Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 25:01-27 Phao-lô Trước Mặt Thống Đốc Phê-tu và Vua Ạc-ríp-ba

966 views

YouTube: https://youtu.be/0H9ts7R-YdY

44055 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 25:1-27
Phao-lô Trước Mặt Thống Đốc Phê-tu và Vua Ạc-ríp-ba

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 25:1-27

1 Vậy, Phê-tu đã đến trong tỉnh. Sau ba ngày thì ông đã từ Sê-sa-rê đi lên Giê-ru-sa-lem.

2 Thầy tế lễ thượng phẩm và các người đứng đầu của dân Do-thái đã ra mắt ông, cầu khẩn ông, nghịch lại Phao-lô.

3 Họ đã xin ông làm ơn nghịch lại người mà gọi người đến tại Giê-ru-sa-lem. Còn họ thì làm cuộc phục kích dọc đường để giết người.

4 Nhưng thực tế Phê-tu đã trả lời, Phao-lô đã bị giam tại Sê-sa-rê, và chính ông sắp nhanh chóng lên đường trở về đó.

5 Ông đã nói: Vậy, ai trong các ngươi có thể thì hãy xuống với ta mà kiện cáo người ấy bất cứ sự gì là tội trong người.

6 Ông đã ở giữa họ hơn mười ngày. Ông đã đi xuống đến Sê-sa-rê. Hôm sau, ông đã ngồi trên ghế quan tòa, truyền dẫn Phao-lô đến.

7 Khi người đã đến, các người Do-thái xuống từ Giê-ru-sa-lem đã vây quanh, đem theo nhiều lời kiện cáo nghiêm trọng nghịch lại Phao-lô mà chúng không thể chứng minh.

8 Người đã tự bênh vực mình rằng: Tôi không nghịch lại luật pháp của người Do-thái, không nghịch lại Đền Thờ, không nghịch lại Sê-sa, để phạm tội gì.

9 Nhưng Phê-tu muốn làm cho những người Do-thái vui lòng, đã trả lời Phao-lô, rằng: Ngươi muốn lên đến Giê-ru-sa-lem, chịu xử tại đó về các việc này, trước ta chăng?

10 Phao-lô đã nói: Tôi đã và đang đứng trước tòa án của Sê-sa, nơi tôi phải chịu xử. Tôi chẳng phạm tội với người Do-thái, như chính ngài đã biết rõ.

11 Vì thực tế, nếu tôi phạm tội hoặc làm ra điều gì đáng chết, tôi chẳng từ chối chết. Nhưng nếu không có các điều những kẻ này kiện cáo tôi, thì chẳng ai có thể nộp tôi cho họ. Tôi kêu nài đến Sê-sa.

12 Kế đó, Phê-tu đã hội ý với ban cố vấn, trả lời rằng: Ngươi đã kêu nài đến Sê-sa, ngươi sẽ đi đến Sê-sa.

13 Mấy ngày sau, Vua Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đã đến tại Sê-sa-rê để chào Phê-tu.

14 Khi họ đã ở lại đó nhiều ngày, Phê-tu đã trình sự việc của Phao-lô với nhà vua, rằng: Có một người tù kia đã bị bỏ lại bởi Phê-lít.

15 Về người ấy, lúc tôi ở tại Giê-ru-sa-lem, các thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão của dân Do-thái đã ra mắt tôi và xin bản án nghịch lại người.

16 Tôi đã đáp lời cho họ rằng, người La-mã chẳng có lệ giải nộp người nào vào sự chết, trước khi bị cáo có những kẻ tố cáo đối diện, và nắm cơ hội biện hộ về những lời kiện cáo.

17 Vậy, họ đã đến đây. Ngày hôm sau, tôi đã ngồi trên tòa án, không chậm trễ, truyền dẫn người đến.

18 Về người ấy, các kẻ kiện cáo đã đứng lên, nhưng không kiện được một tội gì, như tôi đã tưởng.

19 Chỉ có mấy câu hỏi kia nghịch lại người về tín ngưỡng của chúng và về một Jesus kia đã chết mà Phao-lô xưng nhận đang sống.

20 Tôi đã không biết làm sao về sự tranh luận liên quan đến sự ấy. Tôi đã hỏi người có muốn đi đến thành Giê-ru-sa-lem, để chịu xử tại đó về các việc ấy.

