Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL017 Lời Giảng của Giăng Báp-tít

557 views

YouTube: https://youtu.be/TQxLqweu4cE

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL017 Lời Giảng của Giăng Báp-tít

Ma-thi-ơ 3:7-12; Mác 1:7-8; Lu-ca 3:7-18; Giăng 1:19-28

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 3:7-12

7 Khi thấy nhiều người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến với phép báp-tem của mình, người đã bảo họ: Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?

8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

9 Đừng nghĩ đến việc tự nói giữa các ngươi rằng: Chúng ta có tổ phụ Áp-ra-ham! Vì ta nói với các ngươi rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá này sinh ra con cái cho Áp-ra-ham.

10 Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa.

11 Thật, ta báp-tem các ngươi trong nước, vào trong sự ăn năn; nhưng Đấng đến sau ta thì mạnh hơn ta, giày của Ngài ta không đáng xách; Ngài sẽ báp-tem các ngươi trong thánh linh và trong lửa.

12 Đấng mà cây chĩa ở trong tay của Ngài. Ngài sẽ làm sạch sân lúa của Ngài, gom lúa của Ngài vào kho, nhưng Ngài sẽ đốt sạch rơm rạ trong lửa chẳng hề tắt.

Mác 1:7-8

7 Người đã giảng rằng: Đấng đến sau ta mạnh hơn ta. Dây giày của Ngài ta không xứng đáng cúi xuống để mở chúng.

8 Thật, ta đã báp-tem các ngươi trong nước; nhưng Ngài sẽ báp-tem các ngươi trong thánh linh.

Lu-ca 3:7-18

7 Vậy, người đã nói với các đám đông đã đến để chịu báp-tem bởi người: Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?

8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Đừng bắt đầu tự nói giữa các ngươi rằng: Chúng ta có tổ phụ Áp-ra-ham! Vì ta nói với các ngươi rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá này sinh ra con cái cho Áp-ra-ham.

9 Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa.

10 Các đám đông đã hỏi người rằng: Vậy, chúng tôi sẽ làm gì?

11 Người đã đáp lời họ rằng: Ai có hai áo, hãy cho người không có! Ai có thức ăn cũng hãy làm như vậy!

12 Cũng có những người thu thuế đến để được báp-tem, đã nói với người: Thưa thầy, chúng tôi sẽ làm gì?

13 Người đã nói với họ: Đừng thu nhiều hơn số đã định cho các ngươi.

14 Những người lính cũng đã hỏi người rằng: Còn chúng tôi sẽ làm gì? Người đã nói với họ: Đừng hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền ai, mà hãy thỏa lòng về tiền lương của các ngươi.

15 Vì dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy tự hỏi trong lòng: Có phải Giăng là Đấng Christ?

16 Giăng đã nói với mọi người rằng: Thật, ta báp-tem các ngươi trong nước; nhưng khi Đấng mạnh hơn ta đến, dây giày của Ngài ta không xứng đáng để mở. Ngài sẽ báp-tem các ngươi trong thánh linh và trong lửa.

17 Đấng mà cây chĩa ở trong tay của Ngài. Ngài sẽ làm sạch sân lúa của Ngài, gom lúa vào kho của Ngài, nhưng Ngài sẽ đốt sạch rơm rạ trong lửa chẳng hề tắt.

18 Trong khi Giăng rao giảng, thì cũng khuyên bảo dân chúng nhiều điều nữa.

Giăng 1:19-28

19 Đây là lời chứng của Giăng. Khi những người Do-thái đã sai những thầy tế lễ và những người Lê-vi, từ Giê-ru-sa-lem đến, để hỏi người rằng: Ngươi là ai?

20 Thì người đã xưng ra mà chẳng từ chối. Người đã xưng rằng: Ta không phải là Đấng Christ.

21 Họ đã hỏi người: Vậy thì, ngươi là ai? Là Ê-li? Người đã nói: Ta không phải! Họ đã hỏi: Có phải ngươi là Đấng Tiên Tri? Người đã trả lời: Không phải! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15]

22 Vậy, họ đã nói với người: Ngươi là ai, để chúng ta cho câu trả lời những người đã sai chúng ta? Ngươi nói ngươi là ai?

23 Người đã tuyên bố: Ta là tiếng kêu trong đồng vắng. Hãy làm thẳng con đường của Chúa! Như Tiên Tri Ê-sai đã nói. [Ê-sai 40:3]

24 Những người được sai đến đều là thuộc về những người Pha-ri-si.

25 Họ đã hỏi người và đã nói với người: Vậy, sao ngươi làm báp-tem, nếu ngươi chẳng phải là Đấng Christ, cũng chẳng phải Ê-li, cũng chẳng phải Đấng Tiên Tri?

26 Giăng đã trả lời họ, nói: Ta làm báp-tem trong nước. Nhưng đã đứng giữa các ngươi Đấng mà các ngươi đã không nhìn biết.

27 Ngài là Đấng đến sau ta nhưng Ngài đã thực hữu trước ta. Đấng mà dây giày của Ngài ta chẳng là xứng đáng để mở.

28 Những sự ấy đã xảy ra tại Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng tiến hành làm báp-tem.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, các lời rao giảng của Giăng Báp-tít được ghi lại trong bốn sách Tin Lành là các lời rao giảng có nội dung giống nhau, trong nhiều lần cùng ngày hoặc nhiều ngày khác nhau, ở các nơi khác nhau. Giăng Báp-tít có thể cùng một ngày, tại một địa điểm rao giảng nhiều lần cùng một nội dung, khuyên bảo những người nghe nhiều lần cùng một nội dung. Nhưng mỗi lần nói, Giăng Báp-tít có thể dùng một vài từ ngữ khác nhau. Điển hình là có khi ông nói, ông không xứng đáng để xách giày cho Đấng Christ; có khi ông nói, ông không xứng đáng để cúi xuống, mở dây giày cho Đấng Christ. Vì thế, các ghi chép khác biệt ấy không hề là chứng cớ của sự mâu thuẫn mà chỉ là các dữ liệu bổ sung lẫn nhau, làm thành một bản tường trình chi tiết và chính xác.

