Chú Giải Rô-ma 13:08-14

4,682 views

Roma_037 Luật Pháp Thể Hiện Tình Yêu
(Rô-ma 13:8-14)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

8 Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ yêu lẫn nhau; vì ai yêu người khác thì đã làm trọn luật pháp.

9 Vì rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình, ngươi chớ phạm tội giết người, ngươi chớ trộm cắp, ngươi chớ làm chứng dối, ngươi chớ tham lam, và bất cứ điều răn nào khác đều tóm lại trong một lời này: Ngươi sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình! [Lê-vi Ký 19:18]

10 Tình yêu chẳng làm hại người lân cận. Vậy, tình yêu là sự làm trọn luật pháp.

11 Hãy biết rằng, thời kỳ hiện nay {là} giờ của ban ngày, lúc chúng ta thức dậy khỏi sự ngủ; vì hiện nay sự cứu rỗi của chúng ta đã gần chúng ta hơn khi chúng ta {mới} tin.

12 Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.

13 Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không {bước đi} trong sự thác loạn và say sưa! Không {bước đi} trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không {bước đi} trong sự cãi lẫy và ganh tỵ.

14 Nhưng các anh chị em hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ; chớ làm sự chu cấp cho xác thịt trong sự tham muốn {của nó}.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjg3MzY4Mzlf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11637_chugiairoma_13_8-14_luatphapthehientinhyeu
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/uv61c39f3cfh9vk/11637_ChuGiaiRoma_13_8-14LuatPhapTheHienTinhYeu.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Như chúng ta đã học biết từ Thánh Kinh, luật pháp của Đức Chúa Trời, gọi tắt là “luật pháp”, bao gồm Mười Điều Răn và các điều luật khác ra từ Mười Điều Răn, kèm theo hình phạt dành cho những ai vi phạm luật pháp. Thế nhưng có nhiều người nghĩ đến luật pháp như là những sự cấm đoán, giới hạn quyền tự do của họ, hoặc buộc họ phải làm những điều họ không muốn làm, khiến cho đời sống của họ bị nhiều nỗi bất tiện và mất vui. Thật ra, tính chất của luật pháp là thánh khiết và công bình, mục đích của luật pháp là thể hiện tình yêu: Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người; tình yêu của loài người dành cho Đức Chúa Trời và đối với nhau.

Vì Đức Chúa Trời yêu loài người mà Ngài ban cho họ luật pháp của Ngài, để họ hiểu biết ý muốn của Ngài, mà không phạm tội nghịch lại Ngài, không làm thiệt hại lẫn nhau. Đức Chúa Trời còn dựa trên sự loài người vâng giữ luật pháp của Ngài để ban nhiều ơn phước cho loài người.

Sự tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời giúp loài người bày tỏ tình yêu của họ đối với Đức Chúa Trời qua sự tin kính, vâng phục Ngài; và bày tỏ tình yêu của họ đối với nhau qua sự tôn trọng, cứu giúp lẫn nhau.

Những ai hiểu biết tính chất và mục đích của luật pháp sẽ yêu thích và tôn quý luật pháp như tác giả của Thi Thiên 119, và sẽ đồng một tâm tình với ông:

Tôi sẽ hằng giữ luật pháp của Ngài cho đến đời đời!” (Thi Thiên 119:44).

Tôi yêu luật pháp của Ngài biết bao! Nó {là} sự suy ngẫm của tôi trọn ngày.” (Thi Thiên 119:97).

Những dòng nước {mắt} chảy xuống từ mắt tôi, bởi vì họ không giữ luật pháp của Ngài.” (Thi Thiên 119:136).

Qua Sứ Đồ Phao-lô, Đức Thánh Linh đã dạy cho chúng ta biết tính chất và mục đích của luật pháp. Qua Rô-ma 13:8-14, Đức Thánh Linh nhắc lại mục đích của luật pháp và kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức, vâng giữ trọn vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời, vì sự cứu rỗi của chúng ta đã gần.

8 Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ yêu lẫn nhau; vì ai yêu người khác thì đã làm trọn luật pháp.

Mắc nợ ai điều gì là thiếu người ấy điều mà chúng ta phải trả lại cho người ấy. Sự mắc nợ có thể là về tiền bạc, vật chất; có thể là về tình cảm, tinh thần; có thể là cùng một lúc vừa là vật chất, vừa là tinh thần. Sự mắc nợ có thể do chúng ta vay mượn, nhờ vả, hoặc là bổn phận đương nhiên của chúng ta.

