Chú Giải Hê-bơ-rơ 09:11-28 Máu của Đấng Christ Cao Trọng…

2,546 views

Nguồn: https://youtu.be/890aXnxFEfs

Chú Giải Hê-bơ-rơ 9:11-28
Máu của Đấng Christ Cao Trọng Hơn Máu của Các Sinh Tế Khác

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 9:11-28

11 Nhưng Đấng Christ đã đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sẽ đến, bởi Đền Tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không do tay người dựng nên, nghĩa là không thuộc về cõi sáng tạo này.

12 Cũng chẳng bởi máu của những dê đực và của những bò tơ, nhưng bởi chính máu của Ngài, Ngài một lần đi vào trong nơi thánh, tìm lấy sự cứu chuộc vĩnh hằng cho chúng ta.

13 Vì nếu máu của những bò đực và của những dê đực, cùng tro của bò cái con sắc hoe, rẩy trên những kẻ ô uế làm nên thánh cho sự làm sạch xác thịt;

14 thì máu của Đấng Christ, Đấng bởi thần quyền vĩnh hằng, dâng chính mình không tì vết lên Đức Chúa Trời, sẽ tẩy sạch lương tâm của các anh chị em khỏi những việc chết để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống, nhiều hơn biết bao?

15 Bởi đó, Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới để sự chết của Ngài trở thành sự cứu chuộc những sự vi phạm dưới giao ước trước, để những ai đã được kêu gọi thì họ nhận được lời hứa về cơ nghiệp vĩnh hằng.

16 Nơi nào có giao ước thì cần phải có sự chết của kẻ được chọn. [Kẻ được chọn để hy sinh mạng sống, ấn chứng cho giao ước. Sáng Thế Ký 15:9-10]

17 Giao ước chỉ có hiệu lực bởi những sự chết, vì nó không có hiệu lực khi kẻ được chọn còn sống.

18 Chẳng phải giao ước trước được lập không bởi máu.

19 Vì khi Môi-se đã phán mọi điều răn theo luật pháp cho hết thảy dân chúng. Ông lấy máu của những bò tơ và của những dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía, và nhành kinh giới rẩy cả trên sách và trên dân chúng,

20 nói rằng: Này là máu của sự giao ước mà Đức Chúa Trời đã truyền cho các ngươi. [Xuất Ê-díp-tô Ký 24:8]

21 Cũng vậy, ông rẩy máu trên cả Đền Tạm cùng hết thảy những khí cụ của sự phụng sự.

22 Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật được tẩy sạch bởi máu. Nếu không có sự đổ máu thì không có sự tha thứ.

23 Vậy, nếu những kiểu mẫu của những sự trong các tầng trời thật cần được tẩy sạch với các sự ấy, thì chính những sự thuộc về trời phải nhờ sinh tế tốt hơn các sự ấy.

24 Vì Đấng Christ chẳng vào các nơi thánh bởi tay người làm ra theo các kiểu mẫu của nơi thánh thật, mà là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời.

25 Ngài cũng chẳng dâng chính mình Ngài nhiều lần, như thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm đi vào bên trong các nơi thánh với máu của kẻ khác.

26 Nếu không, thì Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần từ khi lập nền của thế gian. Nhưng hiện nay, lúc cuối cùng của các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, cất tội lỗi đi, bởi sự dâng chính mình làm sinh tế.

27 Theo như đã định cho loài người: Chết một lần, sau đó là sự phán xét.

28 Vậy, Đấng Christ đã một lần dâng mình để gánh lấy những tội lỗi của nhiều người. Ngài sẽ hiện ra lần thứ nhì cho những ai chờ đợi Ngài; không phải để cất đi tội lỗi nhưng để dẫn họ vào trong sự cứu rỗi.

Trong bài học trước, chúng ta đã học về sự Đền Tạm trên đất, chức vụ thầy tế lễ theo ban A-rôn, và các nghi thức phụng sự trong Đền Tạm đều là hình bóng, tiêu biểu cho Đền Tạm trên trời cùng chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Jesus Christ và công việc phụng sự của Ngài. Trong bài này chúng ta học biết về giá trị cao trọng và tuyệt đối của máu Đấng Christ, khi được dùng làm của lễ chuộc tội cho loài người. Máu của Đấng Christ cao trọng vì là máu của một người vô tội, tình nguyện đổ ra để chuộc tội cho toàn thể loài người. Máu của Đấng Christ là sinh tế chuộc tội tuyệt đối vì là sự chuộc tội đủ cả và còn đến mãi mãi. Sự chuộc tội đủ cả là sự chuộc tội cho tất cả tội lỗi của tất cả mọi người trong mọi thời đại. Sự chuộc tội còn đến mãi mãi là sự khiến cho tội lỗi của người được tha thứ không hề bị nhắc lại bao giờ, và quan trọng hơn hết là rửa sạch bản tính tội lỗi của người ấy.

