Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 26:01-32 Phao-lô Giảng cho Vua Ạc-ríp-ba

1,058 views

YouTube: https://youtu.be/kRi6TdI6z7A

44056 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 26:1-32
Phao-lô Giảng cho Vua Ạc-ríp-ba

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 26:1-32

1 Bấy giờ, Ạc-ríp-ba đã nói với Phao-lô: Ngươi được phép nói cho chính mình. Khi ấy, Phao-lô đã giơ tay ra để bào chữa cho mình:

2 Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Tôi nghĩ mình có phước lớn, vì hôm nay được bào chữa cho mình trước ngài về mọi điều tôi bị kiện bởi những người Do-thái.

3 Ngài là người tinh thông hơn hết, đã biết rõ mọi thói tục cũng như những sự tranh luận giữa dân Do-thái. Vậy, tôi xin ngài hãy nghe tôi cách nhẫn nại.

4 Thực tế, nếp sống của tôi xuyên suốt từ khi tuổi trẻ, từ lúc ban đầu, đã xảy ra giữa dân tôi, tại thành Giê-ru-sa-lem, nên mọi người Do-thái đều biết.

5 Họ biết tôi từ lúc ban đầu. Nếu họ muốn thì sẽ làm chứng rằng, tôi đã sống làm người Pha-ri-si, theo giáo phái nghiêm khắc nhất của tôn giáo chúng tôi.

6 Hiện nay, tôi đứng đây, bị phán xét, vì sự trông cậy lời hứa Đức Chúa Trời đã hứa cùng các tổ phụ.

7 Vì lời hứa ấy mười hai chi phái chúng tôi, trong sự sốt sắng, phụng sự ngày đêm, trông đợi lời hứa ấy đến. Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Vì sự trông cậy đó mà tôi bị những người Do-thái kiện cáo.

8 Có phải điều ấy được cho là không thể tin được bởi quý ngài, nếu Đức Chúa Trời làm sống lại những kẻ chết?

9 Thật, bởi vậy, chính mình tôi, tôi đã nghĩ rằng, nên làm nhiều cách để chống lại danh Jesus ở Na-xa-rét.

10 Tôi cũng đã làm sự ấy tại Giê-ru-sa-lem. Tôi đã nhận quyền từ các thầy tế lễ thượng phẩm, nhốt tù nhiều thánh đồ. Khi họ bị xử chết, tôi đã bỏ phiếu thuận.

11 Tôi đã thường trừng phạt họ trong mỗi nhà hội; bắt họ nói phạm thượng. Tôi cũng giận họ quá mà bách hại họ cho đến tận các thành ở xa.

12 Trong các sự ấy, tôi cũng đã đi tới Đa-mách với thẩm quyền và trọn sự ủy nhiệm từ các thầy tế lễ thượng phẩm.

13 Thưa vua! Giữa ban ngày, tôi đã thấy trên đường, ánh sáng từ trời hơn cả sự chói sáng của mặt trời, chiếu chung quanh tôi và những kẻ đi đường với tôi.

14 Hết thảy chúng tôi đã ngã xuống đất. Tôi đã nghe tiếng phán với tôi, phán bằng tiếng Hê-bơ-rơ rằng: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta? Khó cho ngươi khi đá vào những đòn xóc.

15 Tôi đã thưa: Lạy Chúa! Ngài là ai? Thì Ngài đã đáp rằng: Ta là Jesus mà ngươi bách hại.

16 Nhưng hãy trỗi dậy! Và đứng trên chân của ngươi. Vì Ta đã hiện ra với ngươi vì sự này: Lập ngươi làm người phục vụ và chứng nhân cho cả những sự ngươi đã thấy cùng những sự Ta sẽ hiện đến, tỏ ra cho ngươi.

17 Ta sẽ giải cứu ngươi khỏi dân này và các dân ngoại mà giờ đây Ta sai ngươi đến;

18 để mở mắt của họ, để chuyển họ từ sự tối tăm vào trong sự sáng láng, từ quyền lực của Sa-tan đến với Đức Chúa Trời, để họ nhận được sự tha tội và cơ nghiệp giữa những người được nên thánh bởi đức tin nơi Ta.

19 Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Từ đó, tôi đã chẳng không vâng phục khải tượng từ trời.

20 Nhưng trước hết, tôi đã bày tỏ cho những người tại Đa-mách, rồi Giê-ru-sa-lem và suốt cả khu vực của xứ Giu-đê, rồi các dân ngoại, rằng, hãy ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm những công việc xứng đáng với sự ăn năn.

21 Bởi các sự ấy, những người Do-thái đã bắt tôi trong Đền Thờ, định giết tôi.

22 Nhưng nhận được sự cứu giúp từ Đức Chúa Trời, tôi còn tới ngày nay, làm chứng cho những kẻ nhỏ và lớn, không nói những sự gì ngoài những sự các đấng tiên tri và Môi-se đã nói sẽ xảy đến.

23 Rằng, Đấng Christ chịu thương khó. Rằng, Ngài là sự sống lại trước nhất từ trong những kẻ chết, sẽ rao truyền sự sáng cho dân sự và các dân ngoại.

