Chú Giải Hê-bơ-rơ 10:19-25 Lời Kêu Gọi Sống Theo Đức Tin

3,884 views

Nguồn: https://youtu.be/xwr_3VWEdxw

Chú Giải Hê-bơ-rơ 10:19-25
Lời Kêu Gọi Sống Theo Đức Tin

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 10:19-25

19 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy có sự dạn dĩ mà vào trong Nơi Rất Thánh bởi máu của Đức Chúa Jesus;

20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn cho chúng ta, tức là xác thịt của Ngài;

21 và bởi một thầy tế lễ lớn cai trị trên nhà của Đức Chúa Trời.

22 Chúng ta hãy đến gần với lòng chân thật trong đức tin vững chắc, với những tấm lòng đã được tưới sạch khỏi lương tâm xấu và những thân thể đã được rửa bằng nước tinh khiết.

23 Chúng ta hãy nắm giữ sự tuyên xưng chẳng chuyển lay của sự trông cậy. Vì Đấng đã hứa với chúng ta là Đấng thành tín.

24 Chúng ta hãy quan tâm lẫn nhau với sự giục giã nhau vào trong sự yêu thương và những việc lành.

25 Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]

Trong Sáng Thế Ký 3:8, chúng ta thấy, sau khi tổ phụ của chúng ta là A-đam và Ê-va phạm tội, thì họ tìm cách tránh mặt Thiên Chúa. Mặc cảm tội lỗi khiến cho chúng ta trốn tránh Thiên Chúa và tội lỗi làm cho chúng ta bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi chúng ta đã được ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì chẳng những chúng ta được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản tính tội, mà chúng ta còn được Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sức sống mới và năng lực từ Thiên Chúa. Chúng ta được thông công trở lại với Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta có tấm lòng dạn dĩ và khao khát đến gần Thiên Chúa, khao khát được tương giao với Thiên Chúa.

Đời sống thuộc về Chúa và ở trong Chúa là đời sống ở trong sự thông công với Chúa. Thông công là sự giao tiếp hai chiều giữa một thành viên với tất cả những thành viên khác trong một tập thể. Chúng ta thuộc về một tập thể được gọi là “nhà của Đức Chúa Trời” tức gia đình của Đức Chúa Trời. Trong gia đình của Đức Chúa Trời, có Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Jesus Christ là Con Trưởng, Đức Thánh Linh là Đấng Quản Gia mọi sản nghiệp của gia đình, và mỗi một con dân Chúa là một anh chị em cùng Cha. Để đạt đến sự trọn vẹn mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho mỗi một chúng ta thì chúng ta phải hết lòng sống theo đức tin của mình, trong Đấng Christ.

Bước đầu tiên thể hiện nếp sống mới trong đức tin là chúng ta dạn dĩ đến với Ba Ngôi Thiên Chúa. Đến với Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài và cầu xin, khẩn nguyện cho mọi nhu cầu, mọi nan đề của chúng ta và của các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Đức Chúa Trời tiêu biểu cho tình yêu đời đời của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đến với Đức Chúa Jesus Christ để luôn nhận được sức mới từ nơi Ngài và luôn đồng công (cùng nhau làm việc) với Ngài trong mọi sự. Đức Chúa Jesus Christ tiêu biểu cho ân điển đời đời của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đến với Đức Thánh Linh để luôn được ở trong sự thông công với Thiên Chúa và với nhau trong Hội Thánh. Đức Thánh Linh tiêu biểu cho sự thông công của Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta. Chúng ta đều quen thuộc với lời chúc phước trong II Cô-rinh-tô 13:14 “Nguyện xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!”

Sự sống là sự được thông công với Thiên Chúa, được đời đời thực hữu trong hạnh phúc với tình yêu của Ngài. Sự chết là sự bị dứt thông công với Thiên Chúa, bị đời đời thực hữu trong hỏa ngục. Để được sống, chúng ta cần phải có đức tin nơi Thiên Chúa. Đức tin được thể hiện bằng sự chúng ta vâng phục mọi lời phán của Thiên Chúa. Sống theo đức tin là sống và hành động theo những gì chúng ta tin nơi Lời Chúa.

