Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 12:01-19 Gia-cơ Bị Giết và Phi-e-rơ Được Thiên Sứ Cứu Khỏi Nhà Tù

1,287 views

YouTube: https://youtu.be/EJalRmP7pNc

44031 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1-19
Gia-cơ Bị Giết và Phi-e-rơ Được Thiên Sứ Cứu Khỏi Nhà Tù

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 12:1-19

1 Vào thời đó, Vua Hê-rốt đã ra tay hà hiếp một số người thuộc Hội Thánh.

2 Vua đã giết Gia-cơ, anh của Giăng, bằng gươm.

3 Vua thấy rằng, sự ấy đẹp lòng dân Do-thái nên cũng đã bắt thêm Phi-e-rơ nữa. Bấy giờ, đã là các ngày của Lễ Bánh Không Men.

4 Vua đã bắt giữ, giam vào nhà tù, giao cho bốn đội binh canh giữ người; dự định sau Lễ Vượt Qua thì đem người ra trước dân chúng. [Mỗi đội binh có bốn người lính.]

5 Vậy, thực tế, Phi-e-rơ đã bị canh giữ trong nhà tù, nhưng lời cầu nguyện không ngừng cho người đã được Hội Thánh dâng lên Đức Chúa Trời.

6 Vào lúc Hê-rốt định đem người ra, trong đêm đó, Phi-e-rơ đã bị xiềng với hai dây xích, ngủ giữa hai người lính, và các lính gác trước cửa canh giữ nhà tù.

7 Kìa! Thiên sứ của Chúa đã xuất hiện, và ánh sáng chiếu trong ngục. Thiên sứ đã vỗ vào hông Phi-e-rơ, đánh thức người, nói: Hãy trỗi dậy! Nhanh lên! Các dây xích của người đã rớt xuống khỏi tay.

8 Thiên sứ cũng nói với người: Hãy thắt lưng và cột giày của ngươi! Người đã làm như vậy. Thiên sứ đã nói với người: Hãy choàng áo khoác của ngươi và theo ta.

9 Người đã đi ra, theo thiên sứ, chẳng biết việc đó là thật, đã được làm bởi thiên sứ; nhưng tưởng mình thấy khải tượng.

10 Khi đã qua khỏi vọng canh thứ nhất và thứ nhì, họ đã đến cổng sắt, dẫn vào thành; cổng ấy đã tự mở cho họ. Rồi, họ đã đi qua, đi lên đường cái, tức thì, thiên sứ lìa khỏi người.

11 Phi-e-rơ đã tỉnh trí, nói: Bây giờ, ta biết chắc rằng, Chúa đã sai thiên sứ của Ngài và đã giải cứu ta khỏi tay của Hê-rốt cùng hết thảy sự mong đợi của dân Do-thái.

12 Khi người đã nhận thức sự việc thì đến nhà của Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, nơi nhiều người đã nhóm hiệp và cầu nguyện.

13 Phi-e-rơ đã gõ cửa cổng. Một tớ gái tên Rô-đơ đã đến nghe.

14 Khi nàng nhận biết tiếng của Phi-e-rơ thì đã không mở cổng, vì mừng rỡ, nhưng chạy vào, báo tin Phi-e-rơ đã đứng trước cổng.

15 Họ đã nói với nàng: Ngươi nói sảng! Nhưng nàng đã quả quyết là có như vậy. Họ đã nói: Ấy là thiên sứ của người.

16 Nhưng Phi-e-rơ đã cứ gõ cửa. Khi họ mở cửa, thấy người, thì họ đã sững sờ.

17 Nhưng người đã dùng tay ra dấu cho họ giữ im lặng; thuật cho họ, thế nào Chúa đã đem người ra khỏi nhà tù. Người nói: Hãy báo tin những sự này cho Gia-cơ và các anh chị em cùng Cha. Rồi, người đã rời khỏi, sang nơi khác.

18 Sáng đến, có sự xôn xao không nhỏ trong các người lính, vì sự đã xảy ra với Phi-e-rơ.

19 Hê-rốt đã tìm người, nhưng chẳng tìm được, thì tra hỏi các lính canh, rồi truyền lệnh đem họ đi phạt. Rồi, người đã từ Giu-đê xuống thành Sê-sa-rê, ở lại đó.

