Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL010 Sự Ra Đời của Giăng Báp-tít…

643 views

YouTube: https://youtu.be/KNFZIZDpXnA

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL010 Sự Ra Đời của Giăng Báp-tít
và Lời Tôn Vinh Thiên Chúa của Xa-cha-ri
Lu-ca 1:57-80

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 1:57-80

57 Thời điểm sinh con của Ê-li-sa-bét đã đến. Bà đã sinh ra một con trai.

58 Hàng xóm và người thân của bà đã nghe rằng, Chúa đã làm ra sự thương xót lớn của Ngài cho bà, thì họ cùng vui mừng với bà.

59 Đã xảy ra trong ngày thứ tám, họ đã đến, làm lễ cắt bì cho con trẻ; và đặt tên cho nó là Xa-cha-ri, theo tên của cha nó.

60 Nhưng mẹ của nó đã đáp lời, nói: Không! Hãy đặt tên là Giăng!

61 Họ đã nói với bà: Không có ai trong người thân của ngươi được đặt tên này.

62 Họ đã ra dấu cho cha của nó, hỏi, ông muốn nó được đặt tên gì.

63 Xa-cha-ri đã đòi một bảng nhỏ, viết rằng: Tên của nó là Giăng! Hết thảy họ đã lấy làm lạ.

64 Tức thì miệng của ông và lưỡi của ông đã mở ra; ông đã nói và tôn vinh Đức Chúa Trời.

65 Sự sợ hãi đã đến trên hết thảy những người sống chung quanh họ. Những lời ấy đã được nói đến khắp miền núi của xứ Giu-đê.

66 Hết thảy những người nghe đã ghi vào lòng của họ, nói: Đứa trẻ ấy sẽ ra thế nào? Tay của Chúa đã ở cùng nó!

67 Xa-cha-ri, cha của nó, đã được đổ đầy thánh linh, và ông đã nói tiên tri rằng:

68 Tôn vinh Chúa, Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên! Vì Ngài đã thăm và chuộc dân của Ngài.

69 Ngài đã khiến trỗi lên cái sừng cứu rỗi cho chúng tôi trong nhà của tôi tớ Ngài là Đa-vít.

70 Như Ngài đã phán bởi miệng các tiên tri thánh của Ngài từ thuở xưa.

71 Sự cứu rỗi khỏi những kẻ thù nghịch của chúng tôi và khỏi tay của hết thảy những kẻ ghét chúng tôi.

72 Ngài đã làm ra sự thương xót cho các tổ phụ của chúng tôi, và được nhắc đến giao ước thánh của Ngài,

73 lời thề mà Ngài đã thề với Áp-ra-ham, tổ phụ của chúng tôi. [Sáng Thế Ký 22:16]

74 Ngài sẽ ban cho chúng tôi được cứu khỏi tay những kẻ thù nghịch của chúng tôi, để phụng sự Ngài mà không sợ hãi,

75 trong sự thánh khiết và công chính trước Ngài, trọn những ngày của đời sống chúng tôi.

76 Ngươi! Hỡi con trẻ! Con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Rất Cao. Vì con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn các nẻo đường của Ngài,

77 ban sự hiểu biết về sự cứu rỗi cho dân của Ngài bởi sự tha thứ những tội lỗi của họ,

78 qua lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta. Bởi đó, ánh sáng ban mai từ trên cao đã thăm viếng chúng ta,

79 soi sáng những ai ngồi trong sự tối tăm và trong bóng của sự chết, đưa chân của chúng ta vào trong đường bình an.

80 Đứa trẻ đã lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở trong các đồng vắng cho tới ngày xuất hiện của nó trước dân I-sơ-ra-ên.

Trong bài này, chúng ta học về sự Giăng Báp-tít ra đời, được đặt tên; Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít, tôn vinh Thiên Chúa, nói tiên tri về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho dân I-sơ-ra-ên, và nói tiên tri về chức vụ của Giăng Báp-tít.

57 Thời điểm sinh con của Ê-li-sa-bét đã đến. Bà đã sinh ra một con trai.

58 Hàng xóm và người thân của bà đã nghe rằng, Chúa đã làm ra sự thương xót lớn của Ngài cho bà, thì họ cùng vui mừng với bà.