11 Nhưng Đấng Christ đã đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sẽ đến, bởi Đền Tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không do tay người dựng nên, nghĩa là không thuộc về cõi sáng tạo này.

Kể từ khi Đền Tạm trên đất được dựng nên, rồi Đền Thờ Thiên Chúa được xây dựng và tái xây dựng tại Giê-ru-sa-lem, cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ dâng mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người là một khoảng thời gian dài 1.473 năm (từ năm 1446 TCN đến năm 27). Trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều thế hệ thầy tế lễ thượng phẩm theo ban A-rôn đã dâng những sinh tế chuộc tội cho con dân Chúa trong Đền Tạm trên đất và Đền Thờ trên đất.

Sự dâng sinh tế chuộc tội là theo quy định của luật pháp do Đức Chúa Trời ban hành. Những sinh tế chuộc tội là những mạng sống của loài thú, được tuyển chọn theo luật định. Sự dâng sinh tế bằng mạng sống của loài thú khiến cho người có tội nhận biết cái giá phải trả cho tội lỗi là sự chết. Để người phạm tội được tha cho tội chết thì phải có một mạng sống vô tội gánh thay án phạt cho người ấy. Tuy nhiên, mạng sống của loài thú thì không thể nào thay thế cho mạng sống của loài người. Vì loài người là loài thọ tạo được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú chỉ là hình bóng của sự chính Thiên Chúa sẽ nhập thế làm người, dùng mạng sống loài người của Ngài để làm của lễ chuộc tội cho loài người.

Sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú chỉ có tính cách tạm thời và biểu tượng. Nghĩa là trong khi chờ đợi Đức Chúa Jesus Christ đến và hoàn thành sự chuộc tội cho loài người, thì Đức Chúa Trời chấp nhận sinh tế bằng mạng sống của loài thú, để tha tội cho người thật lòng ăn năn tội và nhờ thầy tế lễ dâng sinh tế chuộc tội, mỗi khi người ấy phạm tội. Ngoài ra, mỗi năm một lần còn có ngày Lễ Chuộc Tội để thầy tế lễ dâng sinh tế chuộc tội cho chính mình, cho gia đình mình, và cho toàn thể dân chúng.

Đức tin của người ăn năn tội thể hiện qua sự người ấy vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của loài thú, giúp cho người ấy được Đức Chúa Trời tha tội. Sự tha tội của Đức Chúa Trời không phải dựa trên mạng sống vô tội của một con thú, mà là dựa trên lòng ăn năn chân thật của người có tội và sự người ấy vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời. Hành động dâng sinh tế chuộc tội là bước đầu trở lại với sự vâng phục các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Toàn thể loài người trong mọi thời đại, từ A-đam cho đến người cuối cùng được sinh ra trong Vương Quốc Ngàn Năm, đều được Đức Chúa Trời tha tội nhờ vào sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ. Sự đổ máu của loài thú trong những sinh tế chuộc tội theo Giao Ước Cũ chỉ tiêu biểu cho sự đổ máu của Đấng Christ. Vì thế, con dân Chúa trong thời Cựu Ước dù được Đức Chúa Trời tha tội nhưng không có sự làm cho sạch bản tính tội. Chỉ đến khi Đấng Christ đổ máu làm sinh tế chuộc tội, thì máu của Đấng Christ mới có năng lực rửa sạch bản tính tội trong những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Máu đó cũng ban cho người tin nhận sức sống mới từ chính sự sống phục sinh của Đấng Christ. Những người tin thuộc về Hội Thánh còn được hiệp một với Đấng Christ và sẽ đồng trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời với Đấng Christ cho đến đời đời. Đó chính là “những sự tốt lành sẽ đến” do Đấng Christ làm cho hiện thực bởi chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn và đời đời của Ngài, khi Ngài bước vào trong Đền Tạm ở trên trời để dâng máu của chính Ngài làm sinh tế chuộc tội cho loài người.

Nhóm chữ “không thuộc về cõi sáng tạo này” có nghĩa là không thuộc về thế giới vật chất của chúng ta.

12 Cũng chẳng bởi máu của những dê đực và của những bò tơ, nhưng bởi chính máu của Ngài, Ngài một lần đi vào trong nơi thánh, tìm lấy sự cứu chuộc vĩnh hằng cho chúng ta.

Khác với những thầy tế lễ thượng phẩm dòng Lê-vi, theo ban A-rôn, Đức Chúa Jesus Christ dâng sinh tế chuộc tội cho loài người bằng chính mạng sống của Ngài. Máu vô tội của Ngài đã đổ ra để tội lỗi của loài người được Đức Chúa Trời tha thứ. Mạng sống của Ngài bị cất đi để loài người được Đức Chúa Trời làm cho sống lại từ thuộc thể đến thuộc linh. Ngài cũng không dâng sinh tế chuộc tội trong Nơi Rất Thánh của Đền Thờ trên đất. Mà Ngài đã dâng máu thánh của Ngài lên Đức Chúa Trời trong Nơi Rất Thánh của Đền Tạm trên trời. Rồi Ngài ngồi lại bên phải Đức Chúa Trời, trên ngai của Thiên Chúa, để tiếp tục công việc cầu thay cho con dân Chúa. Kể từ đó, Đền Tạm trên trời được gọi là Đền Thờ trên trời, vì có thầy tế lễ thượng phẩm thay cho loài người thờ phượng Đức Chúa Trời.

