Chú Giải Phi-lê-môn 01-07 Tình Yêu và Đức Tin Trong Đấng Christ

6,681 views

905701 Chú Giải Phi-lê-môn 1-7
Tình Yêu và Đức Tin Trong Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzQxNzE5MV9TQkVBbQ
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/9057_chu-giai-thu-phi-le-mon

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzQxNzE5NV92S1lCSQ

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phi-lê-môn 1-7

1 Phao-lô, một người tù của Đức Chúa Jesus Christ, và Ti-mô-thê, một anh em cùng Cha của chúng ta, gửi cho Phi-lê-môn, là người yêu dấu và cùng làm việc với chúng tôi;

2 cùng gửi cho Áp-bi yêu dấu của chúng ta, và cho A-chíp, là bạn cùng đánh trận của chúng ta, và cho Hội Thánh trong nhà anh.

3 Nguyện ân điển đến với anh chị em cùng sự bình an từ Thiên Phụ chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ!

4 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, hằng ghi nhớ anh trong những lần cầu nguyện của tôi,

5 vì nghe nói về tình yêu và đức tin mà anh có đối với Đức Chúa Jesus và đối với mọi thánh đồ.

6 Nguyện sự thông công của đức tin anh đem lại hiệu nghiệm trong sự tri thức mỗi một sự tốt lành, là những sự ở trong các anh chị em, trong Đấng Christ Jesus.

7 Vì chúng tôi có niềm vui lớn và sự an ủi trong tình yêu của anh. Bởi vì lòng của những thánh đồ được vui thỏa nhờ anh, hỡi người anh em cùng Cha!


Thư Phi-lê-môn có một đặc điểm khác với các thư tín khác trong Thánh Kinh, đó là thư được viết cho một tín đồ trong Hội Thánh về một việc cá nhân, không liên quan đến các công việc trong Hội Thánh. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh đã dùng thư Phi-lê-môn để bày tỏ một lẽ thật vô cùng quan trọng về mối tương giao giữa con dân Chúa với nhau. Lẽ thật ấy là: Trong Hội Thánh của Chúa, dù có các chức vụ khác nhau, dù có các giai cấp xã hội khác nhau, dù có các trình độ hiểu biết khác nhau… nhưng mỗi người đều bình đẳng với nhau trước Chúa, và mỗi người phải yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu Hội Thánh.

Nội dung của thư Phi-lê-môn đã dùng một sự kiện thực tế để minh họa cho lẽ thật nói trên: Người chủ nô lệ và người nô lệ nếu cùng là con dân Chúa, thì họ là anh em trong Chúa, là chi thể của cùng một thân, có bổn phận yêu thương và tha thứ lẫn nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho Hội Thánh. Sự tha thứ trong tình yêu đòi hỏi người tha thứ phải đứng vào chỗ trách nhiệm của người có lỗi. Sự yêu thương thật là sẵn lòng hy sinh chính mình và những sự thuộc về mình, để nâng người mình yêu lên địa vị và giá trị mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy.

Chức vụ sứ đồ là chức vụ rất cao trọng trong Hội Thánh, thậm chí là chức vụ được Chúa dùng làm nền tảng cho Hội Thánh qua lời xác chứng của Đức Thánh Linh trong Ê-phê-sô 2:20 rằng, Hội Thánh:

“Đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.

Và, được minh hoạ bằng sự kiện thành thánh Giê-ru-sa-lem, tiêu biểu cho Hội Thánh, sẽ từ trời giáng xuống trên đất, tường thành có 12 nền làm bằng các loại đá quý với tên của 12 sứ đồ trên mỗi nền (Khải Huyền 21:14). Thế nhưng, Sứ Đồ Phao-lô đã đặt một người nô lệ vừa trở lại tin nhận Chúa ngang bằng với ông. Bởi vì:

Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:28).

Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả. (Cô-lô-se 3:11).

“Tại đây” tức là tại nhà của Đức Chúa Trời, Hội Thánh của Ngài. Người Si-the là các bộ tộc du mục rất hung bạo thuộc vùng Bắc Âu.

Khi học về thư Phi-lê-môn chúng ta không chỉ học về nội dung của lá thư, mà còn học về sự trái của Đức Thánh Linh thể hiện trong cuộc sống, qua sự cảm xúc, sự suy nghĩ, lời nói, việc làm, và cách thức cư xử của mỗi một con dân chân thật của Chúa, điển hình là Phao-lô.