24 Người đang nói như vậy để bênh vực mình, thì Phê-tu đã lớn tiếng, nói: Hỡi Phao-lô! Ngươi bị lãng trí; ngươi học biết nhiều quá khiến ngươi thành điên cuồng.

25 Nhưng người đã nói: Thưa Phê-tu đáng kính! Tôi chẳng bị lãng trí, nhưng nói ra những lời của lẽ thật và của tâm trí tỉnh táo.

26 Vì vua biết về các sự này. Trước ngài, tôi cũng dạn dĩ nói, vì tôi tin rằng, chẳng điều nào của các sự này bị giấu kín khỏi ngài. Vì nó đã chẳng được làm trong góc kín. [“Làm trong góc” hàm ý, làm cách bí mật.]

27 Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Ngài tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết rằng, ngài tin.

28 Ạc-ríp-ba đã nói với Phao-lô rằng: Chỉ trong một chút, ngươi thuyết phục ta trở nên Cơ-đốc nhân! [“Cơ-đốc nhân” được phiên âm và dịch theo Hán Việt từ danh từ “Χριστιανός” /Christianos/ (G5546) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “người tin và vâng theo Đấng Christ”.]

29 Phao-lô đã nói: Tôi cầu xin Đức Chúa Trời, không những chỉ ngài, nhưng hết thảy những ai nghe tôi hôm nay, đều chỉ trong một chút và thật nhiều người trở nên như là tôi, ngoại trừ các xiềng xích này.

30 Khi người đã nói như vậy, vua, thống đốc, Bê-rê-nít, cùng những người đã ngồi với họ đã đứng dậy.

31 Khi họ đã lui ra, họ đã nói với nhau rằng: Người này chẳng làm gì đáng với sự chết hoặc đáng với sự xiềng xích.

32 Ạc-ríp-ba đã nói với Phê-tu: Người này có thể được trả tự do, nếu người chưa kêu nài đến Sê-sa.

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 26 ghi lại sự kiện Sứ Đồ Phao-lô được ra mắt Vua Ạc-ríp-ba để tự bào chữa và nhờ đó, ông đã có cơ hội giảng cho vua. Đó cũng là sự kiện đúc kết sự xét xử Phao-lô tại Sê-sa-rê để ông được giải đến thành Rô-ma, ra mắt hoàng đế La-mã, kêu nài về vụ án của ông.

Thời gian hai năm Phao-lô bị giam lỏng tại Sê-sa-rê vừa để ông được dưỡng sức, vừa để ông có cơ hội rao giảng cho con dân Chúa và dân chúng thành Sê-sa-rê, cùng hai thống đốc La-mã, các sĩ quan của họ, với Vua Ạc-ríp-ba và em gái của vua. Qua đó, chúng ta nhận biết rằng, trong mỗi nghịch cảnh Chúa cho phép xảy ra cho con dân Chúa thì đều để hoàn thành các mục đích mà Ngài đã định sẵn. Chúng ta không biết trong khoảng thời gian hai năm đó, có bao nhiêu con dân Chúa tại Sê-sa-rê đã được gây dựng đức tin bởi những lời giảng dạy của Phao-lô; có bao nhiêu người dân Sê-sa-rê và những người trong quân đội, trong chính quyền địa phương đã tin nhận Tin Lành, nhờ lời rao giảng của Phao-lô. Điều quan trọng là mọi ý muốn của Đức Chúa Trời qua Phao-lô được hoàn thành. Nguyện rằng, mọi ý muốn của Đức Chúa Trời qua mỗi chúng ta cũng được hoàn thành, cho dù chúng ta phải trải qua những cảnh ngộ khó khăn, nguy hiểm.

1 Bấy giờ, Ạc-ríp-ba đã nói với Phao-lô: Ngươi được phép nói cho chính mình. Khi ấy, Phao-lô đã giơ tay ra để bào chữa cho mình:

2 Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Tôi nghĩ mình có phước lớn, vì hôm nay được bào chữa cho mình trước ngài về mọi điều tôi bị kiện bởi những người Do-thái.

Vua Ạc-ríp-ba được Thống Đốc Phê-tu mời chủ tọa phiên tòa nên ông đã lên tiếng, cho phép Phao-lô tự bào chữa. Phao-lô đã giơ tay ra theo thói quen của những người nói trước công chúng vào thời ấy, để gợi sự chú ý của những người nghe, đồng thời cũng yêu cầu sự im lặng từ họ.

Phao-lô đã nghĩ và xưng nhận mình có phước lớn, vì được tự bào chữa trước Vua Ạc-ríp-ba về các lời của những người theo Do-thái Giáo đã kiện cáo ông. Phước là sự vui thỏa và có ích lợi được ban cho từ Thiên Chúa. Vậy, ý của Phao-lô là Thiên Chúa đã ban cho ông cơ hội được bào chữa trước Vua Ạc-ríp-ba, để ông được vui thỏa và có ích lợi. Đó cũng là phước cho Vua Ạc-ríp-ba, vì được nghe Phao-lô giảng Tin Lành. Ngoài ra, đó cũng là cơ hội để Phao-lô rao giảng về Đấng Christ cho vua và những người theo vua tham dự phiên tòa. Được rao giảng Tin Lành chính là một trong các phước lớn mà Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài. Tiếc thay, có nhiều con dân Chúa lại không nhận biết như vậy.

