Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 18:01-17 Phao-lô tại Cô-rinh-tô

1,348 views

Youtube: https://youtu.be/Nae0_xktjx8

44043 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 18:1-17
Phao-lô tại Cô-rinh-tô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Nhì của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/03/HanhTrinhTruyenGiao_2.png

Công Vụ Các Sứ Đồ 18:1-17

1 Sau các sự ấy, Phao-lô đã rời khỏi thành A-thên, đi đến thành Cô-rinh-tô.

2 Người đã gặp một người Do-thái kia, tên là A-qui-la, quê ở xứ Bông, mới đến từ xứ I-ta-li với vợ của mình là Bê-rít-sin. Vì Vua Cơ-lốt đã ra lệnh hết thảy người Do-thái phải rời khỏi thành Rô-ma. Người đã đến với họ.

3 Vì là cùng nghề nên người đã ở với họ và làm việc. Nghề của họ là may lều trại.

4 Người biện luận trong nhà hội vào mỗi Sa-bát; thuyết phục những người Do-thái và những người Hy-lạp.

5 Khi Si-la và Ti-mô-thê đã từ xứ Ma-xê-đoan đến, Phao-lô đã được thôi thúc trong tâm thần, làm chứng cho những người Do-thái rằng: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

6 Nhưng chúng đã chống cự và nói những lời hung dữ. Người đã giũ áo, nói với chúng: Máu của các ngươi ở trên đầu của các ngươi! Ta thì tinh sạch. Từ nay, ta sẽ đi đến với những dân ngoại.

7 Người đã rời nơi đó, vào trong nhà của một người kia, tên là Giúc-tu, là một kẻ kính sợ Đức Chúa Trời. Nhà của người ấy thì giáp với nhà hội.

8 Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, với cả nhà của người đều tin Chúa. Cũng có nhiều người Cô-rinh-tô nghe giảng đã tin và được báp-tem.

9 Trong đêm, Chúa đã phán với Phao-lô trong khải tượng rằng: Đừng sợ! Nhưng hãy nói và chớ làm thinh!

10 Vì Ta ở cùng ngươi. Chẳng ai sẽ tra tay trên ngươi để làm hại ngươi. Vì Ta có nhiều người trong thành này.

11 Người đã ngồi một năm và sáu tháng, dạy Lời của Đức Chúa Trời giữa họ. [Động từ “ngồi” hàm ý: ở yên một chỗ.]

12 Lúc Ga-li-ôn làm quan trấn thủ của xứ A-chai, những người Do-thái đồng lòng nghịch lại Phao-lô và kéo người đến tòa án.

13 Chúng đã nói rằng: Người này khích động người ta thờ kính Đức Chúa Trời một cách trái luật pháp.

14 Phao-lô sắp mở miệng thì Ga-li-ôn đã nói với những người Do-thái rằng: Hỡi những người Do-thái! Thực tế, nếu là việc trái phép hay gian ác nào thì theo lý lẽ ta nên chịu đựng các ngươi.

15 Nhưng nếu là sự biện luận về các lời nói, các danh hiệu, và về luật pháp của các ngươi, thì hãy tự xem xét. Vì ta chẳng muốn là quan án cho những việc ấy.

16 Rồi, người đã đuổi chúng ra khỏi tòa án.

17 Hết thảy những người Do-thái đã bắt Sốt-then, chủ nhà hội, đánh người trước tòa án, mà Ga-li-ôn đã chẳng quan tâm đến các việc ấy.

Chúng ta không biết Phao-lô đã ở lại A-thên trong bao lâu, nhưng có lẽ đủ để giảng dạy những điều cơ bản về Đức Chúa Jesus Christ cho những người mới tin nhận Ngài. Sau đó, Phao-lô đã tiếp tục chặng thứ ba, là chặng cuối trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhì. Trong chặng thứ ba này, Phao-lô đã từ A-thên đến Cô-rinh-tô; từ Cô-rinh-tô đi đường bộ đến Xen-cơ-rê; rồi, đi tàu đến Ê-phê-sô; từ Ê-phê-sô tiếp tục đi tàu đến Sê-sa-rê; từ Sê-sa-rê đi đường bộ về Giê-ru-sa-lem; sau cùng là từ Giê-ru-sa-lem đi đường bộ về lại thành An-ti-ốt, là khởi điểm của chuyến truyền giáo. Hành trình truyền giáo lần thứ nhì này đã kéo dài khoảng ba năm, từ cuối mùa thu năm 49 đến cuối mùa thu năm 52.

