Chú Giải I Cô-rinh-tô 07:25-40 Sự Độc Thân và Sự Kết Hôn

2,495 views

 


YouTube: https://youtu.be/1CHxTsU8J_g

Chú Giải I Cô-rinh-tô 7:25-40
Sự Độc Thân và Sự Kết Hôn

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 7:25-40

25 Về những người đồng trinh, tôi chẳng có lời Chúa truyền; nhưng tôi cho lời khuyên của tôi như một người đã nhận sự thương xót của Chúa để trở nên trung tín.

26 Vậy, tôi nghĩ rằng, điều này là tốt, bởi cơn khủng hoảng gần đến, đó là một người cứ ở vậy là tốt.

27 Có phải ngươi đã bị ràng buộc với vợ? Chớ tìm cách tháo gỡ. Có phải ngươi chưa bị ràng buộc với vợ? Đừng kiếm vợ.

28 Nhưng nếu ngươi kết hôn thì chẳng phạm tội gì. Nếu người nữ đồng trinh kết hôn thì cũng chẳng phạm tội gì. Nhưng những người như vậy sẽ có sự khó khăn về xác thịt. Tôi không muốn các anh chị em nặng lòng.

29 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi bảo điều này, thì giờ còn lại ngắn ngủi, vậy, những người có vợ hãy nên như những người không có;

30 những người khóc hãy nên như những người không khóc; những người vui mừng hãy nên như những người chẳng vui mừng; những người mua hãy nên như những người chẳng sở hữu.

31 Những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó; vì hình trạng của thế gian này đang qua đi.

32 Tôi muốn các anh chị em chẳng phải lo lắng gì. Ai không kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về Chúa, sao cho người ấy đẹp lòng Chúa.

33 Nhưng ai đã kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về thế gian, sao cho người ấy đẹp lòng vợ.

34 Một người vợ và một nữ đồng trinh khác nhau. Người không kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về Chúa, để cho thân thể và tâm thần đều được thánh; nhưng người đã kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về thế gian, sao cho người ấy đẹp lòng chồng.

35 Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho các anh chị em, chẳng phải để gài bẫy các anh chị em; nhưng cho sự đáng tôn; để các anh chị em hướng về Chúa mà không bị phân tâm.

36 Nếu có ai nghĩ rằng, mình không thể cư xử phải lẽ cho sự đồng trinh của mình, nếu người ấy đã quá tuổi dậy thì và có nhu cầu, hãy để người ấy làm điều người ấy muốn, người ấy không phạm tội. Hãy để họ kết hôn.

37 Nhưng ai đứng vững vàng, trong lòng người ấy không có nhu cầu, nhưng có năng lực trên ý chí của chính mình, và đã quyết trong lòng của người ấy rằng, người ấy sẽ giữ sự đồng trinh của mình, thì người ấy làm tốt.

38 Thế thì người kết hôn làm tốt; nhưng người không kết hôn làm tốt hơn.

39 Chồng còn sống bao lâu, thì vợ phải ràng buộc với chồng bởi luật pháp bấy lâu. Nếu chồng của nàng chết, nàng được tự do kết hôn với ai mà nàng muốn, miễn là trong Chúa.

40 Nhưng, theo ý tôi, nếu nàng cứ ở vậy thì có phước hơn. Tôi nghĩ rằng, tôi cũng có thần trí của Thiên Chúa.

Sau khi giảng dạy cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về các nguyên tắc chung của hôn nhân thì Sứ Đồ Phao-lô đã giảng dạy cách chi tiết về sự độc thân và sự kết hôn của con dân Chúa.

25 Về những người đồng trinh, tôi chẳng có lời Chúa truyền; nhưng tôi cho lời khuyên của tôi như một người đã nhận sự thương xót của Chúa để trở nên trung tín.