3 Ngài là người tinh thông hơn hết, đã biết rõ mọi thói tục cũng như những sự tranh luận giữa dân Do-thái. Vậy, tôi xin ngài hãy nghe tôi cách nhẫn nại.

Vua Ạc-ríp-ba là người I-sơ-ra-ên, có học, nên biết rất rõ về Thánh Kinh Cựu Ước, về những sự giảng dạy trong Do-thái Giáo, về những sự tranh cãi Thần học giữa các giáo phái trong Do-thái Giáo. Vì thế, Phao-lô nghĩ rằng, vua sẽ dễ dàng nghe, hiểu, và tiếp nhận các lời mà Phao-lô sẽ trình bày.

4 Thực tế, nếp sống của tôi xuyên suốt từ khi tuổi trẻ, từ lúc ban đầu, đã xảy ra giữa dân tôi, tại thành Giê-ru-sa-lem, nên mọi người Do-thái đều biết.

5 Họ biết tôi từ lúc ban đầu. Nếu họ muốn thì sẽ làm chứng rằng, tôi đã sống làm người Pha-ri-si, theo giáo phái nghiêm khắc nhất của tôn giáo chúng tôi.

Dù được sinh ra tại thành Tạt-sơ nhưng từ khi còn thơ ấu, Phao-lô đã được đưa về Giê-ru-sa-lem để được nuôi dưỡng và học Thánh Kinh với giáo sư Do-thái Giáo danh tiếng nhất thời bấy giờ là Ga-ma-li-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:3). Khi trưởng thành, ông từng là một thành viên của Tòa Công Luận. Vì thế, dân Giê-ru-sa-lem, và nhất là những kẻ kiện cáo ông đều biết rõ về ông, về nếp sống của ông. Ông là một người thuộc giáo phái Pha-ri-si, có nếp sống nghiêm khắc trong sự tin kính Chúa, vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, theo như đã chép trong Thánh Kinh Cựu Ước.

6 Hiện nay, tôi đứng đây, bị phán xét, vì sự trông cậy lời hứa Đức Chúa Trời đã hứa cùng các tổ phụ.

7 Vì lời hứa ấy mười hai chi phái chúng tôi, trong sự sốt sắng, phụng sự ngày đêm, trông đợi lời hứa ấy đến. Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Vì sự trông cậy đó mà tôi bị những người Do-thái kiện cáo.

Phao-lô đã khẳng định, ông bị đưa ra tòa không phải vì ông phạm luật pháp mà chỉ vì đức tin của ông vào lời hứa của Đức Chúa Trời đã hứa với các tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên. Danh từ “các tổ phụ” được dân I-sơ-ra-ên dùng để gọi chung: Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.

Lời hứa của Đức Chúa Trời với các tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên là lời hứa về Đấng Mê-si-a tức Đấng Christ, là Đấng sẽ đến để giải cứu và làm vua của dân I-sơ-ra-ên. Phao-lô liên kết lời hứa về sự đến của Đấng Christ với sự sống lại của Đấng Christ, để xác chứng, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ, và Ngài thật đã sống lại để ban sự sống cho những ai tin nhận Ngài.

Phao-lô cũng khẳng định là dân I-sơ-ra-ên trong mười hai chi phái đều ngày đêm trông đợi Đấng Christ, qua sự sốt sắng thờ phượng Thiên Chúa. Thế nhưng ông lại bị kiện cáo vì có cùng một đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, như những người I-sơ-ra-ên trong khắp mười hai chi phái.

8 Có phải điều ấy được cho là không thể tin được bởi quý ngài, nếu Đức Chúa Trời làm sống lại những kẻ chết?

Phao-lô đặt câu hỏi cho Vua Ạc-ríp-ba và cho cả những người đang có mặt, rằng, có phải sự Đức Chúa Trời làm sống lại những kẻ chết là điều không thể tin được đối với họ.

Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Ngài đã sáng tạo muôn loài từ không thành có thì việc làm sống lại những kẻ chết chẳng có gì là khó đối với Ngài. Tuy nhiên, có nhiều người tin Đức Chúa Trời nhưng lại không tin rằng, Ngài có thể và sẽ làm sống lại những kẻ chết. Điển hình là những người I-sơ-ra-ên thuộc giáo phái Sa-đu-sê.

9 Thật, bởi vậy, chính mình tôi, tôi đã nghĩ rằng, nên làm nhiều cách để chống lại danh Jesus ở Na-xa-rét.

Ngay bản thân Phao-lô là một người Pha-ri-si, tin Đức Chúa Trời và tin sự sống lại của những kẻ chết, nhưng khi đối diện với câu chuyện sống lại của Đức Chúa Jesus thì ông đã không tin. Chính vì không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ và đã sống lại từ trong những kẻ chết mà Phao-lô đã sốt sắng ra tay bách hại những người tin nhận Đức Chúa Jesus.

Làm nhiều cách để chống lại danh Jesus bao gồm sự không cho phép rao giảng về danh Jesus, không cho phép tin nhận danh Jesus, buộc phải nói phạm thượng danh Jesus. Những ai rao giảng, tin nhận, và không chịu nói phạm thượng danh Jesus thì sẽ bị đánh đập, bị bỏ tù, thậm chí bị giết chết.

