Chú Giải I Cô-rinh-tô 11:02-16 Sự Trùm Đầu của Phụ Nữ

3,257 views

 

YouTube: https://youtu.be/uJaW1IAh0eI

Chú Giải I Cô-rinh-tô 11:2-16
Sự Trùm Đầu của Phụ Nữ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 11:2-16

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khen các anh chị em, vì các anh chị em nhớ đến tôi trong mọi dịp, và giữ gìn những lời giáo huấn tôi đã trao cho các anh chị em.

3 Dù vậy, tôi muốn các anh chị em biết rằng, đầu của mỗi đàn ông là Đấng Christ; đầu của đàn bà là người đàn ông; và đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời.

4 Đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà có đầu bị trùm lại thì làm nhục đầu mình.

5 Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.

6 Nếu người đàn bà không trùm đầu thì cũng hãy hớt tóc đi. Nhưng nếu sự hớt tóc hoặc cạo đầu là xấu hổ cho đàn bà thì hãy trùm đầu lại.

7 Đàn ông thật không nên trùm đầu; vì người là hình ảnh và sự vinh quang của Thiên Chúa. Còn đàn bà là sự vinh quang của đàn ông.

8 Vì đàn ông không ra từ đàn bà mà đàn bà ra từ đàn ông.

9 Cũng không phải đàn ông được tạo ra cho người đàn bà mà đàn bà được tạo ra cho người đàn ông.

10 Bởi đó, người đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.

11 Nhưng trong Chúa chẳng phải đàn ông không cần đàn bà, cũng chẳng phải đàn bà không cần đàn ông.

12 Vì, như người đàn bà ra từ người đàn ông, thì người đàn ông cũng bởi người đàn bà, và hết thảy đều ra từ Đức Chúa Trời.

13 Hãy phán xét trong chính các anh chị em: Đàn bà cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không trùm đầu, thì phải lẽ chăng?

14 Chẳng phải chính lẽ tự nhiên dạy cho các anh chị em rằng, nếu đàn ông có tóc dài thì là sự hổ thẹn cho người ấy sao?

15 Nhưng, nếu đàn bà có tóc dài thì là sự vinh quang cho nàng. Vì mái tóc được ban cho nàng để làm khăn che.

16 Và nếu có ai dường như ưa thích tranh cãi thì chúng tôi cũng như các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen ấy.

Nhiều giáo hội mang danh Chúa không cho phép người nữ rao giảng Lời Chúa trong Hội Thánh, vì họ đã hiểu lầm ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 14:34-35 và I Ti-mô-thê 2:11-12. Thật ra, I Cô-rinh-tô 14:34-35 dạy về sự những người vợ không được nói chuyện hoặc hỏi han chồng trong buổi nhóm, làm mất trật tự buổi nhóm của Hội Thánh; chứ không dạy rằng, người nữ không được rao giảng Lời Chúa trong Hội Thánh. Còn I Ti-mô-thê 2:11-12 thì dạy về bổn phận của người vợ là phải vâng phục chồng, không được dạy dỗ chồng, không được lấn quyền chồng, chứ không dạy rằng, người nữ không được rao giảng Lời Chúa [1]. Quan trọng là I Cô-rinh-tô 11:2-16 dạy rõ: Người nữ khi cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa thì phải trùm đầu để chứng tỏ sự vâng phục thẩm quyền của người nam. Và I Cô-rinh-tô 14:26-32 dạy rằng, mỗi người trong Hội Thánh, không phân biệt gì hết, đều có quyền lên tiếng, chia sẻ theo sự Chúa ban cho mình, nhưng phải theo thứ tự và trong trật tự.

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài ca, có lời giảng dạy, có lời ngoại ngữ, có sự mạc khải, có sự thông giải ngoại ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng.” (I Cô-rinh-tô 14:26).

Nhóm chữ “ai nấy trong các anh chị em” không phân biệt phái tính, chức vụ trong Hội Thánh.

