Chú Giải II Cô-rinh-tô 05:01-10 Nhà Trên Trời

3,770 views

 

YouTube: https://youtu.be/HXQ7e7PjcXo

Chú Giải II Cô-rinh-tô 5:1-10
Nhà Trên Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 5:1-10

1 Vì chúng ta biết rằng, nếu nhà trên đất của lều trại chúng ta bị đổ nát thì chúng ta có dinh thự từ Thiên Chúa, là nhà không bởi tay người làm ra, vĩnh hằng trong các tầng trời.

2 Vì trong chỗ ở này thì chúng ta than thở, ước mong mặc lấy chỗ ở từ trời của chúng ta.

3 Miễn là chúng ta cũng được mặc thì chúng ta sẽ không bị bắt gặp trần truồng.

4 Vì chúng ta là những người đang ở trong lều trại, than thở dưới gánh nặng; trong khi không muốn bởi đó mà bị lột trần, nhưng được mặc, để sự có thể chết bị nuốt bởi sự sống.

5 Nhưng Thiên Chúa, Đấng đã làm thành chúng ta cho chính sự ấy, Ngài cũng đã ban của tin của Đấng Thần Linh cho chúng ta.

6 Vậy, chúng ta luôn dạn dĩ, mặc dù đã biết rằng, khi hiện diện trong thân thể này thì chúng ta cách xa Chúa.

7 Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chẳng phải bởi sự mắt thấy.

8 Nên chúng ta dạn dĩ và muốn thà xa khỏi thân thể này, để hiện diện với Chúa.

9 Cho nên, chúng ta dù hiện diện hay xa cách, cũng vinh dự mà làm việc để được đẹp lòng Ngài.

10 Vì hết thảy chúng ta đều phải ứng hầu trước ngai phán xét của Đấng Christ, để cho mỗi người nhận lãnh theo những sự mà người ấy đã hành động qua thân thể, hoặc thiện, hoặc ác.

II Cô-rinh-tô 5:1-10 dạy cho chúng ta biết rằng, sau khi thân thể xác thịt hiện tại của con dân Chúa qua đi thì họ sẽ có được thân thể xác thịt tốt đẹp hơn. Đó là thân thể siêu vật chất, đã được Thiên Chúa sắm sẵn cho họ. Gọi là siêu vật chất vì thân thể ấy vẫn được tạo thành từ vật chất, tức là từ các nguyên tố hóa học trong thế giới vật chất, nhưng thân thể ấy không bị ràng buộc bởi các định luật vật lý của thế giới vật chất. Thân thể ấy có thể cùng lúc sinh hoạt trong thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh; có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào trong nháy mắt. Thân thể ấy là vinh quang và bất tử trong các tầng trời. Nhưng sự vinh quang của mỗi người sẽ tùy thuộc vào những sự mà mỗi người làm ra trong thân thể xác thịt hiện tại.

1 Vì chúng ta biết rằng, nếu nhà trên đất của lều trại chúng ta bị đổ nát thì chúng ta có dinh thự từ Thiên Chúa, là nhà không bởi tay người làm ra, vĩnh hằng trong các tầng trời.

Đại danh từ “chúng ta” trong phân đoạn này được dùng để chỉ chung con dân Chúa, những người đã thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa.

Động từ “biết” được dùng trong câu này có nghĩa đen là biết nhờ nhìn thấy bằng con mắt xác thịt; và có nghĩa bóng là biết nhờ sự cảm nhận trong thần trí. Vì thế, mệnh đề “vì chúng ta biết rằng” trong câu này cùng nghĩa với “vì chúng ta tin rằng”. Sự biết nhờ sự cảm nhận trong thần trí là sự biết của đức tin, bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời, qua sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ, và với sự dẫn dắt vào trong mọi lẽ thật của Đức Thánh Linh (Giăng 16:13; 17:18). Được mạc khải là được bày tỏ cho thấy những sự chưa từng thấy, được cho biết những sự chưa từng biết. Được dẫn dắt vào trong mọi lẽ thật bởi Đức Thánh Linh là được Đức Thánh Linh giúp cho hiểu biết ý nghĩa của Lời Chúa, từng chữ, từng câu, và nhận thức được văn mạch của toàn bộ Thánh Kinh. Nhờ đó, con dân Chúa không bị sa vào tà giáo.

Chúng ta cũng nên nhớ, vào thời của Phao-lô, Hội Thánh chưa có Thánh Kinh Tân Ước. Con dân Chúa chỉ nghe các sứ đồ thuật lại những lời rao giảng của Đức Chúa Jesus Christ, nghe họ dùng Thánh Kinh Cựu Ước để giải thích Tin Lành, và đọc các lá thư của họ. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh đã dùng các lá thư của các sứ đồ để giảng dạy cho con dân Chúa thời ấy về Tin Lành và nếp sống của người thật lòng tin nhận Tin Lành, về các sự kiện trong tương lai và về Vương Quốc Trời. Một phần trong các lá thư ấy được Đức Thánh Linh thần cảm để trở thành Thánh Kinh. Nghĩa là dù các lá thư ấy do loài người viết ra, nhưng chính Đức Thánh Linh dẫn dắt các tác giả viết ra những gì Đức Chúa Trời muốn cho người đọc nhận biết. Ngay cả những câu người viết tự xưng, như: “Vậy, tôi khuyên các anh chị em: Hãy là những người bắt chước tôi!” (I Cô-rinh-tô 4:16). Cũng chính là Lời của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời muốn cho con dân Chúa nhận biết rằng, họ cần noi gương của Phao-lô, và Ngài dùng Phao-lô để kêu gọi họ.

Mệnh đề “nhà trên đất của lều trại chúng ta” có nghĩa là thân thể xác thịt hiện tại sẽ chết của chúng ta. Danh từ “nhà” nói đến phương tiện cư trú. Phương tiện cư trú hiện nay của chúng ta trên đất chính là thân thể xác thịt. Danh từ “lều trại” nói đến sự tạm bợ, bị suy tàn, và chóng qua. Mỗi người là một linh hồn, cư trú trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần, đồng thời cư trú trong một thân thể vật chất là xác thịt. Thân thể xác thịt sẽ bị hư hoại theo thời gian và trở về cùng bụi đất. Đó là hậu quả của sự phạm tội.

Linh hồn có thể bị phân rẽ khỏi tâm thần và xác thịt, khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra, nhưng linh hồn vẫn có ý thức và vẫn sinh hoạt. Thánh Kinh ghi rõ, Môi-se chết và được chính Đức Chúa Trời an táng vào khoảng năm 1406 TCN (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:5-6). Nhưng hơn một ngàn năm sau, vào năm 27, trước khi Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, thì Môi-se đã cùng Tiên Tri Ê-li hiện ra, trò chuyện với Ngài về sự chịu khổ và chịu chết của Ngài (Ma-thi-ơ 17:3; Lu-ca 9:30). Tiên Tri Ê-li không trải qua sự chết như Môi-se. Ông được cất lên trời trong khi thân thể xác thịt của ông vẫn còn sống (II Các Vua 2:11).

Chúng ta hiểu rằng, trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người, con dân của Chúa khi qua đời thì linh hồn đều vào nơi phước hạnh, gọi là Ba-ra-đi, trong âm phủ (Lu-ca 16:19-31; 23:43). Có lẽ Hê-nóc (Sáng Thế Ký 5:24) và Tiên Tri Ê-li đều được vào Ba-ra-đi trong âm phủ với thân thể xác thịt đang sống. Nghĩa là thân thể vật chất xác thịt của Hê-nóc và Tiên Tri Ê-li đều được Chúa đưa vào thế giới thuộc linh của Ba-ra-đi trong âm phủ, nơi mà những người khác chỉ có phần linh hồn. Sự kiện thân thể xác thịt đang sống của loài người được đưa vào thế giới thuộc linh sẽ xảy ra một lần nữa vào cuối Kỳ Tận Thế, khi Đức Chúa Jesus Christ ném thân thể xác thịt đang sống của AntiChrist và tiên tri của AntiChrist vào trong hỏa ngục (Khải Huyền 19:20).

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh thì Ngài đã đem linh hồn của con dân Chúa trong Ba-ra-đi của âm phủ vào thiên đàng (Ê-phê-sô 4:8). Kể từ đó, con dân Chúa khi qua đời thì linh hồn được vào trong thiên đàng, vì Đấng Christ đã hoàn thành sự chuộc tội, họ đã được thánh hóa bởi máu của Ngài. Khi Chấp Sự Ê-tiên bị ném đá sắp chết, ông đã nhìn thấy các tầng trời mở ra và nhìn thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời, có lẽ là Chúa đứng lên để đón mừng linh hồn và tâm thần của ông vào thiên đàng (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:56). Linh hồn các thánh đồ bị AntiChrist giết trong Kỳ Tận Thế cũng sẽ vào trong thiên đàng (Khải Huyền 6:9).

Mệnh đề “dinh thự từ Thiên Chúa, là nhà không bởi tay người làm ra” có nghĩa là thân thể xác thịt vinh quang do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên cho mỗi người. Thân thể ấy được gọi là “dinh thự”, nói lên sự vinh quang và vững chắc của nó để đối với thân thể hiện tại bị gọi là “lều trại”. Sự vinh quang và vững chắc của thân thể xác thịt mới sẽ còn lại đời đời trong các tầng trời.

Danh từ “các tầng trời” giúp cho chúng ta hiểu rằng, thân thể xác thịt mới của chúng ta, dù là vật chất nhưng sẽ sinh hoạt trong các tầng trời thuộc thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh. Theo Thánh Kinh, có ít nhất là ba tầng trời. Tầng trời thứ nhất là khoảng không trên đất, tức bầu khí quyển của địa cầu. Tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la trong vũ trụ. Tầng trời thứ ba là thiên đàng, là thế giới thuộc linh. Chúng ta hiểu rằng, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm và trong trời mới đất mới của Vương Quốc Đời Đời, thân thể xác thịt mới của chúng ta đều có thể di chuyển và sinh hoạt trong vũ trụ, trên tất cả các hành tinh, lẫn trong thiên đàng. Lời Chúa trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19 cho chúng ta biết, các hành tinh trong vũ trụ đã được Thiên Chúa phân chia cho muôn dân trên đất. Vì thế, khi thời điểm tới, những người thuộc về Chúa sẽ nhận các hành tinh trong vũ trụ làm cơ nghiệp.

2 Vì trong chỗ ở này thì chúng ta than thở, ước mong mặc lấy chỗ ở từ trời của chúng ta.

3 Miễn là chúng ta cũng được mặc thì chúng ta sẽ không bị bắt gặp trần truồng.

“Trong chỗ ở này” có nghĩa là trong thân thể xác thịt hiện tại, trên đất.

“Mặc lấy chỗ ở từ trời” có nghĩa là được ở trong thân thể xác thịt vinh quang do Đức Chúa Trời ban cho. Đức Chúa Jesus Christ gọi đó là được sinh ra từ trên cao (Giăng 3:3). Hiện nay, Đức Chúa Trời đã tái sinh tâm thần và linh hồn của chúng ta, bởi năng lực của Đấng Thần Linh. Nhưng thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta chưa qua đi nên chưa được tái sinh.

Sự tái sinh thân thể xác thịt của con dân Chúa được thực hiện bởi sự làm cho thân thể xác thịt đã chết được sống lại, hoặc làm cho thân thể xác thịt đang sống được biến hóa, thành một thân thể xác thịt mới, vinh quang và bất tử. Thân thể ấy sẽ cùng lúc sinh hoạt trong thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh; sẽ di chuyển bằng vận tốc của tư tưởng. Thí dụ, đang ở trên đất mà muốn vào thiên đàng hay đến bất cứ một hành tinh nào trong vũ trụ, chúng ta chỉ cần trong tư tưởng có quyết định đến thiên đàng hoặc đến hành tinh đó, thì lập tức có mặt ở nơi muốn đến. Trong câu chuyện Đức Chúa Jesus phục sinh và hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len, chúng ta thấy, giữa hai lần Chúa hiện ra cho bà trong buổi sáng sớm hôm ấy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà Chúa đã từ trên đất vào trong thiên đàng để ra mắt Đức Chúa Trời, rồi trở lại trên đất. Chúng ta có thể nói, thân thể xác thịt phục sinh của Chúa đã di chuyển từ thế giới thuộc thể vào thế giới thuộc linh và ngược lại bằng vận tốc của tư tưởng.

Không riêng gì con dân Chúa mà hầu hết người nào đang sống trong thân thể xác thịt hiện tại cũng than thở, vì những gánh nặng trong cuộc sống tác động trên thân thể, vì già yếu, bệnh tật. Cho dù có một số người đang sống trong khỏe mạnh và giàu có nên họ không có gì để than thở, thì sẽ tới một lúc, khi tuổi già và bệnh tật ập đến, họ cũng sẽ than thở về thân thể xác thịt của họ.

Con dân Chúa dù than thở về thân thể xác thịt hiện tại, nhưng họ có sự hy vọng về thân thể xác thịt vinh quang trong đời sau. Vì thế, họ có lòng mong ước chính đáng về điều mà họ đã tin. Họ mong sớm đến ngày ra khỏi thân thể xác thịt đang chết để vào trong thân thể xác thịt được tái sinh, vinh quang và bất tử. Những người không tin Chúa thì không có hy vọng ấy, nên họ sợ chết. Họ hoang mang, không biết chắc, sau khi chết điều gì sẽ đến với họ.

“Miễn là chúng ta cũng được mặc” hàm ý, miễn là được ở trong thân thể tái sinh, cho dù sự vinh quang nhiều hay ít, tùy theo những việc lành mỗi người đã làm trong đời này.

Khải Huyền 19:8 cho biết, trong thiên đàng, mỗi con dân Chúa sẽ được mặc trang phục mịn, sạch, và trắng; và giải thích rằng, trang phục ấy là việc làm công bình của mỗi con dân Chúa. Vì thế, chúng ta hiểu rằng, sự vinh quang của thân thể xác thịt được tái sinh của mỗi con dân Chúa nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào những việc công bình mà họ đã làm ra, trong khi sống trong thân thể xác thịt hiện tại. Những việc làm công bình của con dân Chúa là những việc lành do Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ và được làm theo ý Chúa, chứ không phải những việc lành theo tiêu chuẩn của thế gian hoặc được làm theo ý riêng của mỗi người.

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Bước đi trong những việc lành tức là sống mỗi ngày trong những việc lành Chúa làm ra cho chúng ta; đồng thời trong danh Chúa làm ra những việc lành cho người khác. Có những việc lành chung cho mỗi con dân Chúa, như: vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa; yêu mọi người như chính mình; yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình; rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến… Nhưng cũng có những việc lành Chúa dành riêng cho mỗi người, như: phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh qua các chức vụ trong Hội Thánh. Những trưởng lão, những chấp sự trong Hội Thánh nên luôn xét mình về những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chức vụ của mình.

Là con dân Chúa, nếu giữ vững đức tin cho tới chết hay cho tới khi Chúa đến, thì ai nấy sẽ nhận được thân thể tái sinh trong ngày Chúa đến. Thân thể tái sinh của mỗi người đều bất tử, nghĩa là sẽ không bao giờ bị phân rẽ khỏi tâm thần cùng linh hồn, cũng không bao giờ bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Nhưng sự vinh quang của mỗi người sẽ khác nhau, tùy theo những việc lành mỗi người đã làm. Sự vinh quang của mỗi người hiệp chung thành sự vinh quang của Hội Thánh.

Có nhiều con dân Chúa gắng sức làm việc để tìm kiếm sự vinh quang tạm bợ của đời này, nhưng lại không tha thiết gì đến sự làm việc để nhận được sự vinh quang vĩnh hằng trong đời sau. Trong thực tế, những người đã nằm liệt trên giường bệnh vẫn có thể tiếp tục phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh qua mục vụ cầu thay. Cho dù họ không còn nói ra tiếng thì họ vẫn có thể cầu thay cho Hội Thánh trong tâm thần. Lời cầu thay của một người có thể cứu cả một dân tộc. Môi-se đã nhiều lần cầu thay cho dân I-sơ-ra-ên và đã nhiều lần cứu họ khỏi bị Đức Chúa Trời hủy diệt. Lời Chúa dạy rõ:

“Lòng sốt sắng khẩn xin của người công bình, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia-cơ 5:16b).

Lời cầu thay cũng là một trong các khí giới Đức Chúa Trời trang bị cho Hội Thánh:

“Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ…” (Ê-phê-sô 6:18).

Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 17 ghi lại câu chuyện dân I-sơ-ra-ên chiến đấu với dân A-ma-léc. Trong cuộc chiến, khi Môi-se cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay, đưa lên, thì dân I-sơ-ra-ên thắng; nhưng khi Môi-se bị mỏi, hạ tay xuống thì dân I-sơ-ra-ên bị thua. Vì thế, A-rôn và Hu-rơ lấy đá làm chỗ ngồi cho Môi-se, rồi hai người đứng hai bên, nâng tay của Môi-se lên. Môi-se nhờ sự giúp đỡ của A-rôn và Hu-rơ mà có thể tiếp tục cầm gậy, giơ cao cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê nhờ đó đã dẫn dân I-sơ-ra-ên đánh bại dân A-ma-léc.

Câu chuyện đó giúp cho chúng ta hiểu ý nghĩa và mức quan trọng của sự cầu thay. Môi-se cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay, đưa lên cao với lòng cầu xin Đức Chúa Trời ban ơn cho dân I-sơ-ra-ên đánh thắng kẻ thù. A-rôn và Hu-rơ giúp đỡ tay của Môi-se là dự phần trong sự cầu nguyện của Môi-se mà cũng là cầu thay cho Môi-se. Bất cứ người nào phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con dân Chúa cũng đều cần sự cầu thay của con dân Chúa. Vì thế mà trong Ê-phê-sô 6:19, sau khi liệt kê các khí giới Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh, Phao-lô đã kêu gọi con dân Chúa tại Ê-phê-sô cầu thay cho ông.

Sự cầu thay là một trong những việc lành con dân Chúa làm ra để phụng sự Chúa và phục vụ lẫn nhau. Là phụng sự Chúa vì cầu thay cho Hội Thánh của Ngài để gây dựng Hội Thánh. Là phục vụ lẫn nhau vì đem lại ích lợi cho nhau. Việc lành ấy có thể làm trong mọi nơi, trong mọi lúc, trong mọi cảnh ngộ. Chúng tôi tin rằng, những người cầu thay sẽ cùng hưởng sự vinh quang từ thành quả của những người mà họ đã cầu thay cho. Nếu trong một ngày mà quý ông bà anh chị em xét thấy mình chưa làm ra việc lành nào ngoài việc vâng giữ các điều răn của Chúa, thì quý ông bà anh chị em hãy dành thời gian để cầu thay cho các mục vụ của Hội Thánh và cho những anh chị em đang có những nhu cầu hoặc đang đối diện với những nan đề. Như vậy, ít ra trong ngày đó, quý ông bà anh chị em cũng làm được một việc lành có ích cho người khác. Xin cũng hằng cầu thay cho chúng tôi để chúng tôi luôn được đầy đủ sức khỏe; được dư dật sự khôn sáng, ân tứ, và phương tiện để hoàn thành những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng tôi.

4 Vì chúng ta là những người đang ở trong lều trại, than thở dưới gánh nặng; trong khi không muốn bởi đó mà bị lột trần, nhưng được mặc, để sự có thể chết bị nuốt bởi sự sống.

Chúng ta đang sống trong thân thể xác thịt hiện tại và than thở dưới gánh nặng mà thân thể xác thịt đang chịu đựng. Nhưng chúng ta không vì sự than thở đó mà muốn cho không còn có một thân thể xác thịt. Khi Thiên Chúa quyết định tạo ra loài người là một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong một thân thể vật chất là xác thịt, thì Ngài đã chọn cách thức tốt nhất để sáng tạo loài người. Chúng ta mong chờ được mặc lấy một thân thể xác thịt mới từ trên trời, là thân thể xác thịt được Đức Chúa Trời tái sinh cho chúng ta, vinh quang và bất tử, khiến cho sự chết không còn có quyền trên thân thể xác thịt của chúng ta; và chúng ta có thể sinh hoạt trong các tầng trời cũng như trên đất.

“Sự có thể chết bị nuốt bởi sự sống” hàm ý, thân thể xác thịt đã chết hoặc sẽ chết của chúng ta sẽ biến hóa thành thân thể xác thịt không bao giờ chết. Sự chết, theo văn mạch của phân đoạn này có nghĩa là sự chết của thân thể xác thịt, tức là sự phân rẽ giữa thân thể vật chất với tâm thần và linh hồn, khiến cho thân thể vật chất trở về cùng bụi đất.

5 Nhưng Thiên Chúa, Đấng đã làm thành chúng ta cho chính sự ấy, Ngài cũng đã ban của tin của Đấng Thần Linh cho chúng ta.

Danh từ “của tin” (G0728) trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là tiền đặt cọc để lấy lòng tin, trong khi chờ đợi toàn bộ số tiền được trả đủ.

“Làm thành chúng ta cho chính sự ấy” có nghĩa là làm xong những việc cần làm, khiến cho chúng ta có thể mặc lấy một thân thể xác thịt mới, vinh quang và bất tử.

Chúng ta thấy, trong câu này, Đức Thánh Linh thần cảm Phao-lô dùng danh từ Thiên Chúa, thay vì dùng danh từ Đức Chúa Trời, để nhấn mạnh đến sự kiện Ba Ngôi Thiên Chúa cùng làm thành cho chúng ta. Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha đã bằng lòng tha tội cho chúng ta và sắm sẵn cho chúng ta một thân thể xác thịt mới. Thiên Chúa trong thân vị Đức Con đã hoàn thành mọi đòi hỏi của luật pháp để chúng ta được tha tội và được tái sinh. Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh đã tái sinh linh hồn và tâm thần chúng ta bằng thánh linh của Thiên Chúa; và đổ đầy trong chúng ta linh sự sống của Thiên Chúa. Tất cả đều để chúng ta sẵn sàng cho một thân thể xác thịt mới.

Hiện nay, đang khi chúng ta vẫn còn sống trong thân thể xác thịt này, thì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta của tin của Đức Thánh Linh, để giúp cho chúng ta vững lòng tin vào sự sống lại vinh quang và sự sống đời đời của thân thể xác thịt. Của tin ấy tức là sự tái sinh linh hồn và tâm thần của chúng ta; cùng với sự kiện chính Đức Thánh Linh hiện diện trong thân thể xác thịt của chúng ta và thánh linh của Ngài tuôn tràn trong chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có đức tin vào mọi lời hứa của Chúa và có thể sống đắc thắng, thỏa lòng, ngay trong thân thể xác thịt hiện tại.

6 Vậy, chúng ta luôn dạn dĩ, mặc dù đã biết rằng, khi hiện diện trong thân thể này thì chúng ta cách xa Chúa.

Động từ “dạn dĩ” (G2292) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh còn có thể dịch là “tự tin”. Khi chúng ta đã có đức tin nơi Chúa và có sự hiểu biết về Lời Chúa thì chúng ta luôn dạn dĩ trong mọi cảnh ngộ. Vì chúng ta có sự tự tin rằng, Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta một thân thể xác thịt vinh quang và còn mãi, sau khi thân thể xác thịt hiện tại hao mòn và qua đi. Chúng ta cũng có sự tự tin rằng, nhờ sức toàn năng của Thiên Chúa trong chúng ta, tức là thánh linh của Ngài, mà chúng ta có thể thắng mọi thử thách và cám dỗ, xứng đáng nhận lãnh thân thể xác thịt mới.

Hãy chú ý trạng từ “luôn” được dùng để nói đến sự dạn dĩ không hề ngừng nghỉ. Chúng ta luôn dạn dĩ trông chờ ngày thân thể xác thịt của chúng ta được tái sinh. Mặc dù hiện nay, khi còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại, thì chúng ta chưa thể đối diện với Chúa bằng thân thể xác thịt của mình.

Động từ “cách xa” được dùng để nói đến sự cách xa giữa thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta với thân thể xác thịt phục sinh của Chúa. Nhưng về thuộc linh thì Chúa vẫn ở với chúng ta cho tới khi tận thế (Ma-thi-ơ 28:20).

7 Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chẳng phải bởi sự mắt thấy.

8 Nên chúng ta dạn dĩ và muốn thà xa khỏi thân thể này, để hiện diện với Chúa.

Động từ “bước đi” theo nghĩa bóng có nghĩa là sống nếp sống.

Bước đi bởi đức tin là sống một nếp sống hoàn toàn dựa trên sự nhận thức trong thần trí, bởi đức tin nơi Thiên Chúa, nơi Lời Chúa, nơi việc làm của Thiên Chúa.

Bước đi bởi sự mắt thấy là sống nếp sống theo sự nhận thức của lý trí về những sự xảy ra trong thế giới vật chất, nhìn thấy được bằng con mắt xác thịt.

Người không tin Chúa thì đương nhiên không thể nào bước đi bởi đức tin. Nhưng tiếc thay, có nhiều con dân Chúa vẫn bước đi bởi sự mắt thấy. Chính vì thế mà họ lo lắng, bất an, sợ hãi. Cuộc sống của họ còn khốn khổ hơn người không tin Chúa. Vì họ không có đủ đức tin nơi sự quan phòng của Ngài nhưng cũng không dám phạm điều răn của Chúa như những người không tin Chúa, để giải quyết những nhu cầu và nan đề trong cuộc sống.

Người bước đi bởi đức tin vừa dạn dĩ, tự tin trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống trong thân thể xác thịt hiện tại; vừa muốn sớm được Chúa đem ra khỏi thân thể xác thịt hiện tại để mặc lấy thân thể xác thịt mới, và được ở bên cạnh Chúa luôn luôn, như lời Ngài đã hứa (Giăng 14:3; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17).

9 Cho nên, chúng ta dù hiện diện hay xa cách, cũng vinh dự mà làm việc để được đẹp lòng Ngài.

“Dù hiện diện hay xa cách” có nghĩa là dù sống hay chết đối với thân thể xác thịt hiện tại, con dân Chúa với đức tin và sự hiểu biết Lời Chúa, luôn sống cho Chúa và chết cho Chúa để được đẹp lòng Ngài:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Trong thực tế, chết cho Chúa dễ hơn là sống cho Chúa. Vì khi chết cho Chúa thì chúng ta lập tức ra khỏi thân thể xác thịt này, hết mọi đau khổ, và về với Chúa ngay. Nhưng sống cho Chúa thì chúng ta phải chịu khổ lâu dài về mọi phương diện, nhất là về phương diện tình cảm đối với những người thân không tin Chúa. Sự chịu khổ lớn nhất về tình cảm có lẽ là sự chịu khổ của bậc cha mẹ khi phải vâng theo Lời Chúa mà dứt thông công đứa con ngỗ nghịch. Nhưng thà dứt thông công đứa con phạm tội mà không chịu ăn năn, phó thác nó cho sự thương xót của Chúa, với hy vọng là bởi sự bị sửa phạt mà nó sẽ ăn năn; còn hơn là vì thương con mà làm trái nghịch mệnh lệnh của Chúa, khiến cho cả gia đình mang họa đến các đời thứ ba và các đời thứ tư (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9).

Động từ “vinh dự mà làm việc” (G5389) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là gắng sức mà làm việc với lòng vui mừng và tự trọng. Chúng ta không phụng sự Chúa và phục vụ các anh chị em của mình một cách chiếu lệ hay ép lòng. Nhưng chúng ta làm việc với lòng vui mừng, hãnh diện về sự mình được Chúa giao phó cho công việc; và tận sức làm với lòng biết ơn Chúa, mong muốn việc mình làm đem lại ích lợi cho Hội Thánh.

10 Vì hết thảy chúng ta đều phải ứng hầu trước ngai phán xét của Đấng Christ, để cho mỗi người nhận lãnh theo những sự mà người ấy đã hành động qua thân thể, hoặc thiện, hoặc ác.

Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, sẽ phán xét toàn thế gian vào Kỳ Tận Thế; rồi cuối thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm là sự phán xét chung cuộc tất cả những người không tin kính Chúa thuộc mọi thời đại. Nhưng Đấng Christ sẽ phán xét Hội Thánh trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Trong ngày đó, những kẻ giả hình sẽ bị bỏ lại, chịu khổ trong Kỳ Tận Thế, rồi chịu hư mất đời đời. Những người thật lòng tin Chúa, sống theo Lời Chúa, khi lỡ phạm tội thì ăn năn kịp lúc, vẫn được cất lên và sẽ được phán xét ngay giữa chốn không trung. Sự phán xét đó nhằm để đánh giá sự ban thưởng cho mỗi người.

Lời Chúa phán rõ, khi Ngài đến với Hội Thánh, Ngài sẽ đem theo tiền công để trả cho mỗi người, tùy theo việc làm của họ trong thời gian họ sống trên đất:

“Này, Ta đến mau chóng và đem theo tiền công của Ta với Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).

Chúng ta có thể hiểu rằng, “tiền công” là sự ban thưởng đến từ Chúa, bao gồm sự vinh quang tùy theo việc lành mỗi người đã làm ra trong danh Chúa, theo ý Chúa, và phần quyền đồng trị với Ngài trong Vương Quốc Trời. Kết hiệp II Cô-rinh-tô 5:10 và Khải Huyền 22:12 chúng ta có thể hiểu rằng:

  • Con dân Chúa giữ vững đức tin cho tới chết hoặc cho tới khi Chúa đến thì sẽ được vào trong sự cứu rỗi hoàn toàn, thân thể xác thịt được tái sinh trong vinh quang và bất tử, được hưởng phước đời đời trong Vương Quốc Trời.
  • Nhưng sự vinh quang của mỗi người sẽ khác nhau tùy theo số việc làm công bình mà mỗi người đã làm ra trong sự phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh.
  • Những sự cố ý phạm tội, ăn năn kịp thời được Chúa tha thứ, nhưng sẽ làm giảm bớt đi sự ban thưởng của Chúa, tùy theo sự phạm tội của mỗi người. Đó là sự phán xét công bình của Chúa.

Nói tóm lại, người làm thiện thì được ban thưởng vinh quang và phần quyền đồng trị với Chúa cách xứng đáng theo sự giàu có của Chúa. Người làm ác nhưng kịp thời ăn năn thì bị giảm trừ sự vinh quang và quyền đồng trị với Chúa. Nếu người làm ác mà không kịp ăn năn trước khi thân thể xác thịt bị chết hoặc trước khi Chúa đến, thì sẽ bị hư mất đời đời. Người nào làm ác nhiều hơn làm thiện mà ăn năn kịp lúc thì sẽ chỉ được cứu dường như qua lửa (I Cô-rinh-tô 3:10-15). Sự làm ác bao gồm: sự phạm các điều răn của Chúa; sự hầu việc Chúa theo ý riêng; sự không hết lòng cứu giúp anh chị em cùng đức tin; và sự không hết lòng làm những việc Chúa giao phó.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Chúa để chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng về thân thể tái sinh của chúng ta, hiểu biết rõ ràng về sự thưởng phạt của Chúa cho mỗi việc chúng ta làm ra trong thân thể xác thịt này. Chúng tôi mong rằng, bất cứ ai đọc hoặc nghe bài giảng này đều sẽ vinh dự và tự tin mà làm việc đang khi còn sống trong thân thể xác thịt này, để được đẹp lòng Chúa và được nhận lãnh phần thưởng lớn từ nơi Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/09/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Cuộc Đời Ta Sẽ Qua Đi”
https://karaokethanhca.net/cuoc-doi-ta-se-qua-di/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.