10 Tôi cũng đã làm sự ấy tại Giê-ru-sa-lem. Tôi đã nhận quyền từ các thầy tế lễ thượng phẩm, nhốt tù nhiều thánh đồ. Khi họ bị xử chết, tôi đã bỏ phiếu thuận.

11 Tôi đã thường trừng phạt họ trong mỗi nhà hội; bắt họ nói phạm thượng. Tôi cũng giận họ quá mà bách hại họ cho đến tận các thành ở xa.

Phao-lô đã trước hết làm ra các hành động chống lại danh Jesus tại thành Giê-ru-sa-lem; rồi sau đó là tại các thành ở xa Giê-ru-sa-lem. Ngay tại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã là người giữ áo cho mấy kẻ làm chứng dối và ném đá Chấp Sự Ê-tiên.

Phao-lô nói rõ, ông rất giận các môn đồ của Chúa. Có lẽ điều khiến cho Phao-lô giận các môn đồ của Chúa là vì họ đã xưng nhận một người làm Đấng Christ mà theo ông, người ấy có lý lịch quá bình thường. Phao-lô trông đợi Đấng Christ theo lời hứa trong Thánh Kinh Cựu Ước nhưng ông cũng như nhiều người I-sơ-ra-ên nghĩ rằng, Ngài phải được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng Vua Đa-vít, danh tiếng, giàu có. Đối với Phao-lô và phần lớn những người I-sơ-ra-ên, gọi một người như Đức Chúa Jesus là Đấng Christ tức là xúc phạm Đức Chúa Trời lẫn Đấng Christ. Lối suy nghĩ ấy vẫn còn giữa vòng dân I-sơ-ra-ên cho tới ngày nay. Dù vậy, trong dân I-sơ-ra-ên hiện nay đã có rất nhiều người tin nhận Đấng Christ. Theo lời tiên tri của chính Đấng Christ, được ghi lại trong Khải Huyền đoạn 7, thì liền ngay trước Kỳ Tận Thế, Đức Chúa Trời sẽ chọn ra 144.000 người trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên. Chúng ta có thể hiểu rằng, đó là những người I-sơ-ra-ên có đức tin nơi Đấng Christ. Họ được các thiên sứ đóng con dấu của Đức Chúa Trời trên trán họ để biệt riêng họ làm những người phụng sự Thiên Chúa trong Kỳ Tận Thế.

12 Trong các sự ấy, tôi cũng đã đi tới Đa-mách với thẩm quyền và trọn sự ủy nhiệm từ các thầy tế lễ thượng phẩm.

Trong các sự ấy” là trong các sự mà Phao-lô dùng đủ cách để bách hại các môn đồ của Đấng Christ.

Phao-lô vốn là một thành viên của Tòa Công Luận và ông sốt sắng trong việc bách hại các môn đồ của Đấng Christ, nên các thầy tế lễ thượng phẩm đã trao quyền và nhiệm vụ cho ông qua các văn thư ông cầm tay, đến các nhà hội của Do-thái Giáo ở khắp nơi. Phao-lô đang thuật lại lần ông trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách, để giải giao các môn đồ của Đấng Christ đang bị giam tại Đa-mách về lại Giê-ru-sa-lem.

13 Thưa vua! Giữa ban ngày, tôi đã thấy trên đường, ánh sáng từ trời hơn cả sự chói sáng của mặt trời, chiếu chung quanh tôi và những kẻ đi đường với tôi.

Giữa ban ngày” cũng cùng nghĩa với vào khoảng giữa trưa. Trước hết, Phao-lô đã nhìn thấy có ánh sáng chiếu trên con đường mà ông và nhiều người khác đang đi. Ánh sáng đó từ cao chiếu xuống nên có lẽ Phao-lô đã ngước nhìn và nhận ra ánh sáng đã từ trời chiếu xuống. Ánh sáng chói lòa hơn cả sự chói sáng của mặt trời, chiếu xuống chung quanh Phao-lô và những người cùng đi đường với ông.

14 Hết thảy chúng tôi đã ngã xuống đất. Tôi đã nghe tiếng phán với tôi, phán bằng tiếng Hê-bơ-rơ rằng: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta? Khó cho ngươi khi đá vào những đòn xóc.

Phao-lô nói rõ, ông và những người cùng đi với ông đều ngã xuống đất. Sự ngã này có lẽ là vì bất ngờ trước ánh sáng chói chang hơn cả sự chói sáng của mặt trời; nhưng cũng có thể chính luồng ánh sáng chói chang ấy có sức mạnh hất ngã họ.