Động từ “tìm lấy” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là tìm kiếm và thu thập. Đức Chúa Jesus Christ đã vào trong Nơi Rất Thánh trong Đền Tạm ở trên trời, dâng máu thánh của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Nhờ đó, Ngài tìm gặp và nắm giữ sự tha thứ của Đức Chúa Trời cho sự phạm tội của loài người.

“Sự cứu chuộc vĩnh hằng” có nghĩa là sự cứu chuộc không bao giờ chấm dứt. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ không cần phải chịu chết nhiều lần để cứ tiếp tục dâng sinh tế chuộc tội. Sự cứu chuộc vĩnh hằng được Đức Chúa Trời ban cho loài người bởi sự một lần Đức Chúa Jesus Christ chịu chết để chuộc tội cho loài người. Mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ là mạng sống vô giới hạn của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt của loài người nên sự hy sinh của Ngài là một lần đủ cả. Đủ để chuộc tất cả những tội lỗi của mỗi người và đủ để chuộc tội cho tất cả mọi người.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, có ba từ ngữ có nghĩa tương tự với nhau:

  • Cho đến mãi mãi, nghĩa đen: Vào trong những thời đại.
  • Cho đến đời đời, nghĩa đen: Từ đời này sang đời khác hoặc vào trong mỗi thời đại.
  • Vĩnh hằng, nghĩa đen: Không bao giờ chấm dứt.

Trong câu này tính từ “không bao giờ chấm dứt” được dùng chung với danh từ “sự cứu chuộc” nên chúng tôi chọn dịch là “sự cứu chuộc vĩnh hằng”.

Chúng ta cần phải hiểu, sự chết và sự sống liên quan đến tội lỗi và sự cứu rỗi bao gồm sự chết và sự sống thuộc thể lẫn thuộc linh. Khi loài người phạm tội thì sự chết thuộc linh xảy ra trước, đó là sự loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Theo sau đó là sự chết thuộc thể, tức là thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi tâm thần là thân thể thiêng liêng và linh hồn là bản ngã. Sự chết thuộc thể khiến cho loài người chấm dứt hành động phạm tội. Trên một phương diện, sự chết thuộc thể cũng chính là sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với tội nhân. Sự chết thuộc thể chấm dứt sự tiếp tục phạm tội của tội nhân. Nhờ đó, trong ngày phán xét chung cuộc, tội nhân ít bị hình phạt hơn.

Ngay sau khi loài người phạm tội sự chết thuộc thể không xảy ra là vì sự thương xót của Đức Chúa Trời. Vì Ngài ban cho loài người cơ hội ăn năn để được Ngài tha thứ. Nhưng cũng có những trường hợp Đức Chúa Trời đánh chết kẻ phạm tội ngay sau một hành động phản nghịch. Vì kẻ phản nghịch ấy đã biết Chúa mà vẫn ngoan cố phạm tội, như chúng ta thấy nhiều lần đã xảy ra và được ghi chép trong Thánh Kinh. Chúa không muốn những kẻ ấy cứ tiếp tục phạm tội, làm đau khổ và làm gương xấu cho nhiều người khác; đồng thời sẽ gánh thêm nhiều án phạt cho chính họ. Vì mỗi người sẽ bị phán xét tùy theo mỗi việc đã làm trong ngày phán xét chung cuộc.

Những kẻ phạm tội không ăn năn cũng sẽ được sống lại phần thân thể xác thịt, nhưng để chịu phán xét và bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Trong khi những người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin cậy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì thân thể xác thịt sẽ được sống lại để hưởng hạnh phúc đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

13 Vì nếu máu của những bò đực và của những dê đực, cùng tro của bò cái con sắc hoe, rẩy trên những kẻ ô uế làm nên thánh cho sự làm sạch xác thịt;

14 thì máu của Đấng Christ, Đấng bởi thần quyền vĩnh hằng, dâng chính mình không tì vết lên Đức Chúa Trời, sẽ tẩy sạch lương tâm của các anh chị em khỏi những việc chết để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống, nhiều hơn biết bao?

