Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16-40 Phao-lô và Si-la Bị Tù…

1,410 views

YouTube: https://youtu.be/YI8toZP9rtA

44040 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16-40
Phao-lô và Si-la Bị Tù
Người Cai Tù và Cả Nhà Tin Nhận Tin Lành

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:16-40

16 Đã xảy ra, có một người tớ gái kia bị linh Phi-tôn nhập, nàng đã làm lợi nhiều cho các chủ của mình, bởi sự bói toán. Khi chúng tôi đi đến nơi cầu nguyện, nàng đã gặp chúng tôi. [Phi-tôn là tên gọi tà linh nhập vào những kẻ làm việc bói toán.]

17 Nàng đã theo Phao-lô và chúng tôi, mà kêu la rằng: Các người này là tôi tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao. Họ rao truyền cho chúng ta con đường của sự cứu rỗi.

18 Nàng đã làm việc ấy trong nhiều ngày. Nhưng Phao-lô đã phiền lòng, xoay lại, nói với tà linh rằng: Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền ngươi ra khỏi nàng. Chính giờ đó, nó đã ra khỏi.

19 Nhưng các chủ của nàng thấy rằng, sự trông được lợi của họ đã mất, chúng đã bắt Phao-lô và Si-la, kéo đến nơi công sở, trước các quan.

20 Chúng đã đem họ đến trước các thượng quan, thưa rằng: Những người này là dân Do-thái, đã làm rối loạn thành phố của chúng ta.

21 Họ đã giảng dạy các thói tục chẳng hợp pháp để chúng ta, là dân La-mã, tiếp nhận hay làm theo.

22 Đám đông dân cũng đã cùng nhau nổi lên, nghịch lại họ. Các thượng quan đã xé áo của họ, truyền đánh đòn họ.

23 Chúng đã đánh họ nhiều đòn, rồi ném họ vào nhà tù, giao người cai tù canh giữ họ nghiêm nhặt.

24 Kẻ đã nhận lệnh đó ném họ vào bên trong nhà tù và tra chân của họ vào cùm.

25 Cho tới giữa đêm, Phao-lô và Si-la vẫn cầu nguyện và tôn vinh Đức Chúa Trời. Những tù nhân đều đã nghe họ.

26 Thình lình, đã có cơn động đất lớn, đến nỗi các nền của nhà tù rúng động. Cũng ngay lúc đó, hết thảy các cửa được mở ra, xiềng xích của mỗi người đều được tháo ra.

27 Người cai tù đã thức dậy, thấy các cửa nhà tù đã được mở, tưởng các tù nhân đã trốn, ông rút gươm, định tự sát.

28 Nhưng Phao-lô đã lớn tiếng kêu rằng: Đừng làm hại chính mình! Vì hết thảy chúng ta đều ở đây.

29 Người đã gọi lấy đèn, run sợ, chạy đến, gieo mình trước Phao-lô và Si-la.

30 Rồi, đưa họ ra ngoài, hỏi rằng: Các chúa ơi! Tôi phải làm gì để được cứu rỗi?

31 Họ đã nói: Hãy tin nơi Đức Chúa Jesus Christ! Thì ngươi và người nhà của ngươi sẽ được cứu rỗi.

32 Họ đã truyền Lời của Chúa cho người và cho hết thảy những kẻ trong nhà của người.

33 Trong ban đêm, chính giờ đó, người đã đem họ ra, rửa các lằn đòn. Rồi, lập tức, người và hết thảy những kẻ thuộc về người đều chịu báp-tem.

34 Người cũng đã đem họ vào trong nhà của người, đặt bàn ăn cho họ. Người với cả nhà mình đã vui mừng, vì đã tin Đức Chúa Trời.

35 Khi ban ngày đến, các thượng quan đã sai các lính phụ trách đánh đòn đến, nói: Hãy thả các người ấy!

36 Người cai tù đã thông báo lời ấy cho Phao-lô: Các thượng quan đã truyền để thả các ông tự do. Vậy, bây giờ, hãy ra và đi trong bình an!

37 Nhưng Phao-lô đã nói với chúng: Họ đã đánh đòn chúng tôi, là các công dân La-mã chưa bị định tội, trước công chúng, rồi ném vào nhà tù; nay họ lén ném chúng tôi ra? Thật sự không được, mà chính họ hãy đến để thả chúng tôi!

38 Các lính phụ trách đánh đòn đã thuật lại các lời ấy cho các thượng quan. Khi đã nghe rằng, họ là dân La-mã, thì chúng sợ hãi.