Có người cho rằng, thư Phi-lê-môn cho thấy Phao-lô là người sành tâm lý, biết cách thuyết phục người khác làm theo ý mình. Nhận xét như vậy là sai. Một người dùng sự hiểu biết tâm lý để chọn cách thức cư xử, lấy lòng người khác là một kẻ giả hình. Lời Chúa dạy: Tình yêu không giả vờ; gớm ghét sự dữ; gắn bó với sự lành (Rô-ma 12:9). Điều ấy có nghĩa là, khi chúng ta thật sự yêu anh chị em của mình trong Chúa, thì tình yêu ấy sẽ thể hiện một cách tự nhiên. Còn việc dùng sự hiểu biết tâm lý để chọn cách thức cư xử, lấy lòng người khác là một sự dữ, mà con dân Chúa cần phải tránh. Chúng ta có thể dựa vào sự hiểu biết tâm lý để tránh sập bẫy kẻ thù, tránh tự đưa mình vào những sự cám dỗ. Nhưng lòng yêu thương phải là chân thật.

Sứ Đồ Phao-lô không giả vờ nâng người nô lệ Ô-nê-sim lên ngang bằng với ông. Ông thật sự xem Ô-nê-sim ngang bằng với ông, là một chi thể trong cùng một thân của Đức Chúa Jesus Christ như ông. Sứ Đồ Phao-lô không giả vờ nhận trách nhiệm về những lỗi lầm Ô-nê-sim đã gây ra cho Phi-lê-môn. Vì nếu ông không thật lòng, mà chỉ giả vờ, thì ông là kẻ nói dối.

Sự kiện thư Phi-lê-môn được Đức Thánh Linh gọi là Lời của Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta biết, từng câu, từng chữ trong thư là sự cảm xúc chân thành của Phao-lô. Và đó chính là kết quả của một tấm lòng chân thành đầu phục Chúa, luôn sống cho Chúa, và sẵn sàng chết cho Chúa. Chúng ta không thể bắt chước cách cư xử của Phao-lô, mà là, chúng ta bắt chước Phao-lô trong sự thật lòng đầu phục Chúa để sống cho Chúa, thì tự nhiên, chúng ta sẽ cư xử giống như Phao-lô. Trái của Đức Thánh Linh không phải là sự chúng ta muốn mà có; nhưng là kết quả của sự chúng ta thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, hoàn toàn tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

Lời Chào Thăm

1 Phao-lô, một người tù của Đức Chúa Jesus Christ, và Ti-mô-thê, một anh em cùng Cha của chúng ta, gửi cho Phi-lê-môn, là người yêu dấu và cùng làm việc với chúng tôi;

Phao-lô mở đầu lá thư bằng cách xưng tên của ông và nói ngay đến hoàn cảnh đang bị tù của ông. Ông xưng mình là “người tù của Đức Chúa Jesus Christ” là vì, bởi sự rao giảng Tin Lành của Ngài mà ông bị dân của ông bắt bớ, giao vào tay chính quyền La-mã. Tuy nhiên, trong chương trình của Chúa, Ngài đã chọn ông để rao giảng danh Ngài cho các bậc cầm quyền:

…người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên. Vì Ta sẽ tỏ ra cho người biết, người phải chịu biết bao đau đớn vì danh Ta. (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15-16).

Cho nên, cũng có thể nói là, Chúa bỏ tù ông để ông có thể ra mắt các thống đốc và vua của đế quốc La-mã, vua của người Do-thái, mà nói về danh Ngài; để những người ấy có cơ hội được nghe Tin Lành. Vì thế, danh hiệu “người tù của Đức Chúa Jesus Christ” có thể được hiểu là người bị ở tù vì rao truyền danh Chúa và cũng là người bị Chúa bỏ tù để có thể rao truyền danh Chúa cho các bậc cầm quyền.

Mặc dù Phao-lô là người viết thư nhưng ông ghi tên Ti-mô-thê là người cùng gửi thư với ông. Điều đó có nghĩa là, những gì ông trình bày tiếp theo đó, đã được ông trao đổi với Ti-mô-thê và Ti-mô-thê cũng cùng một tâm tình với ông.