Danh từ đồng trinh (G3933) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ một người nam hay một người nữ chưa từng có quan hệ tình dục với bất cứ ai. Sứ Đồ Phao-lô đã khẳng định rằng, ông không nhận được mệnh lệnh nào của Chúa về việc con dân Chúa cứ ở lại trong sự đồng trinh của mình. Tuy nhiên, bởi sự nhận thức và hiểu biết của ông, Phao-lô đã trao cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô lời khuyên của ông về sự độc thân của họ. Phao-lô viết rằng, ông là một người đã nhận được ơn thương xót của Chúa để trở nên một người trung tín với Ngài. Một người trung tín với Chúa là một người luôn làm tròn mọi việc lành Chúa đã sắm sẵn cho người ấy, dù là trong chức vụ hay là ngoài chức vụ. Và làm bằng các ân tứ cùng sức toàn năng đến từ Chúa.

Phao-lô vừa là một sứ đồ của Chúa, là một trưởng lão, mà cũng vừa là anh chị em cùng Cha với con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô. Ông vừa có bổn phận của một sứ đồ, một trưởng lão, vừa có bổn phận của một người anh em cùng Cha đối với họ. Phao-lô đã trung tín với Chúa, làm tròn mọi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với Hội Thánh. Trong chức vụ sứ đồ, ông đã rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Trong chức vụ trưởng lão, ông đã nuôi họ bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Trong chức vụ trưởng lão và trong địa vị một anh chị em cùng Cha của họ, ông đã cho họ những lời khuyên về những vấn nạn (những câu hỏi khó có câu trả lời) trong đời sống, khi Lời Chúa không có mệnh lệnh trực tiếp. Lời khuyên của ông là lời khuyên đến từ một người thật sự biết ơn cứu rỗi của Chúa cách sâu sắc và tự nguyện trọn đời sống còn lại của mình sẽ sống cho Chúa và chết cho Chúa, hoàn thành mọi việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho mình. Là con dân Chúa chúng ta nên lắng nghe và vâng theo những lời khuyên từ những người thật lòng sống theo Lời Chúa. Mỗi một chúng ta cũng hãy học theo gương của Phao-lô, biết ơn Chúa cách sâu sắc về những sự thương xót Ngài đã ban cho chúng ta và hết lòng trung tín với Ngài.

26 Vậy, tôi nghĩ rằng, điều này là tốt, bởi cơn khủng hoảng gần đến, đó là một người cứ ở vậy là tốt.

Lời khuyên trên đây của Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô dù không phải là mệnh lệnh của Chúa, nghĩa là con dân Chúa không bị ràng buộc phải vâng theo, nhưng nếu có ai vâng theo, thì người ấy sẽ nhận được ơn phước từ nơi Chúa. Vì người ấy đã tôn trọng thẩm quyền sứ đồ, trưởng lão, người chăn mà Chúa đã đặt ra trong Hội Thánh. Vì người ấy đã nghe theo lời khuyên của một người phục vụ Chúa cách trung tín, đầy ơn, và đầy sự thông sáng đến từ Chúa.

Trong thời Cựu Ước, Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên một vị vua rất là khôn sáng, là Vua Sa-lô-môn. Trong các sự xử án của vua, vua đã phán xét theo sự khôn sáng Chúa ban cho vua để đem lại sự công chính cho con dân Chúa. Cũng vậy, trong Hội Thánh, Chúa ban cho con dân Chúa các sứ đồ, các tiên tri, các người chăn, các giám mục là những trưởng lão với sự khôn sáng đến từ Ngài để chăn dắt, dạy dỗ, khuyên bảo Hội Thánh.

Trong thực tế đời sống, chúng ta thường khi phải đối diện với nhiều sự khó khăn, nhiều câu hỏi khó tìm được câu trả lời thích đáng, mà Lời Chúa không có mệnh lệnh trực tiếp cho các vấn đề như vậy. Đối với những người có mối tương giao mật thiết với Chúa, họ sẽ có sự nhận thức trong thần trí để biết cần phải giải quyết sự việc như thế nào cho thật tốt mà không sai phạm Lời Chúa. Đối với những người yếu đức tin, thiếu sự hiểu biết Lời Chúa, thì họ cần phải có lời khuyên từ các trưởng lão.