39 Chúng đã đến, gọi họ, đem ra ngoài, xin họ lìa khỏi thành.

40 Họ đã ra khỏi nhà tù, vào trong nhà của Li-đi. Họ đã gặp và khích lệ các anh chị em cùng Cha; rồi, lên đường.

Sau khi đến tạm trú trong nhà của bà Li-đi, theo lời nài ép nhiệt tình của bà, Phao-lô và các bạn của ông vẫn mỗi ngày đi ra bờ sông. Họ đã đi đến nơi mà dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại thành Phi-líp vẫn thường nhóm hiệp để cầu nguyện. Họ đến đó để cầu nguyện mà cũng để giảng Tin Lành cho những người I-sơ-ra-ên nhóm hiệp tại đó.

Tuy nhiên, có một sự kiện đã xảy ra, dẫn đến việc Phao-lô và Si-la bị bắt, bị đánh, và bị tù. Nhưng qua đó, hai ông có cơ hội đem sự cứu rỗi của Tin Lành đến cho viên cai tù thành Phi-líp và cả nhà của người ấy.

16 Đã xảy ra, có một người tớ gái kia bị linh Phi-tôn nhập, nàng đã làm lợi nhiều cho các chủ của mình, bởi sự bói toán. Khi chúng tôi đi đến nơi cầu nguyện, nàng đã gặp chúng tôi. [Phi-tôn là tên gọi tà linh nhập vào những kẻ làm việc bói toán.]

Trong thần thoại Hy-lạp, danh từ Phi-tôn (G4436) /Python/ là tên của một con rắn khổng lồ, do thần Đất (Gaea) sinh ra. Phi-tôn có nhiệm vụ canh giữ một khối đá cẩm thạch được thần Du (Zeus), vua của tất cả các thần linh và loài người, dùng đánh dấu trung tâm của trái đất tại Delphi, trên triền núi Parnassus, thuộc Hy-lạp. Nữ tế sư của Phi-tôn, gọi là Phi-thi-a (Pythia) giữ nhiệm vụ bói toán cho những người đến cầu vấn các thần linh. Cũng theo thần thoại Hy-lạp, sau khi Phi-tôn bị thần A-bô-lô (Apollo), con của thần Du, giết thì nữ tế sư của Phi-tôn trở thành nữ tế sư trong đền thờ của A-bô-lô. Thần A-bô-lô là thần ánh sáng, chân lý, nghệ thuật, chữa bệnh, săn bắn, và tiên tri. Đó là những gì được kể trong thần thoại Hy-lạp. Thần thoại là câu truyện kể về các thần linh nhưng không có thật.

Thực tế, những người làm nghề bói toán trong mọi nơi, trong mọi thời đại đều là những người thờ lạy tà thần và bị tà linh xâm nhập. Trong đế quốc La-mã, vào thời của Phao-lô, các tà linh nhập vào những người làm nghề bói toán, đều tự xưng là Phi-tôn, vì sự nổi tiếng của các nữ tế sư trong đền thờ của A-bô-lô tại Delphi. Điều đó không có nghĩa là có một con quỷ tên là Phi-tôn nhập vào tất cả những ai làm nghề bói toán. Mà là tất cả những tà linh nhập vào những người làm nghề bói toán lúc bấy giờ đều xưng tên là Phi-tôn.

Lời Chúa trong câu này khẳng định rằng, cô gái bị tà linh xâm nhập đã làm lợi cho các chủ của mình, nhờ sự bói toán. Có nghĩa là ai đó cần một quẻ bói thì phải trả tiền cho các chủ của cô gái. Danh từ “chủ” dùng trong câu này có hình thức số nhiều. Cô gái có nhiều chủ có lẽ là vì cô đã bị bán làm nô lệ vào một miếu thờ tà thần, mà miếu ấy do nhiều người bỏ tiền ra, xây dựng và làm chủ để trục lợi.

17 Nàng đã theo Phao-lô và chúng tôi, mà kêu la rằng: Các người này là tôi tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao. Họ rao truyền cho chúng ta con đường của sự cứu rỗi.

Lời kêu la của cô gái không sai sự thật nhưng đối với những người La-mã hoặc những người Hy-lạp không tin Chúa thì họ sẽ hiểu lầm, nghĩ rằng, “Đức Chúa Trời Rất Cao” mà cô gái nói đến là tà thần Du (Zeus) trong thần thoại Hy-lạp.