Phao-lô đã nghe có tiếng phán với ông trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ. Ông biết tiếng phán đó phán với ông, vì tiếng phán đó gọi đích danh ông. Phao-lô là người theo học Ga-ma-li-ên về Thánh Kinh Cựu Ước từ bé nên ông biết tiếng Hê-bơ-rơ là nguyên ngữ của Thánh Kinh Cựu Ước.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:7 ghi rằng, những kẻ cùng đi với Phao-lô đã đứng lại, sững sờ, nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai. Công Vụ Các Sứ Đồ 22:9 ghi rằng, những người cùng đi với Phao-lô đã thấy ánh sáng và trở nên sợ hãi, nhưng họ đã chẳng nghe hiểu tiếng đã phán với ông. Chúng ta có thể hiểu rằng, những người cùng đi với Phao-lô đều ngã xuống đất như ông, nhưng sau đó, họ đã đứng lên, sững sờ, và sợ hãi. Họ nghe có tiếng phán mà không nhìn thấy ai khác. Họ nghe mà không hiểu ý nghĩa của tiếng phán. Vì họ không biết tiếng Hê-bơ-rơ. Có thể họ là những người I-sơ-ra-ên nói tiếng A-ra-mai và chỉ biết thêm tiếng Hy-lạp.

Đòn xóc” trong tiếng Việt dùng để gọi một nông cụ thường được làm bằng tre, giống như đòn gánh, nhưng hai đầu được chuốt nhọn để xóc vào bó lúa, bó rơm, hoặc bó củi mà gánh đi. Trong nguyên ngữ Hy-lạp (G2759) là một danh từ dùng để gọi một vật nhọn như cây kim, hoặc bộ phận dùng để chích nọc độc của các loài côn trùng, hoặc thanh sắt nhọn, dùng để thúc súc vật, khiến chúng phải đi vào hàng hoặc đi tới. Hãy tưởng tượng một người đá chân vào đầu nhọn của đòn xóc hay đầu nhọn của thanh sắt dùng để thúc súc vật thì người ấy sẽ tự mình làm tổn thương mình như thế nào. Sức đá càng mạnh thì sự tổn thương càng lớn.

15 Tôi đã thưa: Lạy Chúa! Ngài là ai? Thì Ngài đã đáp rằng: Ta là Jesus mà ngươi bách hại.

16 Nhưng hãy trỗi dậy! Và đứng trên chân của ngươi. Vì Ta đã hiện ra với ngươi vì sự này: Lập ngươi làm người phục vụ và chứng nhân cho cả những sự ngươi đã thấy cùng những sự Ta sẽ hiện đến, tỏ ra cho ngươi.

Phao-lô tiếp tục thuật lại cho Vua Ạc-ríp-ba, bà Bê-rê-nít, Thống Đốc Phê-tu, các viên chỉ huy tiểu đoàn, và nhiều nhà tai mắt của thành Sê-sa-rê về khải tượng của ông và lời đối đáp của ông với Đức Chúa Jesus, là Đấng đã hiện ra và phán với ông. Lời tường thuật của Phao-lô cũng chính là lời làm chứng về sự kiện Đức Chúa Jesus thật là Đấng Christ, đã sống lại sau khi chết, và là Thiên Chúa, qua các mệnh lệnh Ngài phán truyền cho Phao-lô.

Mục đích sự Đức Chúa Jesus hiện ra với Phao-lô là để trực tiếp lập ông làm người phục vụ và chứng nhân cho Ngài và cho Tin Lành. Những sự Phao-lô đã thấy là ông đã thấy Đức Chúa Jesus trong thân thể phục sinh vinh quang của Ngài, hiện ra phán với ông. Những sự Đức Chúa Jesus sẽ hiện đến, tỏ cho Phao-lô chính là sự mầu nhiệm của Tin Lành (Rô-ma 16:25; Ga-la-ti 1:11-12; Ê-phê-sô 3:1-9; 6:19).

17 Ta sẽ giải cứu ngươi khỏi dân này và các dân ngoại mà giờ đây Ta sai ngươi đến;

18 để mở mắt của họ, để chuyển họ từ sự tối tăm vào trong sự sáng láng, từ quyền lực của Sa-tan đến với Đức Chúa Trời, để họ nhận được sự tha tội và cơ nghiệp giữa những người được nên thánh bởi đức tin nơi Ta.

Dân này” tức là dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. “Các dân ngoại” là bất cứ dân tộc nào không phải là dân I-sơ-ra-ên. Phao-lô đã bị cả dân I-sơ-ra-ên lẫn các dân ngoại bách hại ông, vì ông rao giảng Tin Lành. Nhưng chính Đấng Christ đã sai ông đến với các dân ngoại để giảng Tin Lành cho họ.

Sự giảng Tin Lành là sự giúp mở mắt thuộc linh của những người đang sống trong tội lỗi, để họ nhận biết họ là tội nhân và nhận biết tình yêu cùng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho họ.

Sự tối tăm” là sự thiếu vắng sự vinh quang của Thiên Chúa. “Sự sáng láng” là sự vinh quang của Thiên Chúa. Sự vinh quang của Thiên Chúa là: tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài. Khi loài người phạm tội thì loài người thiếu vắng sự vinh quang của Thiên Chúa (Rô-ma 3:23).

Quyền lực của Sa-tan” là sức mạnh của Sa-tan trên những tội nhân, khiến họ cứ tiếp tục làm ra những sự phạm tội, nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Đến với Đức Chúa Trời” là hạ mình ăn năn sự phạm tội của mình và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Nhờ đó, được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi và ban cho cơ nghiệp của Ngài là sự sống đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Nhờ đó, được gọi là thánh đồ tức là người đã được làm cho nên thánh bởi đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

19 Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Từ đó, tôi đã chẳng không vâng phục khải tượng từ trời.

