Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL033 Bài Giảng Trên Núi: Muối và Sự Sáng – Luật Pháp và Lời Tiên Tri

432 views

YouTube: https://youtu.be/NgogYBbAapQ

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL033 Bài Giảng Trên Núi:
Muối và Sự Sáng – Luật Pháp và Lời Tiên Tri
Ma-thi-ơ 5:13-20

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 5:13-20

13 Các ngươi là muối của đất, nhưng nếu muối bị mất vị mặn thì sẽ lấy gì mà làm cho mặn lại? Nó sẽ không còn dùng cho việc gì mà bị ném ra ngoài, và bị người ta đạp dưới chân.

14 Các ngươi là sự sáng của thế gian. Một cái thành nằm trên núi thì không thể bị che khuất.

15 Cũng không ai thắp đèn mà đặt nó dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn thì nó soi sáng khắp mọi sự trong nhà.

16 Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.

17 Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn.

18 Vì Ta phán với các ngươi: Thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn.

19 Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn nếu ai giữ và dạy các điều ấy thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.

20 Vì Ta phán với các ngươi rằng, trừ khi sự công chính của các ngươi vượt hơn nhiều sự công chính của những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, các ngươi chắc chắn sẽ không vào được Vương Quốc Trời.

Trong bài này, chúng ta học về đề tài thứ nhì và thứ ba của bài giảng trên núi, như đã được chép trong Ma-thi-ơ 5:13-20. Đề tài thứ nhì là “Muối của Đất và Sự Sáng của Thế gian”. Đề tài thứ ba là “Luật Pháp và Lời Tiên Tri”.

13 Các ngươi là muối của đất, nhưng nếu muối bị mất vị mặn thì sẽ lấy gì mà làm cho mặn lại? Nó sẽ không còn dùng cho việc gì mà bị ném ra ngoài, và bị người ta đạp dưới chân.

Muối được nói đến ở đây là muối ăn, được dùng để nêm nếm khi nấu ăn, làm gia tăng hương vị của thức ăn; được dùng để ướp thịt, cá, giữ cho thịt, cá được tươi lâu; được dùng để ướp các loại rau, củ, trứng để dành ăn lâu ngày. Muối cũng có thể pha với nước để súc miệng, rửa các vết thương.

Muối thường được khai thác bằng cách cho nước biển tràn vào các cánh đồng muối, nhờ sức nóng của mặt trời làm cho nước bốc hơi, chừa lại tinh thể muối. Hoặc được khai thác từ các mỏ muối trong lòng đất. “Muối của đất” là muối được khai thác từ mỏ. Muối có thể bị mất mặn vì bị ẩm ướt, hoặc vì hơi nóng. Tại Trung Đông, người ta có thói quen đổ một lớp muối dày dưới nền lò, trên là các miếng gạch, để giữ nóng và để hơi nóng lan đều trong lò. Sau một thời gian, hơi nóng của lò làm cho muối bị vỡ nhỏ ra và mất vị mặn, người ta đem muối đó bỏ ra ngoài đường. Vào thời của Đức Chúa Jesus, còn có loại muối được nhập từ Đảo Chíp-rơ vào xứ Ca-na-an. Loại muối này được khai thác từ các vùng đầm lầy nước mặn chung quanh Đảo Chíp-rơ, và dễ dàng bị mất vị mặn, chỉ sau vài năm được cất giữ trong kho. Muối đã bị mất vị mặn thì không còn ích lợi gì và chỉ có thể đổ bỏ trên đường đi mà thôi.

Chất mặn của muối là đặc tính của muối. Chất mặn của muối giúp sát trùng, diệt khuẩn trong một số trường hợp, giúp vết thương mau lành, làm thực phẩm tươi lâu, và làm tăng lên hương vị của thực phẩm. Đức Chúa Jesus ví các môn đồ của Ngài như muối của đất, là nói đến đức tính yêu thương của họ, là đức tính có được từ tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong họ. Đức tính ấy giúp làm đẹp cuộc đời. Vì con dân Chúa luôn làm ra những gì đem lại ích lợi cho thế gian. Việc làm ích lợi lớn nhất cho thế gian là rao giảng Tin Lành cho nhiều người được cứu.

