh Kinh sau đây:

Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, thì khi nó già, nó sẽ không lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6).

Nhưng, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ này, là người đã tin Ta, bị vấp phạm, thì tốt hơn cho người ấy là bị buộc một cối đá do lừa kéo vào cổ và người ấy bị chìm xuống đáy biển.” (Ma-thi-ơ 18:6).

Bậc cha mẹ phải dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa, tức là dùng Lời Chúa, mà nuôi dạy con cái; không theo ý riêng của mình, không theo ý riêng của ai khác. Con cái là cơ nghiệp Chúa giao vào trong tay của cha mẹ. Cha mẹ phải dùng Lời Chúa để quản lý cơ nghiệp ấy. Cha mẹ phải nghiêm khắc với con cái như chính Chúa nghiêm khắc với con dân của Ngài. Nghiêm khắc không có nghĩa là không yêu thương, không cảm thông, mà là biết sửa phạt khi cần. Cha mẹ không bao giờ nuông chìu con cái mà tập cho chúng thói xấu làm theo ý riêng, đòi hỏi theo ý riêng. Cha mẹ không thoả hiệp, không bỏ qua những sai trái của con cái. Lời Chúa dạy:

Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; nhưng ai yêu con thì tìm kiếm sự sửa trị nó.” (Châm Ngôn 13:24).

Chớ bỏ qua sự sửa phạt trẻ thơ. Dù con đánh nó bằng roi, nó sẽ chẳng chết đâu. Con sẽ đánh nó bằng roi, và con sẽ giải cứu linh hồn của nó khỏi âm phủ.” (Châm Ngôn 23:13-14).

Khi cha mẹ lỡ có lỗi với con cái thì phải lập tức nhận lỗi với con cái, không bao giờ viện lý lẽ chống chế, bỏ qua sự nhận lỗi và xin lỗi. Đó cũng chính là cơ hội dạy cho con cái biết nhận lỗi và xin lỗi khi có lỗi, cho dù là với người dưới quyền của mình.

Nếu chồng hay vợ của chúng ta không tin Chúa và có lỗi với con cái, thì chúng ta phải bênh vực lẽ phải, bênh vực sự công chính, nói ra sự sai trái của người ấy. Nếu người ấy không nhận lỗi thì chúng ta phải thay mặt cho người ấy xin lỗi con cái. Nếu sự sai trái cứ tiếp diễn thì hãy phân rẽ với người không tin Chúa.

Việc có chồng hay vợ không tin Chúa là vì đã kết hôn trước khi tin Chúa và sau khi tin Chúa thì người chồng hay vợ ấy vẫn muốn sống chung với chúng ta. Sự tiếp tục sống chung với người chồng hay vợ không tin Chúa là tự do lựa chọn của chúng ta mà Chúa cho phép. Chúa không buộc chúng ta phải tiếp tục sống với người chồng hay vợ không tin Chúa, nhất là với người bắt bớ đức tin của chúng ta hay cứ phạm tội làm ảnh hưởng đến con cái (I Cô-rinh-tô 7:12-16). Còn nếu chúng ta đã tin Chúa mà lại kết hôn với người không tin Chúa thì chúng ta vi phạm mệnh lệnh của Chúa và chúng ta sẽ gánh lấy hậu quả cho sự phạm tội của mình. Có người lý luận rằng, cứ kết hôn với người không tin Chúa rồi sẽ đưa dắt người ấy đến với Chúa. Nhưng mệnh lệnh của Chúa là: Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin! (II Cô-rinh-tô 6:14). Lý luận như vậy là tự cho mình khôn sáng và quyền năng hơn Chúa, xem thường Lời Chúa, là Lời mà Chúa đã làm cho tôn cao hơn danh của Chúa (Thi Thiên 138:2).

5 Hỡi những người làm tôi tớ! Hãy kính sợ mà vâng phục những người chủ của mình theo phần xác, trong sự thật thà của lòng mình, như đối với Đấng Christ.

