Chú Giải Rô-ma 12:09-21

5,594 views

Roma_034 Tình Yêu Trong Chúa
(Rô-ma 12:9-21)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

9 Tình yêu không giả vờ; gớm ghét sự dữ; gắn bó {với} sự lành;

10 yêu quý lẫn nhau bằng tình yêu anh chị em; dẫn dắt nhau {với} sự tôn trọng;

11 chẳng lui đi trong sự sốt sắng; tâm thần nóng cháy, phụng sự Chúa;

12 vui mừng trong sự trông cậy; kiên trì trong sự hoạn nạn; bền lòng trong sự cầu nguyện;

13 chia xẻ những sự cần dùng cho các thánh đồ; theo đuổi lòng hiếu khách.

14 Hãy chúc phước cho những kẻ bách hại các anh chị em! Hãy chúc phước, chớ nguyền rủa!

15 Hãy vui với những ai vui và khóc với những ai khóc!

16 Hãy {có} cùng một ý tưởng với nhau! Đừng suy nghĩ những chuyện cao xa! Nhưng hãy hạ mình theo những người khiêm nhường! Chớ tự mình nên khôn sáng!

17 Chớ lấy ác trả ác cho ai! Hãy nghĩ trước về những điều thiện trước mặt mọi người!

18 Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người!

19 Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận {của Đức Chúa Trời}; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35]

20 Vậy, nếu kẻ thù của ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống! Vì làm như vậy, {khác nào} ngươi chất những than lửa trên đầu nó. [Châm Ngôn 25:21-22]

21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy thắng điều ác bằng điều thiện.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjc4NTk2MzJf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11634-chugiairoma_12_9-21_tinhyeutrongchua
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ioabn83vlnrmzqd/11634_ChuGiaiRoma_12_9-21TinhYeuTrongChua.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).

Qua Thánh Kinh, và qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta đã học biết rằng, khi một người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời tái sinh thành một người mới, giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch chân thật.

Trong bài này, qua Rô-ma 12:9-21, chúng ta sẽ học biết về một đặc tính quan trọng của con người mới trong Đấng Christ; đó là: Biết yêu bằng tình yêu của Đức Chúa Trời.

Lời Chúa trong I Giăng 4:7-8 dạy rằng:

Hỡi các con yêu dấu, chúng ta hãy yêu lẫn nhau; vì tình yêu thuộc về Đức Chúa Trời. Người nào yêu, thì được sinh bởi Đức Chúa Trời và biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là Tình Yêu.”

Chữ “biết” được dùng ở đây có nghĩa là: Có sự tương giao mật thiết trong sự hiệp một, như sự tương giao hiệp một giữa vợ chồng.

Những môn đồ Đấng Christ là những người tin nhận Đấng Christ, học theo Đấng Christ, sống cho Đấng Christ. Họ được nên một với Đấng Christ, hiệp thành thân thể của Ngài. Họ có sự tương giao mật thiết với Đấng Christ, và vì thế, họ cũng có sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời và Đấng Christ là một (Giăng 10:30). Chính vì những môn đồ Đấng Christ có sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, nên họ có cùng bản tính yêu thương của Đức Chúa Trời. Trọn đời sống của họ chiếu ra tình yêu của Đức Chúa Trời, giúp cho những người chưa biết Đức Chúa Trời được biết rằng, Đức Chúa Trời là tình yêu và Đức Chúa Trời yêu mọi người.

9 Tình yêu không giả vờ; gớm ghét sự dữ; gắn bó {với} sự lành;

10 yêu quý lẫn nhau bằng tình yêu anh chị em; dẫn dắt nhau {với} sự tôn trọng;

Trong cuộc đời này, có lẽ hầu hết chúng ta đã kinh nghiệm thế nào là tình yêu không thành thật. Người khác giả vờ yêu chúng ta và chúng ta giả vờ yêu người khác với mục đích để đạt được những gì mình ưa thích. Tình yêu giả vờ luôn có sự lợi dụng người khác, tìm kiếm sự thỏa mãn riêng cho chính mình. Tình yêu giả vờ luôn tìm cách chiếm đoạt. Tình yêu chân thật thì luôn luôn vì người mình yêu, sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu, để giúp cho người mình yêu luôn được hạnh phúc và đạt đến giá trị thật của người ấy. Tình yêu chân thật luôn tìm cách ban cho.

Đặc tính của tình yêu chân thật đã được Đức Chúa Jesus Christ thể hiện qua sự chết chuộc tội của Ngài cho loài người. Thánh Kinh chép:

Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8).

Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài vào trong thế gian, để qua Con ấy mà chúng ta được sống.” (I Giăng 4:9).

Tình yêu chân thật là bản tính, cho nên không có sự giả vờ. Như hương thơm là bản tính của một đoá hoa thì cho dù đóa hoa có được nâng niu hay bị vò nát, nó cũng chỉ tự nhiên tỏa ngát mùi thơm.

Tình yêu gớm ghét sự dữ và gắn bó với sự lành. Vì sự dữ đem đến lo lắng, đau khổ; còn sự lành đem đến bình an, thỏa lòng. Là con dân Chúa, chúng ta mang bản tính yêu thương của chính Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể tự nhiên yêu người khác như chính mình, cho dù có khi người khác là kẻ thù của chúng ta. Hãy luôn ghi nhớ, Đức Chúa Trời yêu chúng ta khi chúng ta còn là những người có tội, chống nghịch Ngài. Nếu chúng ta thật sự yêu bằng tình yêu của Đức Chúa Trời thì chúng ta cũng sẽ yêu những kẻ thù nghịch mình. Đức Chúa Jesus Christ đã từng hỏi những người đến nghe Ngài giảng rằng:

Vì nếu các ngươi yêu những ai yêu mình thì các ngươi sẽ được phần thưởng gì? Những kẻ thu thuế chẳng như vậy sao?” (Ma-thi-ơ 5:46).

Dĩ nhiên, yêu những kẻ thù nghịch khác với đồng ý những sự sai trái do họ làm ra. Những kẻ thù của chúng ta có thể chống nghịch chúng ta và làm hại chúng ta cách vô cớ. Chúng ta có thể thẳng thắn lên tiếng phản đối những sự sai trái, bất công họ gây ra cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ và giúp họ sửa sai.

Trong Hội Thánh, chúng ta yêu nhau và hy sinh cho nhau như Chúa đã yêu chúng ta và hy sinh cho chúng ta. Bản tính của tình yêu trong Chúa khiến cho chúng ta tự nhiên yêu anh chị em trong Hội Thánh hơn chính mình, sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì, kể cả mạng sống, để bảo vệ và gây dựng anh chị em cùng Cha của chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ đã từng phán dạy:

Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình.” (Giăng 15:13).

Đó cũng là điều răn mới mà Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho những ai thuộc về Ngài:

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy. Nếu các ngươi yêu lẫn nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ biết các ngươi là những môn đồ của Ta.” (Giăng 13:34-35).

Từ ngữ “tình yêu anh chị em” trong câu 10, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ đặc biệt, dùng để chỉ tình yêu giữa anh chị em trong gia đình với nhau. Thánh Kinh dùng danh từ “anh chị em cùng Cha” để gọi con dân Chúa, và Thánh Kinh dạy con dân Chúa yêu nhau bằng “tình yêu anh chị em”.

Tình yêu khiến cho chúng ta luôn hết lòng nâng đỡ, dẫn dắt những ai yếu đuối, thiếu hiểu biết hơn mình. Sự nâng đỡ dẫn dắt đó được thể hiện trong sự khiêm nhường, tôn trọng lẫn nhau, (Phi-líp 2:3). Hãy luôn ghi nhớ rằng, khi chúng ta xem thường một người, sỉ nhục một người là chúng ta cũng cùng một lúc xem thường và sỉ nhục hình ảnh của Thiên Chúa ở trong người ấy (Gia-cơ 3:9).