21 Nhưng Phao-lô đã kêu nài để người được canh giữ cho sự phân xử của Au-gút-tơ. Tôi đã truyền lệnh cho người được canh giữ cho tới khi tôi giải người đến Sê-sa.

22 Ạc-ríp-ba đã nói với Phê-tu: Ta cũng muốn chính mình ta nghe người ấy. [Phê-tu] đã nói: Ngày mai, ngài sẽ nghe người.

23 Vậy, hôm sau, Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đã đến cách rất long trọng, vào trong phòng xử kiện với các viên chỉ huy tiểu đoàn, cùng với các người tôn trưởng của thành. Phê-tu đã truyền lệnh, Phao-lô được đem ra.

24 Rồi, Phê-tu đã nói: Thưa Vua Ạc-ríp-ba và mọi người có mặt với chúng tôi! Các ngài thấy đây. Về người này mà hết thảy đám đông dân Do-thái đã xin tôi, tại Giê-ru-sa-lem lẫn tại đây, kêu lên rằng, người chẳng nên sống nữa.

25 Nhưng tôi đã thấy người chẳng làm điều gì đáng chết. Chính người này cũng đã kêu nài đến Au-gút-tơ nên tôi đã quyết định giải giao người.

26 Về người tôi không có điều gì chắc chắn để viết cho chúa tôi. Vì vậy, tôi đem người ra trước các ngài, nhất là trước ngài, thưa Vua Ạc-ríp-ba, để có cuộc tra hỏi mà tôi có điều để viết.

27 Vì là không hợp lý với tôi khi giải giao tù nhân mà chẳng xác định sự cáo buộc nghịch lại người.

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 25 gồm có 27 câu. Từ câu 1 đến câu 12, ghi lại sự kiện Thống Đốc Phê-tu xét xử Phao-lô trước những kẻ kiện ông là thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão của dân Do-thái. Từ câu 13 đến câu 27, ghi lại sự kiện Thống Đốc Phê-tu đem Phao-lô ra, trước Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị và các bậc tôn trưởng của thành Sê-sa-rê.

1 Vậy, Phê-tu đã đến trong tỉnh. Sau ba ngày thì ông đã từ Sê-sa-rê đi lên Giê-ru-sa-lem.

Sau khi Thống Đốc Phê-lít bị triệu hồi về kinh đô Rô-ma để chịu sự xét xử của hoàng đế La-mã, thì Phê-tu đã đến xứ Giu-đê, để làm thống đốc thay cho Phê-lít. Sê-sa-rê là thủ phủ của tỉnh Giu-đê. Vì thế, Phê-tu đã đến và cư trú tại Sê-sa-rê. Tuy nhiên, trong cương vị thống đốc của Giu-đê, Phê-tu có trách nhiệm về sự an ninh của thành Giê-ru-sa-lem. Có lẽ vì thế mà Phê-tu đã sớm đến Giê-ru-sa-lem để gặp Tòa Công Luận và viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã phụ trách bảo vệ an ninh cho Giê-ru-sa-lem, để tìm hiểu về tình hình chính trị và an ninh của Giê-ru-sa-lem. Tình hình an ninh tại Giê-ru-sa-lem rất là quan trọng. Vì hàng năm cứ đến ba kỳ lễ hội: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, và Lễ Lều Trại thì dân I-sơ-ra-ên từ khắp nơi trên lãnh thổ của đế quốc La-mã đổ về tham dự lễ hội. Số dân từ xa đổ về cộng với khoảng 600.000 cư dân khiến cho vào ba kỳ lễ hội đó, dân số tại Giê-ru-sa-lem có thể lên đến hàng triệu người.

2 Thầy tế lễ thượng phẩm và các người đứng đầu của dân Do-thái đã ra mắt ông, cầu khẩn ông, nghịch lại Phao-lô.

Thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm vào lúc này là Ích-ma-ên, nhưng chúng ta không biết là Ích-ma-ên được nói đến ở đây hay vẫn là A-na-nia, một người không còn giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm nhưng vẫn còn được gọi bằng danh xưng đó. Đã hai năm trôi qua, kể từ khi A-na-nia đích thân đến Sê-sa-rê để cáo tội Phao-lô trước Phê-lít.

