Chú Giải I Cô-rinh-tô 01:18-31 Khái Niệm Sai Lầm về Tin Lành

3,862 views

Nguồn: https://youtu.be/FZ-zNB1RhbU

Chú Giải I Cô-rinh-tô 1:18-31
Khái Niệm Sai Lầm về Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 1:18-31

18 Vì Lời của thập tự giá, thực tế là ngu dại cho những kẻ bị hư mất; nhưng đối với chúng ta, những người được cứu chuộc, là năng lực của Thiên Chúa.

19 Vì có chép: Ta sẽ hủy phá sự khôn sáng của người khôn sáng, tiêu trừ trí khôn của người thông minh. [Ê-sai 29:14; Thi Thiên 33:10]

20 Người khôn sáng ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận của đời này ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn sáng của thế gian này ra ngu dại?

21 Vì rằng, trong sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, thế gian bởi sự khôn sáng của nó chẳng biết Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vui dùng sự bị xem là ngu dại của sự rao giảng Tin Lành để cứu những người tin.

22 Khi người Do-thái đòi hỏi dấu lạ và người Hy-lạp tìm sự khôn sáng,

23 thì chúng tôi giảng Đấng Christ bị đóng đinh. Thực tế, đối với người Do-thái là sự vấp phạm, còn đối với người Hy-lạp là sự ngu dại.

24 Nhưng đối với những người được gọi, cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp, thì Đấng Christ là năng lực của Thiên Chúa và sự khôn sáng của Thiên Chúa.

25 Bởi vì người ngu dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn những người khác; và người yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ hơn những người khác.

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy xem xét sự kêu gọi của các anh chị em, rằng không có nhiều người khôn sáng theo xác thịt, chẳng có nhiều người quyền thế, chẳng có nhiều người sang trọng.

27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những người dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những người yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh;

28 Đức Chúa Trời đã chọn những người hèn hạ của thế gian, những người bị khinh chê, cùng những người không có gì để làm cho những người có mọi sự ra không có;

29 để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.

30 Bởi Ngài mà các anh chị em ở trong Đấng Christ Jesus, Đấng ra từ Thiên Chúa đã được làm thành sự khôn sáng, sự công chính, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta;

31 để cho, như đã chép: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa! [Giê-rê-mi 9:24]

Một trong các nguyên nhân gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh là khái niệm sai lầm về Tin Lành, khi con dân Chúa không nhận thức được rằng, sự cứu rỗi trong Tin Lành là sự ban cho của Đức Chúa Trời chứ không do sự khôn sáng hay năng lực của loài người.

Như chúng ta đã biết, danh từ “Tin Lành” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là tin tức tốt lành. Tin tức tốt lành ấy là tin tức về sự Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi, là sự Ngài tha thứ loài người mọi tội lỗi họ phạm khi họ sống không đúng theo luật pháp của Ngài mà Ngài đã đặt để trong lương tâm của họ; và Ngài cứu họ ra khỏi hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời trong hỏa ngục. Sự cứu rỗi ấy chỉ có thể có bởi sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, mang tên Jesus, gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người, bằng cách chịu chết trên thập tự giá. Loài người chỉ có thể được cứu rỗi nếu thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Con Người Jesus.

Tin Lành về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người không phải là việc làm của loài người. Đó là việc làm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi cho loài người. Đức Chúa Jesus Christ gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người. Đức Thánh Linh tác động vào thần trí của loài người: soi sáng họ, cáo trách họ, kêu gọi họ để họ ăn năn tội, tiếp nhận Tin Lành; và Ngài ban cho họ thánh linh của Thiên Chúa, tức sự sống và năng lực từ Thiên Chúa, sau khi họ tin nhận Tin Lành, để họ sống một đời sống mới trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa.

Nếu có ai cho rằng, mình tốt hơn nhiều người, hoặc mình ít phạm tội hơn nhiều người, hoặc mình có học thức hơn nhiều người, hoặc mình có địa vị xã hội cao trọng hơn nhiều người, v.v., nên mình xứng đáng với Tin Lành hơn nhiều người; rồi người ấy tự cho rằng, mình và những người tương tự như mình cao trọng hơn những người khác trong Hội Thánh, thì người ấy đã không có sự hiểu biết căn bản đúng về Tin Lành. Người ấy trở thành người tạo ra phe đảng, bè phái trong Hội Thánh, dẫn đến sự phân rẽ trong Hội Thánh.