Mệnh đề “đừng mắc nợ ai điều gì” không có nghĩa là không được vay mượn, mà chỉ có nghĩa là phải làm tròn việc trả nợ, đừng bao giờ vay mượn mà không trả lại, cũng đừng bao giờ thiếu sót trong việc thi hành các bổn phận của mình. Việc vay mượn cũng như mọi việc khác trong đời sống của chúng ta phải là việc nằm trong ý muốn của Chúa và vì sự vinh quang của Ngài:

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Về phương diện vật chất, Đức Chúa Trời cho phép con dân Chúa cho người ngoại vay mượn để lấy lời, nhưng không được lấy lời khi cho người trong Chúa vay mượn (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:19-20). Vì thế, con dân Chúa khi cần vẫn có thể vay mượn, và con dân Chúa vẫn có thể cho vay lấy lời, miễn là không lấy lời quá mức quy định của luật pháp và không lấy lời anh chị em trong Chúa. Con dân Chúa khi đã vay mượn thì có bổn phận hoàn tất việc trả nợ.

Trong bài trước, chúng ta học biết về sự nộp thuế và đóng lệ phí đối với chính quyền. Đó là bổn phận của công dân, là sự công dân đương nhiên thiếu nợ chính quyền về mặt vật chất. Chúng ta cũng học biết về sự kính sợ các bậc cầm quyền. Đó cũng là bổn phận của công dân và là sự công dân đương nhiên thiếu nợ chính quyền về mặt tinh thần, vì công dân phải tôn kính các bậc cầm quyền. Còn những người cầm quyền trong chính quyền thì đương nhiên họ thiếu nợ Đức Chúa Trời về sự họ phải thi hành quyền Đức Chúa Trời ban cho họ một cách công chính.

Ngoài ra, vợ chồng phải làm tròn bổn phận đối với nhau; cha mẹ phải làm tròn bổn phận đối với con cái và ngược lại; anh chị em phải làm tròn bổn phận đối với nhau. Trong Hội Thánh, con dân Chúa phải làm tròn bổn phận đối với Chúa, đối với các bậc cầm quyền trong Hội Thánh, và đối với lẫn nhau.

Trong cuộc sống, ngoài việc phải nộp thuế và đóng lệ phí, nhiều khi chúng ta thiếu nợ về vật chất, như vay mượn vốn làm ăn, vay tiền đóng tiền học đại học, vay tiền mua nhà, mua xe, thiếu tiền bệnh viện, v.v.. Những số nợ tiền bạc đó chúng ta phải sốt sắng trả dứt theo hợp đồng, theo sự thỏa thuận khi chúng ta vay nợ, và theo khả năng của chúng ta.

Là con dân Chúa chúng ta cần ghi nhớ mấy điều sau đây về việc vay nợ:

  • Chỉ vay nợ cho các mục đích phải lẽ sau khi chúng ta đã dâng trình sự việc lên Chúa và nhận được sự cho phép của Ngài.

  • Chỉ vay nợ đúng theo luật pháp. Nghĩa là chúng ta không được vay mượn những ai cho vay lấy lời quá mức quy định của luật pháp.

  • Không vay nợ để chi tiêu cho những sự không cần thiết.

  • Không vay nợ giùm cho người khác hoặc để giúp người khác.

  • Nếu là người có vợ hay có chồng thì mọi sự vay nợ phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng; vì vợ hoặc chồng có trách nhiệm liên đới trong sự trả nợ.

  • Dùng các thẻ tín dụng (credit cards) chính là một hình thức vay nợ. Vì thế, chúng ta không dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho những sự không cần thiết. Và luôn nhớ rằng, mức lời của thẻ tín dụng cao gấp hai đến gấp ba lần so với mức lời khi vay tiền từ ngân hàng. Hãy tập thói quen trả dứt nợ của thẻ tín dụng mỗi tháng để không bị tính tiền lời. Nếu không thể trả dứt nợ của thẻ tín dụng trong vòng ba tháng thì phải ngưng dùng thẻ tín dụng, cho đến khi trả dứt nợ.

Là con dân Chúa, hết lòng sống theo Lời Chúa, thỏa lòng khi được có thức ăn, thức mặc (I Ti-mô-thê 6:8), thì chúng ta sẽ không bao giờ mang nợ đến nỗi không thể trả được, vì Chúa luôn chăm sóc chúng ta. Phần lớn chúng ta mang nợ ngoài khả năng trả nợ vì chúng ta tham muốn trở nên giàu có, mở ra những cuộc làm ăn theo ý riêng, không có sự dẫn dắt của Chúa, rồi bị thất bại; hoặc vì chúng ta tiêu xài hoang phí, vượt quá khả năng làm ra tiền của mình.