Các người đứng đầu dân Do-thái tức là các trưởng lão trong Tòa Công Luận.

Có thể nói, Tòa Công Luận của dân I-sơ-ra-ên đã chính thức ra mắt Thống Đốc Phê-tu, cầu khẩn ông xử chết Phao-lô, như lời Phê-tu đã thuật lại cho Vua Hê-rốt (câu 15, 16). Đã hai năm trôi qua, Phao-lô bị giam giữ tại Sê-sa-rê, nhưng những người đứng đầu Do-thái Giáo vẫn không bớt lòng căm giận Phao-lô. Họ chỉ muốn ông chết.

3 Họ đã xin ông làm ơn nghịch lại người mà gọi người đến tại Giê-ru-sa-lem. Còn họ thì làm cuộc phục kích dọc đường để giết người.

Họ vẫn không từ bỏ mưu kế đã định từ hai năm trước. Đó là giả vờ yêu cầu Phao-lô được giải giao đến Tòa Công Luận để họ phục kích dọc đường mà giết ông. Họ không quan tâm đến việc làm đó sẽ khiến cho quân đội La-mã có lý do tàn sát cư dân thành Giê-ru-sa-lem.

4 Nhưng thực tế Phê-tu đã trả lời, Phao-lô đã bị giam tại Sê-sa-rê, và chính ông sắp nhanh chóng lên đường trở về đó.

5 Ông đã nói: Vậy, ai trong các ngươi có thể thì hãy xuống với ta mà kiện cáo người ấy bất cứ sự gì là tội trong người.

Dù Phê-tu không biết gian ý của Tòa Công Luận, nhưng ông là người biết lý lẽ, nên đã không nghe theo yêu cầu của họ. Đối với Phê-tu: Phao-lô đang bị giam tại Sê-sa-rê, có nghĩa là Phao-lô đã bị giải giao từ Giê-ru-sa-lem đến Sê-sa-rê. Như vậy, việc làm hợp lý là xét xử Phao-lô ngay tại Sê-sa-rê; thay vì phải động binh để giải giao Phao-lô ngược về Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, Phao-lô đã được giao vào trong tay chính quyền La-mã với ông là người xử án, mà chỗ xử án của ông là tại Sê-sa-rê. Vì thế, Phê-tu đã yêu cầu những ai muốn kiện cáo Phao-lô thì theo ông, đến Sê-sa-rê để kiện cáo.

6 Ông đã ở giữa họ hơn mười ngày. Ông đã đi xuống đến Sê-sa-rê. Hôm sau, ông đã ngồi trên ghế quan tòa, truyền dẫn Phao-lô đến.

Ông đã ở giữa họ hơn mười ngày” có nghĩa là Phê-tu đã họp bàn với Tòa Công Luận hơn mười ngày về các vấn đề an ninh và chính trị của Giê-ru-sa-lem. Sau đó, Phê-tu đã về lại Sê-sa-rê và ngay ngày hôm sau ông đã tiến hành việc xét xử Phao-lô. Có lẽ là vì Phê-tu không muốn cho những người kiện cáo Phao-lô phải chờ lâu. Vì họ thật đã theo ông đến Sê-sa-rê cùng ngày.

7 Khi người đã đến, các người Do-thái xuống từ Giê-ru-sa-lem đã vây quanh, đem theo nhiều lời kiện cáo nghiêm trọng nghịch lại Phao-lô mà chúng không thể chứng minh.

Người đã đến” tức là Phao-lô đã được dẫn đến trước tòa án.

Chúng ta không biết thầy tế lễ thượng phẩm có mặt trong số những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đến Sê-sa-rê để kiện cáo Phao-lô hay không. Nhưng khi họ vây quanh Phao-lô, đưa ra nhiều lời kiện cáo nghiêm trọng thì lại không có một chứng nhân nào. Chúng ta có thể hiểu rằng, các lời kiện cáo của họ cũng chỉ là sự lặp lại các điều mà họ đã cáo buộc Phao-lô từ hai năm trước.

8 Người đã tự bênh vực mình rằng: Tôi không nghịch lại luật pháp của người Do-thái, không nghịch lại Đền Thờ, không nghịch lại Sê-sa, để phạm tội gì.