18 Nàng đã làm việc ấy trong nhiều ngày. Nhưng Phao-lô đã phiền lòng, xoay lại, nói với tà linh rằng: Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền ngươi ra khỏi nàng. Chính giờ đó, nó đã ra khỏi.

Chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi ngày, tà linh đều xui khiến cô gái đi theo Phao-lô và các bạn của ông, kêu la như thế. Đến khi Phao-lô thấy quá phiền lòng thì ông đã nhân danh Đấng Christ, để đuổi tà linh ra khỏi cô gái. Tại sao tà linh xui khiến cô gái làm như vậy? Có ba lý do:

  • Để quấy rối việc rao giảng của Phao-lô và các bạn của ông. Sự kêu la của cô gái khiến cho họ không thể tập trung vào việc rao giảng; và những người nghe cũng không thể tập trung để nghe. Ngoài ra, cũng là một sự cám dỗ Phao-lô và các bạn của ông lên mình kiêu ngạo, tìm kiếm tiếng khen của người đời.

  • Để tăng thêm uy tín cho việc bói toán của cô gái, khi cô tự liên kết mình với những người rao giảng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời Rất Cao.

  • Để đồng hóa Đức Chúa Trời mà Phao-lô và các bạn của ông đang rao giảng với Đức Chúa Trời của ngoại giáo; cùng lúc, đồng hóa Phao-lô và các bạn của ông với những kẻ bói toán. Đức Chúa Trời của ngoại giáo theo tín ngưỡng của người La-mã và người Hy-lạp thời bấy giờ chính là tà thần Du.

Chúng ta cũng có thể tự hỏi, tại sao ngay lần đầu tiên, Phao-lô đã không đuổi quỷ cho cô gái? Trước hết, chúng ta cần biết rằng, Chúa ban cho các môn đồ của Ngài quyền chữa bệnh, đuổi quỷ; nhưng không phải các môn đồ của Ngài gặp ai có bệnh cũng chữa, gặp ai bị quỷ nhập cũng đuổi. Chúng ta đã học về câu chuyện Phi-e-rơ chữa lành người què, là người ngồi xin ăn tại Cửa Đẹp, trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 3. Chúng ta hiểu rằng, có nhiều người bị tàn tật xin ăn tại Cửa Đẹp, cũng như tại khắp nơi mà Phi-e-rơ đi qua, trong thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng Phi-e-rơ chỉ chữa lành cho người què ấy. Ơn chữa bệnh và đuổi quỷ của con dân Chúa phải được dùng theo sự tỏ ra của Đức Thánh Linh. Có ba lý do vì sao ngay lúc đầu Phao-lô đã không đuổi quỷ cho cô gái.

  • Phao-lô nhận biết, cô gái ấy tự nguyện làm tôi tớ cho ma quỷ, như biết bao nhiêu thầy pháp, thầy bùa, thầy bói toán từ xưa đến nay. Phao-lô tôn trọng quyền tự do lựa chọn của cô gái.

  • Phao-lô mong rằng, sự quấy rối của cô gái sẽ sớm chấm dứt.

  • Phao-lô không muốn xảy ra vấn đề với các người chủ của cô gái, nếu việc đuổi quỷ là không cần thiết, vì cô gái tự nguyện phụng sự ma quỷ.

Nhưng vì tà linh cứ tiếp tục dùng cô gái để quấy rối việc rao giảng của Phao-lô, nên cuối cùng, Phao-lô đã truyền cho nó phải ra khỏi cô gái.

19 Nhưng các chủ của nàng thấy rằng, sự trông được lợi của họ đã mất, chúng đã bắt Phao-lô và Si-la, kéo đến nơi công sở, trước các quan.

Chúng ta không biết, giữa hai câu 18 và 19 đã có khoảng thời gian kéo dài bao lâu, để các chủ của cô gái phát hiện ra sự cô đã không còn khả năng bói toán. Nhưng sau khi tìm hiểu và biết nguyên nhân, họ đã đi tìm Phao-lô và Si-la, bắt hai ông, giải đến trước công quyền.

Về việc bói toán, chúng ta cần hiểu rằng, ma quỷ không thể biết việc tương lai. Những gì ma quỷ nói về tương lai sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau:

  • Dựa trên các dữ kiện để suy luận mà tiên đoán tương lai. Đó là điều loài người cũng có thể làm được. Các nhà kinh tế, chính trị, và quân sự giỏi đều có thể đưa ra các tiên đoán chính xác.

