Chú Giải I Cô-rinh-tô 10:14-22 Con Dân Chúa Tránh Xa Sự Thờ Lạy Thần Tượng

2,811 views

YouTube: https://youtu.be/70EXRd_eIpU

Chú Giải I Cô-rinh-tô 10:14-22
Con Dân Chúa Tránh Xa Sự Thờ Lạy Thần Tượng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 10:14-22

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu của tôi! Hãy tránh xa sự thờ lạy thần tượng.

15 Tôi nói với các anh chị em như nói với những người khôn sáng. Các anh chị em hãy suy xét điều tôi nói.

16 Cái chén phước lành mà chúng ta xin Chúa ban phước, chẳng phải là thông với máu của Đấng Christ sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ, chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?

17 Vì chúng ta dù là nhiều người, là một tấm bánh, một thân thể; bởi vì hết thảy chúng ta dự phần trong một tấm bánh.

18 Hãy xem dân I-sơ-ra-ên theo phần xác! Chẳng phải những người ăn sinh tế là những người dự phần với bàn thờ sao?

19 Vậy thì tôi nói gì? Thần tượng có ra gì hay là của cúng tế các thần tượng có ra gì chăng?

20 Nhưng những gì các dân ngoại cúng tế là cúng tế cho những ma quỷ, không phải cho Thiên Chúa; nên tôi không muốn các anh chị em thông công với những ma quỷ.

21 Các anh chị em không thể uống chén của Chúa cùng chén của những ma quỷ. Các anh chị em không thể dự phần bàn ăn của Chúa cùng bàn ăn của những ma quỷ.

22 Hay chúng ta muốn chọc giận Chúa? Chúng ta mạnh sức hơn Ngài sao?

Trong I Cô-rinh-tô đoạn 8 chúng ta đã học biết về sự hư không của thần tượng, về sự dâng cúng của lễ cho các thần tượng là vô nghĩa, tuy nhiên, con dân Chúa không nên ăn của cúng thần tượng. Qua I Cô-rinh-tô 10:14-22, chúng ta lại được Đức Thánh Linh dạy rằng, con dân Chúa phải tránh xa sự thờ lạy thần tượng.

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu của tôi! Hãy tránh xa sự thờ lạy thần tượng.

Phao-lô gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là “những người yêu dấu của tôi”; và trước đó, ông đã viết là ông đối xử với họ như đối với các con yêu dấu của ông vậy (I Cô-rinh-tô 4:14). Ngoài con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng có một lần viết cho con dân Chúa tại Phi-líp, gọi họ là “những người yêu dấu của tôi” (Phi-líp 2:12). Cách gọi của Phao-lô thể hiện tình yêu thương tha thiết ông dành cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô ngay trong khi ông có những điều phiền trách họ, và họ không cùng chung một dân tộc với ông.

“Hãy tránh xa sự thờ lạy thần tượng” không chỉ là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, gửi đến con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, mà cũng là mệnh lệnh chung cho con dân Chúa ở khắp nơi. Động từ “tránh xa” (G5343) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là bỏ chạy; trốn thoát; chạy đến nơi an toàn; có nghĩa bóng là tránh xa những sự ô uế, xấu xa. Tránh xa sự thờ lạy thần tượng vừa là không tham dự, không làm ra sự thờ lạy thần tượng, vừa là không đến gần những nơi thờ lạy thần tượng, như các bàn thờ, am thờ tà thần, các đền, đình, chùa, miếu.

Ngoài ra, tránh xa sự thờ lạy thần tượng còn là tránh xem chính mình, hay ai khác, hay sự gì khác hơn cả Thiên Chúa. Một người tự thờ lạy chính mình khi vì tự ái mà không chịu nhận lỗi, xin lỗi. Một người tự thờ lạy chính mình khi chiều theo bất cứ ham muốn nào mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Một người thờ lạy người khác khi vì tình cảm dành cho người ấy mà phạm điều răn của Thiên Chúa.

15 Tôi nói với các anh chị em như nói với những người khôn sáng. Các anh chị em hãy suy xét điều tôi nói.

Cách gọi “những người khôn sáng” được dùng theo ý nghĩa là những người thật lòng kính sợ Thiên Chúa.