Trong thời Cựu Ước, những thầy tế lễ thượng phẩm dùng máu của những sinh tế, như bò đực, dê đực (Lê-vi Ký 16) và tro của bò cái con sắc hoe (Dân Số Ký 19) để rẩy trên các bàn thờ và những kẻ bị ô uế, khiến cho họ được thánh hóa thân thể xác thịt của họ. Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ, bởi quyền lực từ trước cho đến vô cùng của Thiên Chúa, dâng thân thể và mạng sống không tội lỗi của Ngài lên Đức Chúa Trời, làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ có năng lực tẩy sạch bản tính tội lỗi trong những ai thật lòng ăn năn tội và tin cậy sự chết chuộc tội của Ngài. Nhờ đó, họ không còn phạm tội nữa mà đời sống của họ được dùng để làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Tính từ “vĩnh hằng” khi được dùng cho Thiên Chúa có nghĩa là mãi mãi về trước cho đến mãi mãi về sau. “Thần quyền vĩnh hằng” là quyền lực từ trước cho đến vô cùng của Thiên Chúa.

“Không tì không vết” hàm ý không hề phạm tội.

“Những việc chết” là những việc làm tội lỗi.

“Phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống” là sống trong những sự lành, làm trọn những sự lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người.

15 Bởi đó, Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới để sự chết của Ngài trở thành sự cứu chuộc những sự vi phạm dưới giao ước trước, để những ai đã được kêu gọi thì họ nhận được lời hứa về cơ nghiệp vĩnh hằng.

Cũng bởi hành động dâng chính mạng sống của mình làm sinh tế chuộc tội cho loài người mà Đấng Christ trở thành Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới. Trong vai trò trung bảo:

  • Đấng Christ bảo đảm với Đức Chúa Trời về sự sạch tội của những người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.
  • Đối với những người tin, Đấng Christ bảo đảm sự tha thứ của Đức Chúa Trời và sự hoàn thành mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cho những ai trung tín trong đức tin.

Chúng ta chú ý điều này: Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là để cứu chuộc chúng ta ra khỏi những sự vi phạm dưới giao ước trước, tức là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, trước khi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chép trên hai bảng đá và được ban hành trên núi Si-na-i vào năm 1446 TCN, thì cũng có sự phạm tội. Sự phạm tội trước thời Cựu Ước là sự phạm tội nghịch lại lương tâm của mỗi người mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người:

“Vì khi dân ngoại không có luật pháp mà tự nhiên làm những việc ở trong luật pháp, thì ấy là luật pháp cho họ dù họ không có luật pháp. Họ tỏ ra rằng, việc làm của luật pháp đã được viết trong lòng họ. Lương tâm của họ làm chứng trong khi các ý tưởng của họ hoặc là cáo giác hoặc là bênh vực.” (Rô-ma 2:14-15).

“Vì trước khi có luật pháp thì tội lỗi đã có trong thế gian, nhưng tội lỗi chưa bị lên án khi chưa có luật pháp.” (Rô-ma 5:13).

Lời Chúa đã nói rõ: Sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trở thành sự cứu chuộc những sự vi phạm dưới giao ước trước, tức Cựu Ước. Thế mà ngày nay những giáo sư giả trong các giáo hội lại giảng dạy rằng, Mười Điều Răn không còn áp dụng trong thời Tân Ước.

Đức Chúa Jesus Christ đã chết để cứu chuộc chúng ta ra khỏi hình phạt vì chúng ta vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Thế thì, tại sao sau khi chúng ta được cứu chuộc thì chúng ta trở lại tiếp tục vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời? Điển hình là vi phạm điều răn thứ tư? Có chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, sau khi một người ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy có thể vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, vì sau khi người ấy được cứu thì Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không còn áp dụng cho người ấy? Nếu là vậy, có phải sự chết của Đức Chúa Jesus Christ đã biến thành giấy phép phạm tội cho loài người? Có chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, con dân Chúa không cần vâng giữ điều răn thứ tư mà chỉ cần vâng giữ chín điều răn còn lại trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời [2]?

Đức Chúa Trời đã định sẵn cho loài người cai trị cơ nghiệp của Ngài là toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chỉ loài người là loài được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa và được ban cho quyền cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Khi loài người phạm tội thì Đức Chúa Trời đã ban cho loài người cơ hội được ăn năn tội, được tha tội, để được nhận lại địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời và cai trị cơ nghiệp của Ngài. Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ khiến cho những ai đáp lời kêu gọi của Đức Chúa Trời nhận được lời hứa về cơ nghiệp vĩnh hằng.

Cơ nghiệp vĩnh hằng là cơ nghiệp không bao giờ qua đi, không bao giờ kết thúc, là Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời trong trời mới đất mới.

16 Nơi nào có giao ước thì cần phải có sự chết của kẻ được chọn. [Kẻ được chọn để hy sinh mạng sống, ấn chứng cho giao ước. Sáng Thế Ký 15:9-10]

17 Giao ước chỉ có hiệu lực bởi những sự chết, vì nó không có hiệu lực khi kẻ được chọn còn sống.

Kể từ thời của Áp-ra-ham, khi một giao ước được thiết lập thì có sự hy sinh mạng sống của các sinh vật để ấn chứng cho giao ước (Sáng Thế Ký 15). Danh từ “kẻ được chọn” được dùng để chỉ các sinh vật được chọn làm sinh tế, lấy máu ấn chứng giao ước. Sự dùng máu để ấn chứng cho giao ước hàm ý: Những bên dự phần trong giao ước sẽ tôn trọng nội dung của giao ước bằng chính mạng sống của mình.