Tại I-sơ-ra-ên:

  • Mùa xuân bao gồm các tháng Một, Hai, và Ba, theo Lịch Do-thái. Tương đương với khoảng giữa tháng Ba đến giữa tháng Sáu Tây Lịch.

  • Mùa hạ bao gồm các tháng Tư, Năm, và Sáu, theo Lịch Do-thái. Tương đương với khoảng giữa tháng Sáu tới khoảng giữa tháng Chín Tây Lịch.

  • Mùa thu bao gồm các tháng Bảy, Tám, và Chín, theo Lịch Do-thái. Tương đương với khoảng giữa tháng Chín tới khoảng giữa tháng Mười Hai Tây Lịch.

  • Mùa đông bao gồm các tháng Mười, Mười Một, và Mười Hai, theo Lịch Do-thái. Tương đương với khoảng giữa tháng Mười Hai tới khoảng giữa tháng Ba Tây Lịch.

Đầu mùa nhằm tháng thứ nhất trong mùa. Giữa mùa nhằm tháng thứ nhì trong mùa. Cuối mùa nhằm tháng thứ ba trong mùa.

1 Sau các sự ấy, Phao-lô đã rời khỏi thành A-thên, đi đến thành Cô-rinh-tô.

2 Người đã gặp một người Do-thái kia, tên là A-qui-la, quê ở xứ Bông, mới đến từ xứ I-ta-li với vợ của mình là Bê-rít-sin. Vì Vua Cơ-lốt đã ra lệnh hết thảy người Do-thái phải rời khỏi thành Rô-ma. Người đã đến với họ.

Sau các sự ấy là sau khi Phao-lô đã biện luận với những người Hy-lạp tại quảng trường A-rê-ô-ba và khiến cho có một số người tin nhận Tin Lành. Trong số đó, có Đê-ni là một quan tòa của Tòa Án A-rê-ô-ba, về sau trở thành giám mục đầu tiên trong Hội Thánh tại A-thên; và có một phụ nữ tên là Đa-ma-ri, có lẽ là một phụ nữ có quyền thế tại A-thên.

Thành Cô-rinh-tô cách thành A-thên khoảng 80 km, đi đường mất khoảng hai ngày. Khi Phao-lô đến Cô-rinh-tô thì ông đã gặp vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin. A-qui-la là người I-sơ-ra-ên nhưng đã được sinh ra ở xứ Bông. Xứ Bông là miền duyên hải phía nam của Biển Đen, ở ngay phía trên xứ Cáp-ba-đốc, thuộc miền Tiểu Á, và ngày nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ.

Tên A-qui-la là một tên trong tiếng La-tinh, có nghĩa là chim ưng. Tiếng La-tinh là quốc ngữ của dân La-mã. Thời bấy giờ, trong đế quốc La-mã, những người I-sơ-ra-ên ngoài tên trong tiếng Hê-bơ-rơ còn có tên trong tiếng La-tinh. Tên Bê-rít-sin cũng là một tên trong tiếng La-tinh, có nghĩa là cổ đại, đáng tôn.

Vào thế kỷ thứ nhất, đã có rất nhiều gia đình I-sơ-ra-ên lưu lạc và định cư tại xứ Bông. Vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin có lẽ đã tin Chúa trong ngày Hội Thánh được thành lập, khi họ từ xứ Bông về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Ngũ Tuần năm 27 (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Phao-lô đã đến Cô-rinh-tô vào cuối mùa thu năm 50. Như vậy, khi Phao-lô gặp họ thì A-qui-la và Bê-rít-sin đã tin nhận Tin Lành được khoảng 23 năm.

Xứ I-ta-li là vùng đất đầu tiên bị người La-mã chinh phục trong công cuộc hình thành đế quốc La-mã, ngày nay là Cộng Hòa Ý (Italian Republic). Vào thời điểm ấy, vì dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo hay gây rối, bách hại con dân Chúa tại thành Rô-ma, nên hoàng đế La-mã lúc bấy giờ là Cơ-lốt (Claudius) đã ra lệnh trục xuất dân I-sơ-ra-ên ra khỏi kinh đô.