“Rồi, Ngài phán với loài người rằng: Này, sự kính sợ Chúa, ấy là sự khôn sáng; sự tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông sáng.” (Gióp 28:28).

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu của sự tri thức; những kẻ ngu dại khinh bỉ sự khôn sáng và lời răn dạy.” (Châm Ngôn 1:7).

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu của sự khôn sáng và sự tri thức Đấng Thánh là sự thông sáng.” (Châm Ngôn 9:10).

Những lời Phao-lô nói với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, nói riêng, và với con dân Chúa khắp nơi, nói chung, là những lời dành cho những ai thật lòng kính sợ Thiên Chúa. Vì chỉ có những người thật lòng kính sợ Thiên Chúa thì mới có sự tri thức để hiểu điều Phao-lô nói, là điều mà Đức Thánh Linh thần cảm cho ông nói.

Phao-lô kêu gọi con dân Chúa dùng sự tri thức đến từ lòng kính sợ Thiên Chúa để suy xét điều mà ông trình bày tiếp theo.

16 Cái chén phước lành mà chúng ta xin Chúa ban phước, chẳng phải là thông với máu của Đấng Christ sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ, chẳng phải là thông với thân thể của Đấng Christ sao?

“Cái chén phước lành” là chén nước nho mà con dân Chúa uống với nhau mỗi khi dự Tiệc Thánh. Chén nước nho được chính Đức Chúa Jesus Christ dùng làm hình ảnh tiêu biểu cho máu của Ngài phải đổ ra để hy sinh mạng sống cho loài người, gánh thay hình phạt cho sự phạm tội của loài người, để những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài thì được cứu rỗi. Được cứu rỗi là được tha thứ mọi tội lỗi, được thoát khỏi hình phạt đời đời trong hỏa ngục, được ban cho sự sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vì thế, chén nước nho trong Tiệc Thánh có sự tương thông với máu của Đấng Christ. Tương thông với máu của Đấng Christ là tương thông với sự cứu rỗi do sự đổ máu của Đấng Christ. Một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, khi uống chén nước nho của Tiệc Thánh thì người ấy thể hiện sự ăn năn tội và đức tin của mình vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ bằng hành động. Vì thế, hành động uống chén nước nho Tiệc Thánh cũng chính là hành động thể hiện sự người ấy được ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Tấm bánh không men con dân Chúa cùng ăn trong Tiệc Thánh được chính Đấng Christ dùng làm hình ảnh tiêu biểu cho thân thể xác thịt vô tội của Ngài phải bị đánh đập, bị tan vỡ, khi Ngài gánh thay hình phạt cho sự phạm tội của loài người. Vì thế, tấm bánh không men trong Tiệc Thánh có sự tương thông với thân thể xác thịt thánh khiết của Đấng Christ. Tương thông với thân thể thánh khiết của Đấng Christ là tương thông với nếp sống thánh khiết của chính Ngài. Một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, khi ăn miếng bánh không men Tiệc Thánh thì người ấy thể hiện lòng khao khát được sống thánh khiết như Đấng Christ và sự tiếp nhận nếp sống thánh khiết từ Đấng Christ vào chính thân thể xác thịt của mình. Vì thế, hành động ăn miếng bánh không men của Tiệc Thánh cũng chính là lời người ấy cam kết sẽ luôn sống thánh khiết như Đấng Christ, bởi sức sống mới từ Đấng Christ.

17 Vì chúng ta dù là nhiều người, là một tấm bánh, một thân thể; bởi vì hết thảy chúng ta dự phần trong một tấm bánh.

Đại danh từ “chúng ta” trong câu này được dùng để chỉ chung toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh. Lời Chúa dạy, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, mỗi con dân Chúa là một chi thể trong thân thể của Đấng Christ. Vì thế, khi tấm bánh không men trong Tiệc Thánh được dùng làm tiêu biểu cho thân thể xác thịt của Đấng Christ thì tấm bánh đó cũng đồng thời tiêu biểu cho Hội Thánh. Dự phần trong một tấm bánh là nhận được sức sống mới từ thân thể của Đấng Christ, nhận được sự hiệp một với Đấng Christ vì ở trong Hội Thánh của Ngài, thể hiện qua sự chúng ta bởi đức tin, nhận tấm bánh không men của Tiệc Thánh vào trong thân thể của mình.

