Chú Giải II Cô-rinh-tô 09:01-15 Lời Khích Lệ về Sự Dâng Hiến Tiếp Trợ Lẫn Nhau

3,196 views

YouTube: https://youtu.be/QnAq4SdNKOI

Chú Giải II Cô-rinh-tô 9:1-15
Lời Khích Lệ về Sự Dâng Hiến Tiếp Trợ Lẫn Nhau

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 9:1-15

1 Vì thực tế, về sự phục vụ cho các thánh đồ, thì sự tôi viết cho các anh chị em là dư thừa.

2 Vì tôi biết sự sẵn lòng của các anh chị em, bởi đó, tôi khoe khoang về các anh chị em với người Ma-xê-đoan, rằng người A-chai đã sắm sẵn từ năm ngoái. Lòng sốt sắng của các anh chị em đã giục lòng nhiều người.

3 Nhưng tôi đã sai các anh em cùng Cha kia đến với các anh chị em, để cho sự khen ngợi của chúng tôi về các anh chị em không thành ra vô ích trong phần này, để cho các anh chị em được sẵn sàng như tôi đã nói.

4 Kẻo, nếu người Ma-xê-đoan đến với tôi và thấy các anh chị em không sẵn sàng, thì chúng tôi, chứ chúng tôi không nói các anh chị em, sẽ bị hổ thẹn trong sự khoe khoang chắc chắn này.

5 Vậy, tôi nghĩ cần phải xin các anh em cùng Cha kia để họ đi trước, đến với các anh chị em, và sắm sẵn sự dâng hiến của các anh chị em như đã hứa. Như vậy, giống như là sẵn sàng, giống như sự dâng hiến chứ không như là sự tống tiền.

6 Và này, người gieo ít thì sẽ gặt ít, còn người gieo trong sự phước hạnh thì sẽ gặt trong sự phước hạnh.

7 Mỗi người theo tấm lòng đã định, không bởi sự phàn nàn hay bởi sự ép buộc. Vì Đức Chúa Trời yêu người ban cho cách vui lòng.

8 Nhưng Đức Chúa Trời có quyền ban đầy dẫy mọi thứ ơn cho các anh chị em, để các anh chị em luôn có sự đầy đủ mọi điều trong mọi sự, dư dật cho mọi việc lành.

9 Như đã chép: Người đã rải ra, người đã ban cho những người nghèo, thì sự công bình của người còn lại cho tới vĩnh cửu. [Thi Thiên 112:9]

10 Nhưng Đấng cung cấp hạt giống cho người gieo giống cũng chu cấp dư dật bánh để làm thức ăn. Ngài sẽ làm thêm nhiều những hạt giống đã gieo của các anh chị em, và làm cho thêm lên những trái của sự công bình của các anh chị em.

11 Các anh chị em được làm cho giàu có trong mọi sự để hào phóng mọi bề, là sự qua chúng ta làm ra lòng biết ơn Đức Chúa Trời.

12 Vì việc thi hành mục vụ này không chỉ là chu cấp những nhu cầu của các thánh đồ, nhưng cũng làm dư dật hơn trong nhiều lời tạ ơn Đức Chúa Trời.

13 Qua sự kinh nghiệm của mục vụ này, họ tôn vinh Đức Chúa Trời về sự tuyên xưng lòng vâng phục của các anh chị em đối với Tin Lành của Đấng Christ, cùng sự rộng lòng chia xẻ của các anh chị em đối với họ và đối với mọi người.

14 Với lời khẩn xin của họ cho các anh chị em, họ mong ngóng các anh chị em, bởi ân điển vượt trội của Đức Chúa Trời trên các anh chị em.