Nhiều năm trước đây, khi chúng tôi còn sinh hoạt trong giáo hội, quản nhiệm một Hội Thánh địa phương, được nghe một người là dược sĩ, nói với chúng tôi rằng, người ấy muốn thành lập một Hội Thánh dành riêng cho các con dân Chúa tốt nghiệp đại học, là các kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ… Người ấy tin Chúa nhiều năm, là chấp sự trong Hội Thánh, nhưng lại không có khái niệm đúng về Tin Lành; cũng không có khái niệm đúng về Hội Thánh.

Cũng có trường hợp vì có khái niệm sai lầm về Tin Lành mà con dân Chúa thần tượng hóa ai đó trong Hội Thánh, lập ra những nhóm, những phong trào, những giáo hội, tôn người ấy làm đầu của Hội Thánh. Chỉ có Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, các trưởng lão trong Hội Thánh nhận quyền từ Đấng Christ để cai trị Hội Thánh tại địa phương.

Trong các trưởng lão, có người là người chăn, cho con dân Chúa ăn thức ăn thuộc linh đúng giờ bằng sự giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa; có người là tiên tri để cảnh báo và cáo trách con dân Chúa về những nguy hiểm thuộc linh hoặc những lỗi lầm; có người là giám mục, đứng đầu các trưởng lão để điều hành mọi sinh hoạt của Hội Thánh. Nếu là một Hội Thánh địa phương ít người, chỉ có một trưởng lão thì người trưởng lão ấy kiêm nhiệm vai trò giám mục, người chăn, và tiên tri của Hội Thánh địa phương ấy, cho tới khi Hội Thánh phát triển, thêm người, và Đấng Christ gọi thêm nhiều người vào chức vụ trưởng lão.

Nhiều người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tin Chúa, thậm chí cả ba bốn đời đều mang các chức vụ trong Hội Thánh, nhưng vẫn không có khái niệm đúng về Tin Lành, dẫn đến sự phân rẽ trong Hội Thánh. Vì các giáo hội đã dẫn dắt họ đi sai lạc Lời Chúa. Một trong những sai lầm của các giáo hội là biến các chức vụ trong Hội Thánh thành ra một giai cấp, gọi là “hàng giáo phẩm”. Trong các giáo hội tại Việt Nam thì “hàng giáo phẩm” bao gồm các chức vụ: giáo sĩ, nhà truyền giáo, mục sư, và thầy truyền đạo. Theo định nghĩa của các giáo hội tại Việt Nam thì:

  • Giáo sĩ là người rao giảng Tin Lành cho các dân tộc khác ở ngoại quốc.
  • Nhà truyền giáo là người rao giảng Tin Lành trong nước hoặc rao giảng Tin Lành cho Việt kiều ở ngoại quốc.
  • Mục sư là người quản nhiệm một Hội Thánh địa phương. Mục sư có nghĩa là thầy chăn. Danh từ này được dùng để dịch một cách sai lầm danh từ “người chăn” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước. Lý do Hội Thánh tại Việt Nam gọi chức vụ người chăn là “mục sư” và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch chức vụ người chăn thành “mục sư” có lẽ là do bắt chước cách gọi và cách dịch của người Trung Quốc. Người Trung Quốc nhiễm nặng tư tưởng Khổng Giáo nên khi dịch chức vụ người chăn trong Ê-phê-sô 4:11 thì Hội Thánh tại Trung Quốc đã dịch thành “mục sư”; và theo đó mà gọi người chăn bầy của Chúa là “mục sư”. Điều lạ là trong khi danh từ người chăn dành được dùng cho Đức Chúa Jesus vẫn được dịch đúng là người chăn (Giăng 10) nhưng dùng cho chức vụ trong Hội Thánh thì lại dịch là “mục sư”. Đức Chúa Jesus dạy: “Môn đồ không hơn thầy của mình; nhưng ai trọn vẹn thì sẽ bằng thầy của mình.” (Lu-ca 6:40). Vì thế không thể nào Đức Chúa Jesus là người chăn mà những người được Ngài gọi vào chức vụ chăn bầy cho Ngài lại có thể xưng mình là “thầy chăn”, tức “mục sư”. Xin quý ông bà, anh chị em đọc bài: Về Danh Xưng “Mục Sư” và “Reverend” trên timhieuthanhkinh.com [1].
  • Thầy truyền đạo là người mới tốt nghiệp trường Thần học, đang thực tập quản nhiệm một Hội Thánh địa phương dưới quyền một mục sư, hoặc đang phụ tá cho một mục sư.

Đó là theo sự tổ chức “hàng ngũ giáo phẩm” của các giáo hội.