Nếu con dân Chúa không còn tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong họ thì họ không còn có ích gì cho thế gian. Lý do con dân Chúa không còn tình yêu của Đức Chúa Trời trong họ là vì chính họ đã bỏ đi tình yêu ban đầu của họ dành cho Ngài. Tình yêu ban đầu đó ở trong họ, khi họ tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài với lòng biết ơn sâu đậm. Tình yêu của một người đối với Đức Chúa Trời khiến cho tình yêu của Đức Chúa Trời ở lại và phát triển trong họ. Giúp họ yêu bằng chính tình yêu của Ngài. Khi một người không còn yêu Đức Chúa Trời thì tình yêu của Đức Chúa Trời cũng không còn trong họ.

Lời Đức Chúa Jesus phán với Hội Thánh tại Ê-phê-sô như sau:

Tuy nhiên, Ta trách ngươi, vì ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu của ngươi.” (Khải Huyền 2:4).

Một người bỏ đi tình yêu của mình dành cho Chúa là vì người ấy đã yêu ai hoặc sự gì hơn Chúa.

14 Các ngươi là sự sáng của thế gian. Một cái thành nằm trên núi thì không thể bị che khuất.

Sự sáng được nói đến ở đây là sự chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa, tức là sự thể hiện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa trong nếp sống mỗi ngày. Đó là sự sáng thuộc linh, giúp cho người trong thế gian nhận biết Thiên Chúa, ý muốn tốt lành của Thiên Chúa đối với loài người, và ân điển cứu rỗi của Ngài ban cho loài người. Sự sáng thuộc linh được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, thái độ, việc làm khiến cho mọi người biết con dân Chúa là những người nhu mì, khiêm nhường, yêu thương và tôn trọng mọi người, có lòng sốt sắng giúp ích cho mọi người, và cương quyết không làm ra những sự đồi bại, gian trá, tham lam, độc ác.

Đức Chúa Jesus đang ở trên núi, giảng cho các môn đồ của Ngài và đoàn dân đông theo Ngài từ thành Ca-bê-na-um. Đối ngang với đỉnh núi Chúa đang ngồi, về phía đông bắc, cách chừng 3 km đường chim bay, là một ngọn núi khác mà thành Cô-ra-xin được xây dựng trên đó. Vì thế, khi Chúa phán dạy về sự “một cái thành nằm trên núi thì không thể bị che khuất” ai nấy cũng cảm nhận được rõ ràng lẽ thật trong lời phán của Chúa. Thời xưa, các thành đều được xây dựng trên địa thế cao để dễ phòng thủ. Vì ở trên cao nên đương nhiên không thể bị che khuất. Đời sống của mỗi con dân Chúa cũng được Chúa đặt trên cao, tức là phô bày cho thế gian, để mọi người đều nhìn thấy rõ nếp sống thiêng liêng, thánh khiết của họ. Con dân Chúa phải phô bày đức tin của mình trước thế gian.

15 Cũng không ai thắp đèn mà đặt nó dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn thì nó soi sáng khắp mọi sự trong nhà.

16 Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.

Đèn là vật dùng để soi sáng. Khi đèn đã được thắp lên thì phải đặt trên chân đèn để soi sáng khắp nhà. Như vậy mới đúng với mục đích và công dụng của đèn. Nếu thắp đèn để soi sáng mà lại đặt dưới cái thùng để che giấu ánh sáng của đèn thì đó là việc làm không hợp lý. Con dân Chúa như ngọn đèn thuộc linh đã được Đấng Christ thắp lên để soi sáng cho thế gian. Vì thế, mỗi con dân Chúa có bổn phận sống theo Lời Chúa, làm ra những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người (Ê-phê-sô 2:10), để sự vinh quang của Thiên Chúa được chiếu ra cho thế gian, và người thế gian bởi đó mà tôn vinh Đức Chúa Trời.

17 Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn.

Luật pháp được nói đến ở đây là luật pháp của Thiên Chúa, ban hành thành chữ viết cho loài người qua dân I-sơ-ra-ên; và đã được Môi-se ghi chép trong năm sách đầu tiên của Thánh Kinh. Luật pháp chia thành hai phần, phần Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và phần các luật lệ. Phần Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là nguyên tắc sống Đức Chúa Trời chỉ định cho loài người, về bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Phần các luật lệ diễn giải Mười Điều Răn và bao gồm các chỉ thị liên quan đến sự thờ phượng Thiên Chúa, sự loài người cư xử với nhau, sự loài người đối với thân thể của mình.