Danh từ “giao ước” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh còn có nghĩa là “di chúc”. Di chúc là ý muốn của một người để lại trước khi chết. Nội dung của di chúc chỉ có thể được thực hiện sau khi người lập di chúc chết. Tuy nhiên, nghĩa được dùng trong Hê-bơ-rơ 9:16-17 không phải là “di chúc” mà là “giao ước”.

18 Chẳng phải giao ước trước được lập không bởi máu.

19 Vì khi Môi-se đã phán mọi điều răn theo luật pháp cho hết thảy dân chúng. Ông lấy máu của những bò tơ và của những dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía, và nhành kinh giới rẩy cả trên sách và trên dân chúng,

20 nói rằng: Này là máu của sự giao ước mà Đức Chúa Trời đã truyền cho các ngươi. [Xuất Ê-díp-tô Ký 24:8]

Khi Cựu Ước được Đức Chúa Trời thiết lập với loài người qua dân I-sơ-ra-ên thì cũng được ấn chứng bởi máu của những bò tơ và những dê đực (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:5). Những dê đực bị giết để làm của lễ thiêu. Những bò tơ bị giết để làm của lễ thù ân (tạ ơn). Môi-se đã rẩy máu của những sinh tế trên Sách Giao Ước, còn gọi là Sách Luật Pháp, và trên dân I-sơ-ra-ên.

Máu của những sinh tế được pha với nước để tránh bị đông đặc, và cũng là biểu tượng của máu và nước ra từ thân thể của Đấng Christ khi Ngài dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho loài người.

Máu là giá trả cho sự cứu chuộc:

“Vậy, các anh em hãy giữ lấy mình và hết thảy bầy mà Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Nước là sự ban truyền sự sống:

“Nhưng ai uống nước Ta sẽ ban cho người ấy, thì sẽ chẳng khát nữa. Nước mà Ta sẽ ban cho người ấy sẽ thành một nguồn nước trong người ấy, tuôn trào vào trong sự sống vĩnh hằng.” (Giăng 4:14).

“Hết thảy đã uống cùng một thức uống thiêng liêng. Vì họ đã uống từ một vầng đá thiêng liêng theo với họ. Vầng đá ấy tức là Đấng Christ.” (I Cô-rinh-tô 10:4).

Dây nhung đỏ tía tiêu biểu cho dòng máu cao quý của Đấng Christ xuyên suốt Thánh Kinh, xuyên suốt mọi thời đại, và xuyên suốt cuộc đời của mỗi con dân Chúa, là sự hiện diện của ân điển Thiên Chúa.

Cây kinh giới là một loài dược thảo, có tính khử trùng, tiêu biểu cho sự thanh tẩy.

Máu sinh tế được rẩy trên Sách Giao Ước để ấn chứng giao ước và được rẩy trên dân chúng để ấn chứng họ được bao phủ bởi các điều khoản trong giao ước.

21 Cũng vậy, ông rẩy máu trên cả Đền Tạm cùng hết thảy những khí cụ của sự phụng sự.

Chúng ta không thấy nơi nào trong Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại sự kiện Môi-se rẩy máu của sinh tế trên cả Đền Tạm cùng hết thảy những khí cụ được dùng trong sự phụng sự Đức Chúa Trời trong Đền Tạm. Khi Giao Ước Cũ được thiết lập thì Đền Tạm chưa được dựng nên. Khi Đền Tạm được dựng nên thì Môi-se theo lệnh truyền của Đức Chúa Trời, đã làm lễ xức dầu cho Đền Tạm và các khí cụ dùng trong Đền Tạm để thánh hóa chúng, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 40:9. Sử Gia Josephus người Do-thái đã viết rằng, chẳng những Đền Tạm và các khí cụ mà cả quần áo của các thầy tế lễ cũng đều được Môi-se rẩy máu của sinh tế lên. Có thể chi tiết này được ghi lại trong các sách của dòng Lê-vi, ghi chép về công việc của thầy tế lễ. Sứ Đồ Phao-lô là một nghị viên của Tòa Công Luận Do-thái, được huấn luyện bởi giáo sư danh tiếng thời bấy giờ là Ga-ma-li-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:3), nên có thể Phao-lô đã được học biết về các chi tiết liên quan đến Đền Tạm và chức vụ thầy tế lễ.

Vì cả Thánh Kinh được Thiên Chúa hà hơi, tức thần cảm, ban sự sống (II Ti-mô-thê 3:16), nên chúng ta dựa vào Hê-bơ-rơ 9:21 để tin rằng, Đền Tạm và các khí cụ của Đền Tạm đã được Môi-se rẩy máu của các sinh tế lên trên.