19 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy có sự dạn dĩ mà vào trong Nơi Rất Thánh bởi máu của Đức Chúa Jesus;

Khi chúng ta đã thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn có đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh ban cho năng lực của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta phải có lòng dạn dĩ ra mắt Đức Chúa Trời.

Trong thực tế, khi chúng ta được cứu rỗi thì chúng ta được Đức Thánh Linh ngự vào trong chúng ta, khiến thân thể của chúng ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa và giúp chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật. Nghĩa là giúp cho chúng ta hiểu đúng lời Chúa để thờ phượng đúng theo Lời Chúa.

Giăng 14:23 cho chúng ta biết, nếu chúng ta vâng giữ những lời phán dạy của Đấng Christ thì chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời yêu và Đức Chúa Trời cùng với Đấng Christ sẽ đến với chúng ta, làm ra chỗ ở với chúng ta. Động từ “làm ra chỗ ở” có nghĩa là tạo ra nơi cư trú. Giới từ “với” có các nghĩa: ở bên cạnh, ở giữa. Đức Chúa Jesus Christ hiện diện trong chúng ta trong vai trò là thầy tế lễ thượng phẩm để giúp chúng ta trong sự thờ phượng và tương giao với Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cần ra mắt Đức Chúa Trời trong Nơi Rất Thánh, tức là chúng ta cần dạn dĩ đối diện với Đức Chúa Trời trong chính linh hồn của mình, để thờ phượng Ngài và có sự tương giao cá nhân với Ngài, qua sự cầu nguyện.

Thân thể của chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa với phần bên ngoài của xác thịt là hành lang của Đền Thờ, tiếp xúc với thế giới vật chất, tiếp xúc với những người khác. Phần bên trong của xác thịt có sự hiện diện của Đức Thánh Linh cùng với tâm thần, tức là phần thân thể thiêng liêng của chúng ta. Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của chúng ta và tương giao với tâm thần của chúng ta, nhờ đó chúng ta có sự tri thức về Thiên Chúa, gọi là thần trí. Chỉ có người được cứu rỗi mới có thể sống theo thần trí và dùng thần trí để bắt phục những sự tham muốn của xác thịt.

Phần tâm thần là Nơi Thánh của Đền Thờ, nơi hàng ngày chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời trong lẽ thật dưới sự dẫn dắt của thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta là Đấng Christ, bằng cách:

  • Tiếp nhận Lời Hằng Sống của Thiên Chúa và chiếu sáng vinh quang của Lời Chúa trong mọi phương diện của đời sống chúng ta, như chân đèn vàng bảy ngọn được châm dầu, cắt tim ngày hai bận, và thắp sáng ngày đêm.
  • Giữ cho mọi phương diện trong đời sống của chúng ta luôn thánh khiết không tội lỗi, như bánh không men được bày trên bàn, trước Thiên Chúa, và được thầy tế lễ thượng phẩm là Đấng Christ đổi mới vào mỗi ngày Sa-bát.
  • Dâng lên Đức Chúa Trời mọi lời tôn vinh, khẩn nguyện, và mọi việc lành khác của chúng ta như thức hương thơm, từ bàn thờ xông hương trong Nơi Thánh.

Bên trong tâm thần là linh hồn, tức bản ngã của chúng ta, là Nơi Rất Thánh của Đền Thờ, có sự hiện diện của Đức Chúa Trời và chứng cớ về ân điển của Ngài, được tiêu biểu bằng Ngai Thương Xót và Rương Giao Ước.

Rương Giao Ước là chứng cớ về ân điển của Đức Chúa Trời vì trong rương có chứa Mười Lời của Đức Chúa Trời là nguyên tắc sống cho chúng ta trong cuộc đời này. Nhờ có nguyên tắc đó mà chúng ta biết phải sống như thế nào để mãi mãi hạnh phúc.