Sau khi Ma-ri về lại Na-xa-rét không bao lâu thì Ê-li-sa-bét đã đến kỳ sinh con. Bà đã sinh ra một con trai, đúng như lời thiên sứ đã phán bảo với Xa-cha-ri, chồng của bà.

Chúng ta không biết đến khi nào thì Ê-li-sa-bét đã báo tin bà mang thai cho hàng xóm và người thân trong gia đình của bà. Nhưng vào ngày bà sinh con thì họ đều biết và cùng chung vui với bà. Sự kiện Ê-li-sa-bét mang thai và sinh con trai được xem là sự thương xót lớn của Chúa làm cho bà. Vì đó là điều vợ chồng bà mong ước mà bà đã bị son sẻ cho tới khi đã qua khỏi lứa tuổi có con thông thường của phụ nữ.

Trong cuộc sống của chúng ta trên đất, chúng ta có thể có các sự mong ước chính đáng, là các sự mong ước được chính Thiên Chúa đặt để trong bản ngã của chúng ta. Nào là mong ước có một cuộc sống an vui, đầm ấm với những người thân trong gia đình. Nào là mong ước có một nghề nghiệp hợp với sở thích và mức thu nhập dư dật cho các nhu cầu trong cuộc sống. Nào là mong ước có được người chồng hay người vợ hết mực yêu quý chúng ta và có được các đứa con khôn ngoan, xinh đẹp, hiếu thảo… Tuy vậy, không phải bất cứ sự mong ước chính đáng nào của chúng ta cũng được Chúa ban cho chúng ta. Tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều cùng lúc tùy thuộc vào thái độ của chúng ta đối với Chúa và tùy thuộc vào sự thương xót của Chúa đối với chúng ta. Và cũng có các trường hợp Chúa không ban cho chúng ta một số điều ao ước chính đáng nào đó, là vì như vậy sẽ tốt hơn cho chúng ta. Lời Chúa dạy rõ:

Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).

Mục đích cuối cùng của Chúa dành cho mỗi chúng ta không thuộc về đời này, mà thuộc về đời sau, trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Vì thế, tất cả những gì Chúa cho phép xảy ra với chúng ta trong cuộc đời này, nếu chúng ta thật lòng yêu kính Chúa, đều là để hoàn thành mục đích mà Ngài đã định sẵn cho chúng ta trong vương quốc của Ngài.

59 Đã xảy ra trong ngày thứ tám, họ đã đến, làm lễ cắt bì cho con trẻ; và đặt tên cho nó là Xa-cha-ri, theo tên của cha nó.

60 Nhưng mẹ của nó đã đáp lời, nói: Không! Hãy đặt tên là Giăng!

Theo luật pháp của Chúa, con trai trong dân I-sơ-ra-ên được sinh ra đến ngày thứ tám thì phải làm phép cắt bì, còn gọi là cắt da quy đầu (Sáng Thế Ký 17:12; Lê-vi Ký 12:3). Theo Sáng Thế Ký 17:9-14 thì phép cắt bì là dấu hiệu cho giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, kể cả nô lệ được mua về từ các giống dân khác. Vì thế, những người nam được sinh ra trong dòng dõi của Áp-ra-ham hay nam nô lệ đều chịu cắt bì vào ngày thứ tám, sau khi ra đời, y theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Sự cắt bì trên xác thịt làm tiêu biểu cho sự cắt bỏ sự ham thích phạm tội trong lòng (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:16; Cô-lô-se 2:11).

Có lẽ hàng xóm và người thân của Ê-li-sa-bét đã nghĩ rằng, đây là đứa con trai duy nhất của vợ chồng bà, nên họ đưa ra ý kiến đặt tên cho đứa trẻ theo tên của cha nó, là Xa-cha-ri. Nhưng Ê-li-sa-bét đã bác bỏ ngay đề nghị đó, và yêu cầu đặt tên cho con của mình là Giăng.

Đó có thể là do Ê-li-sa-bét được thần cảm mà biết phải đặt tên con là Giăng, hoặc là do Xa-cha-ri đã thuật lại cho Ê-li-sa-bét, bằng cách ghi ra, sự kiện thiên sứ đã hiện đến với ông trong Đền Thờ, báo tin bà sẽ sinh ra một con trai và họ phải đặt tên cho con của mình là Giăng.

