Chú Giải II Cô-rinh-tô 11:16-33 Sự Chịu Khổ của Phao-lô Trong Chức Vụ

2,567 views

YouTube: https://youtu.be/IdvcOvittQU

Chú Giải II Cô-rinh-tô 11:16-33
Sự Chịu Khổ của Phao-lô Trong Chức Vụ

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 11:16-33

16 Tôi lại nói rằng: Chớ có ai nghĩ tôi là kẻ dại dột. Nhưng trái lại, nếu không được vậy, thì ít ra các anh chị em hãy tiếp nhận tôi để tôi khoe mình một ít.

17 Điều tôi nói là tôi nói không theo Chúa, nhưng như nói trong sự vô tri về sự khoe mình quả quyết này.

18 Bởi có nhiều người khoe mình theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe mình.

19 Vì các anh chị em là những người khôn sáng mà vui mừng chịu đựng những kẻ vô tri.

20 Vì các anh chị em chịu đựng nếu bất cứ ai bắt các anh chị em làm nô lệ; nếu bất cứ ai ăn nuốt các anh chị em; nếu bất cứ ai nắm bắt các anh chị em; nếu bất cứ ai tự tôn cao mình; nếu bất cứ ai tát vào mặt các anh chị em.

21 Tôi nói về sự hổ thẹn gán cho chúng tôi như thể chúng tôi yếu đuối. Nhưng trong bất cứ sự gì nếu có ai dạn dĩ thì tôi nói trong sự vô tri, tôi cũng dạn dĩ.

22 Họ là người Hê-bơ-rơ phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là người I-sơ-ra-ên phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là dòng dõi của Áp-ra-ham phải chăng? Tôi cũng vậy.

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.

25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,

27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.

28 Ngoài những sự bên ngoài, những sự chống nghịch tôi suốt ngày, còn sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.

29 Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai bị vấp ngã mà tôi chẳng như bị thiêu đốt?

30 Nếu cần khoe mình thì tôi sẽ khoe mình về sự đau yếu của tôi.

31 Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ của tôi, Đấng được tôn vinh cho tới vĩnh cửu, Ngài biết rằng, tôi không nói dối.

32 Tại Đa-mách, thống đốc của Vua A-rê-ta đã giữ thành Đa-mách để bắt tôi.

33 Nhưng tôi đã được thả xuống qua cửa sổ, xuyên vách thành, trong một cái giỏ, và tôi đã thoát khỏi tay của người.

Phân đoạn Thánh Kinh II Cô-rinh-tô 11:16-33 ghi lại lời Phao-lô tâm tình với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về những gian nan, khốn khổ trong chức vụ sứ đồ của ông. Lẽ ra, Phao-lô không nói nhiều về mình, nhưng ông đã phải lên tiếng. Vì các giáo sư giả ở tại Cô-rinh-tô đã ra sức tự đề cao họ, trong khi bài bác Phao-lô, với mục đích khiến cho một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô không vâng phục Phao-lô nữa, mà nghe theo họ, gây ra sự bè đảng trong Hội Thánh. Phao-lô không có ý khoe khoang về sự chịu khổ của mình, nhưng ông buộc phải nói ra để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô biết rằng, người thật sự là sứ đồ của Chúa thì không ngồi một chỗ, ăn sung mặc sướng, bắt Hội Thánh cung phụng cho mình, như các giáo sư giả đang làm. Mà là người chịu khổ trong mọi sự để đem lẽ thật và sự cứu rỗi của Chúa đến với nhiều người. Ngoài ra, Phao-lô cũng nhân cơ hội này để chỉ ra sự thiếu hiểu biết của một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, khiến cho họ bị những giáo sư giả lừa dối và lợi dụng họ.

Chính nhờ mấy lời tâm tình này của Phao-lô mà Hội Thánh trong các thế hệ tiếp nối đã được biết thêm về sự chịu khổ của Phao-lô trong chức vụ. Đồng thời, những người hầu việc Chúa trong chức vụ có được tấm gương sáng để noi theo. Qua phân đoạn này, Hội Thánh trong mọi nơi, mọi lúc cũng biết phân biệt thế nào là người hầu việc Chúa chân thật và thế nào là người mạo nhận chức vụ hầu việc Chúa.

16 Tôi lại nói rằng: Chớ có ai nghĩ tôi là kẻ dại dột. Nhưng trái lại, nếu không được vậy, thì ít ra các anh chị em hãy tiếp nhận tôi để tôi khoe mình một ít.