Trước khi luật pháp được ban hành thành chữ viết thì những người có lòng tin kính Thiên Chúa đã biết và vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa, bởi sự phán dạy của Ngài. Áp-ra-ham là một trong những người ấy. Thiên Chúa đã phán về Áp-ra-ham như sau:

Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5).

Câu ấy có nghĩa là: Áp-ra-ham đã vâng theo lời phán dạy của Thiên Chúa mà giữ gìn sự quy định của Ngài. Sự quy định ấy bao gồm các điều răn và các luật lệ của Ngài, được gọi chung là các luật pháp của Ngài.

Những lời tiên tri do các tiên tri trong thời Cựu Ước viết ra. Những lời ấy vừa ghi lại lịch sử của dân I-sơ-ra-ên, vừa cáo trách và kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn, vì họ đã phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, vừa báo trước những điều Đức Chúa Trời sẽ làm cho dân I-sơ-ra-ên nói riêng và loài người nói chung. Nhưng quan trọng hơn hết là lời tiên tri về sự đến của Đấng Christ. Đấng ra từ dân I-sơ-ra-ên để giải cứu dân I-sơ-ra-ên và loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi.

Danh từ “Đấng Christ” có nghĩa đen là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu; có nghĩa bóng là Đấng được Đức Chúa Trời chọn và ban cho đầy trọn thẩm quyền, năng lực của Thiên Chúa để hoàn thành sự cứu chuộc loài người. Hành động đổ dầu trên đầu một người được Đức Chúa Trời chọn làm vua, hoặc thầy tế lễ, hoặc tiên tri tiêu biểu cho sự uy quyền và năng lực của Thiên Chúa, gọi chung là “thánh linh” được ban cho người ấy để người ấy thi hành chức vụ.

Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ. Ngài cùng lúc được Đức Chúa Trời ban cho cả ba chức vụ: tiên tri để rao giảng về Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người; thầy tế lễ thượng phẩm để dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho loài người và cầu thay cho những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa; vua để cai trị trong lòng những người tin nhận Thiên Chúa và cai trị Vương Quốc Trời. Vì thế, sự đến của Ngài trước hết là làm ứng nghiệm lời tiên tri về sự đến của Đấng Christ, kế tiếp là làm ứng nghiệm lời tiên tri về những gì mà Đức Chúa Trời sẽ làm cho dân I-sơ-ra-ên và loài người qua Ngài. Mục đích sự đến của Đức Chúa Jesus là để nhận lãnh án phạt của tội lỗi trên loài người để loài người được Đức Chúa Trời tha tội và phục hồi địa vị làm con của Thiên Chúa. Loài người phạm tội vì vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Để có thể gánh thay hình phạt cho sự phạm tội của loài người thì bản thân Đức Chúa Jesus phải là một người hoàn toàn vô tội. Vì thế, từ khi được sinh ra cho tới khi trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá, Đức Chúa Jesus hoàn toàn vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật lệ trong luật pháp của Thiên Chúa. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ, đã khẳng định:

Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.” (I Phi-e-rơ 2:22).

Ý nghĩa của sự làm trọn luật pháp của Đức Chúa Jesus trước hết là chính Ngài vâng giữ luật pháp cách trọn vẹn. Kế tiếp, chính Ngài thực hiện những sự luật pháp đòi hỏi để đem lại sự tha tội cho loài người. Đó là Ngài phải dâng chính mạng sống của Ngài, làm của lễ chuộc tội cho họ. Đức Chúa Jesus không hề phá bỏ luật pháp nhưng Ngài làm cho trọn vẹn mọi đòi hỏi của luật pháp.

Loài người phạm tội là vì vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời để có thể chịu chết, gánh thay cho loài người hình phạt của sự phạm tội. Sau khi loài người được tha tội nhờ tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì loài người không được tiếp tục phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời còn lại đời đời. Tác giả Thi Thiên 119 đã hát rằng:

Tôi sẽ hằng giữ luật pháp của Ngài cho tới đời đời!” (Thi Thiên 119:44).

Nhiều giáo sư giả bẻ cong Lời Chúa trong Cô-lô-se 2:13-15 để xúi giục con dân Chúa phạm tội. Lời Chúa chép:

Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm; xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự; truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá.”

Các giáo sư giả dạy rằng, “bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta” chính là Mười Điều Răn và luật pháp trong Cựu Ước. Nhưng thực tế, Mười Điều Răn không hề nghịch lại chúng ta. Lời Chúa dạy rõ:

Các giới luật của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; điều răn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.” (Thi Thiên 19:8).