15 Nhưng sự cảm tạ thuộc về Đức Chúa Trời về sự ban cho không thể tả được của Ngài!

Chúng ta đã học biết, Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ, mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể của thân thể Chúa. Vì thế, mỗi người trong Hội Thánh có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Bổn phận là việc phải làm. Trách nhiệm là hậu quả phải gánh lấy nếu không làm tròn bổn phận. Một trong các bổn phận và trách nhiệm của con dân Chúa đối với nhau là tiếp trợ, cứu giúp các anh chị em cùng Cha khi họ gặp nghịch cảnh. Nghịch cảnh có thể là sự thiếu thốn về tiền bạc để trang trải các nhu cầu vật chất trong cuộc sống; có thể là bị bách hại về đức tin; có thể là lâm vào cảnh dịch bệnh, tai nạn, chiến tranh…

Chúa cho phép nghịch cảnh xảy ra với một số con dân Chúa để thử thách và rèn luyện đức tin của họ. Câu chuyện về Gióp, Giô-sép, dân I-sơ-ra-ên, Phao-lô… cho chúng ta thấy rõ, đối với con dân Chúa, mọi nghịch cảnh đều là sự thử thách và rèn luyện đức tin. Cùng lúc, Chúa cũng dùng nghịch cảnh của người này để ban phước cho người khác, khi những người không bị nghịch cảnh biết tiếp trợ, cứu giúp người ở trong nghịch cảnh. Ma-thi-ơ 25:31-46 là bài học rõ ràng về bổn phận và trách nhiệm tiếp trợ, cứu giúp lẫn nhau của con dân Chúa.

“Vua sẽ đáp lời, phán với họ rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, các anh chị em của Ta, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:40).

“Thì Ngài sẽ trả lời họ, phán rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã không làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã không làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:45).

II Cô-rinh-tô đoạn 9 là lời Đức Thánh Linh dùng để khích lệ con dân Chúa trong việc dâng hiến lên Chúa để tiếp trợ lẫn nhau, giúp nhau vượt qua nghịch cảnh.

1 Vì thực tế, về sự phục vụ cho các thánh đồ, thì sự tôi viết cho các anh chị em là dư thừa.

Sự phục vụ cho các thánh đồ vào thời ấy của con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương là: chăm sóc những trẻ mồ côi và những phụ nữ góa bụa; tiếp trợ những người nghèo; tiếp đón và chu cấp lộ phí cho các sứ đồ; tiếp đón và chu cấp lộ phí cho con dân Chúa từ nơi khác đến, nếu họ không có lộ phí để đi tiếp hành trình của họ… Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã sốt sắng trong sự phục vụ các thánh đồ nên Phao-lô cho rằng, sự ông nhắc đến trong các câu trước đó (trong đoạn 8) là dư thừa.

2 Vì tôi biết sự sẵn lòng của các anh chị em, bởi đó, tôi khoe khoang về các anh chị em với người Ma-xê-đoan, rằng người A-chai đã sắm sẵn từ năm ngoái. Lòng sốt sắng của các anh chị em đã giục lòng nhiều người.

Xứ Ma-xê-đoan với các Hội Thánh tại Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, và Bê-rê nằm về phía bắc của xứ A-chai. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và Xen-cơ-rê thuộc xứ A-chai.

Khi Phao-lô ghé lại các Hội Thánh tại xứ Ma-xê-đoan, trước khi trở lại thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, thì ông đã khoe với con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan về lòng sốt sắng và rộng rãi của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Điều đó đã khiến cho con dân Chúa tại Ma-xê-đoan được khích lệ và noi gương. Thời điểm Phao-lô viết thư II Cô-rinh-tô là vào khoảng cuối mùa thu năm 57. Trước đó, vào khoảng mùa đông năm 56, khi Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô, thì cuối thư (I Cô-rinh-tô 16:1-3) ông có nói đến việc quyên góp để tiếp trợ cho con dân Chúa tại xứ Giu-đê. Kể từ đó, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã bắt đầu dành dụm tiền quyên góp.

3 Nhưng tôi đã sai các anh em cùng Cha kia đến với các anh chị em, để cho sự khen ngợi của chúng tôi về các anh chị em không thành ra vô ích trong phần này, để cho các anh chị em được sẵn sàng như tôi đã nói.

4 Kẻo, nếu người Ma-xê-đoan đến với tôi và thấy các anh chị em không sẵn sàng, thì chúng tôi, chứ chúng tôi không nói các anh chị em, sẽ bị hổ thẹn trong sự khoe khoang chắc chắn này.

“Các anh em cùng Cha kia” chính là Tít và hai người cùng đi với Tít, như chúng ta đã học trong II Cô-rinh-tô 8:18, 22. Theo câu 4, chúng ta biết, có một số con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương tại Ma-xê-đoan đã cùng đi với Phao-lô, đến thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Phao-lô muốn rằng, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô sẵn sàng và chu đáo trong việc thu góp tiền tiếp trợ, để khi ông và con dân Chúa tại Ma-xê-đoan đến, thì ông sẽ không bị hổ thẹn, vì ông đã khen con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, trước các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan.

5 Vậy, tôi nghĩ cần phải xin các anh em cùng Cha kia để họ đi trước, đến với các anh chị em, và sắm sẵn sự dâng hiến của các anh chị em như đã hứa. Như vậy, giống như là sẵn sàng, giống như sự dâng hiến chứ không như là sự tống tiền.

Qua lời trình bày của Phao-lô, chúng ta biết, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô sốt sắng, sẵn lòng, và rộng rãi trong sự dâng hiến lên Chúa, để tiếp trợ những con dân Chúa đang gặp khó khăn, vì nạn đói tại xứ Giu-đê. Nhưng nếu sự quyên góp không được tiến hành một cách chu đáo và sẵn sàng thì có thể gây hiểu lầm và làm gương xấu. Phao-lô không muốn khi ông và những con dân Chúa tại Ma-xê-đoan đến Cô-rinh-tô thì Hội Thánh tại Cô-rinh-tô mới hấp tấp lo việc thu gom số tiền dâng hiến. Hành sự như vậy khiến cho sự dâng hiến không có sự tôn nghiêm mà giống như một sự tống tiền. Danh từ “sự tống tiền” trong nguyên ngữ Hy-lạp bao gồm các nghĩa: tham lam; lừa gạt tiền bạc; tống tiền. Tống tiền là dùng mưu kế hoặc sức mạnh để ép người khác phải đưa tiền ra.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, bất cứ một sự dâng hiến nào trong Hội Thánh, trước hết vẫn là sự dâng hiến lên Chúa. Kế tiếp, trong danh Chúa, sự dâng hiến đó được dùng để gây dựng và phát triển Hội Thánh của Ngài. Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng, mỗi một việc lành chúng ta làm cho nhau đều trước hết là làm cho chính Chúa (Ma-thi-ơ 25:40). Vì thế, chúng ta cần có thái độ cung kính và hết lòng trong khi dâng hiến và trong khi làm việc.

6 Và này, người gieo ít thì sẽ gặt ít, còn người gieo trong sự phước hạnh thì sẽ gặt trong sự phước hạnh.

Khi nói về sự gieo và gặt thuộc thể, chúng ta biết rằng, một hạt giống gieo ra có thể kết quả thành 100 hạt, hoặc 60 hạt, hoặc 30 hạt, theo lời phán của Đức Chúa Jesus đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 13:8. Một hạt giống cho ra 100 hạt là kết quả 10.000%. Người Trung Quốc thường chúc nhau câu: “Nhất bản vạn lợi”, có nghĩa là “một vốn mười ngàn lời”. Nếu “vạn lợi” trong câu chúc hàm ý mười ngàn phần trăm lợi nhuận thì câu chúc đó rất hợp Thánh Kinh. Thực tế, một hạt giống lúa mì khi mọc thành cây lúa mì thì trung bình có năm nhánh và mỗi nhánh có 22 hạt lúa; tức là một hạt lúa mì có thể sinh ra tối đa 110 hạt khác. Ngoài phẩm chất của hạt giống, sự kết quả nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chất đất và thời tiết. Cũng có những khi vì thời tiết, vì sâu bệnh mà người gieo giống bị mất trắng tay.

Quy luật gieo gặt về thuộc thể cũng ứng dụng cho thuộc linh. Vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã dùng ngụ ngôn gieo giống, để nói về sự gieo và gặt thuộc linh.

Người gieo ít là người gieo ra số lượng hạt giống ít về thuộc thể hoặc người làm ra những việc lành ít về phương diện thuộc linh. Điểm khác biệt giữa sự thu hoạch của thuộc thể và thuộc linh là: Kết quả sự thu hoạch thuộc thể dù lớn tới đâu, sẽ qua đi trong cuộc đời này. Kết quả sự thu hoạch thuộc linh dù nhỏ thế nào, sẽ còn lại cho tới đời đời. Vì đó là sự vinh quang được mặc lấy trên thân thể của con dân Chúa, trong thiên đàng:

“Chúng ta hãy vui vẻ, mừng rỡ, và dâng sự tôn kính lên Ngài, vì hôn lễ của Chiên Con đã tới. Vợ của Ngài, chính người đã sẵn sàng. Người đã được ban cho để mặc lấy trang phục mịn, sạch, và trắng. Vì trang phục mịn là những việc làm công bình của những thánh đồ.” (Khải Huyền 19:7-8).

Mỗi con dân Chúa sẽ có sự vinh quang riêng của chính mình, tùy theo những việc lành mình đã làm trong khi còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại. Sự vinh quang riêng của mỗi con dân Chúa hiệp lại thành sự vinh quang chung của Hội Thánh. Mỗi con dân Chúa, ngay từ khi thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, nếu hết lòng sống theo Lời Chúa thì mỗi việc làm trong đời sống của người ấy đều là việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Bước đi trong những việc lành là sống trong những việc lành và làm ra những việc lành. Con dân Chúa sống trong những việc lành Thiên Chúa làm ra cho họ và cùng lúc, họ làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ, Đức Chúa Jesus Christ cùng làm với họ (vì họ là chi thể của Ngài), và Đức Thánh Linh ban năng lực cùng các ân tứ cho họ.

Để làm việc lành, con dân Chúa chỉ cần có tấm lòng. Tấm lòng yêu kính Thiên Chúa, biết ơn Thiên Chúa, vâng phục Thiên Chúa, và khao khát được phụng sự Thiên Chúa. Ngụ ngôn về các ta-lâng trong Ma-thi-ơ 25:13-30 giúp cho chúng ta hiểu rằng, Đức Thánh Linh ban cho mỗi con dân Chúa các ân tứ nhiều ít khác nhau; và Thiên Chúa mong đợi mỗi con dân Chúa tận dụng các ân tứ Chúa ban để làm lợi cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Ngụ ngôn các nén bạc trong Lu-ca 19:11-26 giúp cho chúng ta hiểu rằng, Đấng Christ ban cho mỗi chi thể của Ngài đồng đều cơ hội phụng sự Ngài, và mỗi con dân Chúa nên tận dụng cơ hội Chúa ban để phụng sự Chúa cách có kết quả.

Có những việc lành chung mà ai nấy trong Hội Thánh cũng phải làm, đó là sống thánh khiết theo Lời Chúa, vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa [1]. Có những việc lành Đức Chúa Trời sắm sẵn riêng cho mỗi người. Có người được ban cho chức vụ trong Hội Thánh. Có người được ban cho ân tứ để phụng sự Chúa, dù không có chức vụ trong Hội Thánh [2]. Nhưng ai nấy đều có cơ hội bằng nhau và có ít nhất là một ân tứ để phụng sự Chúa, phục vụ lẫn nhau.

Không một chi thể nào là vô ích đối với toàn thân. Không một người nào là vô ích trong Hội Thánh. Một người không có học thức cao; không có kiến thức rộng; không có địa vị, quyền thế trong xã hội; không giàu có về vật chất; thậm chí không có đầy đủ sức khỏe, suốt đời phải nằm trên giường bệnh, nhờ sự chăm sóc của nhiều người khác; nếu là con dân Chúa, thì vẫn có cơ hội để phụng sự Chúa và hầu việc Hội Thánh. Người ấy ít nhất có thể tôn vinh Chúa bằng lời tôn vinh, cảm tạ; nói về Chúa cho mọi người tiếp cận mình; và cầu thay cho Hội Thánh. Ngay cả khi người ấy không thể nói ra tiếng, thì người ấy vẫn có thể tôn vinh Chúa và cầu thay cho Hội Thánh trong tâm trí. Vấn đề là chúng ta, những con dân của Chúa, có biết tận dụng cơ hội Chúa ban, tận dụng mọi ân tứ Chúa ban, tận dụng mọi phương tiện Chúa ban như: tuổi trẻ, sức khỏe, thời gian, tài sản, địa vị, quyền thế, học thức… để làm lành mà phụng sự Chúa và phục vụ lẫn nhau hay không.

“Người gieo trong sự phước hạnh” là người làm việc lành trong sự ban phước của Chúa, được Đấng Christ cùng làm với mình. Một trong các ý nghĩa của sự cùng sống với Đấng Christ và sống trong Đấng Christ là mỗi việc lành chúng ta làm đều có sự cùng làm của Đấng Christ; vì Ngài là Đầu của Hội Thánh và mỗi người trong Hội Thánh là chi thể của Ngài.

Có những việc lành được làm ra nhưng không phải là làm ra trong sự phước hạnh, vì là việc lành được làm ra theo ý riêng, không theo ý muốn của Thiên Chúa, dù là được nhân danh Chúa để làm. Lời Chúa dạy:

“Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:22-23).

Là con dân Chúa, chúng ta phải luôn luôn làm những việc lành bởi sự tác động của Thiên Chúa, chứ không theo sự suy nghĩ của xác thịt, tức ý riêng của chúng ta:

“Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa, có biết bao nhiêu con dân Chúa đang làm việc lành theo sự hướng dẫn của giáo hội, theo sự suy nghĩ của xác thịt, chứ không theo ý muốn của Chúa. Những việc lành đó không được làm ra trong phước hạnh. Có thể những việc lành đó sẽ gặt được những sự thán phục, khen ngợi của loài người trong đời này. Nhưng người làm ra những việc lành đó sẽ không gặt trong sự phước hạnh; vì kết quả của những việc lành đó không còn lại cho tới đời đời.

7 Mỗi người theo tấm lòng đã định, không bởi sự phàn nàn hay bởi sự ép buộc. Vì Đức Chúa Trời yêu người ban cho cách vui lòng.

Sự dâng hiến tiền bạc lên Chúa cho các mục vụ trong Hội Thánh hay để cứu giúp lẫn nhau, trước hết phải do nơi tấm lòng muốn dâng hiến, kế đến là tùy theo khả năng có thể dâng hiến của mỗi người. Một người vừa dâng hiến vừa phàn nàn thì rõ ràng là người ấy không có tấm lòng muốn dâng hiến. Một người dù có thể bên ngoài tỏ ra vui vẻ dâng hiến, nhưng thực ra dâng hiến vì không muốn bị người khác đánh giá mình, thì người ấy cũng không có tấm lòng muốn dâng hiến. Sự phàn nàn hay sự ép buộc được nói đến trong câu này là chỉ về người dâng hiến. Hoặc là người ấy than phiền trong khi dâng hiến, hoặc là người ấy cảm thấy bị áp lực phải dâng hiến.

Vì Đức Chúa Trời yêu người ban cho cách vui lòng nên chắc chắn Đức Chúa Trời không yêu người ban cho bởi sự phàn nàn hay bởi sự ép buộc. Dâng hiến mà không được Đức Chúa Trời yêu thì sự dâng hiến đó chẳng khác nào những loại gỗ, cỏ khô, rơm rạ (I Cô-rinh-tô 3:15) trong mục vụ xây dựng và gây dựng Hội Thánh của Chúa.

Một người chỉ có thể ban cho cách vui lòng khi người ấy thật sự nhận thức: mình đã hoàn toàn thuộc về Chúa; mọi sự mình có đều là sự Chúa ban cho để mình có phương tiện phụng sự Chúa; mình không còn sống hay chết cho chính mình hay cho ai khác, cho sự gì khác, mà chỉ sống cho Chúa và chết cho Chúa. Người như vậy, luôn vừa muốn, vừa làm theo ý tốt của Thiên Chúa, bởi sự tác động của Ngài. Nên người ấy vui mừng, sốt sắng, tận sức trong mọi sự dâng hiến theo ý Chúa.

8 Nhưng Đức Chúa Trời có quyền ban đầy dẫy mọi thứ ơn cho các anh chị em, để các anh chị em luôn có sự đầy đủ mọi điều trong mọi sự, dư dật cho mọi việc lành.

Khi Đức Chúa Trời đã tác động trong chúng ta để làm việc lành theo thánh ý của Ngài, thì Ngài luôn ban đủ mọi thứ ơn, từ thuộc thể đến thuộc linh, để chúng ta làm thành việc lành ấy.

Nhóm chữ “Đức Chúa Trời có quyền” hàm ý không ai có thể ngăn cản Ngài và Ngài toàn năng để hành động.

“Ban đầy dẫy mọi thứ ơn” có nghĩa là ban cho tất cả những ơn nào cần thiết cho con dân Chúa, từ thuộc thể đến thuộc linh, để họ sống thỏa lòng và phụng sự Chúa, phục vụ lẫn nhau.

“Luôn có sự đầy đủ mọi điều trong mọi sự” có nghĩa là tất cả mọi cơ hội sống cho Chúa; mọi ân tứ và phương tiện để phụng sự Chúa, để phục vụ lẫn nhau; mọi năng lực và sự khôn sáng để làm trọn mọi việc lành; luôn được Đức Chúa Trời ban cho cách đầy đủ.

Vì thế, mỗi việc lành chúng ta làm ra đều có phẩm chất đến từ trời, và xứng đáng để còn lại đời đời.

“Luôn có sự đầy đủ mọi điều trong mọi sự” không có nghĩa là lúc nào con dân Chúa cũng giàu có về vật chất theo tiêu chuẩn của thế gian. Mà là khi con dân Chúa cần làm việc lành theo ý Chúa thì có đầy đủ phương tiện để làm việc lành.

Khi chúng ta đọc câu chuyện bà góa dâng hai đồng tiền chỉ đáng giá 1/4 xu được ghi lại trong Mác 12:42-44, chúng ta thấy, có nhiều người giàu có dâng những số tiền lớn. Nhưng Đức Chúa Jesus khẳng định, người đàn bà góa ấy đã dâng nhiều hơn tất cả những người giàu có dâng hiến những số tiền lớn. Vì những người giàu có đã dâng một phần tiền của họ nhưng người đàn bà góa đã dâng hết số tiền dùng nuôi mình của bà. Đối với Chúa, theo tiêu chuẩn của Chúa, người đàn bà góa ấy đã có đầy đủ tiền để dâng trọn lên Chúa trong sự dâng hiến.

9 Như đã chép: Người đã rải ra, người đã ban cho những người nghèo, thì sự công bình của người còn lại cho tới vĩnh cửu. [Thi Thiên 112:9]

Đức Thánh Linh đã qua Sứ Đồ Phao-lô, nhắc lại lời Thi Thiên 112:9 để khẳng định rằng, mọi sự cứu giúp về vật chất chúng ta làm ra cho những người nghèo trong cuộc đời này, dù là người tin Chúa hay người không tin Chúa, cũng đều là những việc làm công bình. Và những việc làm công bình thì còn đến vĩnh cửu. Vì những việc làm công bình chính là sự vinh quang được gọi là trang phục mịn, sạch, và trắng mà chúng ta sẽ mặc, khi chúng ta bước vào thiên đàng (Khải Huyền 19:7-8).

10 Nhưng Đấng cung cấp hạt giống cho người gieo giống cũng chu cấp dư dật bánh để làm thức ăn. Ngài sẽ làm thêm nhiều những hạt giống đã gieo của các anh chị em, và làm cho thêm lên những trái của sự công bình của các anh chị em.

Mọi hạt giống đều do Thiên Chúa cung cấp cho loài người qua công trình sáng tạo của Ngài (Sáng Thế Ký 1:11-12). Chẳng những Thiên Chúa cung cấp hạt giống mà Ngài còn ban cho hạt giống đặc tính sinh sôi, phát triển gấp 10.000% để có dư dật thực phẩm cho loài người. Chữ “bánh” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh chỉ chung thức ăn làm ra từ các loại hạt.

Khi ứng dụng về phương diện thuộc linh thì Đức Chúa Trời là Đấng sắm sẵn những việc lành cho con dân của Ngài. Ngài cũng ban cho những việc lành đó năng lực phát triển thành nhiều việc lành khác để giúp ích cho nhiều người, đem lại vô số kết quả từ những việc làm công bình của con dân Ngài.

11 Các anh chị em được làm cho giàu có trong mọi sự để hào phóng mọi bề, là sự qua chúng ta làm ra lòng biết ơn Đức Chúa Trời.

“Các anh chị em được giàu có trong mọi sự” không hàm ý giàu có về tiền bạc, của cải. Chữ mọi sự trong câu này cùng nghĩa với chữ mọi điều trong câu 8, hàm ý mọi cơ hội, mọi ân tứ, mọi phương tiện, mọi năng lực, và mọi sự khôn sáng. Trên hết là giàu có trong tình yêu để có thể: yêu Chúa trên tất cả, yêu người khác như chính mình, và yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình.

Chính vì được làm cho giàu có trong mọi sự nên mới hào phóng mọi bề. Hào phóng là ban cho cách rộng rãi. Mọi bề là chỉ về mọi phương diện và cảnh ngộ trong cuộc sống. Qua sự hào phóng của con dân Chúa mà tạo ra lòng biết ơn Đức Chúa Trời trong những người được họ cứu giúp, tiếp trợ.

12 Vì việc thi hành mục vụ này không chỉ là chu cấp những nhu cầu của các thánh đồ, nhưng cũng làm dư dật hơn trong nhiều lời tạ ơn Đức Chúa Trời.

“Mục vụ này” là mục vụ quyên góp tiền bạc để cứu trợ con dân Chúa tại xứ Giu-đê đang gặp khó khăn vì nạn đói. Mục vụ tiếp trợ này vừa cứu giúp con dân Chúa tại Giu-đê thoát cơn khó khăn, vừa làm cho trong Hội Thánh chung càng thêm những lời cảm tạ Đức Chúa Trời. Lời cảm tạ từ những người dâng hiến, vì được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội làm lành. Lời cảm tạ từ những người được tiếp trợ, vì được Đức Chúa Trời cứu giúp qua những anh chị em cùng Cha. Lời cảm tạ từ Phao-lô và các bạn của ông, vì thấy Hội Thánh hiệp một, yêu thương, cứu giúp lẫn nhau.

13 Qua sự kinh nghiệm của mục vụ này, họ tôn vinh Đức Chúa Trời về sự tuyên xưng lòng vâng phục của các anh chị em đối với Tin Lành của Đấng Christ, cùng sự rộng lòng chia xẻ của các anh chị em đối với họ và đối với mọi người.

Đại danh từ “họ” trong câu này chỉ về con dân Chúa trong xứ Giu-đê.

Tin Lành về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại được gọi là Tin Lành của Đấng Christ, vì do chính Đấng Christ rao giảng và thực hiện. Lòng vâng phục Tin Lành của Đấng Christ là lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và sống theo lời dạy của Đấng Christ. Trong lời dạy của Đấng Christ có điều răn mới:

“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).

Và chính Ngài vừa làm gương vừa giảng dạy cho những ai thuộc về Ngài:

“Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, dạy cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô biết rằng, sự họ quyên góp tiền bạc để cứu giúp con dân Chúa trong xứ Giu-đê cũng chính là sự họ vâng phục Tin Lành, thể hiện tình yêu của Đấng Christ trong họ, thể hiện lòng rộng rãi của họ đối với chẳng những các anh chị em cùng Cha mà còn đối với những người chưa tin Chúa. Nhóm chữ “đối với mọi người” ở cuối câu, hàm ý, tiền cứu trợ này cũng sẽ được phát cho những người nghèo đói ngoài Hội Thánh.

14 Với lời khẩn xin của họ cho các anh chị em, họ mong ngóng các anh chị em, bởi ân điển vượt trội của Đức Chúa Trời trên các anh chị em.

Lời khẩn xin là lời cầu nguyện tha thiết. Con dân Chúa trong xứ Giu-đê mong ngóng được gặp con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, vì nghe biết những sự lạ lùng Đức Chúa Trời ban cho trên Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, tức là ân điển vượt trội của Ngài. Ân điển vượt trội ấy đã được tóm gọn trong câu 8 và câu 11:

“Nhưng Đức Chúa Trời có quyền ban đầy dẫy mọi thứ ơn cho các anh chị em, để các anh chị em luôn có sự đầy đủ mọi điều trong mọi sự, dư dật cho mọi việc lành.” (II Cô-rinh-tô 9:8).

“Các anh chị em được làm cho giàu có trong mọi sự để hào phóng mọi bề, là sự qua chúng ta làm ra lòng biết ơn Đức Chúa Trời.” (II Cô-rinh-tô 9:11).

Mọi sự ban cho của Đức Chúa Trời sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được con dân Chúa vận dụng để phục vụ lẫn nhau, gây dựng lẫn nhau, làm tôn vinh danh Chúa.

15 Nhưng sự cảm tạ thuộc về Đức Chúa Trời về sự ban cho không thể tả được của Ngài!

Dù người được cứu giúp biết ơn và nói lời cám ơn với người làm việc cứu giúp nhưng thật ra, cả người làm việc cứu giúp lẫn người được cứu giúp đều nhận ơn của Đức Chúa Trời; và cả hai cần dâng lời cảm tạ Ngài. Một bên được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội làm việc lành để được vinh quang càng hơn trong thiên đàng. Một bên được Đức Chúa Trời mở đường cho ra khỏi sự thử thách và cám dỗ, để tiếp tục sống trung tín với Chúa mà nhận sự sống đời đời.

“Sự ban cho không thể tả” là sự ban cho lớn và lạ lùng đến không thể có đủ lời để diễn tả. Bất cứ sự ban cho nào của Đức Chúa Trời cũng là lớn và lạ lùng mà ngôn ngữ hiện tại của loài người không đủ để diễn tả.

Qua II Cô-rinh-tô đoạn 9, chúng ta được Đức Thánh Linh giảng dạy cho một cách rất rõ ràng, về sự con dân Chúa dâng hiến để tiếp trợ lẫn nhau. Nguyện Lời Chúa khích lệ chúng ta để chúng ta luôn vui mừng, sốt sắng, và rộng rãi trong sự tiếp trợ, cứu giúp lẫn nhau; và khi cần, tiếp trợ, cứu giúp cả những người chưa tin Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/12/2020

Ghi Chú

Các định nghĩa từ ngữ trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh: https://thewordtoyou.net/dictionary/

[1] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-1201-11-cac-an-tu-cua-dang-than-linh/

Karaoke Thánh Ca: “Con Thật Bình An”
https://karaokethanhca.net/con-that-binh-an/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.