Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL015 Đức Chúa Jesus Lúc Mười Hai Tuổi

503 views

YouTube: https://youtu.be/oSGXWHT-91A

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL015 Đức Chúa Jesus Lúc Mười Hai Tuổi
Lu-ca 2:41-52

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 2:41-52

41 Hằng năm, cha mẹ của Ngài vẫn đi đến Giê-ru-sa-lem vào Lễ Vượt Qua.

42 Khi Ngài đã lên mười hai tuổi, họ đã đi lên Giê-ru-sa-lem, theo thông lệ của ngày lễ.

43 Khi họ đã giữ trọn các ngày lễ, họ đã trở về. Con trẻ Jesus đã ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem mà Giô-sép và mẹ của Ngài đã không biết.

44 Họ đã tưởng Ngài ở trong nhóm người đi chung. Đi được một ngày đường, họ đã tìm Ngài trong các người thân và trong các người quen.

45 Khi họ không tìm thấy Ngài, họ đã trở lại thành Giê-ru-sa-lem, kiếm Ngài.

46 Đã xảy ra, sau ba ngày, họ đã gặp Ngài trong Đền Thờ, đang ngồi trong vòng các giáo sư, vừa nghe họ vừa hỏi họ.

47 Hết thảy những ai đã nghe Ngài, đều ngạc nhiên về sự hiểu biết và những câu trả lời của Ngài.

48 Khi họ đã thấy Ngài, thì họ ngạc nhiên và mẹ của Ngài đã nói với Ngài: Hỡi con! Sao con làm cho chúng ta ra thế này? Này, cha của con và ta đã chịu khổ sở, tìm con.

49 Ngài đã thưa với họ: Sao mà các người kiếm con? Các người chẳng biết rằng, con phải có mặt trong những việc của Cha con sao?

50 Nhưng họ đã không hiểu lời mà Ngài đã nói với họ.

51 Rồi, Ngài đã đi xuống với họ, vào đến thành Na-xa-rét; và cứ chịu vâng phục họ. Mẹ của Ngài đã giữ hết thảy các lời ấy trong lòng của bà.

52 Đức Chúa Jesus đã thêm lên sự khôn sáng và trưởng thành; đẹp lòng Thiên Chúa và loài người.

Trước khi cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của Lu-ca 2:41-52, có vài điều chúng ta cần ghi nhớ:

Đức Chúa Jesus hoàn toàn là một người như chúng ta, vì Ngài được sinh ra bởi một người nữ, với một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và một thân thể vật chất là xác thịt. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus cũng hoàn toàn là Thiên Chúa, vì linh hồn và tâm thần của Ngài chính là linh hồn và tâm thần của Thiên Chúa Ngôi Lời. Thánh Kinh cho chúng ta biết:

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Thánh Kinh đã khẳng định:

“Ngôi Lời đã tự trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta, đầy dẫy ân điển và lẽ thật. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài, sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha.” (Giăng 1:14).

Chúng ta hiểu rằng, Đức Chúa Jesus phải được sinh ra và lớn lên cách bình thường như mọi người để có thể hoàn toàn là một người. Chỉ có một người mới có thể gánh thay án phạt của tội lỗi cho một người khác, một cách công chính. Mạng sống của một người chỉ có thể đánh đổi cho mạng sống của một người khác. Nhưng vì Đức Chúa Jesus cũng chính là Thiên Chúa, mạng sống của Ngài là bất tận, nên Ngài có thể đánh đổi mạng sống bất tận của Ngài cho mạng sống của tất cả mọi người trong thế gian.

Chính vì Đức Chúa Jesus phải được sinh ra và lớn lên bình thường như mọi người nên Ngài cũng phải bú mẹ; cũng phải được mẹ thay tã; cũng phải học đọc, học viết; cũng phải đọc và suy ngẫm Thánh Kinh; cũng phải học một nghề để có thể tự kiếm sống và còn nuôi mẹ, nuôi các em, sau khi ông Giô-sép, cha nuôi của Ngài, qua đời. Điều quan trọng là Đức Chúa Jesus cũng phải đối diện với những sự cám dỗ như bất cứ người nào. Nhưng Ngài không hề phạm tội:

“Vì thật Ngài không lấy hình thể của các thiên sứ, nhưng Ngài đã lấy hình thể của dòng dõi Áp-ra-ham [Ê-sai 41:8-9]. Bởi đó, trong suốt mọi sự Ngài phải chịu giống như những em cùng Cha của mình, để Ngài trở nên thầy tế lễ thượng phẩm thương xót và trung tín, trước Đức Chúa Trời, chuộc những tội của dân chúng. Vì trong sự ấy, chính mình Ngài khốn khổ khi bị cám dỗ hoặc bị thử thách, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị cám dỗ hoặc bị thử thách.” (Hê-bơ-rơ 2:16-18).

“Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng thể cảm thương những sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách như chúng ta mà không phạm tội.” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Theo Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7; 11:19 thì người cha có bổn phận dạy Lời Chúa cho các con của mình. Từ thời của Ê-xơ-ra (457 TCN), sau khi dân I-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Ba-bi-lôn đã trở về xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, tại Giê-ru-sa-lem đã có trường dạy học cho các trẻ con mồ côi. Từ năm 64 TCN, tại mỗi thành, mỗi làng của dân I-sơ-ra-ên đều có một trường học mà trẻ con từ sáu tuổi trở lên có thể đến học [1]. Chi phí của trường do cộng đồng địa phương đóng góp. Trung bình, mỗi thầy giáo phụ trách dạy 25 học sinh. Nếu có nhiều học sinh hơn thì sẽ có thêm thầy giáo. Chỉ có người đã kết hôn mới được làm thầy giáo.

Cho tới thời của Đức Chúa Jesus, trong các trường học có sáu môn học chính được dạy cho trẻ con I-sơ-ra-ên:

  • Học về chăn nuôi, trồng trọt, và cầu nguyện.
  • Học về các luật lệ liên quan ngày Sa-bát và các kỳ lễ hội.
  • Học về hôn nhân và ly dị.
  • Học về luật dân sự và luật hình sự.
  • Học về các nghi thức dâng của lễ, thờ phượng trong Đền Thờ, kiêng các thức ăn không tinh sạch.
  • Học về sự giữ mình tinh sạch và các nghi thức tẩy uế.

Dù vậy, theo một tài liệu nghiên cứu thì vào thời của Đức Chúa Jesus, có đến 90% trẻ con I-sơ-ra-ên sống tại Đất Hứa Ca-na-an không biết đọc, không biết viết [2]. Có lẽ là vì số trẻ con được cha mẹ cho đến trường quá ít. Hai sứ đồ thân cận với Đức Chúa Jesus là Phi-e-rơ và Giăng cũng thuộc về những người không có học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Chỉ sau năm 70, sau khi thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa bị thiêu hủy bởi quân lính La-mã, thì Do-thái Giáo mới yêu cầu dân I-sơ-ra-ên cả người lớn lẫn trẻ con đều phải biết đọc và học Thánh Kinh trong tiếng Hê-bơ-rơ [3].

Chúng ta có thể hiểu rằng, vì Giô-sép lẫn Ma-ri biết rõ mục đích sự ra đời của Đức Chúa Jesus, nên Đức Chúa Jesus đã được Giô-sép, và có thể cả Ma-ri, trực tiếp dạy cho biết đọc, biết viết, học thuộc và suy ngẫm Lời Chúa. Rất có thể Đức Chúa Jesus cũng được Giô-sép và Ma-ri cho đi học ở trường học địa phương, tại thành Na-xa-rét.

Chúng ta không biết Giô-sép đã qua đời khi Đức Chúa Jesus được bao nhiêu tuổi. Theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì Giô-sép đã qua đời sớm. Phân đoạn Thánh Kinh chúng ta học trong bài này là lần cuối cùng Giô-sép được nói đến, khi ông còn sống. Như vậy, cho dù Giô-sép qua đời sớm thì cũng là lúc Đức Chúa Jesus đã qua khỏi lứa tuổi 12 và đã có sự thông sáng tuyệt vời về Lời Chúa.