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 12 là phần kết thúc sự ghi chép những gì đã xảy ra, tại Giê-ru-sa-lem và trong xứ Giu-đê, từ ngày Hội Thánh được thành lập cho tới ngày Tin Lành bắt đầu được rao giảng cho các dân ngoại. Từ Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 13 trở đi, phần lớn là sự ghi chép các hành trình truyền giáo của Sứ Đồ Phao-lô, từ An-ti-ốt cho đến hầu hết các vùng trong lãnh thổ của đế quốc La-mã thời bấy giờ.

Trong đoạn 12 có ba sự kiện đã được ghi lại. Đó là sự Sứ Đồ Gia-cơ, anh của Sứ Đồ Giăng, bị Vua Hê-rốt giết; sự Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng bị Vua Hê-rốt bắt giam vào nhà tù, nhưng đã được thiên sứ của Chúa giải cứu; và sự Vua Hê-rốt đã bị thiên sứ đánh chết, vì kiêu ngạo.

Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về sự kiện Sứ Đồ Gia-cơ bị giết và Sứ Đồ Phi-e-rơ được giải cứu.

1 Vào thời đó, Vua Hê-rốt đã ra tay hà hiếp một số người thuộc Hội Thánh.

2 Vua đã giết Gia-cơ, anh của Giăng, bằng gươm.

Vào thời đó” là vào khoảng thời gian gần với sự kiện Vua Hê-rốt bị thiên sứ đánh chết, vào khoảng đầu năm 44. Vua Hê-rốt được nói đến ở đây là Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, khác với con của ông là Ạc-ríp-ba Đệ Nhị, người đã được nghe Phao-lô giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 25).

Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất là cháu nội của Hê-rốt Đại Đế. Hê-rốt Đại Đế là người đã ra lệnh giết các bé trai từ hai tuổi trở xuống, trong thành Bết-lê-hem và các vùng phụ cận, mong giết được Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 2). Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã cai trị xứ Giu-đê từ năm 41 tới năm 44.

Để lấy lòng những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã ra tay bách hại một số người trong Hội Thánh, trong đó có Sứ Đồ Gia-cơ và Sứ Đồ Phi-e-rơ. Ý nghĩa của Công Vụ Các Sứ Đồ 12:2 là Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất đã ra lệnh bắt Sứ Đồ Gia-cơ và chém đầu ông. Theo luật La-mã thời bấy giờ, tội phạm hình sự hoặc tù binh thì bị tử hình bằng hình thức đóng đinh trên giá gỗ, còn tội phạm chống nhà cầm quyền thì bị tử hình bằng hình thức chém đầu. Sứ Đồ Gia-cơ có lẽ đã bị bắt và bị giết vào đầu năm 44.

3 Vua thấy rằng, sự ấy đẹp lòng dân Do-thái nên cũng đã bắt thêm Phi-e-rơ nữa. Bấy giờ, đã là các ngày của Lễ Bánh Không Men.

4 Vua đã bắt giữ, giam vào nhà tù, giao cho bốn đội binh canh giữ người; dự định sau Lễ Vượt Qua thì đem người ra trước dân chúng. [Mỗi đội binh có bốn người lính.]

Có lẽ khi Gia-cơ bị bắt thì Phi-e-rơ đã không có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Sau đó, Phi-e-rơ quay về Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men thì bị Hê-rốt bắt. Mục đích của Hê-rốt là đem Phi-e-rơ ra xử tử trước dân Do-thái, nhưng vì đang trong thời gian của Lễ Bánh Không Men, kéo dài suốt một tuần, nên đành phải tạm giam Phi-e-rơ.

Bốn đội binh canh giữ Phi-e-rơ, mỗi đội gồm bốn người lính, mỗi ba tiếng thì thay phiên một lần. Có lẽ mỗi phiên thì hai người lính bị xiềng chung với Phi-e-rơ trong phòng giam, còn hai người thì đứng canh trước cửa. Lý do Hê-rốt cho lính canh giữ Phi-e-rơ gắt gao như vậy, có lẽ là vì vua đã nghe biết về chuyện Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đã thoát khỏi phòng giam của Tòa Công Luận (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:17-25).