Ngai Thương Xót ở trên Rương Giao Ước tiêu biểu cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong linh hồn của chúng ta. Và thật cảm tạ Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Thương Xót. Nhờ đó, khi chúng ta vi phạm Mười Điều Răn của Ngài, Ngài vẫn ban cho chúng ta cơ hội được tha thứ.

Chúng ta cần dạn dĩ đối diện với Đức Chúa Trời trong chính linh hồn của chúng ta với máu của Đấng Christ bao phủ chúng ta.

“Hãy có sự dạn dĩ mà vào trong Nơi Rất Thánh bởi máu của Đức Chúa Jesus” có nghĩa là chúng ta hãy dạn dĩ thưa chuyện với Đức Chúa Trời trong linh hồn của mình và thờ phượng Ngài, với đức tin tuyệt đối là máu của Đấng Christ đã rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta và vẫn đang bao phủ chúng ta, để chúng ta có thể đứng vững trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn cho chúng ta, tức là xác thịt của Ngài;

Chúng ta được đối diện với Đức Chúa Trời trong linh hồn của mình bởi sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá, gánh thay hình phạt của mọi tội lỗi cho chúng ta. Nhờ đó mà mọi tội lỗi của chúng ta được Đức Chúa Trời tha thứ.

Trong Đền Tạm và Đền Thờ trên đất, giữa Nơi Thánh và Nơi Rất Thánh có một tấm màn ngăn cách. Tấm màn ấy tiêu biểu cho sự chúng ta bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời vì những tội lỗi của chúng ta:

“Này, tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng ngắn mà không cứu được; tai của Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được. Nhưng ấy là sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi khỏi Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, mà Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:1-2).

Một người bình thường vượt qua tấm màn đó để vào trong Nơi Rất Thánh, tức vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, thì sẽ bị Đức Chúa Trời đánh chết. Điều đó tiêu biểu cho sự kiện tội nhân không thể đối diện với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tấm màn ấy đã bị xé toang từ trên xuống dưới trong khoảnh khắc Đức Chúa Jesus Christ trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá.

Đức Chúa Jesus Christ, bởi sự chết chuộc tội của Ngài, đã trở thành con đường sống cho chúng ta, để trong Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta có thể vượt qua sự ngăn cách mà vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay hình phạt tội lỗi cho chúng ta. Thân thể xác thịt ấy đã sống lại và chúng ta, bởi đức tin, được hiệp một với Đấng Christ. Trong Đấng Christ, chúng ta có thể vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác, bởi Đấng Christ, chúng ta được đối diện với Đức Chúa Trời trong linh hồn của mình. Lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

“…Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống. Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta. Nếu các ngươi biết Ta, thì cũng biết Cha Ta; và từ nay, các ngươi biết Ngài và đã thấy Ngài.” (Giăng 14:6-7).

Nhiều khi chúng ta mở miệng cầu nguyện với Đức Chúa Trời một cách máy móc mà không ý thức rằng, mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Ngài là chúng ta bước vào trong Nơi Rất Thánh. Bởi đức tin của chúng ta vào trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ, bởi máu của Đấng Christ rửa sạch chúng ta và vẫn bao phủ chúng ta, mà chúng ta được Đức Chúa Trời nghe và nhận những lời cầu xin phải lẽ của chúng ta.

Khi chúng ta đọc Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta thấy có rất nhiều lần Đức Chúa Trời trực tiếp đối thoại với loài người. Ngài có thể lấy hình người hiện ra, mặt đối mặt để nói chuyện với loài người, như trường hợp được ghi lại trong Sáng Thế Ký 18. Ngài có thể phán dạy loài người trong khải tượng, hoặc trong chiêm bao, hoặc qua trụ mây (Dân Số Ký 12:5-6). Các thánh đồ thời Cựu Ước bởi đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời và bởi sự vâng phục của họ qua nghi thức dâng sinh tế chuộc tội, mà họ được tha tội, được thánh hóa để có thể trực tiếp trò chuyện với Đức Chúa Trời.