Chúng ta đã biết, Ti-mô-thê là một thanh niên rất trẻ, tuổi đời có thể nhỏ hơn Phao-lô đến 40 năm, và là học trò của Phao-lô trong sự học hỏi và rao giảng Lời Chúa. Thế nhưng, Phao-lô đã thảo luận với Ti-mô-thê về những gì ông muốn viết cho Phi-lê-môn. Đó là sự khiêm nhường của Phao-lô. Ông muốn tìm kiếm ý kiến của người khác trong Hội Thánh về một nan đề. Đó cũng là sự Phao-lô tôn trọng mỗi người trong Hội Thánh, vì ông không xem thường Ti-mô-thê về tuổi đời, về sự hiểu biết Lời Chúa, hay về kinh nghiệm đi theo Chúa. Chính Phao-lô đã khuyên Ti-mô-thê:

Chớ để người ta khinh tuổi trẻ của con, nhưng con hãy làm gương cho những tín đồ trong lời nói, trong sự cư xử, trong tình yêu, trong thần trí, trong đức tin, trong sự tinh sạch. (I Ti-mô-thê 4:12).

Khi Phao-lô có sự đồng thuận của Ti-mô-thê, ông đã viết tên của Ti-mô-thê là người cùng gửi thư. Đó là sự ngay thẳng của Phao-lô. Ông gọi Ti-mô-thê là “một anh em cùng Cha của chúng ta”. Chữ chúng ta ở đây bao gồm tất cả mọi người trong Hội Thánh, và Phao-lô xem Ti-mô-thê là một anh em trong Hội Thánh.

Thư được viết và gửi cho trước hết là Phi-lê-môn, mà Phao-lô gọi là “người yêu dấu và cùng làm việc với chúng tôi”. Ông và Ti-mô-thê yêu quý Phi-lê-môn và Phi-lê-môn là một trong những người cùng hầu việc Chúa với Phao-lô và Ti-mô-thê trong công cuộc rao giảng Tin Lành cho các dân tộc không phải là người I-sơ-ra-ên, gây dựng Hội Thánh của Chúa tại Cô-lô-se.

Tên Phi-lê-môn có nghĩa là “người hôn”, hàm ý: người bày tỏ lòng yêu thương, quý mến. Theo sử liệu của Hội Thánh thì ông là giám mục của Hội Thánh tại Cô-lô-se. Vợ chồng ông cùng đứa con trai là một trưởng lão trong Hội Thánh, không chịu chối bỏ danh Chúa, nên đã bị Thống Đốc La-mã An-rốc-li (Androcles) ra lệnh ném đá chết trong cơn bách hại Tin Lành dưới thời Hoàng Đế Nê-rô.

Sự cùng làm việc của Phi-lê-môn được Phao-lô nói đến, chắc chắn bao gồm sự dâng hiến tiền bạc, của cải, công sức, thời gian… trong công cuộc rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh tại Cô-lô-se. Chỉ vài năm sau đó, là sự dâng hiến chính mạng sống của ông và vợ con ông cho danh của Đức Chúa Jesus Christ.

2 cùng gửi cho Áp-bi yêu dấu của chúng ta, và cho A-chíp, là bạn cùng đánh trận của chúng ta, và cho Hội Thánh trong nhà anh.

Cũng theo sử liệu của Hội Thánh, Áp-bi là vợ của Phi-lê-môn, còn A-chíp là con trai của Phi-lê-môn. A-chíp được đề cập trong Cô-lô-se 4:17. Phao-lô gọi A-chíp là bạn cùng đánh trận của chúng ta, hàm ý: A-chíp là một người hầu việc Chúa cách đắc lực trong công tác rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh.

Có nhiều con dân Chúa trong Hội Thánh không đáng để gọi là những người lính chiến của Đức Chúa Jesus Christ, nói chi là chịu khổ như những người lính giỏi của Ngài (II Ti-mô-thê 2:3). Bởi vì, họ lười biếng học Lời Chúa, lười biếng trong công tác rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh. Họ không ý thức được rằng, công tác rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh là nhiệm vụ Chúa giao cho mỗi con dân Chúa. Bản thân họ không quan tâm đến việc ăn thức ăn thuộc linh là “mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa”, nên họ èo uột, yếu đuối trong đức tin, thì làm sao mà có thể trở thành lính chiến cho Đức Chúa Jesus Christ? Lại có những người siêng năng đọc Lời Chúa và siêng năng nghe giảng, nhưng lại không làm theo sự dạy dỗ của Lời Chúa. Họ chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình (Gia-cơ 1:22). Họ cho rằng có sự hiểu biết Lời Chúa như vậy là đủ rồi. Họ không hề nghĩ rằng, một ngày kia, Chúa sẽ hỏi họ: “Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo những gì Ta phán? (Lu-ca 6:46).

Mệnh lệnh “hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta”, là mệnh lệnh rao giảng Tin Lành. Mệnh lệnh “báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi”, là mệnh lệnh gây dựng Hội Thánh của Chúa. Một ngày kia, mỗi một chúng ta sẽ phải trả lời trước Chúa về mọi ta-lâng Chúa ban cho chúng ta trong cuộc đời này. Chúng ta đã dùng chúng để làm gì trong công cuộc rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh? Chúng ta đã dùng chúng để rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh hay chúng ta đã dùng chúng để rao giảng những điều không có trong Thánh Kinh, không đúng với Thánh Kinh, để gây dựng các giáo hội?

Mặc dù thư Phi-lê-môn được viết để giải quyết một nan đề cá nhân, nhưng Phao-lô đã gửi chung cho mọi người trong gia đình của Phi-lê-môn, và cho cả Hội Thánh đang nhóm hiệp trong nhà ông. Bởi vì, nan đề cá nhân đó liên quan đến các thành viên trong gia đình của Phi-lê-môn, và chắc chắn đã được cả Hội Thánh biết. Ngoài ra, nếu Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim trở lại, thì Ô-nê-sim sẽ trở thành một thành viên trong Hội Thánh tại địa phương. Vì thế Hội Thánh cũng cần được biết về nội dung của lá thư. Đó là sự ân cần và chu đáo của Phao-lô.

3 Nguyện ân điển đến với anh chị em cùng sự bình an từ Thiên Phụ chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Sau lời chào thăm là lời chúc phước. Đây là lời chúc phước dành chung cho Hội Thánh đang nhóm tại nhà của Phi-lê-môn. Vì thế, đang từ đại danh từ số ít là “anh”, Phao-lô đã đổi sang đại danh từ số nhiều là “anh chị em”. Ân điển là ơn thương xót của Chúa dành cho những kẻ không xứng đáng để khiến họ trở nên giống như Ngài. Muốn được giống như Thiên Chúa thì phải được cứu ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi; rồi được tái sinh và đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa; kế tiếp là được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Trước khi chúng ta tin nhận Tin Lành thì chúng ta cần ân điển cứu rỗi. Sau khi chúng ta tin nhận Tin Lành thì chúng ta cần ân điển tái sinh và ân điển thánh hóa. Phao-lô đang chúc phước cho những người đã ở trong Hội Thánh, cho nên, lời chúc của ông hàm ý: sự thánh hóa tiếp tục đến với mỗi người trong Hội Thánh cùng với sự bình an đến từ Cha ở trên trời của chúng ta và đến từ Đức Chúa Jesus Christ. Vì sự Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta, xưng chúng ta là công chính, và quan phòng chúng ta mà chúng ta được bình an, không còn lo sợ về sự bị hư mất và không còn lo sợ về mọi nhu cầu trong cuộc sống. Vì sự Đức Chúa Jesus Christ ban thêm sức cho chúng ta mà chúng ta bình an trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống, trong mọi công tác Đức Chúa Trời giao phó cho chúng ta, tức là những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta. Bởi vì, qua Đấng Christ, chúng ta làm được mọi sự.

Đức Tin và Đức Tính của Phi-lê-môn

4 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, hằng ghi nhớ anh trong những lần cầu nguyện của tôi,

5 vì nghe nói về tình yêu và đức tin mà anh có đối với Đức Chúa Jesus và đối với mọi thánh đồ.

Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của tôi”, không phải vì ông muốn dành riêng lấy Đức Chúa Trời. Mà đó là lời gọi phát xuất từ tình yêu ông dành cho Đức Chúa Trời. Qua Đức Chúa Jesus Christ ông được hiểu biết về Đức Chúa Trời, hiểu biết Ngài yêu thương ông và sắm sẵn mọi sự tốt lành cho ông: Vào trong sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Cha, và của Đấng Christ (Cô-lô-se 2:2). Vì thế, ông vô cùng yêu kính Đức Chúa Trời. Mối quan hệ giữa ông với Đức Chúa Trời là mối quan hệ cá nhân giữa cha và con. Vì thế, ông gọi Ngài là “Thiên Phụ”, trong nguyên tác Hy-lạp là “Thiên Chúa Đức Cha”. Trong Rô-ma 1:8; Phi-líp 1:3; và 4:19, ông đều dùng cách gọi “Đức Chúa Trời của tôi”.

Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Trời vì ông nghe biết về tình yêu và đức tin của Phi-lê-môn đối với Đức Chúa Jesus và đối với tất cả anh chị em trong Hội Thánh chung. Dĩ nhiên, trong thời gian Phao-lô gần gũi, cùng hầu việc Chúa với Phi-lê-môn, thì Phao-lô đã biết được tình yêu và đức tin của Phi-lê-môn. Nhưng khi Phao-lô không còn ở bên cạnh Phi-lê-môn, thì ông vẫn nghe được tiếng tốt về tình yêu và đức tin của Phi-lê-môn, cho nên, Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Trời. Phao-lô dùng từ ngữ “mọi thánh đồ” để chỉ về Hội Thánh chung, chứ không phải chỉ riêng các thánh đồ tại Cô-lô-se. Điều đó có nghĩa là, tình yêu và đức tin của Phi-lê-môn chan hòa cho tất cả anh chị em trong Chúa, bất kể là họ thuộc về Hội Thánh địa phương nào.

Tình yêu và đức tin dành cho Đức Chúa Jesus là điều dễ hiểu và dễ có; nhưng tình yêu và đức tin dành cho mọi thánh đồ không phải là ai cũng hiểu và cũng có.

Đức Chúa Trời là tình yêu và ai không yêu thì không biết Đức Chúa Trời (I Giăng 4:8). Đức Chúa Trời yêu cả thế gian từ trước khi thế gian ăn năn tội và thờ phượng Ngài. Vì thế, chúng ta là con dân của Chúa, chúng ta cũng phải yêu mọi người trong thế gian. Chính Chúa phán bảo chúng ta phải yêu những kẻ lân cận như chính mình, cho dù trong số đó, có những kẻ thù nghịch chúng ta. Đối với anh chị em trong Hội Thánh, thì Chúa phán bảo chúng ta phải yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Chúa yêu chúng ta nên Ngài tha thứ cho chúng ta và trả giá cho mọi lỗi lầm của chúng ta. Ngài muốn chúng ta cũng yêu thương, tha thứ cho anh chị em trong Hội Thánh; và gánh chịu mọi thiệt hại anh chị em của mình đã gây ra. Chúa yêu chúng ta và ban cho chúng ta những điều tốt nhất của Ngài, ngay cả sự vinh quang của Ngài. Ngài muốn chúng ta cũng yêu lẫn nhau trong Hội Thánh và ban những điều tốt nhất cho nhau.

Đức tin của chúng ta không phải chỉ hướng về Chúa, mà còn là hướng về nhau, là tin về sự Chúa đã tái sinh người tin nhận Chúa, để đón nhận họ vào trong thân thể của Chúa, là Hội Thánh. Dĩ nhiên, sẽ có những kẻ giả bộ tin Chúa để lẻn vào trục lợi trong Hội Thánh; Đức Thánh Linh sẽ chỉ ra cho chúng ta biết những kẻ giả hình qua nếp sống của họ. Nhưng trước hết, khi một người đến với chúng ta, nói rằng họ thật lòng tin nhận Chúa, thì chúng ta lấy đức tin mà tiếp nhận họ:

“Che chở mọi sự; tin mọi sự; trông cậy mọi sự; chịu đựng mọi sự.” (I Cô-rinh-tô 13:7).

Phao-lô cũng cảm tạ Đức Chúa Trời vì ông biết rằng, với tình yêu và đức tin mà Phi-lê-môn dành cho mọi thánh đồ, thì Phi-lê-môn sẽ dễ dàng, thật lòng, tiếp nhận Ô-nê-sim, vì giờ đây, Ô-nê-sim là một anh em trong Chúa.

Phao-lô cũng luôn nhớ đến Phi-lê-môn trong sự cầu nguyện của ông. Sự con dân Chúa cầu thay cho nhau là điều Thánh Kinh dạy bảo:

Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ… (Ê-phê-sô 6:18).

Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người… (I Ti-mô-thê 2:1).

Chúng ta cầu thay cho nhau khi chúng ta biết được các nan đề và các nhu cầu của nhau. Chúng ta cầu thay cho nhau khi chúng ta nhớ và nghĩ đến nhau. Chúng ta cầu thay cho nhau khi cảm nhận được sự thúc giục của Đức Thánh Linh.

6 Nguyện sự thông công của đức tin anh đem lại hiệu nghiệm trong sự tri thức mỗi một sự tốt lành, là những sự ở trong các anh chị em, trong Đấng Christ Jesus.