Thí dụ: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam ra thông báo cho học sinh, sinh viên phải đi học trở lại, kể từ ngày 02 tháng 03 năm 2020. Nhưng với sự kiện Việt Nam không hề đóng cửa biên giới, vẫn để cho người Trung Quốc tự do đi vào Việt Nam, trong khi Trung Quốc là nước phát ra dịch bệnh và có nhiều trường hợp lây lan, tử vong nhiều nhất trên thế giới; và trong khi các nước tây phương vẫn đang ở trong tình trạng báo động cao về sự lây nhiễm, thì con dân Chúa ở Việt Nam có nên cho con em của mình đi học trở lại hay không?

Chắc chắn là Thánh Kinh không có mệnh lệnh trực tiếp cho con dân Chúa về vấn nạn này. Nhưng chúng tôi, trong chức vụ chăn bầy và trong địa vị là anh chị em cùng Cha với con dân Chúa tại Việt Nam, chúng tôi nghiêm trọng đưa ra lời khuyên này: Không nên cho con em đi học trở lại, cho đến khi tình hình lây nhiễm được các nước tây phương công nhận là đã bị chận đứng.

Là con dân Chúa, chúng ta không sợ chết, vì sự chết là phương tiện đem chúng ta vào trong thiên đàng. Nhưng chúng ta không muốn bị đau đớn, khốn khổ cách vô lý vì sự lây nhiễm bệnh. Trong Thánh Kinh, Chúa dạy về sự phải rửa tay, phải cách ly với những người có bệnh truyền nhiễm. Với dịch bệnh Covid-19, chúng ta không biết ai là người đã nhiễm bệnh, nên chúng ta phải tự cách ly mình với đám đông. Nhất là khi có nhiều người từ nước ngoài trở về đã tìm cách trốn tránh, không qua tiến trình xét nghiệm y tế. Nhất là khi có hàng trăm ngàn người Trung Quốc vẫn được vào Việt Nam. Dù lúc nhập cảnh họ được tiến hành xét nghiệm y tế và không có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, nhưng giờ đây, đã có trường hợp một người bị nhiễm bệnh đến 34 ngày sau mới phát bệnh. Trong thời gian 34 ngày đó, người ấy đã lây lan cho biết bao nhiêu người. Vì Covid-19 có thể lây lan khi người bị nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu bị bệnh.

“Điều này là tốt” là điều một người đồng trinh cứ tiếp tục sống đồng trinh. Chúng ta cần phân biệt, người đồng trinh là người chưa hề có quan hệ tình dục với bất cứ ai, khác với người độc thân là người có thể là người đồng trinh mà cũng có thể là người đã có quan hệ tình dục với người khác. Người đồng trinh sẽ dễ kiềm chế sự cám dỗ phạm tội tà dâm hơn là người đã từng có quan hệ tình dục.

Lời khuyên trên đây của Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vừa là lời khuyên thích hợp cho hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ mà cũng là lời khuyên thích hợp cho con dân Chúa sống trong các hoàn cảnh xã hội có những khó khăn, bách hại. Nhất là thời điểm hiện tại của chúng ta, khi mà, có lẽ chỉ trong vòng bảy năm nữa, Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

“Cơn khủng hoảng gần đến” tức là cơn bách hại Hội Thánh bởi đế quốc La-mã, bắt đầu với Hoàng Đế Nê-rô từ năm 64, và kéo dài cho đến năm 96 bởi Hoàng Đế Đô-mi-tiên. Phao-lô, Phi-e-rơ và nhiều con dân Chúa khác bị giết trong năm 65. Sứ Đồ Giăng bị tù lưu đày khổ sai trên đảo Bát-mô vào năm 95.