61 Họ đã nói với bà: Không có ai trong người thân của ngươi được đặt tên này.

62 Họ đã ra dấu cho cha của nó, hỏi, ông muốn nó được đặt tên gì.

Người I-sơ-ra-ên có thói quen đặt tên con theo tên của một trong các tổ phụ, tổ mẫu của họ. Cách đặt tên đó vừa tỏ lòng ghi nhớ tổ tiên vừa để xác chứng đứa bé thuộc về gia tộc. Ít ra thì cũng đặt theo tên của cha hay mẹ. Hàng xóm và người thân của Ê-li-sa-bét đã nhắc cho Ê-li-sa-bét nhớ, không có ai trong gia tộc của bà được đặt tên là Giăng.

Kế tiếp, họ đã quay sang, ra dấu cho Xa-cha-ri, hỏi, ông muốn đặt tên gì cho con.

63 Xa-cha-ri đã đòi một bảng nhỏ, viết rằng: Tên của nó là Giăng! Hết thảy họ đã lấy làm lạ.

64 Tức thì miệng của ông và lưỡi của ông đã mở ra; ông đã nói và tôn vinh Đức Chúa Trời.

Lúc này đây, Xa-cha-ri vẫn còn bị câm. Vì thế, ông đã ra dấu cho họ đem đến cho ông một tấm bảng để ông có thể viết câu trả lời của ông. Câu trả lời của ông đã khiến cho mọi người ngạc nhiên, khi họ thấy, đó chính là cái tên mà Ê-li-sa-bét vừa nói.

Ngay lập tức, miệng và lưỡi của Xa-cha-ri đã được mở ra. Ông không còn bị câm nữa. Sự việc đã xảy ra đúng theo lời thiên sứ đã phán với ông (Lu-ca 1:20). Ông bắt đầu nói và tôn vinh Đức Chúa Trời.

65 Sự sợ hãi đã đến trên hết thảy những người sống chung quanh họ. Những lời ấy đã được nói đến khắp miền núi của xứ Giu-đê.

Sự sợ hãi được nói đến ở đây là sự kính sợ Thiên Chúa.

Những người sống chung quanh họ” là cư dân ở chung quanh khu xóm của Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét.

Những lời ấy” là những lời liên quan đến sự kiện thiên sứ hiện ra với Xa-cha-ri, sự Ê-li-sa-bét sinh con, sự đặt tên cho Giăng Báp-tít, sự Xa-cha-ri bị câm và được chữa lành. Toàn bộ câu chuyện đã được loan truyền ra khỏi thành phố của họ và đến khắp các thành phố trong vùng đồi núi của xứ Giu-đê, bao gồm cả thành Giê-ru-sa-lem. Xa-cha-ri là một trong các thầy tế lễ phụng sự trong Đền Thờ của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, vì thế, có thể chính ông là người đã thuật lại câu chuyện của mình cho các thầy tế lễ khác.

66 Hết thảy những người nghe đã ghi vào lòng của họ, nói: Đứa trẻ ấy sẽ ra thế nào? Tay của Chúa đã ở cùng nó!

Bất cứ ai vào thời ấy được nghe biết câu chuyện về sự ra đời của Giăng Báp-tít thì đều phải công nhận đó là việc làm của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ ghi nhớ câu chuyện và hỏi lẫn nhau về tương lai của Giăng Báp-tít. Họ hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã biệt riêng Giăng Báp-tít cho một mục đích của Ngài. Họ tin rằng, sức toàn năng của Thiên Chúa đã ở với Giăng Báp-tít. Thành ngữ “Tay Chúa ở cùng” hàm ý, một người được Chúa ban cho năng lực và được Chúa bảo vệ.