9 Nhưng Phê-tu muốn làm cho những người Do-thái vui lòng, đã trả lời Phao-lô, rằng: Ngươi muốn lên đến Giê-ru-sa-lem, chịu xử tại đó về các việc này, trước ta chăng?

Phao-lô đã tự bênh vực mình một cách rất rõ ràng và chắc chắn mà những người cáo tội ông đã không thể đưa ra bằng chứng để phản bác lời của ông. Thống Đốc Phê-tu cũng hiểu ngay là Phao-lô hoàn toàn không phạm một tội gì cả.

Tuy nhiên, để chiều lòng những người Do-thái, Phê-tu đã hỏi Phao-lô điều mà họ yêu cầu ông. Phê-tu hỏi nhưng ông biết là Phao-lô sẽ chẳng đồng ý. Vì chính ông đang xét xử Phao-lô trước những kẻ kiện cáo Phao-lô thì cần gì phải ngưng lại để dời về xử tại Giê-ru-sa-lem. Câu hỏi của Phê-tu chẳng qua là để dân Do-thái không có lý do phiền trách ông.

10 Phao-lô đã nói: Tôi đã và đang đứng trước tòa án của Sê-sa, nơi tôi phải chịu xử. Tôi chẳng phạm tội với người Do-thái, như chính ngài đã biết rõ.

11 Vì thực tế, nếu tôi phạm tội hoặc làm ra điều gì đáng chết, tôi chẳng từ chối chết. Nhưng nếu không có các điều những kẻ này kiện cáo tôi, thì chẳng ai có thể nộp tôi cho họ. Tôi kêu nài đến Sê-sa.

Phao-lô đang ở trước tòa án do một thống đốc La-mã xét xử, mà thống đốc La-mã là đại diện của Sê-sa, tức hoàng đế La-mã. Vì thế, đứng trước tòa án của một thống đốc La-mã cũng là đứng trước tòa án của Sê-sa. Vì Phao-lô là công dân La-mã đã và đang ở trước tòa án của chính quyền La-mã, nên ông phải được xét xử bởi chính quyền La-mã.

Phao-lô nói ông đã và đang đứng trước tòa án của Sê-sa là nhắc lại sự kiện ông đã từng bị Phê-lít xét xử và nói đến hiện nay thì Phê-tu đang xét xử ông. Cả hai đều là thống đốc của La-mã, nhận quyền từ Sê-sa để xử án, nên tòa án của họ chính là tòa án của Sê-sa.

Danh từ “Sê-sa” có nghĩa đen là bị cắt đứt, là họ của Hoàng Đế La-mã Giu-lơ Sê-sa (Julius Caesar), được người kế vị ông là Óc-ta-vơ Au-gút-tơ (Octavius Augustus) chọn làm danh hiệu. Từ đó, các hoàng đế La-mã tiếp theo đều dùng danh hiệu Sê-sa. Nói cách khác, danh từ Sê-sa đã trở thành cùng nghĩa với danh từ hoàng đế La-mã.

Rõ ràng là Phao-lô không phạm một tội nào dù là theo luật pháp của dân Do-thái hay theo luật pháp của La-mã. Những kẻ cáo tội ông đã không thể đưa ra chứng cớ. Vì thế, không ai có quyền giao nộp ông cho dân Do-thái, mà người cầm quyền chỉ có thể tuyên bố ông trắng án và trả tự do cho ông.

12 Kế đó, Phê-tu đã hội ý với ban cố vấn, trả lời rằng: Ngươi đã kêu nài đến Sê-sa, ngươi sẽ đi đến Sê-sa.

Phê-tu có một ban cố vấn để góp ý với ông khi ông cần. Các người trong ban cố vấn không có quyền quyết định một vấn đề nào; nhưng những ý kiến của họ đưa ra nhằm giúp ích cho Phê-tu có được những quyết định sáng suốt. Vì mỗi người trong họ có các chuyên môn khác nhau; và sự hiểu biết chuyên môn của họ vượt trên Phê-tu.

