Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 14:01-18 Tin Lành Được Rao Giảng tại I-cô-ni và Lít-trơ

1,157 views

YouTube: https://youtu.be/ayAYx7QwQ_g

44035 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 14:1-18
Tin Lành Được Rao Giảng tại I-cô-ni và Lít-trơ

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

 

Bản đồ hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô [1], [2]

Công Vụ Các Sứ Đồ 14:1-18

1 Đã xảy ra, tại I-cô-ni, họ cùng vào trong nhà hội của người Do-thái; và như vậy, họ đã giảng đến nỗi một đám đông nhiều người Do-thái và người Hy-lạp đã tin.

2 Nhưng những người Do-thái không tin thì kích động và tác động xấu tâm thần của những người dân ngoại đối với các anh chị em cùng Cha.

3 Dù vậy, thực tế họ đã ở lại đó một thời gian dài. Họ đã bởi Chúa, dạn dĩ giảng chứng cớ về Lời của ân điển Ngài; Đấng đã ban cho những dấu kỳ và những phép lạ được xảy ra bởi tay của họ.

4 Nhưng dân chúng trong thành đã chia ra; thực tế, một số thì với những người Do-thái, một số thì với các sứ đồ.

5 Bởi đó, đã xảy ra, những người ngoại và những người Do-thái, với các nhà cầm quyền của chúng bạo động, sỉ nhục, và ném đá họ.

6 Thấy vậy, họ đã trốn xuống phía các thành của xứ Li-cao-ni, là thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và vùng phụ cận.

7 Ở đó, họ đã giảng Tin Lành.

8 Có một người kia chân bị yếu, ngồi trong thành Lít-trơ. Người đã bị què từ trong lòng mẹ của mình nên không hề bước đi.

9 Người ấy đã nghe Phao-lô giảng. Ông chăm chú nhìn người, thấy rằng, người có đức tin để được chữa lành.

10 Ông đã nói lớn tiếng: Hãy đứng thẳng trên chân ngươi! Người đã nhảy và bước đi.

11 Dân chúng thấy sự Phao-lô đã làm, thì cất tiếng của họ trong tiếng Li-cao-ni, rằng: Các thần đã lấy hình giống như loài người, xuống cùng chúng ta.

12 Thực tế, họ đã gọi Ba-na-ba là Giu-bi-tê, còn Phao-lô là Mẹt-cu-rơ, vì là người đứng đầu sự rao giảng. [Jupiter và Mercurius; sao Mộc và sao Thủy, được tôn làm thần linh trong tín ngưỡng Hy-lạp.]

13 Thầy tế lễ của đền thờ Giu-bi-tê ở trước thành của họ, đã đem bò đực và các tràng hoa đến các cổng, muốn dâng sinh tế với dân chúng.

14 Nhưng các sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô đã nghe vậy, thì xé áo của họ, sấn vào trong dân chúng, kêu to,

15 rằng: Hỡi các bạn! Sao làm các sự đó? Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi. Chúng ta giảng Tin Lành cho các ngươi, để cho các ngươi xoay khỏi các sự hư không kia, mà hướng về Đức Chúa Trời Hằng Sống, Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong chúng.

16 Đấng, trong các đời đã qua, đã cho phép mọi dân tộc bước đi theo các đường lối của họ.

17 Dù vậy, Ngài đã chẳng để chính mình làm lành không chứng cớ, ban cho chúng ta mưa từ trời và các mùa kết quả, đổ đầy lòng của chúng ta thức ăn và sự vui mừng.

18 Những lời ấy chỉ vừa đủ ngăn trở dân chúng không dâng sinh tế cho họ.

Trong bài này, chúng ta cùng học về phần thứ nhì trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô.

Sau khi bị dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo kích động các nhà có quyền thế và các người cai trị thành An-ti-ốt của xứ Bi-si-đi đuổi họ ra khỏi ranh giới của thành, Phao-lô và Ba-na-ba đã đến thành I-cô-ni của xứ Li-cao-ni. Đây là thành thứ tư được nghe giảng Tin Lành trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao-lô. Tại I-cô-ni, những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo cũng bách hại Phao-lô và Ba-na-ba, nên họ phải trốn khỏi đó và đến các thành khác, cũng trong xứ Li-cao-ni.

1 Đã xảy ra, tại I-cô-ni, họ cùng vào trong nhà hội của người Do-thái; và như vậy, họ đã giảng đến nỗi một đám đông nhiều người Do-thái và người Hy-lạp đã tin.

Sau khi rời khỏi ranh giới của thành An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi, Phao-lô và Ba-na-ba đã đi đến thành I-cô-ni của xứ Li-cao-ni. Thành I-cô-ni cách thành An-ti-ốt về hướng đông nam khoảng 144 km, ngày nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ. Thời bấy giờ, thành I-cô-ni là thủ phủ của xứ Li-cao-ni, rất trù phú với các vườn cây ăn trái và các nông trại; được thịnh vượng trong sự mua bán vì nằm trên thương lộ kết nối thành Ê-phê-sô với xứ Si-ri và vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia).

Phao-lô và Ba-na-ba đã theo thói quen, tìm đến nhà hội của Do-thái Giáo tại I-cô-ni để dự nhóm, trong các ngày Sa-bát. Qua đó, hai ông có thể rao giảng Lời Chúa, giới thiệu Tin Lành đến người I-sơ-ra-ên lẫn người Hy-lạp. Sự rao giảng của Phao-lô và Ba-na-ba đã khiến cho có nhiều người tại I-cô-ni tin nhận Tin Lành, bao gồm cả người I-sơ-ra-ên lẫn người Hy-lạp.

2 Nhưng những người Do-thái không tin thì kích động và tác động xấu tâm thần của những người dân ngoại đối với các anh chị em cùng Cha.

Những người Do-thái không tin nhận Tin Lành hiển nhiên là những người theo Do-thái Giáo. Họ không chấp nhận lời rao giảng của Phao-lô và Ba-na-ba. Có lẽ họ đã kích động những người dân ngoại bằng sự vu khống các sứ đồ, dùng những lời dối trá để đầu độc tâm thần của những người dân ngoại có quyền thế trong thành; tương tự như cách những người theo Do-thái Giáo đã làm tại thành An-ti-ốt. Qua đó, họ đã khiến cho một số người dân ngoại có ác cảm với những người tin nhận Tin Lành.

3 Dù vậy, thực tế họ đã ở lại đó một thời gian dài. Họ đã bởi Chúa, dạn dĩ giảng chứng cớ về Lời của ân điển Ngài; Đấng đã ban cho những dấu kỳ và những phép lạ được xảy ra bởi tay của họ.

Dân thành I-cô-ni đã không quá khích như dân thành An-ti-ốt. Vì thế mà Phao-lô và Ba-na-ba đã có thể ở lại I-cô-ni một thời gian dài. Chúng ta không biết khoảng thời gian được Thánh Kinh gọi là “dài” đó là bao lâu, nhưng có lẽ không dưới một năm. Đó là sự cần thiết để Phao-lô và Ba-na-ba gây dựng đời sống thuộc linh cho con dân Chúa tại I-cô-ni.

Chữ “Chúa” dùng trong câu này chỉ về Đấng Christ. Dù bị những người không tin Chúa ghét bỏ, nhưng Phao-lô và Ba-na-ba vẫn được Chúa ban ơn cho dạn dĩ rao giảng Lời Chúa. Lời giảng của họ được gọi là chứng cớ về Lời của ân điển Chúa. Chứng cớ là những lời tiên tri trong Cựu Ước về Đấng Christ. Lời của ân điển Chúa tức là lời giảng Tin Lành về sự chết chuộc tội của Đấng Christ đã được Đức Chúa Trời ban cho loài người, bởi sự thương xót của Ngài.

Đấng Christ cũng đã ban cho Hội Thánh các dấu kỳ và các phép lạ, bao gồm các sự chữa bệnh và đuổi quỷ, được làm ra bởi Phao-lô và Ba-na-ba.

4 Nhưng dân chúng trong thành đã chia ra; thực tế, một số thì với những người Do-thái, một số thì với các sứ đồ.

Với số người tại I-cô-ni tin nhận Tin Lành ngày càng đông. Dân chúng trong thành đã chia thành hai phe. Một phe đứng về phía những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Một phe đứng về phía các sứ đồ.

Chúng ta chú ý, trong câu 4, Đức Thánh Linh đã dùng danh từ “sứ đồ” số nhiều để gọi Phao-lô và Ba-na-ba. Vì thế, Ba-na-ba cũng là một sứ đồ. Chúng ta nhớ rằng, Đức Chúa Jesus đã chọn ra 12 sứ đồ để họ thay Ngài, đi giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên. Sau khi Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản Chúa rồi tự sát, thì các môn đồ của Chúa đã cử Ma-thia làm sứ đồ thay thế cho ông ta. Sau đó, chính Đức Chúa Jesus đã gọi Phao-lô vào chức vụ sứ đồ. Rồi chính Đức Thánh Linh đã biệt riêng Phao-lô và Ba-na-ba làm sứ đồ rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại. Như vậy, dù Phao-lô và Ba-na-ba không thuộc vào nhóm 12 sứ đồ, nhưng họ cũng là các sứ đồ của Chúa; cũng vậy, là bao nhiêu người khác theo sau họ, trong suốt gần 2.000 năm qua.

5 Bởi đó, đã xảy ra, những người ngoại và những người Do-thái, với các nhà cầm quyền của chúng bạo động, sỉ nhục, và ném đá họ.

6 Thấy vậy, họ đã trốn xuống phía các thành của xứ Li-cao-ni, là thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và vùng phụ cận.

7 Ở đó, họ đã giảng Tin Lành.

Phe đứng về phía những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, bao gồm những người ngoại không tin Chúa và các người có chức quyền trong thành đã bạo động, sỉ nhục các sứ đồ, và ném đá họ.

Trước tình thế biến chuyển như vậy, Phao-lô và Ba-na-ba đã trốn khỏi I-cô-ni, và đi xuống phía nam, vào các thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và vùng phụ cận trong xứ Li-cao-ni. Ở bất cứ nơi nào họ đến, họ cũng đều rao giảng Tin Lành.

Thánh Kinh dùng động từ “trốn” hàm ý, những kẻ chống nghịch Phao-lô và Ba-na-ba không biết việc rời thành I-cô-ni của hai ông. Sự “trốn” từ thành này sang thành kia, khi bị bách hại đức tin là mệnh lệnh của Đấng Christ, truyền cho những môn đồ của Ngài (Ma-thi-ơ 10:23).

8 Có một người kia chân bị yếu, ngồi trong thành Lít-trơ. Người đã bị què từ trong lòng mẹ của mình nên không hề bước đi.

9 Người ấy đã nghe Phao-lô giảng. Ông chăm chú nhìn người, thấy rằng, người có đức tin để được chữa lành.

Thành Lít-trơ cách thành I-cô-ni về hướng tây nam, khoảng 32 km, ngày nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ. Không thấy Lu-ca nói gì đến nhà hội của Do-thái Giáo. Có lẽ tại Lít-trơ không có nhiều người Do-thái và không có nhà hội. Gần các cổng thành của Lít-trơ có một đền thờ tà thần, thờ Giu-bi-tê, tức Mộc Thần, được tiêu biểu bằng sao Mộc, còn gọi là Thần Du (Zeus). Theo tín ngưỡng của người Hy-lạp thì Thần Du là Đức Chúa Trời của họ, cũng là Thần Sấm Sét, và là thần cai trị trên các thần khác.

Vào lúc Phao-lô và Ba-na-ba đến thành Lít-trơ thì trong thành có một người bị què từ trong lòng mẹ. Người ấy đã ngồi nghe Phao-lô giảng. Phao-lô đã chăm chú nhìn người ấy và nhận thấy người ấy có đức tin để được chữa lành.

Sự kiện Phao-lô nhìn biết người ấy có đức tin để được chữa lành là điều mà chúng ta cần suy ngẫm. Chúng ta có thể hiểu rằng, người bị què đã chăm chú lắng nghe mọi lời giảng của Phao-lô và tin vào lời giảng của Phao-lô. Tức là người ấy tin Tin Lành mà Phao-lô đang rao giảng. Sự tin đó thể hiện trên nét mặt của người bị què, và bởi đó, Phao-lô đã nhìn thấy đức tin của người ấy. Kế tiếp, chúng ta có thể tin rằng, Đức Thánh Linh cũng ấn chứng trong thần trí của Phao-lô về đức tin của người bị què.

Đức tin của người bị què đã thể hiện trên khuôn mặt của người ấy cách mãnh liệt, khiến cho Phao-lô nhận thức rằng, chẳng những đức tin của người ấy khiến người ấy được chữa lành bệnh tật thuộc linh mà còn khiến người ấy được chữa lành bệnh tật thuộc thể.

Ngày nay, khi chúng ta nói về Chúa cho người khác, thì người nghe có nhìn thấy đức tin của chúng ta nơi Chúa, thể hiện qua nét mặt của chúng ta hay không? Khi chúng ta ca hát tôn vinh Chúa thì đức tin của chúng ta nơi Chúa có thể hiện qua nét mặt của chúng ta hay không?

10 Ông đã nói lớn tiếng: Hãy đứng thẳng trên chân ngươi! Người đã nhảy và bước đi.