Cũng trong phân đoạn Thánh Kinh này, chúng ta không thấy nói đến các em của Đức Chúa Jesus. Theo văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng, cho tới lúc Đức Chúa Jesus được 12 tuổi thì bà Ma-ri vẫn chưa sinh thêm con. Ma-thi-ơ 13:55 và Mác 6:3 liệt kê tên các em trai của Đức Chúa Jesus: Gia-cơ, Giô-sê, Si-môn, và Giu-đe. Nhưng Ma-thi-ơ 13:56 và Mác 6:3 không liệt kê tên các em gái của Đức Chúa Jesus mà dùng hình thức số nhiều cho danh từ “em gái”, nên ít nhất Đức Chúa Jesus có hai em gái. Nếu sau khi Đức Chúa Jesus được 12 tuổi bà Ma-ri mới sinh thêm con thì cho dù Giô-sép có qua đời sớm, ít nhất cũng phải là lúc Đức Chúa Jesus đã được 18 tuổi. Con trai trong dân I-sơ-ra-ên thường theo cha học nghề từ khi 12 tuổi. Nếu Giô-sép qua đời lúc Đức Chúa Jesus được 18 tuổi, thì Ngài cũng đã có một nghề vững chắc trong tay để nuôi mẹ và các em.

Câu hỏi được đặt ra là: Khi nào thì Đức Chúa Jesus nhận biết, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, chịu chết để gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người? Chúng ta không có câu trả lời. Nhưng phân đoạn Thánh Kinh mà chúng ta học trong bài này giúp cho chúng ta hiểu rằng, vào lúc Đức Chúa Jesus được 12 tuổi thì Ngài đã có sự nhận thức đó.

41 Hằng năm, cha mẹ của Ngài vẫn đi đến Giê-ru-sa-lem vào Lễ Vượt Qua.

42 Khi Ngài đã lên mười hai tuổi, họ đã đi lên Giê-ru-sa-lem, theo thông lệ của ngày lễ.

Theo luật pháp của Thiên Chúa thì mỗi năm ba lần, những người nam trong dân I-sơ-ra-ên phải trình diện Thiên Chúa trong ba kỳ lễ hội, tại nơi Ngài chỉ định. Nơi ấy chính là thành Giê-ru-sa-lem, sau khi dân I-sơ-ra-ên đã vào được Đất Hứa Ca-na-an.

“Hết thảy người nam trong các ngươi, mỗi năm ba lần, phải trình diện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, tại nơi mà Ngài sẽ chọn: trong Lễ Bánh Không Men, trong Lễ Các Tuần Lễ, và trong Lễ Lều Trại. Chúng chẳng nên tay không, khi trình diện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16).

Lễ Bánh Không Men được bao gồm cả Lễ Vượt Qua trong ngày trước đó. Vì trong Lễ Vượt Qua, dân I-sơ-ra-ên cũng phải ăn bánh không men. Lễ Vượt Qua nhằm ngày 14 tháng Nisan, tức tháng Một. Lễ Bánh Không Men bắt đầu từ ngày 15 và kéo dài cho tới hết ngày 21 tháng Nisan. Lễ Các Tuần Lễ, còn gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhằm ngày 6 tháng Sivan, tức tháng Ba. Lễ Lều Trại bắt đầu từ ngày 15 và kéo dài cho tới hết ngày 21 tháng Tishrei, tức tháng Bảy.

Câu “Hằng năm, cha mẹ của Ngài vẫn đi đến Giê-ru-sa-lem vào Lễ Vượt Qua” không có nghĩa là họ không đi đến thành Giê-ru-sa-lem trong Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều Trại. Là hai người rất có lòng tin kính Chúa, chắc chắn Giô-sép và Ma-ri không bỏ qua ba kỳ lễ hội mà luật pháp của Chúa yêu cầu những người nam trong dân I-sơ-ra-ên phải đến Giê-ru-sa-lem để ra mắt Ngài. Mặc dù Ma-ri là phụ nữ và Đức Chúa Jesus khi còn là trẻ con không có bổn phận phải ra mắt Thiên Chúa trong ba kỳ lễ hội ấy; nhưng với lòng tin kính Chúa, Ma-ri đã cùng Giô-sép đem theo Đức Chúa Jesus về dự các kỳ lễ hội. Chặng đường từ Na-xa-rét đến Giê-ru-sa-lem vào khoảng 105 km. Nếu đi bộ, trung bình mất ba ngày.

Câu “Khi Ngài đã lên mười hai tuổi, họ đã đi lên Giê-ru-sa-lem, theo thông lệ của ngày lễ” không có nghĩa là trước khi Đức Chúa Jesus được 12 tuổi thì Giô-sép và Ma-ri không đem Ngài theo với họ, mỗi khi họ về Giê-ru-sa-lem tham dự các kỳ lễ hội.

Ý nghĩa của Lu-ca 2:41-42 là: Giô-sép và Ma-ri có thói quen về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua. Một trong các lần họ về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua thì Đức Chúa Jesus đã được 12 tuổi.

“Theo thông lệ của ngày lễ” có nghĩa là theo các quy định đã có của ngày lễ; hàm ý, những người nam trong I-sơ-ra-ên phải trình diện Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, và mỗi gia đình phải sắm sẵn chiên con làm sinh tế trong Lễ Vượt Qua.

Thánh Kinh không nói rõ ở tuổi nào thì những người nam phải mỗi năm ba lần, trình diện Thiên Chúa trong ba kỳ lễ hội. Nhưng Thánh Kinh cho biết, tuổi trưởng thành là 20 tuổi. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, đó cũng chính là hạn tuổi mà một người nam trong I-sơ-ra-ên phải ra mắt Thiên Chúa, trong ba kỳ lễ hội.

Theo phong tục của dân I-sơ-ra-ên, con gái được 12 tuổi một ngày và con trai được 13 tuổi một ngày thì bắt đầu phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Nói cách khác, dân I-sơ-ra-ên cho rằng, khi đạt đến số tuổi đó thì trẻ con đã hoàn toàn ý thức rõ ràng về sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thánh Kinh không hề nói ở lứa tuổi nào thì trẻ con phải chịu trách nhiệm về sự phạm tội. Trong Lê-vi Ký đoạn 24 có nói đến trường hợp một đứa trẻ trai nói phạm thượng Thiên Chúa bị Thiên Chúa truyền lệnh xử tử; nhưng không nói đứa trẻ đó ở tuổi nào. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 21 cũng nói đến điều luật xử tử hình những đứa con không vâng phục cha mẹ; nhưng cũng không nói rõ là kể từ lứa tuổi nào.

Nếu Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào ngày 08/10/7 TCN thì kỳ Lễ Vượt Qua khi Ngài đã 12 tuổi nhằm ngày 09/04/7. Có thể gia đình Giô-sép đã lên đường trước kỳ lễ khoảng bốn năm ngày, dù hành trình trung bình là ba ngày. Vì họ phải mang theo chiên con để ăn trong Lễ Vượt Qua, tốc độ đi đường không nhanh, và họ cũng muốn có thời gian tắm rửa sạch sẽ trước khi dự lễ. Họ có thể mua chiên con khi đến thành Giê-ru-sa-lem, nhưng như vậy sẽ tốn kém nhiều hơn là họ tự mang theo.

43 Khi họ đã giữ trọn các ngày lễ, họ đã trở về. Con trẻ Jesus đã ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem mà Giô-sép và mẹ của Ngài đã không biết.

44 Họ đã tưởng Ngài ở trong nhóm người đi chung. Đi được một ngày đường, họ đã tìm Ngài trong các người thân và trong các người quen.

“Giữ trọn các ngày lễ” là giữ trọn tám ngày ăn bánh không men, từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 cho tới khi mặt trời lặn của ngày 21 tháng Nisan. Mỗi ngày, họ đến Đền Thờ tham dự các buổi cầu nguyện và nghe các thầy thông giáo giảng Lời Chúa.

Có thể gia đình Giô-sép cùng người thân và láng giềng đã rời Giê-ru-sa-lem, lên đường về lại Na-xa-rét, vào sáng ngày 22 tháng Nisan, ngày theo sau Lễ Bánh Không Men, sau khi đến Đền Thờ dự giờ cầu nguyện buổi sáng. Lúc mọi người rời Đền Thờ thì cả Giô-sép lẫn Ma-ri đã không biết rằng, Đức Chúa Jesus vẫn còn ở trong khuôn viên Đền Thờ, trò chuyện với các thầy thông giáo. Họ tưởng Đức Chúa Jesus đi chung với các gia đình khác trong nhóm. Buổi tối, khi dừng chân nghỉ đêm, không thấy Đức Chúa Jesus, họ mới đi tìm Ngài trong nhóm người đi chung.