Dù Phao-lô đang nói cho tất cả những người có mặt tại phiên tòa, nhưng thính giả chính của ông là Vua Ạc-ríp-ba. Vì thế, Phao-lô đã gọi đích danh vua nhiều lần. Phao-lô gọi sự kiện ông được nhìn thấy Đức Chúa Jesus là khải tượng từ trời. Nhóm chữ “khải tượng từ trời” vừa có nghĩa là khải tượng được ban cho từ trời, vừa có nghĩa là khải tượng hiện ra ở trên trời. Rất có thể Phao-lô đã nhìn thấy Đức Chúa Jesus hiện ra với ông giữa chốn không trung, trong luồng ánh sáng chói lọi mà Ngài chính là nguồn của luồng ánh sáng ấy.

Khải tượng từ trời đến từ chính Thiên Chúa nên kể từ đó, Phao-lô đã hết lòng vâng phục mệnh lệnh ông đã nhận được trong khải tượng. Phao-lô đã từ bỏ địa vị cao trọng của mình trong Tòa Công Luận của Do-thái Giáo và dấn thân làm người rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Thực tế, trong lời tâm tình với Hội Thánh tại thành Phi-líp, Phao-lô đã viết rằng, tất cả những gì ông có được trong cuộc đời này và có lợi đối với ông, trước khi ông tin nhận Đấng Christ, ông đều xem như là sự lỗ, thậm chí, xem như phân để ông được Đấng Christ và được tìm thấy ở trong Đấng Christ (Phi-líp 3:7-11).

20 Nhưng trước hết, tôi đã bày tỏ cho những người tại Đa-mách, rồi Giê-ru-sa-lem và suốt cả khu vực của xứ Giu-đê, rồi các dân ngoại, rằng, hãy ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm những công việc xứng đáng với sự ăn năn.

Phao-lô thuật lại trình tự ông dấn thân vào sự rao giảng Tin Lành. Trước hết là ngay tại thành Đa-mách. Sau đó, ông về lại Giê-ru-sa-lem để rao giảng tại Giê-ru-sa-lem. Từ Giê-ru-sa-lem, ông đã đi đến các khu vực thuộc xứ Giu-đê. Sau cùng là ông đi đến với các dân ngoại, qua ba cuộc hành trình truyền giáo, kéo dài suốt 14 năm.

Sứ điệp của Phao-lô là kêu gọi mọi người hãy ăn năn, trở lại cùng Đức Chúa Trời, và làm những công việc xứng đáng với sự ăn năn. Đó là sứ điệp trọn vẹn của Tin Lành. Ngày nay, nhiều người rao giảng Tin Lành đã không hề kêu gọi người tin nhận Tin Lành phải làm những công việc xứng đáng với sự ăn năn. Ngày nay, nhiều người xưng nhận mình đã ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng không hề làm những công việc xứng đáng với sự ăn năn. Thánh Kinh gọi đó là đức tin không có việc làm. Đức tin không thể hiện qua việc làm thì sẽ trở thành đức tin chết (Gia-cơ 2:17), như ngụ ngôn về hạt giống rơi trên vùng đất có đá hoặc có gai (Ma-thi-ơ 13:20-22).

21 Bởi các sự ấy, những người Do-thái đã bắt tôi trong Đền Thờ, định giết tôi.

22 Nhưng nhận được sự cứu giúp từ Đức Chúa Trời, tôi còn tới ngày nay, làm chứng cho những kẻ nhỏ và lớn, không nói những sự gì ngoài những sự các đấng tiên tri và Môi-se đã nói sẽ xảy đến.

Bởi các sự ấy” là bởi sự Phao-lô từ bỏ Do-thái Giáo, trở nên sứ đồ của Đấng Christ, và rao giảng về Đấng Christ, về Tin Lành. Phao-lô đang nói đến sự việc ông bị những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo bắt ông, đánh đập ông, khi ông đến Đền Thờ làm lễ tinh sạch vào hơn hai năm trước.

Nhưng chính Đức Chúa Trời đã can thiệp và giải cứu Phao-lô bằng quân đội La-mã, để Phao-lô vẫn còn sống và tiếp tục rao giảng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Cách nói “những kẻ nhỏ và lớn” bao gồm nhỏ và lớn về tuổi tác, nhỏ và lớn về sự hiểu biết, nhỏ và lớn về địa vị, chức quyền, danh tiếng trong xã hội. Ngay tại nơi Phao-lô bị giam giữ, những kẻ nhỏ có thể là những tôi tớ phục vụ trong dinh thống đốc và biệt điện của Vua Hê-rốt; những kẻ lớn chính là Thống Đốc Phê-tu, các sĩ quan cao cấp trong quân đội La-mã, và Vua Ạc-ríp-ba.

Phao-lô khẳng định, ông không nói những gì ngoài những sự các đấng tiên tri và Môi-se đã nói sẽ xảy đến. Nghĩa là Phao-lô chỉ rao giảng những gì đã được ghi chép trong Thánh Kinh Cựu Ước. Chúng ta nhớ rằng, dân thành Bê-rê đã mỗi ngày đối chiếu lời giảng của Phao-lô với Thánh Kinh (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Nói cách khác, Phao-lô đã giảng giải cho người nghe hiểu rằng, những điều các đấng tiên tri và Môi-se ghi chép trong Thánh Kinh Cựu Ước đã được ứng nghiệm trên Đức Chúa Jesus. Vì thế, Ngài là Đấng Christ.

23 Rằng, Đấng Christ chịu thương khó. Rằng, Ngài là sự sống lại trước nhất từ trong những kẻ chết, sẽ rao truyền sự sáng cho dân sự và các dân ngoại.

Một trong những dấu hiệu quan trọng để xác nhận Đấng Christ là Ngài chịu thương khó cho đến chết và Ngài là người đầu tiên sống lại từ trong những kẻ chết. Mục đích của Đấng Christ là rao truyền sự sáng, tức là sự vinh quang của Thiên Chúa cho dân I-sơ-ra-ên lẫn các dân tộc khác. Và chúng ta luôn ghi nhớ, rao truyền sự vinh quang của Thiên Chúa là rao truyền tình yêu của Thiên Chúa, nhất là sự cứu rỗi Ngài ban cho loài người; rao truyền sự thánh thiện của Thiên Chúa và tiêu chuẩn thánh thiện của Ngài, tức là các điều răn và luật pháp của Ngài; rao truyền sự công chính của Thiên Chúa bao gồm sự thưởng và sự phạt của Thiên Chúa đối với việc làm của mỗi người.

Thực tế, chính sự chịu thương khó cho đến chết và sự sống lại của Đấng Christ là sự thể hiện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa. Thiên Chúa là thánh khiết tức là thiện, bất cứ sự gì nghịch lại Thiên Chúa là sự ác và Ngài không chấp nhận sự ác. Thiên Chúa là công chính nên Ngài ban thưởng cho những ai làm ra việc thiện và hình phạt những ai làm ra việc ác. Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài ban cho loài người cơ hội được cứu rỗi khỏi hình phạt do sự phạm tội của loài người, bằng cách chính Thiên Chúa nhập thế làm người, mang tên là Jesus, gánh thay hình phạt của sự phạm tội cho loài người.

24 Người đang nói như vậy để bênh vực mình, thì Phê-tu đã lớn tiếng, nói: Hỡi Phao-lô! Ngươi bị lãng trí; ngươi học biết nhiều quá khiến ngươi thành điên cuồng.

Thống Đốc Phê-tu cũng như biết bao nhiêu người trong thế gian, thuộc về loại người chỉ sống cho hiện tại và những vinh hoa, phú quý, quyền thế trong thế gian, nên không thể hiểu được lời làm chứng và rao giảng của Phao-lô. Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã khẳng định rằng:

Khi người Do-thái đòi hỏi dấu lạ và người Hy-lạp tìm sự khôn sáng, thì chúng tôi giảng Đấng Christ bị đóng đinh. Thực tế, đối với người Do-thái là sự vấp phạm, còn đối với người Hy-lạp là sự ngu dại.” (I Cô-rinh-tô 1:22-23).

Con người thuộc thể không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì đối với người ấy chúng là sự ngu dại. Người ấy cũng không thể hiểu được chúng, vì chúng phải được xem xét cách thiêng liêng.” (I Cô-rinh-tô 2:14).

Cảm tạ Chúa là vẫn có nhiều người thành đạt trong xã hội nhưng lại có đức tin nơi Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ngài. Điển hình là nhà khoa học lừng danh I-sác Niu-tơn (Isaac Newton) [1]. Nhiều nhà khoa học khác đã cùng nhau lập ra các khu mạng bảo vệ các lẽ thật của Thánh Kinh, như khu mạng “Các Câu Trả Lời Trong Sáng Thế Ký” (Answers in Genesis) [2].

25 Nhưng người đã nói: Thưa Phê-tu đáng kính! Tôi chẳng bị lãng trí, nhưng nói ra những lời của lẽ thật và của tâm trí tỉnh táo.

26 Vì vua biết về các sự này. Trước ngài, tôi cũng dạn dĩ nói, vì tôi tin rằng, chẳng điều nào của các sự này bị giấu kín khỏi ngài. Vì nó đã chẳng được làm trong góc kín. [“Làm trong góc” hàm ý, làm cách bí mật.]

Câu hồi đáp của Phao-lô cho Thống Đốc Phê-tu vừa khẳng định ông tỉnh táo, vừa khẳng định những gì ông nói đều là lẽ thật, lại vừa dùng Vua Ạc-ríp-ba làm chứng nhân cho ông rằng, những gì ông nói đều là lẽ thật.

Vua Ạc-ríp-ba là người I-sơ-ra-ên nên biết rõ sự kiện Thánh Kinh Cựu Ước nói về một Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ, sẽ đến để cứu dân I-sơ-ra-ên và làm vua của dân I-sơ-ra-ên. Phao-lô dạn dĩ trình bày về Đấng Christ trước Vua Ạc-ríp-ba, vì ông tin rằng, vua có thể hiểu được những gì ông nói.