Minh hoạ: Giả sử chúng ta đi làm và đến cuối tháng mới được lãnh lương. Nhưng trước khi lãnh lương, nắm tiền mặt trong tay, thì chúng ta có những nhu cầu mua sắm, cần phải được giải quyết. Dù không có tiền mặt, chúng ta vẫn có thể mua sắm bằng thẻ tín dụng. Rồi, khi chúng ta lãnh lương thì chúng ta có thể trả lại cho ngân hàng số tiền mà chúng ta đã chi tiêu qua thẻ tín dụng. Như vậy, thẻ tín dụng làm hình bóng cho số tiền mặt mà chúng ta sẽ có và giúp giải quyết các nhu cầu của chúng ta, trước khi chúng ta nắm tiền mặt trong tay. Nhưng thực tế, vẫn là chúng ta trả giá cho mọi mua sắm của chúng ta bằng tiền mặt.

Tất cả những nghi thức về sinh tế chuộc tội trong thời Cựu Ước tương tự như thẻ tín dụng vậy. Nó giúp cho các thánh đồ thời Cựu Ước được Đức Chúa Trời tha tội, nhưng cái giá thật sự để trả cho sự được tha tội là máu của Đấng Christ, khi thời điểm đến.

Trong thời Tân Ước thì Đức Chúa Trời hiện diện và phán truyền với con dân Chúa ngay chính trong nơi sâu thẳm của bản thể họ, là linh hồn, được tiêu biểu bằng Nơi Rất Thánh của Đền Tạm và Đền Thờ. Chúng ta hiểu như vậy là dựa trên sự kiện Đức Chúa Trời trò chuyện với Môi-se trong Nơi Rất Thánh:

“Ta sẽ gặp ngươi tại đó, và ở trên Ngai Thương Xót, giữa hai tượng chê-ru-bim, trên Rương Chứng Cớ, Ta sẽ truyền cho ngươi các mệnh lệnh về dân I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:22).

“Khi Môi-se vào hội mạc để hầu chuyện cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì người nghe tiếng nói với mình từ trên Ngai Thương Xót để trên Rương Chứng Cớ, ở giữa hai chê-ru-bim, người hầu chuyện cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vậy.” (Dân Số Ký 7:89).

Mỗi con dân Chúa trong thời Tân Ước là một thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời dưới sự cai trị của thầy tế lễ thượng phẩm là Đức Chúa Jesus Christ. Trọn đời sống của chúng ta trong Chúa là đời sống phụng sự Chúa, sống cho Chúa và chết cho Chúa. Bất cứ việc gì chúng ta làm, từ việc cơ bản nhất là ăn và uống, thì cũng phải vì sự vinh quang của Thiên Chúa:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân tộc thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]” (I Phi-e-rơ 2:9).

“Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:8)

“Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Từng giây phút trong đời sống của chúng ta đều là thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật, tôn cao danh Ngài. Thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí là thờ phượng Ngài với sự tri thức về Ngài. Thờ phượng Đức Chúa Trời trong lẽ thật là thờ phượng Ngài đúng theo Thánh Kinh.

21 và bởi một thầy tế lễ lớn cai trị trên nhà của Đức Chúa Trời.

Mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời, thờ phượng Đức Chúa Trời, thì Đấng Christ vẫn ở với chúng ta, cùng cầu nguyện với chúng ta và cùng thờ phượng Đức Chúa Trời với chúng ta. Vì Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đời đời của chúng ta. Không một sự thờ phượng nào của chúng ta dù là cá nhân hay Hội Thánh mà không qua Đấng Christ. Nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Vì thế, mọi sự thờ phượng của Hội Thánh do Đức Chúa Jesus Christ dẫn đầu. Hành động thờ phượng do Hội Thánh làm ra và Đấng Christ dâng sự thờ phượng của Hội Thánh lên Đức Chúa Trời. Khi chúng ta cầu nguyện và thờ phượng Đức Chúa Trời cách cá nhân, thì cũng chính Đấng Christ dâng sự cầu xin và thờ phượng của mỗi chúng ta lên Đức Chúa Trời. Cũng trong sự chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời và thờ phượng Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh luôn soi dẫn chúng ta để mọi sự luôn đúng theo lẽ thật của Lời Chúa. Khi cần, thì chính Đức Thánh Linh cầu thay cho chúng ta (Rô-ma 8:27).

22 Chúng ta hãy đến gần với lòng chân thật trong đức tin vững chắc, với những tấm lòng đã được tưới sạch khỏi lương tâm xấu và những thân thể đã được rửa bằng nước tinh khiết.

“Hãy đến gần” là hãy đến gần Đức Chúa Trời, đến gần Cha yêu thương của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đến gần Đức Chúa Trời nếu chúng ta có tấm lòng chân thật. Danh từ “lòng chân thật” được dùng tại đây với hình thức số ít để chỉ về trạng thái hoặc tính chất của linh hồn. Linh hồn của chúng ta phải chân thật trong sự ăn năn tội và tin kính Đức Chúa Trời. Nếu không, chúng ta không thể đến gần Đức Chúa Trời. Thực tế, người không thật lòng ăn năn tội, không thật lòng tin kính Đức Chúa Trời thì không hề được tha tội, không hề được rửa sạch tội, không hề có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể và ban cho năng lực của Thiên Chúa. Người ấy không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong linh hồn, cho nên, không thể đến gần Đức Chúa Trời. Cũng có những người đã được cứu rồi sau đó chọn quay về sống trong tội. Những người như vậy có thể vẫn mang danh là con dân Chúa, thậm chí vẫn mang các danh hiệu của các chức vụ trong Hội Thánh, cho đến khi bị dứt thông công khỏi Hội Thánh.

Lòng chân thật phải đi đôi với đức tin vững chắc. Nếu có sự nghi ngờ trong đức tin thì không còn là đức tin nữa. Đức tin vững chắc được nói đến ở đây là đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì nhờ đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta mới được đến gần Đức Chúa Trời.

Chẳng những chúng ta đến gần Đức Chúa Trời với lòng chân thật trong đức tin vững chắc mà chúng ta còn đến gần Đức Chúa Trời với những tấm lòng của chúng ta đã được tưới sạch khỏi lương tâm xấu. Chữ “lòng” tiêu biểu cho mọi tình cảm. “Lương tâm” là sự tri thức về Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta bị cắt đứt sự thông công với Thiên Chúa nên sự tri thức về Thiên Chúa của chúng ta từ từ bị phai mờ, thay vào đó là sự tác động của ma quỷ, khiến cho lương tâm của chúng ta bị băng hoại, trở thành lương tâm xấu. Điển hình là lương tâm xấu ưa thích thần tượng và thờ lạy thần tượng.

Động từ “tưới” được dùng tại đây cùng là động từ được dịch là “rẩy” trong sự rẩy máu sinh tế trên bàn thờ và trên tội nhân. Máu của Đấng Christ được rẩy lên trên mỗi linh hồn của chúng ta, khiến cho chúng ta được rửa sạch bản tính tội, lương tâm của chúng ta được phục hồi. Nhờ đó, chúng ta có lại sự hiểu biết đúng về Thiên Chúa, biết thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật, nên chúng ta có thể đối diện với Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài từ nơi sâu thẳm của linh hồn chúng ta.

Chúng ta cũng đến gần Đức Chúa Trời với những thân thể xác thịt của chúng ta đã được thánh hóa bởi Lời Chúa, tiêu biểu qua nghi thức báp-tem, nhúng chìm thân thể trong nước.

Đại danh từ “chúng ta” cùng với hình thức số nhiều của hai danh từ “tấm lòng” và “thân thể” nói đến sự con dân Chúa đến với Đức Chúa Trời trong sự hiệp một của Hội Thánh. Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh là Thiên Chúa hiệp một như thế nào thì toàn thể con dân Chúa là Hội Thánh cũng hiệp một như thế ấy.

23 Chúng ta hãy nắm giữ sự tuyên xưng chẳng chuyển lay của sự trông cậy. Vì Đấng đã hứa với chúng ta là Đấng thành tín.

Động từ “nắm giữ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng ở đây với nghĩa: Nắm chắc trong tay, giữ làm sở hữu, không để cho bị mất.