Thực tế, trong trường hợp về Phao-lô thì Phê-tu không cần ý kiến của ban cố vấn. Vì rõ ràng là Phao-lô bị cáo tội một cách không chứng cớ; Phê-tu chỉ cần tuyên bố Phao-lô vô tội. Hành động tham khảo ý kiến của các cố vấn chẳng qua là để cho những kẻ kiện cáo Phao-lô thấy rằng, Phê-tu có đắn đo trước khi đưa ra quyết định.

Qua sự kiện Phê-tu hỏi Phao-lô có muốn được đưa về Giê-ru-sa-lem để chịu xét xử hay không và sự Phê-tu tham khảo ý kiến của ban cố vấn, chúng ta thấy Phê-tu rất là khôn sáng. Ông ta tránh tạo cho dân Do-thái có lý do bất mãn để gây rối, làm loạn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong tỉnh mà ông cai trị.

Lời Phê-tu nói với Phao-lô cũng chính là phán quyết cho sự Tòa Công Luận của dân Do-thái cáo tội Phao-lô. Đó là chính hoàng đế La-mã sẽ đích thân xử án Phao-lô.

Hai năm sau đó thì Phao-lô mới được hoàng đế La-mã xét xử và tuyên trắng án, tức tuyên bố Phao-lô vô tội về các lời kiện cáo của Tòa Công Luận. Chúng ta không biết là Tòa Công Luận có đến tận thành Rô-ma để kiện cáo Phao-lô trước Sê-sa hay không. Chúng ta cũng không biết cuộc phán xử đã xảy ra như thế nào; Phao-lô đã nói những gì với hoàng đế La-mã lúc bấy giờ là Nê-rô. Nhưng hai năm sau khi xử trắng án cho Phao-lô thì Nê-rô đã ra lệnh tàn sát con dân Chúa tại thành Rô-ma, quy cho họ trách nhiệm về sự thành Rô-ma bị cháy lớn.

13 Mấy ngày sau, Vua Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đã đến tại Sê-sa-rê để chào Phê-tu.

Vua Ạc-ríp-ba tức là Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị. Thánh Kinh Tân Ước ghi lại bốn Vua Hê-rốt:

  • Hê-rốt Đại Đế làm vua của dân I-sơ-ra-ên vào thời Đức Chúa Jesus được sinh ra; là người ra lệnh tàn sát trẻ con từ hai tuổi trở xuống, mong giết được Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 2).

  • Hê-rốt An-ti-ba, con của Hê-rốt Đại Đế, làm vua xứ Ga-li-lê vào thời Giăng Báp-tít rao giảng; là người giết Giăng Báp-tít (Mác 6). Ông cũng là người chế nhạo Đức Chúa Jesus khi Ngài bị Thống Đốc Phi-lát giải đến trước ông (Lu-ca 23). Ngoại trừ Ma-thi-ơ 2 và Lu-ca 1, Vua Hê-rốt được nói đến trong bốn sách Tin Lành là Hê-rốt An-ti-ba.

  • Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, cháu nội của Hê-rốt Đại Đế, cháu gọi Hê-rốt An-ti-ba là chú, làm vua xứ Giu-đê; là người bách hại các sứ đồ, giết Gia-cơ và bắt Phi-e-rơ. Ông là người bị thiên sứ đánh chết bằng chứng bệnh bị trùng ăn (Công Vụ Các Sứ Đồ 12).

  • Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị, con của Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, chắt nội của Hê-rốt Đại Đế, làm vua chư hầu các xứ chung quanh xứ Giu-đê nhưng có quyền quản lý Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem và có quyền chỉ định thầy tế lễ thượng phẩm. Ông là người được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 25 và 26.

Bê-rê-nít là em gái của Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị, từng ba lần kết hôn nhưng sau cùng, về ở chung trong cung điện của Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị. Theo sử gia Giô-se-phớt (Josephus), là một bạn thân của Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị, thì Bê-rê-nít và Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị có mối quan hệ loạn luân.

Vua Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đến Sê-sa-rê là để chào hỏi thống đốc mới đến nhận chức. Tại Sê-sa-rê có một biệt điện do Hê-rốt Đại Đế xây dựng. Sau khi Hê-rốt Đại Đế qua đời, biệt điện đó đã trở thành nơi cư trú cho các thống đốc La-mã. Phao-lô đã bị tạm giam tại đó.

14 Khi họ đã ở lại đó nhiều ngày, Phê-tu đã trình sự việc của Phao-lô với nhà vua, rằng: Có một người tù kia đã bị bỏ lại bởi Phê-lít.

15 Về người ấy, lúc tôi ở tại Giê-ru-sa-lem, các thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão của dân Do-thái đã ra mắt tôi và xin bản án nghịch lại người.

16 Tôi đã đáp lời cho họ rằng, người La-mã chẳng có lệ giải nộp người nào vào sự chết, trước khi bị cáo có những kẻ tố cáo đối diện, và nắm cơ hội biện hộ về những lời kiện cáo.

Vua Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đã ở lại Sê-sa-rê nhiều ngày, có lẽ như là một cơ hội để nghỉ mát bên bờ biển. Trong một buổi Ạc-ríp-ba gặp mặt với Phê-tu, Phê-tu đã trình cho nhà vua về sự việc của Phao-lô. Qua lời trình bày của Phê-tu mà chúng ta biết rằng, yêu cầu của Tòa Công Luận trong câu 2 chính là yêu cầu Phê-tu xử chết Phao-lô.

17 Vậy, họ đã đến đây. Ngày hôm sau, tôi đã ngồi trên tòa án, không chậm trễ, truyền dẫn người đến.

18 Về người ấy, các kẻ kiện cáo đã đứng lên, nhưng không kiện được một tội gì, như tôi đã tưởng.

19 Chỉ có mấy câu hỏi kia nghịch lại người về tín ngưỡng của chúng và về một Jesus kia đã chết mà Phao-lô xưng nhận đang sống.

Cũng qua lời trình bày của Phê-tu mà chúng ta biết rằng, khi sự việc chưa được đưa ra trước Phê-tu để ông xét xử thì Phê-tu đã nghĩ rằng, có lẽ Phao-lô đã phạm một tội gì nghiêm trọng lắm. Nhưng thực tế, chẳng qua chỉ là sự bất đồng về quan điểm Thần học của dân Do-thái; và sự bất đồng về sự sống hay chết của một người tên là Jesus. Dường như Phê-tu không biết rõ về Đạo Chúa như Phê-lít.

20 Tôi đã không biết làm sao về sự tranh luận liên quan đến sự ấy. Tôi đã hỏi người có muốn đi đến thành Giê-ru-sa-lem, để chịu xử tại đó về các việc ấy.

Sự việc không liên quan gì đến luật pháp La-mã và ngay cả cũng không liên quan gì đến luật pháp của Do-thái. Nghĩa là Phao-lô không phạm luật nhưng những kẻ kiện cáo ông thì cứ muốn xử chết ông, nên Phê-tu đã không biết phải giải quyết như thế nào. Phê-tu không thể kết tội Phao-lô mà cũng không muốn mất lòng dân Do-thái, tạo cơ hội cho họ làm loạn. Phê-tu đã chọn đưa ra đề nghị của Tòa Công Luận với Phao-lô để Phao-lô tự quyết định. Vì Phao-lô là một công dân La-mã, đang bị cáo tội mà không có chứng cớ, và đang ở trong tay của chính quyền La-mã.

21 Nhưng Phao-lô đã kêu nài để người được canh giữ cho sự phân xử của Au-gút-tơ. Tôi đã truyền lệnh cho người được canh giữ cho tới khi tôi giải người đến Sê-sa.

Động từ “canh giữ” (G5083) trong câu này có nghĩa là canh giữ cho không bị thiệt hại hay mất mát; khác với động từ “canh giữ” (G5442) không cho trốn thoát. Nói cách khác, Phao-lô đã yêu cầu được bảo vệ cho tới khi được hoàng đế La-mã phân xử cho ông.

Au-gút-tơ” là một danh hiệu có nghĩa là bậc đáng tôn kính, dùng để tôn xưng các hoàng đế La-mã, tương tự như danh hiệu “Bệ Hạ” dùng để tôn xưng các hoàng đế Trung Quốc. Danh xưng “Sê-sa Au-gút-tơ” trong Lu-ca 2:1 là hai danh hiệu gộp chung của hoàng đế La-mã đương thời, chứ không phải tên riêng của hoàng đế. Tên riêng của Sê-sa Au-gút-tơ trong Lu-ca 2:1 là Gai-út Óc-ta-vơ (Gaius Octavius).

22 Ạc-ríp-ba đã nói với Phê-tu: Ta cũng muốn chính mình ta nghe người ấy. [Phê-tu] đã nói: Ngày mai, ngài sẽ nghe người.

Tên Phê-tu trong hai ngoặc vuông không có trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, nhưng được người dịch thêm vào để giúp câu văn trong tiếng Việt được rõ nghĩa. Hai dấu ngoặc vuông là hàm ý, chữ trong hai ngoặc đó được người dịch thêm vào.

23 Vậy, hôm sau, Ạc-ríp-ba và Bê-rê-nít đã đến cách rất long trọng, vào trong phòng xử kiện với các viên chỉ huy tiểu đoàn, cùng với các người tôn trưởng của thành. Phê-tu đã truyền lệnh, Phao-lô được đem ra.

Vua Ạc-ríp-ba và em gái là Bê-rê-nít đã đến cách rất long trọng có nghĩa là đã đến với các phương tiện di chuyển như xe, kiệu sang trọng cùng với nhiều quân lính đi theo bảo vệ. Vì sự có mặt của Vua Ạc-ríp-ba mà các sĩ quan cao cấp dưới quyền của Phê-tu và những người tôn trưởng trong thành đều đến để ra mắt vua. Những người tôn trưởng là những người giàu có và danh tiếng, có quyền thế, có ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, và văn hóa của thành. Họ có thể là người La-mã, người Hy-lạp, lẫn người I-sơ-ra-ên. Họ đến không phải để xem hay nghe Phao-lô mà đến để gặp Vua Ạc-ríp-ba và có lẽ sẽ cùng dự tiệc với vua, sau đó.

24 Rồi, Phê-tu đã nói: Thưa Vua Ạc-ríp-ba và mọi người có mặt với chúng tôi! Các ngài thấy đây. Về người này mà hết thảy đám đông dân Do-thái đã xin tôi, tại Giê-ru-sa-lem lẫn tại đây, kêu lên rằng, người chẳng nên sống nữa.

25 Nhưng tôi đã thấy người chẳng làm điều gì đáng chết. Chính người này cũng đã kêu nài đến Au-gút-tơ nên tôi đã quyết định giải giao người.

Phê-tu đã trung thực trình bày vụ án của Phao-lô với Vua Ạc-ríp-ba và các quan khách. Phê-tu xác nhận, ông chẳng thấy Phao-lô phạm tội gì đáng chết, mặc dù những người Do-thái kiện cáo Phao-lô đều đòi xử chết Phao-lô. Phê-tu cũng đã khẳng định rằng, quyết định sau cùng của ông là sẽ giải giao Phao-lô đến Sê-sa, theo yêu cầu của Phao-lô.

26 Về người tôi không có điều gì chắc chắn để viết cho chúa tôi. Vì vậy, tôi đem người ra trước các ngài, nhất là trước ngài, thưa Vua Ạc-ríp-ba, để có cuộc tra hỏi mà tôi có điều để viết.

27 Vì là không hợp lý với tôi khi giải giao tù nhân mà chẳng xác định sự cáo buộc nghịch lại người.

Chắc chắn là Phê-tu phải viết tờ trình khi giải giao Phao-lô đến hoàng đế La-mã, nhưng ông không biết phải viết gì, khi ông không tìm thấy Phao-lô có tội. Nhân cơ hội có Vua Ạc-ríp-ba, một người I-sơ-ra-ên, đến thăm, với sự có mặt của các bậc tôn trưởng trong thành, trong đó, có những người I-sơ-ra-ên có thế lực, Phê-tu muốn họ cùng trò chuyện với Phao-lô để góp ý cho ông về nội dung của tờ trình mà ông phải viết.

Dĩ nhiên, không ai có thể tìm thấy Phao-lô có tội nên cuối cùng thì có lẽ Phê-tu đành phải viết rằng, Phao-lô, một công dân La-mã, đã bị những người Do-thái trong Tòa Công Luận đòi lên án chết, vì những tranh luận Thần học của Do-thái Giáo.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/07/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Xin Suốt Đời Tôi Đi Theo Ngài”
https://karaokethanhca.net/xin-suot-doi-toi-di-theo-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.