Kế tiếp, chúng ta cần biết rằng, các ghi chép trong Thánh Kinh không cụ thể ghi rõ ngày tháng năm. Vì thế, có rất nhiều trường hợp hai sự kiện ghi trong hai câu liền nhau có thể xảy ra cách nhau một khoảng thời gian khá xa. Ngoài ra, sự kiện được ghi chép sau lại có thể đã xảy ra trước sự kiện được ghi chép trước. Điển hình là:

  • Lu-ca 3:18 kết thúc sự ghi chép nội dung các lời rao giảng của Giăng Báp-tít.

  • Lu-ca 3:19-20 ghi chép sự Vua Hê-rốt bắt giam Giăng Báp-tít.

  • Lu-ca 3:21-22 ghi chép sự Đức Chúa Jesus chịu báp-tem (bởi Giăng Báp-tít).

Sự việc được ghi chép trong câu 18 đã xảy ra vào buổi đầu mục vụ của Giăng Báp-tít. Sự việc được ghi chép trong câu 19 và 20 đã xảy ra vào lúc mục vụ của Giăng Báp-tít đã kết thúc. Còn sự việc được ghi chép trong câu 21 và 22 lại xảy ra trước sự việc được ghi chép trong câu 19 và 20.

Khi biết rõ như vậy thì chúng ta sẽ biết cách liên kết các câu Thánh Kinh với nhau, liên kết các dữ liệu khác nhau như thế nào để hiểu đúng Lời Chúa.

Ma-thi-ơ 3:7-9

7 Khi thấy nhiều người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến với phép báp-tem của mình, người đã bảo họ: Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?

8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

9 Đừng nghĩ đến việc tự nói giữa các ngươi rằng: Chúng ta có tổ phụ Áp-ra-ham! Vì ta nói với các ngươi rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá này sinh ra con cái cho Áp-ra-ham.

Lu-ca 3:7-8

7 Vậy, người đã nói với các đám đông đã đến để chịu báp-tem bởi người: Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?

8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Đừng bắt đầu tự nói giữa các ngươi rằng: Chúng ta có tổ phụ Áp-ra-ham! Vì ta nói với các ngươi rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá này sinh ra con cái cho Áp-ra-ham.

Trong khi Ma-thi-ơ 3:7 xác định rõ, Giăng Báp-tít đã gọi những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê là những dòng dõi của những rắn độc thì Lu-ca 3:7 lại cho biết, Giăng Báp-tít đã dùng cách nói đó với “các đám đông”. Nhóm chữ “các đám đông” có nghĩa là nhiều đám đông khác nhau đã đến với Giăng Báp-tít. Có thể cùng trong một ngày có nhiều đám đông khác nhau đến với ông để chịu báp-tem; và chắc chắn là mỗi ngày có các đám đông khác nhau đến với ông để chịu báp-tem. Trong các đám đông ấy, có một hay vài đám đông bao gồm những người Pha-ri-si [1] và Sa-đu-sê [2].

Pha-ri-si và Sa-đu-sê là hai giáo phái nổi bật trong Do-thái Giáo thời bấy giờ. Những người ở trong hai giáo phái ấy thuộc thành phần giàu có và nắm quyền trong Do-thái Giáo. Những thầy tế lễ, những thầy thông giáo, những trưởng lão, những nghị viên trong Tòa Công Luận đều thuộc về một trong hai giáo phái này. Những người Pha-ri-si có nếp sống giả hình nổi tiếng, đến nỗi, danh từ “Pha-ri-si” có nghĩa là “tự biệt riêng để phụng sự Thiên Chúa” đã trở thành cùng nghĩa với danh từ “kẻ giả hình”. Chính Đức Chúa Jesus đã dùng trọn một bài giảng để nói về sự giả hình của những người Pha-ri-si, như đã được chép trong Ma-thi-ơ đoạn 23.

Rắn độc” được Giăng Báp-tít nói đến là loại rắn lục, một trong các loại rắn độc có chất độc mạnh nhất. Người bị rắn lục cắn thì thân thể nhanh chóng bị sưng phù lên và chết. Thành ngữ “Những dòng dõi của những rắn độc” được người Ê-díp-tô và người I-sơ-ra-ên dùng để gọi những kẻ gian trá và độc ác. Chính Đức Chúa Jesus cũng dùng thành ngữ ấy để gọi những người Pha-ri-si chống nghịch Ngài (Ma-thi-ơ 12:34).

Động từ “dạy” (G5263) trong câu hỏi: “Ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận sẽ đến?” là một động từ có nghĩa là đưa ra trước mắt cho thấy, hoặc dùng lời nói để giúp cho hiểu một vấn đề.

Cơn giận sẽ đến” cũng được Sứ Đồ Phao-lô nhắc đến, nhưng với sự khẳng định, Đức Chúa Jesus là Đấng giải cứu con dân Chúa khỏi cơn giận ấy:

Vì chính họ đã thuật lại thế nào các anh chị em đã tiếp đãi chúng tôi; và thế nào các anh chị em đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, từ bỏ những hình tượng, để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật, để chờ đợi Con Ngài từ trên các tầng trời, Đấng mà Ngài đã khiến sống lại từ những kẻ chết: Đức Chúa Jesus, Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn giận sẽ đến.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9-10).