Tuy nhiên, trong Thánh Kinh chỉ có chức vụ sứ đồ và chức vụ người giảng Tin Lành [2], [3]. Những sứ đồ làm công việc truyền giáo, tức chuyên việc rao giảng Tin Lành cho muôn dân, bất kể là người thuộc dân tộc nào, ở tại quốc gia nào. Khi có người tin Chúa thì những sứ đồ tiếp tục dạy Lời Chúa cho họ và thành lập Hội Thánh tại địa phương. Những người giảng Tin Lành cũng làm công việc rao giảng Tin Lành cho muôn dân như những sứ đồ, nhưng không ở lại để xây dựng và gây dựng một Hội Thánh địa phương. Trong Thánh Kinh cũng không có chức vụ thầy truyền đạo lẫn chức vụ mục sư mà chỉ có chức vụ người chăn và người dạy [4]. Lại càng không hề có sự kiện từ chức vụ “thầy truyền đạo” theo thời gian được lên chức vụ “mục sư”. Trong Hội Thánh chỉ có chức vụ (tức là danh xưng của người làm một công việc nào đó) chứ không có chức vị (địa vị xã hội của một người làm một công việc nào đó) nên không có chuyện thăng chức hay giáng chức.

Con dân Chúa mà có khái niệm sai lầm về Tin Lành thì e rằng, họ sẽ chỉ được cứu dường như qua lửa. Vì trọn phần đời đi theo Chúa của họ, mọi việc làm của họ trong danh Chúa chỉ có phần nào ích lợi tạm thời trong đời này mà không còn lại đến đời sau. Vì những việc làm ấy dựa trên sự hiểu biết sai lầm của họ mà phục vụ cho danh tiếng của bản thân, phe phái, bè đảng, và giáo hội hơn là phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh.

I Cô-rinh-tô 1:18-31 nói đến khái niệm sai lầm về Tin Lành của một số người, khi họ dựa vào sự khôn sáng của xác thịt để nhận thức Tin Lành.

18 Vì Lời của thập tự giá, thực tế là ngu dại cho những kẻ bị hư mất; nhưng đối với chúng ta, những người được cứu chuộc, là năng lực của Thiên Chúa.

Chữ “Lời” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có mạo từ xác định đứng trước. Theo văn mạch, nghĩa của nó là sự giảng dạy hoặc lý lẽ. Lời của thập tự giá có nghĩa là sự giảng dạy về thập tự giá, giáo lý về thập tự giá; hoặc lý lẽ của thập tự giá.

Trong thực tế, những người cứng lòng, chỉ muốn sống nếp sống thỏa mãn những sự tham muốn của xác thịt, không thể nhận thức sự giảng dạy về thập tự giá. Thần trí của họ đã bị Sa-tan làm cho đui mù, nên họ không còn có thể nhìn thấy ánh sáng của chân lý (II Cô-rinh-tô 4:4). Vì thế, họ cho rằng, những lý lẽ về thập tự giá là ngu dại. Họ đã tự làm cho lương tâm của họ trở nên chai lì bởi sự phạm tội của họ (I Ti-mô-thê 4:2). Phần đã định của họ là sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Ngược lại, đối với những con dân chân thật của Chúa, là những người thật lòng tin nhận sự giảng dạy về thập tự giá, được hưởng ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, thì những lý lẽ của thập tự giá chính là sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa. Sức mạnh ấy cứu họ ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, làm cho họ được sống lại và sống mãi trong hạnh phúc với Thiên Chúa.

“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, vì là năng lực của Thiên Chúa để cứu tất cả những ai tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp; [Danh từ người Hy-lạp theo nghĩa rộng là: Các dân ngoại (dân không thuộc chủng tộc Do-thái).]” (Rô-ma 1:16).

Trước khi tin nhận Lời của thập tự giá thì họ không thể không phạm tội, vì sức mạnh của tội lỗi đã bắt phục họ. Sau khi tin nhận Lời của thập tự giá thì họ dễ dàng đắc thắng mọi cám dỗ của tội lỗi nhờ sức toàn năng của Thiên Chúa, miễn là lòng họ biết chán ghét tội lỗi, không muốn trở lại phạm tội. Chính nhờ kinh nghiệm sự đắc thắng tội lỗi mà họ biết chắc, họ đã được dựng nên mới, họ sẽ sống lại hoặc sẽ được biến hóa, và sống đời đời trong Nước Trời. Bởi đó mà sự bình an của Đấng Christ bao phủ họ và ngập tràn trong họ (Giăng 14:27).