Về phương diện vật chất, khi chúng ta hoàn tất việc trả nợ thì chúng ta không còn mắc nợ. Nhưng về phương diện tinh thần thì chúng ta luôn mắc nợ Thiên Chúa và người khác. Chúng ta phải luôn đáp ứng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta mà yêu Thiên Chúa trên tất cả mọi sự; chúng ta phải luôn thi hành bổn phận yêu người khác như chính mình. Bổn phận yêu người khác là món nợ đương nhiên của chúng ta đối với mọi người. Món nợ ấy chúng ta phải trả trong suốt cuộc đời mình, bằng cách luôn đối xử tốt với mọi người: không cố ý làm thiệt hại ai và luôn sẵn sàng cứu giúp người thật sự cần được cứu giúp.

9 Vì rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình, ngươi chớ phạm tội giết người, ngươi chớ trộm cắp, ngươi chớ làm chứng dối, ngươi chớ tham lam, và bất cứ điều răn nào khác đều tóm lại trong một lời này: Ngươi sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình! [Lê-vi Ký 19:18]

Thật vậy, chúng ta sẽ không bao giờ làm hại người lân cận khi chúng ta yêu thương người ấy. Vì yêu thương người khác như chính mình mà chúng ta không làm cho người khác bất cứ điều gì mình không muốn người khác làm cho mình. Nhưng sẵn sàng làm cho người khác điều chúng ta muốn người khác làm cho mình (Lu-ca 6:31).

Có nhiều người không làm ra những hành động vi phạm các điều răn trên đây, không phải vì họ yêu thương người khác như chính họ, mà chỉ vì không muốn bị mang tiếng xấu, hoặc không muốn bị hình phạt. Vì thế, họ vẫn có thể vi phạm các điều răn ấy trong tư tưởng. Đối với Chúa, vi phạm điều răn của Ngài trong tư tưởng cũng là phạm tội (Ma-thi-ơ 5:28). Và Chúa xem việc con dân Chúa ghét nhau ngang bằng với tội giết người (I Giăng 3:15).

Ngoại trừ Đức Chúa Jesus, mỗi một người được sinh ra trong cuộc đời này, đều được sinh ra với bản tính tội lỗi. Chúng ta thừa hưởng bản tính ấy từ A-đam. Mỗi người khi còn bé thì chưa biết tự mình phạm tội, nhưng bản tính tội lỗi vẫn có sẵn trong linh hồn. Khi đến tuổi hiểu biết thì bản tính tội thúc giục mỗi người nghĩ tội, nói tội, và làm tội. Không ai có thể vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Cho dù một người có thể vâng giữ về hình thức bên ngoài không chỗ trách được như Phao-lô (Phi-líp 3:6) thì họ vẫn vi phạm trong tư tưởng. Vì thế, mọi người cần ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản tính tội của chúng ta, và Đức Thánh Linh ban cho chúng ta một lương tâm mới, trên đó Ngài ghi chép các luật pháp của Thiên Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16), để chúng ta tự nhiên làm theo.

Khi chúng ta đã nhận biết Đức Chúa Trời thì chúng ta cũng biết yêu như Đức Chúa Trời yêu, vì Ngài là tình yêu:

Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là Tình Yêu.” (I Giăng 4:8).

Khi đó, chúng ta không phạm các điều răn vì chúng ta yêu Chúa và yêu mọi người. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã đúc kết Mười Điều Răn như sau:

Ma-thi-ơ 22:35-40

35 Có một thầy dạy luật trong nhóm họ hỏi câu này để thử Ngài:

36 Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?

37 Đức Chúa Jesus phán với ông: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời của ngươi.

38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn.

39 Còn điều răn thứ nhì cũng {lớn} như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận của ngươi như chính mình.

40 Hết thảy luật pháp và những lời tiên tri đều được treo trong hai điều răn này.

Và Đức Thánh Linh đã dạy Hội Thánh:

Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời này: Ngươi hãy yêu người lân cận như mình.” (Ga-la-ti 5:14).

Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 6:2).

Từ ngữ “người lân cận” theo cách dùng của Thánh Kinh là để chỉ bất cứ người nào mà chúng ta gặp trong cuộc đời mình. Đức Chúa Jesus Christ đã dùng một ngụ ngôn để trả lời câu hỏi của một thầy dạy luật: “Ai là người lân cận của tôi?” Ngụ ngôn ấy nói về một người Sa-ma-ri đi đường, gặp một người bị cướp đánh dở sống, dở chết. Người Sa-ma-ri liền dừng chân, chăm sóc vết thương cho nạn nhân, rồi đưa nạn nhân đến quán trọ, trả tiền thang thuốc cho. Người Sa-ma-ri nhân ái là người lân cận của nạn nhân bị cướp và ngược lại; dù trước đó hai người không biết nhau. Ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân ái được ghi lại trong Lu-ca 10:25-27.