Lễ Vượt Qua chỉ có một ngày là ngày 14 tháng Nisan, tức tháng thứ nhất của mùa xuân, theo Lịch Do-thái. Từ ngày 15 đến hết ngày 21 là các ngày của Lễ Bánh Không Men. Nhưng người Do-thái có thói quen gộp chung Lễ Vượt Qua với Lễ Bánh Không Men. Vì thế, khi nói đến Lễ Vượt Qua là bao gồm cả bảy ngày của Lễ Bánh Không Men; hoặc khi nói đến Lễ Bánh Không Men thì cũng bao gồm luôn ngày Lễ Vượt Qua. Vì ngày Lễ Vượt Qua cũng là ngày dân I-sơ-ra-ên phải ăn bánh không men.

Trong Bản Dịch King James, danh từ “pascha” /pas’-khah/ (G3957) được dịch là “Easter”. Đây là lần duy nhất trong suốt Bản Dịch King James danh từ này “bị” dịch như vậy. Chúng ta đã biết danh từ “Easter” vốn được ngoại giáo dùng để mừng sinh nhật một nữ tà thần. Quý ông bà anh chị em có thể đọc bài “Easter: Huyền Thoại về Easter” đã được chúng tôi đăng trên timhieutinlanh.com để biết thêm chi tiết về “Easter” [1].

Chúng ta không biết rõ, vì lý do gì ban phiên dịch Bản Dịch King James đã chọn dịch như vậy. Nhưng trong Bản Dịch Mới King James thì dịch đúng là “Passover”, tức là Lễ Vượt Qua.

5 Vậy, thực tế, Phi-e-rơ đã bị canh giữ trong nhà tù, nhưng lời cầu nguyện không ngừng cho người đã được Hội Thánh dâng lên Đức Chúa Trời.

Câu này nhấn mạnh sự kiện Phi-e-rơ bị tù và Hội Thánh cầu thay cho ông là có thật. Có thể Phi-e-rơ bị bắt liền trước ngày Lễ Vượt Qua và bị giam lại để chờ sau ngày cuối cùng của Lễ Bánh Không Men, tức là sau ngày 21 tháng Nisan, thì sẽ bị đem ra giết trước công chúng. Đây là một trường hợp điển hình để dạy cho Hội Thánh về tinh thần sốt sắng cầu thay cho nhau.

Lời cầu nguyện không ngừng”, hàm ý, từ khi Phi-e-rơ bị bắt cho tới thời điểm ấy, Hội Thánh đã liên tục cùng nhau cầu thay cho ông. Có nghĩa là Hội Thánh đã liên tục cầu thay cho Phi-e-rơ trong suốt bảy ngày.

Lời cầu nguyện không ngừng” không có nghĩa là ai nấy liên tục cầu nguyện trong suốt bảy ngày đêm, nhưng là các anh chị em trong Hội Thánh luân phiên cầu nguyện để lúc nào cũng có người dâng lời cầu thay cho Phi-e-rơ, lên Đức Chúa Trời.

Chúng ta đã biết, mỗi con dân Chúa phải chiến đấu với thế lực thuộc linh gian ác là ma quỷ. Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ chúng ta phạm tội, bách hại chúng ta để chúng ta mất đức tin. Ma quỷ còn có thể lợi dụng người khác và các bậc cầm quyền để bách hại chúng ta. Là con dân Chúa, chúng ta chỉ cần vững tin nơi Chúa trong mọi cảnh ngộ, như Phao-lô và Si-la, lúc nửa đêm, vẫn hát tôn vinh Chúa và cầu nguyện, khi bị nhốt tù; và phép lạ đã xảy ra (Công Vụ Các Sứ Đồ 16). Hoặc là bình an mà ngủ như Phi-e-rơ, phép lạ cũng đã xảy ra.

Tuy nhiên, cùng lúc, lời cầu nguyện sốt sắng của con dân Chúa cũng là điều cần thiết, vì sự ích lợi chung của Hội Thánh. Chúng ta cần hiểu rõ các điều sau đây:

  • Đức Chúa Trời không cần chúng ta cầu nguyện để Ngài giải cứu con dân của Ngài. Ngài là Cha, Ngài đương nhiên sẽ làm chuyện đó trong thời điểm của Ngài, theo phương cách Ngài chọn. Thậm chí, Ngài có thể dùng cái chết do những kẻ bách hại gây ra để giải cứu con dân của Ngài, như Ngài đã giải cứu Ê-tiên, Gia-cơ, đem họ ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng.

  • Chúng ta sốt sắng cầu thay cho anh chị em cùng đức tin, vì chúng ta xem nhu cầu và hoạn nạn của họ chính là nhu cầu và hoạn nạn của chúng ta, vì mỗi người là chi thể của cùng một thân. Lời cầu thay xuất phát từ tình yêu thật trong chúng ta. Chúng ta yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình. Chúng ta không muốn họ bị khốn khổ như chúng ta không muốn chính mình bị khốn khổ. Chúng ta thà rằng, mình chịu khổ hơn là anh chị em của mình chịu khổ.

  • Bởi sự thông công trong tâm thần mà người được cầu thay sẽ được an ủi nhiều, sự khốn khổ được bớt đi, khi Hội Thánh cầu thay cho người ấy. Hãy nhớ, chính Đức Chúa Jesus cũng muốn các môn đồ cùng thức để cầu nguyện với Ngài, trong đêm Ngài bị bắt.

  • Khi chúng ta cầu thay cho nhau, chúng ta được tỉnh thức trước các mưu kế và những sự tấn công của ma quỷ vào trong bản thân và Hội Thánh.

  • Khi chúng ta cầu thay cho nhau thì ma quỷ bị đánh trả, vì lời cầu nguyện là một trong các vũ khí thuộc linh Đức Chúa Trời đã ban cho con dân của Ngài.

  • Khi chúng ta cầu thay cho nhau là chúng ta vâng theo Lời Chúa đã dạy.

  • Đức Chúa Jesus sẽ ban thưởng cho chúng ta khi chúng ta chân thành và sốt sắng cầu thay cho anh chị em cùng Cha của chúng ta. Lời cầu thay của chúng ta là điều lành tốt nhất mà chúng ta có thể làm ra cho anh chị em cùng Cha của chúng ta. Mọi sự chúng ta làm cho anh chị em cùng Cha của chúng ta là chúng ta làm cho chính Đấng Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46).

Ước mong rằng, mỗi Hội Thánh địa phương đều học tập tinh thần sốt sắng cầu thay cho nhau, như con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem thời bấy giờ. Khi chúng ta có tinh thần sốt sắng cầu thay cho nhau như vậy, chúng ta sẽ thấy nhiều phép lạ xảy ra trong Hội Thánh địa phương của chúng ta.

6 Vào lúc Hê-rốt định đem người ra, trong đêm đó, Phi-e-rơ đã bị xiềng với hai dây xích, ngủ giữa hai người lính, và các lính gác trước cửa canh giữ nhà tù.

Vào lúc Hê-rốt định đem người ra” là vào ngày mà Hê-rốt quyết định đem Phi-e-rơ ra xử tử trước công chúng. Chúng ta cần nhớ, một ngày mới theo Thánh Kinh, được dân I-sơ-ra-ên công nhận, là bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại cho tới khi mặt trời lặn của ngày hôm sau. Vì thế, lúc mà Hê-rốt định đem Phi-e-rơ ra giết là nhằm vào ngày 22 tháng Nisan, ngày tiếp liền theo Lễ Bánh Không Men.

Dựa vào câu 4, chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi phiên gác là một đội binh gồm bốn người lính giữ việc canh giữ Phi-e-rơ. Trong đó, hai người lính bị xiềng chung với Phi-e-rơ; hai người còn lại thì canh gác trước cửa phòng giam.

7 Kìa! Thiên sứ của Chúa đã xuất hiện, và ánh sáng chiếu trong ngục. Thiên sứ đã vỗ vào hông Phi-e-rơ, đánh thức người, nói: Hãy trỗi dậy! Nhanh lên! Các dây xích của người đã rớt xuống khỏi tay.

Thánh Kinh không nói rõ thiên sứ xuất hiện vào giờ nào, nhưng có lẽ đã khuya, vì Phi-e-rơ đang ngủ. Chúng ta có thể hiểu, ánh sáng chiếu trong ngục là từ sự vinh quang của thiên sứ.

Khi thiên sứ đánh thức Phi-e-rơ thì các dây xích đã không còn trên tay của Phi-e-rơ. Có thể mỗi tay của Phi-e-rơ đã bị xích vào tay hoặc thắt lưng của một người lính. Chúng ta có thể hiểu rằng, các người lính đều bị thiên sứ làm cho ngủ mê, như trường hợp Chúa đã làm cho Sau-lơ và các người lính của ông bị ngủ mê, được ghi lại trong I Sa-mu-ên 26:12.

8 Thiên sứ cũng nói với người: Hãy thắt lưng và cột giày của ngươi! Người đã làm như vậy. Thiên sứ đã nói với người: Hãy choàng áo khoác của ngươi và theo ta.

9 Người đã đi ra, theo thiên sứ, chẳng biết việc đó là thật, đã được làm bởi thiên sứ; nhưng tưởng mình thấy khải tượng.

Mặc dù Phi-e-rơ làm theo lời truyền của thiên sứ, nhưng ông vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn nên tưởng là mình đang nhìn thấy khải tượng. Điều đó có nghĩa là Phi-e-rơ vẫn ý thức được hoàn cảnh chung quanh, nhìn thấy các người lính đang ngủ say, nhìn thấy thiên sứ trong trang phục chiếu sáng, nghe và hiểu mọi lời thiên sứ nói, làm theo, và biết là mình đang thức.

Chẳng biết việc đó là thật” có nghĩa là chẳng biết mọi sự đang xảy ra trong thực tế chứ không phải là trong khải tượng. Việc xảy ra trong khải tượng là việc đã xảy ra trong quá khứ, có thể như trong trường hợp Chúa ban cho Môi-se khải tượng về sự sáng tạo, để viết các chương đầu của sách Sáng Thế Ký. Hoặc việc sẽ xảy ra trong tương lai, như khải tượng Chúa ban cho Sứ Đồ Giăng, được ghi lại trong sách Khải Huyền. Hoặc việc chỉ xảy ra trong thế giới thuộc linh để ban truyền thánh ý của Chúa cho người thấy khải tượng, như khải tượng Chúa đã ban cho Cọt-nây và Phi-e-rơ, liên quan tới thời điểm người tin nhận Tin Lành thuộc các dân ngoại được nhập vào trong Hội Thánh.

10 Khi đã qua khỏi vọng canh thứ nhất và thứ nhì, họ đã đến cổng sắt, dẫn vào thành; cổng ấy đã tự mở cho họ. Rồi, họ đã đi qua, đi lên đường cái, tức thì, thiên sứ lìa khỏi người.

Có lẽ thiên sứ và Phi-e-rơ đã theo thứ tự sau đây khi ra khỏi nhà tù:

  • Cửa phòng giam có hai lính canh.

  • Cửa chính dẫn vào các phòng giam, có lính canh, gọi là vọng canh thứ nhất.

  • Cửa chính dẫn vào khu vực nhà tù, có lính canh, gọi là vọng canh thứ nhì.

Nhà tù nằm ngoài cổng thành. Ra khỏi khu vực nhà tù, đi một lúc thì đến cổng sắt dẫn vào thành. Đây là một cổng nhỏ, cũng có lính canh, bên cạnh cổng lớn, dùng để ra vào thành ban đêm khi quân lính hay dân chúng có việc cần.

Đường cái” tức là con đường chính, đi từ cổng thành vào giữa thành. Từ đó vào trong thành thì không còn lính canh nữa, nên thiên sứ đã rời khỏi Phi-e-rơ.

11 Phi-e-rơ đã tỉnh trí, nói: Bây giờ, ta biết chắc rằng, Chúa đã sai thiên sứ của Ngài và đã giải cứu ta khỏi tay của Hê-rốt cùng hết thảy sự mong đợi của dân Do-thái.

12 Khi người đã nhận thức sự việc thì đến nhà của Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, nơi nhiều người đã nhóm hiệp và cầu nguyện.

Tỉnh trí” có nghĩa là đã hoàn toàn tỉnh ngủ và nhận thức rõ ràng hoàn cảnh thực tế trong thế giới thuộc thể. Phi-e-rơ biết rõ, Hê-rốt định giết ông để lấy lòng những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Còn những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo thì rất căm ghét ông, vì ông rao giảng rằng, Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Cũng rất có thể những người lính canh đã đem ông ra làm trò vui suốt một tuần qua, về sự ông sẽ bị giết.

Mác được nói đến ở đây là người viết sách Mác, là học trò thân cận của Phi-e-rơ, cũng là người cùng đi truyền giáo với Ba-na-ba và Phao-lô, trong hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô.

Ma-ri mẹ của Mác có lẽ là một góa phụ giàu có, vì không thấy Thánh Kinh nhắc đến chồng của bà. Bà là cô, hoặc dì, hoặc thím hay bác dâu của Ba-na-ba, vì Cô-lô-se 4:10 cho biết Mác là anh em họ của ông. Ba-na-ba cũng là một người giàu có, đã bán tài sản của mình dâng vào Hội Thánh. Căn nhà của Ma-ri cũng chính là căn nhà có phòng cao, chứa khoảng 120 môn đồ của Chúa trong ngày Chúa thành lập Hội Thánh, và là nơi tạm trú của 12 sứ đồ. Nói cách khác, Phi-e-rơ đã trở về nơi tạm trú của mình mà cũng có thể là nơi mà ông đã bị bắt.

Có lẽ con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem đã tập trung trong căn phòng cao để liên tục cầu thay cho Phi-e-rơ.

13 Phi-e-rơ đã gõ cửa cổng. Một tớ gái tên Rô-đơ đã đến nghe.

14 Khi nàng nhận biết tiếng của Phi-e-rơ thì đã không mở cổng, vì mừng rỡ, nhưng chạy vào, báo tin Phi-e-rơ đã đứng trước cổng.

Cửa cổng là cánh cửa của cổng. Từ cửa cổng phải đi qua một khoảng ngắn để đến cửa nhà. Khi Phi-e-rơ gõ cửa cổng thì người tớ gái của Ma-ri, tên là Rô-đơ, đã ra cổng nghe ngóng. Tên Rô-đơ có nghĩa là hoa hồng. Quý ông bà anh chị em hiểu như thế nào, khi Đức Thánh Linh khiến Lu-ca ghi lại tên của người tớ gái này, trong Thánh Kinh?

Với sự Gia-cơ bị bắt, rất có thể là bị bắt cùng tại căn nhà của Ma-ri, và bị chém, cùng sự Phi-e-rơ bị bắt đã một tuần; người tớ gái tên Rô-đơ đã được giao cho việc nghe ngóng khi có người gọi cổng. Tuy nhiên, khi Rô-đơ nghe và nhận ra tiếng của Phi-e-rơ thì nàng đã quá mừng, quên mở cổng cho Phi-e-rơ, mà lại chạy ngay vào trong nhà, báo tin mừng cho mọi người.

15 Họ đã nói với nàng: Ngươi nói sảng! Nhưng nàng đã quả quyết là có như vậy. Họ đã nói: Ấy là thiên sứ của người.

Những người ở trong nhà, tức là những con dân Chúa đang cầu thay cho Phi-e-rơ đã tưởng rằng, vì Rô-đơ quá quan tâm cho Phi-e-rơ nên nằm mơ và nói sảng. Chúng ta cần nhớ, lúc ấy vẫn còn là đêm khuya nên họ đã nghĩ rằng, Rô-đơ nằm mơ, thấy Phi-e-rơ nên giật mình, thức dậy và nói sảng.

Nói sảng là nói mà không ý thức mình nói gì, như người nói trong giấc ngủ mê, hoặc trong cơn sốt bệnh, hoặc là chưa hoàn toàn tỉnh ngủ.

Có một điều đáng chú ý, là những người này đang cầu thay cho Phi-e-rơ nhưng họ lại không có hy vọng là Phi-e-rơ được Chúa giải cứu. Họ hai lần bác ra tin mừng của Rô-đơ, dù là nàng quả quyết chính Phi-e-rơ đang đứng tại cổng.

Thậm chí, họ cho rằng, nếu có người có hình dáng giống Phi-e-rơ, có giọng nói giống Phi-e-rơ thì cũng chẳng phải là Phi-e-rơ. Vì trong khi thăm nuôi Phi-e-rơ, họ đã nhìn thấy ông bị canh giữ rất nghiêm. Thời ấy, nhà cầm quyền La-mã thường buộc thân nhân của người tù phải lo thức ăn cho người tù. Họ cho rằng, ấy là thiên sứ của Phi-e-rơ, mượn hình dáng của Phi-e-rơ đến báo tin liên quan đến Phi-e-rơ. Nhưng nếu là thiên sứ của Phi-e-rơ thì cần gì phải gõ cửa?

Theo niềm tin truyền thống của dân I-sơ-ra-ên thì mỗi người từ khi được sinh ra đều có một thiên sứ canh giữ và bảo vệ người ấy suốt đời sống của người ấy. Niềm tin này đúng một phần, như đã được Đức Chúa Jesus phán dạy trong Ma-thi-ơ 18:6, 10 là các trẻ con tin Chúa đều có thiên sứ bảo vệ chúng. Chúng ta có thể hiểu, trẻ con không tin Chúa thì không có thiên sứ bảo vệ. Trẻ con chưa đến tuổi hiểu biết để tự mình tin Chúa mà có cha mẹ tin Chúa thì vẫn có thiên sứ bảo vệ. Những trẻ con cứ tiếp tục tin Chúa khi trưởng thành hoặc những người trưởng thành rồi mới tin Chúa thì vẫn có các thiên sứ đi theo bảo vệ, như hàm ý trong Thi Thiên 91:11-12.

16 Nhưng Phi-e-rơ đã cứ gõ cửa. Khi họ mở cửa, thấy người, thì họ đã sững sờ.

17 Nhưng người đã dùng tay ra dấu cho họ giữ im lặng; thuật cho họ, thế nào Chúa đã đem người ra khỏi nhà tù. Người nói: Hãy báo tin những sự này cho Gia-cơ và các anh chị em cùng Cha. Rồi, người đã rời khỏi, sang nơi khác.

Tới khi mọi người ra cổng để mở cửa, nhìn thấy Phi-e-rơ thì họ biết đúng là ông. Vì ông không có sự sáng láng của thiên sứ, và có lẽ vì sự tiều tụy của ông sau một tuần bị giam giữ. Họ sững sờ trước sự kiện Phi-e-rơ đang thực sự đứng trước họ.

Trước khi họ có thể lên tiếng thì Phi-e-rơ đã đưa tay, ra dấu cho họ giữ im lặng. Liền theo đó, không kịp vào nhà, Phi-e-rơ đã thuật lại sự kiện thiên sứ của Chúa đã giải cứu ông như thế nào cho họ nghe, yêu cầu họ báo tin cho Gia-cơ, tức là Gia-cơ em của Chúa, đang là giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, cùng các anh chị em khác trong Hội Thánh. Rồi, Phi-e-rơ đi ngay sang nơi khác, vì sợ quân lính sẽ truy tìm đến.

18 Sáng đến, có sự xôn xao không nhỏ trong các người lính, vì sự đã xảy ra với Phi-e-rơ.

19 Hê-rốt đã tìm người, nhưng chẳng tìm được, thì tra hỏi các lính canh, rồi truyền lệnh đem họ đi phạt. Rồi, người đã từ Giu-đê xuống thành Sê-sa-rê, ở lại đó.

Vài tiếng đồng hồ sau, khi các người lính có bổn phận canh giữ Phi-e-rơ thức dậy, không nhìn thấy Phi-e-rơ thì họ đã xôn xao bàn tán. Chúng ta có thể tin rằng, họ đều nghe biết về câu chuyện Phi-e-rơ và các sứ đồ thoát khỏi phòng giam của Tòa Công Luận. Chúng ta cũng có thể tin rằng, trong khi họ xiềng Phi-e-rơ chung với hai người lính thì họ cũng bỡn cợt, thách thức Phi-e-rơ thoát ra khỏi nhà tù.

Hê-rốt đã ra lệnh cho đi tìm Phi-e-rơ nhưng không ai tìm thấy. Vua đã tra hỏi các lính canh rồi truyền lệnh đem họ đi xử phạt. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và một số bản dịch tiếng Anh dịch là “giết”. Nhưng động từ “apagō” /ap-ag’-o/ (G520). Chỉ có nghĩa là giải đi chịu xử án hoặc chịu hình phạt, không nhất thiết là bị tử hình.

Phi-e-rơ đã đến thành Sê-sa-rê, có lẽ tạm trú tại nhà của Cọt-nây.

Tới đây, chúng ta kết thúc bài học này.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/11/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

Karaoke Thánh Ca: “Trọn Đời Này”
https://karaokethanhca.net/tron-doi-nay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.