“Sự tuyên xưng” tức là sự tuyên xưng đức tin của chúng ta về sự trông cậy của chúng ta trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi ấy chúng ta có được là bởi sự thật lòng ăn năn tội của chúng ta và đức tin trọn vẹn của chúng ta vào trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

“Chẳng chuyển lay” có nghĩa là cho dù bước đường theo Chúa có khó khăn, thử thách đến đâu, chúng ta vẫn vui lòng chịu khổ vì danh Chúa, trung tín vác thập tự giá của mình mà theo Chúa. Không một điều gì có thể làm thay đổi đức tin của chúng ta. Không có một điều gì khiến cho chúng ta nghi ngờ lời hứa của Chúa. Vác thập tự giá của mình có nghĩa là chịu gánh lấy những hoạn nạn, bắt bớ, bất công, sỉ nhục vì danh Chúa.

“Nắm giữ sự tuyên xưng chẳng chuyển lay của sự trông cậy” có nghĩa là chúng ta giữ vững lời xưng nhận đức tin của chúng ta về sự chúng ta trông cậy ngày Đấng Christ hiện đến để ban sự cứu rỗi trọn vẹn cho chúng ta. Hiện nay, linh hồn và tâm thần của chúng ta đã được dựng nên mới, nhưng thân thể xác thịt này chỉ mới được thánh hóa để trở thành Đền Thờ Thiên Chúa và trở thành công cụ làm ra những việc lành trong danh Chúa, chứ chưa được dựng nên mới. Sự dựng nên mới của thân thể xác thịt chúng ta sẽ xảy ra trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Chúng ta được yên tâm nắm giữ sự xưng nhận đức tin của chúng ta về sự trông cậy ngày mà sự cứu rỗi của chúng ta được trọn vẹn. Vì Đức Chúa Trời là Đấng thành tín. Ngài sẽ làm thành mọi lời hứa của Ngài. Cũng chính Đức Chúa Trời là Đấng giữ cho chúng ta được trọn vẹn không chỗ trách được, từ linh hồn, tâm thần, cho đến xác thịt, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ:

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! Ngài là thành tín! Đấng đã kêu gọi các anh chị em. Ngài cũng sẽ làm điều ấy!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Miễn là chúng ta luôn hết lòng tin kính Chúa và vâng giữ các điều răn của Ngài, đời sống của chúng ta sẽ luôn bình an và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Và chúng ta sẽ được đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa để luôn đắc thắng mọi cám dỗ, mọi thử thách, mọi kẻ thù.

24 Chúng ta hãy quan tâm lẫn nhau với sự giục giã nhau vào trong sự yêu thương và những việc lành.

Tình yêu trong Chúa khiến cho chúng ta tự nhiên quan tâm lẫn nhau, khích lệ, an ủi, tiếp trợ, cứu giúp lẫn nhau, để cùng nhau sống trong tình yêu của Đấng Christ và cùng nhau làm trọn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho Hội Thánh.

Chúng ta hãy biết rằng, mỗi một việc lành của mỗi người trong Hội Thánh cũng chính là việc lành của Hội Thánh. Vì chúng ta là chi thể của cùng một thân, có bổn phận và trách nhiệm liên đới. Người thì ra sức làm việc, người thì tiếp trợ các nhu cầu vật chất, người thì cầu thay, người thì nói lời khích lệ… Tất cả đều vì sự vinh quang của Chúa, vì tình yêu đối với Chúa và đối với lẫn nhau.

Danh từ “sự giục giã” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự làm cho phấn khởi để hành động.