Cơn giận sẽ đến” mà Phao-lô nói đến là sự phán xét bởi Đấng Christ trên những kẻ chống nghịch Thiên Chúa, khi Ngài tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế, như đã được tiên tri bởi Phao-lô và được Đức Chúa Jesus ban cho Sứ Đồ Giăng khải tượng:

II Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-10

7 Còn các anh chị em, những người chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi, trong khi Đức Chúa Jesus từ trời hiện đến với các thiên sứ quyền năng của Ngài,

8 giữa ngọn lửa hừng, giáng hình phạt trên những kẻ chẳng nhận biết Thiên Chúa và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.

9 Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài,

10 khi Ngài sẽ đến trong ngày ấy, được vinh hiển trong các thánh đồ của Ngài, được chiêm ngưỡng trong vòng hết thảy những ai tin; vì lời chứng của chúng tôi cho các anh chị em được tin.

Khải Huyền 6:12-17

12 Tôi đã nhìn xem, khi Ngài đã tháo dấu ấn thứ sáu. Này, đã có cơn động đất lớn, mặt trời đã trở nên đen như một túi lông và mặt trăng đã trở nên như máu.

13 Những ngôi sao trên trời đã rơi xuống đất như cây sung chuyển mình bởi cơn gió lớn, rụng những trái non của nó. [Danh từ “suke” trong tiếng Hy-lạp chỉ chung các loại cây thuộc chi Ficus, bao gồm cây vả, cây sung.]

14 Bầu trời đã lui đi như một cuộn sách bị cuộn lại, mỗi một ngọn núi và hải đảo đã bị dời khỏi chỗ của chúng.

15 Những vua trên đất, những vĩ nhân, những người giàu, những tư lệnh quân đội, những kẻ có quyền thế, mỗi một kẻ nô lệ, mỗi một người tự chủ, đều ẩn mình trong những hang hố và trong những vầng đá núi.

16 Họ đã nói với những núi và những vầng đá: Hãy rơi xuống trên chúng ta mà giấu chúng ta khỏi mặt của Đấng ngự trên ngai và khỏi cơn giận của Chiên Con.

17 Vì ngày lớn của cơn thịnh nộ Ngài đã đến. Ai có thể đứng nổi?

Tuy nhiên, đối với những người đồng thời với Giăng Báp-tít và toàn thể những ai chống nghịch Thiên Chúa thì có một cơn giận sẽ đến chung cho tất cả họ. Đó là sự phán xét chung cuộc, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

Có lẽ Giăng Báp-tít đã rất ngạc nhiên, khi ông thấy những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, vốn thuộc loại người kiêu ngạo, gian trá, độc ác, và cứng lòng, lại chịu ăn năn và xin được báp-tem. Chúng ta không biết rõ chi tiết về sự ăn năn của mỗi người trong số họ; nhưng chúng ta có thể tin rằng, Thiên Chúa không bỏ qua một người nào mà không ban cho người ấy cơ hội ăn năn.

Sự ăn năn là quyết định của mỗi người. Quyết định từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Quyết định đó phải được thể hiện bằng lời nói và hành động. Sau đó, sự ăn năn phải có kết quả trong đời sống, cho thấy, người ăn năn không còn sống trong tội.

Ma-thi-ơ ghi rằng: “Đừng nghĩ đến việc tự nói giữa các ngươi” còn Lu-ca thì ghi rằng: “Đừng bắt đầu tự nói giữa các ngươi”. Có lẽ là vì Giăng Báp-tít đã dùng cách nói khác nhau với các nhóm người khác nhau. Cách nói thứ nhất khuyên người nghe đừng suy nghĩ đến việc tự nói. Cách nói thứ nhì khuyên người nghe đừng bắt đầu tự nói. Dù nói cách nào thì ý nghĩa của lời khuyên cũng giống nhau.

Câu nói quen miệng của dân I-sơ-ra-ên: “Chúng ta có tổ phụ Áp-ra-ham!” được dân I-sơ-ra-ên dùng để phân biệt họ với các dân tộc khác. Có tổ phụ Áp-ra-ham có nghĩa là được ở trong giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham, được ở trong ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Thánh Linh, qua Phao-lô cho biết:

Vì người nào chỉ là người Do-thái bề ngoài thì không phải là người Do-thái. Sự cắt bì trong xác thịt bề ngoài cũng không phải là sự cắt bì. Nhưng người mà bề trong là người Do-thái và sự cắt bì của tấm lòng, trong tâm thần, không theo chữ nghĩa, thì sự khen ngợi của người ấy chẳng đến từ loài người nhưng đến từ Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 2:28-29).

Ban đầu, Thiên Chúa dựng nên loài người bằng cách thổi hơi sống của Ngài vào trong một khối bụi đất. Vì thế, hoàn toàn không có gì là khó để Đức Chúa Trời khiến cho những hòn đá trong đồng vắng, bên bờ sông Giô-đanh, sinh ra những con cái của Áp-ra-ham. Nghĩa là khiến cho những hòn đá sinh ra những người mang tế bào có tính di truyền từ Áp-ra-ham.

Ý nghĩa câu nói của Giăng Báp-tít là một người được sinh ra trong dân tộc nào không quan trọng. Điều quan trọng là một người có tội cần thật lòng ăn năn và kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Ma-thi-ơ 3:10

10 Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa.

Lu-ca 3:9

9 Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa.

Bây giờ” có nghĩa là ngay trong lúc Giăng đang nói và kể từ đó trở đi.

Chữ “rễ” (G4491) được dùng để chỉ bộ rễ của cây, bao gồm cả phần rễ nổi trên mặt đất hoặc phần rễ cắm sâu trong lòng đất. Nhưng trong câu nói của Giăng Báp-tít thì có ý nói đến phần rễ nổi trên mặt đất, chung quanh gốc cây.