Có thể Phao-lô đã gặp vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin khi ông đến nhà hội tại Cô-rinh-tô. Thời bấy giờ, những người I-sơ-ra-ên gốc Do-thái Giáo, sau khi tin nhận Tin Lành, vẫn đến nhóm hiệp tại nhà hội trong ngày Sa-bát để cầu nguyện và để được nghe đọc, nghe giảng Thánh Kinh.

Người đã đến với họ” vừa có nghĩa là Phao-lô đã đến tận nhà, thăm và trò chuyện với A-qui-la và Bê-rít-sin; vừa có nghĩa là Phao-lô đến cư trú với họ. Chúng ta không thấy Thánh Kinh nói gì về việc Phao-lô giảng dạy cho A-qui-la và Bê-rít-sin. Nhưng chắc chắn là Phao-lô có giảng dạy Lời Chúa cho họ. Cho dù A-qui-la và Bê-rít-sin, sau 23 năm đi với Chúa, có sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa tới đâu thì cũng không thể sâu nhiệm bằng Phao-lô là người đã được chính Chúa mạc khải Tin Lành cho ông (Ga-la-ti 1:11-12). Về sau, chúng ta thấy Thánh Kinh ghi lại sự kiện A-qui-la và Bê-rít-sin đã đem A-bô-lô, một nhà truyền giáo, về giảng dạy thêm Lời Chúa cho ông, thì chúng ta hiểu rằng, A-qui-la và Bê-rít-sin đã có sự hiểu biết rất sâu nhiệm về Tin Lành.

Theo I Cô-rinh-tô 16:19 thì nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin tại Cô-rinh-tô là một điểm nhóm hiệp của Hội Thánh. Và như vậy, A-qui-la và Bê-rít-sin cũng là trưởng lão giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, tại Cô-rinh-tô.

Trong I Cô-rinh-tô 2:3, Phao-lô có viết rằng, lần đầu tiên, khi ông đến Cô-rinh-tô thì ông đang ở trong sự đau yếu, trong sự sợ hãi, và trong sự run rẩy lắm. Sự đau yếu nói về thuộc thể, sự sợ hãi nói về thuộc linh, sự run rẩy nói về cả thuộc thể lẫn thuộc linh. Chúng tôi tin rằng, khi Phao-lô ở giữa thành A-thên đầy dẫy hình tượng, đầy dẫy quyền lực của ma quỷ thì ông đã phải chịu sự tác động và tấn công của chúng. Khi Chúa cho phép, ma quỷ có thể tác động vào cả thể xác lẫn tâm thần của chúng ta để gieo rắc sự đau yếu, mệt mỏi, hoang mang, sợ hãi. Hãy nhớ lại những gì Sa-tan đã làm ra cho Gióp. Có lẽ lúc bấy giờ, A-thên là trung tâm quyền lực của Sa-tan nên nó phải ra sức chống cự Phao-lô. Chúng ta hiểu rằng, sự kiện A-qui-la và Bê-rít-sin tiếp đón Phao-lô, bao gồm cả sự họ chăm sóc Phao-lô trong lúc ông đang đau yếu, bị căng thẳng trong tâm thần, cần được tịnh dưỡng; sau một cuộc chiến thuộc linh kéo dài từ Phi-líp, qua Tê-sa-lô-ni-ca, và đến A-thên.

3 Vì là cùng nghề nên người đã ở với họ và làm việc. Nghề của họ là may lều trại.

Qua câu này chúng ta biết, Phao-lô tự kiếm sống bằng nghề may lều trại. Công Vụ Các Sứ Đồ 20:34 ghi lại lời nói của Phao-lô về việc ông dùng đôi bàn tay của mình để mưu sinh. Việc may lều trại cũng bao gồm việc vá, sửa các lều trại. Lều trại thời bấy giờ thường được làm bằng da thú hoặc bằng các loại vải dày. Có thể là lều tạm trú cho binh lính (phải là lều làm bằng da thú), có thể là lều tạm trú cho khách đi đường, có thể là lều tạm trú cho những người chăn gia súc, có thể là chỗ ở cho những người nghèo, cũng có thể là kho chứa dụng cụ, nông phẩm, hàng hóa… Ngày nay, danh từ “người may lều trại” được dùng để gọi những người rao giảng Tin Lành mà tự nuôi mình bằng bất cứ nghề gì.