Danh từ “tôi tớ” được dùng trong câu này trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là danh từ dùng để gọi nô lệ. Vào thời bấy giờ, nô lệ có thể là tù binh chiến tranh hoặc dân chúng của quốc gia thua trận bị bắt, hoặc người thiếu nợ không có tiền trả nợ bị chủ nợ bán làm nô lệ, hoặc người nghèo tự bán mình làm nô lệ để có tiền giúp cho gia đình. Tuy nhiên, sự dạy dỗ từ câu 5 đến câu 7 bao gồm cho tất cả những ai làm việc dưới quyền người khác.

Sự vâng phục của tôi tớ đối với chủ, cho dù chủ là người không tin Chúa, là vâng phục với lòng kính sợ và thật thà như vâng phục Đấng Christ. Danh từ “chủ” không giới hạn để chỉ người thực sự bỏ tiền ra thuê mướn chúng ta, mà bao gồm cả những người chủ giao quyền trông xem chúng ta làm việc, tức là cấp trên trực tiếp của chúng ta.

6 Không phải làm cho thấy trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng như những tôi tớ của Đấng Christ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, từ trong lòng

Trong nơi làm việc, chúng ta phải luôn thể hiện lòng tôn kính và vâng phục cấp trên một cách thật thà, không phải giả vờ để lấy lòng. Chúng ta làm việc với ý thức và tư cách của tôi tớ Đấng Christ đang hầu việc Đấng Christ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi năng lực của Đức Thánh Linh. Dù cấp trên có mặt hay không có mặt, chúng ta cũng đều gắng sức làm tròn phận sự của mình. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta bị chủ bốc lột, cấp trên đối xử bất công, bạn cùng làm việc ganh ghét… Khi gặp cảnh ngộ như vậy, chúng ta dâng trình lên Chúa, xin Chúa bênh vực mình và mở đường cho mình ra khỏi. Chúng ta có quyền nói lên lẽ phải nhưng phải giữ sự tôn kính với cấp trên.

7 lấy ý tốt mà phục vụ như cho Chúa chứ không phải cho loài người.

Ý tốt là ý muốn làm ra những sự tốt đẹp, ích lợi. Không riêng gì việc làm công lãnh lương, mà trong tất cả mọi việc làm của chúng ta, chúng ta cần làm với ý thức là mình đang hầu việc Chúa; Chúa đang dùng mình để mang phước đến cho người khác qua việc làm của mình. Thậm chí, ngay khi chúng ta làm việc gì đó cho chúng ta, nếu chúng ta làm với ý thức là chúng ta làm để phục vụ Chúa, thì chúng ta sẽ thấy lòng vui mừng, và được sức mới. Vì chúng ta đã thuộc về Chúa, thân thể chúng ta là đền thờ Thiên Chúa và là của lễ sống và thánh dâng lên Đức Chúa Trời, cho nên, mỗi một việc chúng ta làm ra cho chính mình, cũng chính là phục vụ Chúa.

Lời Chúa dạy chúng ta:

Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Vì thế, khi chúng ta phục vụ chủ, kể cả phục vụ khách hàng của chủ, chúng ta cũng phục vụ như phục vụ Chúa.

8 Hãy biết rằng, bất cứ điều lành nào một người làm, thì người ấy sẽ nhận được từ nơi Chúa, bất kể là người tự do hay nô lệ.

Cho dù giai cấp, địa vị, hoàn cảnh, khả năng, phương tiện… của chúng ta trong xã hội như thế nào, mỗi một việc chúng ta làm ra trong cuộc đời này, nếu là việc có ích lợi, gây dựng người khác (I Cô-rinh-tô 10:23), và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31) được chúng ta làm ra cách hết lòng, thì đó là điều lành. Mỗi một việc lành chúng ta làm ra đều là những việc mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10). Khi chúng ta làm ra những việc lành, là chúng ta bước đi trong những việc lành, tức là chúng ta sống trong những việc lành. Việc lành của chúng ta sẽ được Đức Chúa Jesus Christ trả công trong ngày Chúa trở lại để đem chúng ta vào thiên đàng:

Này, Ta đến mau chóng với tiền công của Ta, để trao cho mỗi người tùy theo việc làm của mỗi người.” (Khải Huyền 22:12).