Nhóm chữ “có lời giảng dạy” bao gồm tất cả những gì đúng với Lời Chúa mà một người muốn chia sẻ để khích lệ, hướng dẫn, và gây dựng Hội Thánh. Danh từ “lời giảng dạy” (G1322) vừa có nghĩa là lời giảng dạy, vừa có nghĩa là hành động giảng dạy. Vì thế, phụ nữ không bị ngoại trừ trong sự giảng dạy trong những buổi nhóm hiệp của Hội Thánh.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 11:2-16.

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khen các anh chị em, vì các anh chị em nhớ đến tôi trong mọi dịp, và giữ gìn những lời giáo huấn tôi đã trao cho các anh chị em.

Sau những lời quở trách nghiêm khắc từ đoạn 3 cho đến đoạn 6 về những sự sai trái của con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã có lời khen họ, vì trong mọi sự, họ vẫn nhớ đến ông, tìm kiếm ý kiến và sự khuyên dạy của ông, bằng cách viết thư cho ông. Chẳng những họ tìm kiếm ý kiến và sự khuyên dạy của ông, họ còn vâng lời ông.

Danh từ “những lời giáo huấn” (G3862) có nghĩa là những sự hướng dẫn, những nguyên tắc, những luật lệ được truyền cho bằng lời nói hoặc bằng chữ viết.

Động từ “trao” (G3860) có nghĩa là đưa vào tận tay để sử dụng, để chăm sóc, hoặc để quản lý.

Con dân Chúa trong Hội Thánh khi có nan đề, ngoài việc dâng trình lên Chúa, xin Chúa soi dẫn cách thức giải quyết theo Thánh Kinh, cũng có thể tìm kiếm sự cầu thay và ý kiến từ các anh chị em trong Hội Thánh, đặc biệt là từ những giám mục, người chăn, trưởng lão, nếu cảm thấy mình chưa hoàn toàn thấu hiểu cách thức giải quyết vấn đề theo Lời Chúa.

3 Dù vậy, tôi muốn các anh chị em biết rằng, đầu của mỗi đàn ông là Đấng Christ; đầu của đàn bà là người đàn ông; và đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời.

Phao-lô bắt đầu đi vào sự giảng giải vì sao phụ nữ phải trùm đầu, khi họ cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa. Chúng ta cần chú ý rằng, Phao-lô không bàn đến việc phụ nữ được phép cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa hay không, mà ông chỉ nói đến sự kiện Chúa đã đặt phụ nữ ở dưới quyền người nam, nên trong khi họ cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa thì họ phải trùm đầu, để thể hiện rằng, họ vâng phục mệnh lệnh của Chúa và họ tôn trọng thẩm quyền của cha, anh, chồng trong gia đình, hoặc của các nam trưởng lão trong Hội Thánh.

“Đầu của mỗi đàn ông là Đấng Christ” có nghĩa là mỗi một người nam từ 20 tuổi trở lên (20 tuổi là tuổi trưởng thành theo Thánh Kinh) đều trực tiếp ở dưới sự lãnh đạo của Đấng Christ. Người nam dưới 20 tuổi thì ở dưới quyền của cha mẹ hoặc của người giám hộ. Người giám hộ là người hợp pháp chịu trách nhiệm nuôi dạy đứa trẻ không có cha mẹ.

“Đầu của đàn bà là người đàn ông” có nghĩa là nếu người nữ chưa có chồng thì ở dưới quyền của cha, anh, hoặc một người giám hộ nam. Còn khi đã có chồng thì ở dưới quyền chồng. Nếu đã ly dị hoặc góa chồng mà không có cha, anh thì sẽ ở dưới sự giám hộ của một trong các nam trưởng lão trong Hội Thánh.

Chúng ta chú ý, danh từ đàn bà không có mạo từ xác định đứng trước nên dùng để chỉ bất cứ người nữ nào. Trong khi đó, danh từ “đàn ông” có mạo từ xác định đứng trước, được dịch thành “người”, để chỉ người đàn ông có thẩm quyền hợp pháp đối với người phụ nữ.

“Đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời” có nghĩa là Đấng Christ ở dưới quyền của Đức Chúa Trời. Mặc dù Đấng Christ là Thiên Chúa Ngôi Lời, nhưng khi Ngài nhập thế làm người thì Ngài từ bỏ sự bình đẳng, bình quyền của mình với Đức Chúa Trời. Có như vậy thì Ngài mới thật sự là người. Thánh Kinh dạy:

“Hãy có cùng một tâm tình này trong các anh chị em như cũng đã có trong Đấng Christ Jesus. Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:5-8).

Hiện nay và cho đến mãi mãi, dù Đấng Christ vẫn mang hình thể xác thịt của loài người nhưng Ngài đã phục hồi quyền vị Thiên Chúa của mình. Nói cách khác, trước khi Ngài chịu chết và phục sinh thì Ngài không hề thi hành năng lực và thẩm quyền của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt của Ngài, nhưng sau khi Ngài chịu chết và phục sinh thì Ngài luôn thi hành năng lực và thẩm quyền của Thiên Chúa qua thân thể xác thịt của Ngài.

Chúng ta thấy, trong loài người, bao gồm Đấng Christ, có sự bình đẳng nhưng không có sự bình quyền. Quyền cao nhất là Đấng Christ, một người không hề phạm tội và đã chịu chết để cứu tất cả những người khác ra khỏi án phạt của tội lỗi. Kế đến là người nam cầm quyền trong gia đình và trong Hội Thánh. Sau cùng là người nữ cầm quyền trên con cái dưới 20 tuổi.

Trong xã hội, các vua, tổng thống, chủ tịch, và các quan chức trong chính phủ cầm quyền trên dân chúng.

Trong Hội Thánh, Đấng Christ là đầu, kế đến là giám mục cùng các trưởng lão khác trong mỗi Hội Thánh địa phương. Trong một Hội Thánh địa phương nhỏ bé về số lượng có thể chỉ có một trưởng lão, vừa là người chăn, vừa là giám mục. Trong một Hội Thánh địa phương có số đông thì có thể có nhiều trưởng lão, một trong các trưởng lão là một người chăn, và một trong các trưởng lão là giám mục. Các nữ trưởng lão có quyền kỷ luật những phụ nữ và trẻ con dưới 20 tuổi trong Hội Thánh, nhưng không có quyền ấy trên người nam từ 20 tuổi trở lên.

4 Đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà có đầu bị trùm lại, thì làm nhục đầu mình.

5 Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.

“Cầu nguyện” (G4336) là thưa chuyện với Thiên Chúa. Cầu nguyện bao gồm lời tôn vinh, lời cảm tạ, lời xưng tội, lời cầu xin, lời cầu hỏi, lời cầu thay, và lời tâm tình.

“Nói tiên tri” (G4395) là nói ra những lời đến từ Thiên Chúa. Có hai hình thức nói tiên tri.

  • Theo mệnh lệnh của Chúa, nói ra những gì Chúa phán dạy trực tiếp. Có thể là nói về một biến cố sẽ xảy ra, có liên quan đến con dân Chúa. Có thể là nói lời cáo trách tội lỗi, kêu gọi kẻ có tội ăn năn.
  • Theo mệnh lệnh của Chúa hoặc theo sự tác động của Chúa, rao giảng Lời Chúa như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà có đầu bị trùm lại thì làm nhục đầu mình là vì đã tự đồng hóa mình với đàn bà. Vì việc trùm đầu là việc đàn bà làm để tỏ ra mình ở dưới quyền của đàn ông, theo mệnh lệnh của Chúa (Sáng Thế Ký 3:16). Thế mà có nhiều họa sĩ đã vẽ hình Đức Chúa Jesus đọc Thánh Kinh để giảng trong nhà hội mà lại trùm đầu. Chỉ cần tra tìm trên mạng nhóm chữ: “image of Jesus read the Scripture” là sẽ thấy rất nhiều hình vẽ Chúa trùm đầu trong khi đọc và giảng Thánh Kinh. Đó cũng là một chiêu trò lừa dối của ma quỷ, khiến cho con dân Chúa làm nhục Chúa qua các hình vẽ như vậy.