Như vậy, trong khi đi truyền giáo, Phao-lô đã mang theo các dụng cụ, đồ nghề để đi đến đâu thì có thể làm nghề may lều trại tại đó. Còn A-qui-la và Bê-rít-sin mặc dù không phải là sứ đồ như Phao-lô hoặc nhà truyền giáo như A-bô-lô, nhưng mỗi khi định cư nơi nào thì họ cũng sinh sống bằng nghề may lều trại và dùng nhà mình làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh. Chúng tôi nghĩ, đời sống của A-qui-la và Bê-rít-sin là khuôn mẫu cho các gia đình tín đồ trong Hội Thánh. Đó là có một nghề nuôi thân, có sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, có lòng yêu thương, tiếp đón các anh chị em cùng Cha, và có lòng sốt sắng trong mục vụ đối với Hội Thánh địa phương.

4 Người biện luận trong nhà hội vào mỗi Sa-bát; thuyết phục những người Do-thái và những người Hy-lạp.

Ngày thường thì Phao-lô làm việc kiếm sống. Mỗi ngày Sa-bát thì ông đi đến nhà hội để rao giảng Tin Lành cho những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo và cho cả những người Hy-lạp đã theo Do-thái Giáo hoặc có lòng muốn tìm hiểu về Thiên Chúa. Động từ “thuyết phục” (G3982) hàm ý có sự lý luận chặt chẽ để chứng minh các lời tiên tri trong Thánh Kinh về Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ đã ứng nghiệm trên Đức Chúa Jesus.

5 Khi Si-la và Ti-mô-thê đã từ xứ Ma-xê-đoan đến, Phao-lô đã được thôi thúc trong tâm thần, làm chứng cho những người Do-thái rằng: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Từ khi những người phụ trách chuyến đi của Phao-lô từ A-thên về lại Bê-rê, mang theo mệnh lệnh của Phao-lô truyền cho Si-la và Ti-mô-thê đến với ông, cho tới khi họ đến Cô-rinh-tô có lẽ đã gần một tháng. Khi Si-la và Ti-mô-thê đã đến Cô-rinh-tô thì Phao-lô được Đức Thánh Linh thôi thúc trong tâm thần để làm chứng cho những người Do-thái tại Cô-rinh-tô. Những người Do-thái đã biết Thiên Chúa, tin Thiên Chúa, và thờ phượng Ngài. Vì thế, Phao-lô chỉ cần nói cho họ biết rằng, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ, tức là Đấng đã được Đức Chúa Trời xức dầu để làm Đấng cứu chuộc và làm vua của họ cùng của các dân tộc khác.

Phao-lô không chỉ đơn giản công bố Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, mà ông phải làm chứng. Tức là Phao-lô phải dùng Thánh Kinh để chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Là con dân Chúa chúng ta có thể qua lời nói hay bài viết làm chứng về sự chúng ta đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa như thế nào; được sống trong ân điển của Chúa như thế nào; Chúa đã làm ra những sự lạ lùng và phước hạnh nào cho chúng ta. Nhưng khi làm chứng rằng, Đức Chúa Jesus chính là Thiên Chúa nhập thế làm người, chịu chết thay cho toàn thể loài người để cứu chuộc loài người ra khỏi án phạt của sự phạm tội nghịch lại Thiên Chúa, thì chúng ta phải dùng Thánh Kinh để chứng minh.

6 Nhưng chúng đã chống cự và nói những lời hung dữ. Người đã giũ áo, nói với chúng: Máu của các ngươi ở trên đầu của các ngươi! Ta thì tinh sạch. Từ nay, ta sẽ đi đến với những dân ngoại.

Đức Chúa Trời luôn ban cho dân I-sơ-ra-ên mọi cơ hội và ơn phước trước các dân tộc khác, kể từ khi Ngài lập giao ước với tổ phụ của họ là Áp-ra-ham. Khi Đức Chúa Jesus rao giảng Tin Lành thì Ngài chỉ rao giảng cho dân I-sơ-ra-ên. Khi Đức Chúa Jesus sai các sứ đồ và các môn đồ đi giảng Tin Lành thì Ngài cũng chỉ sai họ đến với dân I-sơ-ra-ên. Chỉ sau khi dân I-sơ-ra-ên đã chối bỏ Đức Chúa Jesus, giao Ngài vào tay dân La-mã để Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá; và Ngài đã sống lại từ trong những kẻ chết; và Hội Thánh được thành lập; thì Tin Lành mới được giảng cho muôn dân.

Vào thời điểm Phao-lô đến Cô-rinh-tô thì Tin Lành đã được rao giảng cho bất cứ dân tộc nào, không riêng gì cho dân I-sơ-ra-ên. Nhưng tại Cô-rinh-tô, Đức Chúa Trời vẫn muốn Phao-lô ưu tiên giảng cho dân I-sơ-ra-ên trước. Đức Chúa Trời đương nhiên biết trước sự cứng lòng của những người I-sơ-ra-ên tại Cô-rinh-tô. Nhưng Ngài vẫn ban cho họ cơ hội, để sau này, trong ngày phán xét chung cuộc, họ sẽ không thể nói là Đức Chúa Trời đã không ban cho họ cơ hội.

Ngày nay, Đức Chúa Trời biết trước nhiều người không thật lòng ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Nhưng Ngài vẫn đem họ đến với lẽ thật và Hội Thánh của Ngài. Đó là Đức Chúa Trời ban cho họ cơ hội và ban cho Hội Thánh sự thử thách. Ngài muốn Hội Thánh thể hiện tình yêu với họ và đứng vững trước những tác động xấu đến từ họ.

Những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại Cô-rinh-tô đã chống cự sự biện luận của Phao-lô và nói những lời hung dữ với ông. Nói những lời hung dữ bao gồm: những lời chế nhạo, vu khống, mắng chửi, hăm dọa, và rủa sả.

Người ta thường giũ áo để làm cho sạch bụi bám trên áo, tương tự như hành động phủi bụi nơi chân (Ma-thi-ơ 10:14). Nhưng hành động “giũ áo” của Phao-lô nói lên sự ông đã hết trách nhiệm với họ. Và cũng có thể là điều Chúa muốn qua Phao-lô thể hiện sự Chúa đã không còn ban cho những người cứng lòng ấy thêm cơ hội để ăn năn. Vì Chúa là Đấng biết rõ lòng người.

Thành ngữ: “Máu của các ngươi ở trên đầu của các ngươi” có nghĩa là: chính các ngươi chịu trách nhiệm về sự chết của các ngươi. Các ngươi đã tự ý chọn đi vào sự chết.

Câu nói: “Ta thì tinh sạch” hàm ý, Phao-lô hoàn toàn không có lỗi gì về sự chết đời đời của những người ấy.

Câu nói: “Từ nay, ta sẽ đi đến với những dân ngoại” có nghĩa là Phao-lô sẽ không trở lại nhà hội để giảng cho những người I-sơ-ra-ên trong thành Cô-rinh-tô nữa, nhưng ông chỉ giảng cho những người thuộc các dân ngoại tại đó mà thôi. Câu này không hề có ý là kể từ đó Phao-lô sẽ không còn giảng Tin Lành cho người I-sơ-ra-ên. Vì sau đó, tại thành Ê-phê-sô, Phao-lô vẫn giảng Tin Lành trong nhà hội của người I-sơ-ra-ên suốt ba tháng (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:8).

7 Người đã rời nơi đó, vào trong nhà của một người kia, tên là Giúc-tu, là một kẻ kính sợ Đức Chúa Trời. Nhà của người ấy thì giáp với nhà hội.

Rời nơi đó” là rời khỏi nhà hội của người I-sơ-ra-ên. Sau khi ra khỏi nhà hội thì Phao-lô đã vào căn nhà kế bên cạnh nhà hội là nhà của một người tên là Giúc-tu. Giúc-tu có lẽ là một người dân ngoại, tin theo Do-thái Giáo và tin nhận lời rao giảng của Phao-lô, nên đã đón tiếp Phao-lô. Rất có thể, Phao-lô đã dùng nhà của Giúc-tu làm nơi rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa cho những người mới tin Chúa, tại Cô-rinh-tô.