Bánh là thức ăn để nuôi sống loài người. Thân thể xác thịt của Đấng Christ đã bị vỡ ra để đem lại sự sống cho loài người nên thân thể của Ngài được ví là tấm bánh thuộc linh. Men được dùng làm hình ảnh tiêu biểu cho tội lỗi. Bánh không men tiêu biểu cho một thân thể xác thịt không phạm tội. Bánh không men vừa tiêu biểu cho thân thể xác thịt không phạm tội của Đấng Christ đã vỡ ra để mang lại sự sống cho con dân Chúa vừa tiêu biểu cho tập thể con dân Chúa, gọi là Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể phục sinh của Đấng Christ, sẵn sàng chịu khổ, chịu tan vỡ để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời.

Mỗi một con dân Chúa là một với Đấng Christ trong Hội Thánh. Mỗi một con dân Chúa đều dự phần trong sự vinh quang của thân thể Đấng Christ:

“Vì như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và hết thảy các chi thể không có cùng công việc như nhau; thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người nhưng là một thân trong Đấng Christ, và mỗi người là chi thể của người khác.” (Rô-ma 12:4-5).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là các chi thể của Đấng Christ sao?” (I Cô-rinh-tô 6:15a).

“Các anh chị em là thân thể của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.” (I Cô-rinh-tô 12:27).

“Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài.” (Ê-phê-sô 5:30).

Mỗi một con dân Chúa cũng dự phần trong sự chịu khổ vì danh Chúa:

“Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài…” (Phi-líp 1:29).

“Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:13).

“Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Không thể nào một người ở trong Hội Thánh, là chi thể của Đấng Christ, mà lại không chịu khổ vì danh Chúa trong đời này. Sự chịu khổ đó bao gồm sự bị người khác chê cười vì chúng ta không sống trong tội lỗi như họ, bị gia đình và nhà cầm quyền bắt bớ đức tin, bị ma quỷ cám dỗ và tấn công, thử thách đức tin của chúng ta và lòng trung tín của chúng ta đối với Chúa.

Nhưng điều an ủi chúng ta là chúng ta không ở một mình trong thế gian này. Đức Chúa Trời luôn quan phòng con dân của Ngài, Ngài không hề lìa chúng ta, không hề bỏ chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5). Đức Chúa Jesus Christ ở cùng con dân của Ngài cho tới lúc tận thế để cứu giúp họ trong những cơn cám dỗ và thử thách (Ma-thi-ơ 28:20; Hê-bơ-rơ 2:18). Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, soi dẫn chúng ta, an ủi chúng ta, khích lệ chúng ta, và cầu thay cho chúng ta (Rô-ma 8:26). Hội Thánh, tức là các anh chị em cùng Cha, luôn sát cánh với chúng ta trong mọi cảnh ngộ.

18 Hãy xem dân I-sơ-ra-ên theo phần xác! Chẳng phải những người ăn sinh tế là những người dự phần với bàn thờ sao?

“Dân I-sơ-ra-ên theo phần xác” tức là dân tộc I-sơ-ra-ên ra từ Áp-ra-ham. Trong thời Cựu Ước, khi dân I-sơ-ra-ên dâng của lễ cảm tạ, còn gọi là của lễ thù ân, lên Thiên Chúa, thì họ được ăn phần thịt của sinh tế, sau khi đã dâng của lễ trên bàn thờ. Bàn thờ là thánh. Của lễ được đặt trên bàn thờ để dâng lên Thiên Chúa được nên thánh. Người ăn của lễ đó được dự phần trong sự nên thánh của bàn thờ. Động từ nên thánh ở đây có nghĩa là được Đức Chúa Trời tiếp nhận và được dành riêng cho Đức Chúa Trời.

Hội Thánh là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, ra từ Đấng Christ. Khi con dân Chúa dự Tiệc Thánh, ăn bánh không men và uống nước nho của Tiệc Thánh, thì họ dự phần với Đấng Christ trong sự chịu khổ của Ngài và trong nếp sống thánh khiết của Ngài.

19 Vậy thì tôi nói gì? Thần tượng có ra gì hay là của cúng tế các thần tượng có ra gì chăng?

20 Nhưng những gì các dân ngoại cúng tế là cúng tế cho những ma quỷ, không phải cho Thiên Chúa; nên tôi không muốn các anh chị em thông công với những ma quỷ.

Như chúng ta đã học trong I Cô-rinh-tô đoạn 8, thần tượng là hư không, sự cúng tế thần tượng là vô nghĩa. Nhưng các dân ngoại, khi cúng tế cho thần tượng thì họ nghĩ và tin rằng, thần tượng là những thần linh có thể ban ơn và giáng họa cho họ. Họ thờ phượng thần tượng thay vì thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế, ma quỷ, bao gồm Sa-tan và các thiên sứ phạm tội, đã lợi dụng sự mê tín của họ, làm ra những sự lạ qua thần tượng để khiến cho họ càng mê tín càng hơn. Trong Kỳ Tận Thế, ma quỷ có thể khiến cho lửa từ trời rơi xuống, khiến cho tượng của AntiChrist biết nói. Ma quỷ cũng có thể giết người và gieo rắc bệnh tật trong sự cho phép của Đức Chúa Trời, như xưa kia Sa-tan từng giết chết mười đứa con của ông Gióp và giáng bệnh trên thân thể của ông.

Bởi sự mê tín của các dân ngoại mà sự cúng tế thần tượng của họ trở thành sự cúng tế ma quỷ. Vì thế, khi một người ăn của cúng thần tượng, trong khi biết rõ đó là của cúng tế ma quỷ, thì người ấy tự mình thông công với ma quỷ. Thông công với ma quỷ là trở nên một với ma quỷ.

21 Các anh chị em không thể uống chén của Chúa cùng chén của những ma quỷ. Các anh chị em không thể dự phần bàn ăn của Chúa cùng bàn ăn của những ma quỷ.

Là con dân Chúa, chúng ta không thể cùng một lúc thông công với Chúa và thông công với ma quỷ. Không thể nào chúng ta dự Tiệc Thánh để nhớ đến Chúa, để thể hiện sự mình được dự phần trong sự cứu chuộc của Chúa, dự phần trong nếp sống mới thánh khiết trong Chúa, rồi lại ăn của cúng thần tượng để dự phần trong sự thờ lạy thần tượng, thông công với ma quỷ.

Con dân Chúa là Đền Thờ của Thiên Chúa. Đền Thờ của Thiên Chúa không có sự đồng thuận với thần tượng. Con dân Chúa phải tránh xa thần tượng và sự thờ lạy thần tượng, phân rẽ khỏi những kẻ thờ lạy thần tượng, như II Cô-rinh-tô 6:14-18 đã dạy rõ.

22 Hay chúng ta muốn chọc giận Chúa? Chúng ta mạnh sức hơn Ngài sao?

Nếu chúng ta đã hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta về sự thờ lạy thần tượng và về của cúng tế thần tượng mà chúng ta lại không tránh xa sự thờ lạy thần tượng, thản nhiên ăn của cúng thần tượng, thì có phải là chúng ta muốn chọc giận Chúa?

Thánh Kinh đã lưu lại cho chúng ta nhiều tấm gương về sự con dân Chúa chọc giận Chúa. Chúng ta biết rõ hậu quả thảm khốc của những kẻ chọc giận Chúa, khi họ thờ lạy thần tượng, thông công với ma quỷ; kể cả khi họ thờ lạy Chúa qua hình tượng do tay người làm ra.

Người đã biết rõ như vậy mà vẫn còn thờ lạy thần tượng, vẫn còn ăn của cúng thần tượng thì có phải người ấy cho rằng, mình mạnh sức hơn Thiên Chúa, cho rằng, Thiên Chúa chẳng làm gì được mình?

Điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ, sự thờ lạy thần tượng mà con dân Chúa thường vấp phạm chính là sự kiêu ngạo và lòng tự ái không đúng. Sự kiêu ngạo khiến cho một người tôn vinh chính mình thay vì tôn vinh Thiên Chúa. Lòng tự ái không đúng khiến cho một người không nhận lỗi, không nhận tội. Cả hai trường hợp đều là tự tôn bản ngã của mình làm thần tượng.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/03/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Khúc Tình Ca”
https://karaokethanhca.net/khuc-tinh-ca/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu