Chú Giải II Cô-rinh-tô 02:05-17 Sự Tha Thứ – Sức Mạnh của Tin Lành

3,857 views

YouTube: https://youtu.be/lOzfQ_nnL0Y

Chú Giải II Cô-rinh-tô 2:5-17
Sự Tha Thứ
Sức Mạnh của Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 2:5-17

5 Nếu có ai đã gây ra sự buồn rầu, người ấy chẳng phải chỉ đã gây ra sự buồn rầu cho tôi, nhưng cũng cho một phần trong các anh chị em. Vì thế, tôi không làm cho nặng lòng hết thảy các anh chị em.

6 Sự hình phạt đó bởi nhiều người đã là quá đủ cho người như thế.

7 Vậy, thà rằng các anh chị em tha thứ và an ủi thì hơn, kẻo người như thế bị nuốt bởi sự buồn rầu quá lớn.

8 Thế nên, tôi xin các anh chị em, hãy xác định tình yêu của các anh chị em đối với người ấy.

9 Vì việc này mà tôi đã viết cho các anh chị em, để tôi biết sự thử nghiệm của các anh chị em, xem các anh chị em có vâng lời tôi trong mọi sự hay không.

10 Nhưng các anh chị em tha thứ ai điều gì, thì tôi cũng tha thứ. Vì tôi dù đã tha thứ điều gì, đã tha thứ ai là qua các anh chị em, trong sự hiện diện của Đấng Christ.

11 Đừng để cho chúng ta bị lợi dụng bởi Sa-tan, vì chúng ta chẳng phải là không biết ý xấu của nó.

12 Khi tôi đã đến tại thành Trô-ách vì Tin Lành của Đấng Christ, thì một cái cửa đã mở cho tôi bởi Chúa.

13 Tôi đã không có sự thanh thản trong tâm thần của tôi; vì sự tôi đã không gặp được Tít, người anh em cùng Cha của tôi; nên từ giã họ, tôi đi đến Ma-xê-đoan.

14 Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời! Ngài luôn luôn làm cho chúng tôi đắc thắng trong Đấng Christ; và bởi chúng tôi, tỏ ra mùi của sự hiểu biết về Ngài trong khắp chốn.

15 Vì đối với Đức Chúa Trời chúng tôi là mùi thơm của Đấng Christ, giữa những người được cứu và giữa những kẻ bị hư mất.

16 Thực tế, với những kẻ này là mùi của sự chết dẫn đến sự chết, nhưng với những người kia là mùi của sự sống dẫn đến sự sống. Ai xứng đáng cho những sự này?

17 Vậy nên, chúng tôi chẳng như nhiều kẻ khác; họ bán lẻ Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng trước mặt của Đức Chúa Trời, chúng tôi nói trong Đấng Christ, y như Lời ấy ra từ lòng chân thành của chúng tôi và ra từ Thiên Chúa.

Qua II Cô-rinh-tô 2:5-17 chúng ta sẽ cùng nhau học về hai điều quan trọng. Điều thứ nhất là sự tha thứ cho người đã bị dứt thông công trong Hội Thánh. Điều thứ nhì là sức mạnh của Tin Lành đối với người tin nhận Tin Lành lẫn người không tin nhận Tin Lành.

5 Nếu có ai đã gây ra sự buồn rầu, người ấy chẳng phải chỉ đã gây ra sự buồn rầu cho tôi, nhưng cũng cho một phần trong các anh chị em. Vì thế, tôi không làm cho nặng lòng hết thảy các anh chị em.

Từ câu 5 đến câu 11 là Phao-lô nói đến một con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã phạm tội gian dâm cách nghiêm trọng; và đã bị Hội Thánh dứt thông công. Sự việc này đã được ghi lại trong I Cô-rinh-tô đoạn 5.

Sự phạm tội của người ấy đã khiến cho Phao-lô cùng một số con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô buồn rầu. Nói như vậy, có nghĩa là cũng có một số người trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô không xem sự phạm tội của người ấy là việc đáng buồn rầu. Những người không buồn rầu có lẽ cũng cùng một quan niệm với người phạm tội, không xem đó là hành động tội lỗi. Chúng ta nên nhớ, dân chúng Cô-rinh-tô thời ấy sống rất là buông thả, xem việc gian dâm là bình thường. Nhưng sự con lấy vợ sau hay vợ bé của cha là một sự loạn luân mà ngay cả những người không tin Chúa cũng lên án. Vì thế, người phạm tội và những người trong Hội Thánh không buồn rầu về sự phạm tội của người ấy là những người tin nhận Tin Lành nhưng chưa hiểu biết về nếp sống thánh khiết trong Chúa, mà họ cũng là những người vốn không tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức phải lẽ của thế gian. Trong thực tế, có nhiều người tin vào lẽ thật cứu rỗi của Tin Lành nhưng lại không muốn từ bỏ những sự ham muốn tội lỗi. Cũng có những người tin Chúa nhưng không đánh giá sự việc theo lẽ thật của Thánh Kinh, mà đánh giá theo quan niệm riêng của chính mình.

Chúng ta không rõ người phạm tội gian dâm trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô lấy vợ kế hay là vợ bé của cha trong trường hợp nào. Có thể là sau khi người đàn bà ấy đã bị cha ly dị hoặc sau khi cha đã qua đời. Trong Cựu Ước cũng có ghi lại trường hợp con công khai lấy các vợ bé của cha vì sách lược chính trị. Đó là sự Áp-sa-lôm, con trai của Vua Đa-vít, cướp vương quyền của cha, rồi công khai ăn nằm với các vương phi của cha trước sự chứng kiến của dân chúng (II Sa-mu-ên 16:21-22). Điều quan trọng là ngay cả số đông những người không tin Chúa cũng không chấp nhận sự gian dâm như vậy.

Câu “Vì thế, tôi không làm cho nặng lòng hết thảy các anh chị em” có nghĩa là vì có nhiều người trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cũng buồn rầu về sự phạm tội của người ấy, nên lời quở trách của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô đoạn 5 không phải là quở trách chung mọi người. Động từ “làm cho nặng lòng” (G1912) có nghĩa đen là chất gánh nặng lên.

6 Sự hình phạt đó bởi nhiều người đã là quá đủ cho người như thế.

7 Vậy, thà rằng các anh chị em tha thứ và an ủi thì hơn, kẻo người như thế bị nuốt bởi sự buồn rầu quá lớn.

“Sự hình phạt đó bởi nhiều người” là sự người phạm tội bị Hội Thánh dứt thông công theo mệnh lệnh của Phao-lô.

Thánh Kinh không ghi lại chi tiết của sự việc nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, sau khi bị Hội Thánh lên án và dứt thông công, thì người phạm tội đã ăn năn và từ bỏ sự phạm tội. Nhưng Hội Thánh vẫn chưa tiếp nhận người ấy trở lại. Khi Phao-lô được nghe biết về sự ăn năn của người ấy, thì ông khuyên Hội Thánh hãy tha thứ cho người phạm tội và an ủi người ấy. Đối với người thật sự nhận biết mình phạm tội và ăn năn, thì sự bị Hội Thánh dứt thông công là một sự buồn rầu quá lớn. Sự buồn rầu đó có thể hủy diệt người ấy, nếu người ấy không sớm được Hội Thánh tha thứ và phục hồi. Động từ “nuốt” (G2666) có nghĩa đen là uống cạn, có nghĩa bóng là nuốt mất vào trong sự hủy diệt. Nghĩa là người ấy có thể buông thả luôn vào trong nếp sống tội hoặc bị ma quỷ xúi giục tự sát.

Về phía của Đức Chúa Trời, Ngài đánh phạt con dân của Ngài cách nặng nề, khi họ phạm tội. Nhưng khi họ thật lòng ăn năn thì Ngài cứu chữa họ khỏi hậu quả của sự hình phạt.

“Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta.” (Ô-sê 6:1).

Đấng Christ đã ban quyền buộc tội và tha tội trong Hội Thánh cho Hội Thánh. Vì thế, người đã bị Hội Thánh dứt thông công chỉ có thể được phục hồi bởi Hội Thánh:

“Những tội lỗi của bất cứ những ai được các ngươi tha cho, đối với họ, chúng được tha. Những tội lỗi của bất cứ những ai bị các ngươi cầm giữ, chúng bị cầm giữ.” (Giăng 20:23).

Có một số người bị Hội Thánh dứt thông công nhưng không ăn năn tội vì họ đã vui sống trong tội. Họ thà sống sao cho thỏa mãn những sự ham muốn bất chính của xác thịt trong đời này, rồi chịu hư mất đời đời trong hỏa ngục. Cũng có một số người nghĩ rằng, cứ vui sống trong tội cho đến khi gần chết thì sẽ ăn năn. Nhưng Đức Chúa Trời có thể để cho họ khinh thường và lừa dối Ngài như vậy sao? Và ai biết chắc rằng, mình sẽ còn có cơ hội để ăn năn ngay trước khi chết? Cơ hội ăn năn là do chính Đức Chúa Trời ban cho. Đối với người cố tình vui sống trong tội sau khi đã biết Chúa thì họ sẽ không còn cơ hội để ăn năn. Gương Pha-ra-ôn xứ Ai-cập thời Môi-se và lời cảnh cáo trong Hê-bơ-rơ 10:26 giúp cho chúng ta hiểu như vậy. Vì thế, chúng tôi tin rằng, những ai đã tin nhận Tin Lành mà không sống thánh khiết theo Lời Chúa, không kịp thời ăn năn, bị bỏ lại khi Chúa đến, thì sẽ không còn cơ hội để ăn năn trong Kỳ Tận Thế.

Một số người thì vì kiêu ngạo, nghĩ rằng, họ hiểu biết Lời Chúa hơn người chăn và người giảng dạy Lời Chúa là những người mà Chúa đã đặt để trong Hội Thánh, nên họ không vâng phục sự giảng dạy của những người ấy, dẫn đến sự họ bị Hội Thánh dứt thông công. Sự kiêu ngạo trong họ quá lớn khiến cho họ không vâng phục thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh. Ma quỷ thấy vậy lại càng gieo rắc những sự ngụy biện vào trong lý trí của họ để họ càng lún sâu trong sự hư mất. Những người như vậy không nhìn ra sự kiện họ đã hoàn toàn mất đi sự thông công với Hội Thánh, tức là mất đi sự thông công với chính Đấng Christ, là đầu của Hội Thánh, khiến cho cuộc sống của họ từ sau khi bị dứt thông công không còn là bình an và thỏa lòng. Họ cũng không còn thắng được tội lỗi. Họ quay về với các tổ chức tôn giáo, tìm kiếm sự thông công với các giáo hội, để bù đắp cho sự thông công với Hội Thánh đã mất. Họ chẳng khác nào những người bị cắt đứt nguồn nước ngọt nên chọn uống nước biển để giải khát. Nước biển chẳng những đã không giải khát mà còn làm cho người uống bị nhiễm độc muối và chết cách đau đớn.

Lại có những người bị tà giáo lường gạt, tin vào những sự giảng dạy không đúng Thánh Kinh mà bị Hội Thánh dứt thông công. Những người này cũng mất đi năng lực thắng tội lỗi vì đã bị phân rẽ khỏi Đấng Christ. Nếu họ suy nghĩ thì sẽ nhận thấy, từ khi bị Hội Thánh dứt thông công, họ đã trở lại sống trong tội.

Vì lần đầu tiên Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đối diện với sự dứt thông công người phạm tội mà người ấy đã thật lòng ăn năn, nên Hội Thánh cần được sự hướng dẫn từ Phao-lô về sự tha thứ cho người đã ăn năn tội và an ủi người ấy.

8 Thế nên, tôi xin các anh chị em, hãy xác định tình yêu của các anh chị em đối với người ấy.

Động từ “xác định” (G2964) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là công bố rõ ràng về một điều gì, khiến cho điều ấy trở nên có hiệu lực, có giá trị.

Phao-lô muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô xác định tình yêu của Hội Thánh dành cho người phạm tội nhưng đã ăn năn. Sự xác định được thể hiện bằng lời công bố, nhưng theo sau lời công bố phải là những hành động thiết thực. Lời Chúa dạy:

“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).

Nếu chúng ta thật sự yêu quý anh chị em cùng Cha của mình thì khi có ai phạm lỗi, phạm tội, chúng ta phải lên tiếng, chỉ ra sự sai trái, nếu cần thì quở trách, như Phao-lô đã từng quở trách Phi-e-rơ (Ga-la-ti 2:11-14). Lời Chúa đã dạy:

“Một lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương giấu kín.” (Châm Ngôn 27:5).

Nếu người có lỗi, có tội không nhận lỗi, không nhận tội, tức là không ăn năn, thì Hội Thánh phải dứt thông công người ấy theo mệnh lệnh của Chúa (Ma-thi-ơ 18:15-18; I Cô-rinh-tô 5:9-13). Nếu người bị dứt thông công thật lòng ăn năn, thì Hội Thánh vui mừng tha thứ và tiếp nhận người ấy trở lại. Hãy luôn nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết để cứu bất cứ ai thật lòng ăn năn tội; và một linh hồn quý hơn cả thế gian (Ma-thi-ơ 16:26). Mỗi một người đều đã được Đức Chúa Trời ban cho một giá trị cao quý, bằng với giá trị mạng sống vô tội của Đức Chúa Jesus Christ.

9 Vì việc này mà tôi đã viết cho các anh chị em, để tôi biết sự thử nghiệm của các anh chị em, xem các anh chị em có vâng lời tôi trong mọi sự hay không.

“Vì việc này” là vì việc người trong Hội Thánh phạm tội gian dâm.

“Tôi đã viết cho các anh chị em” là nhắc lại nội dung Phao-lô đã viết trong I Cô-rinh-tô đoạn 5.

Danh từ “sự thử nghiệm” (G1382) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là sự thử thách để chứng thực phẩm chất. Phao-lô có ý nói, ông muốn thử nghiệm lòng vâng phục của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô với thẩm quyền sứ đồ của ông.

Nếu trong gia đình “vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa” (Ê-phê-sô 5:22) vì chồng là thẩm quyền Chúa đặt để trong gia đình (Sáng Thế Ký 3:16); thì trong Hội Thánh, con dân Chúa cũng phải vâng phục giám mục, người chăn, người giảng dạy Lời Chúa như vâng phục Chúa. Vì thẩm quyền cai trị Hội Thánh của họ đến từ Chúa. Dĩ nhiên, vợ không thể vâng phục chồng nếu mệnh lệnh, ý muốn của chồng không đúng với Thánh Kinh. Con dân Chúa cũng không thể vâng phục các bậc thẩm quyền trong Hội Thánh nếu mệnh lệnh, ý muốn của các bậc ấy không đúng với Thánh Kinh. Trong trường hợp như vậy, Lời Chúa dạy rõ: “Thà vâng phục Thiên Chúa còn hơn là vâng phục loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

10 Nhưng các anh chị em tha thứ ai điều gì, thì tôi cũng tha thứ. Vì tôi dù đã tha thứ điều gì, đã tha thứ ai là qua các anh chị em, trong sự hiện diện của Đấng Christ.

Chúng ta cần ghi nhớ, sự tha thứ chỉ có khi có sự ăn năn. Bất cứ ai trong Hội Thánh phạm tội mà thật lòng ăn năn thì tất cả mọi người trong Hội Thánh cùng tha thứ.

Phao-lô muốn nói rằng, trong chức vụ sứ đồ, ông tha thứ cho người có tội biết ăn năn nhưng là sự tha thứ được thi hành qua Hội Thánh, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đứng đầu Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ nên lúc nào Ngài cũng hiện diện trong Hội Thánh. Khi Hội Thánh dứt thông công người nào thì sự dứt thông công đó được thi hành trong sự hiện diện của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 5:4-5). Khi Hội Thánh tha thứ và tiếp nhận trở lại người đã bị dứt thông công thì sự tha thứ và tiếp nhận đó cũng được thi hành trong sự hiện diện của Đấng Christ.

11 Đừng để cho chúng ta bị lợi dụng bởi Sa-tan, vì chúng ta chẳng phải là không biết ý xấu của nó.

Sa-tan luôn luôn tìm cách lợi dụng những chỗ yếu hoặc những chỗ sơ hở, thiếu hiểu biết của Hội Thánh để đánh phá Hội Thánh. Thực tế, Sa-tan luôn tìm kiếm yếu điểm của từng người trong Hội Thánh để cám dỗ, khích động, gài bẫy, khiến cho con dân Chúa phạm tội; rồi Sa-tan dùng người này đánh phá người kia. Sự chia bè, kết đảng trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là một điển hình. Bên cạnh đó, Sa-tan luôn tìm cách cám dỗ con dân Chúa tùy theo sự ham muốn bất chính của từng người. Con dân Chúa không để cho Sa-tan lợi dụng yếu điểm của mình để cám dỗ mình phạm tội; và cũng không để cho Sa-tan lợi dụng sự thiếu tình yêu của Chúa trong chúng ta đối với anh chị em cùng Cha của chúng ta. Để không còn bị Sa-tan cám dỗ thì chúng ta hãy từ bỏ những sự ham muốn bất chính của xác thịt. Để Sa-tan không thể lợi dụng thì chúng ta phải đổ đầy trong linh hồn mình tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta có thể lúc nào cũng yêu anh chị em cùng Cha hơn chính bản thân. Mỗi ngày đọc, suy ngẫm Lời Chúa, rồi cẩn thận làm theo là phương cách duy nhất để từ bỏ những sự ham muốn bất chính và đổ đầy tình yêu của Thiên Chúa trong linh hồn mình.

12 Khi tôi đã đến tại thành Trô-ách vì Tin Lành của Đấng Christ, thì một cái cửa đã mở cho tôi bởi Chúa.

13 Tôi đã không có sự thanh thản trong tâm thần của tôi; vì sự tôi đã không gặp được Tít, người anh em cùng Cha của tôi; nên từ giã họ, tôi đi đến Ma-xê-đoan.

Trên hành trình từ Ê-phê-sô, xứ Tiểu Á, đến Cô-rinh-tô, xứ A-chai, Phao-lô đã chọn đi từ Ê-phê-sô ngược lên hướng bắc đến Trô-ách là một thành ở cực bắc của Tiểu Á; từ Trô-ách băng ngang xứ Ma-xê-đoan; rồi xuôi nam, đến Cô-rinh-tô [1]. Lý do ông kéo dài cuộc hành trình thay vì hải hành từ Ê-phê-sô đến thẳng Cô-rinh-tô là vì ông muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô kịp thời ăn năn về những sai trái của họ, trước khi ông đến Cô-rinh-tô, tránh cho việc ông phải thi hành kỷ luật đối với họ, như chúng ta đã học biết trong I Cô-rinh-tô 1:12-2:4.

Khi Phao-lô đến Trô-ách với mục đích giảng Tin Lành tại đó thì Chúa đã ban cho ông một cơ hội tốt. “Cái cửa” tiêu biểu cho cơ hội để làm việc lành. Được Chúa mở cửa cho là được Chúa ban cho một cơ hội tốt. Cơ hội tốt để giảng Tin Lành là có nhiều người sẵn sàng nghe giảng và mình được tự do rao giảng. Tuy nhiên, khi Phao-lô không gặp Tít tại Trô-ách để nghe Tít báo cáo về tình hình Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì ông đã không an lòng, nên ông đã không ở lại Trô-ách mà vội rời Trô-ách, tiếp tục hành trình đến Ma-xê-đoan. Tại thành Phi-líp, trong xứ Ma-xê-đoan, Phao-lô đã gặp được Tít (II Cô-rinh-tô 7:6). Sau khi Phao-lô ghé thăm Cô-rinh-tô, ông đã trở lại Trô-ách và rao giảng tại đó (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:6).

Chúng ta có thể hiểu rằng, trong mục vụ, nhiều khi chúng ta phải chọn lựa hoặc là tận dụng cơ hội Chúa ban để rao giảng Tin Lành, hoặc là khẩn cấp giải quyết nan đề trong Hội Thánh. Phao-lô đã chọn ưu tiên cho sự giải quyết nan đề trong Hội Thánh. Có thể Phao-lô đã nhận biết rằng, cơ hội giảng Tin Lành cho dân chúng thành Trô-ách vẫn còn đó. Sự không được thanh thản trong tâm thần cũng có thể được xem như là sự tác động của Đức Thánh Linh trong Phao-lô, để ông chọn ưu tiên cho việc giải quyết nan đề trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

“Từ giã họ” là từ giã những con dân Chúa tại Trô-ách.

Vài năm trước đó, khi Phao-lô đến Trô-ách lần đầu, Chúa đã ban cho ông một khải tượng. Trong khải tượng, Phao-lô thấy có một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt mình, nài xin rằng: Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:9). Khi đó, ông đã cùng các bạn của mình rời Trô-ách đến Ma-xê-đoan và đã đưa dắt được nhiều người dân xứ Ma-xê-đoan đến với sự cứu rỗi. Các Hội Thánh tại Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, và Bê-rê trong xứ Ma-xê-đoan đã được thành lập trong chuyến đi đó của Phao-lô.

Có lẽ khi nói đến việc rời Trô-ách để đến Ma-xê-đoan thì Phao-lô đã nhớ lại những thành quả trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhì của mình tại Ma-xê-đoan. Vì thế, trong bốn câu còn lại của II Cô-rinh-tô đoạn 2, Phao-lô đã ghi lại cảm xúc của ông về sự Chúa đã dùng ông và các bạn của ông trong mục vụ truyền giáo, thành lập các Hội Thánh địa phương trong đế quốc La-mã thời bấy giờ.

14 Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời! Ngài luôn luôn làm cho chúng tôi đắc thắng trong Đấng Christ; và bởi chúng tôi, tỏ ra mùi của sự hiểu biết về Ngài trong khắp chốn.

Phao-lô dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài luôn luôn làm cho ông và các bạn của ông đắc thắng trong Đấng Christ. Không riêng gì Phao-lô và các bạn của ông, mà bất cứ môn đồ nào của Đấng Christ cũng đều được Đức Chúa Trời luôn luôn làm cho họ đắc thắng.

Đắc thắng trong Đấng Christ trước hết là đắc thắng bản ngã tội lỗi, bắt thân thể xác thịt phải phục thần trí; tự do sống đời sống thánh khiết theo gương Đấng Christ. Kế tiếp là đắc thắng mọi nghịch cảnh và mọi mưu kế của kẻ thù trong danh Đấng Christ, để hoàn thành những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người. Ê-phê-sô 6:10-18 đã dạy cho chúng ta biết, nhờ tận dụng các khí giới của Đức Chúa Trời ban cho mà con dân Chúa luôn được đắc thắng.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã dùng chữ “mùi” để gọi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời; hàm ý, sự hiểu biết đó không nhìn thấy được nhưng có thể nhận ra được, và có thể lan đi khắp nơi, như mùi thơm của các loài hoa.

Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời bao gồm sự hiểu biết về chính Ngài, về ý muốn của Ngài, và về việc làm của Ngài. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được ghi lại trong Thánh Kinh, bởi những người có sự hiểu biết về Ngài. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời cứ thêm mãi cho đến đời đời, vì Đức Chúa Trời là Đấng Đời Đời.

Những người tỏ ra mùi của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời trong khắp chốn là những người đi khắp nơi, rao giảng về Ngài.

15 Vì đối với Đức Chúa Trời chúng tôi là mùi thơm của Đấng Christ, giữa những người được cứu và giữa những kẻ bị hư mất.

16 Thực tế, với những kẻ này là mùi của sự chết dẫn đến sự chết, nhưng với những người kia là mùi của sự sống dẫn đến sự sống. Ai xứng đáng cho những sự này?

Danh từ “mùi” (G3744) được dùng trong câu 14 và câu 16 là một danh từ chỉ chung mùi bốc ra từ một thực thể. Mùi đó có thể là thơm và dễ chịu nhưng cũng có thể là hôi và khó chịu. Danh từ “mùi thơm” (G2175) được dùng trong câu 15 là một danh từ dùng để gọi riêng mùi thơm, tương đương với chữ “hương” trong tiếng Hán Việt.

Sứ Đồ Phao-lô tự nhận rằng, ông và các bạn của ông, những người đi khắp nơi rao giảng sự hiểu biết về Đức Chúa Trời thì đối với Ngài, họ là mùi thơm của Đấng Christ tỏa ra trong thế gian. Mùi thơm của Đấng Christ tức là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời qua mọi sự giảng dạy và mọi việc làm của Đấng Christ. Nói cách khác, khi một người nhìn vào nếp sống của Đấng Christ, xem xét những việc làm của Ngài, nghe những lời giảng dạy của Ngài, thì người ấy có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời.

Đối với những người được cứu thì sự hiểu biết Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, bởi lời giảng dạy của những người rao giảng Tin Lành là sự hiểu biết dẫn đến sự cứu rỗi và sự sống đời đời. Vì thế, sự hiểu biết ấy được gọi là mùi của sự sống. Đối với những kẻ bị hư mất thì đó là sự hiểu biết dẫn đến sự phán xét chung cuộc và sự chết đời đời (Giăng 12:48). Vì thế, sự hiểu biết ấy được gọi là mùi của sự chết.

Chúng ta thử xét về luật giao thông. Luật ấy giúp bảo vệ người đi đường nếu người ấy biết luật và tuân theo luật. Nhưng luật ấy sẽ lên án và hình phạt người biết luật mà không tuân theo luật.

Giới từ “dẫn đến” (G1519) trong nguyên ngữ Hy-lạp là một giới từ có thể dịch sang nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Tùy theo văn mạch có thể dịch là: vào, vào trong, đến, tới, dẫn đến, hướng về, về phía, giữa vòng, trong, cho, để cho, đến khi, vì, bởi, trước…

“Ai xứng đáng cho những sự này?” Câu hỏi này có nghĩa là ai xứng đáng để được làm mùi thơm của Đấng Christ. Ai xứng đáng để làm người đi khắp nơi giảng Tin Lành, mang sự hiểu biết về Đức Chúa Trời qua Đấng Christ đến khắp muôn dân?

Chúng ta đã học biết rằng, mỗi con dân Chúa có bổn phận luôn nhớ đến Chúa và rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Rao sự chết của Chúa tức là giảng Tin Lành. Tuy nhiên, trong Hội Thánh, Đức Chúa Trời đã lập ra chức vụ sứ đồ và chức vụ người giảng Tin Lành để những ai được gọi vào hai chức vụ ấy chuyên tâm lo việc giảng Tin Lành. Sứ đồ và người giảng Tin Lành cùng rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa; nhưng sứ đồ còn có nhiệm vụ thành lập và gây dựng các Hội Thánh địa phương.

Không ai tự mình xứng đáng cho bất cứ chức vụ nào trong Hội Thánh, cho đến khi chính Đấng Christ kêu gọi người ấy vào trong chức vụ, Đức Thánh Linh ban ân tứ cho người ấy, và người ấy trung tín trong chức vụ.

17 Vậy nên, chúng tôi chẳng như nhiều kẻ khác; họ bán lẻ Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng trước mặt của Đức Chúa Trời, chúng tôi nói trong Đấng Christ, y như Lời ấy ra từ lòng chân thành của chúng tôi và ra từ Thiên Chúa.

Động từ “bán lẻ” (G2585) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là bán lẻ, bán hàng rong. Có nghĩa bóng là bán hàng giả, hàng bị pha trộn, hàng kém phẩm chất.

Ngay từ thời của Phao-lô đã có nhiều người làm công việc rao giảng Lời Chúa nhưng pha trộn ý riêng, tư tưởng của thế gian, tà giáo vào Lời Chúa miễn sao thu phục được nhiều người nghe. Những kẻ ấy mong được nổi tiếng và thu lợi từ những người nghe. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã gọi những kẻ như vậy là những giáo sư giả và tiên tri giả, thậm chí là Christ giả. Đấng Christ cũng tiên tri rằng, trong những ngày cuối cùng, liền trước Kỳ Tận Thế, sẽ có nhiều tiên tri giả xuất hiện (Ma-thi-ơ 24:11, 24).

Những người rao giảng Lời Chúa cách chân thật là những người được chính Đấng Christ gọi vào trong chức vụ, được Đức Thánh Linh ban cho các ân tứ, và họ hết lòng rao giảng Lời Chúa từ lòng chân thành của họ y như Lời ấy đã đến từ Thiên Chúa.

“Nói trong Đấng Christ” là nói trong danh của Đấng Christ và nói trong thẩm quyền mà Đấng Christ đã ban cho, trong chức vụ.

Cảm tạ Đức Chúa Trời, vì Ngài đã dùng các lẽ thật được Đức Thánh Linh bày tỏ qua Sứ Đồ Phao-lô, dạy dỗ chúng ta. Nhờ đó, chúng ta biết cách hành xử trong cuộc sống; biết giá trị đích thực của một người ở trong Chúa; biết giá trị và thẩm quyền của một người rao truyền sự hiểu biết về Chúa, giảng dạy Lời Chúa; và biết phân biệt những người giả mạo rao giảng Lời Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/08/2020

Ghi Chú

[1] Xem bản đồ: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2020/08/Timeline-Pauls-3rd-Missionary-Journey-1.jpg

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Yêu Con Yêu Tận Ngàn Sau”
https://karaokethanhca.net/chua-yeu-con-yeu-tan-ngan-sau/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/bible.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.