10 Tình yêu chẳng làm hại người lân cận. Vậy, tình yêu là sự làm trọn luật pháp.

Nếu trong chúng ta thật có tình yêu thì chúng ta sẽ chẳng cố ý làm hại bất cứ ai mà chúng ta gặp, vì chúng ta yêu thương mọi người như chính mình, hoặc hơn chính mình, đến nỗi chúng ta có thể hy sinh mạng sống của mình cho anh chị em cùng Cha của mình (Giăng 15:12-13). Khi chúng ta không cố ý làm hại bất cứ ai thì chúng ta đã làm trọn luật pháp về bổn phận loài người đối với nhau.

11 Hãy biết rằng, thời kỳ hiện nay {là} giờ của ban ngày, lúc chúng ta thức dậy khỏi sự ngủ; vì hiện nay sự cứu rỗi của chúng ta đã gần chúng ta hơn khi chúng ta {mới} tin.

Từ ngữ “thời kỳ hiện nay” được dùng để chỉ thời kỳ Tân Ước, thời kỳ Tin Lành được rao giảng cho muôn dân. Từ ngữ “giờ của ban ngày” được dùng để chỉ khoảng thời gian mười hai giờ, từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, hoặc chỉ một giờ trong bất cứ giờ nào của mười hai giờ ban ngày (Giăng 11:9). Thời kỳ trước Tin Lành được xem như là thời kỳ của sự tối tăm. Sự Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành được xem như ánh sáng bừng lên, chiếu trong nơi tối tăm (Ma-thi-ơ 4:16), bắt đầu cho sự vinh quang của ban ngày. Khi ban ngày đến thì người ta thức dậy từ trong giấc ngủ như thế nào, khi Tin Lành cứu rỗi đến người ta cũng sống lại từ trong sự chết của tội lỗi như thế ấy.

Sự cứu rỗi của Tin Lành là sự cứu rỗi ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Sức mạnh của tội lỗi khiến cho người đã phạm tội cứ tiếp tục phạm tội. Hậu quả của tội lỗi là sự chết trong đời này và sự chết trong đời sau. Hiện tại, bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì linh hồn và tâm thần của người ấy được Đức Chúa Trời dựng nên mới, còn gọi là được Đức Chúa Trời tái sinh. Người ấy đã được cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi vì được ban cho thánh linh của Thiên Chúa, là sức mạnh để chiến thắng mọi cám dỗ, không tiếp tục làm ra tội:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới {trong} tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy.” (Cô-lô-se 3:8-10).

Tuy nhiên, thân thể xác thịt của người ấy chỉ mới được thánh hóa để thờ phượng và phục vụ Thiên Chúa, nhưng chưa được cứu khỏi sự chết. Một ngày không bao lâu nữa, khi Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế, thì sự cứu rỗi của thân thể xác thịt những ai thuộc về Ngài được hoàn thành. Khi ấy, trong nháy mắt, thân thể xác thịt của những ai đã chết trong Chúa sẽ được sống lại, thân thể xác thịt của những ai đang sống trung tín trong Chúa sẽ được biến hóa. Rồi cả hai cùng được cất lên không trung, để gặp Đấng Christ và cùng Đấng Christ vào trong thiên đàng:

Này là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho các anh chị em: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả chúng ta đều sẽ biến hóa. Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này {phải} mặc lấy sự không thể chết.” (I Cô-rinh-tô 15:51-53).

Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Mỗi một ngày, mỗi một giờ trôi qua trong đời sống của chúng ta, những người thật lòng tin cậy và vâng phục Thiên Chúa, là mỗi một ngày, mỗi một giờ chúng ta gần với sự cứu rỗi của thân thể xác thịt này càng hơn.

12 Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.

Đêm đã khuya” chỉ về sự tối tăm do tội lỗi mang đến trong thế gian đã sắp đầy trọn. “Ngày gần đến” chỉ về sự Đấng Christ sắp tái lâm trên đất, tiêu diệt tất cả những ai không thật lòng ăn năn, không thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, để rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. Lời này đã được Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô viết ra cách nay gần 2.000 năm. Nghĩa là, đối với con dân Chúa tại thành Rô-ma cách nay gần 2.000 năm, thì ngày tái lâm của Đấng Christ cũng đã được xem là quá gần. Sự “gần đến” được nói đến ở đây không hề có ý được dùng để so sánh với thời gian của một đời người, mà là được so sánh với các giai đoạn trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người.

Trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người, thời kỳ khoảng 2.000 năm bắt đầu từ khi Hội Thánh được thành lập sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại (ngày Lễ Ngũ Tuần năm 27) cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và phán xét toàn thế gian bằng bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, là buổi bình minh sau đêm dài tối tăm bởi tội lỗi trong lịch sử của loài người. Ngày Đức Chúa Jesus Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm là ngày toàn thể nhân loại bước vào thời kỳ thanh bình, hạnh phúc dưới quyền cai trị của Đức Chúa Jesus Christ.

Chúng ta là những con dân chân thật của Chúa thì phải sốt sắng từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi, những việc của sự tối tăm, của tội lỗi, của sự chết, để sống nếp sống mới yêu thương, thánh khiết, công chính mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Nếp sống ấy được gọi là áo giáp của sự sáng vì nếp sống ấy bảo vệ chúng ta khỏi mọi cám dỗ của tội lỗi, mọi sự hãm hại của ma quỷ, và nếp sống ấy chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa. Từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta đều theo thánh ý của Thiên Chúa và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13; I Cô-rinh-tô 10:31).

13 Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không {bước đi} trong sự thác loạn và say sưa! Không {bước đi} trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không {bước đi} trong sự cãi lẫy và ganh tỵ.

14 Nhưng các anh chị em hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ; chớ làm sự chu cấp cho xác thịt trong sự tham muốn {của nó}.

Nghĩa bóng của động từ “bước đi” trong Thánh Kinh có nghĩa là “sống nếp sống”. Là con dân Chúa chúng ta phải sống nếp sống giống như Thiên Chúa Ngôi Lời đã sống, khi Ngài mang thân thể xác thịt loài người như chúng ta:

Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Bước đi cách phải lẽ giữa ban ngày là sống nếp sống yêu thương, thánh khiết, công chính trong sự soi dẫn bởi Lời Chúa. Con dân Chúa không thể nào tiếp tục sống nếp sống thác loạn và say sưa, dâm loạn và phóng đãng, cãi lẫy và ganh tỵ.

  • Nếp sống thác loạn và say sưa là nếp sống chiều theo mọi sự tham muốn của xác thịt, bất chấp luật pháp của Thiên Chúa, đắm mình trong sự ghiền rượu và mọi hình thức gây hưng phấn, như xì ke, ma túy…

  • Nếp sống dâm loạn và phóng đãng là nếp sống buông mình theo mọi hình thức tà dâm, không biết hổ thẹn.

  • Nếp sống cãi lẫy và ganh tỵ là nếp sống kiêu ngạo, tự ái không đúng, luôn muốn tỏ ra mình hơn người, không vâng phục những lời khuyên dạy phải lẽ; và giận ghét người khác khi thấy người khác hơn mình.

Con dân chân thật của Chúa đã được hiệp một với nhau và với Chúa, trở thành thân thể của Chúa, trở nên giống như Chúa, được cai trị bởi Chúa. Mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là bỏ đi tất cả những gì thuộc về chính mình mà nhận lấy tất cả những gì đến từ Đức Chúa Jesus Christ. Khi một người đã bỏ đi những sự thuộc về mình để nhận lãnh những sự thuộc về Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy không còn chu cấp cho xác thịt mình những sự mà xác thịt tham muốn.

Tham muốn là ham muốn một cách trái phép, nghịch lại Lời Chúa. Chu cấp là cung ứng một cách đầy đủ, đúng lúc. Thay vì chu cấp cho xác thịt những sự xác thịt tham muốn thì chúng ta phải làm chết những sự vốn gắn bó với chúng ta trong cuộc đời xưa cũ, khi chúng ta chưa được cứu rỗi:

Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, {là} những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.” (Cô-lô-se 3:5).

Có như vậy, chúng ta mới có thể vâng giữ trọn vẹn luật pháp của Thiên Chúa, thể hiện được tình yêu chân thật của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho mọi người, kể cả những kẻ thù nghịch chúng ta. Có như vậy, chúng ta mới thật sự trở nên giống như Đấng Christ và được đồng trị với Ngài trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta hiểu biết Chúa càng hơn, và vững vàng trong đức tin càng hơn. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/06/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Con Vẫn Tin Thật Lòng! Con Vẫn Tin Ngài Luôn!”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/con-van-tin-that-long-con-van-tin-ngai-luon/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.