  • Tự chúng nói ra một số sự kiện sẽ xảy ra, rồi chính chúng làm cho các sự kiện ấy xảy ra. Thí dụ, ma quỷ có thể sai người “bói” cho ông Gióp một quẻ về những tai họa thảm khốc sẽ giáng xuống trên ông, nếu ông không thờ lạy ma quỷ. Thế rồi, chúng lần lượt làm cho các sự ấy xảy ra.

Dù vậy, cũng có nhiều lúc ma quỷ suy luận sai hoặc không thể làm thành điều chúng định làm. Vì muôn vật ở dưới quyền của Đức Chúa Trời. Ngài có thể làm cho sự suy luận khôn sáng nhất của ma quỷ và loài người thành ra sai trật; và Ngài có toàn quyền ngăn cản ma quỷ hoặc loài người làm ra một điều gì đó.

Thiên Chúa ghét và nghiêm cấm việc bói toán:

Vì những dân tộc đó, mà ngươi sẽ đuổi đi, nghe theo những kẻ xem phong thủy và nghe theo những kẻ bói toán; nhưng ngươi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi không cho phép ngươi làm như vậy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:14).

Con dân chân thật của Chúa luôn sống bình an trong Chúa, không lo lắng, sợ hãi điều gì, không cần phải xem bói để đề phòng những sự dữ. Vì Lời Chúa dạy rõ:

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Thực tế đáng buồn cho thấy, có nhiều người xưng mình là con dân Chúa nhưng họ vẫn xem tử vi, xem bói toán, xem ngày tốt xấu, kiêng cữ theo các điều mê tín dị đoan… Họ tự làm ô uế mình, tự liên kết mình với ma quỷ. Những người như vậy, không có sự cứu rỗi, họ chỉ mang danh là môn đồ của Đấng Christ nhưng thực tế thì ma quỷ đang điều khiển họ. Thánh Kinh gọi họ là những kẻ đáng gớm ghiếc. Phần đã định cho họ là sự chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.

Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Trừ khi họ kịp thời thật lòng ăn năn, từ bỏ những sự ô uế ấy. Kịp thời có nghĩa là trước khi Chúa cất đi cơ hội để họ ăn năn; điển hình là trước khi họ bị qua đời cách bất ngờ.

20 Chúng đã đem họ đến trước các thượng quan, thưa rằng: Những người này là dân Do-thái, đã làm rối loạn thành phố của chúng ta.

21 Họ đã giảng dạy các thói tục chẳng hợp pháp để chúng ta, là dân La-mã, tiếp nhận hay làm theo.

Danh từ “thượng quan” (G4755) được dùng để chỉ người nắm quyền cao nhất trong một thành phố hoặc tỉnh của đế quốc La-mã thời bấy giờ. Trong phân đoạn này, danh từ ấy được dùng với hình thức số nhiều; có thể chỉ người trưởng và người phó, hoặc chỉ người đứng đầu về hành chính và người đứng đầu về quân sự tại thành Phi-líp.

Các chủ của cô gái vu khống cho Phao-lô và Si-la tội làm náo loạn thành phố, giảng dạy những điều nghịch lại luật pháp của La-mã. Chúng ta có thể hiểu rằng, ma quỷ đã đặt các lời ấy vào trong miệng của họ. Đó cũng là cách xưa nay ma quỷ dùng để vu khống con dân Chúa, trước các nhà cầm quyền. Thậm chí, ma quỷ dùng chính các nhà cầm quyền để vu khống cho con dân Chúa như vậy.

22 Đám đông dân cũng đã cùng nhau nổi lên, nghịch lại họ. Các thượng quan đã xé áo của họ, truyền đánh đòn họ.

Đám đông dân là những kẻ mê tín dị đoan, bị sự khích động từ các chủ của cô gái, nên cũng cùng nhau kéo đến trước công quyền, nghịch lại Phao-lô và Si-la. Các thượng quan đã không xét xử chứng cớ mà tự tay xé áo của Phao-lô và Si-la ra; rồi truyền cho quân lính đánh đòn họ.

Xưa nay, những kẻ cầm quyền vẫn thường hành xử bất công, nghịch lại thiên chức của họ. Thật khó mà tìm được những người cầm quyền công chính.