Chúng ta thấy, lý do Sứ Đồ Phao-lô đưa ra, khi ông khuyên con dân Chúa đồng trinh tại Cô-rinh-tô vào thời bấy giờ hãy cứ sống đồng trinh, là vì nếu họ kết hôn thì họ sẽ vướng bận gia đình, con cái trong hoàn cảnh Hội Thánh sắp bị bách hại. Chúng ta đều hiểu rõ rằng, thà bản thân mình bị khốn khổ, bách hại hơn là nhìn thấy những người thân yêu của mình bị khốn khổ, bách hại. Vì thế, lời khuyên của Phao-lô là hợp lý và đáng nghe theo. Chúng ta có thể tin rằng, lời khuyên của Phao-lô có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

27 Có phải ngươi đã bị ràng buộc với vợ? Chớ tìm cách tháo gỡ. Có phải ngươi chưa bị ràng buộc với vợ? Đừng kiếm vợ.

Động từ “tháo gỡ” hàm ý là ly dị. Phao-lô viết rõ, ông không có ý khuyên con dân Chúa ly dị để tránh những khó khăn trong cơn khủng hoảng sắp xảy ra. Ông chỉ khuyên ai chưa kết hôn thì không nên tìm kiếm sự kết hôn trong hoàn cảnh thời bấy giờ. Là con dân Chúa, chúng ta hiểu rằng, vợ chồng đã trở nên một thịt, chỉ có sự chết của thể xác hay sự phạm tội ngoại tình của một trong hai người mới có thể chấm dứt sự kết hiệp ấy. Riêng đối với con dân Chúa có chồng hay vợ không tin Chúa thì vẫn có thể ly dị, nhưng nếu chồng hay vợ không tin Chúa vẫn bằng lòng sống chung, không bắt bớ đức tin của mình, thì con dân Chúa không nên ly dị, như chúng ta đã học trong phân đoạn trước (I Cô-rinh-tô 7:12-14).

Lời khuyên trên đây, dù chỉ dùng người đàn ông làm điển hình, nhưng áp dụng cho cả đàn bà, như câu tiếp theo hàm ý.

28 Nhưng nếu ngươi kết hôn thì chẳng phạm tội gì. Nếu người nữ đồng trinh kết hôn thì cũng chẳng phạm tội gì. Nhưng những người như vậy sẽ có sự khó khăn về xác thịt. Tôi không muốn các anh chị em nặng lòng.

Người nam đồng trinh hay người nữ đồng trinh nếu muốn kết hôn thì họ được tự do trong Chúa để kết hôn. Vì như Phao-lô đã viết trong câu 25, ông không có mệnh lệnh của Chúa truyền cho họ cứ sống đồng trinh, mà ông chỉ cho họ lời khuyên của ông. Miễn là họ kết hôn với người cùng đức tin, cùng ở trong sự cứu rỗi, không kết hôn với người không tin Chúa (II Cô-rinh-tô 6:14).

“Sự khó khăn về xác thịt” là những gánh nặng về gia đình trong cơn Hội Thánh bị bách hại. Từ gánh nặng về sự kiếm sống, gánh nặng về sự trốn tránh những kẻ bách hại, cho đến gánh nặng về sự chăm sóc gia đình trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vì sự bách hại. Và trên hết là sự đau đớn khi nhìn thấy những người thân yêu của mình bị bách hại.

“Tôi không muốn các anh chị em nặng lòng” hàm ý, tôi không muốn liệt kê ra đây những sự khó khăn, khốn khổ sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới mà làm cho các anh chị em phải nặng lòng.

29 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi bảo điều này, thì giờ còn lại ngắn ngủi, vậy, những người có vợ hãy nên như những người không có;

30 những người khóc hãy nên như những người không khóc; những người vui mừng hãy nên như những người chẳng vui mừng; những người mua hãy nên như những người chẳng sở hữu.

“Thì giờ còn lại ngắn ngủi” có nghĩa thứ nhất là cơn bách hại Hội Thánh sắp xảy ra. Sứ Đồ Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô vào khoảng mùa đông của năm 56 và đến mùa hè năm 64 thì cơn bách hại dưới triều Hoàng Đế Nê-rô xảy ra. Nghĩa thứ nhì là ngày tháng còn lại trong đời sống của chúng ta rất là ngắn ngủi. Thánh Kinh đã ví đời sống của loài người như một giấc ngủ, chỉ vài canh giờ; như hoa cỏ nở vào buổi sáng, đến buổi chiều thì bị cắt đi và khô héo (Thi Thiên 90).