19 Vì có chép: Ta sẽ hủy phá sự khôn sáng của người khôn sáng, tiêu trừ trí khôn của người thông minh. [Ê-sai 29:14; Thi Thiên 33:10]

Câu này nhắc lại ý tưởng trong Ê-sai 29:14 và Thi Thiên 33:10. Trí khôn là khả năng nhận thức, lý luận, đúc kết để có sự hiểu biết. Sự khôn sáng là sự hiểu biết và áp dụng sự hiểu biết vào cuộc sống. Người thông minh là người có sự hiểu biết sâu rộng nhờ biết vận dụng trí khôn. Đức Chúa Trời là Đấng ban cho loài người trí khôn và sự khôn sáng vì loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:26 [5]). Khi cần, Đức Chúa Trời sẽ khiến cho người thông minh không còn khả năng nhận thức và suy luận; khiến cho sự khôn sáng của người ấy bị mất đi. Điển hình là sự kiện Vua Nê-bu-cát-nết-sa vì kiêu ngạo nên đã bị Đức Chúa Trời làm cho bị mất trí, sống như thú vật, ăn cỏ như bò trong suốt bảy năm (Đa-ni-ên 4:24-37). Gần đây nhất, trong lịch sử cận đại, Đức Chúa Trời đã khiến cho mưu kế của các nước Ả-rập, với ý tưởng dùng lực lượng liên minh quân sự của họ quét sạch dân I-sơ-ra-ên xuống biển, bị bẻ gãy trong Cuộc Chiến Sáu Ngày vào tháng Sáu năm 1967, khiến cho dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên sau khi họ bị mất chủ quyền hơn 2550 năm (587 TCN – 1967) [6].

20 Người khôn sáng ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận của đời này ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn sáng của thế gian này ra ngu dại?

Danh từ “thầy thông giáo” trong Thánh Kinh Tân Ước được dùng để gọi những người I-sơ-ra-ên phụ trách việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh trong Do-thái Giáo. Danh từ “người biện luận” được dùng để gọi những nhà hùng biện giỏi về tranh luận trong các vấn đề liên quan đến triết học, nhất là về luân lý, đạo đức. Cả hai đều thuộc về những người khôn sáng trong dân I-sơ-ra-ên và các dân ngoại nhưng họ lại không thể nhận biết lý lẽ của thập tự giá qua Lời của thập tự giá. Đó là vì họ đã dùng lý trí và sự khôn sáng của xác thịt để tìm hiểu Tin Lành.

Khi Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, Ngài đã khiến cho những người có tâm trí khôn sáng trong thế gian không thể vận dụng sự khôn sáng xác thịt của họ để hiểu biết ý nghĩa của Tin Lành. Từ khôn sáng họ trở nên ngu dại, vì không nhận thức được lẽ thật quan trọng nhất trong cuộc đời của họ, là lẽ thật có năng lực giải cứu họ khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Trái lại, tâm trí của những trẻ thơ hay của những ai có lòng đơn sơ, khiêm nhường như trẻ thơ, lại có thể hiểu được Tin Lành:

“Lúc đó, Đức Chúa Jesus đáp lời và phán: Hỡi Cha! Chúa của trời đất! Con cảm tạ Ngài! Vì Ngài đã giấu những điều này khỏi những người khôn sáng, những người thông minh, mà đã tỏ chúng ra cho những trẻ thơ.” (Ma-thi-ơ 11:25).

Sự khôn sáng của thế gian không thể hiểu được những sự thuộc về thiêng liêng.

“Con người xác thịt không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì đối với người ấy chúng là sự ngu dại, và người ấy cũng không thể hiểu được, vì chúng phải được xem xét cách thiêng liêng.” (I Cô-rinh-tô 2:14).

Chỉ những ai có tấm lòng khiêm nhường, tìm kiếm Thiên Chúa, muốn sống công chính theo luật pháp của Thiên Chúa thì họ mới được Đức Chúa Trời ban cho sự nhận thức Lời của thập tự giá qua sự hành động của Đức Thánh Linh trong thần trí của họ. Hiện nay, hàng tỷ người trên thế giới xưng nhận mình là người tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng hầu hết trong số đó chỉ hiểu Lời của thập tự giá theo tâm trí của xác thịt. Vì họ không phải là những người thật lòng ăn năn tội, quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Họ vẫn còn sống trong tội. Họ xem sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ như là giấy phép cho họ được phạm tội mà không bị hình phạt. Họ là tín đồ của những tôn giáo mang danh Chúa chứ họ không phải là tín đồ của Đấng Christ. Họ chưa bao giờ là những môn đồ của Ngài. Họ chưa bao giờ phụng sự Ngài dù họ nhân danh của Ngài làm ra nhiều việc. Chúa biết chiên của Chúa (Giăng 10:14) nhưng Ngài không hề biết họ. Lời Chúa phán:

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì được vào Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Và nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Thực tế đau buồn là trong Hội Thánh có rất nhiều người như vậy. Họ làm gương xấu trong Hội Thánh, gây bè phái, phe đảng trong Hội Thánh, làm vấp phạm những người yếu đức tin, khiến cho có sự phân rẽ trong Hội Thánh. Sự tự vệ hữu hiệu nhất của Hội Thánh để giữ gìn sự thánh khiết và sự hiệp một trong Hội Thánh là trừ bỏ những người như vậy ra khỏi Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 5:13).

21 Vì rằng, trong sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, thế gian bởi sự khôn sáng của nó chẳng biết Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vui dùng sự bị xem là ngu dại của sự rao giảng Tin Lành để cứu những người tin.

Sự khôn sáng của Đức Chúa Trời vượt trội sự khôn sáng của thế gian. Vì sự khôn sáng của Đức Chúa Trời là nguồn tuyệt đối của mọi sự khôn sáng; còn sự khôn sáng của thế gian là sự hiểu biết của loài người dựa theo tâm trí đã bị băng hoại bởi tội lỗi.

Trong sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, Ngài đã định rằng, sự khôn sáng đã bị băng hoại của thế gian không thể hiểu biết về Ngài cho đến khi loài người được Đức Thánh Linh soi dẫn. Chính vì thế, những kẻ khôn sáng nhất trong thế gian mà không có lòng tin kính Thiên Chúa thì họ sẽ chẳng nhận biết Đức Chúa Trời, họ cũng không thể hiểu biết Lời của thập tự giá. Chính vì thế, họ xem sự rao giảng Tin Lành như là việc làm ngu dại của những người ngu dại mà chỉ những ai ngu dại mới tin nhận.

Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng sự rao giảng bị thế gian cho là ngu dại đó để cứu những ai có tấm lòng muốn từ bỏ tội lỗi, muốn sống thánh khiết theo luật pháp của Ngài. Đức Thánh Linh giúp cho những người như vậy hiểu và tin nhận Tin Lành. Nhờ đó, những người tin được cứu ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi; được ban cho năng lực đắc thắng mọi cám dỗ của tội lỗi để sống theo Lời Chúa; được ban cho địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được Ngài xưng là những con trai và những con gái của Ngài; được ban cho sự sống lại và sự sống đời đời trong Nước Trời.

22 Khi người Do-thái đòi hỏi dấu lạ và người Hy-lạp tìm sự khôn sáng,

Người Do-thái nghiêng về phép lạ. Lịch sử dựng nước và giữ nước của họ đầy dẫy những phép lạ từ Đức Chúa Trời. Vì thế, khi họ nghe Đức Chúa Jesus rao giảng Tin Lành thì họ đã thử Ngài, xin Ngài tỏ ra cho họ một dấu lạ từ trời. Đức Chúa Jesus đã trả lời họ:

“…Một dòng dõi hung ác và gian dâm hỏi xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng có dấu lạ nào ban cho nó, ngoài dấu lạ của Tiên Tri Giô-na. Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất.” (Ma-thi-ơ 12:39-40; 16:1-4).

Dấu lạ của Tiên Tri Giô-na tức là sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ chịu chết và chịu bị chôn trong lòng đất ba ngày ba đêm, như Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Ngài sẽ sống lại, ra khỏi lòng đất, như Giô-na đã sống mà ra khỏi bụng cá.

Người Hy-lạp nghiêng về triết học và khoa học. Triết học là sự loài người suy tư để tìm hiểu nguồn gốc của muôn loài và ý nghĩa của đời sống loài người. Khoa học là sự học hỏi về thế giới vật chất một cách có hệ thống qua sự quan sát, suy luận, và thí nghiệm.

23 thì chúng tôi giảng Đấng Christ bị đóng đinh. Thực tế, đối với người Do-thái là sự vấp phạm, còn đối với người Hy-lạp là sự ngu dại.

Lời của thập tự giá là lời rao giảng sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ để chuộc tội cho loài người, khiến cho người Do-thái bị vấp phạm là vì họ không thể nào tin được rằng, Đấng Christ đã được hứa trong thời Cựu Ước lại có thể bị đóng đinh trên thập tự giá và chết một cách nhục nhã. Sự vấp phạm của người Do-thái đối với Tin Lành là họ không tin mà còn bách hại những ai tin Tin Lành.

Lời của thập tự giá khiến cho người Hy-lạp cho rằng, đó là sự rao giảng ngu dại là vì họ không tin rằng, người chết có thể sống lại.

24 Nhưng đối với những người được gọi, cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp, thì Đấng Christ là năng lực của Thiên Chúa và sự khôn sáng của Thiên Chúa.

“Những người được gọi” là những ai có tấm lòng tin kính Thiên Chúa, ăn năn tội lỗi, muốn được sống thánh khiết theo luật pháp của Đức Chúa Trời; cho dù họ là dân Do-thái hay thuộc về bất cứ dân tộc nào. “Được gọi” có nghĩa là được gọi đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; được gọi vào trong sự thánh hóa; được gọi vào trong Hội Thánh; được gọi vào trong sự sống lại và sống đời đời trong Nước Trời.

“Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công bình. Những ai Ngài đã xưng là công bình thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển.” (Rô-ma 8:30).

“Đấng Christ là năng lực của Thiên Chúa” có nghĩa Đức Chúa Jesus Christ là sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa. Sức mạnh ấy đắc thắng mọi thế lực, từ thế lực của tội lỗi, thế lực của Sa-tan, cho đến thế lực của loài người. Sức mạnh ấy đắc thắng tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời. Sức mạnh ấy phục hồi những ai tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời; tái sinh họ thành những tạo vật mới, dựng họ nên mới giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24) theo hình ảnh của Thiên Chúa (Cô-lô-se 3:10).

Đấng Christ là “sự khôn sáng của Thiên Chúa” vì Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thể thấy được; Ngài là Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo, muôn vật được dựng nên bởi Ngài và vì Ngài; mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài (Cô-lô-se 1:15-19).

25 Bởi vì người ngu dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn những người khác; và người yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ hơn những người khác.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, các tính từ, động từ, hoặc phân từ có thể kết hiệp với mạo từ chỉ định để tạo thành một danh từ. Các tính từ: ngu dại, yếu đuối trong câu 25. Các tính từ: dại, khôn sáng, yếu, mạnh, hèn hạ; thụ động từ: bị khinh chê; phân từ: không có gì; và động từ: có; trong câu 27 và 28 đều có mạo từ xác định đứng trước để tạo thành các danh từ và có thể chỉ người, chỉ vật, hay chỉ sự việc. Theo văn mạch từ câu 25 đến câu 29 thì các danh từ này được dùng để chỉ người.

“Người ngu dại của Đức Chúa Trời” có nghĩa là người ngu dại nhưng thuộc về Đức Chúa Trời, là những người không có sự khôn sáng theo tiêu chuẩn của thế gian nhưng có lòng tin kính Chúa. Họ có thể là những người bình dân, lao động, không có học thức như Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13), nhưng họ có lòng tin kính Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài. Họ khôn sáng hơn tất cả những người khôn sáng của thế gian, vì họ hiểu và tiếp nhận Lời của thập tự giá. Họ ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Họ sẽ được trở nên trọn vẹn và đầy dẫy sự khôn sáng khi thân thể xác thịt của họ được phục sinh hoặc được biến hóa trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

“Người yếu đuối của Đức Chúa Trời” có nghĩa là người yếu đuối nhưng thuộc về Đức Chúa Trời, là những người không có sức mạnh về thể chất, về địa vị, về danh tiếng, về học thức, về quyền thế, về tiền bạc, v.v. nhưng họ có đức tin vững vàng nơi Đức Chúa Trời. Không một sức mạnh nào trong thế gian, kể cả những sự cám dỗ về mọi phương diện, những sự tra tấn tàn bạo và sự chết, có thể bắt phục họ. Vì họ có sức toàn năng của Thiên Chúa đổ đầy trong họ.

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy xem xét sự kêu gọi của các anh chị em, rằng không có nhiều người khôn sáng theo xác thịt, chẳng có nhiều người quyền thế, chẳng có nhiều người sang trọng.

“Hãy xem xét sự kêu gọi của các anh chị em” có nghĩa là hãy xem xét lại các anh chị em là những người như thế nào mà được Đức Chúa Trời kêu gọi đến với sự cứu rỗi của Ngài.

Từ xưa đến nay, số người được Đức Chúa Trời kêu gọi thường là những người bình dân hơn là những người có học thức cao, hoặc giàu có, hoặc có danh tiếng, có địa vị cao, có quyền thế trong xã hội. Hầu hết 12 sứ đồ đầu tiên của Chúa là những người lao động, thất học. Dĩ nhiên, trong Hội Thánh cũng có một số người có học thức cao và địa vị cao trong xã hội như Sứ Đồ Phao-lô, Bác Sĩ Lu-ca, Giáo Sư Ni-cô-đem, Nghị Viên Giô-sép… Con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thời bấy giờ đa số là những người Hy-lạp lao động bình dân, thậm chí là những nô lệ. Ngoại trừ một số là người I-sơ-ra-ên có học thức và giàu có, trước đây ở trong Do-thái Giáo, như Sốt-then và Cơ-rít-bu đều là chủ nhà hội.

Lời của Phao-lô giúp cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhận thức một thực tế, rằng Đức Chúa Trời không kêu gọi họ hay bất cứ ai đến với sự cứu rỗi của Ngài vì những ưu điểm của mỗi người. Nhưng vì lòng thương xót của Ngài đối với mọi người đang bị hư mất trong tội lỗi. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hoàn toàn bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ, và bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Nói tóm tắt là bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà những ai có đức tin vào ân điển của Đức Chúa Trời thì được tiếp nhận vào trong sự cứu rỗi. Sự khôn sáng, sự giàu có, quyền thế… của đời này không giúp cho một người được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những người dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những người yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh;

28 Đức Chúa Trời đã chọn những người hèn hạ của thế gian, những người bị khinh chê, cùng những người không có gì để làm cho những người có mọi sự ra không có;

29 để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.

“Những người dại của thế gian” là những người ít hoặc không có học thức và thiếu sự khôn sáng. “Những người khôn sáng” là những người khôn sáng theo xác thịt, trong thế gian. Những người dại của thế gian nhưng có tấm lòng tin kính Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì được Đức Chúa Trời chọn và ban cho sự hiểu biết thuộc linh mà những người khôn sáng theo xác thịt không thể có.

“Những người yếu của thế gian” là những người yếu đuối về thể lực, thậm chí bệnh tật, bất lực hoặc yếu về thế lực, tiền bạc, quyền thế. “Những người mạnh” là những người có sức khoẻ tốt hoặc có thế lực, có tiền bạc, có quyền thế. Những người yếu của thế gian nhưng có tấm lòng tin kính Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì được Chúa ban cho sức toàn năng của Ngài để thắng được những sự mà những người mạnh của thế gian không thể thắng được. Họ có thể chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn, mọi nghịch cảnh, mọi bất công để sống thánh khiết theo Lời Chúa và giữ vững đức tin nơi Ngài.

“Những người hèn hạ của thế gian” là những người không có địa vị cao quý trong xã hội. Thậm chí, họ thuộc về thành phần thấp nhất trong các nấc thang của xã hội. Họ có thể là những người ăn mày, những kẻ trộm cướp, đĩ điếm… Họ bị xã hội khinh chê và xa lánh. Họ không có gì ngoài sự sống thấp hèn, tội lỗi của họ. “Những người có mọi sự” là những người thuộc các giai cấp cao trọng trong xã hội. Họ có học thức, tiền bạc, danh tiếng, quyền thế, địa vị… Những người hèn hạ của thế gian, bị khinh chê, không có gì nhưng có lòng tin kính Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì được Chúa làm cho họ trở nên giàu có thuộc linh trong đời này và giàu có cả thuộc thể trong đời sau, khi mà sự có của những người có mọi sự trong đời này đều sẽ qua đi.

“…Vì ân điển của Đức Chúa Trời đã được ban cho các anh chị em trong Đức Chúa Jesus Christ; để trong mọi sự các anh chị em được giàu có trong Ngài, trong mọi lời nói và mọi sự trí thức…” (I Cô-rinh-tô 1:4-5).

“Người giàu hãy vui trong sự trở nên thấp hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên với nắng gắt, làm cho cỏ khô, hoa của nó rụng, sự xinh đẹp của nó phai tàn: người giàu cũng sẽ qua đi như vậy trong đường lối mình.” (Gia-cơ 1:10-11).

“Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

“Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:17).

Và như vậy, trước mặt Đức Chúa Trời, không ai có thể khoe mình, vì tất cả những gì họ có được là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Mỗi một người chỉ bởi đức tin mà nhận được những sự giàu có: năng lực, thẩm quyền, và ân tứ từ Thiên Chúa, qua thân vị Đức Thánh Linh.