Dầu được xức cho Đền Tạm và các khí cụ của Đền Tạm tiêu biểu cho thánh linh của Thiên Chúa bao phủ Đền Tạm và mọi khí cụ của Đền Tạm; chúng được biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Máu của sinh tế được rẩy trên Đền Tạm và các khí cụ của Đền Tạm tiêu biểu cho mọi việc do tay loài người làm ra cần phải được tẩy sạch khỏi sự ô nhiễm tội lỗi từ loài người.

Trên một phương diện, Đền Tạm làm hình bóng cho Hội Thánh, các khí cụ của Đền Tạm làm hình bóng cho các mục vụ trong Hội Thánh. Hội Thánh và các mục vụ trong Hội Thánh phải được bao phủ bởi máu của Đấng Christ để không bị nhiễm sự ô uế của tội lỗi.

Trên một phương diện khác, Đền Tạm làm hình bóng cho thân thể xác thịt của chúng ta, mọi khí cụ dùng trong Đền Tạm làm hình bóng cho mọi sự hầu việc Chúa của chúng ta. Thân thể của chúng ta và mọi hành động hầu việc Chúa của chúng ta cũng cần được bao phủ bởi máu của Đấng Christ.

22 Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật được tẩy sạch bởi máu. Nếu không có sự đổ máu thì không có sự tha thứ.

Sự tẩy sạch được nói đến ở đây là sự tẩy sạch khỏi những ô uế do tội lỗi mang đến. Vì tiền công của tội lỗi, tức hậu quả của tội lỗi, là sự chết, cho nên, để rửa sạch tội thì cần phải có máu vô tội, tức là cần có sự chết thay. Dù vậy, máu của các loài thú dâng làm sinh tế trong thời Cựu Ước không thể rửa sạch bản tính tội lỗi của loài người. Chúng chỉ giúp cho loài người được Đức Chúa Trời tha thứ và tẩy sạch những vật dụng bị ô uế bởi sự đụng chạm của loài người tội lỗi. Nhưng máu của Đức Chúa Jesus Christ có năng lực tẩy sạch bản tính tội lỗi của bất cứ những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất của loài người là tội tự thần tượng hóa mình, tự tôn mình làm Đức Chúa Trời của mình, thể hiện qua sự kiêu ngạo, ích kỷ, và lòng tự ái không đúng. Máu của Đức Chúa Jesus Christ đã rửa sạch tội ấy cho những ai chọn ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì thế, khi chúng ta nhìn thấy người nào xưng mình là con dân Chúa mà vẫn kiêu ngạo, ích kỷ, tự ái không đúng, thì chúng ta biết ngay, người ấy chưa thật sự ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người ấy chưa thật sự ăn năn tội. Người ấy vẫn tôn thờ “thần tôi”.

Một người thật sự ăn năn tội và tin nhận Thiên Chúa thì hoàn toàn hạ mình, khiêm nhường, xem những người khác là tôn trọng hơn mình, yêu những người lân cận như chính mình, và yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình, sẵn sàng vì anh chị em cùng đức tin của mình mà hy sinh mạng sống, phương tiện sống.

23 Vậy, nếu những kiểu mẫu của những sự trong các tầng trời thật cần được tẩy sạch với các sự ấy, thì chính những sự thuộc về trời phải nhờ sinh tế tốt hơn các sự ấy.

Động từ “được tẩy sạch” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là rửa cho sạch khỏi những sự nhơ bẩn, và có các nghĩa bóng là:

  • Được thoát khỏi sự ô uế bởi tội lỗi.
  • Được làm cho sạch sự gian ác trong bản tính.
  • Được thoát khỏi mọi mặc cảm và trách nhiệm về sự phạm tội.
  • Được rửa khỏi mọi ô uế bởi tội lỗi để dâng lên Thiên Chúa.

“Những kiểu mẫu của những sự trong các tầng trời” là Đền Tạm trên đất và các khí cụ của nó.

“Được tẩy sạch với các sự ấy” là được tẩy sạch bởi máu của những sinh tế, nước, và nghi thức thanh tẩy. Đền Tạm trên đất và các khí cụ của nó được làm ra theo kiểu mẫu của Đền Tạm trên trời đã là thiêng liêng, nhưng vẫn cần phải được tẩy sạch những ô uế bị nhiễm bởi sự đụng chạm của loài người tội lỗi.

“Những sự thuộc về trời” là Đền Tạm ở trên trời và các khí cụ của nó. Đền tạm ở trên trời thì không cần tẩy uế nhưng cần có máu thánh cao trọng hơn máu của những gia súc, để thanh tẩy tội lỗi của loài người. Không thể dùng máu của gia súc trong Đền Tạm trên trời. Khi Đức Chúa Jesus Christ chính thức bước vào Đền Tạm ở trên trời để dâng của lễ chuộc tội cho loài người, thì Ngài đã dùng chính máu của Ngài.

“Những sự thuộc về trời” còn là những người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, mà thân thể họ là Đền Thờ Thiên Chúa, được bao phủ bởi máu thánh của Đấng Christ.