Đối với chúng ta ngày nay, khoảng thời gian từ hiện tại đến khi Đức Chúa Jesus Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, hoặc đến khi bắt đầu Kỳ Tận Thế cũng có thể được gọi là “thì giờ còn lại ngắn ngủi”.

“Những người có vợ hãy nên như những người không có” có nghĩa là hãy tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình để cùng vợ tích cực hầu việc Chúa, như những người độc thân, thay vì chỉ lo vui hưởng tình yêu chồng vợ.

“Những người khóc hãy nên như những người không khóc” có nghĩa là những người đang lâm vào những hoàn cảnh khó khăn, đau buồn hãy kiềm chế sự đau buồn bằng đức tin và lòng hy vọng vào ngày Chúa đến để chuyên tâm hầu việc Chúa như những người không ở trong nghịch cảnh.

“Những người vui mừng hãy nên như những người chẳng vui mừng” có nghĩa là những người đang sống trong thuận cảnh hãy nghĩ đến những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, đau buồn mà an ủi, khích lệ, và chung mang những gánh nặng của các anh chị em cùng Cha của mình.

“Những người mua hãy nên như những người chẳng sở hữu” có nghĩa là những người đang thu thập tài vật trong thế gian cho mọi nhu cầu vật chất đừng để lòng bị ràng buộc với của cải vật chất. Hãy dùng chúng như là những phương tiện Chúa ban để mình có thể hầu việc Chúa được kết quả càng hơn.

31 Những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó; vì hình trạng của thế gian này đang qua đi.

Động từ “dùng” (G5530) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: vay; mượn; sử dụng.

Động từ “lạm dụng” (G2710) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: dùng quá mức cần thiết; dùng cách phí phạm; dùng cách không cần thiết. Nghĩa bóng là say mê, ghiền, nghiện; như người nghiện thuốc ngủ bị gọi là người lạm dụng thuốc ngủ.

Sống trong thế gian, chúng ta vay, mượn mọi sự từ Chúa vì mọi sự trong thế gian đều thuộc về Chúa (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:14). Mọi sự được Chúa ban cho chúng ta để giúp chúng ta sống trong thế giới vật chất và hoàn thành những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta. Vì thế, chúng ta không nên lạm dụng bất cứ sự gì Chúa ban cho chúng ta; cũng không nên say mê thế gian hoặc những vật ở thế gian.

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian.” (I Giăng 2:15-16).

Danh từ “hình trạng” (G4976) dùng để nói đến hình thức và trạng thái được nhìn thấy. Vì hình trạng của thế gian đang qua đi, mọi sự đều thay đổi cho đến khi Vương Quốc Đời Đời được thiết lập, cho nên không một sự gì trong thời hiện tại của thế gian đáng cho chúng ta quyến luyến.

32 Tôi muốn các anh chị em chẳng phải lo lắng gì. Ai không kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về Chúa, sao cho người ấy đẹp lòng Chúa.

33 Nhưng ai đã kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về thế gian, sao cho người ấy đẹp lòng vợ.

34 Một người vợ và một nữ đồng trinh khác nhau. Người không kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về Chúa, để cho thân thể và tâm thần đều được thánh; nhưng người đã kết hôn thì chăm lo những sự thuộc về thế gian, sao cho người ấy đẹp lòng chồng.

Phao-lô không muốn cho con dân Chúa hoang mang, lo lắng vì hiểu lầm lời khuyên bảo của ông. Dù ông khuyên những người đồng trinh nên tiếp tục sống đồng trinh, vì cơn bách hại sắp đến, nhưng nếu họ muốn kết hôn thì họ có quyền kết hôn.

“Những sự thuộc về Chúa” hàm ý những bổn phận liên quan đến mục vụ rao giảng Tin Lành, xây dựng và gây dựng Hội Thánh.

“Những sự thuộc về thế gian” hàm ý những bổn phận trong gia đình và xã hội.