30 Bởi Ngài mà các anh chị em ở trong Đấng Christ Jesus, Đấng ra từ Thiên Chúa đã được làm thành sự khôn sáng, sự công chính, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta;

31 để cho, như đã chép: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa! [Giê-rê-mi 9:24]

Bởi sự thương xót của Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời mà loài người được ban cho ơn cứu rỗi. Đó là tin tức tốt lành lớn nhất trong cả các tầng trời và khắp đất, thường được gọi tắt là Tin Lành. Ơn cứu rỗi ấy được hoàn thành bởi Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người để gánh thay án phạt cho loài người trên thập tự giá. Loài người nhận được ơn cứu rỗi ấy khi vâng theo sự soi dẫn của Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh mà ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Tất cả những người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời được hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ, trở nên một thân thể, gọi là Hội Thánh mà Đức Chúa Jesus Christ là đầu, mỗi người là chi thể của cùng một thân. Vì thế, người tin Chúa còn được gọi là người ở trong Đấng Christ. Danh xưng Christ được đặt trước tên gọi Jesus trong câu này nhằm nhấn mạnh đến sự kiện: bởi việc làm của Đức Chúa Jesus Christ mà người tin Chúa được trở nên một với Ngài, ở trong Ngài và Ngài ở trong họ. Việc còn lại là mỗi người sốt sắng giữ mình để cứ ở lại trong Đấng Christ:

“Các ngươi hãy cứ ở trong Ta và Ta trong các ngươi. Như nhánh nho không thể tự mình kết quả trừ khi nó cứ ở trong gốc nho, thì các ngươi cũng vậy, nếu các ngươi không cứ ở trong Ta.” (Giăng 15:4).

Đức Chúa Jesus Christ ra từ Thiên Chúa vì Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, như Thánh Kinh đã xác nhận:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên. Trong Ngài, hằng có sự sống. Sự sống hằng là sự sáng của loài người.” (Giăng 1:1-4).

“Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:14).

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Vì Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa khôn sáng, công chính, và thánh khiết đã chịu chết để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho những ai tin nhận Ngài nên Ngài là sự cứu chuộc của họ. Vì họ ở trong Ngài và Ngài là đầu của họ nên Ngài cũng là sự khôn sáng, sự công chính, sự nên thánh cho tất cả những ai ở trong Ngài. Nghĩa là trong Đức Chúa Jesus Christ chúng ta được khôn sáng, được trở nên công chính, được thánh hóa, và được ở trong sự cứu chuộc đời đời. Nhờ đó, chúng ta có thể khoe mình trong Ngài.

Chúng ta khoe mình trong Chúa bằng những lời cảm tạ, tôn vinh Chúa để nói lên những sự giàu có vô lượng, vô biên mà Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta khoe:

  • Cảm tạ Chúa! Tôi được sự thông sáng hiểu biết Tin Lành cứu rỗi của Ngài.
  • Cảm tạ Chúa! Trong Ngài tôi có sự cứu chuộc đời đời.
  • Cảm tạ Chúa! Tôi mãi mãi được bình an và vui thỏa trong Ngài.
  • Cảm tạ Chúa! Tôi ngày càng được khôn sáng càng hơn trong Ngài.
  • Cảm tạ Chúa! Tôi có được năng lực để sống công chính trong Ngài.
  • Cảm tạ Chúa! Ngài giúp tôi luôn được sống thánh khiết trong Ngài.
  • Cảm tạ Chúa! Tôi được làm con cái của Đức Chúa Trời và được thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời cho đến đời đời.
  • V.v..

Khi chúng ta có khái niệm đúng về Tin Lành, về Lời của thập tự giá thì chúng ta sẽ luôn nhu mì, khiêm nhường; chan hòa với anh chị em cùng Cha trong Hội Thánh; hiệp một với họ; vì biết rằng, mình với họ là chi thể của cùng một thân. Trong Hội Thánh sẽ không có ai lên mình kiêu ngạo, sẽ không có ai xem thường người khác mà mọi người luôn yêu nhau bằng chính tình yêu của Chúa, luôn khuyên bảo, nâng đỡ, tiếp trợ lẫn nhau để cùng nhau nên trọn vẹn, sẵn sàng cho ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài để chúng ta được khôn sáng trong sự trí thức về Thiên Chúa và vững vàng trong đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/10 /2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/danh-xung-muc-su-va-reverend/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-03-cac-chuc-vu-chuc-vu-su-do/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-05-chuc-vu-day-dao/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-06-chuc-vu-chan-bay/

[5] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/

[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_S%C3%A1u_Ng%C3%A0y

Karaoke Thánh Ca: “Con Khắc Ghi Ơn Ngài Trong Đáy Tim”
https://karaokethanhca.net/con-khac-ghi-on-ngai-trong-day-tim/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.