Ngày nay, những người đàn ông Do-thái thường đeo một vật làm bằng vải gọi là “mái vòm” (kippah) trên đầu của họ, trong khi họ thờ phượng Chúa. Những người theo phái Chính Thống của Do-thái Giáo thì đeo “mái vòm” suốt ngày; trong khi những người theo các hệ phái khác thì chỉ đeo trong khi cầu nguyện, trong khi tham dự các lễ hội, hoặc trong khi nhóm hiệp trong các nhà hội. “Mái vòm” được dùng để thay thế cho khăn trùm đầu. Do-thái Giáo dạy rằng, đàn ông cần phải trùm đầu khi ra mắt Chúa. Tuy nhiên, Thánh Kinh Cựu Ước, là phần Thánh Kinh được người Do-thái tin nhận, lại không hề dạy như vậy. Trong Cựu Ước chỉ nói đến các trường hợp đàn ông trùm đầu vì đau buồn, than khóc: II Sa-mu-ên 15:30; Giê-rê-mi 14:3-4.

Qua Lời Chúa trong Thánh Kinh Tân Ước, chúng ta được biết, đàn ông trùm đầu trong khi cầu nguyện là tự làm nhục đầu mình. Bởi đó, chúng ta hiểu rằng, trong khoảng thời gian chừng 400 năm Đức Chúa Trời im lặng với dân I-sơ-ra-ên, (từ sau Tiên Tri Ma-la-chi cho đến Giăng Báp-tít), những người Pha-ri-si đã đặt ra nhiều sự dạy dỗ không đúng lời Chúa trong các giáo điều của Do-thái Giáo. Có lẽ, các họa sĩ vẽ hình Đức Chúa Jesus trùm đầu khi đọc và giảng Thánh Kinh là dựa theo điều luật đàn ông trùm đầu của Do-thái Giáo.

Đàn bà nào cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa mà đầu không được trùm lại thì làm nhục đầu mình là vì đã chối bỏ thẩm quyền Chúa đặt để trên mình.

Theo phong tục của nhiều dân tộc, khi người đàn bà phạm tội ngoại tình sẽ bị cạo đầu để làm nhục trước công chúng. Người Việt Nam có tục “gọt đầu bôi vôi” là hình thức cạo trọc đầu rồi bôi vôi lên đầu để tóc không thể mọc lại sau một thời gian dài. Đó là hình phạt thời phong kiến dành cho những đàn bà ngoại tình hoặc những cô gái chửa hoang. Vì thế, người đàn bà bị cạo đầu là bị làm nhục. Người đàn bà nào chối bỏ thẩm quyền Chúa đặt để trên mình trong khi cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa, thì người ấy tự làm nhục chính mình như một người bị cạo đầu.

Như vậy, chúng ta thấy, phụ nữ có quyền cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa, hoặc giảng dạy trong những buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, nhưng phải trùm đầu để thể hiện sự vâng phục thẩm quyền của những người nam Chúa đặt để trên mình.

6 Nếu người đàn bà không trùm đầu thì cũng hãy hớt tóc đi. Nhưng nếu sự hớt tóc hoặc cạo đầu là xấu hổ cho đàn bà thì hãy trùm đầu lại.

Đây là một câu nói có tính cách giả định để nhấn mạnh đến sự đàn bà cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa mà không trùm đầu là tự làm nhục chính mình. Nếu các chị em trong Hội Thánh biết xấu hổ khi bị hớt tóc hoặc bị cạo đầu, thì hãy trùm đầu trong khi cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa. Vì sự đàn bà cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa mà không trùm đầu là ô nhục cũng như sự ô nhục khi phạm tội bị cạo đầu.

“Sự hớt tóc” là nói đến hình phạt cắt ngắn đi mái tóc của một người nữ khi người ấy phạm tội ngoại tình, còn gọi là xởn tóc, thường xảy ra trong các cuộc đánh ghen. Ngày nay, có nhiều phụ nữ thích hớt tóc ngắn như nam. Đó cũng là một hình thức tự làm nhục chính mình. Vì mái tóc dài của phụ nữ là sự ban cho của Thiên Chúa, được gọi là sự vinh quang của người nữ, như được nói trong câu 15. Các chị em trong Chúa không nên cắt tóc ngắn như nam giới. Vì làm như vậy là chối bỏ sự vinh quang Chúa ban cho mình. Cắt tóc ngắn như nam giới là khi nhìn từ phía sau vào mái tóc của mình, người ta tưởng mình là phái nam.

7 Đàn ông thật không nên trùm đầu; vì người là hình ảnh và sự vinh quang của Thiên Chúa. Còn đàn bà là sự vinh quang của đàn ông.

8 Vì đàn ông không ra từ đàn bà mà đàn bà ra từ đàn ông.

Sự đàn ông không nên trùm đầu là nói đến sự trùm đầu trong khi cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa. Đàn ông vẫn có thể trùm đầu để tránh nắng, tránh mưa, tránh gió, tránh lạnh.

Khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì Ngài dựng nên thân vị người nam trước, theo hình và tượng của Ngài. Vì thế, đàn ông là sự thể hiện sự vinh quang của Thiên Chúa. Thân vị người nữ được Thiên Chúa dựng nên từ thân thể của người nam nên đàn bà thể hiện sự vinh quang của đàn ông.

9 Cũng không phải đàn ông được tạo ra cho người đàn bà mà đàn bà được tạo ra cho người đàn ông.

Ngoài sự kiện người nam được dựng nên trước người nữ và người nữ ra từ người nam, thì người nữ còn được dựng nên với mục đích làm người giúp đỡ người nam hoàn thành mọi công việc Thiên Chúa giao phó cho loài người (Sáng Thế Ký 2:20). Đó là công việc cai trị đất cùng muôn vật trên đất và sinh ra dòng dõi loài người.

10 Bởi đó, người đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.

“Bởi đó” là bởi vì những ý đã trình bày trong các câu từ câu 3 đến câu 9. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là: “Bởi đó, người đàn bà phải có thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.” Cho thấy, khăn trùm đầu chẳng những là dấu hiệu cho thẩm quyền của đàn ông trên đàn bà mà còn là sự thể hiện của thẩm quyền ấy trên đầu của người đàn bà trùm đầu.

“Vì cớ các thiên sứ” có nghĩa là để làm gương tốt cho các thiên sứ về sự vâng phục mệnh lệnh của Chúa. Danh từ thiên sứ bao gồm các thiên sứ tốt lẫn các thiên sứ xấu (ma quỷ). Vì trong mọi buổi nhóm hiệp của Hội Thánh đều có sự hiện diện của Chúa, và chắc chắn là có các thiên sứ theo hầu Chúa. Lời Chúa chép:

“Nhưng Ngài là thánh, Đấng ngự giữa những sự tôn vinh của I-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 22:3).

Ngày nay, Hội Thánh là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh của Thiên Chúa. Mỗi khi Hội Thánh nhóm hiệp thờ phượng Chúa, tôn vinh Ngài thì luôn có sự hiện diện của Chúa và các thiên sứ.

Ngoài ra, ma quỷ, là các thiên sứ phạm tội, cũng có thể từ xa nhìn vào những sự nhóm hiệp của Hội Thánh để tìm cơ hội kiện cáo những sự phạm tội trong Hội Thánh, như là sự thiếu tôn kính trong buổi nhóm; sự khoe khoang, kiêu ngạo trong khi giảng Lời Chúa, trong khi ca hát tôn vinh Chúa, trong khi chia sẻ, làm chứng…

11 Nhưng trong Chúa chẳng phải đàn ông không cần đàn bà, cũng chẳng phải đàn bà không cần đàn ông.

12 Vì, như người đàn bà ra từ người đàn ông, thì người đàn ông cũng bởi người đàn bà, và hết thảy đều ra từ Đức Chúa Trời.