27 Thưa Vua Ạc-ríp-ba! Ngài tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết rằng, ngài tin.

Phao-lô hỏi thẳng Vua Ạc-ríp-ba là vua có tin những gì mà các đấng tiên tri đã ghi lại trong Thánh Kinh hay không. Đây là câu hỏi khiến cho vua khó trả lời. Nếu trả lời rằng, “tin” thì đương nhiên công nhận những lời Phao-lô nói là lẽ thật. Và như vậy, vua cũng phải công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Nếu trả lời rằng, “không” thì vua trở thành người chối bỏ đức tin Do-thái Giáo, sẽ khiến cả dân I-sơ-ra-ên chống đối vua. Nhưng cho dù vua không trả lời thì Phao-lô cũng biết rằng, vua tin các lời tiên tri trong Thánh Kinh, và ông đã nói ra như vậy. Sự biết này của Phao-lô phải là sự bày tỏ của Đức Thánh Linh trong ông.

28 Ạc-ríp-ba đã nói với Phao-lô rằng: Chỉ trong một chút, ngươi thuyết phục ta trở nên Cơ-đốc nhân! [“Cơ-đốc nhân” được phiên âm và dịch theo Hán Việt từ danh từ “Χριστιανός” /Christianos/ (G5546) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “người tin và vâng theo Đấng Christ”.]

Mệnh đề “chỉ trong một chút” hàm ý chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hoặc chỉ trong một ít nỗ lực. Vua Ạc-ríp-ba có ý nói rằng, Phao-lô chỉ có một ít thời gian và qua vài câu nói mà muốn thuyết phục vua trở thành một môn đồ của Đấng Christ. Câu nói của vua không hàm ý, thiếu chút nữa Phao-lô đã thuyết phục vua trở thành một Cơ-đốc nhân.

29 Phao-lô đã nói: Tôi cầu xin Đức Chúa Trời, không những chỉ ngài, nhưng hết thảy những ai nghe tôi hôm nay, đều chỉ trong một chút và thật nhiều người trở nên như là tôi, ngoại trừ các xiềng xích này.

Câu trả lời của Phao-lô vừa nói lên sự mong muốn của ông, được dâng trình lên Đức Chúa Trời, cũng vừa là một hình thức chơi chữ, khi ông dùng lại mệnh đề “chỉ trong một chút”.

Phao-lô cầu xin Đức Chúa Trời rằng, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Vua Ạc-ríp-ba và có nhiều người trong hết thảy mọi người đang nghe ông sẽ trở nên như ông. Trở nên như Phao-lô có nghĩa là trở nên môn đồ của Đấng Christ và hết lòng rao giảng Tin Lành của Ngài.

30 Khi người đã nói như vậy, vua, thống đốc, Bê-rê-nít, cùng những người đã ngồi với họ đã đứng dậy.

31 Khi họ đã lui ra, họ đã nói với nhau rằng: Người này chẳng làm gì đáng với sự chết hoặc đáng với sự xiềng xích.

Với lời cầu nguyện của Phao-lô cho những người đang nghe ông, phiên tòa cũng kết thúc khi vua, thống đốc, và các quan khách đứng lên. Có lẽ vua đã đứng lên trước, tiếp theo là thống đốc và Bê-rê-nít, rồi đến các quan khách.

Ngay sau đó, mọi người đã hội ý với nhau và xác định rằng, Phao-lô đã không hề phạm tội gì để đáng bị xử chết hay đáng bị xử tù. Và như vậy, rõ ràng Phao-lô là một công dân La-mã đã bị tù oan.

32 Ạc-ríp-ba đã nói với Phê-tu: Người này có thể được trả tự do, nếu người chưa kêu nài đến Sê-sa.

Qua câu nói của Vua Ạc-ríp-ba với Thống Đốc Phê-tu, chúng ta có thể hiểu rằng, khi Phao-lô kêu nài được xét xử trước Sê-sa thì có lẽ Phê-lít đã làm báo cáo và trình về kinh đô. Một khi công văn đã được chuyển đi thì sự việc đã ra ngoài tầm tay của chính quyền địa phương. Vì thế, dù Phao-lô hoàn toàn vô tội, nhưng lại phải chịu tạm giam thêm hai năm nữa, tại thành Rô-ma, để chờ tới phiên được xét xử bởi hoàng đế La-mã. Lẽ ra, Phê-lít phải trả tự do cho Phao-lô khi xét thấy Phao-lô vô tội. Nhưng vì Phê-lít vừa muốn lấy lòng dân I-sơ-ra-ên, vừa muốn nhận của hối lộ từ Phao-lô, nên cứ giam lỏng Phao-lô. Đó là sự bất công đối với Phao-lô. Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng sự bất công đó để Phao-lô được nghỉ ngơi và rao giảng Lời Chúa cho con dân Chúa tại Sê-sa-rê, rao giảng Tin Lành cho những người cư trú và làm việc trong dinh thống đốc, suốt hai năm. Ngài sẽ tiếp tục dùng Phao-lô trong thời gian bị quản thúc tại gia hai năm nữa để rao giảng Lời Chúa cho con dân Chúa và giảng Tin Lành cho dân chúng tại thành Rô-ma. Nhưng trước đó, ma quỷ sẽ tiếp tục tìm cách bách hại Phao-lô.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/07/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Isaac_Newton

[2] https://answersingenesis.org/

Karaoke Thánh Ca: “Xin Nghe Lời Gọi Mời”
https://karaokethanhca.net/xin-nghe-loi-goi-moi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.