Lẽ tự nhiên cho thấy, những người độc thân thì đương nhiên có nhiều thời gian để hầu việc Chúa trong các mục vụ, vì họ không có bổn phận với vợ, hoặc với chồng, hoặc với con cái. Còn những người có gia đình thì đương nhiên ít thời gian hầu việc Chúa trong các mục vụ hơn, vì họ còn phải làm tròn bổn phận với vợ, với chồng, hoặc với con cái. Người có gia đình được vui hưởng hạnh phúc gia đình là một ơn phước Chúa ban; nhưng người độc thân thì được vui hưởng hạnh phúc của sự có nhiều thời gian hầu việc Chúa, là một ơn phước lớn hơn.

Chăm lo những sự thuộc về thế gian để làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha; của một người vợ, người mẹ; hay của một người làm công hoàn toàn không có gì là sai trái, tội lỗi. Các bổn phận ấy cũng thuộc về các việc lành đã được Chúa sắm sẵn cho con dân Chúa. Trừ khi có ai xem các bổn phận ấy là quan trọng hơn sự vâng phục Chúa.

35 Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho các anh chị em, chẳng phải để gài bẫy các anh chị em; nhưng cho sự đáng tôn; để các anh chị em hướng về Chúa mà không bị phân tâm.

Phao-lô trình bày cả hai phương diện của sự độc thân và sự kết hôn để con dân Chúa tự xét chính mình và dâng trình lên Chúa sự lựa chọn của mỗi người, sao cho ai nấy có thể sống trọn vẹn trong Chúa theo lượng đức tin của mỗi người (Rô-ma 12:3). Phao-lô không có ý tôn cao sự độc thân và xem thường sự kết hôn để những người sống độc thân lên mình kiêu ngạo, cho rằng, mình thiêng liêng, thánh khiết hơn những người kết hôn; hoặc để những người kết hôn tự ti mặc cảm, nghĩ rằng, mình không xứng đáng với Chúa bằng những người độc thân. Nếu Phao-lô có ý đó thì không khác gì là ông gài bẫy cho con dân Chúa vấp phạm. Mục đích của Phao-lô là trình bày lẽ thật về cả hai phương diện để con dân Chúa hiểu rõ. Việc làm đó của Phao-lô là sự đáng tôn. Đó chính là bổn phận của những người được Chúa giao cho nhiệm vụ chăn dắt Hội Thánh và giảng dạy Lời Chúa.

Từ câu 36 đến câu 38 có một số bản dịch đã dịch không đúng với ngữ pháp và văn mạch của nguyên ngữ Hy-lạp. Trong số đó có Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống:

36 Nếu có ai tưởng chẳng nên cho con gái đồng trinh mình lỡ thì, và phải gả đi, thì người đó có thể tùy ý mình mà làm, không phạm tội gì; trong cơn đó, người con gái nên lấy chồng.

37 Song có ai được tự chủ về việc mình làm, không bị sự gì bắt buộc, mà trong lòng đã quyết định cách vững vàng giữ con gái mình đồng trinh, thì nấy làm phải lẽ mà cứ theo như mình đã quyết chí.

38 Thế thì kẻ gả con gái mình làm phải lẽ; song kẻ không gả, còn làm phải lẽ hơn nữa.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh không hề có các chữ “con gái đồng trinh mình”, “lỡ thì”, “người con gái”, “lấy chồng”, “giữ con gái mình đồng trinh”, “gả con gái mình”.

Dịch cho đúng phải là:

36 Nếu có ai nghĩ rằng, mình không thể cư xử phải lẽ cho sự đồng trinh của mình, nếu người ấy đã quá tuổi dậy thì và có nhu cầu, hãy để người ấy làm điều người ấy muốn, người ấy không phạm tội. Hãy để họ kết hôn.

37 Nhưng ai đứng vững vàng, trong lòng người ấy không có nhu cầu, nhưng có năng lực trên ý chí của chính mình, và đã quyết trong lòng của người ấy rằng, người ấy sẽ giữ sự đồng trinh của mình, thì người ấy làm tốt.

38 Thế thì người kết hôn làm tốt; nhưng người không kết hôn làm tốt hơn.

Từ câu 36 đến câu 38 là lời đúc kết của Phao-lô dành cho những người đồng trinh cả nam lẫn nữ, đã được đề cập trong câu 25.