Sự không bình quyền giữa nam và nữ không có nghĩa là nữ không bình đẳng với nam trước Chúa. Bình quyền được dùng trong bối cảnh này là cùng có quyền cai trị ngang nhau. Bình đẳng là cùng có giá trị ngang nhau.

Chính sự kiện người nữ đầu tiên là một thân vị có cùng bản thể loài người như người nam đầu tiên mà người nữ bình đẳng với người nam, tức là có cùng một giá trị như người nam. Kể từ đó, mọi người nam đều được sinh ra bởi người nữ càng làm nổi bật sự bình đẳng của nam và nữ.

Lời Chúa dạy rõ:

“Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ. Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:27-28).

Trong gia đình, Chúa trao quyền cai trị cho người chồng, người cha, người anh. Trong Hội Thánh, Chúa trao quyền cai trị cho các giám mục. Trong xã hội, Chúa trao quyền cai trị cho các viên chức chính quyền. Vì thế, không có chuyện bình quyền trong sự cai trị. Nhưng trước Chúa mỗi người có giá trị ngang nhau. Đó là sự bình đẳng. Vì thế, sự hình phạt dành cho người phạm tội là ngang nhau:

“Này, mọi linh hồn đều thuộc về Ta; linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về Ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Ê-xê-chi-ên 18:4).

Nhưng sự cứu rỗi ra khỏi hình phạt của sự phạm tội cũng ban cho mỗi người ngang nhau:

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Con ấy thì không bị hư mất, mà được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

“Trong Chúa” là trong Hội Thánh. Trong Chúa nam và nữ bình đẳng với nhau và cần đến nhau để hoàn thành các công việc Chúa giao trên đất.

13 Hãy phán xét trong chính các anh chị em: Đàn bà cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không trùm đầu, thì phải lẽ chăng?

Động từ “phán xét” (G2919) được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là xem xét để lựa chọn hoặc để đưa ra nhận định. Sau khi Phao-lô đưa ra lý do vì sao phụ nữ cần phải trùm đầu trong khi cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa, thì ông kêu gọi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô hãy đưa ra nhận định, xem việc phụ nữ cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không trùm đầu, thì phải lẽ chăng?

Dĩ nhiên, câu trả lời đúng sẽ là: Không phải lẽ!

14 Chẳng phải chính lẽ tự nhiên dạy cho các anh chị em rằng, nếu đàn ông có tóc dài thì là sự hổ thẹn cho người ấy sao?

“Lẽ tự nhiên” là sự tri thức, tức là sự tự nhiên mà biết, vì sự hiểu biết đó đã được Đức Chúa Trời đặt để trong thần trí của loài người. Đức Thánh Linh đã qua Phao-lô, xác nhận rằng, đàn ông không được phép để tóc dài. Vì đàn ông để tóc dài là đồng hóa mình với đàn bà. Thế nào là tóc dài đối với đàn ông? Là khi nhìn vào mái tóc từ phía sau người ta có thể lầm tưởng đó là đàn bà. Con dân Chúa phái nam nên cắt tóc ngắn, không để cho tóc dài quá tai và quá chân cổ, nơi cổ tiếp xúc với lưng.

Ma quỷ đã dùng một số họa sĩ vẽ ra những tấm hình một người đàn ông có mái tóc dài và gọi đó là hình Chúa. Con dân Chúa nên dẹp bỏ những tấm hình như vậy, vì đó là sự làm nhục Chúa. Xin quý ông bà anh chị em vào timhieutinlanh.com đọc bài “Xuất Xứ của Hình Đức Chúa Jesus” [2].