Cái búa” là một dụng cụ dùng để đốn cây, tiêu biểu cho quyết định cất đi ân điển của Đức Chúa Trời đối với một người.

Cái búa cũng đã để kề rễ của những cây” có nghĩa đen là việc đốn hạ cây đã sẵn sàng; có nghĩa bóng là việc cất đi cơ hội ăn năn của những người không chịu ăn năn cũng đã sẵn sàng.

Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu. Người có lòng tin kính thì thể hiện nếp sống tin kính Chúa. Người không có lòng tin kính Chúa thì thể hiện nếp sống không tin kính Chúa, tức là nếp sống vi phạm các điều răn của Chúa. Họ ngang nhiên vi phạm các điều răn của Chúa, dùng các ngụy biện Thần học của các giáo hội, là những sự giảng dạy nghịch Thánh Kinh, để bao che cho sự phạm điều răn của họ.

Kể từ khi Tin Lành bắt đầu được rao giảng bởi Giăng Báp-tít thì Đức Chúa Trời cũng đã sẵn sàng cất đi cơ hội ăn năn của những ai đã được nghe Tin Lành, hiểu biết ý nghĩa của Tin Lành mà lại cứng lòng, không thật lòng ăn năn. Những người như vậy có rất nhiều trong các giáo hội mang danh Chúa. Thậm chí là những người rao giảng Tin Lành và đứng đầu trong các giáo hội. Họ hiểu rất rõ Lời Chúa nhưng họ chọn không sống theo Lời Chúa. Họ chọn sống trong sự kiêu ngạo, tham lam, tà dâm, và dối trá. Khi họ nói họ ăn năn tội là họ công nhận họ phạm tội, nhưng sâu kín trong linh hồn, họ vẫn ưa thích sự phạm tội. Vì thế, khi cơ hội đến thì họ phạm tội.

Ném vào lửa” là ném vào trong lửa đời đời của hồ lửa, còn gọi là hỏa ngục:

Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được cả linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28).

Nhưng Ta sẽ chỉ cho các ngươi Đấng mà các ngươi nên sợ. Hãy sợ Đấng khi đã giết, có quyền ném vào trong hỏa ngục! Phải, Ta nói với các ngươi, hãy sợ Ngài!” (Lu-ca 12:5).

Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:15).

Thật khó mà hiểu được tại sao có quá nhiều người hiểu biết Lời Chúa mà họ không chịu thật lòng ăn năn để được cứu rỗi. Họ thà vui sống thỏa mãn mọi ham muốn của xác thịt trong mấy năm ngắn ngủi của đời này, rồi chịu hư mất đời đời trong hỏa ngục; hơn là chịu khổ, sống thánh khiết theo Lời Chúa trong một thời gian ngắn, rồi được hạnh phúc đời đời trong Vương Quốc Trời.

Lu-ca 3:10-11

10 Các đám đông đã hỏi người rằng: Vậy, chúng tôi sẽ làm gì?

11 Người đã đáp lời họ rằng: Ai có hai áo, hãy cho người không có! Ai có thức ăn cũng hãy làm như vậy!

Những người đã thật lòng ăn năn trong các đám đông muốn Giăng Báp-tít dạy cho họ biết, phải sống một nếp sống mới như thế nào. Các câu trả lời của Giăng Báp-tít đều là hướng về sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Các điều răn của Đức Chúa Trời được tóm gọn trong sự yêu kính Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người khác như chính mình. Vì thế, Giăng Báp-tít đã trả lời chung cho mọi người là hãy thể hiện tình yêu đối với người khác, bằng sự chia xẻ vật chất cho những người có nhu cầu. Điển hình là sự cho áo, cho thức ăn.

Tuy nhiên, sự chia xẻ này không phải là việc làm máy móc, mà là con dân Chúa phải suy xét xem, có phải người mình định cứu giúp thật sự là người đang có nhu cầu mà tự họ không thể giải quyết được.

Đối với một người đã thật lòng tin kính Thiên Chúa, đã thật lòng ăn năn thì người ấy có năng lực từ Thiên Chúa để yêu người khác như chính mình. Có nghĩa là những người chưa thật lòng tin kính Thiên Chúa, chưa thật lòng ăn năn thì không thể nào có năng lực để yêu người khác như chính mình. Họ lúc nào cũng tự yêu chính mình trên hết mọi sự.

Lu-ca 3:12-13

12 Cũng có những người thu thuế đến để được báp-tem, đã nói với người: Thưa thầy, chúng tôi sẽ làm gì?

13 Người đã nói với họ: Đừng thu nhiều hơn số đã định cho các ngươi.

Những người thu thuế được nói đến ở đây chính là những người I-sơ-ra-ên tình nguyện làm việc thu thuế cho chính quyền La-mã. Họ là thành phần bị dân I-sơ-ra-ên khinh ghét nhất. Vì thứ nhất là họ hợp tác, làm việc cho thế lực cai trị dân I-sơ-ra-ên, tức là hợp tác và làm việc cho kẻ thù của dân tộc. Thứ nhì là họ dựa vào quyền thế và chức vụ người La-mã ban cho họ để áp bức và bóc lột dân I-sơ-ra-ên. Họ thường thu thuế nhiều hơn mức quy định để làm giàu cho bản thân.

Lời khuyên của Giăng Báp-tít dành cho những người thu thuế là hãy làm tròn bổn phận, đừng làm những sự sai trái nữa. Chúng ta thấy, Giăng Báp-tít không khuyên họ từ bỏ nghề thu thuế, không khuyên họ ngưng hợp tác và phục vụ cho nhà cầm quyền.

Lu-ca 3:14

14 Những người lính cũng đã hỏi người rằng: Còn chúng tôi sẽ làm gì? Người đã nói với họ: Đừng hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền ai, mà hãy thỏa lòng về tiền lương của các ngươi.