45 Khi họ không tìm thấy Ngài, họ đã trở lại thành Giê-ru-sa-lem, kiếm Ngài.

46 Đã xảy ra, sau ba ngày, họ đã gặp Ngài trong Đền Thờ, đang ngồi trong vòng các giáo sư, vừa nghe họ vừa hỏi họ.

Khi không tìm thấy Đức Chúa Jesus, sáng hôm sau, Giô-sép và Ma-ri đã trở lại thành Giê-ru-sa-lem. Họ phải đi một ngày đường. Buổi chiều, khi họ đã đến Giê-ru-sa-lem và cả ngày hôm sau họ đã đi tìm Đức Chúa Jesus trong thành. Cuối cùng, đến ngày thứ tư, họ vào tìm trong Đền Thờ mới thấy Đức Chúa Jesus đang trò chuyện với các thầy thông giáo.

Mệnh đề “sau ba ngày” được dùng để chỉ ngày thứ tư, kể từ ngày Giô-sép và Ma-ri rời Giê-ru-sa-lem để về lại Na-xa-rét. Ngày thứ nhất, họ trên đường từ Giê-ru-sa-lem về Na-xa-rét. Ngày thứ nhì, họ quay lại Giê-ru-sa-lem. Ngày thứ ba, họ tìm kiếm Đức Chúa Jesus trong thành Giê-ru-sa-lem. Ngày thứ tư, họ tìm gặp Ngài trong khuôn viên Đền Thờ.

Và như vậy, Đức Chúa Jesus cũng đã ba ngày trò chuyện với các thầy thông giáo, những người phụ trách việc sao chép Thánh Kinh và giảng dạy Thánh Kinh. Họ có các căn phòng dành cho sự giảng dạy Thánh Kinh trong khuôn viên Đền Thờ.

Thánh Kinh không ghi lại nội dung cuộc trò chuyện giữa Đức Chúa Jesus và các thầy thông giáo, mà chỉ ghi vắn tắt là Ngài nghe họ và hỏi họ. Nghe là nghe họ giảng giải Thánh Kinh. Hỏi có lẽ là hỏi ý nghĩa sâu nhiệm của các lời tiên tri về Đấng Christ.

47 Hết thảy những ai đã nghe Ngài, đều ngạc nhiên về sự hiểu biết và những câu trả lời của Ngài.

Có lẽ ngoài các thầy thông giáo còn có những người dân đến nghe sự giảng dạy Lời Chúa. Từ những người dân cho đến các thầy thông giáo, ai nấy đều ngạc nhiên về sự hiểu biết và những câu trả lời của Đức Chúa Jesus. Sự hiểu biết được nói ở đây là sự hiểu biết về Thánh Kinh Cựu Ước. Những câu trả lời của Đức Chúa Jesus có lẽ là sự giảng dạy của Ngài về ý nghĩa của các lời tiên tri về Đấng Christ. Có lẽ chưa bao giờ trong cuộc đời của những người được nghe Đức Chúa Jesus, họ được nghe ai giảng dạy rõ ràng, hợp lý về Lời Chúa như Đức Chúa Jesus.

48 Khi họ đã thấy Ngài, thì họ ngạc nhiên và mẹ của Ngài đã nói với Ngài: Hỡi con! Sao con làm cho chúng ta ra thế này? Này, cha của con và ta đã chịu khổ sở, tìm con.

49 Ngài đã thưa với họ: Sao mà các người kiếm con? Các người chẳng biết rằng, con phải có mặt trong những việc của Cha con sao?

Giô-sép và Ma-ri đã ngạc nhiên khi tìm thấy Đức Chúa Jesus là vì họ tìm thấy Ngài đang đối đáp với các thầy thông giáo. Chúng ta có thể hiểu rằng, Giô-sép hoặc Ma-ri đã ra dấu cho Đức Chúa Jesus ra khỏi phòng giảng để gặp họ; hoặc khi Đức Chúa Jesus nhìn thấy họ thì Ngài đã xin phép mọi người trong phòng để ra khỏi đó.

Câu Ma-ri nói với Đức Chúa Jesus là một lời quở trách nhẹ. “Làm cho chúng ta ra thế này” có nghĩa là làm cho chúng ta lo lắng, mỏi mệt, tìm con. “Cha của con và ta đã chịu khổ sở, tìm con” là nói lên một sự thực đã xảy ra. Mặc dù lo lắng và khổ sở tìm kiếm Đức Chúa Jesus nhưng có lẽ Giô-sép và Ma-ri đã không giận dữ, quở trách Ngài. Nhất là khi thấy Ngài đối đáp với các thầy thông giáo về Lời Chúa.

Câu Đức Chúa Jesus trả lời bà Ma-ri là lời đầu tiên do Ngài nói được ghi chép lại trong Thánh Kinh.

“Sao mà các người kiếm con?” Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, đại danh từ “các người” được hiểu ngầm khi động từ “kiếm” được dùng với hình thức ngôi thứ nhì, số nhiều. Câu hỏi này của Đức Chúa Jesus hàm ý, nếu Giô-sép và Ma-ri ở bên cạnh Ngài, trong phòng nghe giảng Lời Chúa, thì họ sẽ không phải đi tìm Ngài cách lo lắng và khổ sở.

“Các người chẳng biết rằng, con phải có mặt trong những việc của Cha con sao?” Câu này hàm ý, Giô-sép và Ma-ri đã biết rõ, mục đích sự ra đời của Đức Chúa Jesus thì phải biết rằng, Ngài phải sống một đời sống phụng sự Đức Chúa Trời.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa được gọi là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời. Vậy, có phải mỗi chúng ta cũng phải có mặt trong những việc của Đức Chúa Trời? Những việc của Đức Chúa Trời mà chúng ta cần phải dự phần là gì?

Ngày nay, nhiều người tuyên xưng đức tin về sự Đấng Christ có thể trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào. Sự có mặt của Hội Thánh trong thế gian này sẽ sớm chấm dứt. Hội Thánh cần sốt sắng trong những việc của Đức Chúa Trời. Nhưng dường như họ không có mặt trong những việc của Đức Chúa Trời. Thậm chí, họ không biết những việc nào là những việc của Đức Chúa Trời.

50 Nhưng họ đã không hiểu lời mà Ngài đã nói với họ.

Lý do Giô-sép và Ma-ri không hiểu lời mà Đức Chúa Jesus đã nói với họ là bởi vì cho tới khi ấy, chưa bao giờ có ai gọi Đức Chúa Trời là “Cha”. Họ hiểu và tin về sự Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Nhưng họ không biết rằng, Đấng Christ chính là Con của Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng một trinh nữ, là Ma-ri. Họ cũng chưa biết Ngài là Thiên Chúa, nhập thế làm người. Về sau, cũng có nhiều lần các môn đồ của Đức Chúa Jesus và những người nghe Ngài không hiểu một số lời Ngài phán với họ (Ma-thi-ơ 13:13; Mác 4:12-13; 9:32; Lu-ca 9:45; Giăng 8:27; 12:16; 16:18).

Ngày nay, những ai là con dân chân thật của Chúa sẽ hiểu được những lời của Đức Chúa Jesus. Vì Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật ngự trong thân thể họ, dẫn họ vào mọi lẽ thật của Lời Chúa. Ngoài ra, Đức Chúa Trời còn sắp đặt trong Hội Thánh những người giảng dạy Lời Chúa.

“Nhưng Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào trong mọi lẽ thật. Vì Ngài sẽ không tự mình nói, nhưng mọi điều Ngài đã nghe thì Ngài sẽ nói, và Ngài sẽ báo cho các ngươi những sự xảy đến.” (Giăng 16:13).

“Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

Nếu có ai không hiểu Lời Chúa thì người ấy hoặc không phải là con dân chân thật của Chúa, hoặc là không vâng phục những người mà Đức Chúa Jesus đã giao phó cho nhiệm vụ dạy họ (Ê-phê-sô 4:11). Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt những người giảng dạy Lời Chúa chân thật trong Hội Thánh với những giáo sư giả và những tiên tri giả trong các giáo hội. Những người giảng dạy Lời Chúa chân thật là những người sống theo Lời Chúa, sống theo sự họ giảng dạy, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Những giáo sư giả và những tiên tri giả thì rao giảng các tà giáo của các giáo hội, sống trong tội, ngang nhiên vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

51 Rồi, Ngài đã đi xuống với họ, vào đến thành Na-xa-rét; và cứ chịu vâng phục họ. Mẹ của Ngài đã giữ hết thảy các lời ấy trong lòng của bà.

“Đi xuống” có nghĩa là từ thành Giê-ru-sa-lem đi xuống các con đường dẫn đi các nơi khác. Vì thành Giê-ru-sa-lem nằm trên núi nên Thánh Kinh luôn dùng cách nói đi lên Giê-ru-sa-lem và đi xuống từ Giê-ru-sa-lem.

Động từ “cứ chịu vâng phục” hàm ý, trước đó Đức Chúa Jesus đã vâng phục và Ngài cứ tiếp tục vâng phục. Sự vâng phục cha mẹ là một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Mặc dù Ma-ri không hiểu lời phán của Đức Chúa Jesus về việc Ngài gọi Đức Chúa Trời là “Cha”; nhưng bà đã ghi nhớ lời ấy. Danh từ “lời” trong câu 50 mang hình thức số ít. Danh từ “lời” trong câu 51 mang hình thức số nhiều. Có nghĩa là Ma-ri đã ghi nhớ trong lòng không những lời Đức Chúa Jesus gọi Đức Chúa Trời là “Cha” mà còn ghi nhớ những lời mà bà đã nghe Đức Chúa Jesus đối đáp với các thầy thông giáo. Chúng ta có thể hiểu rằng, không phải Ma-ri chỉ ghi nhớ các lời nói của Đức Chúa Jesus mà bà còn suy ngẫm chúng.

52 Đức Chúa Jesus đã thêm lên sự khôn sáng và trưởng thành; đẹp lòng Thiên Chúa và loài người.

Sự khôn sáng trong Đức Chúa Jesus đã thêm lên, hàm ý, theo thời gian, theo sự trưởng thành của thân thể thì sự khôn sáng của Ngài cũng gia tăng. Điều đó có nghĩa, Đức Chúa Jesus hoàn toàn là một người và sự hiểu biết của Ngài phát triển bình thường như bất cứ người nào có lòng tin kính Thiên Chúa. Một sự hiểu biết được thần cảm của loài người, không phải là sự hiểu biết của Thiên Chúa. Trong suốt thời gian từ khi được sinh ra cho tới khi được sống lại từ trong những kẻ chết, Đức Chúa Jesus hoàn toàn sống và hành động trong thân vị loài người. Ngài không sử dụng thần tính. Chính vì thế mà Ngài đã không biết ngày và giờ Ngài sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trong khi Ngài đang sống trong thân thể xác thịt giữa thế gian (Mác 13:32).

“Đẹp lòng Thiên Chúa và loài người” có nghĩa là Ngài vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời đã được chính Đức Chúa Jesus tóm gọn như sau:

Ma-thi-ơ 22:37-40

37 Đức Chúa Jesus phán với ông: Ngươi sẽ hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời của ngươi.

38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn.

39 Còn điều răn thứ nhì cũng lớn như vậy: Ngươi sẽ yêu kẻ lân cận của ngươi như chính mình.

40 Hết thảy luật pháp và những lời tiên tri đều được treo trong hai điều răn này.

Người nào thật sự yêu Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu người khác như chính mình, thể hiện qua sự vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì người ấy là trọn vẹn trong sự yêu thương, thánh sạch, và công chính. Người ấy trở nên giống như Đấng Christ, được gọi là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:18).

Lu-ca 2:52 nói về Đức Chúa Jesus trong suốt khoảng thời gian từ khi Ngài được sinh ra cho tới khi Ngài bước vào mục vụ rao giảng Tin Lành, và dâng chính mạng sống của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho loài người.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/12/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Compayre, Gabriel; Payne, W. H., “History of Pedagogy (1899)”, Translated by W. H. Payne, 2003, Kessinger Publishing; ISBN 0-7661-5486-6; at page 9.

[2] Hezser, Catherine “Jewish Literacy in Roman Palestine”, 2001, Texts and Studies in Ancient Judaism; 81. Tuebingen: Mohr-Siebeck, at page 503.

[3] https://www.pbs.org/newshour/economy/jewish-literacy-as-the-road-to

Karaoke Thánh Ca: “Ngoài Ngài Con Có Ai?”
https://karaokethanhca.net/ngoai-ngai-con-co-ai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.