Nếu có người nam đồng trinh nào hoặc người nữ đồng trinh nào không thể cư xử phải lẽ cho sự đồng trinh của mình, tức là không thể sống đồng trinh mà thắng được sự cám dỗ của tội tà dâm, nếu người ấy đã quá tuổi dậy thì, tức là đã đến tuổi kết hôn, có nhu cầu kết hôn để tránh phạm tội tà dâm và muốn kết hôn, thì người ấy hãy kết hôn.

Sự muốn kết hôn không phải là tội lỗi. Trái lại, đó là ý muốn chung của Chúa cho loài người ngay từ ban đầu. Sự sống độc thân chỉ dành cho những người có sự ban cho riêng của Chúa và được ơn của Ngài, như Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy và được ghi lại trong Ma-thi-ơ 19:11-12. Những người được Chúa ban ơn cho sống độc thân sẽ biết chắc trong lòng là mình có thể sống độc thân mà không phạm tà dâm, cũng không có nhu cầu phải được thỏa mãn quan hệ tình dục. Người ấy, bởi ơn Chúa, sẽ kiềm chế được mình để không phạm tội tà dâm.

Người kết hôn làm một sự lựa chọn tốt vì kết hôn đúng theo ý Chúa. Người không kết hôn làm một sự lựa chọn tốt hơn vì vừa sống độc thân đúng theo ý Chúa vừa tránh được những gánh nặng về xác thịt và có nhiều thời gian hơn để hầu việc Chúa qua các mục vụ. Vì vương quốc của Chúa không thuộc về đời này nên những việc lành trong các mục vụ có giá trị cao hơn những việc lành trong các bổn phận đối với gia đình và xã hội.

39 Chồng còn sống bao lâu, thì vợ phải ràng buộc với chồng bởi luật pháp bấy lâu. Nếu chồng của nàng chết, nàng được tự do kết hôn với ai mà nàng muốn, miễn là trong Chúa.

Sau cùng là lời khuyên dành riêng cho những người vợ. Vào thời của Phao-lô, trong đế quốc La-mã, sự kết hôn rất là đơn giản, hai người quá tuổi dậy thì nhưng chưa đến tuổi thành niên, với sự cho phép của cha mẹ hoặc của người giám hộ, có thể tuyên bố trước nhân chứng rằng, họ là vợ chồng thì họ được luật pháp công nhận là vợ chồng. Những người đã đến tuổi thành niên thì có thể tự mình tuyên bố kết hôn. Sự ly dị cũng rất là dễ dàng. Người muốn ly dị chỉ cần gửi cho vợ hay chồng của mình một lá thư hoặc tuyên bố trước các nhân chứng là cuộc hôn nhân giữa đôi bên đã kết thúc. Tài sản chung và con cái luôn thuộc về người chồng. Nhiều phụ nữ trong đế quốc La-mã vào thời ấy thường tự ý ly dị chồng để tái kết hôn với một người khác giàu có hơn hoặc có quyền thế hơn.

Con dân Chúa trong đế quốc La-mã vào thời ấy, được sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa như vậy, trước khi họ tin nhận Chúa, nên đời sống sau khi tin Chúa của họ vẫn có thể còn lại những thói tật xấu của xã hội. Lời khuyên của Phao-lô dành cho những con dân Chúa là những phụ nữ có chồng, khuyên họ phải sống theo luật pháp của Chúa.

Theo luật của loài người, họ có thể ly dị chồng nếu họ muốn; nhưng theo luật của Chúa thì vợ chồng là một, không ai có quyền phân rẽ:

“Ngài đã trả lời, phán với họ: Các ngươi chưa đọc rằng, Đấng dựng nên đã dựng nên họ, nam và nữ, vào lúc ban đầu; và phán: Vì cớ đó, người nam sẽ lìa cha mẹ, và sẽ gắn bó với vợ của mình; cả hai sẽ nên một thịt, hay sao? Thế thì, họ không còn là hai nữa nhưng một thịt. Vậy, điều gì Đức Chúa Trời đã phối hiệp thì loài người chớ phân rẽ.” (Ma-thi-ơ 19:4-6).