11 Chẳng lui đi trong sự sốt sắng; tâm thần nóng cháy, phụng sự Chúa;

Tình yêu khiến cho chúng ta luôn sốt sắng trong mọi việc làm, vì mỗi việc chúng ta làm ra đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31), và được chúng ta làm như làm cho Chúa (Cô-lô-se 3:23). Tình yêu khiến cho tâm thần của chúng ta luôn nóng cháy trong sự phụng sự Thiên Chúa, như lời thơ của Vua Đa-vít đã diễn tả:

Vì sự sốt sắng về nhà của Ngài đã ăn nuốt tôi;” (Thi Thiên 69:9a)

Chúng ta phụng sự Thiên Chúa trong nhà của Ngài là Hội Thánh (I Ti-mô-thê 3:15). Vì thế, chúng ta nóng cháy trong sự khích lệ, khuyên bảo, quở trách, cứu giúp để gây dựng lẫn nhau. Mọi sự khích lệ, khuyên bảo, quở trách, cứu giúp đều phải dựa trên Lời Chúa (II Ti-mô-thê 3:16). Nếu có ai không nóng cháy trong sự khích lệ, khuyên bảo, quở trách, cứu giúp để gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, thì người ấy không có tình yêu của Đức Chúa Trời và không biết Đức Chúa Trời. Người ấy chỉ tin Chúa theo lý trí nhưng chưa nhận biết Chúa bằng thần trí, chưa biết thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật (Giăng 4:23).

12 vui mừng trong sự trông cậy; kiên trì trong sự hoạn nạn; bền lòng trong sự cầu nguyện;

Sự trông cậy được nói đến ở đây là sự trông cậy về ơn quan phòng của Chúa trong từng chi tiết trong đời sống của chúng ta. Khi chúng ta hiểu và tin rằng, Chúa yêu chúng ta cho đến cuối cùng (Giăng 13:1) và Ngài vẫn ở cùng chúng ta cho đến tận thế (Ma-thi-ơ 28:20), thì chúng ta không còn lo lắng, sợ hãi trước mọi khó khăn, nghịch cảnh. Trái lại, chúng ta vui mừng trong khi chờ đợi sự tiếp trợ và giải cứu của Chúa.

Những khi đối diện với hoạn nạn, vì yêu Chúa mà chúng ta sẵn sàng chịu khổ, lòng bình an và kiên trì, chờ đợi sự mở đường của Chúa, để chúng ta được ra khỏi (I Cô-rinh-tô 10:13).

Tình yêu của Chúa đối với chúng ta, tình yêu của chúng ta đối với Chúa, và tình yêu của chúng ta đối với nhau giúp cho chúng ta bền lòng trong sự dâng trình lên Chúa mọi nan đề, nhu cầu trong cuộc sống, và cầu thay cho nhau.

13 chia xẻ những sự cần dùng cho các thánh đồ; theo đuổi lòng hiếu khách.

Danh từ “thánh đồ” được dùng để chỉ con dân Chúa chân thật trong Hội Thánh. Tình yêu khiến cho chúng ta hết lòng chia xẻ những sự cần dùng cho các anh chị em cùng đức tin, từ thời gian, công sức, cho đến tiền bạc, của cải, và các phương tiện sống.

Tình yêu cũng khiến cho chúng ta có lòng hiếu khách, tức là hết lòng chăm sóc những người đến tạm trú trong nhà của chúng ta. Lòng hiếu khách cũng là một trong các đức tính của giám mục, trưởng lão, chấp sự. Lời Chúa dạy:

Chớ quên sự tiếp khách, vì bởi đó, có những người đã tiếp đãi các thiên sứ mà không biết.” (Hê-bơ-rơ 13:2).

Trong thực tế, Áp-ra-ham, Lót, Ghê-đê-ôn, Ma-nô-a, (Sáng Thế Ký 18:3; 19:2; Các Quan Xét 6:18; 13:15) là những người có lòng hiếu khách và đã tiếp đón các thiên sứ. Trong trường hợp của Áp-ra-ham là tiếp đón ngay cả chính Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus Christ cũng phán dạy rằng:

Thật! Ta nói với các ngươi, các ngươi đã làm cho một người thấp hèn nhất trong các anh chị em này của Ta, ấy là các ngươi đã làm cho chính mình Ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:40).

Lòng hiếu khách không giới hạn trong vòng các anh chị em cùng Cha, mà là đối với mọi người. Tuy nhiên, chúng ta không để cho những người không tin Chúa lạm dụng lòng hiếu khách của chúng ta.

14 Hãy chúc phước cho những kẻ bách hại các anh chị em! Hãy chúc phước, chớ nguyền rủa!

Tình yêu khiến cho chúng ta yêu mọi người như chính mình, vì thế, chúng ta có thể yêu được những kẻ thù nghịch chúng ta, như Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta từ khi chúng ta còn là những kẻ chống nghịch Ngài. Vì thế, chúng ta có thể tha thứ cho những kẻ bách hại chúng ta và chúc phước cho họ, thay vì nguyền rủa họ. Lời cầu nguyện và chúc phước duy nhất mà chúng ta có thể dành cho những kẻ thù của chúng ta là: Xin Đức Chúa Trời tha thứ cho họ về những sự đau khổ và bất công mà họ đã gây ra cho chúng ta. Chúc cho họ được Đức Chúa Trời ban thêm cơ hội để họ hiểu biết sự cứu rỗi của Ngài và ăn năn. Lời Chúa dạy rằng, chúng ta được kêu gọi đến sự chúc phước thay vì lấy ác trả ác hoặc lấy mắng chửi trả mắng chửi (I Phi-e-rơ 3:9).

15 Hãy vui với những ai vui và khóc với những ai khóc!

Tình yêu khiến cho chúng ta đồng cảm với mọi người trong mọi cảnh ngộ của họ, cùng vui và cùng khóc với họ. Nhưng chúng ta chỉ có thể cùng vui và cùng khóc với những ai mà sự vui và sự khóc của họ là công chính, không nghịch lại sự thánh khiết của Thiên Chúa. Quan trọng hơn hết là sự cùng vui, cùng khóc với những anh chị em cùng Cha của chúng ta. Vì nếu chúng ta thật sự là chi thể của nhau trong Đấng Christ thì sự vui, sự buồn của những anh chị em của chúng ta cũng chính là sự vui và sự buồn của chúng ta.

16 Hãy {có} cùng một ý tưởng với nhau! Đừng suy nghĩ những chuyện cao xa! Nhưng hãy hạ mình theo những người khiêm nhường! Chớ tự mình nên khôn sáng!

Hãy có cùng một ý tưởng với nhau bao gồm các ý như sau:

  • Cùng một tình yêu là tình yêu của Thiên Chúa (Giu-đe câu 21).

  • Cùng một đức tin vào Lời của Thiên Chúa là Thánh Kinh (II Ti-mô-thê 3:15-16).

  • Cùng một mục đích: Sống là sống cho Chúa và chết là chết cho Chúa (Rô-ma 14:8).

  • Cùng một hành động: Gây dựng thân thể của Đấng Christ, nhà của Đức Chúa Trời, là Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:12, 16; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).

  • Cùng một sự trông cậy: Sự đến của Đấng Christ (Tít 2:13).

Danh từ “những chuyện cao xa” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là những gì ở vị trí cao hoặc có phẩm chất cao; còn nghĩa bóng là những gì liên quan đến sự cao trọng trong danh tiếng, quyền thế, của cải… Theo văn mạch, đừng nghĩ đến những chuyện cao xa là đừng nghĩ đến những sự cao trọng trong danh tiếng, quyền thế, của cải.

Hạ mình theo những người khiêm nhường là sống theo nếp sống của những người không khoe khoang, không xem thường người khác, không nương cậy vào danh tiếng, quyền thế, của cải.

Chớ tự mình nên khôn sáng có nghĩa là chớ khôn sáng theo ý riêng của mình, tự mình cho rằng mình là khôn sáng, dựa trên chính các tiêu chuẩn do mình đặt ra. Lời Chúa nhiều lần cảnh cáo về sự một người tự cho rằng mình là khôn sáng:

Chớ khôn sáng theo mắt mình. Hãy kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và lìa khỏi sự ác.” (Châm Ngôn 3:7).

Con có thấy kẻ khôn sáng theo mắt của nó chăng? Còn có sự trông cậy cho người ngu dại hơn là cho nó.” (Châm Ngôn 26:12).