Xin hãy khiến tôi đi trong đường của các điều răn Ngài, vì tôi lấy làm vui vẻ tại đó.” (Thi Thiên 119:35).

Tôi cũng sẽ giơ tay lên hướng về các điều răn Ngài mà tôi yêu mến, và suy ngẫm các điều luật Ngài.” (Thi Thiên 119:48).

Bởi các điều răn của Ngài, Ngài làm cho tôi khôn sáng hơn những kẻ thù của tôi. Vì chúng là vĩnh cửu.” (Thi Thiên 119:98).

Lưỡi của tôi sẽ làm chứng về Lời của Ngài. Vì hết thảy các điều răn của Ngài là công chính.” (Thi Thiên 119:172).

Thật ra, “các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta” chính là các điều khoản lên án chết những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Jesus chịu chết để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người thì các điều khoản lên án chết sự phạm tội của loài người cũng bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài. Chúng không còn hiệu lực trên những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Như Đức Thánh Linh đã dạy rõ:

Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus, là những người không bước theo xác thịt nhưng bước theo thần trí.” (Rô-ma 8:1).

Người ở trong Đấng Christ là người không bước theo xác thịt, tức là không sống theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt. Nhưng bước theo thần trí, tức là sống theo sự hiểu biết Lời Chúa trong tâm thần. Người ấy không còn cố ý vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, đồng thời vâng giữ Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh. Người tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ nhưng không thật lòng ăn năn, từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa thì không ở trong Đấng Christ. Án phạt của Đức Chúa Trời vẫn còn ở trên người ấy.

Giả sử một người vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ nên bị cảnh sát giao thông biên giấy phạt, lên án người ấy phạm luật và buộc người ấy phải đóng một số tiền phạt, theo quy định của luật pháp. Thì tờ giấy phạt ấy chính là điều luật nghịch lại người vi phạm luật giao thông. Giả sử có người đứng ra nộp phạt thay cho người ấy thì giấy biên phạt nghịch lại người ấy không còn hiệu lực trên người ấy nữa. Người ấy được tự do trước luật pháp. Nhưng không có nghĩa là từ đó luật cấm vượt đèn đỏ đã bị phá bỏ bởi người đóng tiền phạt thay cho người phạm luật; rồi người phạm luật tha hồ vượt đèn đỏ mà không còn bị luật pháp định tội.

18 Vì Ta phán với các ngươi: Thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn.

Từ ngữ “một chấm, một nét” được dùng để nói đến luật pháp được chép thành chữ trên bảng đá và trên giấy. Ngày nay, luật pháp của Thiên Chúa được dịch ra hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau của loài người và được in ra trên giấy. Đó chính là các bản dịch Thánh Kinh được in thành sách. Những bản in đó sẽ phải qua đi, khi trời đất hiện tại và muôn vật trong trời đất qua đi. Nhưng cho tới khi trời đất hiện tại qua đi, sẽ không một chấm hay một nét nào trong văn bản viết thành chữ của luật pháp, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, bị hủy bỏ. Ý nghĩa đàng sau cách nói “một chấm hay một nét sẽ không qua đi” là sẽ không có sự thay đổi nội dung của luật pháp bằng cách bỏ đi một chấm hay một nét nào, trong chữ viết của luật pháp. Huống hồ gì là bỏ đi cả một điều răn, hoặc sửa “ngày Thứ Bảy” thành “ngày Thứ Nhất”. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vẫn được bảo tồn trong Rương Chứng Cớ ở trên trời. Rương Chứng Cớ còn được gọi là Rương Giao Ước. Vào giữa Kỳ Tận Thế, Đền Thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời sẽ được mở ra, và Rương Giao Ước sẽ được thấy trong Đền Thờ (Khải Huyền 11:19). Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chính Ngài chép trên hai bảng đá, được cất giữ trong Rương Giao Ước sẽ được dùng làm nền tảng phán xét toàn thế gian, trong Kỳ Tận Thế.

Chắc chắn sẽ đến một lúc trời và đất hiện tại sẽ qua đi, như đã được Sứ Đồ Phi-e-rơ tiên tri:

II Phi-e-rơ 3:10-13

10 Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

11 Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12 trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!

13 Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công chính cư ngụ.