Chúng ta thấy, đây là trường hợp điển hình của sự con dân Chúa phải vâng phục luật pháp của Chúa thay vì vâng phục luật pháp của loài người. Đây cũng là trường hợp điển hình về sự luật pháp của loài người nhiều khi chỉ để phục vụ lòng ích kỷ của loài người, phục vụ lòng ưa thích tự do phạm tội. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới ban hành luật công nhận hôn nhân đồng giới tính và luật cho phép phá thai. Các luật ấy hoàn toàn nghịch lại luật pháp của Chúa.

Trong Chúa, vợ chồng là một cho đến khi sự chết thuộc thể phân rẽ họ hoặc cho đến khi một trong hai người chết thuộc linh, vì phạm tội ngoại tình. Tội ngoại tình bao gồm cả tội ngoại tình thuộc linh, là tội thờ lạy thần tượng.

Không riêng gì người đàn bà mà ngay cả người đàn ông cũng có quyền tự do tái kết hôn sau khi người vợ hoặc người chồng của mình qua đời. Một trong các mục đích của hôn nhân vẫn là để tránh phạm tội tà dâm. Vì thế, ngay cả những con dân Chúa đã cao tuổi, không còn khả năng sinh con, nhưng vẫn có nhu cầu về tình dục thì họ vẫn có thể kết hôn hoặc tái kết hôn. Không có gì hổ thẹn về việc cao tuổi mà vẫn còn có nhu cầu về tình dục. Vì đó là sự ban cho của Chúa. Ai chê cười những người lớn tuổi vì họ vẫn còn có nhu cầu về tình dục là chê cười sự ban cho của Chúa. Người chê cười như vậy vừa có tội với Chúa vừa có tội với anh chị em của mình.

40 Nhưng, theo ý tôi, nếu nàng cứ ở vậy thì có phước hơn. Tôi nghĩ rằng, tôi cũng có thần trí của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, theo ý của Phao-lô, người phụ nữ góa chồng cứ tiếp tục sống độc thân để được phước nhiều hơn. Cái phước thứ nhất của người phụ nữ độc thân là không phải bận rộn chăm sóc chồng. Nhờ đó, người ấy có nhiều thời gian dành riêng cho Chúa hơn, dễ dàng tham dự các mục vụ trong Hội Thánh. Cái phước thứ nhì của người phụ nữ độc thân là chỉ ở dưới quyền của Chúa, không phải ở dưới quyền của chồng. Nhờ đó, người ấy không phải ép mình theo ý chồng mà nhiều khi ý chồng không sai nghịch Lời Chúa nhưng lại không thích hợp với mình.

Xét về phương diện sinh lý thì nói chung người đàn bà, nhất là đàn bà đã có tuổi, thường ít có nhu cầu về tình dục nên họ có thể sống độc thân mà không bị cám dỗ phạm tà dâm. Những phụ nữ độc thân trong Hội Thánh cũng có thể sống chung với nhau hoặc chăm sóc lẫn nhau. Ngoài ra, Hội Thánh cũng cần có chương trình giúp đỡ các phụ nữ độc thân trong Hội Thánh về nhân lực, khi họ có các nhu cầu mà sức lực của phụ nữ không thể giải quyết, như việc sửa chữa nhà cửa chẳng hạn.

Dù Phao-lô đưa ra ý kiến để góp ý cho con dân Chúa, nhưng ông nghĩ rằng, ông có thần trí của Thiên Chúa, tức là có sự hiểu biết, khôn sáng đến từ Chúa để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống theo các tiêu chuẩn của Chúa. Các tiêu chuẩn của Chúa chính là các điều răn và luật pháp của Ngài, như đã được ghi rõ trong Thánh Kinh. Những sự góp ý bởi thần trí đều đáng cho con dân Chúa noi theo.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/02/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Theo Chân Jesus”
https://karaokethanhca.net/theo-chan-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.