“Sinh tế tốt hơn các sự ấy” là mạng sống không nhiễm tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Máu được dùng để rẩy lên Đền Tạm ở trên trời, Rương Giao Ước ở trên trời, bàn thờ ở trên trời phải là máu vô tội của một mạng sống loài người, không thể là máu của thú vật như được dùng trong Đền Tạm và các khí cụ trên đất.

Những người thuộc về trời cần được thanh tẩy bởi máu của Đấng Christ để họ được thoát khỏi sự ô uế bởi tội lỗi, được làm cho sạch sự gian ác trong bản tính, được thoát khỏi mọi mặc cảm và trách nhiệm về sự phạm tội để họ có thể dâng chính mình lên Đức Chúa Trời, làm những của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời. Và họ xứng đáng để Thiên Chúa ngự vào bên trong họ, hiện diện trong họ cho đến đời đời.

24 Vì Đấng Christ chẳng vào các nơi thánh bởi tay người làm ra theo các kiểu mẫu của nơi thánh thật, mà là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời.

Trong thực tế, Đấng Christ đã vào trong Đền Tạm trên trời để dâng máu của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho loài người; và Ngài đã ở lại nơi đó để hằng cầu thay cho chúng ta, là những người thuộc về Ngài. Kể từ đó, Đền Tạm trên trời được gọi là Đền Thờ, vì có Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn và đời đời thay cho con dân của Đức Chúa Trời phụng sự Đức Chúa Trời, qua các nghi thức thờ phượng Đức Chúa Trời.

25 Ngài cũng chẳng dâng chính mình Ngài nhiều lần, như thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm đi vào bên trong các nơi thánh với máu của kẻ khác.

26 Nếu không, thì Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần từ khi lập nền của thế gian. Nhưng hiện nay, lúc cuối cùng của các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, cất tội lỗi đi, bởi sự dâng chính mình làm sinh tế.

Không như sự dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của những gia súc mà thầy tế lễ thượng phẩm phải thực hiện mỗi khi có người phạm tội và ăn năn. Cũng không như sự kiện mỗi năm một lần thầy tế lễ thượng phẩm phải dâng sinh tế chuộc tội bằng mạng sống của những gia súc chung cho toàn dân trong ngày Lễ Chuộc Tội. Sự Đức Chúa Jesus Christ dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người chỉ xảy ra một lần khi thời điểm đến.

Vì máu của thú vật chỉ có giá trị chuộc tội một lần nên mỗi khi có sự phạm tội thì phải có một sự dâng sinh tế chuộc tội, phải có một mạng sống khác của thú vật bị hy sinh. Máu của thú vật cũng không có năng lực rửa sạch bản tính tội của loài người. Nhưng máu của Đức Chúa Jesus Christ là máu của một người vô tội, mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ là mạng sống của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt của loài người. Máu của Đức Chúa Jesus Christ có năng lực rửa sạch bản tính tội trong những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ dư dật để cứu chuộc mạng sống của toàn thể loài người.

Đức Chúa Jesus Christ không cần phải chịu chết mỗi khi có người phạm tội. Ngài cũng không cần phải chết trong thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước. Ngài chỉ cần chịu chết một lần đủ cả để cứu chuộc mọi tội nhân từ trong quá khứ, đến hiện tại, lẫn tương lai.

“Ngài không chịu khổ nhiều lần” có nghĩa là Ngài không bị sỉ nhục, đánh đập, và bị giết nhiều lần.

“Từ khi lập nền thế gian” là từ khi sáng thế, từ khi Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và đất cùng muôn vật trong chúng, rồi đặt để loài người cai trị đất.

“Hiện nay, lúc cuối cùng của mọi thời đại” là thời đại Hội Thánh, khi Đức Chúa Trời chuẩn bị kết thúc sự tự trị của loài người trên đất. Thời điểm này bắt đầu từ khi Đức Chúa Jesus được sinh ra để làm Đấng Christ và kéo dài cho đến khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, mở đầu cho Kỳ Tận Thế.

27 Theo như đã định cho loài người: Chết một lần, sau đó là sự phán xét.

Sự chết là hậu quả của sự phạm tội. Sự phạm tội là sự không vâng phục Thiên Chúa. Sự chết đã được định sẵn cho sự phạm tội của loài người:

“Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho loài người, phán rằng: Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.” (Sáng Thế Ký 2:16-17).

“Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng Thế Ký 3:19).

Sau sự chết là sự phán xét về mỗi một tội lỗi mà mỗi người đã làm ra, tức mỗi một sự mỗi người không vâng phục Thiên Chúa. Đấng Christ là Đấng sẽ thi hành sự phán xét:

“Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó, mà nay truyền cho tất cả mọi người trong mọi nơi hãy ăn năn. Vì Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ phán xét thế gian trong sự công chính, trong Người mà Ngài đã lập. Ngài đã ban sự chắc chắn về điều ấy cho hết thảy mọi người bởi sự khiến Người từ kẻ chết sống lại.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:30-31).

“Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.” (Khải Huyền 20:12).

Sự chết vì phạm tội và sự bị phán xét về mỗi tội lỗi đã được Đức Chúa Trời định sẵn cho loài người. Nhưng không phải tất cả mọi người đều chết hoặc đều bị phán xét. Có những người được Đức Chúa Trời tha thứ cho sự phạm tội của họ vì họ biết ăn năn và tin cậy Đức Chúa Trời, như Hê-nóc và Tiên Tri Ê-li đã được cất lên trời mà không qua sự chết, như con dân Chúa trong Hội Thánh còn sống trong thân thể xác thịt trong ngày Đấng Christ hiện ra để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng. Tất cả những ai thật lòng ăn năn tội và tin cậy Thiên Chúa sẽ không bị phán xét về những tội lỗi đã phạm:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê-sai 1:18).

“Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus, là những người không bước theo xác thịt nhưng bước theo thần trí. Vì luật pháp của Đấng Thần Linh Sự Sống trong Đấng Christ Jesus đã giải cứu tôi khỏi luật pháp của sự tội lỗi và sự chết.” (Rô-ma 8:1-2).

Sự từ ái của Đức Chúa Trời thật lớn rộng vô cùng. Chúng ta hãy hết lòng vâng phục Ngài, sống theo Lời Ngài để không phụ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.

28 Vậy, Đấng Christ đã một lần dâng mình để gánh lấy những tội lỗi của nhiều người. Ngài sẽ hiện ra lần thứ nhì cho những ai chờ đợi Ngài; không phải để cất đi tội lỗi nhưng để dẫn họ vào trong sự cứu rỗi.

Sự cứu chuộc loài người ra khỏi bản tính tội lỗi và hậu quả của tội lỗi đã được Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành một lần đủ cả. Một ngày không còn bao lâu nữa, Đức Chúa Jesus Christ sẽ hiện ra lần thứ nhì cho Hội Thánh của Ngài. Hội Thánh là tập thể bao gồm tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa, kể từ khi Hội Thánh được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27 cho đến ngày Đấng Christ hiện ra lần thứ nhì. Hội Thánh bao gồm những người đã chết lẫn những người đang sống.

Lần hiện ra thứ nhất của Đức Chúa Jesus Christ là để chịu chết thay cho loài người, cất đi bản tính tội lỗi của loài người và cứu loài người ra khỏi mọi hình phạt của tội lỗi. Lần hiện ra thứ nhì của Đức Chúa Jesus Christ không còn là công việc chuộc tội nữa mà là để đem Hội Thánh vào trong sự cứu rỗi đời đời khi Ngài phục sinh thân thể xác thịt đã chết của họ, hoặc biến hóa thân thể xác thịt đang sống của họ thành những thân thể xác thịt vinh quang, bất tử.

Những người chờ đợi Đức Chúa Jesus Christ là những người trung tín sống theo Lời Chúa. Nhiều người mang danh là con dân Chúa nhưng vẫn đang sống trong tội nên họ lo sợ ngày Đấng Christ trở lại. Vì họ biết khi ngày ấy đến, họ sẽ bị bỏ lại, vì họ không thật sự thuộc về Hội Thánh.

Điều quan trọng mỗi người cần ghi nhớ là: Chỉ cần thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì được cứu rỗi. Nhưng nếu muốn cứ ở trong sự cứu rỗi, cứ mãi thuộc về Hội Thánh thì phải hết lòng sống theo Lời Chúa. Bất cứ ai sau khi được cứu mà quay về tiếp tục vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, sống trong tội thì sẽ đương nhiên mất sự cứu rỗi, bị chính Đức Chúa Jesus Christ mửa ra, và sẽ không còn cơ hội để ăn năn (Hê-bơ-rơ 12:15; Khải Huyền 3:16; Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-31).

Sự con dân Chúa phạm tội vì thiếu hiểu biết, vì vô ý, vì yếu đuối nhất thời hoàn toàn khác với sự cố tình sống trong tội, cố tình tiếp tục vi phạm các điều răn của Thiên Chúa để thỏa mãn ý riêng hoặc vì hèn nhát, sợ bị bắt bớ mà không dám sống theo Lời Chúa, không dám vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta hơn bảy mươi lần bảy những sự vấp phạm vì thiếu hiểu biết, vì vô ý, vì yếu đuối nhất thời của chúng ta. Nhưng Ngài sẽ mửa chúng ta ra khi chúng ta cứng lòng, không ăn năn, cứ sống trong tội.

Nguyện Lời Chúa đem lại sự khôn sáng và thánh hóa cho mỗi một chúng ta (Giăng 17:17). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/06/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-5_12-21/

[2] https://timhieutinlanh.com/cac-bai-lien-quan-den-ngay-sa-bat/

Karaoke Thánh Ca: “Lời Ngài Cho Con Đây Nên Thánh”
https://karaokethanhca.net/loi-ngai-cho-con-day-nen-thanh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
    Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.