Khốn thay cho những kẻ khôn sáng theo mắt mình và hiểu biết trước mặt mình!” (Ê-sai 5:21).

Là con dân của Chúa, chúng ta chắc chắn có sự khôn sáng do Chúa ban cho, khi chúng ta hết lòng vâng phục Chúa, qua sự đọc, suy ngẫm và cẩn thận làm theo Lời Chúa (Giô-suê 1:8). Chúng ta không tự mình nên khôn sáng theo các tiêu chuẩn do mình đặt ra, nhưng chúng ta được khôn sáng bởi Lời Chúa và theo tiêu chuẩn của Chúa.

17 Chớ lấy ác trả ác cho ai! Hãy nghĩ trước về những điều thiện trước mặt mọi người!

18 Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người!

Điều ác là điều nghịch lại sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, là tội lỗi. Vì thế, là con dân Chúa chúng ta không thể làm ác, không thể phạm tội. Con dân Chúa không bao giờ làm ra các hành động trả thù mà người thế gian gọi là: “ăn miếng, trả miếng”. Con dân Chúa chỉ có yêu thương, tha thứ cho kẻ thù, làm ơn và chúc phước cho kẻ thù. Sự báo trả những kẻ ác thuộc về thẩm quyền của Thiên Chúa, như câu 19 đã xác định.

Nghĩ trước về những điều thiện trước mặt mọi người có nghĩa là chúng ta luôn suy nghĩ đến những điều tốt lành, đúng với Lời Chúa trước khi chúng ta gặp mặt những người khác. Để có thể suy nghĩ trước về những điều thiện thì chúng ta phải luôn đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm. Chính vì chúng ta luôn nghĩ trước về những điều thiện trước mặt mọi người mà thái độ, tư cách, và sự hành xử của chúng ta đối với mọi người luôn đẹp ý Chúa, chiếu sáng sự vinh quang của Chúa.

Thực tế, khó mà có thể sống hòa thuận với mọi người, vì thế gian đầy những kẻ ác. Đối với những kẻ ác, họ sẽ luôn tìm cách lợi dụng, cướp giật, hãm hại chúng ta để thỏa mãn lòng tham lam và bản tính độc ác của họ. Chính vì thế mà Lời Chúa dạy chúng ta rằng: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người!” Có nghĩa là chúng ta luôn nhẫn nại, nhịn nhục, nhường nhịn, chịu thiệt thòi để có thể sống hòa thuận với mọi người, nhưng chúng ta sẽ thẳng thắn nói ra những sự sai trái, bất công. Khi có thể, chúng ta tự vệ chính mình và bênh vực những người yếu sức trước những sự hành hung của những kẻ ác (Lu-ca 22:36-38). Nhưng nếu chúng ta không đủ sức chống trả thì chúng ta không nên chống cự những kẻ dữ, để tránh bị tổn thương càng hơn (Ma-thi-ơ 5:39).

19 Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận {của Đức Chúa Trời}; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35]

20 Vậy, nếu kẻ thù của ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống! Vì làm như vậy, {khác nào} ngươi chất những than lửa trên đầu nó. [Châm Ngôn 25:21-22]

Sự trả thù là sự giáng hình phạt cách xứng đáng trên kẻ làm cho mình bị tổn thương. Tuy nhiên, quyền trả thù không được giao vào trong tay của con dân Chúa. Trái lại, chính Đức Chúa Trời là Đấng trả thù cho con dân của Ngài và là Đấng báo trả cách xứng đáng cho những kẻ làm ác. Một trong những hình thức báo trả của Đức Chúa Trời là Ngài đặt quyền hình phạt những kẻ ác vào trong tay các bậc cầm quyền, như đã chép trong Rô-ma 13:4.

Là con dân Chúa chúng ta hoàn toàn phó thác sự báo trả những kẻ làm thiệt hại chúng ta vào trong tay Đức Chúa Trời. Cho dù ngay cả khi pháp luật của loài người và các nhà cầm quyền không báo trả cách xứng đáng những kẻ ác, thì Đức Chúa Trời vẫn có đó, và trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ báo trả một cách công chính cho mỗi người tùy theo mỗi việc họ làm.

Chúng ta cần ghi nhớ, sự tố cáo tội ác, nói lên hành động sai trái của người phạm pháp không phải là trả thù, mà là bổn phận của người đã chứng kiến. Vì thế, con dân Chúa có bổn phận phải làm chứng cách trung thực về những sự mình biết và chứng kiến về việc làm của kẻ ác trong các cuộc phân xử bởi những người có thẩm quyền.

Bên cạnh bổn phận phải làm chứng khi cần thì tình yêu của Chúa trong con dân Chúa khiến cho họ yêu thương những kẻ thù của mình. Tình yêu ấy khiến cho họ động lòng thương xót mà làm ơn cho và cứu giúp những kẻ thù của họ khi những kẻ ấy cần sự cứu giúp.

Câu: “Vì làm như vậy, {khác nào} ngươi chất những than lửa trên đầu nó”, có thể được giải thích theo hai ý. Ý thứ nhất: Việc làm lành của mình đối với kẻ thù khiến cho họ cảm thấy hổ thẹn, xốn xang trong tâm trí. Ý thứ nhì, dựa theo phong tục thời xưa: Ngày xưa người ta giữ lửa để nấu ăn bằng cách vùi những hòn than nóng dưới tro. Khi cần nhóm lửa để nấu ăn thì người ta khơi những hòn than nóng ra, chất củi lên trên để thổi lửa. Có những khi số than nóng được ủ dưới tro không đủ lớn để còn lại cho đến bữa nấu ăn sau. Gặp trường hợp đó, người ta phải đội một thau đất chứa đầy tro sang nhà hàng xóm, để xin mấy viên than nóng. Việc gắp than nóng chất vào thau tro cho người hàng xóm đội trên đầu, mang về thổi lửa nấu ăn là một việc làm thiện. Tương tự như vậy, việc cho kẻ thù ăn khi họ đói và cho kẻ thù uống khi họ khát cũng là một việc làm thiện.

21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy thắng điều ác bằng điều thiện.

Đời sống của con dân Chúa là hoàn toàn tự do trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa. Mỗi người tự do chọn ở lại trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa, sống nếp sống mới đầy dẫy sự yêu thương, công bình, và thánh khiết; hoặc là tự do chọn quay về sống nếp sống cũ của con người cũ tội lỗi. Sự tự do lựa chọn ấy chính là tự do lựa chọn thắng điều ác bằng điều thiện. Điều ác là tội lỗi, nghịch lại Thiên Chúa. Điều Thiện là thánh khiết, vâng phục Thiên Chúa.

Khi Đức Chúa Trời dựng một người nên mới, Ngài ban cho người ấy tất cả những gì cần thiết để người ấy có thể sống an vui, thỏa lòng trong nếp sống mới: Ngài ban cho người ấy địa vị làm con cái của Ngài. Ngài ban cho người ấy sự hiểu biết thánh ý của Ngài được bày tỏ qua Thánh Kinh. Ngài ban cho người ấy năng lực để hành động. Ngài ban cho người ấy quyền tự do lựa chọn. Ngài ban cho người ấy cơ hội để thể hiện quyền tự do chọn lựa của người ấy. Ngài ban cho người ấy những anh chị em cùng đức tin để cùng nâng đỡ, khích lệ, gây dựng lẫn nhau. Ngài ban cho người ấy những lời hứa về sự phước hạnh trong đời sau nếu người ấy sống nếp sống mới trung tín với Chúa trong đời này.

Chúng ta chỉ có thể sống đắc thắng trong nếp sống mới nếu chúng ta thật sự yêu kính Thiên Chúa trên hết mọi sự. Vì chỉ khi chúng ta yêu kính Thiên Chúa trên hết mọi sự thì chúng ta mới biết Ngài và có được tình yêu của Ngài trong chúng ta. Và chỉ khi có được tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta thì chúng ta mới thật sự giống như Ngài và thuộc về Ngài.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/06/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Gần bên Chúa”:
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/gan-ben-chua/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.