15 Nhưng, nếu đàn bà có tóc dài thì là sự vinh quang cho nàng. Vì mái tóc được ban cho nàng để làm khăn che.

Mái tóc dài của phái nữ là sự Chúa ban cho để tôn cao nét đẹp của họ. Phụ nữ thường trang sức bằng cách đội và choàng các loại khăn, nhưng mái tóc dài là khăn che tự nhiên Chúa ban cho họ. Khăn che tự nhiên này là sự vinh quang của phái nữ chứ không phải để tỏ ra người nữ dưới quyền người nam. Vì thế, dù người nữ có mái tóc dài họ vẫn phải trùm đầu mỗi khi cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa.

16 Và nếu có ai dường như ưa thích tranh cãi thì chúng tôi cũng như các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen ấy.

Phao-lô đúc kết vấn đề bằng cách khẳng định, ông và các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không chấp nhận sự tranh cãi về việc phụ nữ phải trùm đầu trong khi cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa.

Nhóm chữ “ưa thích tranh cãi” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một tính từ (G5380); có thể mang nghĩa tranh cãi với ý xấu hoặc biện luận với ý tốt. Vì Phao-lô đã đưa ra những lý do rõ ràng về sự vì sao phụ nữ phải trùm đầu trong khi cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa, nên không thể có sự biện luận mà chỉ có sự tranh cãi để bác bỏ sự giảng dạy của Phao-lô. Ngày nay, nhiều giáo hội mang danh Chúa đã tranh cãi, không chấp nhận việc phụ nữ phải trùm đầu trong khi cầu nguyện hoặc rao giảng Lời Chúa. Lý do thường được đưa ra là, việc phụ nữ trùm đầu chỉ áp dụng cho các dân Trung Đông, vì đó là phong tục của họ. Tuy nhiên, Phao-lô không hề nói phụ nữ trùm đầu theo phong tục mà là trùm đầu để tỏ ra công nhận quyền cai trị của người nam mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên họ. Và kế tiếp là vì cớ các thiên sứ.

Sự biện luận để làm sáng tỏ một vấn đề là có ích lợi và cần thiết, còn được gọi là biện giáo. Nhưng khi vấn đề đã được trình bày rõ ràng mà biện luận để bác bỏ thì sự biện luận đó biến thành tranh cãi. Người tranh cãi thường rơi vào một trong ba trường hợp:

  • Ngu biện, là tranh cãi mà không có sự hiểu biết vấn đề mình tranh cãi.
  • Ngụy biện, là hiểu biết vấn đề mình tranh cãi nhưng tìm cách cãi để bác bỏ lẽ phải, sự thật, nhằm bảo vệ quan điểm hay sở thích của mình.
  • Quỷ biện, là cố ý đưa ra những lời ngụy biện để gạt người và hại người. Những lời quỷ biện có thể đến từ các tà linh.

Là con dân Chúa chúng ta có bổn phận rao giảng lẽ thật, sẵn sàng giải đáp những sự thắc mắc thật lòng; nhưng chúng ta không tranh cãi với những kẻ ưa thích sự tranh cãi. Chúng ta cũng không cần trả lời những kẻ không chịu tiếp nhận lẽ thật, sau hai lần giải thích cho họ.

Mệnh lệnh phụ nữ phải trùm đầu trong khi cầu nguyện chỉ áp dụng khi người nữ cầu nguyện trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, nhưng không áp dụng khi người nữ cầu nguyện riêng tư với Chúa. Buổi nhóm hiệp trong gia đình cũng là buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Vì nơi nào có hai hay ba người nhóm lại trong danh Chúa thì có sự hiện diện của Chúa (Ma-thi-ơ 18:20), và đương nhiên là có sự hiện diện của các thiên sứ theo hầu Chúa. Mệnh lệnh phụ nữ phải trùm đầu trong khi rao giảng Lời Chúa được áp dụng trong mọi lúc.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/04/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-2_1-15/

[2] https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-xuat-xu-cua-hinh-duc-chua-jesus/

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Yêu”
https://karaokethanhca.net/ngai-yeu/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu