Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL055 Đức Chúa Jesus Gọi Người Chết Sống Lại Ở Thành Na-in

292 views

YouTube: https://youtu.be/xZcivN79vJw

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL055 Đức Chúa Jesus Gọi Người Chết Sống Lại Ở Thành Na-in
Lu-ca 7:11-17

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 7:11-17

11 Đã xảy ra sau đó, Ngài đã đi vào trong một thành, gọi là Na-in. Nhiều môn đồ của Ngài và nhiều dân chúng đã đi chung với Ngài.

12 Khi Ngài đã đến gần cửa thành, thì kìa, có một người chết được khiêng ra, là con trai một của mẹ người, và bà là một góa phụ. Nhiều người trong thành đã đi với bà.

13 Chúa đã thấy bà và Ngài động lòng thương xót đối với bà. Ngài đã phán với bà: Đừng than khóc!

14 Ngài đã đến gần, chạm vào cáng khiêng xác thì những người khiêng đứng lại. Ngài đã phán: Hỡi người trẻ! Ta bảo ngươi, hãy trỗi dậy!

15 Người chết đã vùng ngồi dậy và bắt đầu nói. Ngài đã giao người cho mẹ của người.

16 Sự sợ hãi đã nắm bắt mọi người. Họ đã tôn vinh Đức Chúa Trời, nói rằng: Một tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng ta; và rằng: Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân của Ngài.

17 Lời này về Ngài đã lan ra trong khắp xứ Giu-đê, và trong khắp vùng chung quanh.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự lần thứ nhì Đức Chúa Jesus gọi người chết sống lại. Lần thứ nhất, Ngài đã gọi một đứa bé gái 12 tuổi, con của Giai-ru, chủ nhà hội tại thành Ca-bê-na-um, sống lại. Chúng ta đã học về sự kiện này trong Ma-thi-ơ 9:18-26; Mác 5:21-43; và Lu-ca 8:40-56.

Dưới đây là bản đồ minh họa vị trí của thành Na-in và vùng lân cận.

https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2024/01/map-of-israel-at-the-time-of-jesus.jpg
Nguồn: faithtwincities.com

11 Đã xảy ra sau đó, Ngài đã đi vào trong một thành, gọi là Na-in. Nhiều môn đồ của Ngài và nhiều dân chúng đã đi chung với Ngài.

Đã xảy ra sau đó” là đã xảy ra sau khi Đức Chúa Jesus chữa lành cho tôi tớ của một viên đội trưởng thuộc quân đội La-mã (Lu-ca 7:1-10). Một số bản dịch Thánh Kinh dịch là “ngày hôm sau” nhưng trạng từ “ἑξῆς” (G1836), /héc-xây/ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh chỉ có nghĩa là: tiếp theo trong thứ tự; sự việc xảy ra theo sau một sự việc khác. Nó không hề có nghĩa là “ngày hôm sau”.

Từ thành Ca-bê-na-um, Đức Chúa Jesus đã đi đến thành Na-in (G3484). Tên Na-in có nghĩa là xinh đẹp. Có thể Đức Chúa Jesus đã lên đường vào ngày hôm sau, sau khi chữa lành cho tôi tớ của viên đội trưởng. Nhưng cũng có thể Ngài đã lên đường vài ngày sau đó. Thành Na-in cách thành Ca-bê-na-um khoảng 35 km, về hướng tây nam. Từ Ca-bê-na-um đi xuống Na-in sẽ ngang qua thành Ca-na và thành Na-xa-rét; và phải mất khoảng trên 10 giờ vừa đi đường, vừa nghỉ chân. Có nhiều môn đồ của Chúa cùng đi với Ngài. Số môn đồ theo Chúa lúc ấy có thể đã lên đến hàng trăm người. Trong đó cũng có các phụ nữ. Đoàn dân đông từ khắp Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, miền duyên hải Ti-rơ và Si-đôn theo Chúa tại Ca-bê-na-um cũng đi theo Ngài (Lu-ca 6:17).

Chúng ta có thể suy tưởng rằng, trong sự hiện diện của Đức Chúa Jesus, những người dân đi theo Chúa chắc hẳn kinh nghiệm được một sự vui mừng và bình an lạ lùng. Chúng ta cũng hãy nhớ rằng, tất cả những người có tật bệnh trong họ đều đã được Ngài chữa lành (Lu-ca 6:19). Chính vì thế mà họ không ngại đường xa, cùng nhau đi theo Chúa. Càng đi theo Chúa thì họ được kinh nghiệm càng hơn những phép lạ do Ngài làm ra; và cũng được nghe Ngài giảng dạy, ban cho họ Lời Hằng Sống.

12 Khi Ngài đã đến gần cửa thành, thì kìa, có một người chết được khiêng ra, là con trai một của mẹ người, và bà là một góa phụ. Nhiều người trong thành đã đi với bà.

Chúng ta không biết Đức Chúa Jesus lên đường, rời Ca-bê-na-um vào giờ nào trong ngày. Nhưng có lẽ là vào lúc sáng sớm, khi mặt trời vừa lên. Nếu Chúa lên đường vào khoảng 6 giờ sáng thì Ngài có thể đến cửa thành Na-in vào khoảng hơn 4 giờ chiều. Khi Chúa vừa đến gần cửa thành thì từ trong thành có một đám tang đi ra. Đám tang đi ra vào giờ đó là để làm thủ tục chôn cất, kịp trước khi mặt trời lặn, bước sang một ngày mới.

Người chết là con trai duy nhất của một người đàn bà góa. Nghĩa là người ấy là nơi nương tựa của bà. Theo câu 14 thì người chết là một thanh niên. Danh từ “người trẻ” (G3495) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ người trên 20 tuổi nhưng dưới 40 tuổi. Nhiều người trong thành đã cùng đi đưa đám tang với người mẹ góa. Điều đó chứng tỏ mẹ con của bà là người có nếp sống đẹp lòng dân chúng, được họ yêu quý.

13 Chúa đã thấy bà và Ngài động lòng thương xót đối với bà. Ngài đã phán với bà: Đừng than khóc!

Mệnh đề: “Chúa đã thấy bà”, tuy ngắn ngủi nhưng hàm ý rất nhiều. Lu-ca dùng danh từ “Chúa” (G2962) để nhấn mạnh đến quyền tể trị của Đức Chúa Jesus Christ. Đấng cầm quyền trên muôn loài đã nhìn thấy người đàn bà góa có đứa con trai một vừa chết. Ngài không chỉ nhìn thấy bà thất thểu khóc, đi bên cạnh cáng khiêng xác mà Ngài còn nhìn thấy nỗi đau đớn trong lòng của bà; và nhìn thấy tương lai khốn khổ, không có con cái để nương tựa lúc tuổi già của bà.

Mệnh đề thứ nhì, tiếp theo: “và Ngài động lòng thương xót đối với bà”, nói lên sự đồng cảm của Chúa đối với nỗi đau buồn và hoàn cảnh khốn khó của người đàn bà góa đang than khóc con. Nhưng còn hàm ý, Ngài sẽ có hành động để thể hiện sự đồng cảm của Ngài. Hành động đó bắt đầu bằng lời Ngài phán với bà: Đừng than khóc!

Một người than khóc là vì đau đớn, sầu thảm. Muốn cho một người hết than khóc thì phải giải quyết nguyên cớ khiến cho người ấy than khóc. Lời phán “Đừng than khóc” Đức Chúa Jesus phán với người đàn bà góa không phải là một lệnh cấm. Cũng không phải là một lời khuyên để an ủi. Mà là một lời bảo bà ngưng than khóc để nhìn xem điều mà Chúa sẽ làm cho bà, là Ngài cất đi nguyên cớ sự than khóc của bà.

14 Ngài đã đến gần, chạm vào cáng khiêng xác thì những người khiêng đứng lại. Ngài đã phán: Hỡi người trẻ! Ta bảo ngươi, hãy trỗi dậy!

15 Người chết đã vùng ngồi dậy và bắt đầu nói. Ngài đã giao người cho mẹ của người.

Danh từ “quan tài” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là cái hòm làm bằng gỗ để mai táng xác chết. Nếu dùng để dịch danh từ “σορός” (G4673), /xo-rót/ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì không đúng. Vì “σορός” thường được dùng để gọi cái cáng mà người I-sơ-ra-ên và một số dân Trung Đông dùng để khiêng xác chết đi chôn. Hơn nữa, người chết nằm trong quan tài không thể ngồi dậy, sau khi sống lại.

Đức Chúa Jesus đã đến gần, chạm vào cáng khiêng xác chết. Hành động đến gần, chạm tay vào cáng khiêng xác chết của Đức Chúa Jesus là sự Ngài ra dấu cho những người khiêng cáng đứng lại. Và họ đã đứng lại. Họ nhìn thấy đoàn dân đông đi theo Chúa. Họ nghe lời Chúa phán với mẹ của người chết. Họ không biết Chúa muốn làm gì và họ cũng không biết làm gì khác hơn, nên khi thấy Chúa chạm tay vào cáng thì họ liền đứng lại, chờ xem hành động hoặc lời nói kế tiếp của Ngài. Cũng không ngoại trừ trường hợp họ nhận ra Ngài và trông chờ Ngài làm phép lạ. Thành Na-in chỉ cách thành Na-xa-rét vài km, nơi Đức Chúa Jesus lớn lên trong suốt gần 30 năm, nên có lẽ hầu hết dân thành Ca-in đều biết Ngài. Cách đó không bao lâu, khi Ngài gọi con gái của Giai-ru sống lại thì danh tiếng của Ngài đã đồn ra khắp xứ Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 9:26).

Đức Chúa Jesus đã phán với người chết: Hỡi người trẻ! Ta bảo ngươi, hãy trỗi dậy! Ngay sau khi Chúa phán, người chết đã sống lại và ngồi dậy. Anh ta bắt đầu nói. Có lẽ là anh ta than phiền vì bị quấn vải liệm và bị xức hương liệu nồng nặc, khó thở. Chúng ta cần hiểu rằng, vào lúc bấy giờ, người chết đã được quấn vải liệm và xức các loại hương liệu ướp xác, theo nghi thức của dân I-sơ-ra-ên. Nếu một người chưa chết mà bị quấn vải liệm và ướp các hương liệu như vậy cũng có thể ngạt thở mà chết.

Đức Chúa Jesus đã giao người chết vừa sống lại cho mẹ của anh ta. Câu: “Ngài đã giao người cho mẹ của người”, hàm ý, người chết sống lại là thuộc về Chúa. Sự Ngài đã giao người ấy cho mẹ của người ấy là một sự ban cho của Ngài, đối với người đàn bà góa ấy. Có lẽ, Chúa đã phán vài lời với người đàn bà góa, nhưng Lu-ca đã không ghi lại. Đây là phép lạ của Chúa chỉ được ghi lại bởi Lu-ca.

Đây cũng là lần thứ nhì Đức Chúa Jesus gọi người chết sống lại. Lần thứ nhất là khi Chúa gọi con gái của Giai-ru sống lại. Và lần thứ ba là khi Chúa gọi La-xa-rơ sống lại. Trong cả ba trường hợp, người sống lại tiếp tục sống thêm một thời gian, rồi qua đời. Chúng tôi tin rằng, điều này cũng áp dụng cho các thánh đồ đã sống lại từ trong mồ mả, trong ngày Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá (Ma-thi-ơ 27:52-53).

Các trường hợp người chết được sống lại trong một thân thể xác thịt vinh quang, bất tử chỉ xảy ra như sau:

  • Đối với Hội Thánh: khi Đấng Christ trở lại giữa chốn không trung để đón Hội Thánh vào thiên đàng.

  • Đối với hai chứng nhân của Chúa trong Kỳ Tận Thế: họ sẽ được sống lại vào giữa Kỳ Tận Thế.

  • Đối với con dân Chúa qua đời trong Kỳ Tận Thế và các thánh đồ qua đời trước thời kỳ của Hội Thánh: khi Đấng Christ tái lâm trên đất, vào cuối Kỳ Tận Thế.

  • Đối với tất cả những ai không có sự cứu rỗi: khi Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc và khi sự phán xét chung cuộc xảy ra.

Sự kiện Đức Chúa Jesus gọi người chết sống lại vừa chứng minh Ngài là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh, vừa chứng minh sự chết của thân thể xác thịt loài người không phải là hết. Đó chỉ là sự tạm thời linh hồn bị phân rẽ khỏi xác thịt để xác thịt không còn tiếp tục gây ra tội lỗi. Thân thể xác thịt của tất cả mỗi một người đều sẽ sống lại. Những ai ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì thân thể xác thịt của họ sẽ sống lại và sống hạnh phúc đời đời trong Vương Quốc Trời. Những ai không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì thân thể xác thịt của họ sẽ sống lại để chịu sự phán xét về mỗi tội lỗi họ đã làm ra; rồi chịu sự hình phạt đời đời trong hỏa ngục.

16 Sự sợ hãi đã nắm bắt mọi người. Họ đã tôn vinh Đức Chúa Trời, nói rằng: Một tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng ta; và rằng: Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân của Ngài.

Danh từ “sự sợ hãi” (G5401) trong câu này được dùng để chỉ sự khiếp sợ vì một điều đáng sợ nào đó, nhưng cũng được dùng để nói đến sự vợ tôn kính chồng. Sự sợ hãi được nói đến trong trường hợp dân chúng chứng kiến các phép lạ do Đức Chúa Jesus làm ra có ý nói đến sự kính sợ. Khi họ nhìn thấy Ngài thi hành quyền năng lạ lùng như vậy thì họ kính sợ Ngài. Cách nói “sự sợ hãi đã nắm bắt” là cách nói thông thường của người I-sơ-ra-ên để chỉ tình trạng một người hoàn toàn bị bắt phục nên có lòng kính sợ. Đây không phải là sự khiếp sợ vì sự ác hay sự dữ mà là lòng tôn kính và sợ một uy quyền công chính.

Đoàn dân đông nhận biết, Đức Chúa Jesus chính là một tiên tri lớn, đến từ Đức Chúa Trời, nên họ tôn vinh Đức Chúa Trời. Vào lúc ấy, đã hơn 400 năm, trong I-sơ-ra-ên không hề có một tiên tri nào được dấy lên, kể từ tiên tri cuối cùng là Ma-la-chi. Và trong lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, cũng chưa có tiên tri nào làm nhiều phép lạ, chữa lành mọi tật bệnh, đuổi nhiều quỷ, và khiến người chết sống lại trước công chúng, như Đức Chúa Jesus. Đoàn dân đông nhận biết, Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân I-sơ-ra-ên.

Chúng ta có thể hiểu, sự nhận thức đó là bởi sự tác động của Đấng Thần Linh. Ngài đã mở mắt thuộc linh của họ để họ nhận thức lẽ thật về Đấng Christ. Thực tế, chính Thiên Chúa đã nhập thế làm người, thăm viếng dân Ngài, và thi hành sự cứu chuộc họ. Với những ai có lòng tin và vâng phục thì Đấng Thần Linh sẽ soi sáng trong tâm thần họ để họ nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Đấng được Đức Chúa Trời dùng để cứu chuộc loài người ra khỏi án phạt và sức mạnh của tội lỗi.

17 Lời này về Ngài đã lan ra trong khắp xứ Giu-đê, và trong khắp vùng chung quanh.

Lời này” là lời công nhận Đức Chúa Jesus là một tiên tri lớn. Danh tiếng của Đức Chúa Jesus đã bởi đoàn dân đông được truyền ra trong khắp xứ Giu-đê và trong khắp vùng chung quanh của thành Na-in.

Có lẽ phần lớn người trong đoàn dân đông là đến từ xứ Giu-đê, vì thế, tin đồn đã lan nhanh trong khắp xứ Giu-đê. Điều đó hàm ý, tin đồn cũng được lan truyền trong thành Giê-ru-sa-lem. Vì thành Giê-ru-sa-lem thuộc xứ Giu-đê.

Mệnh đề “và trong khắp vùng chung quanh” cần được hiểu là vùng chung quanh thành Na-in. Có nghĩa là trong các thành thuộc xứ Ga-li-lê, xứ Sa-ma-ri, xứ Đê-ca-bô-lơ, vùng đất bên kia sông Giô-đanh ở phía bắc của Đê-ca-bô-lơ, và cả thành Si-đôn lẫn thành Ti-rơ ở hướng tây bắc của thành Na-in.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/01/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Từ Nay Con Sẽ Mãi”
https://karaokethanhca.net/tu-nay-con-se-mai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.