8 Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, với cả nhà của người đều tin Chúa. Cũng có nhiều người Cô-rinh-tô nghe giảng đã tin và được báp-tem.

Chủ của nhà hội là Cơ-rít-bu và cả nhà cùng tin nhận Tin Lành. Có lẽ vì thế mà Cơ-rít-bu bị mất quyền làm chủ nhà hội. Vì đến câu 17 thì chúng ta thấy một người khác, tên là Sốt-then, là chủ nhà hội. Ngoài ra cũng có nhiều cư dân của thành Cô-rinh-tô, có lẽ thuộc các dân ngoại, đã tin nhận Tin Lành và được báp-tem. Đó chính là sự Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được thành lập. Có lẽ họ đã được Si-la và Ti-mô-thê làm báp-tem cho họ. Vì tại Cô-rinh-tô, Phao-lô chỉ tự tay mình làm báp-tem cho Cơ-rít-bu, Gai-út, và cả nhà của Sê-pha-na (I Cô-rinh-tô 1:14-16).

9 Trong đêm, Chúa đã phán với Phao-lô trong khải tượng rằng: Đừng sợ! Nhưng hãy nói và chớ làm thinh!

10 Vì Ta ở cùng ngươi. Chẳng ai sẽ tra tay trên ngươi để làm hại ngươi. Vì Ta có nhiều người trong thành này.

Một lần nữa, Chúa đã ban cho Phao-lô khải tượng trong ban đêm. Vào lúc ấy, có lẽ Phao-lô cũng cảm thấy mỏi mệt vì sự cứng lòng và chống nghịch của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Vì thế, Đức Chúa Jesus đã hiện ra với Phao-lô trong khải tượng để an ủi ông và khích lệ ông cứ trung tín trong nhiệm vụ. Chúa hứa rằng, Ngài ở với Phao-lô. Không ai có thể làm hại Phao-lô, dù cho họ có ý đó.

Câu “Vì Ta có nhiều người trong thành này” có thể là có nhiều người sẽ hành động theo ý Chúa để bảo vệ Phao-lô.

11 Người đã ngồi một năm và sáu tháng, dạy Lời của Đức Chúa Trời giữa họ. [Động từ “ngồi” hàm ý: ở yên một chỗ.]

Động từ “ngồi” (G2523) trong câu này có nghĩa đen là an vị, tức là ngồi yên một chỗ, hàm ý, Phao-lô tiếp tục ở lại trong thành Cô-rinh-tô. Như vậy, Phao-lô đã ở lại thành Cô-rinh-tô suốt một năm rưỡi để dạy Lời Chúa cho Hội Thánh và giảng Tin Lành cho dân Cô-rinh-tô. Cũng trong thời gian này, Phao-lô đã viết thư I Tê-sa-lô-ni-ca, vào năm 50; và thư II Tê-sa-lô-ni-ca, vào năm 51, cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Đó cũng là hai sách trong Tân Ước được viết sớm nhất. Sự dạy Lời Chúa của Phao-lô giữa dân Cô-rinh-tô tức là sự giảng dạy về Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta có thể hiểu rằng, Phao-lô không bị gò bó thời gian để giảng dạy Lời Chúa như khi giảng dạy trong nhà hội. Vì trong nhà hội chỉ có sự giảng dạy trong buổi nhóm hiệp chính vào ngày Sa-bát. Còn tại nhà riêng của Giúc-tu thì Phao-lô có thể giảng dạy bất kỳ lúc nào.

12 Lúc Ga-li-ôn làm quan trấn thủ của xứ A-chai, những người Do-thái đồng lòng nghịch lại Phao-lô và kéo người đến tòa án.

13 Chúng đã nói rằng: Người này khích động người ta thờ kính Đức Chúa Trời một cách trái luật pháp.

Sau 18 tháng rao giảng Tin Lành, Phao-lô đã đưa nhiều người đến với sự cứu rỗi của Chúa, mà sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa của họ lại xảy ra ngay trong nhà của Giúc-tu, bên cạnh nhà hội. Điều đó khiến cho những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo ganh tức cùng cực, nên họ đã đồng lòng kéo Phao-lô đến tòa án để thưa kiện. Họ buộc cho Phao-lô tội danh: Khích động người ta thờ kính Đức Chúa Trời một cách trái luật pháp. Phao-lô đã bằng lòng theo họ đến tòa án, có lẽ vì ông đã nghĩ rằng, sẽ có cơ hội tốt để giảng Tin Lành cho quan trấn thủ và các nhân viên công quyền.

Quan trấn thủ là chức vụ phụ tá cho thống đốc, cai trị một tỉnh, trong chính quyền La-mã.

14 Phao-lô sắp mở miệng thì Ga-li-ôn đã nói với những người Do-thái rằng: Hỡi những người Do-thái! Thực tế, nếu là việc trái phép hay gian ác nào thì theo lý lẽ ta nên chịu đựng các ngươi.

15 Nhưng nếu là sự biện luận về các lời nói, các danh hiệu, và về luật pháp của các ngươi, thì hãy tự xem xét. Vì ta chẳng muốn là quan án cho những việc ấy.

Phao-lô chưa kịp mở miệng để tự bào chữa thì quan trấn thủ đã bác bỏ sự cáo buộc của những người Do-thái. Ông không cần biết đến những tranh cãi về tín ngưỡng của dân Do-thái. Nếu không phải là việc liên quan đến luật pháp của La-mã thì ông không dính vào.

Tiếc thay, trước đó, Thống Đốc Phi-lát đã không có sự khôn sáng như vậy. Dù Phi-lát đã được vợ cảnh báo rằng, đừng làm gì đến Đức Chúa Jesus, vì Ngài là “người công chính”; và bà đã vì Đức Chúa Jesus mà đau đớn nhiều trong giấc mơ (Ma-thi-ơ 27:19). Dĩ nhiên, nếu Phi-lát không phán xử Đức Chúa Jesus thì bằng cách nào đó, Ngài cũng phải chết trên thập tự giá. Nhưng Phi-lát sẽ không chịu trách nhiệm về sự đổ máu của Đức Chúa Jesus. Dù Phi-lát đã rửa tay để phủi trách nhiệm. Nhưng có trách nhiệm hay không, không phải do ông tự phán định cho mình.

16 Rồi, người đã đuổi chúng ra khỏi tòa án.

17 Hết thảy những người Do-thái đã bắt Sốt-then, chủ nhà hội, đánh người trước tòa án, mà Ga-li-ôn đã chẳng quan tâm đến các việc ấy.

Trấn Thủ Ga-li-ôn đã đuổi những người Do-thái ra khỏi tòa án. Họ đã bắt lấy Sốt-then là chủ nhà hội, mà đánh ngay trước tòa án. Sự đánh ở đây không phải là đánh đòn theo luật lệ, mà là sự đánh bằng tay đấm, chân đá, gọi là hành hung. Lý do họ đánh Sốt-then có lẽ là vì sau khi Ga-li-ôn bác bỏ, không xử Phao-lô thì Sốt-then đã lên tiếng can ngăn họ, bênh vực Phao-lô. Vì Sốt-then đã phần nào tin những lời Phao-lô rao giảng. Về sau, Sốt-then cũng trở thành môn đồ của Đấng Christ, được nhắc đến trong I Cô-rinh-tô 1:1.

Dù sao, việc hành hung như vậy là bất hợp pháp, theo luật pháp của La-mã. Nhưng Trấn Thủ Ga-li-ôn đã chẳng màng đến. Có lẽ là vì không có ai đứng ra thưa kiện.

Trong một số bản chép tay nguyên ngữ Hy-lạp, đã chép là “những người Hy-lạp đã bắt Sốt-then…” Nhưng trong hai bản chép tay xưa nhất thì không có chữ “những người Hy-lạp”. Theo lý luận thì những người Hy-lạp không liên quan gì đến sự tranh cạnh của dân Do-thái và Phao-lô. Vì thế, chúng ta nên chọn dịch câu 17 theo hai bản chép tay xưa nhất của Thánh Kinh.

Tới đây, chúng ta kết thúc bài học này.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/04/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Con Vẫn Cứ Tin yêu, Đợi Chờ”
https://karaokethanhca.net/con-van-cu-tin-yeu-doi-cho/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.