Ngày ấy là vào cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, ngay trước kỳ phán xét chung cuộc, như đã được tiên tri trong Khải Huyền:

Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.” (Khải Huyền 20:11).

Khi ấy, mọi sự mới được trọn để trời mới đất mới được hiện ra cùng với Vương Quốc Đời Đời. Khi ấy, luật pháp được chép thành chữ mới qua đi. Vì toàn bộ luật pháp đã được chép vào trong tâm trí, trên những tấm lòng của con dân Chúa:

Ấy là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó, Chúa phán, ban cho những luật pháp của Ta vào trong tâm trí của họ và ghi chúng lên trên những tấm lòng của họ. Ta sẽ là Thiên Chúa đối với họ và họ sẽ là dân chúng đối với Ta. Họ sẽ chẳng có ai dạy bảo người lân cận của mình và anh chị em của mình, rằng: Hãy nhận biết Chúa! Vì hết thảy sẽ biết Ta, từ người rất nhỏ cho đến người rất lớn.” (Hê-bơ-rơ 8:10-11).

Các giáo sư giả dạy rằng, “mọi sự được trọn” là sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus đã hoàn tất nên luật pháp cũng đã qua đi. Nhưng thực tế, sự chết của Đức Chúa Jesus chỉ là một trong nhiều sự phải được trọn. Sau sự chết của Đức Chúa Jesus là sự Ngài sống lại, Ngài thăng thiên, sự thành lập Hội Thánh, sự truyền giảng Tin Lành cho muôn dân trên đất, sự Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và kết hiệp cách nhiệm mầu với Hội Thánh trong Lễ Cưới Chiên Con, sự tận thế, sự thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm, trận chiến cuối cùng giữa thiện và ác, sự hủy diệt trời cũ đất cũ, sự phán xét chung cuộc, sự sáng tạo trời mới đất mới là Vương Quốc Đời Đời.

Lúc Đấng Christ trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá, Ngài chỉ phán một chữ: “xong” (G5055), với thời quá khứ hoàn thành và thụ động cách (Giăng 19:30). Từ ngữ ấy được dịch thật sát nghĩa là: “đã được hoàn tất”. Ngài không hề phán “mọi sự (G3956) được trọn (G1096)” như trong Ma-thi-ơ 5:18. Ý của Đức Chúa Jesus là sự Ngài chịu chết để làm sinh tế chuộc tội cho loài người đã được hoàn tất. Sự chết của Đức Chúa Jesus không hề là “mọi sự được trọn” mà là mở ra 12 sự kiện cuối cùng trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Mười hai sự kiện ấy tiếp theo sự chết của Đức Chúa Jesus, mở đầu với sự phục sinh của Ngài và kết thúc với sự thiết lập Vương Quốc Đời Đời.

19 Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn nếu ai giữ và dạy các điều ấy thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.

Các điều răn được nói trong câu này là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Điều cực nhỏ trong các điều răn có nghĩa là một chi tiết nào đó, dường như rất là nhỏ, trong các điều răn của Đức Chúa Trời. Nó không hẳn là cả một điều răn. Lời Chúa không nói là bỏ đi một điều răn mà chỉ nói bỏ đi một chi tiết rất nhỏ trong các điều răn của Đức Chúa Trời. Người nào bỏ đi một chi tiết cực nhỏ và dạy người khác làm như vậy thì dù người ấy vẫn còn được cứu nhờ đức tin vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ, nhưng sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời. Toàn bộ đời sống của người ấy dù cho đã làm ra biết bao điều ích lợi cho Hội Thánh thì vẫn không được ghi nhận, vẫn không được ban thưởng. Vì người ấy đã phạm vào điều Đức Chúa Jesus nói trong câu này, là bỏ đi điều cực nhỏ trong các điều răn.

Một thí dụ điển hình: Có thể có người nói rằng, tôi giữ ngày Sa-bát của Chúa, nhưng thay vì giữ vào ngày Thứ Bảy thì tôi giữ vào Chủ Nhật. Như vậy, người ấy đã bỏ đi chi tiết ngày Thứ Bảy, tự mình thêm vào chi tiết ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Hoặc là người ấy giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy nhưng không cho phép các gia súc hay các tôi tớ của mình nghỉ làm việc trong ngày Thứ Bảy.

Là con dân của Chúa, chúng ta thật sự cần đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo, để biết chắc mình không sai trật Lời Chúa. Điều quan trọng là chúng ta cần suy ngẫm các điều răn để chúng ta không vô tình bỏ đi một điều cực nhỏ nào trong các điều răn của Đức Chúa Trời.

20 Vì Ta phán với các ngươi rằng, trừ khi sự công chính của các ngươi vượt hơn nhiều sự công chính của những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, các ngươi chắc chắn sẽ không vào được Vương Quốc Trời.

Chúng ta cần chú ý nhiều về lời phán dạy này. Lời phán của Chúa dạy rõ, vào được Vương Quốc Trời hay không là do chúng ta có một đời sống công chính hay không. Đời sống công chính là đời sống thể hiện đức tin bằng việc làm. Chúng ta được cứu là nhờ ân điển, bởi đức tin. Nhưng chúng ta có vào được Vương Quốc Trời hay không là bởi sự chúng ta có thể hiện đức tin của chúng ta thành hành động hay không; tức là có làm ra những sự công chính mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Sự công chính thứ nhất mà chúng ta cần phải làm là sự công chính đã được Đức Chúa Trời đã ghi chép trong Thánh Kinh, tức là các điều răn và luật pháp của Ngài. Sự công chính thứ nhì mà chúng ta phải làm là những công việc mà Đức Chúa Trời cụ thể giao riêng cho mỗi chúng ta.

Nhiều người lý luận rằng, nếu chúng ta vào được Vương Quốc Trời bởi những việc làm công chính của chúng ta thì đó là chúng ta dùng việc làm để được cứu rỗi. Nhưng nói như vậy là ngụy biện. Vì trong câu này, Đức Chúa Jesus không nói chúng ta được cứu rỗi là nhờ làm ra những việc công chính. Ngài đang nói với những người đã được cứu rỗi rồi, vì họ đã tin Ngài, là các môn đồ của Ngài. Được cứu là được cứu ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi. Đó là sự chúng ta nhận lãnh từ Đức Chúa Trời bởi đức tin của chúng ta và bởi ân điển của Ngài. Chúng ta không cần phải làm gì cả. Nhưng sau khi đã được cứu, để có thể được dự phần trong Vương Quốc Trời thì chúng ta phải sống một nếp sống công chính, thể hiện đức tin của mình thành hành động. Đức tin không thể hiện thành hành động là đức tin chết. Đức tin chết không cứu được ai (Gia-cơ 2:14-26).

Được cứu bởi đức tin khác với được vào Vương Quốc Trời bởi các việc làm công chính. Chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định, nếu sự công chính của các môn đồ Ngài không vượt hơn nhiều sự công chính của những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si thì chắc chắn là họ không thể vào Vương Quốc Trời. Những thầy thông giáo là những người I-sơ-ra-ên biệt riêng đời sống của họ để chuyên tâm học Lời Chúa, suy ngẫm Lời Chúa, sao chép Lời Chúa, và giải thích Lời Chúa cho dân chúng. Những người Pha-ri-si là những người tự cho rằng, họ biệt riêng trọn đời sống họ để phụng sự Thiên Chúa. Nếu thật sự là những người biệt riêng mình để học Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, và phụng sự Chúa thì phải là những người hiểu biết Lời Chúa và sống theo Lời Chúa. Tức là phải có nếp sống công chính. Nhưng trong Ma-thi-ơ đoạn 23, chính Đức Chúa Jesus đã lên án họ là những kẻ giả hình. Trước mặt Chúa, sự công chính của họ chỉ là sự giả hình. Họ giả vờ ra vẻ là người công chính nhưng họ không thật sự là người công chính. Môn đồ của Chúa, con dân của Chúa phải có sự công chính hơn hẳn sự công chính mà những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si thể hiện vào thời ấy.

Sự công chính mà Chúa mong chờ nơi mỗi chúng ta là chúng ta thật lòng tin cậy Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa. Chứ không phải giả vờ như mình đang sống theo Lời Chúa để qua mắt thiên hạ.

Mong rằng quý ông bà anh chị em sẽ ghi nhớ sự khác biệt giữa sự được cứu bởi đức tin với sự được vào Vương Quốc Trời bởi sự vâng phục Chúa, sống theo Lời Chúa, tức là làm ra các việc làm công chính.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/05/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Từ Xa Xưa Jesus Yêu Tôi”
https://karaokethanhca.net/tu-xa-xua-jesus-yeu-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.