Những người lính tức là những người lính thuộc quân đội La-mã. Điều này hàm ý, có thể trong các đám dân đông tìm đến Giăng Báp-tít, không phải chỉ có dân I-sơ-ra-ên mà còn có dân La-mã, dân Hy-lạp, và các dân khác nữa.

Giăng Báp-tít cũng không khuyên những người lính bỏ nghề làm lính, ngưng phục vụ nhà cầm quyền La-mã. Ông chỉ khuyên họ đừng lợi dụng chức vụ, quyền thế mà hà hiếp người khác, tống tiền người khác. Nhưng hãy thỏa lòng với tiền lương của họ.

Ma-thi-ơ 3:11-12

11 Thật, ta báp-tem các ngươi trong nước, vào trong sự ăn năn; nhưng Đấng đến sau ta thì mạnh hơn ta, giày của Ngài ta không đáng xách; Ngài sẽ báp-tem các ngươi trong thánh linh và trong lửa.

12 Đấng mà cây chĩa ở trong tay của Ngài. Ngài sẽ làm sạch sân lúa của Ngài, gom lúa của Ngài vào kho, nhưng Ngài sẽ đốt sạch rơm rạ trong lửa chẳng hề tắt.

Mác 1:7-8

7 Người đã giảng rằng: Đấng đến sau ta mạnh hơn ta. Dây giày của Ngài ta không xứng đáng cúi xuống để mở chúng.

8 Thật, ta đã báp-tem các ngươi trong nước; nhưng Ngài sẽ báp-tem các ngươi trong thánh linh.

Lu-ca 3:15-18

15 Vì dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy tự hỏi trong lòng: Có phải Giăng là Đấng Christ?

16 Giăng đã nói với mọi người rằng: Thật, ta báp-tem các ngươi trong nước; nhưng khi Đấng mạnh hơn ta đến, dây giày của Ngài ta không xứng đáng để mở. Ngài sẽ báp-tem các ngươi trong thánh linh và trong lửa.

17 Đấng mà cây chĩa ở trong tay của Ngài. Ngài sẽ làm sạch sân lúa của Ngài, gom lúa vào kho của Ngài, nhưng Ngài sẽ đốt sạch rơm rạ trong lửa chẳng hề tắt.

18 Trong khi Giăng rao giảng, thì cũng khuyên bảo dân chúng nhiều điều nữa.

Sự dân chúng trông đợi là trông đợi Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ, như đã được hứa trong Thánh Kinh Cựu Ước, kể từ Môi-se cho tới Ê-sai, Mi-chê, và Đa-ni-ên (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15; Ê-sai 7:14; Mi-chê 5:2; Đa-ni-ên 9:25) và nhiều chỗ khác trong Cựu Ước nữa. Cho tới khi ấy, khoảng 400 năm đã trôi qua, dân I-sơ-ra-ên không còn được thấy một tiên tri nào của Đức Chúa Trời. Vì thế, khi nghe tin có người rao giảng trong đồng vắng, họ đã đổ xô đi tìm. Khi họ tìm gặp Giăng Báp-tít và nghe ông rao giảng, thì Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã chạm lòng họ, khai mở thần trí của họ để họ hiểu và tin nhận lời rao giảng của Giăng Báp-tít.

Họ đã nghĩ rằng, có lẽ Giăng Báp-tít là Đấng Christ đã đến. Nhưng Giăng Báp-tít đã khẳng định với họ, còn có một Đấng sẽ đến sau ông. Ông không xứng đáng để xách giày hoặc cúi xuống mở dây giày cho Đấng ấy.

Giăng Báp-tít xác nhận Đấng ấy mạnh hơn ông. Tính từ “mạnh” (G2478) được dùng để nói đến sức mạnh thuộc thể lẫn sức mạnh thuộc linh.

Về thuộc thể thì thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus khỏe mạnh hơn thân thể xác thịt của Giăng Báp-tít. Vì Ngài không hề phạm tội. Thân thể xác thịt của Ngài cứ phát triển từ khi mới được sinh ra cho tới khi hoàn toàn trưởng thành, là khoảng 30 tuổi. Nhưng từ đó sẽ không tự già yếu, không bị bệnh tật, và sẽ không chết, nếu không bị giết. Chúng ta có thể hiểu rằng, thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus khỏe mạnh hoàn toàn như thân thể xác thịt của A-đam khi A-đam chưa phạm tội. Tuy nhiên, dung mạo của Ngài không xinh đẹp như A-đam. Vì Ngài đã chọn mang một dung mạo rất bình thường của loài người, sau khi loài người phạm tội, để có thể trở nên dễ hòa đồng với mọi người. Ê-sai 52:14 cho biết, dung mạo của Ngài đã biến dạng, tệ hơn dung mạo của bất cứ ai. Ê-sai 53:2 cho biết, Ngài chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy Ngài, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.

Chúng ta cũng có thể tin rằng, sau khi Đấng Christ phục sinh thì Ngài vẫn giữ nguyên dung mạo cũ để các môn đồ nhận biết Ngài. Nhưng khi Ngài đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và khi Ngài giáng lâm trên đất để kết thúc Kỳ Tận Thế và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm, thì hình dung của Ngài sẽ vô cùng uy nghi, đẹp đẽ. Vì Ngài vốn là xinh đẹp hơn hết thảy con trai của loài người (Thi Thiên 45:2).

Chúng tôi vẫn thường suy nghĩ rằng, khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì chính Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã hiện ra trên đất, trong hình dáng của một người nam tuyệt đẹp. Là hình thể vật chất mà Ngài đã chọn cho chính Ngài trong thế giới vật chất; và cũng là khuôn mẫu cho hình thể của loài người mà Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ dựng nên. Ngài đã gom bụi đất làm thành một tượng đất có dung mạo và vóc dáng như chính hình thể vật chất Ngài đang mang. Tiếp theo đó, linh sự sống từ Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã được thổi vào lỗ mũi của tượng đất. Liền khi đó, linh hồn phát sinh trong tượng đất, các chất liệu trong đất biến thành thịt, xương, và máu. Và loài người được dựng nên. Có thể sau này, trong thiên đàng, chúng ta sẽ thấy ông A-đam có hình thể giống như Đấng Christ, như hai người song sinh.

Về thuộc linh thì Giăng Báp-tít được đầy dẫy thánh linh từ trong lòng mẹ (Lu-ca 1:15). Nhưng Đức Chúa Jesus thì được Đức Chúa Trời phó thác Đấng Thần Linh cho Ngài một cách không giới hạn (Giăng 3:34). Vì thế, Đức Chúa Jesus mạnh hơn Giăng Báp-tít về thuộc linh. Chúng ta có thể so sánh như thế này cho dễ hiểu: Trong khi Giăng Báp-tít được ban cho đầy dẫy điện lực thì Đức Chúa Jesus được ban cho toàn quyền sử dụng nhà máy phát điện.

Thành ngữ “Không xứng đáng xách giày” và “Không xứng đáng cúi xuống mở dây giày” đều có chung một nghĩa là không xứng đáng để làm tôi tớ hoặc làm nô lệ.

Phép báp-tem vào trong sự ăn năn có nghĩa là phép báp-tem thể hiện lòng ăn năn. Ăn năn là hối tiếc vì đã phạm tội và quyết tâm ngưng phạm tội. Người chịu báp-tem tuyên xưng mình thật lòng ăn năn, muốn Chúa thanh tẩy mình, qua hành động nhúng mình hoàn toàn vào trong nước. Nước tiêu biểu cho sự rửa sạch. Sự nhúng mình hoàn toàn vào trong nước tiêu biểu cho sự nhúng mình hoàn toàn vào trong sự khao khát được thánh hóa bởi Chúa, tức là được Chúa rửa sạch mọi sự phạm tội, sau khi đã thật lòng ăn năn.

Phép báp-tem vào trong thánh linh là phép báp-tem thể hiện sự Đức Chúa Trời tái sinh người thật lòng ăn năn, ban cho người ấy đầy dẫy năng lực của Thiên Chúa để người ấy có thể sống một nếp sống vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa. Sự nhúng chìm hoàn toàn trong thánh linh giúp một người được đầy dẫy sức sống từ Thiên Chúa. Khi một người thật lòng ăn năn thì Đấng Christ lập tức báp-tem người ấy vào trong thánh linh. Ngày nay, các giáo hội Ân Tứ và Ngũ Tuần dạy rằng, một người cần kêu cầu, xin Chúa báp-tem mình vào trong thánh linh. Họ cũng dạy rằng, dấu hiệu chứng tỏ một người đã được báp-tem trong thánh linh là người ấy có thể “nói tiếng lạ”, tức là lắp bắp những âm thanh vô nghĩa, không phải là ngôn ngữ. Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa phải cầu xin cho được báp-tem trong thánh linh. Vì bất cứ ai thật lòng ăn năn thì lập tức được nhận ơn cứu rỗi, được Đức Chúa Trời tái sinh, được Đấng Christ báp-tem trong thánh linh, và được Đấng Thần Linh ngự vào thân thể xác thịt của người ấy. Sự giảng dạy của các giáo hội Ân Tứ và Ngũ Tuần về việc kêu cầu, xin Chúa ban cho sự báp-tem trong thánh linh là tà giáo. Sự “nói tiếng lạ” trong các giáo hội ấy là sự điều khiển của tà linh trên người tin theo tà giáo. Xin đọc cuốn sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã” để biết thêm chi tiết. Sách có thể được tải xuống miễn phí trong kho “Sách và Thánh Kinh Điện Tử Miễn Phí” trên khu mạng timhieutinlanh.com [3].

Phép báp-tem vào trong lửa là phép báp-tem dành cho những ai chống nghịch Thiên Chúa, không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Những người ấy được ví như rơm rạ đã bị phân rẽ khỏi lúa. Nhiều giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần đã hiểu lầm sự báp-tem trong lửa là sự được Đức Chúa Trời thánh hóa bằng lửa thiêng liêng. Vì thế, họ làm ra nhiều bài thánh ca kêu cầu, xin Chúa thiêu đốt con dân Chúa.

Lửa không hề tắt của Đức Chúa Trời trong hỏa ngục sẽ giữ cho những kẻ chống nghịch Ngài, từ các thiên sứ cho đến loài người, đời đời không ra khỏi đó. Nhưng lửa của Đức Chúa Trời không thiêu đốt con dân của Ngài. Hình ảnh lúa và nhà kho tiêu biểu cho con dân Chúa và Vương Quốc Trời. Hình ảnh rơm rạ và lửa tiêu biểu cho những kẻ không có sự cứu rỗi và hỏa ngục. Phép báp-tem vào trong lửa chỉ dành cho những người không thuộc về Thiên Chúa. Con dân Chúa không nên cầu xin cho mình được báp-tem trong lửa. Trong suốt Thánh Kinh, không chỗ nào dạy rằng, con dân Chúa được nhúng chìm trong lửa; mà chỉ dạy rằng, những kẻ chống nghịch Chúa mới bị nhúng chìm trong lửa (Mác 9:49).

Cây chĩa” (G4425) là một nông cụ được nông dân dùng để rê lúa và gom rơm rạ. Cây chĩa trong câu nói của Giăng Báp-tít tiêu biểu cho Tin Lành trong tay của Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Jesus dùng Tin Lành để phân rẽ những người tin khỏi những người không tin.

Lu-ca 3:18 cho chúng ta biết, ngoài sự rao giảng, kêu gọi dân chúng ăn năn, dọn lòng đón nhận Đấng Christ thì Giăng Báp-tít cũng có nhiều điều khuyên bảo họ. Chúng ta có thể tin rằng, những lời khuyên bảo ấy nhằm hướng dẫn họ sống một đời sống thánh sạch, sẵn sàng cho Đấng Christ.

Giăng 1:19-20

19 Đây là lời chứng của Giăng. Khi những người Do-thái đã sai những thầy tế lễ và những người Lê-vi, từ Giê-ru-sa-lem đến, để hỏi người rằng: Ngươi là ai?

20 Thì người đã xưng ra mà chẳng từ chối. Người đã xưng rằng: Ta không phải là Đấng Christ.

Trong bốn ghi chép về lời rao giảng của Giăng Báp-tít, phần ghi chép trong sách Tin Lành Giăng hoàn toàn khác biệt với ba sách kia. Sứ Đồ Giăng đã ghi lại một trường hợp đặc biệt về việc có một số người đến gặp Giăng Báp-tít, không phải để tin nhận lời rao giảng của ông và chịu báp-tem. Nhưng họ là các phái viên được sai đến, tra hỏi lý lịch của Giăng Báp-tít.

Lời chứng của Giăng” tức là lời chứng của Giăng Báp-tít, không phải của Sứ Đồ Giăng.

Danh từ “những người Do-thái” trong câu này hàm ý những người Do-thái trong Tòa Công Luận của dân Do-thái.

Tòa Công Luận là một hội đồng tòa án trong mỗi thành phố của người I-sơ-ra-ên, chuyên về việc xử án. Tòa Công Luận Lớn ở tại Giê-ru-sa-lem, có 71 thành viên, bao gồm các trưởng lão, thư ký, các thành viên nổi bật trong gia đình của thầy tế lễ thượng phẩm, và bản thân thầy tế lễ thượng phẩm, là chủ tọa. Tòa Công Luận Lớn tại Giê-ru-sa-lem chuyên về việc xét xử các vấn đề liên quan đến việc áp dụng luật pháp của Đức Chúa Trời và các nghi lễ thờ phượng Đức Chúa Trời, xác định ngày trăng mới mỗi tháng, cùng thiết lập những ý tưởng Thần học. Tòa Công Luận nhóm họp mỗi ngày tại Đền Thờ, trừ ngày Sa-bát và các ngày lễ hội. Trong thời I-sơ-ra-ên bị đô hộ bởi đế quốc La-mã thì các thống đốc La-mã giao cho dân I-sơ-ra-ên tự xử lấy các vụ án chỉ liên quan đến dân I-sơ-ra-ên hoặc các vụ án về các nghi thức tôn giáo của họ. Tòa Công Luận có quyền lên án tử hình với điều kiện án lệnh đó phải được sự chấp thuận của thống đốc La-mã [4].

Khi nghe tin về sự rao giảng của Giăng Báp-tít thì có lẽ Tòa Công Luận đã thắc mắc và đã sai người đến gặp ông để tìm hiểu xem ông là ai. Những người được sai đi thuộc chi phái Lê-vi, trong đó có người là thầy tế lễ, có người không phải là thầy tế lễ nhưng là trưởng lão thuộc chi phái Lê-vi. Có lẽ lý do những người Lê-vi được sai đi là vì chi phái Lê-vi được biệt riêng để phục vụ Đền Thờ nên ngay tại Đền Thờ luôn có mặt những người Lê-vi.

Người đã xưng ra” là Giăng Báp-tít đã xưng ra, ông không phải là Đấng Christ.

Chẳng từ chối” là Giăng Báp-tít chẳng từ chối trả lời câu hỏi của những người hỏi ông.

Giăng 1:21-22

21 Họ đã hỏi người: Vậy thì, ngươi là ai? Là Ê-li? Người đã nói: Ta không phải! Họ đã hỏi: Có phải ngươi là Đấng Tiên Tri? Người đã trả lời: Không phải! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15]

22 Vậy, họ đã nói với người: Ngươi là ai, để chúng ta cho câu trả lời những người đã sai chúng ta? Ngươi nói ngươi là ai?

Những người Lê-vi tiếp tục gạn hỏi Giăng Báp-tít. Họ hỏi ông có phải là Ê-li hay không. Giăng Báp-tít đã trả lời, ông không phải là Ê-li. Câu trả lời của Giăng Báp-tít là trả lời theo ý nghĩa câu hỏi của những người hỏi ông. Trong tâm trí của họ, họ muốn biết ông có phải là Tiên Tri Ê-li đã quay lại với dân I-sơ-ra-ên trong chính thân thể xác thịt của Ê-li hay không. Họ không biết mặt Ê-li nhưng họ biết ông không chết, và biết lời tiên tri về sự Ê-li sẽ đến (Ma-la-chi 4:5).

Trong thực tế, Ê-li và Môi-se sẽ đến, sau khi Đức Chúa Jesus bước vào mục vụ (Ma-thi-ơ 17:3; Mác 9:4; Lu-ca 9:30). Nhưng Giăng Báp-tít là người đã đến trong thần trí và năng lực của Ê-li, như lời xác nhận của Đức Chúa Jesus và của thiên sứ Gáp-ri-ên (Ma-thi-ơ 17:12; Mác 9:13; Lu-ca 1:17).

Những người Lê-vi tiếp tục hỏi, có phải Giăng Báp-tít là Đấng Tiên Tri. Ý của họ là Đấng Tiên Tri được Môi-se nói đến trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15. Đấng Tiên Tri ấy chính là Đấng Christ. Vì thế, Giăng Báp-tít cũng đã trả lời: Không phải!

Cuối cùng, họ đã yêu cầu chính Giăng Báp-tít hãy xác nhận ông là ai, để họ có thể trả lời cho những người đã sai họ.

Giăng 1:23-25

23 Người đã tuyên bố: Ta là tiếng kêu trong đồng vắng. Hãy làm thẳng con đường của Chúa! Như Tiên Tri Ê-sai đã nói. [Ê-sai 40:3]

24 Những người được sai đến đều là thuộc về những người Pha-ri-si.

25 Họ đã hỏi người và đã nói với người: Vậy, sao ngươi làm báp-tem, nếu ngươi chẳng phải là Đấng Christ, cũng chẳng phải Ê-li, cũng chẳng phải Đấng Tiên Tri?

Giăng Báp-tít đã tuyên bố, ông chính là tiếng kêu trong đồng vắng, kêu gọi những ai nghe, hãy làm thẳng con đường của Chúa; như đã được Ê-sai tiên tri. Lời tiên tri ấy đã được ghi lại trong Ê-sai 40:3.

Những người được sai đến tra hỏi Giăng Báp-tít thuộc dòng Lê-vi nhưng cũng thuộc giáo phái Pha-ri-si, giáo phái đông thành viên nhất và nổi tiếng nhất trong Do-thái Giáo, vào thời bấy giờ. Trong số họ có người là thầy tế lễ, và chúng ta có thể tin rằng, các người không phải là thầy tế lễ thì cũng là các thầy thông giáo. Vì thế, họ tiếp tục hạch hỏi rằng, nếu Giăng Báp-tít đã không phải là Ê-li, không phải là Đấng Christ, cũng không phải là Đấng Tiên Tri mà Môi-se đã nói đến thì sao ông lại làm báp-tem cho người khác. Họ có ý hỏi rằng, ông có thẩm quyền gì để rao giảng và làm báp-tem. Theo sự suy nghĩ của họ thì Ê-li, Đấng Christ, và Đấng Tiên Tri mà Môi-se nói đến có thẩm quyền trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Còn bất cứ ai khác thì phải có thẩm quyền từ Tòa Công Luận.

Giăng 1:26-28

26 Giăng đã trả lời họ, nói: Ta làm báp-tem trong nước. Nhưng đã đứng giữa các ngươi Đấng mà các ngươi đã không nhìn biết.

27 Ngài là Đấng đến sau ta nhưng Ngài đã thực hữu trước ta. Đấng mà dây giày của Ngài ta chẳng là xứng đáng để mở.

28 Những sự ấy đã xảy ra tại Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng tiến hành làm báp-tem.

Giăng Báp-tít đã khẳng định, ông làm báp-tem trong nước cho những người tin nhận lời rao giảng của ông. Qua lời khẳng định đó, Giăng Báp-tít đương nhiên thừa nhận, ông có thẩm quyền rao giảng và làm báp-tem. Dĩ nhiên, thẩm quyền đó đến từ Đức Chúa Trời, không liên quan gì Tòa Công Luận. Nhưng Giăng Báp-tít không phải là người Tòa Công Luận cần tìm hiểu mà là Đấng đến sau ông.

Cách nói “đã đứng giữa các ngươi” có nghĩa là đã xuất hiện ở giữa các ngươi. Đó chính là Đấng Christ đã xuất hiện giữa lòng dân tộc I-sơ-ra-ên khoảng 30 năm mà họ đã không nhìn biết Ngài. Vào thời điểm ấy, chưa ai nhận biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ. Giăng Báp-tít chưa trực tiếp giới thiệu Ngài với ai. Đức Chúa Jesus chưa đến gặp Giăng Báp-tít để chịu báp-tem vào trong chức vụ Đấng Christ.

Ngài là Đấng đến sau ta nhưng Ngài đã thực hữu trước ta” là lời Giăng Báp-tít được thần cảm để nói đến sự thực hữu trong thân vị Thiên Chúa của Đức Chúa Jesus. Ngài hằng có từ trước vô cùng. Chính Đức Chúa Jesus cũng đã khẳng định rằng, Ngài hằng có trước Áp-ra-ham (Giăng 8:58).

Dường như Giăng Báp-tít thường nói đến việc ông không xứng đáng để mở dây giày cho Đấng Christ. Câu nói đó khiến cho những người đang xem ông là một người rao giảng có thẩm quyền và nổi tiếng càng khao khát được biết về Đấng sẽ đến mà ông nói đó.

Thành Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh ở phía đông của sông Giô-đanh nằm ngoài xứ Giu-đê, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 33 km, về hướng đông bắc. Lúc những người Lê-vi đến tra hỏi Giăng Báp-tít thì ông đang giảng dạy tại bờ sông Giô-đanh, gần đó. Ít lâu sau, chính Đức Chúa Jesus cũng đã đến đó để chịu báp-tem. Còn thành Bê-tha-ni của xứ Giu-đê chỉ cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng 3 km, về hướng đông nam. Nơi đó có nhà của La-xa-rơ với hai em gái là Ma-ri và Ma-thê. La-xa-rơ này chính là người mà Đức Chúa Jesus đã gọi sống lại từ trong sự chết. Đức Chúa Jesus thường ghé lại tạm trú trong nhà của họ.

Danh từ “Bê-tha-ni” có nghĩa là: “nhà chà là” hoặc “nhà của sự khốn khổ”.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/12/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/Pha-ri-si

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/Sa-%C4%91u-s%C3%AA

[3] https://timhieutinlanh.com/tin-lanh-van-pham/

[4] https://www.jewishvirtuallibrary.org/the-sanhedrin

Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Xin từ Nay”
https://karaokethanhca.net/doi-con-xin-tu-nay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.