67 Xa-cha-ri, cha của nó, đã được đổ đầy thánh linh, và ông đã nói tiên tri rằng:

68 Tôn vinh Chúa, Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên! Vì Ngài đã thăm và chuộc dân của Ngài.

Xa-cha-ri đã được sự thần cảm, được đầy dẫy thánh linh; ông vừa tôn vinh Đức Chúa Trời vừa nói lời tiên tri về mục vụ của Giăng Báp-tít. Lời đầu tiên là lời tôn vinh Đức Chúa Trời mà ông gọi là Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên. Thực tế, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của mọi dân, mọi nước trong thế gian (II Các Vua 19:15; Ê-sai 37:16). Nhưng cách nói “Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên” là để nhấn mạnh giao ước giữa Đức Chúa Trời đối với dân I-sơ-ra-ên, khi họ công nhận Ngài là Đức Chúa Trời của họ. Tương tự như vậy, khi Sứ Đồ Phao-lô dùng cách nói “Đức Chúa Trời của tôi” là ông có ý nhấn mạnh đến mối tương giao cá nhân giữa ông và Đức Chúa Trời. Đó là Đức Chúa Trời đã cứu chuộc ông và ông đã tin nhận sự cứu chuộc của Ngài, hết lòng thờ kính Ngài và vâng phục Ngài, được trở nên con cái của Ngài.

Bởi sự thần cảm của Thiên Chúa mà Xa-cha-ri đã hiểu rằng, sự ra đời của Giăng Báp-tít chính là sự mở đầu cho sự Đức Chúa Trời thăm viếng và cứu chuộc dân I-sơ-ra-ên.

Vào thời điểm ấy, chưa có sự bày tỏ nào về sự Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho mọi dân tộc, mà chỉ tập trung vào sự cứu rỗi dân I-sơ-ra-ên, là dân mà Đức Chúa Trời đã có giao ước với. Ngay khi Đức Chúa Jesus sai các sứ đồ đi giảng Tin Lành, trước khi Ngài hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người trên thập tự giá, thì Ngài chỉ sai các sứ đồ đi giảng cho dân I-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 10:5-6). Sau khi Ngài phục sinh thì Ngài mới sai các môn đồ đi giảng Tin Lành cho muôn dân (Mác 16:15; Ma-thi-ơ 28:19).

69 Ngài đã khiến trỗi lên cái sừng cứu rỗi cho chúng tôi trong nhà của tôi tớ Ngài là Đa-vít.

Danh từ “sừng cứu rỗi” được dùng để chỉ Đấng Christ. Sừng được tiêu biểu cho sức mạnh, vì đó là vũ khí của một số loài thú dùng để tấn công và tự vệ. “Sừng cứu rỗi” có nghĩa là sức mạnh của sự cứu rỗi. Đấng Christ chính là sức mạnh của sự Đức Chúa Trời cứu rỗi loài người ra khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và hậu quả của sự phạm tội. Vua Đa-vít đã gọi Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là “sừng cứu rỗi” của ông (II Sa-mu-ên 22:3; Thi Thiên 18:2).

Sự kiện Đấng Christ được sinh ra trong gia tộc của Vua Đa-vít, được Xa-cha-ri gọi là sừng cứu rỗi đã trỗi lên trong nhà của Đa-vít.

70 Như Ngài đã phán bởi miệng các tiên tri thánh của Ngài từ thuở xưa.

Tiên tri là người được Thiên Chúa dùng để rao truyền lời phán của Ngài cho loài người. Danh từ “tiên tri thánh” được dùng để nhấn mạnh sự kiện, đó là tiên tri được biệt riêng ra cho Thiên Chúa. Từ thuở xưa, các tiên tri thánh của Thiên Chúa đã tiên tri về sự đến của Đấng Christ. Như Gia-cốp trong Sáng Thế Ký 49:10; Môi-se trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15; Ê-sai trong Ê-sai 9:6-7 và Ê-sai đoạn 53. Chính Đức Thánh Linh qua Lu-ca, đã xác chứng rằng, kể từ Môi-se và hết thảy các tiên tri, Đức Chúa Jesus đã giảng cho hai môn đồ của Ngài những điều đã chỉ về Ngài trong cả Thánh Kinh (Lu-ca 24:27).

71 Sự cứu rỗi khỏi những kẻ thù nghịch của chúng tôi và khỏi tay của hết thảy những kẻ ghét chúng tôi.

Sừng cứu rỗi đã được hứa cho dân I-sơ-ra-ên chính là Đấng Christ. Ngài đã đến để đem sự cứu rỗi cho họ. Những kẻ thù nghịch của họ là Sa-tan và các quỷ sứ của nó, tức là những kẻ cám dỗ họ phạm tội; cùng với những sự ham muốn bất chính của xác thịt, tức là những sự ham muốn dẫn đến sự phạm tội, nghịch lại Thiên Chúa; sự chết là hậu quả của sự phạm tội; và tất cả những người chống nghịch Thiên Chúa.

Tay của hết thảy những kẻ ghét chúng tôi” tức là sự khống chế của những kẻ ghét dân I-sơ-ra-ên. Đó là ma quỷ và tất cả các dân tộc chống nghịch dân I-sơ-ra-ên, muốn hủy diệt họ hoặc bắt họ làm nô lệ.

72 Ngài đã làm ra sự thương xót cho các tổ phụ của chúng tôi, và được nhắc đến giao ước thánh của Ngài,

73 lời thề mà Ngài đã thề với Áp-ra-ham, tổ phụ của chúng tôi. [Sáng Thế Ký 22:16]

Trong chương trình của Đức Chúa Trời, vào lúc bấy giờ đã tới thời điểm Ngài ban sự giải cứu cho dân I-sơ-ra-ên, bởi lòng thương xót của Ngài đối với các tổ phụ của họ là Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.

Khi Ngài bắt đầu khởi động công cuộc cứu rỗi dân I-sơ-ra-ên mà cũng là sự cứu rỗi toàn thể loài người, qua sự ra đời của Giăng Báp-tít, thì Ngài đã tự mình nhắc lại giao ước thánh của Ngài đối với Áp-ra-ham. Một giao ước mà Ngài đã dùng chính danh Ngài để thề với Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 22:16). Giao ước ấy được gọi là giao ước thánh vì nó là một giao ước vô điều kiện, đến từ Đức Chúa Trời, không hề thay đổi. Giao ước ấy bao gồm những ai được sinh ra trong dòng dõi xác thịt của Áp-ra-ham nhưng cũng bao gồm bất cứ ai trong mọi dân tộc, có đức tin vào Thiên Chúa như Áp-ra-ham. Vì qua Đấng Christ mà muôn dân được phước trong sự được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa đã ba lần phán rằng, trong dòng dõi của Áp-ra-ham, các dân tộc sẽ được phước (Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14). Sứ Đồ Phao-lô đã giải thích về nhóm chữ “dòng dõi của Áp-ra-ham” như sau:

Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ.” (Ga-la-ti 3:16).

Và cũng chính Sứ Đồ Phao-lô đã được Đức Thánh Linh thần cảm để dạy cho mọi người biết rằng:

Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29).

Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa thì người ấy được Đức Chúa Trời kể là thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Cho dù họ thuộc bất cứ dân tộc nào.

74 Ngài sẽ ban cho chúng tôi được cứu khỏi tay những kẻ thù nghịch của chúng tôi, để phụng sự Ngài mà không sợ hãi,

75 trong sự thánh khiết và công chính trước Ngài, trọn những ngày của đời sống chúng tôi.

Những kẻ thù nghịch” như trong lời giải thích cho câu 71, chính là Sa-tan và các quỷ sứ của nó, cùng với những sự ham muốn bất chính của xác thịt, sự chết, hậu quả của sự phạm tội, và những người chống nghịch Thiên Chúa. Người nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ thoát khỏi sự khống chế của mọi thế lực thù nghịch người ấy. Trọn phần đời còn lại của người ấy trên đất này sẽ vui mừng, bình an, không sợ hãi mà phụng sự Thiên Chúa trong sự thánh khiết và công chính trước Ngài.

Sự thánh khiết là sự không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Sự công chính là sự làm thành các việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người.

Tiếc thay, ngoại trừ một số ít người trong dân I-sơ-ra-ên vào thời ấy đã tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, phần lớn còn lại đã chối bỏ Đấng Christ, không công nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Thậm chí, họ còn giao Ngài vào tay dân La-mã để Ngài bị xử chết. Chính vì thế mà dân I-sơ-ra-ên, trong tư cách một dân tộc, đã bị khốn khổ trước mọi kẻ thù của họ. Năm 70, thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa bị phá hủy bởi lính La-mã, hàng triệu người I-sơ-ra-ên đã bị giết, toàn thể dân I-sơ-ra-ên bị cấm sinh sống tại Giê-ru-sa-lem [1]. Trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), có khoảng 6 triệu người I-sơ-ra-ên đã bị giết trong các nhà tù và trong các lò hơi ngạt của Đức Quốc Xã [2].