25 Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]

“Sự nhóm hiệp của chúng ta” tức là sự nhóm hiệp của Hội Thánh. Hội Thánh lúc mới được thành lập tại Giê-ru-sa-lem thì mỗi ngày con dân Chúa đến Đền Thờ để cầu nguyện. Sau đó thì họ luân phiên nhóm hiệp trong nhà nhau. Khi Hội Thánh phát triển đến nhiều nơi trong đế quốc La-mã thì con dân Chúa thường xuyên nhóm hiệp trong nhà của các trưởng lão. Sự nhóm hiệp trong các cơ sở được gọi là nhà thờ chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ tư, sau khi Hoàng Đế La-mã Công-tăng-tin gia nhập giáo hội và cho xây dựng các nhà thờ. Sau khi đế quốc La-mã tuyên bố Công Giáo là quốc giáo vào năm 380 [1], thì dân ngoại giáo xin gia nhập Công Giáo rất nhiều, để được hưởng các quyền lợi từ đế quốc. Khi đó, những đền thờ tà thần của ngoại giáo được biến đổi thành những nhà thờ của Công Giáo. Hình tượng các tà thần được đổi tên thành các nhân vật trong Thánh Kinh, gọi là tượng các thánh [2], [3].

Từ năm 27 đến năm 364, Hội Thánh vẫn nhóm hiệp vào mỗi ngày Sa-bát, theo mệnh lệnh của Chúa. Nhưng sau đó, Giáo Hội Công Giáo đã ra lệnh bỏ ngày Sa-bát Thứ Bảy và buộc con dân Chúa phải nhóm hiệp vào Chủ Nhật. Chúng tôi xin trích đăng một phần trong bài “Lịch Sử Giữ Ngày Sa-bát của Hội Thánh” dưới đây [4]:

Dưới đây là lời các sử gia ghi chép về sự giữ ngày Sa-bát của con dân Chúa từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tư:

  • “Những Cơ-đốc nhân thời ban đầu có sự tôn kính lớn dành cho ngày Sa-bát. Họ dành cả ngày cho sự thờ phượng và nghe giảng. Điều không thể nghi ngờ là họ học được sự thực hành này từ chính các sứ đồ như nhiều câu Thánh Kinh đã cho thấy.”(Nguyên văn: “The primitive Christians had a great veneration for the Sabbath, and spent the day in devotion and sermons. And it is not to be doubted but they derived this practice from the Apostles themselves, as appears by several scriptures to the purpose.” Trích từ: Dr. T.H. Morer – A Church of England divine. “Dialogues on the Lord’s Day.” London, 1701, trang 189).
  • “Những Cơ-đốc nhân người ngoại cũng giữ ngày Sa-bát.” (Nguyên văn: “The Gentile Christians observed also the Sabbath” Trích từ: Gieseler’s “Church History,” Vol.1, ch. 2, par. 30, 93).
  • “Những Cơ-đốc nhân thuở ban đầu đã vâng giữ ngày Sa-bát của người Do-thái… vì thế, các Cơ-đốc nhân, trong suốt một thời gian dài, đã cùng nhau giữ các buổi nhóm họp của họ trong ngày Sa-bát; trong đó, một phần của luật pháp được đọc: và sự kiện này cứ tiếp tục cho đến Công Đồng Lao-đi-xê [1].” (Nguyên văn: “The primitive Christians did keep the Sabbath of the Jews… therefore the Christians, for a long time together, did keep their conventions upon the Sabbath, in which some portions of the law were read: and this continued till the time of the Laodicean council.” Trích từ: Jeremy Taylor, “The Whole Works of Jeremy Taylor.” Vol. IX, trang 416).
  • “Từ thời các sứ đồ cho đến khi Công Đồng Lao-đi-xê được tổ chức vào khoảng năm 364, sự vâng giữ thánh ngày Sa-bát của người Do-thái vẫn được tiếp tục, như nhiều tác giả đã chứng minh, vâng, mặc cho quy định cấm đoán của công đồng.” (Nguyên văn:“From the apostles’ time until the council of Laodicea, which was about the year 364, the holy observance of the Jews’ Sabbath continued, as may be proved out of many authors: yea, notwithstanding the decree of the council against it.” Trích từ: John Ley. “Sunday a Sabbath.” London, 1640, trang 163).

Các Giáo Hội Cải Chính và Tin Lành ra từ Giáo Hội Công Giáo đã giữ nguyên sự nhóm hiệp vào Chủ Nhật theo Công Giáo; vì hiểu lầm rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã phục sinh vào sáng sớm Chủ Nhật. Nhưng thực tế, Chúa đã sống lại vào cuối của ngày Thứ Bảy [5].