Đã ba lần Phao-lô có ý khoe mình, như đã được ghi lại trong II Cô-rinh-tô 10:8; 11:1, 6; nhưng chưa lần nào ông có thể nói trọn những lời khoe mình. Lần này thì ông có thể nói trọn.

Tính từ “dại dột” dùng trong câu này có nghĩa là không biết nhận thức, không biết suy luận, không có sự khôn sáng, dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ.

Phao-lô khuyến cáo chung con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhưng cũng khuyến cáo riêng các giáo sư giả đang chống nghịch ông, là đừng có ai nghĩ rằng, ông khờ dại, không biết ứng xử trước những kẻ vu khống và bài bác ông. Nhưng cho dù có ai trong con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nghĩ rằng ông dại dột, thì ông mong họ tiếp nhận ông và nghe ông khoe mình một ít. Phao-lô có ý muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô so sánh sự khoe mình của ông với sự khoe mình của các giáo sư giả.

17 Điều tôi nói là tôi nói không theo Chúa, nhưng như nói trong sự vô tri về sự khoe mình quả quyết này.

“Nói không theo Chúa” hàm ý, lời tiếp theo Phao-lô nói ra không bởi sự thần cảm của Chúa, nhưng bởi ý muốn của ông. Dù vậy, lời nói của ông không sai nghịch Lời Chúa.

Chúng ta cần hiểu rõ điều này, có những lúc Chúa thần cảm chúng ta để chúng ta nói ra những gì Chúa muốn chúng ta nói. Nhưng thường là chúng ta nói ra theo sự nhận thức, cảm xúc, suy luận, và quyết định của chúng ta. Dù những gì chúng ta nói không được thần cảm bởi Chúa nhưng nếu chúng ta là người sống theo Lời Chúa, thì lời nói của chúng ta sẽ không sai nghịch Lời Chúa.

Có rất nhiều người lạm dụng cách nói:

  • Chúa dạy tôi!
  • Chúa khiến tôi!
  • Chúa tỏ ra cho tôi!
  • Chúa phán với tôi!
  • Chúa thúc giục tôi!
  • Chúa cảm động tôi!
  • Chúa muốn tôi nói!
  • Chúa muốn tôi làm!
  • V.v..

Chúng ta phải cẩn thận trong lời nói của mình. Nếu không, chúng ta sẽ phạm tội lấy danh Chúa làm ra vô ích. Chúng ta phải biết phân biệt rõ, khi nào là Chúa thần cảm cho chúng ta nói hoặc làm; và khi nào là chúng ta tự nói hoặc tự làm theo các nguyên tắc của Lời Chúa. Chúa không dựng chúng ta như những người máy, chỉ biết nói và làm khi Chúa thần cảm. Nhưng Chúa dựng chúng ta giống như Ngài, có nhận thức, có cảm xúc, có suy luận, và biết quyết định. Nhờ đó, chúng ta có thể dựa trên Lời Chúa để nhận thức, cảm xúc, suy luận, và quyết định, thể hiện thành lời nói và hành động mà không cần mỗi việc trong đời sống của chúng ta phải được Chúa thần cảm.

Thần cảm là một từ ngữ Thần học, có nghĩa là được Thiên Chúa tác động trong thần trí hoặc bằng lời phán, hoặc bằng sự làm cho hiểu, hoặc bằng sự thúc giục qua cảm xúc để nói hay làm một điều gì, mà Thiên Chúa muốn chúng ta nói hay làm.

“Như nói trong sự vô tri” là nói giống như người không có sự khôn sáng, không có sự hiểu biết. Phao-lô không nói rằng, ông nói trong sự vô tri; nhưng Phao-lô nói rằng, ông nói như nói trong sự vô tri. Nghĩa là ông khoe mình giống như những kẻ vô tri khoe mình, nhưng sự khoe mình của ông là đúng với sự thật và không phải để tự tôn cao mình.

“Sự khoe mình quả quyết” là sự khoe mình chắc chắn, đúng với sự thật.

18 Bởi có nhiều người khoe mình theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe mình.

Phao-lô có ý nói đến những giáo sư giả đang khoe mình với con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Có lẽ họ khoe khoang về gia thế, về học lực, về sự hiểu biết Cựu Ước, về sự quen biết lớn với các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem… Phao-lô gọi đó là sự khoe mình theo xác thịt, vì sự khoe mình đó nhằm mục đích tôn vinh người khoe.

Phao-lô cũng khoe mình nhưng sự khoe mình của Phao-lô là sự khoe mình trong Chúa, nghĩa là sự khoe mình để làm tôn vinh danh Chúa. Khoe để mọi người thấy Chúa đã hành động như thế nào trong đời sống của người khoe. Khoe để mọi người thấy rằng, trong đời sống đơn sơ, yếu đuối, năng lực có giới hạn của một người, phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, nhưng nếu có đức tin nơi Chúa, hết lòng tin kính Chúa, thì Chúa sẽ làm ra nhiều phép lạ trong đời sống của người ấy, giúp cho người ấy hoàn thành những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho người ấy.

19 Vì các anh chị em là những người khôn sáng mà vui mừng chịu đựng những kẻ vô tri.

Mặc dù Phao-lô dùng cách gọi chung “các anh chị em” nhưng mục đích của ông là nhắm tới những người đang nghe theo các giáo sư giả. Chắc chắn là trong số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô vẫn có những người không bị lầm lạc. Phao-lô gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là những người khôn sáng, vì họ nhận biết Tin Lành, tin nhận Tin Lành, và có Đức Thánh Linh ngự trong họ, dắt họ vào trong mọi lẽ thật. Nhưng Phao-lô cũng có lời trách họ, vì một số người trong họ đã vui mừng tiếp nhận và cung phụng các giáo sư giả. Họ đã để cho bề ngoài sang trọng và những lời mật ngọt, hùng biện của các giáo sư giả lừa gạt họ, thay vì dùng sự khôn sáng Chúa ban để nhận thức sự giả dối của những kẻ ấy.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, chữ “kẻ vô tri” trong câu này cùng là một chữ với “kẻ dại dột” trong câu 16.

20 Vì các anh chị em chịu đựng nếu bất cứ ai bắt các anh chị em làm nô lệ; nếu bất cứ ai ăn nuốt các anh chị em; nếu bất cứ ai nắm bắt các anh chị em; nếu bất cứ ai tự tôn cao mình; nếu bất cứ ai tát vào mặt các anh chị em.

Động từ “chịu đựng” được dùng trong câu này có nghĩa là dùng sức để tiếp tục đứng vững trước áp lực; gánh chịu những khó khăn, trở ngại, bất công, hay sự cứng lòng của người khác.

Trong thực tế, khi một số con dân Chúa tiếp nhận các giáo sư giả thì họ đã bị bắt phục để làm theo ý muốn của những kẻ ấy. Họ đã trở thành nô lệ thuộc linh, khi họ tin và làm theo những sự giảng dạy tà giáo, mà nguồn gốc của chúng là từ Sa-tan.

Động từ “ăn nuốt” được dùng trong câu này có thể dịch sang thành ngữ “ăn tươi nuốt sống” trong tiếng Việt, để chỉ hành động chiếm đoạt hay tiêu diệt trong chớp nhoáng, khiến đối phương không kịp chống cự.

Động từ “nắm bắt” được dùng trong câu này có nghĩa là bắt lấy để dùng, như quân lính bắt lấy tù binh và các chiến lợi phẩm, như người thợ săn bắt lấy con mồi.

Động từ “tự tôn cao mình” có nghĩa là tự phô trương những điều tốt của mình để người khác thán phục mình.

Thành ngữ “tát vào mặt” có nghĩa là xem thường, khinh dể, làm nhục.

Các giáo sư giả khoe khoang, đề cao chính mình; đòi hỏi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô phải kính trọng họ, cung phụng các nhu cầu vật chất của họ; trong khi họ dùng tà giáo để dẫn dắt con dân Chúa đi sai lạc Lời Chúa; và họ khinh dể, xem thường con dân Chúa. Thế nhưng một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã tiếp nhận họ, cung phụng họ, kính trọng họ, vâng lời họ; chịu đựng những sự dối trá, trịch thượng, và kiêu ngạo của họ.

21 Tôi nói về sự hổ thẹn gán cho chúng tôi như thể chúng tôi yếu đuối. Nhưng trong bất cứ sự gì nếu có ai dạn dĩ thì tôi nói trong sự vô tri, tôi cũng dạn dĩ.

Có lẽ các giáo sư giả trong khi vu khống và bêu rếu Phao-lô cùng các bạn của ông, họ đã nêu lên những điều mà họ cho là yếu đuối hay thiếu kém của Phao-lô và các bạn của ông, để chê cười. Nhưng thực tế, Phao-lô và các bạn của ông là những người kiên cường, hoàn thành bổn phận của chức vụ trong mọi nghịch cảnh, nhờ sức toàn năng của Chúa.

Phao-lô cho biết, xét về bất cứ phương diện nào trong cuộc sống, nếu có ai xưng mình dạn dĩ thì Phao-lô, theo cách khoe mình của họ, cũng xưng mình dạn dĩ. Phao-lô gọi cách xưng mình dạn dĩ của người đời là sự nói trong vô tri, tức là nói trong sự thiếu hiểu biết. Người đời xưng mình dạn dĩ vì không biết khả năng giới hạn của mình, vì không biết hậu quả thảm khốc của những hành động sai trái; nhất là vì không ý thức mọi sự mình có thể làm được là do Chúa cho phép chúng xảy ra, và hậu quả của những việc làm sai trái sẽ còn lại cho tới đời đời.

22 Họ là người Hê-bơ-rơ phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là người I-sơ-ra-ên phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là dòng dõi của Áp-ra-ham phải chăng? Tôi cũng vậy.

Bởi câu này mà chúng ta biết các giáo sư giả tại Cô-rinh-tô thuộc về nhóm những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Rất có thể họ từ Giê-ru-sa-lem đi tới các nơi trong đế quốc La-mã có Hội Thánh, để lừa dối và lợi dụng con dân Chúa. Một số các tà giáo mà họ rao giảng là phép cắt bì, sự giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước, và sự kiêng các thức ăn không tinh sạch. Họ xưng họ là người Hê-bơ-rơ, thuộc dân I-sơ-ra-ên, là dòng dõi của Áp-ra-ham.

Người Hê-bơ-rơ là con cháu của Sem, con trai út của Nô-ê. Thánh Kinh cho chúng ta biết, sau Cơn Lụt Lớn thì dòng dõi loài người ra từ ba con trai của Nô-ê là Gia-phết, Cham, và Sem (Sáng Thế Ký 10:32). Danh từ “người Hê-bơ-rơ” có nghĩa là: con cháu của Hê-be (Sáng Thế Ký 10:21), lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 14:13 để gọi Áp-ra-ham. Cách gọi “người Hê-bơ-rơ” là để xác định chủng tộc. Theo quan niệm thông thường thì Gia-phết là tổ phụ của chủng tộc da trắng; Cham là tổ phụ của chủng tộc da đen; và Sem là tổ phụ của chủng tộc da vàng. Các màu da khác là do sự pha trộn giữa các chủng tộc với nhau. Mỗi chủng tộc có nhiều dân tộc khác nhau. Dân tộc Hê-bơ-rơ thuộc về chủng tộc da vàng.

Người I-sơ-ra-ên là người thuộc dân tộc được Chúa chọn (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6). Danh từ I-sơ-ra-ên có nghĩa là: kẻ chiếm ưu thế với Thiên Chúa, được Thiên Chúa đặt cho Gia-cốp, sau khi ông vật lộn với Thiên Chúa hiện ra trong hình dáng của một người (Sáng Thế Ký 32:24-30; Sáng Thế Ký 35:10). Người I-sơ-ra-ên là một dân tộc ra từ dân tộc Hê-bơ-rơ.

Áp-ra-ham là người có giao ước với Đức Chúa Trời ban cho dòng dõi của ông, là dòng dõi ra từ con trai của ông là I-sác và cháu trai của ông là Gia-cốp. Gia-cốp là cha của mười hai tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên. Áp-ra-ham là người thuộc dân tộc Hê-bơ-rơ và là tổ phụ ban đầu của dân tộc I-sơ-ra-ên.

Một người tự xưng mình là người Hê-bơ-rơ để nhấn mạnh đến chủng tộc của mình; xưng nhận là người I-sơ-ra-ên để nhấn mạnh đến sự mình thuộc về một dân tộc được Thiên Chúa chọn; và xưng mình là dòng dõi của Áp-ra-ham để nhấn mạnh sự mình có phần trong lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham.

Phao-lô xưng nhận mình không thua kém gì các giáo sư giả về cả ba phương diện: người Hê-bơ-rơ, người I-sơ-ra-ên, và dòng dõi của Áp-ra-ham.

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

Các giáo sư giả không phải là những người hầu việc của Đấng Christ. Họ chỉ là những người hầu việc cho cái bụng của họ (Rô-ma 16:18; Phi-líp 3:19). Nhưng cho dù họ có là những người hầu việc của Đấng Christ thì Phao-lô còn lao nhọc nhiều hơn họ trong sự hầu việc Chúa; chịu khổ trong sự hầu việc Chúa vì bị đánh đập, bị cầm tù, bị nguy đến tính mạng cũng nhiều hơn họ.

24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.

Luật về hình phạt đánh đòn trong Cựu Ước không cho phép mỗi lần đánh quá 40 roi (Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:3). Về sau, người Pha-ri-si đặt ra luật hình phạt đánh đòn chỉ đánh đến 39 roi mà thôi, để tránh trường hợp vì đếm lầm mà đánh quá 40 roi, trở thành vi phạm luật pháp [1]. Có lẽ vì thế mà roi dùng để đánh phạm nhân thời ấy là loại roi có ba ngọn roi được gắn chung vào một cán roi. Mỗi lần đánh thì được kể là ba roi. Đánh 13 lần thì được 39 roi, không vượt quá con số 40 roi đã được quy định trong luật pháp [2].

Đó là lý do vì sao trong năm lần Phao-lô bị người Do-thái đánh đòn thì mỗi lần không tới 40 roi.

25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.

Ba lần Phao-lô bị đánh đòn được kể tới trong câu này là ba lần ông bị đánh đòn bởi lính La-mã. Người La-mã không theo phong tục và luật lệ của người Do-thái, nên chúng ta không biết mỗi lần Phao-lô chịu bao nhiêu roi. Công Vụ Các Sứ Đồ 16:22 ghi lại một trường hợp Phao-lô và Si-la bị người La-mã đánh đòn tại thành Phi-líp. Đầu ngọn roi của người La-mã có gắn những mảnh kim loại hoặc đá bén, khiến cho lằn roi cắt vào da thịt của người bị đòn. Đức Chúa Jesus đã chịu đòn bởi loại roi như vậy.

Công Vụ Các Sứ Đồ 14:19 ghi lại lần Phao-lô bị ném đá gần chết tại thành Lít-trơ.

Ba lần bị chìm tàu được nói tới trong câu này khác với và xảy ra trước lần Phao-lô bị chìm tàu được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 27. Một trong ba lần bị chìm tàu này, Phao-lô đã ở trong biển suốt một ngày một đêm, trước khi được cứu hay được trôi dạt vào bờ.

Qua lời tâm tình của Phao-lô trong phân đoạn này, chúng ta nhận thấy, Công Vụ Các Sứ Đồ đã không ghi đầy đủ những gian khổ trong mục vụ truyền giáo của Phao-lô.

26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,

27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.

Những cuộc hành trình được nói đến ở đây là những cuộc hành trình truyền giáo. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ chúng ta thấy ghi lại bốn cuộc hành trình truyền giáo của Phao-lô:

1. Năm 44 đến 46: Phao-lô, Ba-na-ba, và Mác với hành trình truyền giáo lần thứ nhất, rao giảng Tin Lành tại đảo Chíp-rơ, xứ Bam-phi-li, xứ Bi-si-đi, và xứ Li-cao-ni (Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 13 và 14).

2. Năm 49 đến 52: Phao-lô cùng Si-la với hành trình truyền giáo lần thứ nhì, rao giảng Tin Lành tại xứ Si-ri, xứ Si-li-si, xứ Phi-ri-gi, xứ Ga-la-ti, xứ Ma-xê-đoan, và xứ A-chai (Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 15:40-41; đoạn 16, 17, và 18).

3. Năm 53 đến 58: Phao-lô với hành trình truyền giáo lần thứ ba, rao giảng Tin Lành tại xứ Tiểu Á, xứ Ma-xê-đoan, và xứ A-chai, trước khi ông bị bắt tại Giê-ru-sa-lem vào cuối mùa xuân năm 58, và bị giam cho tới mùa thu năm 60 (Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 19 và 20).

4. Năm 61 đến 62: Đầu mùa thu năm 60, Phao-lô bị giải tới thành Rô-ma. Sau khi bị đắm tàu và qua mùa đông tại đảo Man-tơ thì Phao-lô đến thành Rô-ma vào đầu mùa xuân năm 61. Ông bị tạm giam trọn hai năm tại Rô-ma. Xem như đây là hành trình truyền giáo lần thứ tư của ông. Phao-lô công khai rao giảng Tin Lành tại thành Rô-ma trong suốt khoảng thời gian bị tạm giam tại đó, không bị ai ngăn cấm (Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 27 và 28).

Ngoài ra, sau khi được trắng án vào mùa xuân năm 63, Phao-lô đã từ Rô-ma đến đảo Cơ-rết rồi đến thành Ni-cô-bô-li. Cũng có thể Phao-lô đã đến Tây-ban-nha trong khoảng thời gian từ năm 63 đến 67, trước khi bị nhà cầm quyền La-mã bắt lần cuối vào năm 67. Đây được xem như hành trình truyền giáo lần thứ năm của Phao-lô (Tít 3:12). Sau khi bị bắt, Phao-lô đã bị giam trong tù tại thành Rô-ma; và có lẽ ông đã bị chém vào khoảng tháng Năm hoặc tháng Sáu năm 68, lúc đó ông đã 70 tuổi.

Trong suốt năm cuộc hành trình truyền giáo, Phao-lô đã đi nhiều nơi bằng đường bộ cũng như đường thủy, chịu nhiều gian nan, khốn khổ vì thời tiết, vì hoàn cảnh. Trong đó có sự thường xuyên phải đối diện với trộm cướp; với sự chống đối, ghét bỏ của dân Do-thái lẫn các dân ngoại, nhất là khi ông đụng chạm đến các tà thần của họ. Vì thế sự nguy hiểm có thể xảy ra cho ông dù là trong thành phố hay nơi đồng vắng, hoặc trên biển.

Nhưng có lẽ điều khiến ông khó chịu nhất là sự nguy hiểm khi đối diện với những người tự xưng nhận là môn đồ của Chúa, mà thật ra là những kẻ giả dối. Họ chỉ là những người tin Chúa ngoài môi miệng, nhưng trong lòng thì hoàn toàn vô tín. Họ đến với Hội Thánh để lợi dụng mà thôi. Chính vì thế mà Phao-lô nói về sự bị nguy hiểm giữa những anh chị em giả dối trong khi làm việc, trong khi chịu khổ, và ngay cả trong khi tỉnh thức canh chừng những kẻ ấy để tránh họ gây thiệt hại cho Hội Thánh. Điển hình là các giáo sư giả đang có mặt trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, vào thời điểm Phao-lô viết thư. Ngoài ra, Phao-lô thường xuyên đói ăn, khát uống, thiếu mặc trong các hành trình của ông. Hãy tưởng tượng những chuyến đi hàng trăm cây số bằng cách đi bộ hoặc đi thuyền buồm, thiếu nhiều tiện nghi, cách nay gần hai ngàn năm. Thời ấy, việc đi xe do súc vật kéo hoặc cưỡi lừa, cưỡi ngựa đi xa là rất khan hiếm; hầu như chỉ dành cho các viên chức cầm quyền và các nhà quyền quý. Người muốn đi từ thành phố này sang thành phố khác thường tụ tập đi chung với các thương buôn, là những người có đoàn tùy tùng đi theo, bảo vệ hàng hóa, để tránh bị thú dữ và quân cướp tấn công.

28 Ngoài những sự bên ngoài, những sự chống nghịch tôi suốt ngày, còn sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.

Ngoài những khó khăn, nguy hiểm Phao-lô phải đối diện mỗi ngày mà ông vừa nêu ra trong các câu trên, còn có sự khốn khó bên trong mà ông cũng phải chịu đựng mỗi ngày. Đó là sự lo lắng, quan tâm cho con dân Chúa trong các Hội Thánh. Sự lo lắng được nói đến ở đây không phải là sự lo lắng về những nhu cầu vật chất, không phải là sự lo lắng xuất phát từ sự thiếu đức tin. Nhưng là sự chăm lo về sự an toàn thuộc linh của con dân Chúa, xuất phát từ tình yêu. Sự lo lắng mà Phao-lô nói đến là sự xao xuyến trong lòng vì không biết rõ tình trạng của con dân Chúa khắp nơi. Dĩ nhiên, Phao-lô có đức tin nơi Chúa về sự chính Đức Chúa Trời quan phòng Hội Thánh, Đấng Christ chăn dắt Hội Thánh, và Đức Thánh Linh soi sáng cho Hội Thánh. Nhưng sự không thường xuyên biết tin tức của Hội Thánh vẫn khiến cho ông xao xuyến trong lòng.

Chúng ta cần nhớ rằng, vào thời của Phao-lô, tin tức chỉ có thể được thông truyền qua hình thức gửi thư hay nhờ người báo tin. Với phương tiện di chuyển thô sơ thời ấy, thường khi phải mất nhiều tháng mới có thể chuyển giao tin tức từ nơi này đến nơi khác.

29 Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai bị vấp ngã mà tôi chẳng như bị thiêu đốt?

Khi Phao-lô thấy hoặc hay tin có ai đó yếu đuối thì ông đồng cảm với sự yếu đuối của người ấy. Thay vì phê bình, chỉ trích, Phao-lô xem sự yếu đuối của người ấy như là sự yếu đuối của chính mình. Điều này đã được ông nói đến trong I Cô-rinh-tô 9:22. Nhờ đó, ông có thể cảm thông để khuyên bảo và dẫn dắt người yếu đuối. Mỗi một con dân Chúa cần phải học lấy đức tính này. Hơn nữa, có ai đã không từng yếu đuối, không từng thiếu hiểu biết, không từng thiếu đức tin?

Khi Phao-lô thấy hay biết có ai bị vấp ngã thì ông nóng lòng lo cho người ấy, đến nỗi có cảm giác như bị thiêu đốt trong lòng. Tiếng Việt của chúng ta còn có cách nói thay cho “nóng lòng” là “sốt ruột”. Sự vấp ngã tức là sự phạm lỗi hay phạm tội. Phao-lô nôn nóng trong lòng, tìm cách giúp cho người bị vấp ngã hiểu biết khuyết điểm của người ấy, và kêu gọi người ấy sớm ăn năn.

30 Nếu cần khoe mình thì tôi sẽ khoe mình về sự đau yếu của tôi.

Danh từ “sự đau yếu” được dùng trong câu này có nghĩa là sự yếu đuối đương nhiên của xác thịt, hoặc sự yếu đuối và đau đớn do bệnh tật gây nên. Phao-lô muốn nói rằng, những lời khoe mình trên đây của ông là khoe theo cách khoe của những kẻ vô tri, dù mục đích sự khoe khoang của ông khác với mục đích sự khoe khoang của họ. Ông không có nhu cầu khoe mình như vậy, nhưng ông đã khoe vì sự ích lợi cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, để nhờ đó, họ nhận biết sự khác biệt giữa người thật sự là tôi tớ của Đấng Christ với những kẻ giả mạo.

Nếu Phao-lô có nhu cầu khoe mình, thấy rằng, mình cần phải khoe mình, thì ông sẽ khoe về sự yếu đuối trong con người xác thịt của ông. Khoe rằng, xác thịt của ông không có đủ năng lực để làm những gì ông đã làm trong mục vụ, đã vậy còn bị bệnh tật làm cho nó yếu đuối càng hơn. Nhưng bởi ân điển và sức toàn năng của Chúa mà ông đã làm được mọi sự (Phi-líp 4:13).

31 Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ của tôi, Đấng được tôn vinh cho tới vĩnh cửu, Ngài biết rằng, tôi không nói dối.

Phao-lô nhân danh của Đức Chúa Trời để khẳng định rằng, lời trên đây của ông là lời chân thật, không phải là lời giả vờ khiêm nhường. Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với những lời nói khiêm nhường một cách giả vờ. Có thể chúng ta đã từng nói những lời khiêm nhường cách giả vờ; nói để được người khác khen là chúng ta khiêm nhường. Nhưng con dân chân thật của Chúa thì không được nói dối. Nói dối là nói lời nói không đúng với sự thật xảy ra bên ngoài hoặc không đúng với sự thật xảy ra trong tâm trí. Có thể loài người không biết sự nói dối của chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ; và chúng ta sẽ phải khai trình những lời nói vô ích, trong đó có lời nói dối, trước Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 12:36; Rô-ma 14:12).

Chúng ta đã được Đức Chúa Trời nhận là những con trai và những con gái của Ngài. Chúng ta gọi Ngài là Cha ở trên trời của chúng ta. Ngài được muôn loài tôn vinh cho tới vĩnh cửu. Sao chúng ta có thể nói lời nói dối để xúc phạm đến danh của Ngài? Nếu có những điều chúng ta không muốn nói thì chúng ta chỉ cần giữ im lặng, đừng dùng cách nói dối để che đậy.

Chúng ta chú ý cách nói thân yêu tha thiết của Phao-lô, khi ông gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của tôi” [3], gọi Đức Chúa Jesus Christ là “Đức Chúa Jesus Christ của tôi” và “Chúa của tôi” (Phi-líp 3:8). Chúng ta chỉ có thể nói những lời yêu thương tha thiết về Chúa khi chúng ta thật sự hiểu và kinh nghiệm được tình yêu của Chúa, vô cùng biết ơn Chúa.

32 Tại Đa-mách, thống đốc của Vua A-rê-ta đã giữ thành Đa-mách để bắt tôi.

33 Nhưng tôi đã được thả xuống qua cửa sổ, xuyên vách thành, trong một cái giỏ, và tôi đã thoát khỏi tay của người.

Hai câu cuối cùng trong phân đoạn này dường như không liên quan gì đến những ý Phao-lô vừa tâm tình trước đó. Tuy nhiên, có thể Phao-lô đã dẫn chứng một sự kiện về sự bất lực của mình, khi bị vây bắt tại thành Đa-mách (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:23-25). Ông đã không thể nào tự mình trốn thoát sự bách hại. Chính Chúa đã sắm sẵn các môn đồ giúp ông trốn thoát.

Qua sự khoe mình của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 11:16-33, chúng ta học được bài học sau đây:

Sự khoe mình để tự tôn cao mình, tìm kiếm sự thán phục, khen ngợi từ người khác là sự khoe mình không đẹp lòng Chúa. Đó là sự thể hiện của lòng kiêu ngạo.

Khi cần, con dân Chúa có thể khoe mình. Đó là khoe ra những sự yếu đuối của mình được Chúa làm cho mạnh sức, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho mình. Đó là khoe ra những sự quan phòng của Chúa trong đời sống của mình, khiến mình được bình an và thỏa lòng. Đó là khoe ra những phép lạ Chúa làm ra cho mình để đáp ứng đức tin của mình.

Chúng ta ý thức rằng, mỗi người là công cụ trong tay Chúa để làm ra những việc lành, tôn cao danh Chúa. Mọi năng lực và sự khôn sáng đều đến từ Chúa, không một người nào là tự mình tài giỏi và mạnh sức. Vì thế, mọi sự khoe khoang thành tích đều phải nhằm mục đích tỏ lòng biết ơn Chúa và tôn cao danh Chúa.

Chúng ta học biết cách phân biệt lời khoe mình đẹp lòng Chúa của người thật sự ở trong Chúa với lời khoe mình không đẹp lòng Chúa của người không thật sự ở trong Chúa.

Chúng ta nên tập thói quen tránh cách khen người khác mà lời khen của mình có thể cám dỗ người được khen trở nên kiêu ngạo. Thí dụ:

  • Thay vì khen: “Chị có giọng hát hay quá, thật là truyền cảm.” Chúng ta khen: “Cảm tạ Chúa đã ban cho chị có một giọng hát hay, rất truyền cảm để tôn vinh Chúa.”
  • Thay vì khen: “Anh chia sẻ Lời Chúa thật rõ ràng và dễ hiểu, khác với những người khác.” Chúng ta khen: “Cảm tạ Chúa đã ban cho anh sự hiểu biết Lời Chúa và cách chia sẻ thật rõ ràng, dễ hiểu. Nguyện Chúa ban ơn cho anh càng hơn.”
  • Thay vì khen: “Bài chia sẻ của bạn thật là tuyệt vời. Giúp ích cho tôi rất nhiều.” Chúng ta khen: “Cảm tạ Chúa đã ban cho bạn sự hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa. Bài chia sẻ của bạn đã giúp ích cho tôi rất nhiều.”

Đó là lời khen trong Chúa, vì là lời khen làm tôn cao danh Chúa, không cám dỗ người khác phạm tội kiêu ngạo. Đó là lời khen phải lẽ, đẹp lòng Chúa.

Nguyện Chúa giúp chúng ta luôn biết khoe mình trong Chúa và khen nhau trong Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/01/2021

Ghi Chú

Các định nghĩa từ ngữ từ Thánh Kinh trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh: https://thewordtoyou.net/dictionary/

[1] https://www.sefaria.org/Makkot.22b.2?ven=William_Davidson_Edition_-_English&lang=bi

[2] Josephus, Antiq. iv. 8. 21 https://sacred-texts.com/jud/josephus/ant-4.htm

[3] Rô-ma 1:8; I Cô-rinh-tô 1:4; 14:8; Phi-líp 1:3; 4:19; Phi-lê-môn 1:4.

Karaoke Thánh Ca: “Mau Tiếp Nhận Tình Ngài”
https://karaokethanhca.net/mau-tiep-nhan-tinh-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.