“Sự thông công của đức tin” là sự thể hiện đức tin trong cuộc sống, từ lời nói, thái độ, đến việc làm khiến cho mọi người thấy được đức tin của mình và học theo mình. “Đem lại hiệu nghiệm” tức là làm cho có kết quả một cách rõ ràng. Phao-lô mong rằng, sự thể hiện đức tin của Phi-lê-môn trong đời sống sẽ tác động lên mọi người trong Hội Thánh, giúp cho mỗi người nhận biết mỗi một sự tốt lành mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong những người được dựng nên mới trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17).

Chúng ta để ý đến cách Phao-lô dùng các danh xưng của Chúa. Trong câu 1 và câu 3 ông dùng cách gọi: “Đức Chúa Jesus Christ” (trong nguyên ngữ Hy-lạp là: “Jesus Christ”, không có chữ “Chúa”). Đó là cách gọi để nhấn mạnh về phương diện Ngài là Đấng Cứu Rỗi được hứa từ trong Cựu Ước. Trong câu 5 ông dùng cách gọi: “Đức Chúa Jesus” (trong nguyên ngữ Hy-lạp là “Jesus”, không có chữ “Chúa”). Đó là cách gọi để nhấn mạnh về thân vị loài người của Ngài, như một người bạn. Trong câu 6 ông dùng cách gọi “Đấng Christ Jesus”. Đó là cách gọi để nhấn mạnh về chức vụ của Ngài. Vì chúng ta được dựng nên mới, được đổ đầy những sự tốt lành, là do sự chết chuộc tội của Chúa, cho nên, mỗi khi Phao-lô muốn nhấn mạnh đến thành quả của sự hy sinh của Chúa, thì ông đều dùng cách gọi “Đấng Christ” hoặc “Đấng Christ Jesus”.

7 Vì chúng tôi có niềm vui lớn và sự an ủi trong tình yêu của anh. Bởi vì lòng của những thánh đồ được vui thỏa nhờ anh, hỡi người anh em cùng Cha!

Lý do Phao-lô mong cho sự thể hiện đức tin của Phi-lê-môn đem lại nhiều thành quả tốt đẹp là bởi vì Phao-lô và những con dân khác của Chúa có được sự an ủi trong tình yêu của Phi-lê-môn. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, chỉ khi đức tin của chúng ta trong Chúa biến thành hành động, thì tình yêu của Chúa mới trở nên kết quả trọn vẹn trong chúng ta và khiến cho chúng ta yêu người khác như Chúa yêu chúng ta. Nói cách khác, đức tin là hạt giống, hành động thể hiện đức tin khiến cho đức tin được phát triển, và tình yêu là kết quả của đức tin. Nếu đức tin không thể hiện thành hành động, thì sẽ biến thành đức tin chết. Đức tin chết thì không cứu được ai:

Gia-cơ 2:14-17; 26

14 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, nếu ai nói mình có đức tin, nhưng không có các việc làm, thì có ích lợi gì chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng?

15 Nếu có anh em cùng Cha nào hoặc chị em cùng Cha nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống mỗi ngày,

16 mà một người trong các anh chị em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích lợi gì chăng?

17 Về đức tin, cũng vậy; nếu đức tin không có các việc làm, thì tự mình nó chết.

26 Thân xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có các việc làm thì cũng chết như vậy.

Câu: “Bởi vì lòng của những thánh đồ được vui thỏa nhờ anh, hỡi người anh em cùng Cha!” là một câu reo vui của Phao-lô, khi ông nghĩ đến thành quả đức tin của Phi-lê-môn. Có bao giờ lòng của chúng ta rộn ràng, reo vui, khi nhìn thấy đức tin của ai đó trong Hội Thánh tác động trên mọi người, đem lại kết quả tốt đẹp, khiến cho mọi người được hiểu biết mỗi một điều tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong mỗi chúng ta, trong Đức Chúa Jesus Christ, hay không?

Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được sự mầu nhiệm ấy khi trong Hội Thánh có người thể hiện đức tin trong cuộc sống và chính chúng ta cũng là người thể hiện đức tin trong cuộc sống. Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ. Mỗi chúng ta là một chi thể trong thân thể ấy. Đức tin như là dòng máu tuôn chảy đến từng chi thể và tình yêu như không khí và các chất bổ dưỡng ở trong máu, đem sự sống đến cho từng chi thể.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

15/11/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.