Chắc chắn, trong suốt Thánh Kinh chỉ có Lời Chúa truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh ghi lại lời Chúa truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp vào Chủ Nhật. Có một lần Thánh Kinh ghi lại Hội Thánh tại thành Trô-ách nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật:

“Vào ngày thứ nhất của tuần lễ, các môn đồ đã nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô đang giảng cho họ. Ông sắp ra đi ngày hôm sau, nên cứ giảng luôn cho đến nửa đêm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7).

Nhưng đó là trường hợp đặc biệt, trong chuyến Phao-lô ghé thăm và giảng dạy cho Hội Thánh địa phương. Hội Thánh nhóm vào ngày Sa-bát Thứ Bảy, đến khoảng sau 6 giờ chiều, là lúc đã bước sang ngày Thứ Nhất, thì Hội Thánh ngừng nhóm để ăn tối, rồi tiếp tục nhóm lại cho đến nửa đêm. Vì Phao-lô phải ra đi vào sáng sớm Chủ Nhật nên Hội Thánh cứ tiếp tục nhóm để nghe ông giảng.

Ngoài ra, lời của Phao-lô căn dặn Hội Thánh tại Cô-rinh-tô để dành sự thu nhập của mỗi người kể từ ngày đầu tuần, để tiếp trợ Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, không hề có nghĩa là Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nhóm hiệp vào ngày đầu tuần, tức Chủ Nhật:

“Vào ngày đầu của tuần lễ, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần thu góp.” (I Cô-rinh-tô 16:2).

Lời ấy chứng minh rằng, ngày đầu tuần lễ là Chủ Nhật, là ngày người ta bắt đầu đi làm việc trở lại, có tiền công hoặc có thu nhập về thổ sản, về chăn nuôi, và có thể để dành ra cho việc cứu giúp các anh chị em bị khó khăn. Đây là sự để dành phần dâng hiến, cho tới khi Phao-lô đến, không phải sự dâng hiến trong một buổi nhóm tại nhà thờ hay nhà hội. Vì thế, đây không nói đến việc dâng hiến trong buổi nhóm vào Chủ Nhật.

Chúng ta có thể nhóm hiệp thờ phượng Chúa bất cứ lúc nào nhưng nếu chúng ta không nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát Thứ Bảy là chúng ta phạm tội bỏ qua sự nhóm hiệp đã được Chúa truyền dạy.

“Ngày ấy” tức là ngày Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng ta là dòng dõi sẽ được nhìn thấy Chúa trở lại. Dân I-sơ-ra-ên đã tái lập quốc 71 năm, tương đương với tuổi thọ trung bình của một đời người (Thi Thiên 90:10). Sự kiện ấy càng chứng minh rằng Đức Chúa Jesus Christ có thể trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian vào bất kỳ lúc nào. Là con dân Chúa, chúng ta có bổn phận khuyên bảo nhau chớ bỏ qua sự nhóm lại và khuyên bảo nhau hãy tỉnh thức, sống theo Lời Chúa, để sẵn sàng ra đi với Đấng Christ.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thức tỉnh chúng ta, khích lệ chúng ta, an ủi chúng ta, thêm sức cho chúng ta để chúng ta sống đẹp lòng Chúa và kết quả cho Hội Thánh trong những ngày cuối cùng này. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/06/2019

Ghi Chú

[1] Bruce L. Shelley. “Church History In Plain Language”, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Công Giáo trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.

[2] https://www.khanacademy.org/humanities/medieval-world/early-christian1/a/early-christian-art-and-architecture-after-constantine

[3] https://academic.oup.com/jss/article-abstract/23/2/257/1609320?redirectedFrom=PDF

[4] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/lich-su-giu-ngay-sa-bat-cua-hoi-thanh-262/

[5] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

Karaoke Thánh Ca: “Vì Jesus Là Chân Lý Là Lẽ Sống”
https://karaokethanhca.net/vi-jesus-la-chan-ly-la-le-song/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.