Cho tới ngày nay, dân I-sơ-ra-ên với tư cách là một dân tộc, vẫn không công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Tuy nhiên, lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham vẫn được Ngài thực hiện. Theo lời tiên tri của Ô-sê, sau hai ngày dân I-sơ-ra-ên chết thuộc linh, họ sẽ được Đức Chúa Trời làm cho sống lại.

Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta. Sau hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta sống lại. Ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy. Chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài. Chúng ta hãy nhận biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; chúng ta hãy gắng sức nhận biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến với chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất.” (Ô-sê 6:1-3).

Hai ngày tiên tri” trong Ô-sê 6:2 chính là khoảng thời gian 2.000 năm dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ. Họ đã chối bỏ Đấng Christ và khiến Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 [3]. Tới ngày Lễ Vượt Qua của năm 2027 là trọn 2.000 năm. Đối với Thiên Chúa, một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày (Thi Thiên 90:4; II Phi-e-rơ 3:8). Vì thế, chúng ta có thể tin rằng, dân I-sơ-ra-ên sẽ được hồi sinh thuộc linh sau ngày Lễ Vượt Qua của năm 2027 [4].

Trong thực tế, Đức Chúa Trời đã làm cho dân I-sơ-ra-ên sống lại phần thuộc thể, khi Ngài khiến cho họ được tái lập quốc chỉ trong một ngày: ngày 14/05/1948. Đó là lúc Đức Chúa Trời đã trồng lại “cây vả I-sơ-ra-ên” vào vùng Đất Hứa Ca-na-an mà Ngài đã hứa đời đời ban cho họ. Đến ngày 07/06/1967, trong Cuộc Chiến Sáu Ngày với liên minh các quốc gia Ả-rập, I-sơ-ra-ên đã hoàn toàn nắm chủ quyền trên toàn thành Giê-ru-sa-lem. Đó là lúc cây vả I-sơ-ra-ên bắt đầu đâm chồi, nảy lộc (Ma-thi-ơ 24:32-34) [5], sẵn sàng cho sự Đức Chúa Trời làm sống lại phần thuộc linh của họ, như đã tiên tri trong Ê-xê-chi-ên đoạn 37. Tiếp theo đó là sự Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian, qua Kỳ Tận Thế, kéo dài suốt bảy năm, như đã tiên tri trong sách Khải Huyền [6].

Hội Thánh sẽ được Đấng Christ xuất hiện giữa chốn không trung, đem ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế, như lời Ngài đã hứa trong Khải Huyền 3:10.

76 Ngươi! Hỡi con trẻ! Con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Rất Cao. Vì con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn các nẻo đường của Ngài,

Sau khi tôn vinh Thiên Chúa về sự thương xót và sự thành tín của Ngài, Xa-cha-ri bắt đầu nói tiên tri về con trai của mình, là Giăng Báp-tít.

Giăng Báp-tít sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Rất Cao, tức là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, rao giảng thánh ý của Đức Chúa Trời cho loài người.

Giăng Báp-tít sẽ thi hành mục vụ trước khi Đấng Christ xuất hiện, để dọn lòng dân I-sơ-ra-ên, kêu gọi họ ăn năn, sẵn sàng đón nhận Đấng Christ, khi Ngài đến.

77 ban sự hiểu biết về sự cứu rỗi cho dân của Ngài bởi sự tha thứ những tội lỗi của họ,

Giăng Báp-tít đem lại sự hiểu biết về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho dân I-sơ-ra-ên, khi họ nghe theo lời rao giảng và kêu gọi của ông, hạ mình ăn năn tội và chịu báp-tem dưới sông Giô-đanh. Sự chịu báp-tem đó như một hình thức tiêu biểu cho sự rửa sạch tấm lòng của họ để đón nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời.

78 qua lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta. Bởi đó, ánh sáng ban mai từ trên cao đã thăm viếng chúng ta,

Sự cứu rỗi là sự cứu ra khỏi sức mạnh của tội lỗi và khỏi hậu quả của sự phạm tội. Sức mạnh của tội lỗi khiến cho người đã phạm tội không thể ngưng phạm tội, còn hậu quả của sự phạm tội là sự chết đời đời. Sự cứu rỗi có được là bởi ơn tha thứ của Đức Chúa Trời đối với những ai thật lòng ăn năn tội và tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài. Ơn tha thứ được Đức Chúa Trời ban cho bởi lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân.

Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người được ví như ánh bình minh từ trên cao, chiếu rọi trên mặt đất đang chìm trong bóng đêm.

79 soi sáng những ai ngồi trong sự tối tăm và trong bóng của sự chết, đưa chân của chúng ta vào trong đường bình an.

Ngồi trong sự tối tăm là đang bị ràng buộc trong sự phạm tội. Ngồi trong bóng của sự chết là đang ở trong quyền lực của sự chết, bị bao phủ bởi nó. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời soi sáng cho những ai ngồi trong sự tối tăm là giải cứu họ ra khỏi sự phạm tội; soi sáng cho những ai ngồi trong bóng của sự chết là giải cứu họ ra khỏi hậu quả của sự phạm tội.

Chỉ cần một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời tha tội, được thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi, được thoát khỏi hình phạt của sự phạm tội, là sự chết đời đời trong hỏa ngục. Người ấy được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời soi dẫn bằng Lời của Ngài để sống một nếp sống bình an.

80 Đứa trẻ đã lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở trong các đồng vắng cho tới ngày xuất hiện của nó trước dân I-sơ-ra-ên.

Giăng Báp-tít đã lớn lên, tâm thần tràn đầy năng lực của Thiên Chúa. Có lẽ từ khi Giăng tròn 20 tuổi, ông đã rời khỏi gia đình, vào sống trong đồng vắng, cho tới khi ông xuất hiện trước dân I-sơ-ra-ên để rao giảng về sự ăn năn tội, kêu gọi họ dọn lòng, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ.

Cảm tạ Đức Chúa Trời về ơn cứu rỗi mà Ngài đã ban cho toàn thể loài người; nhờ đó mà giờ đây mỗi chúng ta được hưởng sự cứu rỗi và ở trong địa vị là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được Ngài biết trước từ trước vô cùng. Chúng ta đã được Ngài kêu gọi và khi chúng ta đáp ứng lời kêu gọi của Ngài thì Ngài đã chọn chúng ta. Mục đích cuối cùng của Ngài dành cho mỗi chúng ta là cho phép mọi cảnh ngộ xảy ra trong đời sống của chúng ta để rèn luyện chúng ta trở nên giống như Đấng Christ. Nhờ đó, chúng ta được hiệp một với Đấng Christ và cùng Đấng Christ cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là Vương Quốc Đời Đời của Ngài. Chúng ta hãy hết lòng ghi nhớ ân điển của Đức Chúa Trời, tận dụng mọi vũ khí và sức toàn năng mà Ngài đã ban cho chúng ta để chiến thắng mọi thử thách, cám dỗ, hoàn thành những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta; dọn mình sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ.

Nếu trên bước đường theo Chúa, vì một lý do gì đó mà chúng ta lỡ sa ngã, phạm tội, thì chúng ta hãy nhanh chóng đến với Chúa, thật lòng ăn năn, thống hối, xin Ngài tha thứ cho chúng ta và phục hồi chúng ta. Hãy như Phi-e-rơ, ăn năn theo thần trí, mạnh dạn đứng lên tiếp tục mục vụ Chúa đã kêu gọi chúng ta bước vào. Đừng như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, ăn năn theo lý trí, tự mình dứt ra khỏi sự thông công với Hội Thánh, với Chúa và ơn thương xót của Ngài.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/10/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.jewishvirtuallibrary.org/the-great-revolt-66-70-ce

[2] https://www.jewishvirtuallibrary.org/estimated-number-of-jews-killed-in-the-final-solution

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[4] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

[5] https://kytanthe.net/060-cay-va-i-so-ra-en-diem-chua-den/

[6] https://kytanthe.net

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Luôn Sẽ Bồng Ẵm Tôi”
https://karaokethanhca.net/chua-luon-se-bong-am-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.