Phao-lô đã nói lớn tiếng chẳng những để người bị què nghe rõ mà còn là những người chung quanh. Trong một số bản chép tay khác đã ghi câu nói của Phao-lô như sau: “Ta nói với ngươi, trong danh của Đức Chúa Jesus. Hãy đứng thẳng trên chân ngươi!”

Sau câu nói của Phao-lô, người bị què đã nhảy lên và bước đi.

11 Dân chúng thấy sự Phao-lô đã làm, thì cất tiếng của họ trong tiếng Li-cao-ni, rằng: Các thần đã lấy hình giống như loài người, xuống cùng chúng ta.

12 Thực tế, họ đã gọi Ba-na-ba là Giu-bi-tê, còn Phao-lô là Mẹt-cu-rơ, vì là người đứng đầu sự rao giảng. [Jupiter và Mercurius; sao Mộc và sao Thủy, được tôn làm thần linh trong tín ngưỡng Hy-lạp.]

Chắc chắn dân thành Lít-trơ đã biết rất rõ về người bị què từ trong lòng mẹ. Trước phép lạ xảy ra, họ đã tôn xưng Phao-lô và Ba-na-ba là các thần linh đã lấy hình loài người, hiện ra với họ.

Chúng ta không biết tiếng Li-cao-ni là tiếng gì. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đó là tiếng A-si-ri. Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, đó là một thứ tiếng Hy-lạp pha trộn với tiếng Si-ri.

Dân thành Lít-trơ đã tôn Ba-na-ba làm Thần Giu-bi-tê, tức Thần Mộc Tinh và tôn Phao-lô là Thần Mẹt-cu-rơ, tức Thần Thủy Tinh. Theo tín ngưỡng Hy-lạp thì Thần Mộc Tinh là thần cai trị các vị thần, và Thần Thủy Tinh là thần văn học, thường đi chung với nhau và lấy hình người, hiện ra trong thế gian. Có lẽ vì Ba-na-ba lớn tuổi hơn Phao-lô và có hình dạng cao lớn hơn nên được dân Lít-trơ phong làm Thần Mộc Tinh. Còn Phao-lô trẻ hơn, nhỏ con hơn, lại là người giỏi ăn nói nên được họ phong làm Thần Thủy Tinh.

13 Thầy tế lễ của đền thờ Giu-bi-tê ở trước thành của họ, đã đem bò đực và các tràng hoa đến các cổng, muốn dâng sinh tế với dân chúng.

Qua câu 13 chúng ta đoán rằng, Phao-lô và Ba-na-ba đã giảng Tin Lành gần các cổng thành, là nơi được dùng làm chỗ nhóm chợ hoặc họp dân chúng. Đền thờ tà thần thờ Giu-bi-tê cũng ở bên ngoài thành, có lẽ để có chỗ rộng cho sự nhóm hiệp trong các ngày lễ hội. Thầy tế lễ của đền thờ Giu-bi-tê đã đem một con bò đực và các tràng hoa đến, định cùng dân chúng giết bò, dâng một sinh tế lên cho Ba-na-ba và Phao-lô.

14 Nhưng các sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô đã nghe vậy, thì xé áo của họ, sấn vào trong dân chúng, kêu to,

15 rằng: Hỡi các bạn! Sao làm các sự đó? Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi. Chúng ta giảng Tin Lành cho các ngươi, để cho các ngươi xoay khỏi các sự hư không kia, mà hướng về Đức Chúa Trời Hằng Sống, Đấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong chúng.

Chúng ta thấy, trong câu 14, một lần nữa Thánh Kinh dùng danh từ sứ đồ với hình thức số nhiều để gọi Ba-na-ba và Phao-lô.

Khi Ba-na-ba và Phao-lô nghe biết dân chúng tôn mình làm thần và dự định dâng sinh tế cho mình, thì hai ông xé áo của mình, xông vào giữa đám đông, kêu to. Hai ông nói rõ, mình chỉ là người như họ, đến giảng Tin Lành cho họ. Hai ông gọi sự thờ lạy tà thần là sự hư không. Hai ông kêu gọi họ hãy từ bỏ sự thờ lạy tà thần mà hướng về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa của muôn loài.

Hành động xé áo được dùng để thể hiện sự kinh ngạc và ghê tởm, trước một việc bị xem là phạm thượng. Khi thầy tế lễ thượng phẩm nghe Đức Chúa Jesus nói và cho rằng, Ngài đã phạm thượng, thì ông ta cũng đã xé áo (Ma-thi-ơ 26:65).

16 Đấng, trong các đời đã qua, đã cho phép mọi dân tộc bước đi theo các đường lối của họ.

17 Dù vậy, Ngài đã chẳng để chính mình làm lành không chứng cớ, ban cho chúng ta mưa từ trời và các mùa kết quả, đổ đầy lòng của chúng ta thức ăn và sự vui mừng.

Thánh Kinh dùng động từ “bước đi” với nghĩa sống nếp sống; và dùng danh từ “đường lối” để nói đến đời sống. Ba-na-ba và Phao-lô nói đến sự kiện trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã để cho mọi dân tộc sống theo ý của họ. Nghĩa là họ hoàn toàn sống trong sự tự trị. Khoảng thời gian này kéo dài chừng bốn ngàn năm, ngoại trừ, vào lúc đó, dân I-sơ-ra-ên đã được Ngài ban cho luật pháp khoảng 1.500 năm.

Chúng ta có thể hiểu rằng, lý do Đức Chúa Trời để cho mọi dân tộc sống trong sự tự trị là để cho loài người nhận thức rằng, dù cho họ muốn và cố gắng đến đâu, họ cũng không thể nào đạt được sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống, nếu họ không tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời. Bên cạnh đó, Đức Chúa Trời cũng biệt riêng dân I-sơ-ra-ên, qua dân ấy, Ngài ban truyền các điều răn và luật pháp của Ngài trong chữ viết cho toàn thể loài người. Các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời là nguyên tắc mà loài người phải vâng theo để được bình an và hạnh phúc. Qua dân I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời công bố chương trình cứu rỗi loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Qua dân I-sơ-ra-ên, Ngài hoàn thành sự cứu rỗi loài người bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Và cũng qua dân I-sơ-ra-ên, Tin Lành về ơn cứu rỗi của Ngài được loan truyền đến muôn dân.

Trong khi Đức Chúa Trời để cho loài người hoàn toàn tự trị và nhận thức sự cần thiết phải tin cậy và vâng phục Đức Chúa Trời, thì Ngài vẫn làm lành cho họ. Sự làm lành của Đức Chúa Trời đối với loài người có thể chứng minh được. Điển hình là sự Ngài ban ơn cho họ trong sự ban mưa từ trời và điều khiển sự vận hành của các tinh tú, tạo ra các mùa, để lương thực của họ luôn được kết quả theo mùa. Nhờ đó, loài người có dư dật thực phẩm và được vui mừng vì có thể sống còn.

Ngày nay, loài người đang sống trong thời kỳ tiên tiến công nghệ. Nhưng thực phẩm của loài người vẫn lệ thuộc vào sự ban ơn của Đức Chúa Trời. Loài người vẫn phải nương cậy vào mưa từ trời và sự vận hành nhịp nhàng của các tinh tú để tạo ra các mùa trên đất.

Chúng ta cũng cần suy ngẫm đến những trường hợp thiên tai Đức Chúa Trời cho phép xảy ra, như: hạn hán, lũ lụt, giông bão, băng đá làm thiệt hại mùa màng, tài sản, và mạng sống của loài người. Theo Thánh Kinh, thiên tai là hình phạt Đức Chúa Trời giáng xuống trên sự phạm tội của loài người. Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 28 ghi rõ các phước hạnh dành cho những ai tin kính Thiên Chúa và các tai họa dành cho những ai không vâng phục Thiên Chúa. Cũng theo lời tiên tri của Đấng Christ, trong Kỳ Tận Thế sẽ có nhiều thiên tai kinh khủng giáng xuống khắp đất, mà trước giờ chưa từng có và sau này cũng sẽ không có nữa (Ma-thi-ơ 24). Các thiên tai trong Kỳ Tận Thế đã được tiên tri cách chi tiết trong sách Khải Huyền [3].

18 Những lời ấy chỉ vừa đủ ngăn trở dân chúng không dâng sinh tế cho họ.

Lời giãi bày của Ba-na-ba và Phao-lô rất rõ ràng nhưng cũng chỉ vừa đủ ngăn dân chúng tại Lít-trơ không dâng sinh tế cho họ. Trong lòng nhiều người vẫn cho rằng, hai ông là thần linh, lấy hình người hiện ra với họ. Điều này hàm ý, dân chúng tại Lít-trơ lúc bấy giờ chưa sẵn sàng tin nhận Tin Lành. Họ đã bị nhiễm nặng các giáo lý ngoại giáo.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/12/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.bible-history.com/new-testament/pauls-first-missionary-journey.gif

[2] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/11/PhaoloTruyenGiao_1.png

[3] https://kytanthe.net

Karaoke Thánh Ca: “Trong Chúa”
https://karaokethanhca.net/trong-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.