Hãy ghi nhớ: Mỗi một việc chúng ta làm ra trong cuộc đời này, dù là làm cho chính mình, hay làm thuê, làm mướn lãnh lương, hay làm không công giúp người khác đều phải được làm bởi ý tốt và làm như làm cho Chúa. Giá trị của mỗi việc được làm như vậy tương đương với vàng, bạc, và đá quý được xây dựng trên nền đức tin của chúng ta (I Cô-rinh-tô 3:12-15).

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy làm công việc của Chúa cách dư dật luôn; vì biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (I Cô-rinh-tô 15:58).

Nhiều người lầm tưởng rằng, phải ở trong các chức vụ trong Hội Thánh thì mới là hầu việc Chúa, hoặc ít ra, phải giảng Tin Lành đưa dắt người khác đến với sự cứu rỗi thì mới là hầu việc Chúa. Nhưng thật ra, hầu việc Chúa là sống theo Lời Chúa mỗi ngày, là mỗi việc chúng ta làm ra đều bởi ý tốt và hết lòng mà làm như làm cho Chúa.

9 Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.

Danh từ “chủ” được dùng trong phân đoạn này cũng chính là danh từ được dịch là “Chúa” khi dùng cho Đấng Christ. Trong tiếng Hán Việt, “chủ” và “chúa” đều cùng một chữ. Vì thế, ngày thứ nhất trong tuần lễ còn gọi là “Chủ Nhật” hoặc “Chúa Nhật” tức là ngày đứng đầu các ngày trong tuần. Những người làm chủ, bao gồm những người được chủ giao quyền trông xem các tôi tớ hay các người làm công của chủ, có bổn phận đối xử với tôi tớ hay người làm công cùng một cách như tôi tớ và người làm công đối với chủ, đối với cấp trên. Phải tỏ lòng tôn kính và cư xử thật thà với mọi người. Nên nhớ, dù Thiên Chúa đặt ra các thẩm quyền trong xã hội, nhưng mọi người phải tôn kính lẫn nhau, vì mỗi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Đặc biệt là mỗi con dân Chúa là chi thể của cùng một thân. Có quyền trên người khác là có quyền để điều hành công việc chứ không phải có quyền để xem thường nhân phẩm của người dưới quyền mình.

Người làm chủ và cấp trên không nên dùng cách thức hăm dọa, tạo áp lực đối với tôi tớ và người làm công. Khi tôi tớ và người làm công có lỗi thì chủ và cấp trên nên từ tốn giải thích và hướng dẫn để họ tránh lỗi. Nếu cần phải kỷ luật thì ngay thẳng và công bình mà thi hành kỷ luật. Nhưng đừng chửi mắng, đừng hăm dọa. Vì như vậy là xúc phạm nhân phẩm của họ. Nhân phẩm là giá trị làm người do Thiên Chúa ban cho mỗi người. Ngài dựng nên loài người theo hình Ngài, theo tượng Ngài, để làm con của Ngài và hiệp một với Ngài; và đó chính là nhân phẩm.

Trên hết, toàn thể loài người có chung một Chủ, tức là một Chúa, ở trên trời là Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Đấng không tư vị bất cứ ai. Vì Ngài là công chính.

Nói tóm lại, trong các mối quan hệ: giữa vợ chồng với nhau, giữa con cái với cha mẹ và cha mẹ với con cái, giữa tôi tớ, người làm công với chủ, với cấp trên và ngược lại, nếu chúng ta làm theo Lời Chúa thì mọi sự trở nên tốt đẹp. Đó là:

Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thế ấy.” (Lu-ca 6:31).

Hãy cư xử với mọi người cùng một cách mà chúng ta muốn mọi người cư xử với chúng ta.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày, khiến chúng ta nên trọn vẹn như Cha kính yêu của chúng ta ở trên trời, và đem lại cho chúng ta sự thỏa lòng trong nếp sống mới của những người thuộc về Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/09/2016

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.