23 Chúng đã đánh họ nhiều đòn, rồi ném họ vào nhà tù, giao người cai tù canh giữ họ nghiêm nhặt.

24 Kẻ đã nhận lệnh đó ném họ vào bên trong nhà tù và tra chân của họ vào cùm.

Dân I-sơ-ra-ên có luật đánh đòn mỗi lần không quá 40 roi (Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:3; II Cô-rinh-tô 11:24). Nhưng chúng ta không biết gì nhiều về luật đánh đòn của dân La-mã. Phao-lô cho biết, ông đã ba lần bị đánh đòn mà chúng ta hiểu là bởi dân La-mã. Vì ông phân biệt ba lần đó với năm lần bị đánh đòn bởi người Do-thái (II Cô-rinh-tô 11:24-25).

Canh giữ nghiêm nhặt là canh giữ không để cho trốn thoát. Kẻ đã nhận lệnh canh giữ Phao-lô và Si-la chính là viên cai tù của thành Phi-líp. Viên cai tù đã đem Phao-lô và Si-la vào phòng giam xa nhất trong tù, rồi cùm chân của họ, để ngăn ngừa sự vượt ngục.

25 Cho tới giữa đêm, Phao-lô và Si-la vẫn cầu nguyện và tôn vinh Đức Chúa Trời. Những tù nhân đều đã nghe họ.

Dân I-sơ-ra-ên có thói quen cầu nguyện ngày ba lần: buổi chiều, buổi sáng, và buổi trưa. Vua Đa-vít đã ghi lại rằng:

Buổi chiều, buổi sáng, và buổi trưa, tôi sẽ kêu cầu; và Ngài sẽ nghe tiếng của tôi.” (Thi Thiên 55:17).

Giờ cầu nguyện buổi chiều là khoảng thời gian từ 2 giờ chiều tới 5 giờ chiều, trùng với giờ dâng của lễ buổi chiều, trước khi sang ngày mới. Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1 cho chúng ta biết, giờ cầu nguyện buổi chiều bắt đầu vào giờ thứ chín, tức 2 giờ chiều.

Giờ cầu nguyện buổi sáng là khoảng thời gian từ 6 giờ sáng tới 9 giờ sáng. Công Vụ Các Sứ Đồ 2:15 cho chúng ta thấy, các môn đồ của Chúa đang nhóm hiệp cầu nguyện vào giờ cầu nguyện buổi sáng.

Giờ cầu nguyện buổi trưa là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ trưa. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9 cho chúng ta thấy, Phi-e-rơ đã cầu nguyện vào buổi trưa.

Tiên Tri Đa-ni-ên cũng có thói quen cầu nguyện ngày ba lần (Đa-ni-ên 6:10).

Nhưng Lời Chúa trong Thi Thiên 119 đã ghi lại trường hợp cầu nguyện cảm tạ giữa đêm:

Giữa đêm, tôi sẽ trỗi dậy để cảm tạ Ngài về những sự phán xét công chính của Ngài.” (Thi Thiên 119:62).

Lời này hàm ý, người viết Thi Thiên 119 đã suy ngẫm về các điều răn và luật pháp của Chúa, cảm nhận sâu nhiệm sự công chính trong Lời Chúa, và giữa đêm, người ấy đã trỗi dậy để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Riêng trong trường hợp của Phao-lô và Si-la, có lẽ sau khi bị đánh đòn, bị nhốt vào tù, chân bị cùm, thì sự đau đớn, khó chịu của xác thịt đã khiến cho Phao-lô và Si-la không thể ngủ được. Nên hai ông đã cùng nhau cầu nguyện, cảm tạ Đức Chúa Trời, cùng nhau tôn vinh Đức Chúa Trời về mọi sự Ngài đã cho phép xảy ra cho hai ông.

Giới từ “cho tới” được dùng ở đầu câu và thời quá khứ chưa hoàn thành của các động từ trong câu này giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự cầu nguyện và tôn vinh Đức Chúa Trời của Phao-lô và Si-la đã kéo dài từ khi hai ông bị nhốt vào tù, cho tới giữa đêm; và là sự cầu nguyện, tôn vinh lớn tiếng, đến nỗi các tù nhân khác đều nghe thấy.

26 Thình lình, đã có cơn động đất lớn, đến nỗi các nền của nhà tù rúng động. Cũng ngay lúc đó, hết thảy các cửa được mở ra, xiềng xích của mỗi người đều được tháo ra.

Cơn động đất lớn làm rúng động các nền của nhà tù, làm cho các cửa của nhà tù mở toang, và làm cho xiềng xích của các tù nhân đều được tháo ra, mà mái nhà và các vách nhà không bị sụp đổ, không một người nào bị thương, không phải là cơn động đất thường xảy ra trong tự nhiên. Nhưng đây là phép lạ đến từ Đức Chúa Trời. Không phải một phép lạ mà là ba phép lạ cùng một lúc: phép lạ làm rúng động các nền nhà tù; phép lạ làm hết thảy các cửa nhà tù mở ra; và phép lạ tháo mở mọi xiềng xích cho các tù nhân. Chúng ta hiểu rằng, tất cả là do hành động của các thiên sứ của Đức Chúa Trời, theo thánh ý của Ngài.

27 Người cai tù đã thức dậy, thấy các cửa nhà tù đã được mở, tưởng các tù nhân đã trốn, ông rút gươm, định tự sát.

Có lẽ cơn động đất đã làm cho người cai tù thức giấc và chạy đến cửa chính của nhà tù. Khi ông nhìn thấy cửa chính và các cửa phòng giam của nhà tù đều bị mở toang thì ông tưởng rằng, các tù nhân đã vượt ngục. Vì thế, ông đã rút gươm, định tự sát. Ông thà tự sát hơn là chịu xét xử, bị tra tấn, rồi cũng bị tử hình, vì đã để cho các tù nhân trốn thoát.

28 Nhưng Phao-lô đã lớn tiếng kêu rằng: Đừng làm hại chính mình! Vì hết thảy chúng ta đều ở đây.

Phao-lô từ trong phòng giam của mình, có lẽ đã nhìn thấy người cai tù rút gươm, định tự sát, nên lớn tiếng kêu lên, ngăn cản, và báo cho người cai tù biết, các tù nhân vẫn còn ở trong tù.

29 Người đã gọi lấy đèn, run sợ, chạy đến, gieo mình trước Phao-lô và Si-la.

30 Rồi, đưa họ ra ngoài, hỏi rằng: Các chúa ơi! Tôi phải làm gì để được cứu rỗi?

Có lẽ người cai tù đã gọi, sai các người dưới quyền của mình thắp đèn mang đến. Ông run sợ, chạy đến, sấp mình trước Phao-lô và Si-la, thể hiện sự kính trọng và đầu phục. Ông đã đưa họ ra khỏi phòng giam và nhà tù, gọi họ bằng danh xưng “chúa”, như đầy tớ và nô lệ gọi chủ của mình. Chúng ta cần ghi nhớ, trong tiếng Hê-bơ-rơ lẫn tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh, danh xưng “chúa” vừa được dùng để gọi Thiên Chúa, vừa được dùng để vợ gọi chồng, tôi tớ gọi chủ, hay một người gọi người mình vâng phục. Ở đây, người cai tù không hề có ý tôn Phao-lô và Si-la làm Thiên Chúa.

Câu hỏi của người cai tù: “Tôi phải làm gì để được cứu rỗi?” hàm ý, ông có nghe biết về sự giảng dạy của Phao-lô và Si-la. Giờ đây, trước phép lạ đã xảy ra, ông tin rằng, họ thật sự là các sứ giả của Đức Chúa Trời, rao giảng về sự cứu rỗi của Ngài. Và ông muốn được cứu rỗi.

31 Họ đã nói: Hãy tin nơi Đức Chúa Jesus Christ! Thì ngươi và người nhà của ngươi sẽ được cứu rỗi.

Câu trả lời của Phao-lô và Si-la đã tóm gọn những gì mà một người, bất cứ là ai, cần phải làm để được cứu rỗi. Đó là hãy tin nơi Đức Chúa Jesus Christ. Tin nơi Đức Chúa Jesus Christ là công nhận và làm theo mọi lời phán dạy của Ngài:

  • Tin rằng, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, được sinh ra trong thân xác loài người bởi Đức Chúa Trời, nên Ngài được gọi là Con của Đức Chúa Trời.

  • Tin rằng, Ngài là Đấng Christ, tức Đấng đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho loài người.

  • Tin rằng, Ngài đã chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người.

  • Tin rằng, sau khi chết, được chôn trong lòng đất ba ngày và ba đêm, thì Ngài đã sống lại và đã vào trong thiên đàng.

  • Tin rằng, Ngài sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước Kỳ Tận Thế.

  • Tin rằng, Ngài sẽ giáng lâm trên đất để phán xét toàn thế gian vào cuối Kỳ Tận Thế.

  • Tin rằng, mọi người đều đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và cần phải thật lòng ăn năn, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, để nhận được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tức là được Đức Chúa Trời tha tội và dựng nên mới, để có thể sống một đời sống mới, vâng phục Thiên Chúa.

Câu trả lời của Phao-lô và Si-la không hề hàm ý: một người tin Chúa thì cả nhà được cứu. Mà là một người và người nhà của người ấy phải tin nơi Đấng Christ để người ấy và người nhà của người ấy đều được sự cứu rỗi. Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31 phải được hiểu như sau: Ngươi và người nhà của ngươi hãy tin nơi Đức Chúa Jesus Christ, để được cứu rỗi!

Lời Chúa dạy rõ:

Ai tin nơi Ngài thì chẳng bị định tội nhưng ai không tin thì đã bị định tội rồi, vì đã không tin nơi danh Con Một của Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:18).

Ai tin nơi Đức Con thì được sự sống vĩnh cửu, còn ai không tin Đức Con thì sẽ chẳng thấy sự sống, nhưng cơn giận của Đức Chúa Trời ở lại trên người ấy.” (Giăng 3:36).

Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Không hề có chuyện một người không tin nơi Đấng Christ nhưng nhờ người chủ gia đình của người ấy tin, thì người ấy được cứu. Ai giảng dạy rằng: “Một người tin Chúa thì cả nhà được cứu” là giảng dạy tà giáo. Thực tế, một người tin nhận Đấng Christ có thể rao giảng Tin Lành cho mỗi người trong gia đình của mình. Nhưng mỗi người trong gia đình của người ấy phải tự mình thật lòng tin nhận Tin Lành thì mới được cứu.

32 Họ đã truyền Lời của Chúa cho người và cho hết thảy những kẻ trong nhà của người.

33 Trong ban đêm, chính giờ đó, người đã đem họ ra, rửa các lằn đòn. Rồi, lập tức, người và hết thảy những kẻ thuộc về người đều chịu báp-tem.

Sau khi nói cho người cai tù biết, phải tin nơi Đấng Christ để được cứu rỗi, thì Phao-lô và Si-la đã giảng Tin Lành cho ông và hết thảy người nhà của ông. Nhóm chữ “hết thảy những kẻ trong nhà của người” bao gồm cả các tôi tớ và nô lệ của ông.

Nghe giảng xong, tin nhận Đấng Christ xong, người cai tù rửa các vết thương do roi đòn gây ra, trên thân thể của Phao-lô và Si-la. Liền trong đêm đó, người cai tù và hết thảy những kẻ thuộc về ông đều chịu báp-tem.

Một số người cho rằng, đây là trường hợp trẻ con trong gia đình của người tin Chúa cũng được làm báp-tem. Nhưng văn mạch không hề cho phép chúng ta kết luận như vậy. Vì chúng ta không biết chắc rằng, trong gia đình của người cai tù có trẻ con.

Chúng ta biết chắc, sự báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện cho những ai tin nhận Tin Lành. Lời Chúa dạy rõ:

Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh…” (Ma-thi-ơ 28:19).

Ai tin và chịu báp-tem sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị định tội.” (Mác 16:16).

Một người phải tin nhận Tin Lành, trở nên môn đồ của Đấng Christ, trước khi được làm báp-tem. Trẻ con, nếu chưa có ý thức để tin nhận Tin Lành thì không được báp-tem.

Ngoài ra, sự báp-tem cần được thực hiện ngay sau khi một người tin nhận Tin Lành. Trong Thánh Kinh, luôn ghi lại sự người tin nhận Tin Lành được làm báp-tem ngay. Riêng trong trường hợp của người cai tù thành Phi-líp và gia đình của ông, chúng ta thấy, họ đã được làm báp-tem ngay trong đêm, chứ không chờ đến sáng.

Ước mong rằng, con dân Chúa ngày nay đều có lòng sốt sắng làm báp-tem ngay cho người tin nhận Tin Lành. Ước mong rằng, con dân Chúa sẽ dùng câu chuyện này để giúp cho người mới tin nhận Tin Lành hiểu biết rằng, sự sốt sắng chịu báp-tem là điều được Thánh Kinh dạy.

Sự các giáo hội tự xưng là Hội Thánh của Chúa nhưng yêu cầu người tin Chúa phải học giáo lý căn bản, phải thi đậu phần khảo hạch về giáo lý, rồi mới được báp-tem là hoàn toàn nghịch lại Lời Chúa.

34 Người cũng đã đem họ vào trong nhà của người, đặt bàn ăn cho họ. Người với cả nhà mình đã vui mừng, vì đã tin Đức Chúa Trời.

Sau khi người cai tù và người nhà của ông đã chịu báp-tem, thì ông đã mời Phao-lô và Si-la vào trong nhà, dọn thức ăn cho họ ăn. Ông và cả nhà được kinh nghiệm sự vui mừng của người đã tin Đức Chúa Trời và nhận được sự cứu rỗi của Ngài.

35 Khi ban ngày đến, các thượng quan đã sai các lính phụ trách đánh đòn đến, nói: Hãy thả các người ấy!

36 Người cai tù đã thông báo lời ấy cho Phao-lô: Các thượng quan đã truyền để thả các ông tự do. Vậy, bây giờ, hãy ra và đi trong bình an!

Lính phụ trách đánh đòn” chính là các người đã đánh Phao-lô và Si-la vào ngày hôm trước. Nơi công sở của người La-mã thời ấy, có những người lính được giao cho việc đánh đòn các phạm nhân, gọi là “người mang roi” (G4465), vì họ mang theo roi bên mình trong các phiên phán xử, để sẵn sàng thi hành lệnh phạt đánh đòn phạm nhân. Các lính ấy đã đến nhà tù, truyền cho người cai tù thả Phao-lô và Si-la ra, theo lệnh của các thượng quan. Người cai tù đã thông báo lệnh thả cho Phao-lô và Si-la, chúc hai ông lên đường bình an.

37 Nhưng Phao-lô đã nói với chúng: Họ đã đánh đòn chúng tôi, là các công dân La-mã chưa bị định tội, trước công chúng, rồi ném vào nhà tù; nay họ lén ném chúng tôi ra? Thật sự không được, mà chính họ hãy đến để thả chúng tôi!

Nhưng Phao-lô đã không chịu ra khỏi tù. Ông cho biết, ông và Si-la là công dân La-mã, chưa bị định tội mà đã bị đánh đòn và nhốt tù. Đó là sự phạm pháp nghiêm trọng của các thượng quan. Ông yêu cầu các thượng quan phải đến gặp ông và Si-la.

Thái độ của Phao-lô giúp cho chúng ta hiểu rằng, khi nhà cầm quyền đối xử bất công với chúng ta thì chúng ta cần lên tiếng. Chính Đức Chúa Jesus đã lên tiếng, khi Ngài nói lẽ phải mà bị một viên chức tát vào mặt Ngài, tại nhà của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm An-ne (Giăng 18:23). Nhưng nếu sau khi chúng ta lên tiếng mà vẫn bị đàn áp thì chúng ta nên im lặng. Khi đó, kẻ cầm quyền đã biến thành kẻ dữ. Chúng ta không nên chống cự kẻ dữ (Ma-thi-ơ 5:39).

38 Các lính phụ trách đánh đòn đã thuật lại các lời ấy cho các thượng quan. Khi đã nghe rằng, họ là dân La-mã, thì chúng sợ hãi.

39 Chúng đã đến, gọi họ, đem ra ngoài, xin họ lìa khỏi thành.

Luật pháp của La-mã có chỗ rất nghiêm minh đối với các thượng quan. Nếu tù nhân không bị án tử hình nhưng bị đánh đòn mà chết, thì chính các thượng quan sẽ bị đánh đòn, dù họ không phải là người ra tay đánh chết tù nhân. Việc đánh đòn hoặc bỏ tù công dân La-mã trước khi định án là một sự phạm pháp nghiêm trọng. Vì thế, khi được quân lính quay về, thuật lại lời của Phao-lô thì các thượng quan đã sợ hãi, đến gặp Phao-lô và Si-la.

Dù Thánh Kinh không ghi lại chi tiết nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, các thượng quan đã hết sức xin lỗi Phao-lô và Si-la. Họ đã xin Phao-lô và Si-la ra khỏi thành phố của họ. Vì e rằng, khi dân chúng kéo đến, chống nghịch Phao-lô và Si-la thì họ sẽ khó xử.

40 Họ đã ra khỏi nhà tù, vào trong nhà của Li-đi. Họ đã gặp và khích lệ các anh chị em cùng Cha; rồi, lên đường.

Phao-lô và Si-la đã ra khỏi nhà tù, về lại nhà của bà Li-đi. Tại đó, hai ông đã gặp con dân Chúa, là những người qua sự rao giảng Tin Lành của ông và Si-la, được biết và tin nhận Đấng Christ. Có lẽ họ đang nhóm hiệp để cầu thay cho hai ông. Sau khi khích lệ họ, Phao-lô và Si-la đã lên đường, để đến thành Tê-sa-lô-ni-ca.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/03/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Nguyện Chúa Jesus Thương Xót Con”
https://karaokethanhca.net/nguyen-chua-jesus-thuong-xot-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.